Bài Giảng Thánh Lễ Vọng Phục Sinh 2024: ĐGM Stephano Tri Bửu Thiên

print

Bài Giảng Thánh Lễ Vọng Phục Sinh 2024

ĐGM Stephano Tri Bửu Thiên

  

   1/.Đi ngang qua các nhà thờ công giáo, rất nhiều người đã đọc thấy câu này : Mừng Chúa Phục Sinh. Nhiều người thắc mắc, không hiểu Phục Sinh là gì ? Và Chúa Phục Sinh là Chúa nào vậy ? Phải chăng phục sinh là “phục hồi lại sự sống đã mất” theo kiểu một người nào đó đang sống, rồi ngã lăn ra chết (do bệnh tật, hoặc vì bất cứ lý do gì), sau đó ít ngày bỗng sống lại, rồi lại chết, rồi lại sống lại. Có phải Phục Sinh, đối với người công giáo là như vậy không ? Và như vậy thì vô lý quá. Ai mà tin cho nổi ! Xin thưa ngay rằng, đó không phải là kiểu tin của người công giáo, đó không phải là Phục Sinh. Phục Sinh theo giáo lý công giáo chính là sự biến đổi thực trạng sống : biến đổi từ thế giới vật chất hữu hình, hữu hạn, ngang qua cái chết, và cái chết được coi như là một bước trung chuyển, một chuyến xe trung chuyển, đưa chúng ta đi từ thế giới vật chất, hữu hình, hữu hạn để bước sang thế giới thiêng liêng vô hình và vĩnh cửu (không còn bị trói buộc trong không gian và thời gian). Sự biến đổi đó chính là thân phận của mỗi con người và của mọi con người. Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người, trong thân phận một con người, Đức Giê-su không phải là một ngoại lệ. Ngài cũng phải chấp nhận ngang qua cái chết để đến Phục Sinh vinh quang. Tin Mừng (Ga 13,1) ghi rất rõ ràng về chân lý này : “Trước lễ vượt qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian (tức là giờ chết) mà về cùng Cha”, tức là lúc phải từ bỏ thế giới vật chất hữu hình, hữu hạn để bước sang thế giới thiêng liêng vô hình và vĩnh cửa. Sự biến đổi đó chính là sự Phục Sinh. Mừng Chúa Phục Sinh là những Ki-tô hữu chúng ta mừng kỷ niệm việc Đức Giê-su đã ngang qua cái chết, ngang qua cuộc khổ nạn và cái chết đau thương trên thập giá và đã Phục Sinh Vinh Quang.

 

   2/.Ngoài thắc mắc vừa nêu, có nhiều người cũng đã nêu lên một câu hỏi khác cho tất cả các Ki-tô hữu chúng ta, rằng : “người công giáo quý vị bảo rằng Đức Giê-su, Chúa của quý vị, sau khi chịu đóng đinh vào thập giá, đã chết và sau 3 ngày đã sống lại vậy xin hỏi : Đức Giê-su đã sống lại vào lúc nào ? Làm sao mà biết được ? Một câu hỏi rất hay, một thắc mắc rất cần được giải đáp và làm rõ. Để giải đáp cho vấn nạn này, ta cần phải dựa vào những sự kiện lịch sử có thật, đáng tin và có thể kiểm chứng được. Việc khám phá ra Đức Giê-su đã phục sinh sau khi chết, là một khám phá thực sự rất tình cờ. Rất tình cờ do việc một số người phụ nữ đã đi đến phần mộ của Đức Giê-su lúc rạng sáng ngày đầu tuần, (tức là ngày Chúa nhật, theo cách nói hôm nay); họ đi ra mộ không phải để rình xem Đức Giê-su đã sống lại chưa (như Người đã hứa), nhưng họ đến mộ với một mục đích rõ ràng khác; bởi lẽ không có bất cứ ai trong họ và cả trong số các tông đồ, các môn đệ và những người thân của Đức Giê-su, tin rằng sau khi chết Người sẽ phục sinh, cho dù Người đã công công khai, công bố rõ điều này, không chỉ một mà đến ba lần, nhưng rõ ràng là chẳng có một ai tin vào lời loan báo đó. Vậy nếu đã không tin thì mấy bà phụ này đến mộ để làm gì ? Theo lời kể của Tin Mừng Lu-ca (Lc 24,1-3) “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà (Maria Mác-đa-la, Maria vợ ông Clê-ô-pha và một bà Maria khác) đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn…”

 

Để hiểu rõ các bà này đi ra mộ để làm gì lúc vừa tảng sáng ngày đầu tuần, chúng ta cần phải tìm hiểu về cách tính ngày của người Do Thái. Người Do Thái bắt đầu một ngày mới vào lúc 06 giờ chiều của ngày hôm trước và kết thúc vào lúc 18 giờ tức là lúc 06 giờ chiều của ngày hôm sau. Đức Giê-su tắt thở trên thập giá vào lúc 03 giờ chiều ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. 06 giờ chiều ngày Thứ Sáu là bắt đầu ngày Sa-bát. Theo tập tục của người Do Thái thì ngày Sa-bát không ai được đi khỏi nhà quá 1000 mét, tức một cây số. Do đó, trong khoảng thời gian vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ từ 15 giờ đến 18 giờ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, những người thân của Đức Giê-su phải gấp rút hoàn tất những việc sau đây :

