Các Bài Suy Niệm Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

print

Các Bài Suy Niệm Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

Lời Chúa: ​Is 49, 1-6; Cv 13, 22-26; Lc 1, 57-66.80

  1. Em này rồi sẽ ra sao _ Lm. Ant Nguyễn Cao Siêu SJ. 1
  2. Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại _ Lm. GB Trần văn Hào SDB.. 3
  3. Sống Cao Đẹp, Chết Hào Hùng _ Lm Giuse Nguyễn Hữu An. 5
  4. Khiêm tốn và chăm chỉ làm việc để tôn vinh Chủ mình _ Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm.. 8
  5. Sinh nhật kỳ diệu _ Lm. Giuse Nguyễn Hữu An. 11
  6. Đứa trẻ nầy rồi sẽ thế nào đây _  Lm Trần Ngà. 15
  7. Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. 16
  8. Chứng nhân của cõi vĩnh hằng _  ĐGM. Bùi Tuần. 19
  9. Hiện diện để trở nên chứng nhân. 21
  10. huyền nhiệm sự sống _ Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P. 23
  11. Sứ Vụ Tiền Hô Hôm Nay _ Lm Đan Vinh – Hhtm.. 25
  12. Hiện diện để trở nên chứng nhân _ Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P. 29
  13. Gioan Tiền Hô. 32
  14. Thánh Gioan Tiền Hô. 33

1. Em này rồi sẽ ra sao _ Lm. Ant Nguyễn Cao Siêu SJ.

Giới trẻ ngày nay xem ra thích mừng sinh nhật hơn mừng lễ bổn mạng. 
Ngày vui ấy thường đi với quà, tiệc mừng và những lời cầu chúc. 
Thật ra mừng sinh nhật có thể là một hành vi mang nhiều tính tôn giáo. 
Tôi nhớ đến ngày tôi được sinh ra, 
một sinh linh bé nhỏ chào đời, 
mang hình ảnh của Thiên Chúa, mang khuôn mặt của Đức Giêsu. 
Ngày ấy quan trọng và đáng nhớ ngay cả đối với chính Thiên Chúa. 
Dù thế giới có hơn 6,7 tỷ người thì một hài nhi mới sinh 
cũng có một chỗ đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa. 
Thiên Chúa có những ước mơ và dự tính riêng về từng con người. 
Chẳng ai chào đời một cách tình cờ và ngẫu nhiên. 
Mỗi người đều cần cho kế hoạch lớn của Thiên Chúa. 
Mừng sinh nhật một cách nghiêm túc lại trở thành một lễ tạ ơn. 
Tạ ơn Chúa đã cho tôi được làm người ở đời. 
Bất chấp những khổ đau vấp ngã, những thất bại đắng cay, 
tôi vẫn xin được yêu mảnh đời Chúa dệt cho tôi. 
Hôm nay Giáo Hội mừng sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả. 
Chỉ có Đức Giêsu và Mẹ Maria mới được mừng ngày sinh trong phụng vụ. 
Điều đó cho thấy sinh nhật của Gioan là biến cố có ảnh hưởng lớn. 
Bài Tin Mừng hôm nay nói vắn gọn về chuyện sinh hạ và cắt bì Gioan, 
nhưng kể dài hơn về chuyện đặt tên cho em. 
Chúng ta có thể cảm được niềm vui lớn lao của người mẹ là bà Êlisabét. 
Niềm vui này đã bắt đầu từ khi bà có thai Gioan. 
Chẳng biết bà bao nhiêu tuổi, chỉ biết là bà đã cao niên lại không sinh con. 
Hiếm muộn thời xưa thường bị coi là do người vợ. 
Đó là một sự sỉ nhục (St 30, 23) và là một hình phạt của Chúa (2 Sm 6, 23). 
Nhưng bà Êlisabét lại là người công chính thuộc dòng tư tế Aharon, 
“sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, 
không ai chê trách được điều gì” (Lc 1,6). 
Bà đã sống với nỗi đau này trong nhiều năm, sau bao lần chờ đợi và thất vọng. 
Khi biết mình có thai trong lúc tuổi già, 
bà tự nhủ : “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, 
khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước người đời (Lc 1,25). 
Ngày sinh của Gioan là ngày vui đặc biệt cho bà, người làm mẹ lần đầu. 
Niềm vui ấy còn được nhân lên vì bà sinh một cậu con trai. 
Láng giềng, thân thích đến chung vui với bà vì bà được Chúa thương. 
Chúng ta không rõ bởi đâu mà Êlisabét đòi phải đặt tên cho con mình là Gioan. 
Chỉ biết bà đã phản ứng quyết liệt chuyện đặt tên con là Dacaria. 
Nhưng quyết định của người cha mới là quan trọng, 
vì người cha thường là người có quyền đặt tên cho con, 
qua đó nhìn nhận người con ấy là của mình (x. Mt 1, 21). 
Ông Dacaria chẳng những bị câm, lại còn điếc nữa, 
nên người ta phải làm hiệu để hỏi ý ông. 
Khi ông viết trên bảng tên “Gioan” thì mọi người chưng hửng. 
Chính lúc ấy một phép lạ xảy ra: ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa. 
Gioan là tên mà sứ thần đã dặn ông lúc dâng hương trong Đền thờ. 
Gioan (Yôkhanan) có nghĩa là Đức Chúa thi ân. 
Gioan thật là một ơn của Chúa và sẽ đóng một vai trò trong lịch sử cứu độ. 
Chúng ta để ý đến vai trò của bà con láng giềng trong bài Tin Mừng này. 
Họ đến chung vui, can thiệp ít nhiều vào chuyện đặt tên đứa trẻ. 
Họ bỡ ngỡ với cái tên Gioan, và kinh sợ khi ông Dacaria nói lại được. 
Việc sinh hạ Gioan quả đã được vây bọc bởi nhiều chuyện lạ lùng. 
Tiếng vang không chỉ nơi láng giềng thân thích, 
mà còn được loan truyền khắp vùng đồi núi xứ Giuđê (c. 65). 
“Rồi đây đứa trẻ này sẽ ra thế nào ?” 
Đó là câu hỏi mà ai cũng để tâm suy nghĩ sau khi nghe câu chuyện. 
Hẳn là em này sẽ có một định mệnh và ơn gọi đặc biệt. 
Có thể sau đó mọi sự lại lắng xuống, 
còn cậu Gioan thì vẫn lớn lên, tinh thần vững mạnh. 
Cậu không lập gia đình và sống trong hoang địa, chờ ngày đến với Ítraen. 
Mừng sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả, 
chúng ta thấy được sự khiêm tốn của Thiên Chúa. 
Để giới thiệu Con của Người là Đức Giêsu cho dân Ítraen, 
Thiên Chúa cần đến Gioan, một người dọn đường. 
“Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng 
kêu gọi toàn dân Ítraen chịu phép rửa tỏ lòng sám hối” (Cv 13, 24). 
Và Thiên Chúa đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc sinh hạ của con người này. 
“Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, 
lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi” (Is 49,1). 
Hình ảnh người Tôi Trung trên đây trong Isaia khá hợp với Gioan. 
“Người là đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ 
để tôi trở thành người Tôi Trung đem nhà Giacóp về cho Người…” (Is 49,5). 
Hóa ra việc Thiên Chúa chọn, gọi và giao sứ mạng 
đã diễn ra ngay từ con người chỉ mới là phôi thai trong lòng mẹ. 
Điều này đúng với Gioan : 
“Em sẽ được đầy Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ. 
Em sẽ đưa nhiều con cái Ít raen về với Đức Chúa… 
và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1, 15-17). 
Gioan đã được gọi để làm ngôn sứ cho dân tộc của ngài, 
giúp cho dân Ítraen đón nhận Đấng đến sau ông nhưng lại có trước ông. 
Ơn gọi ấy đã làm cho ông hiện hữu ở trên đời. 
Cuộc sinh hạ của Gioan được coi là kỳ lạ. 
Thật ra cuộc sinh hạ nào cũng là một màu nhiệm lạ lùng. 
Khi rửa tội một em bé mới sinh, 
chúng ta cũng vẫn đặt câu hỏi: Em này rồi sẽ ra sao ? 
Đâu là định mệnh tương lai của em ? 
Đâu là con đường riêng mà Chúa muốn em đi ? 
Chúng ta chỉ mong bàn tay Chúa ở với em (Lc 1, 66). 
Những thai nhi, những hài nhi, những trẻ thơ hôm nay ở quanh ta 
cũng được hiện hữu và được trao một sứ mạng. 
Mừng sinh nhật một vị thánh, chúng ta thêm trân trọng sự sống nơi các em, 
và thấy mình có bổn phận nâng đỡ để các em đi con đường Chúa muốn 
và trở thành những người đưa dân tộc Việt Nam đến với Chúa. 

