Các anh em linh mục yêu quí của tôi

print

Các anh em linh mục yêu quí của tôi

“À MES FRÈRES PRÊTRES”

BÀI 1: THỜI ĐẠI MỚI[2] 

BÀI 2: CỬ HÀNH, ĐỒNG HÀNH VÀ LÀM CHỨNG[1]

BÀI 3: MỆT NHỌC(2)

Giới thiệu

Các bài sau đây được chuyển ý, thích nghi và cập nhật từ một số các bài giảng của ĐGH Phanxicô. Các bài giảng này được thu thập trong cuốn “À mes frères prêtres” – “Các anh em linh mục yêu quí của tôi”[1]. Các bài này được dùng để suy niệm ban sáng dịp tĩnh tâm năm 2022 của các linh mục giáo phận Long Xuyên, và đã được phản hồi cách rất tích cực.

Đây là những bài suy niệm dành riêng cho các linh mục, tuy nhiên, cũng rất hữu ích cho các tu sĩ, cũng như giáo dân, nhất là những người dấn thân trong công cuộc tông đồ của Giáo hội, miễn là biết áp dụng cách thích hợp cho mình.

                              Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

BÀI 1: THỜI ĐẠI MỚI[2]

Nhập đề

– Truyền tin cho Dacaria (Lc 1, 5-22)

Ông Dacaria thưa: ‘Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.’ Sứ thần đáp: ‘…và này đây ông sẽ bị câm cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi…’ (Lc 1, 18; 20)

– Truyền tin cho Mẹ Maria (Lc 1, 26-‘34-38’- phần sau):

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” “Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (c.38).

Thánh Luca trình bày hai biến cố song song liên quan đến Đức Giêsu Kitô và Gioan Tẩy Giả. Hai biến cố truyền tin tương phản nhau. Qua sự tương phản, ngài muốn chúng ta khám phá ra rằng cách thế là Thiên Chúa và cách thế biểu lộ tương quan của chúng ta với Người trong Cựu ước đang từ từ biến mất, và rồi chúng ta khám phá cách thế mới mà Con Thiên Chúa làm người đem đến cho chúng ta.

Hiển nhiên, trong cả hai biến cố truyền tin, về Chúa Giêsu và về Gioan, đều có một thiên thần. Tuy nhiên, trong truyền tin về Gioan, thiên thần hiện ra ở Giu-đê, trong thành quan trọng nhất là Giêrusalem, và không phải diễn ra ở bất cứ đâu, mà là trong Đền thờ, trong nơi cực thánh; hơn nữa, thiên thần nói với một người đàn ông và là tư tế. Trong khi truyền tin Ngôi Lời nhập thể lại diễn ra ở Galilê, miền dất xa xôi nhất và cũng nhiều xung đột nhất, trong một ngôi làng nhỏ là Nadarét – trong một căn nhà, chứ không phải hội đường hoặc một nơi thuộc tôn giáo; thiên thần nói với một giáo dân và còn là một phụ nữ; chứ không phải là một tư tế hay một người đàn ông. Sự tương phản rất lớn. Cái gì đã thay đổi? Tất cả! Thay đổi tất cả. Và trong sự thay đổi này, căn tính sâu xa của linh mục chúng ta nằm ở đó.

Anh em tự hỏi phải làm gì khi đối diện với cuộc khủng hoảng căn tính linh mục, chiến đấu chống lại nó thế nào?

  1. Maria và Dacaria: hai con người tương phản.
  2. Trở về với thân phận nhỏ bé của linh mục trong khiêm nhường như Maria.

Đối diện với cuộc khủng hoảng căn tính linh mục, nhất là tại các nước Âu Mỹ, chúng ta phải bước ra khỏi những nơi quan trọng, bề thế, bệ vệ và uy nghiêm, để quay trở về nơi mà từ đó, chúng ta được kêu gọi, nơi mà hiển nhiên rằng sáng kiến và quyền năng là từ Thiên Chúa. Đó là nơi nào? Đó có thể là nơi, là lúc, chúng ta được rửa tội. Đó cũng có thể là nơi, là lúc chúng ta được nghe lời Chúa kêu gọi làm linh mục của Ngài. Nơi đó, lúc đó, chúng ta còn rất bé nhỏ, không là đấng bậc nào, không là gì trong xã hội và giáo hội. Trở về với thân phận hèn mọn đó, chúng ta sẽ ý thức và nhận ra rằng không ai trong chúng ta được kêu gọi để chiếm một địa vị quyền thế và vinh quang. Không ai cả. Bởi vì như thánh Phaolô dạy: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7).

Đôi khi, dù không muốn và thực ra, cũng không có tội có lỗi gì, chúng ta vẫn có thói quen lẫn lộn hoạt động hàng ngày của mình trong tư cách là linh mục, với các nghi lễ, với các cuộc họp, với các cuộc gặp gỡ, mà ở đó chúng ta chiếm một vị trí cao, theo phẩm trật; sự lẫn lộn này làm chúng ta thấy mình quan trọng, thấy mình ở trên người khác; chúng ta trở nên giống Dacaria, một tư tế cao cả; hơn là Maria, một cô gái bình dân, mộc mạc.

“Tôi tin khi nói rằng linh mục là người rất nhỏ bé: sự cao cả khôn tả của ân ban bởi tác vụ đặt chúng ta vào hàng ngũ những người nhỏ bé nhất. Linh mục là người nghèo nhất trong mọi người, nếu Chúa Giêsu không làm giàu ngài bằng sự nghèo khó của Chúa; linh mục là tôi tớ vô dụng nhất nếu Chúa Giêsu không gọi ngài là bạn hữu; linh mục là người ngu độn nhất nếu Chúa Giêsu không kiên nhẫn dạy đỗ ngài như dạy dỗ Phêrô; linh mục là người ít được trang bị nhất trong các kitô hữu – đây có ý nói đến sự yếu đuối của linh mục – nếu Vị Mục Tử Nhân Lành không ban sức mạnh cho ngài giữa đàn chiên. Không ai nhỏ bé hơn một linh mục nếu chỉ dựa vào sức mình; vì thế, lời cầu nguyện xin ơn bênh đỡ của chúng ta chống lại mưu mô của Thần Dữ là lời cầu nguyện của Mẹ Maria: Lạy Chúa, con là linh mục bởi vì Chúa nhân lành đã nhìn đến phận hèn mọn của con  (Lc 1,45).

