Bắt Đầu Kết Thúc Triều Đại Giáo Hoàng Phanxicô

print

Bắt Đầu Kết Thúc Triều Đại Giáo Hoàng Phanxicô

Thomas Reese*

Ngày 13 tháng 7, 2021

Đức Thánh Cha Phanxicô được các nhân viên bệnh viện chào đón vào ngày 11 tháng 7 năm 2021, khi ngài ngồi trên xe lăn bên trong Phòng khám đa khoa Agostino Gemelli ở Rôma, nơi ngài nhập viện để phẫu thuật đường ruột. (Vatican Media qua AP)

(RNS, Religion News Service) — Đức Thánh Cha Phanxicô dường như đang hồi phục tốt sau cuộc phẫu thuật ngày 4 tháng 7, khi vị giáo hoàng 84 tuổi trải qua một liệu trình kéo dài ba tiếng đồng hồ để điều trị chứng hẹp túi ruột thừa. Một phát ngôn viên của Vatican nói rằng ngài sẽ ở lại bệnh viện “một vài ngày để tối ưu hóa liệu pháp y tế và phục hồi chức năng của mình.” Tuy nhiên đến ngày 14 tháng 7, ngài đã trở về nhà, Domus Sanctae Marthae.

Nhưng cho dù được chẩn đoán và điều trị tốt nhất, tuổi tác đang đuổi theo Đức Phanxicô. Ngoài chuyện có một phép lạ nào đó xảy ra, ngài chỉ được kỳ vọng sẽ tiếp tục làm giáo hoàng trong 5 hoặc 6 năm nữa. Chúng ta có thể nhìn lại việc nhập viện của ngài như là thời điểm đánh dấu sự bắt đầu kết thúc nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài.

Nếu đúng như vậy, chúng ta cũng có thể ghi nhận những thành quả đáng kinh ngạc ngài đã thực hiện.

Là một chủ chăn hoàn vũ, Đức Phanxicô đã thu hút được thiện cảm của thế giới bằng lòng thương yêu và sự cởi mở đối với tất cả mọi người. Ngài đã đặt tình yêu thương, đặc biệt là tình yêu đối với người nghèo, làm trọng tâm trong việc rao giảng Tin Mừng của ngài.

Với tư cách là một nhà lãnh đạo thế giới, ngài đã dẫn dắt triều đại giáo hoàng của ngài đứng về phía những người di cư và người tị nạn. Và ngài cũng đã cất lên một tiếng nói tiên tri chống lại tình trạng  nóng lên toàn cầu và chủ nghĩa tư bản thái quá.

Và trong giáo hội, ngài đã khuyến khích đối thoại, đồng thời tạo nên một phong cách quản trị tham vấn nhiều hơn: nói thẳng ra, Bộ Giáo lý Đức tin không còn hoạt động như Tòa án Dị giáo trước đây nữa.

Nói tóm lại, Đức Phanxicô đã đặt lại danh hiệu ngôi vị giáo hoàng cho thế kỷ 21 với một tiếng nói mục vụ, tiên tri và nối kết.

Nơi ngài ít thành công hơn, đó là giành được sự hưởng ứng của các giáo sĩ để đạt được tầm nhìn của ngài đối với Giáo Hội. Trong tám năm làm giáo hoàng, Đức Phanxicô hầu như đã không thể lay chuyển nền tảng giáo sĩ mà ngài thừa kế.

Nhiều giám mục và linh mục trong Giáo triều Rôma và nhiều nơi trên thế giới cho rằng việc đắc cử của ngài là một sai lầm và họ hy vọng sự trở lại tất cả những gì họ coi là bình thường trong triều đại giáo hoàng tiếp theo. Họ cảm thấy ngài chưa nhấn mạnh đủ đến giáo thuyết và nguyên tắc nên họ không hợp tác.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô đã đối xử với những kẻ chống đối ngài bằng sự dịu dàng của một mục tử, và ngài hy vọng họ sẽ thay đổi. Bất kỳ giám đốc điều hành nào khác (CEO) sẽ mau chóng thay thế những người không ở trong hội đồng quản trị theo chương trình nghị sự của mình, nhưng Đức Phanxicô từ chối loại bỏ bất cứ ai.

Do đó, ngài đã phải đợi cho đến thời hạn các giám chức giáo triều và giám mục đến tuổi nghỉ hưu. Để một chiến lược như vậy đạt được hiệu lực đòi hỏi một triều đại giáo hoàng rất dài, chẳng hạn như triều đại của Đức Gioan Phaolô II kéo dài 27 năm, sau đó là tám năm của Đức Bênêđictô.