Lạy Chúa Giêsu thương mến, 
xin ban cho chúng con 
tỏa lan hương thơm của Chúa 
đến mọi nơi chúng con đi. 
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con 
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa. 
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con 
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa. 
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, 
để những người chúng con tiếp xúc 
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. 
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, 
không phải bằng lời nói suông, 
nhưng bằng cuộc sống chứng tá, 
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. Amen. 
(Chân phước
Têrêxa Calcutta)

2. Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại _ Lm. GB Trần văn Hào SDB

Có một chàng thanh niên nọ một mình lang thang giữa sa mạc nóng cháy. Anh ta bực mình vì đi đến đâu, luôn có một cái bóng bám theo đến đó, đó là cái bóng của chính anh ta. Anh ta đi, cái bóng cũng đi, anh ta chạy cái bóng cũng chạy, anh đứng, cái bóng cũng dừng lại. Chàng thanh niên muốn thoát khỏi cái bóng ấy nhưng không biết phải làm cách nào. Anh tìm đến một vị đạo sỹ để thỉnh ý. Vị hiền sỹ trả lời : “Nếu muốn thoát khỏi cái bóng của chính mình, anh hãy đến ẩn náu dưới một cái bóng khác lớn hơn”.

Thánh Gioan tiền hô là người luôn ẩn dấu cái bóng mờ nhạt của mình dưới một cái bóng khác cao cả hơn, vĩ đại hơn, đó là bóng dáng Thập giá Chúa Giêsu. “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại”. Đây là câu châm ngôn mà Thánh Gioan đã chọn và thực hành trong suốt cuộc sống của mình.

Tiếng hô trong sa mạc

Gioan tiền hô là vị ngôn sứ cuối cùng của cựu ước. Ngài là nhịp cầu kết nối giữa cựu và tân ước. Gioan tự ví mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Tiếng kêu vang vọng lại lời, còn Đức Giêsu chính là ‘Ngôi Lời’ đã đến trần gian. Thánh nhân chỉ là kẻ dọn đường, còn Đức Giêsu là chính ‘Con Đường’ để dẫn đưa chúng ta tiến về quê trời. Gioan đã công khai minh xác rằng : “Tôi không phải là Đấng Kitô. Có người đến sau tôi nhưng cao trọng hơn tôi, còn tôi, tôi không đáng cúi xuống xách dép cho Ngài” (Mc1,6). Gioan đã chủ động làm lu mờ cái bóng mờ nhạt của mình để cho Đức Giêsu được lớn lên và trổi vượt. Khi Đức Giêsu bắt đầu ‘xuất du’ đi rao giảng công khai, Gioan tiền hô đã rút lui vào trong bóng tối của tù ngục. Suốt cuộc đời, Gioan đã thể hiện điều mà Ngài đã tâm đắc : “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại”. Vì thế, Đức Giêsu đã đề cao mẫu gương của Gioan khi nói với các môn sinh : “Trong các phàm nhân được sinh ra, không ai cao trọng hơn ông Gioan” (Mt 11,11).

Can đảm nói sự thật

Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta gặp không biết bao là gian dối và lừa lọc ở mọi lãnh vực, mọi cấp độ và mọi hạng người. Thiên hạ vẫn hay nói ‘Thẳng thắn, thật thà, thành thua thiệt’. Lương tâm con người ngày nay dễ trở thành xơ cứng khi cứ tha hồ gian dối mà chẳng cảm thấy áy náy chút nào. Nhà văn Lưu Quang Vũ trong vở kịch ‘Tôi và chúng ta’ đã mỉa mai nói rằng, con người đã trải qua 3 thời kỳ : thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng, và ngày nay là thời kỳ đồ đểu’. Sự ngay thật hình như đang thoái trào để cho sự lừa lọc, gian dối và đểu cáng lên ngôi. Đây là một sự thật nhức nhối mà chúng ta thấy nhan nhản ở khắp nơi.

Nơi thánh Gioan thì không phải vậy. Ngài đã cam đảm nói lên sự thật, cho dù phải trả giá rất đắt. Sự thẳng thắn đã khiến Ngài bị biệt giam trong tù và cuối cùng bị chém đầu do bàn tay của vua Hêrôđê. Cái chết của thánh Gioan là một cái chết tử đạo đúng nghĩa, vì Ngài đã can đảm nói lên sự thật. Tử đạo, theo nguyên ngữ Hy Lạp, ‘Maturion’, có nghĩa là làm chứng. Thánh Gioan đã đón nhận cái chết phũ phàng, giống như cái chết của Đức Giêsu và cái chết ấy là một cuộc tử đạo với ý nghĩa tròn đầy.

Ngày 27/04/1945, Đức quốc xã thất trận và rút quân về biên giới Italia. Họ tức giận vì bị quân đồng minh đẩy lùi ra khỏi cuộc chiến. Để trả thù, quân phát xít đi vào các làng mạc để cướp bóc, đốt phá và lùng bắt các Kitô hữu. Trước tình cảnh này, Cha Decande, một linh mục hiền lành và thánh thiện đã tự nguyện đứng ra điều đình để bảo vệ dân làng Fiatsa, giáo xứ nơi Ngài phụ trách. Vừa thấy Ngài, quân lính xông tới trói lại và quyết định xử bắn vị mục tử đáng kính. Ngài can đảm chấp nhận và phó thác cho Chúa. Một tiểu đội hành quyết được huy động. Vị cha già khả kính vẫn bình thản chờ đợi. Bỗng từ hàng lính đang chĩa súng vào vị linh mục, có một chàng trai trẻ từ từ bước ra. Anh ta buông súng xuống và dõng dạc nói: ‘Tôi là một người Công giáo, tôi không bao giờ bắn vào một linh mục, một người của Chúa’. Viên sỹ quan tái mặt và ra lệnh trói luôn người lính bên cạnh vị Cha già thánh thiện kia. Một vài phút sau, một loạt đạn vang lên. Cả hai bóng người ngã xuống. Dân làng Fiatsa không biết người lính trẻ kia tên là gì, nhưng họ nhớ mãi gương mặt hiền lành của chàng trai. Khi chôn cất thi hài, họ tìm thấy trong túi áo của người lính một cỗ tràng hạt. Chắc chắn Đức Mẹ đã dẫn đưa anh ta về với Chúa, vì cái chết của anh quả thật là cái chết tử đạo. Đây là một con người đã can đảm làm chứng cho sự thật.

Giáo hội thiết lập phụng vụ mừng kính sinh nhật của Thánh Gioan tiền hô, cũng thiết lập phụng vụ kính nhớ việc thánh nhân bị chém đầu. Ngài đã chết để làm chứng cho sự thật, và sự thật tuyệt đối là chính Đức Giêsu, như Chúa đã công bố : “Tôi là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Cái chết tử đạo của thánh Gioan đã hàm ngậm ngay từ khi Ngài mới được sinh ra. Lộ trình tử đạo ấy đã trải dài trong suốt cuộc sống khi Ngài chọn cho mình câu châm ngôn ‘Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại’.

Hành trình ơn gọi của thánh Gioan tiền hô

‘Đứa trẻ này rồi sẽ ra sao và quả thật, có bàn tay Chúa luôn phù hộ em’ (Lc 1,66). Đây là nhận định của nhiều người trong ngày thánh Gioan chào đời, được thánh sử Luca ghi lại. Tương lai của đứa trẻ ấy sẽ như thế nào, không ai biết. Tương lai của mỗi người chúng ta cũng vậy, chẳng ai có thể tiên đoán. Nhưng, hành trình ơn gọi của Gioan cũng như của chúng ta sẽ luôn đi đúng hướng nếu có bàn tay Thiên Chúa luôn ở cùng. Thiên Chúa là Đấng khởi xướng và mời gọi chúng ta tiếp bước theo Ngài. Ngài luôn ở bên chúng ta, và bàn tay yêu thương của Ngài luôn dẫn lối để chúng ta tiến bước. Nếu thoát ra khỏi vòng tay thân thương ấy và sống cô lẻ một mình, chúng ta sẽ vấp ngã. Gioan tiền hô thì không. Ngài cảm nhận ra ơn gọi và sứ mạng được Thiên Chúa trao phó nên đã nói với mọi người “Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Có người đến sau tôi nhưng cao trọng hơn tôi. Tôi chỉ đáng xách dép cho Ngài” (Mc1,7).

Mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa trao ban một ơn gọi. Sống hoàn thiện ơn gọi đó, chúng ta sẽ vươn đạt tới sự thánh thiện. Trái lại nếu chúng ta chối từ lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta sẽ rơi vào diệt vong.

Kết luận

Trong phụng vụ, Giáo hội chỉ mừng kính 3 lễ sinh nhật: Sinh nhật Chúa Giêsu, sinh nhât Đức Maria và sinh nhật của Thánh Gioan tiền hô. Lý do như Đức Giêsu đã nói: “Trong các phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa thấy ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy gỉa (Mt 11,11). Chúa còn sánh ví Gioan như ngôn sứ Êlia. Tuy nhiên, điểm nhấn của phụng vụ hôm nay là Giáo hội muốn chúng ta nhìn vào cuộc hành trình ơn gọi của thánh nhân như một tấm gương. Đó là một con người luôn sống khiêm hạ, ẩn dấu cái bóng bé nhỏ của mình dưới một cái bóng khác lớn hơn. “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại”. Cuộc sống ơn gọi của thánh Gioan là hình mẫu để cho chúng ta noi theo.

3. Sống Cao Đẹp, Chết Hào Hùng _ Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Giáo Hội thường mừng lễ các thánh vào ngày các ngài qua đời. Đó là ngày các ngài được về với Thiên Chúa Tình Yêu, ngày sinh nhật trên thiên quốc.

Đối với thánh Gioan Tẩy Giả, Giáo hội mừng kính cả ngày ngài sinh ra và cả ngày ngài tử đạo. Ngày qua đời mừng ở bậc lễ nhớ. Ngày sinh nhật với bậc lễ trọng.

Trong năm phụng vụ chỉ có 3 lễ mừng sinh nhật. Đó là Giáng Sinh của Đức Giêsu (25.12); Sinh nhật của Đức Maria (8.9) và Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả (24.6). Như vậy trong hàng ngũ các thánh, chỉ có thánh Gioan được vinh dự lớn nhất là được mừng ngày chào đời của mình. Cuộc đời và sứ mạng của Gioan gắn liền với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu nên Giáo hội có lý do để sắp đặt lễ mừng Sinh nhật Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế trở thành một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ.

Gioan được sinh ra kỳ diệu và ơn gọi cũng kỳ diệu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Gioan ra đời là niềm hạnh phúc cho cha mẹ, người thân và láng giềng. Một niềm vui quá lớn vì ông bà son sẻ. Mọi người đến chúc mừng người mẹ sinh con lúc tuổi già mà được “mẹ tròn con vuông”. Ai cũng trầm trồ khen bé trai thật dễ thương thật đáng yêu. Ai cũng mỉm cười với bé, đặt nhiều hy vọng vào bé: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em”.

Ông Bà Giacaria mong chờ con trai nối dõi tông đường và sẽ như cha, con làm tư tế. Gioan có đủ điều kiện để tiến thân, giàu có, vinh dự thuộc giai cấp thượng lưu. Nhưng Gioan lại nghe tiếng gọi từ trời cao đi làm Ngôn sứ. Gioan vào hoang địa sống một mình. Cuộc sống khắc khổ, đơn sơ, nghèo nàn.

Từ đó, Gioan trở thành Ngôn sứ với đời sống cao đẹp và đã chết hào hùng.

1/ Cuộc sống cao đẹp

Gioan sống đẹp trong cương vị sứ giả: “Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17), và là người tiên phong: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Sống đẹp vì Gioan đã từ bỏ đời sống giàu sang uy thế của gia đình, đi vào trong sa mạc hoang vắng sống gắn bó với Thiên Chúa, lắng nghe và thực hiện thánh ý Ngài.

Sống đẹp vì Gioan có một số môn đệ, nhưng khi Chúa Giêsu đến, Gioan đã giới thiệu cho họ (Ga 1, 36) để họ trở thành môn đệ Chúa Giêsu.

Sống đẹp vì Gioan đã thu phục được đám đông, được dân chúng ngưỡng mộ, nhưng Gioan chỉ cho họ biết có Đấng cao cả hơn đang đến, Đấng mà Gioan không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài (Ga 1,27).

Gioan sống đẹp vì đã luôn tâm niệm rằng: “Chúa Giêsu phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”(Ga 3, 30).

2/ Cái chết hào hùng

Cái chết của Gioan đau thương mà rất hào hùng.

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương,bị đế quốc Roma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn,dân chúng lầm than,Gioan cũng mang nặng những ưu tư những trăn trở yêu nước thương dân.

Vị vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân, lấy vợ của anh mình là Hêrôđiađê. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua,kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay.Vì thế Gioan đã bị vua chém đầu. 

Người theo Đạo Hồi giáo Islam rất sùng kính Thánh Gioan ở giáo đường bên Syria. Theo tương truyền, trong ngôi đền thờ Hồi giáo Omajjden có phần mộ chôn đầu của Gioan. Người Hồi giáo Syria gọi ngài bằng tên Yaya Ben Zakariyah. Năm 2001, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến hành hương kính viếng cầu nguyện trước ngôi mộ Thánh nhân tại ngôi đền thờ này với những người Hồi giáo tại đó.

Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ông không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù.Thế nhưng Chúa Giêsu đã nói về ông: “Trong các con cái người nữ sinh ra,chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả”(Lc 7,28). Như vậy điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống.Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.

Sứ mạng ngôn sứ thời nào cũng thế.Chúa Giêsu, vị ngôn sứ làm chứng cho sự thật cũng bị bắt bớ, bị hành hạ và bị đóng đinh thập giá. Các Thánh Tử Đạo cũng đã làm chứng cho sự thật, tiếp nối con đường Thầy mình đã đi,cũng gánh lấy tù tội và cái chết, bởi lẽ: “Nếu thế gian đã ghét Thầy,thì thế gian sẽ ghét các con vì các con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (Ga 15,18-19).

3/ Hồng ân ngày sinh nhật

Được sinh ra và lớn lên trong bàn tay phù hộ của Thiên Chúa, Gioan đã sống vai trò Ngôn sứ, dọn đường cho Chúa Cứu Thế và đã chết vì chân lý.

Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, mỗi người nhớ đến ngày sinh nhật của mình. Ngày đó, cha mẹ, ông bà, thân bằng quyến thuộc mừng vui. Ai cũng cười tươi nhìn trẻ thơ, ai cũng muốn bồng ẵm chúc lành và đặt nhiều hy vọng nơi con trẻ. Rồi mỗi người được cha mẹ đặt tên, được đưa đến Nhà thờ để nhận phép thanh tẩy với một tên Thánh và trở nên con của Thiên Chúa.Mỗi lần mừng sinh nhật của mình, mỗi người nhớ đến bao nhiêu là hồng ân Thiên Chúa ban tặng để tạ ơn và sống xứng đáng hơn.

Ngày nay, nhiều gia đình có truyền thống kỷ niệm và mừng ngày sinh nhật của các thành viên trong gia đình. Đó là một việc làm thật ý nghĩa và nhiều niềm vui. Bởi vì, đã sinh ra trong đời, dù ở cảnh ngộ nào, ai cũng được Đấng Tạo Hóa ban tặng chức phận quý giá, đó là làm người. Qua mạc khải Kinh thánh và dưới ánh sáng đức tin, chúng ta biết rằng, con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu. Như vậy, mỗi người trong nhân loại đều được mời gọi theo một hướng đi nhất định để hoàn tất một định mệnh tươi đẹp và một cuộc sống cao cả.

Là Kitô hữu, chúng ta vui mừng tạ ơn và hy vọng về ơn gọi, định mệnh, hướng đi của mình.Thánh Gioan là một mẫu gương tuyệt vời, sống cao đẹp và chết hào hùng.