  1. Trở về với lòng quảng đại của lời xin vâng ban đầu.

Anh em thân mến, trở về Nadarét, trở về Galilê có thể là con đường để đương đầu với cuộc khủng hoảng căn tính linh mục. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta trở về Galilê để gặp Người. Trở về Nadarét, trở về Galilê để giải quyết cơn khủng hoảng căn tính, để canh tân chúng ta trở thành những mục tử-môn đệ-nhà truyền giáo, chứ không chỉ là tư tế, canh giữ đền thờ để an nhàn, thụ hưởng bổng lộc.

Chính anh chị em (linh mục, tu sĩ) đã nói về sự lo âu thái quá trong việc quản lý các nguồn tài chánh để lo cho cuộc sống cá nhân hay tập thể như giáo họ, giáo xứ, giáo phận, v.v. được an toàn. Vì thế, nhiều khi phải dùng tới những con đường có thể nói là “quanh co”, ví dụ cách xin tiền, cách gây quỹ, cách sử dụng tiền bạc, v.v. theo “thói thế gian”. Hậu quả là chúng ta dành ưu tiên cho các hoạt động sinh lời về tiền bạc, tài chánh, còn sự dâng hiến đời sống cho công việc mục vụ, tông đồ, bác ái hàng ngày lại lơ là, đôi khi còn lãng quên nữa.

Khuôn mặt của Maria, một cô gái đơn sơ, giản dị, trong sáng tại nhà mình, tương phản hoàn toàn với cơ cấu Đền Thờ và kinh đô Giêrusalem, có thể là tấm gương để chúng ta soi vào mà thấy được những phức tạp của chúng ta, những mối bận tâm của chúng ta làm mờ tối đi và cản trở lòng quảng đại của lời xin vâng đầy hăng hái, nhiệt tình vào ngày chúng ta chịu chức linh mục.

  1. Trở về với niềm phó thác trọn vẹn như Maria.

Những hoài nghi và nhu cầu giải thích của Dacaria lạc điệu với lời xin vâng của Maria, Mẹ chỉ xin được biết điều sứ thần báo tin cho Mẹ được thực hiện thế nào.

Dacaria không vượt qua được mối bận tâm muốn kiểm soát mọi sự, ông không thể buông bỏ lô-gíc của bản thân coi mình là người có trách nhiệm, cũng như không thể buông bỏ não trạng làm chù, muốn nắm vững, điều khiển và làm chủ tất cả những gì sẽ xảy ra. Vì thế, ông nghi ngờ. Vì thế, ông không tin lời sứ thần báo tin: Ông nói: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?” (Lc 1, 18). 

Maria thì khác. Mẹ không nghi ngở. Mẹ không nhìn vào chính mình. Mẹ tin tưởng và phó thác: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Dacaria đã thu nhỏ lại tương quan của ông với Thiên Chúa, như một tiến sĩ luật: luôn là giữ trọn Lề Luật, luôn xét đoán rằng lương bổng thì tương xứng với những cố gắng đã thực hiện, rằng chính tôi xứng đáng được Chúa chúc phúc, rằng Giáo hội có trách nhiệm phải nhận biết các nhân đức và nỗ lực của tôi… Thật là nhỏ mọn!

  1. Trở về với Lòng thương xót của người mục tử như Chúa Giêsu.

Sống tương quan với Chúa như Dacaria thật là quá nhỏ mọn. Chúng ta không thể theo đuổi những gì sản sinh ra lợi lộc cá nhân; những mệt nhọc của chúng ta phải liên kết với lòng thương xót. Tôi có khả năng thương xót không? Đây là những bổn phận mà trong đó con tim chúng ta bị lay động và khiến chúng ta biết chạnh lòng thương như Linh mục Giêsu.

“Anh em linh mục thân mến, Giáo hội đòi hỏi chúng ta biết chạnh lòng thương. Trong đời sống mục vụ, chúng ta chung niềm vui với những đôi vợ chồng mới cưới; chúng ta cười đùa với những em bé được rửa tội; chúng ta đồng hành với các bạn trẻ chuẩn bị hôn nhân và đời sống gia đình; chùng ta đau buồn với những người lãnh nhận bí tích xức dầu trên giường bệnh; chúng ta khóc thương với những ai phải chôn cất người thân…” (Bài giảng lễ truyền dầu. 2/4/2015).

“Chúng ta trải qua hàng giờ và nhiều ngày để đồng hành với người mẹ kia bị sida, đứa trẻ nọ bị mồ côi, bà ngoại này có trách nhiệm săn sóc rất nhiều cháu chắt; hay thanh niên nọ mới đến thành phố mà đã bị thất nghiệp…” Biết bao cảm xúc! Nếu con tim chúng ta rộng mở, những cảm xúc này, những tình cảm này làm con tim của người mục tử mệt nhoài.