{1}Xin phép Phi-la-tô cho hạ xác Đức Giê-su xuống khỏi thập giá,

{2}lau sạch các vết máu trên toàn thân xác Đức Giê-su;

{3}tẩm dầu thơm trên xác Đức Giê-su rồi dùng vải liệm bó chặt thân xác Đức Giê-su; {4}khiêng xác Đức Giê-su vào huyệt đá mới do ông Giu-se người thành A-ri-ma-thia tặng; {5}Lấp tảng đá lớn ngoài cửa huyệt nơi đặt để xác Đức Giê-su;

{6}phải vội vã, ai về nhà nấy trước 18 giờ.

 

Vì thời giờ quá cấp bách nên những người của Đức Giê-su chỉ có thể mai táng Đức Giê-su một cách sơ sài, đợi sau ngày Sa-bát họ sẽ lại đến mộ, với thuốc thơm và có thể có cả vải liệm mới để cải táng xác Đức Giê-su cách hoàn hảo và vĩnh biệt Thầy thân yêu ! Đó chính là lý do mấy bà phụ nữ ra mộ lúc vừa tảng sáng. Chính khi đến mộ, họ hoảng hốt vì “thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy xác Đức Giê-su đâu cả”. “Khi từ mộ trở về, các bà kể cho nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy…nhưng các ông cho là chuyện lẩn thẩn, nên chẳng tin. Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông chỉ thấy những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đổi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra”.

   Qua những lời kể của các thánh sử, chúng ta cảm nhận được rằng, việc khám phá ra Đức Giê-su đã phục sinh quả là một việc hết sức tình cờ nhờ :

 

{1}cách tính ngày của người Do Thái;

{2}Các nhân chứng là các bà phụ nữ, Phê-rô và Gio-an;

{3}nhờ vật chứng chính là ngôi mộ nơi táng xác Đức Giê-su giờ đã trống trơn, chỉ còn lại khăn liệm chứ không còn thân xác Đức Giê-su ở đó;

{4}Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất và có sức thuyết phục nhất chính là những lần Đức Giê-su đã hiện ra : cho Ma-ria Mác-đa-la, cho hai môn đệ trên đường Em-maus, cho các tông đồ và các môn đệ nơi nhà tiệc ly, cho các môn đệ lần thứ hai, lúc đó có cả Tô-ma là người quyết liệt không tin rằng Đức Giê-su Thầy mình đã sống lại, nếu ông chưa xỏ ngón tay ông vào lỗ đinh, nếu ông chưa thọc bàn tay ông vào cạnh sườn Thầy mình. Sau đó, Đức Giê-su còn hiện ra cho các môn đệ tại biển hồ Ga-li-lê với mẻ cá lạ lùng, và cho các tông đồ tại Ga-li-lê-a trước khi Người về trời.

   Đức Giê-su đã Phục Sinh từ trong cõi chết. Đó chính là Tin Mừng vô cùng phấn khởi, không chỉ cho các Ki-tô hữu chúng ta, nhưng còn cho tất cả mọi người trên khắp thế giới cho đến ngày tận thế. Chúng ta không chỉ vui mừng, hân hoan vì Đức Giê-su, Chúa chúng ta đã chết và đã Phục Sinh. Niềm vui Phục Sinh này còn là niềm hy vọng lớn lao cho tất cả những ai vững tin vào Đức Giê-su và tuân giữ những gì Đức Giê-su truyền dạy. Chúng ta cũng có được sự xác tín một cách mạnh mẽ không kém như thánh Phao-lô rằng nếu chúng ta cùng chết cho tội lỗi mình và cho những tính hư, tật xấu của mình, chúng ta cũng sẽ được Chúa cho phục sinh vinh quang như Đức Giê-su và sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên trời. Niềm tin này chính là động lực thúc đẩy, giúp các Ki-tô chúng ta luôn sống lạc quan hơn, vui hơn, can đảm hơn, sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, những khó khăn, những vất vả, những thử thách trong đời sống Ki-tô. Kiên tâm giữ đạo, sống đạo và mạnh dạn loan báo niềm tin và niềm vui Phục Sinh cho tất cả mọi người. Nguyện xin Đức Ki-tô phục sinh chúc phúc lành cho mỗi người chúng ta, cho gia đình chúng ta và cho tất cả những ai đang cùng với chúng ta tham dự lễ mừng Chúa Phục Sinh hôm nay. Amen.

                                               Trung tâm mục vụ Giáo phận Cần Thơ 30/03/2024