4. Khiêm tốn và chăm chỉ làm việc để tôn vinh Chủ mình _ Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Trong ngôn ngữ phụng vụ, chữ sinh nhật có hai nghĩa trái ngược nhau. Dùng để nói về Chúa Yêsu, Ðức Mẹ và thánh Yoan Tẩy giả, sinh nhật chỉ ngày các Ngài chào đời, tức là sinh ra ở trần gian. Còn khi nói về mọi thánh khác, sinh nhật lại là ngày các ngài ra khỏi đời này và sinh ra ở trên trời. Có sự phân biệt như vậy cũng là điều dễ hiểu. Vì có gì đáng mừng khi sinh ra trong tội lỗi; chính lúc chết đi cho thế gian mới là sinh ra cho sự sống muôn đời. Hết mọi thánh sinh ra ở đời đều mắc tội Ađam; nên ngày chào đời của các ngài không có gì đáng mừng. Ngược lại khi các ngài chết thánh thiện mới là lúc thật sự sinh ra cho hạnh phúc trường cửu và chúng ta phải vui mừng. Hội Thánh mừng ngày các ngài sinh ra ở thiên đàng chứ không tôn kính ngày các ngài sinh ra ở trần gian. Ngược lại, vì không dính bén nguyên tội hay vì được khỏi nguyên tội trước khi sinh ra, Chúa Yêsu, Ðức Maria và thánh Yoan Tẩy giả là ba vị duy nhất được mừng ngày sinh ra ở đời, nên ngày đản sinh của các ngài là ngày đáng mừng vì nó tô đẹp cho thế giới và đem hân hoan cứu độ đến cho loài người. Nhất là khi chúng ta nghĩ đến vai trò đặc biệt của Chúa Yêsu, Ðức Maria và thánh Yoan Tẩy giả trong mầu nhiệm cứu thế. Ngày các Ngài sinh ra đem hạnh phúc đến cho chúng ta nên chúng ta phải hân hoan.

Nhưng tại sao lại mừng sinh nhật thánh Yoan Tẩy giả vào ngày 24 tháng 6 này? Người ta có thể biết rõ ngày sinh tháng đẻ của người sao? Không phải như vậy! Ngày xửa ngày xưa mấy ai nhớ rõ được đúng ngày sinh của mình. Họa chăng một vài bậc quan vương nào đó sinh ra trong các đền vua đầy văn hào văn sĩ mới có người ngồi đó để ghi ngày sinh tháng đẻ. Chúa Yêsu, Ðức Maria, thánh Yoan đều là dân nghèo về mặt xã hội làm sao có thể để lại ngày sinh rõ ràng. Chính việc các ngài đản sinh mới quan trọng. Còn các ngài sinh ra ngày nào, giờ nào thì hậu thế liệu mà đặt ra theo một vài tiêu chuẩn nào đó.

Ðối với Yoan Tẩy giả, người ta đã căn cứ vào một câu người nói để tính ra ngày sinh của người. Người đã nói về Ðức Yêsu rằng: “Ngài phải tiến lên; còn tôi phải suy đi”. Vậy lúc Ðức Yêsu tiến lên phải là lúc Yoan lui xuống. Ðức Yêsu đã sinh ra ngày 25 tháng 12 là ngày Ðông chí, ngày mặt trời bắt đầu tiến lên trong quỹ đạo của nó, thì tốt nhất nên đặt ngày sinh của Yoan vào ngày mặt trời bắt đầu đi xuống. Và đó là ngày 24 tháng 6, tức là nửa năm trước ngày Ðông chí. Và hợp với lời sứ thần loan báo, bà Ysave thụ thai trước Ðức Maria sáu tháng.

Những điều trên đây một đàng cho chúng ta thấy địa vị đặc biệt của Yoan Tẩy giả trong hàng ngũ các thánh. Nói đúng hơn người ở ngoài hàng ngũ này vì chỉ mình người khi sinh ra đã được khỏi tội Ađam (chỉ có Ðức Yêsu và Ðức Maria không mắc tội đó). Và đàng khác chúng ta được thấy cuộc đời của người gắn liền với cuộc đời của Ðức Yêsu.

Ba bài Kinh Thánh hôm nay dường như muốn nhắc lại ba giai đoạn chính trong cuộc sống của Yoan. Bài sách Isaia gợi lên ơn gọi tiền định của người. Bài Tin Mừng nhắc đến hôm người sinh ra. Và bài sách Công vụ nói lên hoạt động chính Người đã làm theo sứ mạng.

  1. Ơn Gọi Tiền Ðịnh

Chúng ta đã biết truyện Yoan nên khi nghe đọc những câu: “Chúa đã gọi tôi từ dạ mẹ… Người đã nhắc đến tên tôi… Người nắn tôi từ dạ mẹ nên tôi tớ của Người…”, chúng ta thấy dường như Isaia đã báo trước về việc sứ thần loan tin cho Zacarya biết ông bà sẽ có con và phải đặt tên con trẻ là Yoan; và con trẻ ấy khi còn ở trong dạ mẹ đã được ơn Chúa viếng thăm qua lời chào của Ðức Maria; và đã được khỏi tội Ađam cùng trở nên tiên tri của Chúa. Chính Zacarya trong ngày sinh nhật của hài nhi đã được tháo gỡ miệng lưỡi để có thể nói được, cũng đã chúc tụng Yoan là tiên tri của Ðấng Tối cao để làm cho Yacob và Israel trở lại với Chúa và để trở nên ánh sáng cho các dân tộc. Tức là Zacarya cũng đã lấy lại nhiều lời trong bài sách Isaia hôm nay để nói về Yoan.

Tuy nhiên chúng ta vẫn không được coi lời sấm của Isaia đã nhằm nói đến Yoan. Người ta có thể áp dụng những lời đó vào Yoan; nhưng Yoan không phải là đối tượng của những lời ấy. Và việc tìm hiểu ý nghĩa đích thực của những lời này còn làm tăng giá trị Yoan hơn nữa.

Thật vậy, đoạn tiên tri hôm nay nằm trong Isaia II (gồm các chương 40-55), là những lời của Chúa nói với Israel và nói về Israel Dân Chúa lúc được đưa ra khỏi cảnh lưu đày Babylon (năm 538). Chúa phán: mặc dầu Israel thất tín, Chúa vẫn trung thành với lời hứa. Người sẽ gửi đến một người Tôi tớ. Ðoạn sách hôm nay nói đến ơn gọi của Người Tôi tớ đó. Nó là một trong bốn đoạn Isaia mà người ta quen gọi là bốn khúc ca về Người Tôi tớ. Và chúng ta biết chẳng ai trong lịch sử đã thể hiện những lời sấm về Người Tôi tớ này bằng chính Ðức Yêsu Cứu thế. Chính Người sẽ là Người Tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa đến hy sinh cứu độ Dân Người. Do đó, lời sách Isaia hôm nay chủ yếu muốn nói về Ðức Yêsu Kitô. Chỉ có Người mới thật là Vị Tiên tri của Ðấng Tối cao sẽ làm cho Israel quay đầu về với Thiên Chúa; và Người sẽ là ánh sáng đích thực cho các dân tộc.

Nhưng Người đã được tất cả Cựu Ước chuẩn bị. Thành ra Người Tôi tớ đích thực cũng đã được nhiều người tôi tớ đi trước loan báo. Yoan là tiền hô của Ðức Yêsu Kitô Cứu thế.

Người đáng được áp dụng những sấm ngôn kia. Và chúng ta đã thấy việc áp dụng này rất may mắn vì lời sách Isaia hôm nay quả thực có thể gợi lên nhiều sự kiện trong cuộc đời của Yoan: từ việc người được chọn từ trong lòng mẹ, đến việc được kêu tên từ ngày ấy và việc được chỉ định làm tiên tri.