Đối với linh mục chúng ta, cuộc đời của mọi người không phải là một tờ thông tin, chỉ biết họ như biết một tin tức. Trái lại, là một mục tử chăm sóc đoàn chiên, chúng ta biết rõ họ, chúng ta có thể đoán ra lòng họ nghĩ gì. Chúng ta vui niềm vui của họ; đau khổ với những khổ đau của họ; và khi cùng đau khổ với họ, con tim của chúng ta bị xé ra từng mảnh, như tấm vải bị rút ra từng sợi, con tim đó bị xáo trộn dữ dội và như là bị mọi người ăn: hãy nhận lấy mà ăn. Đó là lời linh mục Giêsu luôn thì thầm khi săn sóc đoàn chiên của Người: hãy nhận lấy mà ăn, hãy nhận lấy mà ăn

Và cuộc đời linh mục chúng ta tự hiến như vậy trong phục vụ, trong sự gần gũi với dân Chúa… là dân luôn luôn làm chúng ta mệt nhọc. Anh em linh mục thân mến, sự gần gũi dân Chúa luôn làm chúng ta mệt nhọc. Nhưng thật là đẹp khi mệt nhọc vì gần gũi với mọi người.

Hãy làm mới lại ơn gọi của chúng ta, làm mới luôn luôn, bằng cách kiểm chứng lại xem những mệt nhọc và những bận tâm của chúng ta có dính dáng đến “linh đạo theo tính thế gian” không, khi mà những nhu cầu vật chất, những bận tâm, lo lắng bên ngoài tuôn đến chúng ta như thác đổ, như muốn đè bẹp chúng ta, khiến chúng ta khó có thể chống cường, gạt bỏ, phủi chân, để tự do bước đi trên những nẻo đường dẫn tới tình yêu huynh đệ, tới đàn chiên của Chúa, tới những con chiên đang chờ đợi tiếng gọi và sự chăm sóc ân cần của các mục tử.

Làm mới lại ơn gọi của chúng ta, chính là chọn lựa, là nói lời xin vâng và chịu đựng mệt nhọc dưới cái nhìn của Chúa, Đấng hiện diện và cho Con của Ngài là Chúa Giêsu nhập thể. Ước gì chúng ta tìm thấy nguồn cội căn tính và hạnh phúc của chúng ta trong sự mệt nhọc có giá trị cứu độ này. Gần gũi làm mệt nhọc và mệt nhọc này là sự thánh thiện.

Ước gì các bạn trẻ khám phá ra nơi chúng ta điều này: chúng ta để họ “nhận lấy mà ăn” và điều đó dẫn họ đến với Chúa Giêsu và đi theo Ngài. Hơn nữa, bởi ngỡ ngàng trước niềm vui tự hiến hàng ngày của Chúa và của các mục tử, họ ngày càng chín muồi và rồi, một ngày nào đó, trong thinh lặng và cầu nguyện, họ tự do chọn lựa và nói lên lời xin vâng.

Xã hội hiện đại của chúng ta là một xã hội hoạt động không ngừng, một xã hội luôn bận rộn, ồn ào, náo động. Tất cả những hoạt động ồn ào, náo động đó làm chúng ta không còn tìm được chỗ cho sự thinh lặng nội tâm để nhận ra cái nhìn của Chúa Giêsu và nghe được tiếng Ngài kêu gọi.

Đừng để điều đó xảy đến với chúng ta, bởi vì cơn lốc vật chất của trần thế này sẽ xô đẩy chúng ta vào một cuộc chạy vô nghĩa, không định hướng, không mục đích rõ ràng và hậu quả là biết bao nhiêu nỗ lực của chúng ta sẽ trở nên vô ích. Tốt hơn, hãy tìm những không gian yên tĩnh và thinh lặng giúp suy tư, cầu nguyện và nhìn rõ hơn thế giới đang bao quanh chúng ta, và lúc đó, cùng với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có thể nhận biết đâu là ơn gọi của mình trên trái đất này. (Christus vivit, trang 277). Thời gian thinh lặng bên nhau trong những ngày tĩnh tâm này không phải là cơ hội quí giá Chúa ban cho chúng ta đó sao!

  1. Maria, Êlisabét và Gioan: những gương mẫu của gặp gỡ xoá bỏ mọi rào cản.

Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”  (Lc 1,39- 45)

Sự tương phản giữa truyền tin cho Maria và truyền tin cho Dacaria trong Đền thờ mà thánh sử Luca trình bày cho chúng ta, đạt đỉnh điểm trong sự gặp gỡ giữa hai người phụ nữ: Maria và Êlisabét, còn cả Gioan trong bụng mẹ nữa.

Đức Trinh Nữ thăm viếng người chị họ cao niên và thế là lễ hội, nhảy mừng và ca ngợi. Êlisabét và Gioan trong bụng mẹ đại diện cho một phần của dân Israel thấu hiểu sự thay đổi sâu xa và đầy bất ngờ trong chương trình của Thiên Chúa: vì thế, họ chấp nhận được viếng thăm, vì thế, con trẻ nhảy mừng trong lòng mẹ.

Trong một thời gian ngắn, ở xã hội phụ hệ, người cha làm chủ, thế giới đàn ông lui bước, câm nín như Dacaria. Cũng vậy, ngày nay, những con người bé nhỏ, bình thường như một giáo lý viên nữ nhiệt tình, một sơ đang ân cần săn sóc bệnh nhân, một bà cụ sốt sắng đi lễ hàng ngày, có thể hơn bất cứ ai khác, nhắc nhở chúng ta rằng, đừng để bất cứ người nào, bất cứ sự gì, làm chúng ta đánh mất nhiệt tình rao giảng Tin Mừng, đánh mất nhiệt tình hoàn tất sự dấn thân từ lúc được rửa tội. Ơn gọi của linh mục chúng ta chính là rao giảng Tin Mừng; ơn gọi của Giáo hội, chính là rao giảng Tin Mừng; căn tính của Giáo hội, chính là rao giảng Tin Mừng.