Trong khoảng thời gian 35 năm này, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô đã phác họa lại chức giám mục theo khuôn mẫu của các ngài. Phép thử cho điều đó chính là lòng trung thành và lập trường chính thống như các ngài đã xác định sứ vụ giám mục. Bất kỳ đấng nào đặt vấn đề về quan điểm của giáo hoàng đối với việc hạn chế  sinh sản, linh mục kết hôn, hoặc vấn đề nữ linh mục đều bị coi là thiếu tư cách (giám mục). Các giám mục này sau đó đã cải tổ lại các chủng viện, vốn đã sản sinh ra hàng giáo sĩ mà chúng ta có ngày nay.

Một trong những ví dụ điển hình là giáo hội Hoa Kỳ, nơi cả Hội đồng Giám mục và các chủng viện đều không phải là thành trì của những người ủng hộ Đức Phanxicô. Các giám mục thực hiện các giá trị của Đức Phanxicô chỉ chiếm 20 đến 40 trong số 223 giám mục đang hoạt động của Hoa Kỳ. Và trong số hàng giáo sĩ, Đức Phanxicô chỉ nhận được sự ủng hộ lớn nhất đối với ngài từ các linh mục lớn tuổi, những người đang dần hao hụt đi, hơn là những người trẻ hơn, vốn sẽ là tương lai của giáo hội.

Thay vì cần thực hiện câu châm ngôn “nhân sự là chính sách,” ngài vẫn lưu nhiệm một vị được bổ nhiệm của Benedict, Hồng y Marc Ouellet, làm tổng trưởng Bộ Giám mục, văn phòng xét duyệt các ứng cử viên cho chức giám mục. Các sứ thần tòa thánh, những vị đề cử các ứng viên giám mục, cũng được đào tạo và tiến cử dưới thời Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô, và trong ba năm đầu tiên của triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô, Đức Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò, một đối thủ bất khoan dung của ngài, đã phục vụ trong vai trò đó tại Hoa Kỳ.

Kết quả là, ngay cả các giám mục Hoa Kỳ được bổ nhiệm dưới thời Đức Phanxicô cũng là một đoàn ngũ hỗn hợp.

Trong khi đó, việc tìm kiếm các ứng viên trẻ cho chức linh mục, những người ủng hộ Đức Phanxicô và muốn sống độc thân cũng giống như đi tìm kiếm những con kỳ lân Công giáo [*], và nếu người ta tìm thấy một số người thì có lẽ họ lại không được các chủng viện bảo thủ đón nhận. Do đó, những giáo dân được khuyến khích đến nhà thờ, bởi vì họ cũng giống như Đức Phanxicô, khó có thể tìm thấy một người như vậy ở các giáo xứ hoặc giáo phận của mình.

Việc cải tổ Giáo hội Công giáo cần nhiều thập kỷ chứ không phải một vài năm. Nếu triều đại giáo hoàng của ngài được coi là thất bại, thì đó là do Đức Phanxicô đã thúc thủ trong việc thay thế hoặc lưu tồn lâu hơn cơ cấu giáo sĩ mà Đức Gioan Phaolô và Bênêđictô đã đặt để. Triều đại giáo hoàng của ngài sẽ chỉ thành công nếu được tiếp nối bởi các giáo hoàng đồng bộ với cách tiếp cận của ngài với truyền thống Công giáo, và điều này không được đảm bảo. Ngài đã bổ nhiệm những giám chức có thiện cảm với ngài vào Đoàn Hồng y, nhưng các mật nghị hồng y không thể đoán trước được như chính việc đắc cử của ngài cho thấy.

—–

(*) Chú thích: Thời Trung cổ và thời Phục hưng ở châu Âu, con kỳ lân là biểu tượng của đức trinh khiết và sự phong nhã mà chỉ có các trinh nữ mới có thể tiếp cận được. Sừng của nó làm cho nước độc được giải nhiễm để có thể uống được, và có thể chữa lành các bệnh tật của con người.

(*) Cha Thomas J. Reese là một linh mục Dòng Tên, một nhà phân tích kỳ cựu tại RNS (Religion News Service) từ năm 2017. Trước đó, ngài từng là nhà báo phụ trách chuyên mục của tờ National Catholic Reporter (2015-17) và phó tổng biên tập (1978-85) và tổng biên tập (1998-2005) tại tạp chí America. Ngài cũng là một thành viên cao cấp tại Trung tâm Thần học Woodstock tại Đại học Georgetown (1985-98 & 2006-15). Trước đó, ngài đã làm việc như một nhà vận động hành lang cho việc cải cách thuế ở Hoa Kỳ. Ngài có bằng tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học California Berkeley. Ngài vào Dòng Tên năm 1962 và thụ phong linh mục năm 1974 sau khi nhận bằng M.Div (Tiến sĩ Thần học) của Đại học Thần học Dòng Tên tại Berkeley.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung chuyển ngữ