Tuy nhiên, chính Isaia cũng đã không “dựng đứng” lên một hình ảnh về Người Tôi tớ từ hư vô, tức là không dựa vào các yếu tố đã có sẵn. Không, có thể nói ông đã dùng tất cả phần sách Cựu Ước có trước ông để xây dựng hình ảnh Người Tôi tớ này. Ông dùng những Lời Chúa nói về Israel và Yêrusalem tản mác trong tất cả các sách Cựu Ước để vẽ ra khuôn mặt Người Tôi tớ. Bởi vì Người Tôi tớ đầu tiên của Thiên Chúa chính là Israel Dân Người. Người đã gọi Israel từ trong dạ mẹ, đã đặt tên cho nó, đã săn sóc nó như mũi tên quý báu mà người chiến sĩ cẩn thận giữ gìn trong bao. Người dùng Israel để tỏ hiện vinh quang của Người. Người nhờ thánh điện Yêrusalem để quy tụ nhà Yacob. Người tỏa sáng vinh quang trên Dân Người để nó trở thành ánh sáng cho các dân tộc. Nói đúng ra, khi viết đoạn sách hôm nay, “Isaia” chỉ muốn nói đến Yêrusalem và Israel sắp được cứu độ để ra khỏi cảnh lưu đày, vì ơn gọi tiền định, để rồi nó sẽ chiếu tỏa ơn cứu độ của Chúa cho muôn dân. Có như vậy chúng ta mới hiểu được câu 4 ám chỉ đến thân phận lưu đày kiệt quệ… Và có như vậy chúng ta mới dễ được an ủi: bởi vì điều đã viết về Dân Chúa nói chung cũng có thể hiểu được về từng người con Chúa nói riêng, cho dù điều đó chỉ thể hiện hoàn toàn nơi Ðức Yêsu Cứu thế là Dân Chúa đích thực và là Con Một Thiên Chúa. Và dĩ nhiên điều ấy áp dụng cho các thánh nhân sẽ đúng hơn khi áp dụng cho chúng ta. Nhưng chúng ta không được coi mình như đứng ở ngoài. Những lời nói về ơn gọi tiền định của Yoan cũng phải được hiểu về chúng ta để chúng ta tham dự hơn vào sự vui mừng trong ngày người đản sinh hôm nay.

  1. Sinh Nhật Yoan

Tin Mừng theo thánh Luca viết rằng hôm Yoan chào đời, bà con láng giềng đã đến chung vui với ông bà Zacarya. Cả hai người đã già mà nay có con lại không đáng mừng sao? Lẽ ra chính hôm ấy người ta phải đặt tên ngay cho con trẻ (Kn 4,1; 21,3…). Nhưng từ thời sau Lưu đày, người ta bắt chước phong tục Hylạp để việc đó lại sau. Và như vậy cũng tôn vinh ngày làm lễ cắt bì hơn, cử hành 8 ngày sau sinh nhật.

Ðó là ngày đánh dấu việc con trẻ từ nay thuộc Dân Chúa. Bạn hữu thân thích đến đông hơn. Người ta muốn gọi con trẻ bằng tên của cha nó để tôn trọng ông. Vì theo tục lệ, lẽ ra phải lấy tên của ông nội mà đặt cho đứa bé. Nhưng Zacarya cũng đã “lão rồi”; và nay ông mới có con; nên để ông vui, người ta muốn gọi đứa bé là Zacarya. Thế nhưng mẹ nó không chịu. Người ta nói thế nào bà cũng không nghe. Người ta phải nại đến cha nó. Nhưng ông lại câm. Phải lấy bút giấy cho ông. Ông viết: hãy đặt tên nó là Yoan. Thật là lạ lùng! Không ai bảo ai mà cả cha lẫn mẹ đều muốn gọi nó là Yoan, một tên không có trong họ hàng thân thuộc. Yoan có nghĩa là Chúa chạnh thương, Chúa đoái nhìn, Chúa muốn cứu độ. Cái tên thật hay, nhưng ai bảo hai ông bà biết mà chọn? Người ta chưa kịp hết ngạc nhiên thì Zacarya đã bật miệng hát lên bài ca chúc tụng. Phải chăng 9 tháng câm đã cho ông thời gian suy nghĩ về lòng Chúa nhân ái, chạnh thương, muốn nhìn lại Israel để ra tay cứu độ như lời đã hứa cùng tổ phụ Abraham và cho đến muôn đời?

Thánh Luca đã tỏ ra lỗi lạc trong bài tường thuật hôm nay. Người không chú ý đến ngày sinh nhật của Yoan. Người mời chúng ta tham dự nghi lễ cắt bì, tức là nghi thức tiến dâng hài nhi lên làm con Chúa. Nói đúng hơn, người chỉ nhắc đến tên lễ nghi này để đưa mắt chúng ta hướng về Chúa để thấy Chúa đang đoái nhìn, chiếu cố, chạnh thương và muốn cứu độ Dân Người. Thánh Luca dùng mọi yếu tố có thể tìm thấy để làm nổi bật tên Yoan khiến người ta thấy rõ Chúa đang thể hiện Lời hứa cho Israel và các dân tộc. Ðó không phải là tên của ông nội đứa bé, cũng chẳng phải là tên của ai trong họ hàng thân thuộc. Làm sao cả cha lẫn mẹ không đồng ý trước mà lại nói ra cùng một tên? Và tên này chỉ có thể bắt nguồn từ mầu nhiệm Chúa đoái thương hai ông bà cũng như hài nhi và toàn dân.

Nếu được phép tìm hiểu thêm nữa, chúng ta hãy để ý: ở đây, chính uy quyền của người cha giải quyết vấn đề đặt tên cho con trẻ; còn trong trường hợp Hài nhi sẽ sinh ra ở Bêlem, chính Ðức Maria là người trước hết có nghĩa vụ phải đặt tên cho con trẻ là Yêsu. Phải chăng Yoan dù sao cũng còn là con cái của xác thịt nên thuộc quyền cha; còn Cha của Ðức Yêsu là Thiên Chúa, nên quyền đặt tên cho Người tùy ở Ðức Mẹ Ðồng trinh?

Dù sao, hôm nay Giáo Hội rất vui mừng vì được Yoan, tức là được ơn Chúa chạnh thương, đoái nhìn, muốn cứu độ Dân Người. Chính người Dothái thời Yoan đã nghĩ như vậy, nên họ nóng lòng chờ đợi xem Chúa sẽ ra tay thế nào nơi hài nhi mới sinh

  1. Hành Ðộng Của Yoan

Cũng một tác giả sách Tin Mừng thứ ba đã viết về Yoan như hôm nay chúng ta nghe đọc trong sách Công vụ các Tông đồ. Ông để cho Phaolô nói với những người kính giới Thiên Chúa và đang chờ đợi Lời cứu thoát. Dù không sống ở đất Dothái, nhưng họ chia sẻ mọi tâm tình tôn giáo của đồng bào nơi cố hương. Sống giữa dân ngoại và trong nền văn hóa Hylạp, những người Dothái “thiên cư” (diaspora) đang nghe Phaolô giảng trong hội đường vào ngày sabbat. Họ đã nghe biết về Yoan và đang chờ các hậu quả của việc người xuất hiện. Người đã rao giảng phép rửa thống hối. Nhưng nghe đâu người đã bị bắt và bị giết vì đã khẳng khái lên án tội loạn luân của vua Hêrôđê. Người là Ðấng thánh chắc rồi. Các môn đệ của người đang hoạt động. Không biết rồi sẽ ra sao. Nay Phaolô đến cho họ biết: khi vận nghiệp gần mãn, Yoan đã nói: “Các người tưởng tôi là gì, thì không phải tôi đâu. Nhưng này đang đứng sau tôi, Ðấng tôi không đáng cởi dép chân Người”. Rồi Phaolô tiếp tục nói với người ta về Ðức Yêsu. Người đã làm công việc của Yoan, vì tựu trung hoạt động của Yoan cũng là giới thiệu Ðức Yêsu Cứu thế là tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Phép rửa mà Yoan đã làm, tuy quan trọng vì từ đó đã khiến người được mệnh danh là Tẩy giả, cũng chỉ nhằm mục đích giúp chúng ta thống hối tội lỗi để đón nhận Ðức Yêsu Kitô. Yoan đúng thật là tôi tớ, khiêm tốn và chăm chỉ làm việc để tôn vinh Chủ mình. Ông không lợi dụng lòng phấn khởi lầm tưởng của người ta khi họ muốn coi ông như cứu thế. Ông công nhận không đáng cởi giầy cho Ðấng ấy, tức là không đáng làm môn đệ của Người.