Và người anh, người chị, người em của chúng ta chính là tất cả những ai đi đến gặp các anh em mình; những người đi đến để gặp gỡ như Maria, cũng như những người chấp nhận sự gặp gỡ đó như Êlisabét, như Gioan trong bụng mẹ, khi sẵn sàng để cho người khác biến đổi mình bằng cách chia sẻ văn hoá của họ, cách sống đức tin và diễn tả đức tin của họ.

“Khoảng cách” giữa Nadarét và Giêrusalem bị rút ngắn lại, biến mất nhờ lời xin vâng của Maria. Thực vậy, những khoảng cách, những chủ trương cục bộ vùng miền và phe phái, sự dựng lên những bức tường ngăn cách, tất cả những điều đó huỷ diệt sự năng động của nhập thế, một sự năng động phá đổ mọi bức tường ngăn cách chúng ta.

Thử hỏi, biến cố nhập thể đã xoá bỏ khoảng cách vô cùng vô tận giữa Thiên Chúa vô biên, siêu việt và con người hữu hạn, tầm thường chúng ta, vậy, còn khoảng cách nào, còn bức tường nào, có thể ngăn cản sự hiệp nhất, yêu thương của chúng ta nữa. Thánh Phaolô đã nói lên điều đó trong thư gởi tín hữu Êphêsô: “Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên: dân Do Thái và dân ngoại thành một, Người đã hi sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét.” (Êphêsô 2, 14).

Tất cả chúng ta, không nhiều thì ít, đều là nhân chứng, là những người đã chứng kiến sự chia rẽ và thù hận được kết tinh lại thành những cuộc chiến tranh giết chóc tàn khốc­­­ , Vì thế, chúng ta  phải luôn sẵn sàng “đi thăm viếng”, nghĩa là bước ra khỏi tháp ngà của chính mình, ra khỏi bốn bức tường êm ái, an ổn, nhưng chật hẹp, tù túng của chính mình. Bước ra để gặp gỡ, để xoá bỏ ranh giới của cạnh tranh, chia rẽ, miệt thị giữa giàu-nghèo; thành thị-thôn quê; trí thức-bình dân; đạo đức-tội lỗi; thành công-thất bại; v.v.

Đó là điều kiện cần thiết để xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương, trong khiêm tốn phục vụ, trong quan tâm tương trợ; một cộng đoàn của lòng thương xót đích thực.

Như Maria sẵn sàng ra đi, đến thăm chị họ mình là Êlisabét, và như Êlisabét và Gioan trong bụng mẹ chấp nhận sự thăm viếng của Maria; cũng vậy, chúng ta hãy ra đi, thăm viếng, gặp gỡ nhau. Nhờ thăm viếng, gặp gỡ nhau, chúng ta sẽ vượt qua được lô-gic của nghi kỵ, đối kháng và kết án lẫn nhau.

Lạy Chúa Thánh Thần; xin hãy đến soi sáng, hướng dẫn, ban sức mạnh cho chúng con. Amen. 

[1] ĐGH PHANXICÔ, “À mes frères prêtres”, Nxb Artège, Paris 2020

[2] Sách đã dẫn, trang 147-153.

BÀI 2: CỬ HÀNH, ĐỒNG HÀNH VÀ LÀM CHỨNG[1]

Trong bài này, chúng ta cùng nhau chia sẻ về 3 phương diện nền tảng của chức tư tế. Nhờ đó, anh em linh mục chúng ta có thể nói lên lời xin vâng trọn vẹn cho Chúa và cho anh chị em chúng ta.

Ba phương diện nền tảng đó là 3 động từ đơn giản:

  1. Cử hành:

Động từ thứ nhất là Cử Hành.

Tin Mừng Luca 22, 19-20:

“Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói:’Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn,Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng Máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.”

  1. Công thức 1: “Hãy nhận lấy mà ăn”.

Đây là công thức bí tích thứ nhất, và cũng là công thức nền tảng của đời sống linh mục. Mỗi ngày, chúng ta đều cử hành thánh lễ, và trong thánh lễ, chúng ta luôn đọc lời truyền phép: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thày sẽ bị nộp vì các con.” Những lời này không chỉ đọc trên bàn thờ, mà phải được sáp nhập vào đời sống: những lời đó phải trở thành chương trình của đời sống hàng ngày nơi anh em linh mục chúng ta. Chúng ta không chỉ đọc những lời đó như hiện thân của Đức Kitô, mà còn phải sống những lời đó ở ngôi thứ nhất, nghĩa là chính chúng ta phải sống như vậy. “Tất cả anh chị em hãy nhận lấy mà ăn, vì này là mình tôi, sẽ bị nộp vì anh chị em.”

Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta hãy nói lên điều đó với anh chị em chúng ta. Những lời truyền phép này vẽ lên căn tính linh mục của chúng ta: những lời đó nhắc lại cho chúng ta rằng: linh mục là con người của dâng hiến, sự dâng hiến chính mình mỗi ngày không ngừng nghỉ, và không có ngày hè.

Anh em linh mục thân mến, linh mục không phải là một nghề nghiệp chuyên môn mà là sự dâng hiến; không phải là một nghề để tạo dựng sự nghiệp, mà là một sứ vụ.

  1. Công thức 2: “Cha tha tội cho con”.

Đây là công thức bí tích thứ hai, cũng là công thức nền tảng của đời sống linh mục. Mỗi khi cử hành bí tích hoà giải và nói lên Lời tha tội, thì lời đó phải biểu lộ niềm vui nơi chúng ta vì hông ân được ban ơn tha thứ của Thiên Chúa. Như vậy, linh mục không chỉ là con người của sự dâng hiến (l’homme de don), nhưng còn là con người của sự tha thứ (l’homme du pardon). Tất cả kitô hữu đều là những con người của sự tha thứ, đặc biệt là các linh mục.

Linh mục chúng ta không chỉ ban lời tha thứ: “cha tha tội cho con”; chúng ta còn được mời gọi làm cho lời tha thứ đó nhập thể vào bản thân. Nơi linh mục, không thể có ngồi lê đôi mách, có phàn nàn, than trách, có bất mãn, oán hận; bởi vì linh mục là người mang hoà bình của Chúa đến cho mọi người; đem hiệp nhất vào nơi chia rẽ, đem hoà thuận vào nơi tranh chấp; đem thanh thản, vui tươi vào nơi ảm đạm, ưu sầu.

Linh mục là thừa tác viên của sự hoà giải toàn thời gian: ngài không chỉ nói lời tha thứ và bình an trong toà giải tội, nhưng là ở khắp mọi nơi. Linh mục là những người đem Tin Mừng yêu thương và tha thứ, nên luôn tha thứ tận đáy lòng, kể cả kẻ thù cũng tha thứ và yêu thương.

Linh mục chúng ta có thể dâng thánh lễ mỗi ngày, có thể đọc lên lời dâng hiến: “hãy nhận lấy mà ăn” mỗi ngày; có thể đọc lời tha tội: “cha tha tội cho con” mỗi ngày; nhưng vẫn có thể là những con người của nói xấu nói hành, của ganh tị, chia rẽ. Ước gì lễ nghi chúng ta cử hành cũng chính là đời sống chúng ta! Ước gì đó không chỉ là lễ nghi!

Là con người của sự tha thứ, nên linh mục cũng là con người của lòng thương xót, nhất là trong toà giải tội. Đừng bao giờ đào bới tội lỗi trong tâm hồn hối nhân. Khi làm như vậy, chúng ta không chữa lành mà chỉ làm cho con bệnh trở nặng. Nên nhớ, xưng tội không phải là cuộc gặp gỡ với bác sĩ phân tâm, mà cũng không phải là sự tra hỏi của viên cảnh sát điều tra. Đó là nơi của sự tha thứ, của con tim rộng mở và của lòng thương xót.

  1. Đồng hành

Động từ thứ hai là Đồng Hành. Đồng hành là đá góc tường để kiến tạo người mục tử đích thực ngày nay. Chúng ta cần những thừa tác viên làm cho sự gần gũi của Vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu nhập thể; các linh mục phải là những biểu tượng sống động của sự gần gũi.

Cần nhấn mạnh đến sự gần gũi vì chính Thiên Chúa đã làm như vậy. Trong Đệ nhị luật, Chúa nói với dân Người: “Hãy nói cho Ta biết, các người đã thấy có dân tộc nào có các thần minh gần gũi họ, như Thiên Chúa các người gần gũi các người không?” Thiên Chúa gần gũi của Cựu ước đã nhập thể làm người nơi Đức Giêsu Kitô. Sự Tự Huỷ để thành người phàm, đã làm cho Thiên Chúa càng trở nên gần gũi với con người hơn, như thánh Phaolô đã nói. Phải gần gũi, đó là điều chúng ta cần nhấn mạnh. Nghèo về của cải và khoa trương, nhưng hãy là người giàu về các tương quan và hiểu biết lẫn nhau.

Hãy từ chối mọi linh đạo không nhập thể. Hãy học biết làm cho chân tay lấm bùn đất với những vấn đề khó khăn của giáo dân. Đối với tôi, (ĐGH nói), linh đạo không nhập thể toả ra mùi hôi thối, vì linh đạo này làm cho anh em linh mục chúng ta mắt nhắm mắt mở, lờ đi những khó khăn của mọi người, nhất là giáo dân trong giáo xứ, đang khi chúng ta vẫn sống chung với họ và gánh trách nhiệm phục vụ họ. Điều đó không công giáo chút nào! Cùng với Chúa Giêsu, hãy đi ra gặp gỡ mọi người với sự giản dị của những người muốn yêu thương họ tận đáy lòng.

Không cần các chương trình vĩ đại kiểu Pharaô; không cần theo những mốt thời thượng nhất thời. Vào thời đại chúng ta, chúng ta đã thấy biết bao chương trình mục vụ vĩ đại kiểu Pharaô. Chúng đem lại những gì? Chẳng có gì. Các chương trình mục vụ thì cần nhưng chỉ là phương tiện giúp gần gũi mọi người, giúp rao giảng Tin Mừng, nhưng tự chúng, chúng chẳng đem lại gì.

Gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ là con đường của Giáo hội. Giáo xứ lớn mạnh là nhờ mọi người biết đồng hành: cùng theo bước các thanh thiếu niên đang đến trường, tháp tùng ơn gọi của các bạn trẻ, đồng hành với các gia đình, nhất là những gia đình khó khăn, đổ vỡ; thăm viếng, hàn huyên với những người liệt lào, đau ốm; kiến tạo những nơi gặp gỡ để cầu nguyện, để suy tư, để vui chơi, để trải qua thời gian lành mạnh mà học hỏi trở thành những kitô hữu tốt lành, những công dân chân thực. Đó là chương trình mục vụ sinh sản con cái cho giáo hội và tái sinh chính linh mục, tu sĩ và giáo dân.

III. Làm chứng

Cử hành, đồng hành và bây giờ là động từ thứ ba: Làm Chứng. Tất cả chúng ta đều phải là những chứng nhân. Linh mục chúng ta làm chứng bằng cách nào?

1/ Bằng đời sống giản dị, không đua đòi theo thói thế gian.

ĐGH Phanxicô kể: Trong căn hộ của một linh mục tên Pinô, người ta thấy một sự giản dị đích thực (phòng ĐC cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ cũng giản dị như vậy). Đó là dấu chỉ hùng hồn của một cuộc đời dâng hiến cho Thiên Chúa, một cuộc đời không tìm an ủi và vinh quang trần thế. Ai nấy đều tìm kiếm điều đó nơi linh mục. Họ đi tìm chứng tá.