Chính vì Yoan đóng đúng vai trò của vị tiền hô mà ngày nay hơn hết mọi vị thánh, người còn sống động trong sinh hoạt của Hội Thánh. Hội Thánh không ngừng cử hành mầu nhiệm cứu độ, nên luôn luôn nhắc đến Yoan. Hội Thánh mừng sinh nhật của người để biết hừng đông ơn cứu thế đã nổi lên ở chân trời trong đời sống của Dân Chúa. Hội Thánh nghe tiếng người trong mùa vọng Phụng vụ để thanh tẩy tâm hồn và đời sống hầu chuẩn bị ngày Chúa đến. Hội Thánh kính nhớ sự chết của người để được báo tin về cuộc tử nạn cứu thế của Ðức Kitô. Thánh Yoan là tiên tri được sai đi trước mặt Ðức Yêsu Cứu thế thì người còn sống mãi trong tâm tư của Hội Thánh đang đi đón Ðức Kitô trở lại. Có thể nói Hội Thánh phải gặp thánh Yoan trước, tức là phải thanh tẩy, chuẩn bị nên Dân tốt lành hầu đón nhận ơn Chúa đến viếng thăm. Và như vậy thiết tưởng đã đủ để nói lên điều này, là cho đến ngày Ðức Yêsu Kitô trở lại, chúng ta phải nghe lời Yoan giảng, phải thi hành việc người truyền, phải hành động và trở nên như người.

Chúng ta hãy làm công việc này nhờ những bài Kinh Thánh hôm nay đã nói về thánh Yoan. Chúng ta luôn nhớ ơn gọi tiền định; chúng ta luôn suy ngày được hiến dâng cho Chúa và nhận tên là Kitô hữu, một danh hiệu nói lên tình thương cứu độ của Chúa. Nhất là chúng ta bắt chước thánh Yoan có đời sống thanh tẩy tội lỗi và luôn khiêm tốn giới thiệu Ðức Yêsu Cứu thế cho mọi người.

Giờ đây chính Chúa sẽ đến gặp chúng ta trong thánh lễ. Chúng ta hãy có lòng thống hối như muốn cúi xuống cởi giầy cho Người… Chúng ta sẽ được Người nâng lên như có lần Người đã tôn vinh thánh Yoan trước mặt mọi người: Thầy bảo thật trong muôn vàn con cái mà đàn bà sinh ra không ai quý trọng hơn Yoan, nhưng kẻ bé nhất trong Nước Trời còn hơn ông. Vì Yoan chỉ là vị tiền hô, còn chúng ta từ nay là bạn hữu, là Kitô hữu. Ước gì chúng ta hiểu như vậy để từ nay sống xứng đáng hơn với danh hiệu này. Và như thế, chúng ta sẽ tôn vinh Chúa, sẽ tiếp tục làm công việc của thánh Yoan là giới thiệu Chúa cho mọi người.

5. Sinh nhật kỳ diệu _ Lm. Giuse Nguyễn Hữu An 

Giáo Hội thường mừng lễ các thánh vào ngày các ngài qua đời. Đó là ngày các ngài được về với Thiên Chúa, ngày sinh nhật trên thiên quốc. Đối với thánh Gioan Tẩy Giả, Giáo hội mừng kính cả ngày ngài sinh ra và cả ngày ngài tử đạo. Ngày qua đời mừng ở bậc lễ nhớ. Ngày sinh nhật với bậc lễ trọng. 

Trong năm phụng vụ chỉ có 3 lễ mừng sinh nhật. Đó là Giáng Sinh của Đức Giêsu (25.12); Sinh nhật của Đức Maria (8.9) và Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả (24.6).Cuộc đời và sứ mạng của Gioan gắn liền với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu nên Giáo hội có lý do để sắp đặt việc mừng Sinh nhật của Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế trở thành một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ.

Trong dịp hành hương Đất Thánh, chúng tôi đến thăm Nhà thờ kính Thánh GioanTẩy Giảtại Ein Kerem. Đây là Nhà thờ dodòng Phanxicô xây dựng trên địa điểm linh thánh,nơi thánh Gioan ra đời. Với sự chào đời của Gioan, ông bà Dacaria, Isave vui mừng hạnh phúc. Họ hàng bà con đến chung chia niềm vui. Đấng Tiền Hô chào đời chuẩn bị dọn đường cho Đấng Cứu Thế xuất hiện (Lc 1,57-66).

Mỗi người hôn kính nơi Gioan được sinh ra, phía dưới bàn thờ bên phải cung thánh. Sân trong Nhà thờ trưng bày những bảng ghi chép bằng nhiều ngôn ngữlời tiên tri của ông Dacaria. Ông đã thốt ra lời tiên tri này vào ngày lễ cắt bì cho con trẻ và đặt tên cho con mình là Gioan (Lc 1,67-79); theo truyền thống Giáo hội,đây là lời kinh “Benedictus”. 

Gioan được sinh ra kỳ diệu, ơn gọi huyền nhiệm và được trao sứ vụ cao trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

1/ Sinh nhật kỳ diệu

Thánh Luca đã nói tới ngày sinh với những dấu hiệu kỳ diệu của Gioan “Nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời” ( Lc 1,14).

a/ Dacaria bị câm :

Thân phụ của Gioan bị câm vì nghi ngờ lời Truyền tin của Sứ Thần đang khi ông đang dâng hương trong đền thờ theo phiên của mình (Lc 1,5- 23)

b/ Khỏi Tội Nguyên tổ

Bà Isave có thai được 6 tháng, Đức Maria đã đến viếng thăm,vừa nghe lời Đức  Maria chào thì thai nhi Gioan đã nhảy mừng trong dạ mẹ (Lc 1,41) và được đầy tràn Thánh Thần (Lc 1,15). Hồng ân này được Giáo hội hiểu là Gioan đã khỏi tội nguyên tổ, một ân huệ cao cả mà nhân loại không ai có được, ngoại trừ Đức Maria.

c/ Son sẻ mà có con

Hai ông bà Dacaria và Isave là người công chính trước mặt Thiên Chúa, nhưng họ lại không con,vì Bà Isave là người hiếm hoi, cả hai đều đã cao niên (Lc 1,6- 7). Vậy mà Bà đã sinh con “Bà sinh hạ một con trai,nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy,láng giềng và thân thích đều chia vui với bà” (Lc 1,57-58). Trong Cưụ ước cũng có những bà mẹ sinh con kỳ diệu như vậy. Bà Sara mẹ Isaac (St 11,30;21,1-7). Bà Rebecca mẹ của Esau và Giacop (St 25,21- 26). Bà Rakhel mẹ của Giuse (St 29,21; 30,22- 24). Bà Anna mẹ của Samuel (1Sm 1,2- 20).

d/ Tên Gioan và hết câm

Gioan sinh được 8 ngày, chịu cắt bì và đặt tên là Dacaria nhưng bà mẹ lên tiếng: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. Một tên gọi thật lạ lùng khiến mọi người kinh ngạc vì trong họ hàng của bà không có ai tên đó cả.Khi Dacaria viết tên Gioan trên tấm bảng, thì miệng lưỡi ông được mở ra,ông hết câm và nói lại được như trước kia (Lc 1,59- 65).

Mọi biến cố đều kỳ diệu từ khi cưu mang cho đến lúc sinh ra của Gioan, vì “Quả thật,có bàn tay Chúa phù hộ em” (Lc 1,66).

Sinh nhật Gioan kỳ diệu cũng đúng thôi vì Gioan sẽ lãnh nhận một ơn gọi kỳ diệu là làm Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

2/ Ơn Gọi huyền nhiệm

a/  Ngôn sứ Isaia loan báo

 “Có tiếng hô từ nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa,sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy,mọi núi đồi phải bạt cho thấp,khúc quanh co phải uốn cho ngay,đường lồi lõm phải san cho phẳng.Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40,3-5; Mc 1,3; Lc 3,4-6; Mt 3,3). Isaia đã giới thiệu về Gioan như một vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến.

b/ Ngôn sứ Malakia tiên báo

Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con,người sẽ dọn đường cho con đến để làm lòng cha ông quay về với con cháu” (Ml 3,1- 24; Mt 1,10; Lc 1,17;7,27). Lời Ngôn sứ Malakia nhắc nhở cho người đương thời và hậu thế về ơn gọi của Gioan như vị sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.

c/ Sứ Thần Truyền Tin xác nhận

Sứ Thần của Chúa hiện ra với Dacaria,đứng bên phải hương án,xác nhận với ông rằng, người con trai của ông sắp chào đời là Gioan Tẩy Giả “Sẽ đi trước mặt Chúa và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17).

d/ Thân phụ Dacaria

Dưới tác động của Thánh Thần, Dacaria đã hát lên bài ca chúc tụng “Benedictus” về ơn gọi của người con trai mình: “Hài Nhi hỡi,con sẽ đi trước mặt Chúa,mở lối cho Người,bảo cho dân Chúa biết,Người sẽ cứu độ và tha thứ cho họ hết mọi tội khiên”  (Lc 1,76-77).

e/ Gioan khẳng định

Trong một cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và một người Do thái về việc thanh tẩy tại Enon gần Salem thuộc miền Giuđê, chính Gioan đã xác nhận ơn gọi của mình : “Chính anh em làm chứng cho Thầy là Thầy đã nói : tôi đây không phải là Đấng Kitô mà là kẻ được sai đi trước mặt Ngài” (Ga 3,28). 

Gioan sinh ra thật kỳ diệu,hai ông bà Dacaria quá đỗi vui mừng hạnh phúc. Bao ước mơ xưa nay thành hiện thực. Con trai sẽ là người nối dõi tông đường lo cho tuổi gìa của cha mẹ. Con trai sẽ là người nối nghiệp cha làm tư tế. Nhưng mọi dự tính như đều biến thành mây khói khi Gioan nghe theo tiếng gọi từ trời cao đi làm nhiệm vụ Ngôn sứ. Một nhiệm vụ rất nguy hiểm. Gioan vào hoang địa sống một mình với Thiên Chúa để chuẩn bị cho sứ vụ. 

3/ Sứ vụ cao trọng       

Qua sinh nhật và ơn gọi huyền nhiệm của Gioan,Thiên Chúa đã đặt ngài làm gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước với sứ vụ đặc biệt đó là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương, bị đế quốc Roma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn,dân chúng lầm than, Gioan cũng mang nặng những ưu tư những trăn trở yêu nước thương dân. Qua mọi thời, những Ngôn sứ chân chính luôn thao thức với vận mạng Dân tộc. Vị vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân, lấy Hêrôđiađê là vợ của anh trai mình. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy, Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay.Vì thế, Gioan đã bị vua chém đầu từ trong ngục.Đụng chạm đến những hôn quân bạo chúa thì chỉ chuốc lấy họa vào thân. Thế nhưng, lương tâm ngay chính, Gioan đã khẳng khái nói lên những lời cần phải nói cho dù phải trả gía bằng chính mạng sống. 

Sứ mạng Ngôn sứ thời nào cũng phải trả giá khi dám nói sự thật, khi dám đấu tranh cho công lý và dân chủ.Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ông không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù.Thế nhưng Đức Giêsu đã nói về ông: “Trong các con cái người nữ sinh ra,chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả” (Lc 7,28)

Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, mỗi người hãy nghĩ về ngày sinh nhật của mình. Đó là giây phút lịch sử đáng ghi nhớ nhất cuộc đời. Ngày ấy, cha mẹ, anh chị em hân hoan, bà con lối xóm đến chúc mừng. Ai cũng muốn nhìn con trẻ, mỉm cười muốn bồng ẵm và tự hỏi: trẻ này rồi sẽ nên như thế nào, ai cũng chúc phúc và đặt niềm hy vọng. Con trẻ được cha mẹ đặt tên. Ngày được Thanh tẩy, con trẻ có một tên Thánh. Chọn một vị Thánh làm bổn mạng cho con, cha mẹ xin vị Thánh Quan thầy cầu bàu che chở con và mong con noi gương bắt chước vị Thánh ấy trên đường nhân đức.

Thánh Gioan được sinh ra trong niềm vui của cha mẹ và mọi người. Ngài đã sống trọn vẹn ơn gọi của mình.Thánh nhân để lại một mẫu gương khiêm nhường, thánh thiện cho muôn đời. Mỗi người được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và sự quan phòng của Thiên Chúa. Mỗi cuộc đời là một huyền nhiệm trong tình thương Thiên Chúa.Mỗi lần mừng sinh nhật của mình, mỗi người chúng ta nhớ đến bao nhiêu là hồng ân Thiên Chúa ban tặng để tạ ơn và sống xứng đáng hơn.

Ngày nay, nhiều gia đình có truyền thống kỷ niệm và mừng ngày sinh nhật của các thành viên trong gia đình. Đó là một việc làm thật ý nghĩa và nhiều niềm vui. Bởi lẽ, đã sinh ra trong đời, dù ở cảnh ngộ nào, ai cũng được Đấng Tạo Hóa ban tặng chức phận quý giá, đó là làm người. Qua mạc khải Kinh thánh và dưới ánh sáng đức tin, mỗi người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu. Mỗi người đều có một ơn gọi và được trao ban một sứ vụ.Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, mỗi người nhớ đến ngày mình đượctái sinh làm con Thiên Chúa.Nhờ phép rửa, chúng ta đã trở thành ngôn sứ loan báo hồng ân cứu độ của Chúa. 

Noi gương Thánh Gioan, chúng ta sẽ sống cao đẹp cuộc đời của mình như lời Thánh vịnh: “Phần con đây, con tin cậy vào tình thương Chúa, được Ngài cứu độ, lòng con sẽ vui mừng. Con sẽ hát bài ca dâng Chúa,vì phúc lộc Ngài ban”(Tv 12).

6. Đứa trẻ nầy rồi sẽ thế nào đây _  Lm Trần Ngà

Không những thánh Gioan sống đẹp mà chết cũng rất hào hùng…

Một người láng giềng của tôi thuật lại: Trong thời gian người vợ mang thai, anh cầu ngày cầu đêm cho được con trai. Tối 28 tết, anh chồng thấp thỏm chờ đợi thời khắc đứa con chào đời.  Hy vọng sẽ là đứa con trai như lòng anh mong ước.

Thế rồi vào khoảng 10 giờ tối, khi nghe cô đỡ báo tin người vợ sinh con trai, anh quá đỗi vui mừng, vội chạy vào nhà lấy hai dây pháo thật dài, treo ngay dưới hai chuồng bồ câu giữa sân, bật quẹt châm ngòi. Hai tràng pháo nổ giòn vang dội cả xóm. Tất cả bồ câu đông đảo trong hai chuồng hoảng hốt vỗ cánh bay tán loạn không sót một con!

Niềm vui có đứa con chào đời quá lớn khiến người cha trót dại treo hai dây pháo ngay dưới chuồng bồ câu khiến chúng bay sạch, gây tổn thất không nhỏ cho kinh tế gia đình.

Một niềm vui còn lớn hơn nhiều đã đến với hai ông bà Da-ca-ri-a khi bé Gioan chào đời. Mọi người lân cận đến chúc mừng hai ông bà được Chúa thương cho sinh con trong tuổi già. Ai cũng chúc mừng mẹ tròn con vuông. Ai cũng  trầm trồ khen đứa bé thật dễ thương đang nằm trong lòng mẹ. Ai cũng  mỉm cười với bé, đặt nhiều hy vọng vào bé: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em” (Lc 1,66).

Thế rồi cậu bé Gioan lớn dần lên theo năm tháng mà không để cho bất kỳ ai thất vọng. Người đã sống đẹp và đã chết hào hùng.

Gioan sống đẹpvì dám từ bỏ đời sống dễ dãi tiện nghi nơi gia đình lối xóm, rút vào trong hoang địa khô cằn để sống gắn bó với Thiên Chúa, chú tâm lắng nghe và thực hiện ý Người.

Gioan sống đẹpkhi có được một số môn đệ theo mình, thì người cũng  không ngần ngại giới thiệu họ đến với Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa (Ga 1, 36) để họ trở thành môn đệ Chúa Giê-su, một bậc Thầy cao cả hơn.

Gioan sống đẹpkhi được dân chúng ngưỡng mộ, xem mình như một ngôn sứ cao cả, thì Gioan lại chỉ cho họ biết có Đấng cao cả hơn đang đến, Đấng mà Gioan không đáng cởi quai dép cho (Ga 1, 27), để cho đám đông thôi ngưỡng mộ Gioan mà quay sang ngưỡng mộ Chúa Giê-su.

Gioan sống đẹpkhi chủ trương rằng: “Chúa Giê-su phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 30).

Đời sống cao đẹp của thánh Gioan đã được Chúa Giê-su nhìn nhận: “Trong các phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan” (Mt 11, 11).