Giáo dân không bị sốc khi thấy linh mục “đi một bước sai”. Họ nghĩ đó là một tội nhân, rồi người đó sẽ ăn năn thống hối, rồi người đó sẽ hoán cải và tiến bước… Nhưng giáo dân sẽ bị vấp phạm khi thấy linh mục sống theo thói đời, với tinh thần thế gian. Giáo dân sẽ bị vấp phạm khi thấy linh mục sống và làm việc như một viên chức nhà nước, mà không phải là một mục tử.

Chính đời sống biểu lộ nhiều hơn là lời nói. Chứng tá có sức thuyết phục và lây lan nhanh. Ngày nay, hơn bao giờ hết, Tin Mừng đòi hỏi linh mục chúng ta phục vụ trong sự giản dị, và bằng chứng tá. Điều đó có nghĩa là chúng ta là những thừa tác viên; không phải để làm tròn các chức năng, nhưng là phục vụ cách vui tươi, không lệ thuộc vào những gì mau qua và không dính bén đến quyền lực thế gian.

2/ Bằng đời sống phục vụ trong khiêm nhường.

Giáo hội không ở trên trần thế. Nếu như vậy sẽ là chủ nghĩa giáo sĩ trị. Đúng hơn, Giáo hội ở trong trần thế như men trong bột. Vì thế, thưa anh em linh mục, chúng ta phải loại bỏ mọi hình thức giáo sĩ trị. Giáo sĩ trị là một trong những suy đồi rất khó loại bỏ ngày nay. Nơi linh mục chúng ta, không được có những thái độ tự phụ, kiêu căng và thống trị. Để là những chứng nhân đáng tin; phải nhắc lại rằng trước khi là linh mục, chúng ta luôn là những phó tế (diacona), tức là người phục vụ; trước khi là những thừa tác viên chức thánh, chúng ta là anh em của mọi người,  và là đầy tớ của họ.

Trong một bài giảng, ĐGH đã hỏi các linh mục: ‘Anh em sẽ nói gì với một giám mục, người đã kể cho tôi nghe rằng một số linh mục của ngài không chịu đến ngôi làng bên cạnh để dâng lễ an táng nếu tiền xin lễ không đưa trước? Thưa anh em, chuyện đó có thực và đã xảy ra!’

Hãy cầu nguyện cho những người anh em linh mục viên chức này. Coi làm linh mục là một nghề nghiệp vinh thân phì gia, thì đó cả là một điều xấu xa cần loại bỏ ngay lập tức, bởi vì lô-gic của nó là lôgic của quyền lực, của tiền của; linh mục không phải là con người của quyền lực, nhưng là con người của phục vụ, của khó nghèo.

3/ Bằng đời sống chân thực, ngay thẳng, không giả hình, hai mặt.

Làm chứng cũng còn có nghĩa là xa tránh mọi lối sống hai mặt, lối sống giả hình. Những lối sống đó liên kết với chủ nghĩa giáo sĩ trị. Anh em không thể sống giả hình theo hai thứ luân lý khác nhau: một cho dân Chúa và một luân lý khác cho mình. Chân lý chỉ có một. Chúa Giêsu cũng chỉ có một. Chứng tá cũng chỉ có một.

4/ Bằng đời sống thanh thản, vui tươi.

Sau cùng, chứng nhân chính là người luôn mỉm cười và luôn thanh thản tin tưởng, biết làm cho người khác lấy lại can đảm và biết ủi an, bởi vì đã là người làm chứng, thì tự nhiên chúng ta sẽ biểu lộ sự hiện diện của Đức Giêsu phục sinh và hằng sống cho những người gặp gỡ chúng ta.

Xin chúc tất cả chúng ta trở thành những chứng nhân của hi vọng, của sự sống lại và sự sống đời đời, tức là chứng nhân của chính Đức Giêsu vì Người là hi vọng, là sự sống lại và là sự sống đời đời. Amen.

BÀI 3: MỆT NHỌC(2) 

Nhập đề

“Bàn tay Ta sẽ luôn luôn ở với nó (David), cánh tay Ta sẽ làm cho nó thêm can đảm”. (Tv 88,22). Thật là đẹp khi suy niệm cuộc độc thoại của Thiên Chúa. Người nói về Đavid, nhưng cũng là nói về chúng ta, các linh mục, các cha xứ. Người quan tâm chăm sóc chúng ta, các linh mục, bởi vì Người biết rằng trách nhiệm chăm sóc dân Chúa không dễ dàng; đó là một trách nhiệm nặng nề. Trách nhiệm đó, gánh nặng đó làm chúng ta vất vả, mệt nhọc. Không nhiều thì ít, chúng ta đều trải qua những kinh nghiệm đó cách này hay cách khác: từ sự mệt nhọc quen thuộc của công việc tông đồ, mục vụ hàng ngày, đến sự mệt nhọc của bệnh tật và cái chết.

Mệt nhọc của người mục tử.

Tin Mừng Luca cho biết khi trở về Nadarét, vào Hội đường Chúa Giêsu đã chia sẻ đoạn sách ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hen. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4, 18-19). Sứ mạng và trách nhiệm của linh mục Giêsu cũng là sứ mạng và trách nhiệm của linh mục chúng ta.

Đây không phải là những trách nhiệm dễ dàng, mà cũng không phải là những trách nhiệm bên ngoài như xây dựng nhà thờ, nhà xứ. Những trách nhiệm mà Chúa Giêsu nói đến ở đây, đòi hỏi chúng ta phải có khả năng cảm thương; đó là những trách nhiệm trong đó con tim của chúng ta bị lay động. Vui với người vui; khóc với người khóc. Nên nhớ, đối với linh mục, câu chuyện của mỗi giáo dân không chỉ như một thông tin trên báo chí; trái lại, ngài phải biết rõ họ muốn gì, họ ước ao gì; cùng lo lắng, buồn vui với họ. Nếu con tim chúng ta rộng mở, thì có biết bao cảm xúc, biết bao tình cảm làm con tim người mục tử mệt nhoài. Vậy, mệt nhọc của người mục tử là những mệt nhọc nào?

1/ Mệt nhọc do đám đông.

Đối với Chúa, cũng như đối với chúng ta, đây là điều làm chúng ta mệt nhoài. Tin Mừng có nói tới sự mệt nhọc này của Chúa. Nhưng đây lại là sự mệt nhọc tốt đẹp, một sự mệt nhọc nảy sinh hoa trái dồi dào và tràn đầy niềm vui. Đám đông dân chúng đi theo Chúa. Các gia đình đem con cái đến để được Chúa chúc lành; rồi những người được chữa lành kéo bạn bè đến với Chúa; thanh thiếu niên háo hức muốn gặp thầy Rabbi cao cả, kỳ diệu… họ không để cho Ngài và các môn đệ có thời giờ ăn uống. Nhưng Chúa ở với dân chúng đông đúc như vậy mà không mệt nhọc chút nào; trái lại, Ngài còn phấn khởi (Evangelii Gaudium 11).

Mệt nhọc ở giữa giáo dân, phục vụ họ quả là một hồng ân trong tầm tay của các linh mục chúng ta. Đó là một điểu đẹp đẽ. Giáo dân quí mến chúng ta, ao ước được gặp chúng ta, được nói chuyện trực tiếp với chúng ta, trừ khi chúng ta núp sau bàn giấy, hoặc đóng cửa nhà xứ, hoặc thường xuyên vắng mặt. Đó là sự mệt nhọc của người mục tử với mùi chiên trên mình, nhưng cùng với nụ cưởi của người cha đang chiêm ngắm con cháu mình. Sự mệt nhọc đầy niềm vui đó không ăn nhập gì với những người xức nước hoa xa xỉ, đắt tiền, đứng xa xa và trên cao để nhìn mọi người. Mùi chiên, nụ cười người cha… Phải, nhưng đàng sau là những mệt nhọc. Tuy nhiên, đó lại là những mệt nhọc đầy niềm vui. Niềm vui của những người được Chúa nói với họ: “Hãy đên, hỡi những người được Cha Ta chúc phúc.” (Mt 25,34).

2/ Mệt nhọc do kẻ thù.

Ma quỉ và những tên theo nó không ngủ đâu. Đôi tai của chúng không chịu được Lời Thiên Chúa, nên chúng muốn Lời đó câm nín hoặc quấy nhiễu làm cho người khác không nghe được.

Chạm trán với chúng khiến sự mệt nhọc trở nên nặng nề hơn. Đây không chỉ nói về sự làm việc tốt lành với biết bao khó nhọc, nhưng còn nói đến sự bảo vệ đoàn chiên, sự bảo vệ chính mình khỏi sự dữ. Quỉ dữ rất tinh quái. Điều chúng ta đã kiên nhẫn tạo lập trong biết bao ngày tháng, nó có thể phá huỷ trong nháy mắt.

Cần cầu xin ơn vô hiệu hoá nó. Học biết vô hiệu hoá mọi hoạt động xấu xa của ma quỉ, đó là thói quen quan trọng: vô hiệu hoá sự dữ; không nhổ cỏ lùng, cũng không tự phụ là siêu nhân để chống lại ma quỉ và sự dữ nó gây ra vì chỉ có Chúa mới làm được điều đó.

Tất cả những điều đó giúp chúng ta không giơ tay đầu hàng trước hàng hàng lớp lớp những bất công, trước những nhạo báng, khinh miệt của kẻ ác. Lời Chúa cho những tình thế mệt nhọc này là: “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33). Lời đó ban sức mạnh cho chúng ta.

3/ Mệt nhọc do chính mình.

Mệt nhọc thứ ba là mệt nhọc từ bản thân, do chính mình. Đây có lẽ là mệt nhọc nguy hiểm nhất. Bởi vì hai sự mệt nhọc trên: từ đám đông, từ ma quỉ, là những mệt nhọc đến từ bên ngoài, chúng ta cần ra khỏi chính mình để chiến đấu. Trái lại, sự mệt nhọc này phát xuất từ bên trong, đó là sự thất vọng về chính mình.

Đây không phải là sự thất vọng thấy mình là tội nhân, thấy mình hình như bất lực, hầu như khó xa tránh dịp tội, để sống thánh thiện hơn. Không, không phải là loại thất vọng này, vì dù là tội nhân, chúng ta vẫn có thể thanh thản chấp nhận, khiêm tốn xin Chúa trợ giúp, ban ơn tha thứ, để luôn bắt đầu lại, mà hoán cải, canh tân, rồi tiếp tục phục vụ và nỗ lực tiến bước trên con đường nên thánh.

Loại mệt nhọc thứ ba này không phải vậy. Đây là sự mệt nhọc giữa “muốn và không muốn”, muốn hi sinh tất cả nhưng lại phàn nàn than trách về củ hành củ tỏi Ai cập, muốn đón nhận mọi sự theo ý Chúa, nhưng rồi lại ảo tưởng, ước mong, đáng lẽ sự việc phải khác đi.

Trong cuộc chiến đầy mệt nhọc này, chúng ta đi đến thái độ âm thầm “thoả hiệp với linh đạo theo tinh thần thế gian” lúc nào không biết. Khi chỉ có một mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng rất nhiều lãnh vực trong đời sống minh đã thấm nhiễm tinh thần thế gian và chúng ta có cảm tưởng rằng mình thất bại, không bao giờ có thể gột rửa chúng sạch được.

Lời Chúa trong sách Khải huyền chỉ rõ cho chúng ta nguyên nhân của sự mệt nhọc này“Ngươi có lòng kiên nhẫn và chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu.” (Kh 2, 3-4). Chỉ khi có tình yêu mới có sự nghỉ ngơi đúng nghĩa. Ai không có tình yêu, người đó sẽ mệt nhọc một cách nặng nề; và theo thời gian, sự mệt nhọc đó ngày càng nặng nề hơn.

4/ Mệt nhọc vì tuổi tác, bệnh tật, nghỉ hưu.

Sau cùng là mệt nhọc vì tuổi tác, bệnh tật, nghỉ hưu. Cảm giác đến tuổi phải nghỉ hưu có lẽ là cảm giác rất buồn, rất hụt hẫng vì hình như mình không còn làm được việc gì nữa, hình như mình không còn hữu ích cho ai nữa; Ngoài ra, linh mục đến tuổi hưu còn có cảm tưởng rằng có lẽ từ nay, không còn ai đến với mình nữa, mình không còn như trước nữa, mình chẳng có gì để làm, như bị gạt sang một bên, sống bên lề cuộc đời.  Có thể cảm giác này, suy nghĩ này làm chúng ta chán nản, mệt nhọc. Có vị đã đi hưu than buồn và nói: “không ai đến thăm tôi cả!” Một vị khác thì tâm sự: “Nghỉ hưu rồi, thấy ngày sao dài thế!”

Còn phải kể đến mệt nhọc vì tuổi tác, bệnh tật. Đây là loại mệt nhọc ai cũng phải trải qua. Càng cao tuổi, đi lại càng chậm chạp, mắt càng mờ nhìn không rõ, tai càng nghe không rõ, tiếng được tiếng mất, ngồi càng lâu càng đau lưng. Đó là chưa nói đến những đau đớn do bệnh tật, khó khăn về ăn uống, vệ sinh. Tất cả những yếu đuối thể lý đó làm chúng ta mệt mỏi, làm chúng ta như mất sức sống, và có thể làm chúng ta chán nản, cảm thấy mình vô ích, cảm thấy mình thừa thãi.

Mệt nhọc, yếu đuối thể lý còn kéo theo yếu đuối tinh thần: Không thể đọc, không thể nghe, để nuôi dưỡng trí thức và tinh thần thêm được nữa; không thể tập trung cầu nguyện lâu giờ được nữa; nhiều khi dâng lễ cũng là làm cho mau xong, không thể chú ý, không thể sốt sắng vì trí óc đã lãng đãng, lúc nhớ, lúc quên. Lúc ấy, sự mệt nhọc trở nên rất nặng nề, chúng ta chỉ còn biết dâng cho Chúa mọi sự khi tỉnh táo, khi còn nhận biết được những gì xảy ra chung quanh.

Những mệt nhọc ở giai đoạn cuối đời này có lẽ không còn gọi là mệt nhọc được nữa, mà là sự dâng hiến, phó thác trong đức tin đã có từ khi còn khoẻ mạnh, còn tỉnh táo và kéo dài trong ý thức hoặc tiềm thức cho đến giờ Chúa gọi đi gặp Ngài. Dĩ nhiên, với điều kiện là chúng ta tin yêu Chúa hết lòng.

Chúa Giêsu quan tâm săn sóc các mục tử của Ngài.

Hình ảnh sâu xa nhất và mầu nhiệm nhất về cách Chúa quan tâm đến sự mệt nhọc của chúng ta là hình ảnh Chúa rửa chân cho các môn đệ: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1). Hãy chiêm ngắm hành động rửa chân của Chúa và hãy nhớ rằng Chúa cũng rửa chân cho tất cả những ai đi theo Người. Phải, Chúa chịu khổ cùng chúng ta. Ngài là người đầu tiên rửa sạch mọi vết bẩn là khói bụi thế gian bám chặt vào chúng ta trên con đường phục vụ và rao giảng nhân danh Ngài.

Cứ coi đôi chân thì biết cả con người. Những đôi chân đầy vết thương sần sùi, xương khớp trầy trật, và nỗi mệt nhọc là những dấu hiệu cho thấy cách chúng ta đi theo Chúa, cho thấy những con đường chúng ta đã dõi bước để kiếm tìm chiên lạc, và đã gắng sức dẫn đoàn chiên tới những đồng cỏ xanh tươi và những dòng nước trong lành thế nào. Chúa sẽ lau chùi và thanh tẩy sạch mọi bụi bẩn bám vào đôi chân chúng ta. Và điều đó thì thánh thiêng. Ngài không để cho đôi chân chúng ta dơ bẩn. Ngài ôm hôn nó như những vết thương của người chiến hữu, rồi rửa nó thật sạch.

Là những người đi theo Chúa, chúng ta sẽ được chính Chúa rửa sạch, để chúng ta cảm thấy hân hoan đứng thẳng, không sợ hãi, không mặc cảm tội lỗi, để chúng ta có can đảm ra đi tới tận cùng thế giới, tới tận những vùng ngoại biên xa xôi, heo hút, tới tận cùng của thời gian, và hăng hái đem Tin Mừng cho mọi người, nhất là cho những người bị bỏ rơi nhất, vì biết rằng Chúa ở cùng chúng ta mọi nơi, mọi ngày cho đến tận thế.

Hãy cầu xin được ơn học biết mệt nhọc, một sự mệt nhọc tốt lành, thánh thiện.  Hãy cầu xin ơn được chịu đựng mệt nhọc, nhất là mệt nhọc của tuổi cao sức yếu, như của lễ hi sinh dâng lên Chúa. Amen.

[1] ĐGH PHANXICÔ, “À mes frères prêtres”, Nxb Artège, Paris 2020

[2] Sách đã dẫn, trang 177-182.