Không những thánh Gioan sống đẹp mà chết cũng rất hào hùng. Thời bấy giờ không ai dám đả động đến hành vi loạn luân của vua Hê-rô-đê với người chị dâu là Hê-rô-đi-a-đê. Chỉ mình Gioan dám đứng lên tố cáo tội lỗi nhà vua cho dù phải lãnh lấy án chết. Gioan anh dũng chấp nhận chết để bảo vệ giềng mối đạo đức cho tôn giáo và xã hội. Đó là cái chết đẹp vô cùng.

Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta hãy nhớ lại ngày sinh nhật của chúng ta. Đó là giây phút lịch sử đáng ghi nhớ nhất đời. Ngày ấy, cha mẹ, ông bà, cô bác đều mừng vui vì ta được sinh ra đời. Ai cũng muốn nhìn ta, ai cũng  mỉm cười với ta, ai cũng  muốn bồng ẵm ta… và ai cũng đặt nơi ta một niềm hy vọng: “Trẻ nầy rồi sẽ nên như thế nào?” Cha mẹ và bà con hy vọng ta sẽ có tương lai xán lạn, hy vọng ta sẽ đem lại danh giá cho gia đình và họ hàng. Nhưng mãi cho đến hôm nay, chúng ta đã đáp ứng được niềm hy vọng đó chưa?

Nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng ta sống sao cho đẹp như Gioan để không làm cho gia đình họ hàng thất vọng đồng thời để dọn đường cho Chúa đến với mọi người.

Nguyện xin Thiên Chúa giúp ta chết sao cho đẹp, để lại tiếng thơm cho đời như thánh Gioan.

7. Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả

  1. Vào một buổi trình diễn văn nghệ nọ; trong số đó có những người thợ mỏ, những người đàn ông, đàn bà, con trẻ… đang dự buổi trình diễn, người ta bỗng nghe thấy tiếng khóc của một đứa trẻ con. Nhưng từ trong đám người thợ mỏ, người ta thấy một người có thân hình vạm vỡ, đầu tóc rậm rì, ông đứng lên ghế la lớn: – “Yêu cầu ban nhạc tạm ngưng một lúc, để chúng tôi nghe tiếng khóc của đứa bé. Biết bao nhiêu năm rồi tôi chưa được nghe những âm thanh kỳ diệu ấy”.

Thế là cả ban nhạc và các ca sĩ đều dừng lại và tiếng đứa bé khóc càng lớn hơn. Người ta thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má của những người xa vợ, xa con, xa chồng…

Đại thi hào Victor Hugo của Pháp đã có lý khi nói: “Không gì buồn thảm cho bằng một ngôi nhà không có tiếng cười, tiếng khóc của những trẻ thơ”. Trẻ thơ là niềm vui, là hy vọng của con người. Người Mỹ thường nói: “Mỗi một trẻ thơ được sinh ra đều có thể làm Tổng Thống tương lai của Hoa kỳ”. Thật thế, mỗi một đứa trẻ sinh ra đều là niềm vui, niềm hy vọng cho gia đình, cho dân tộc, cho quốc gia.

Hôm nay Giáo hội tưởng niệm ngày sinh của một con người mà đã có lần Chúa Giêsu ca ngợi là: “Người cao trọng nhất trong số những người sinh ra bởi người nữ” (Mt 11,11)

Quả thật! không kể Mẹ Maria, Thánh Gioan Tẩy giả là vị thánh duy nhất được Giáo hội mừng ngày sinh nhật. Ngày sinh của thánh Gioan sẽ loan báo một kỷ nguyên mới cho nhân loại mà Chúa Giêsu sẽ khai mở. Cha của ngài là một người câm, mẹ ngài là một người đàn bà son sẻ. Trong bối cảnh đó, ngày chào đời của Thánh Gioan Tẩy giả loan báo rằng: thời của Đấng Cứu Thế đã đến, thời của sự câm lặng đã trở thành loan truyền của ơn cứu độ. Thời mà sự son sẻ đã trở thành đông con nhiều cháu. Ngày sinh của Gioan Tẩy giả là thời loan báo về ngày cứu độ. Lời loan báo ấy mà Thánh Gioan đã không ngừng hô lớn trong những ngày sau này, ngài chính là tiên tri của Chúa, ngài chính là đấng tiền hô của Chúa.

  1. Mừng ngày sinh của Thánh Gioan Tẩy giả, Giáo hội cũng muốn nhắc nhở mỗi người Kitô hữu chúng ta về sứ mạng làm tiên tri và sứ giả của mình. Ngày sinh của Thánh Gioan Tẩy giả mời gọi chúng ta nhớ lại ngày tái sinh của chúng ta.

Nhờ phép rửa, chúng ta đã trở thành ngôn sứ loan báo hồng ân cứu độ của Chúa. Ngọn nến Giáo Hội trao cho chúng ta trong ngày lãnh phép rửa là biểu trưng cho ánh sáng mà chúng ta phải không ngừng chiếu tỏa ra xung quanh. Dù sống trong hoàn cảnh nào, người tín hữu Kitô chúng ta cũng phải có sứ mệnh chiếu toả ánh sáng ấy (Mt 5,16). Ngạn ngữ có câu: “Nếu bạn không trở thành sao sáng ở trên trời, thì ít ra bạn hãy trở thành ngọn đèn soi sáng trong nhà bạn”.

  1. Mừng ngày sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả, chúng ta cũng còn phải nhớ lại con đường Ngài đã đi qua, con đường ấy được Ngài góm tọn trong khẩu hiệu: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.

“Chúa Giêsu phải được lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”.

Tạp chí “Truyền bá đức tin” có thuật lại câu chuyện một cụ già Ấn Độ như sau. Lúc còn là thanh niên, anh đã say sưa nghiện ngập đủ mọi thứ: cà phê, thuốc lá, rựơu mạnh có tiếng. Nhưng rồi một hôm, chàng đọc thấy trên mặt báo lời kêu gọi giúp nuôi chủng sinh ở các giáo phận nghèo. Đọc xong chàng rất đổi phân vân, một đàng chàng muốn mình phải làm một cái gì đó, đàng khác, chàng thấy những thứ đó quá hấp dẫn, chả có vẻ tội lỗi gì cả!

Tuy nhiên, chàng đã quyết định: bỏ tất cả… nhưng dần dần với thời gian. Chàng đóng góp số tiền tiêu sài ấy vào quĩ truyền bá đức tin để giúp nuôi ít chủng sinh nghèo. Cứ thế liên tiếp trong mấy mươi năm, nhiều thế hệ chủng sinh, linh mục đã được chàng giúp đỡ. Họ liên lạc thư tín với chàng mỗi lúc một nhiều…Thời gian trôi qua, đến ngày chàng thanh niên nghiện ngập thành ông cụ già 85 tuổi. Ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 85 của cụ, cụ tuyên bố trước mặt họ hàng: “Với những hy sinh suốt mấy mươi năm qua, tôi đã đài thọ cho việc huấn luyện các chủng sinh, và đến nay, con số các linh mục rải rác khắp nơi được tôi giúp đỡ đã lên đến 30 mươi người. Tôi rất hạnh phúc. Tôi đã đầu tư thành công, và tôi sẽ còn tiếp tục đầu tư như thế cho đến giờ Chúa gọi”.

Vâng cụ già đã biết làm cho mình nhỏ đi và cho Chúa được lớn lên, lớn lên qua những cánh tay nối dài của Ngài.

Ước gì khẩu hiệu này cũng trở thành lý tưởng và luật sống của mỗi người chúng ta. Sống đối với người tín hữu Kitô chúng ta là sống cho Chúa. Sống đối với người tín hữu Kitô chúng ta là không ngừng khước bỏ và cắt xén đi những gì là thừa thãi trong cuộc sống, để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Sống đối với người tín hữu Kitô chúng ta là suy nghĩ và hành động trong Chúa Kitô, để dung mạo của Ngài được chiếu sáng trong chúng ta, và nhờ ơn cứu độ của Ngài được loan báo cho mọi người.

  1. Gioan còn có tước hiệu là Tẩy Giả. Ngài đã kêu gọi mọi người sám hối và làm phép rửa sám hối cho những kẻ thật lòng ăn năn.

Đến phiên chúng ta cũng vậy, không thể khác được. Cũng không cần chúng ta phải làm được những chuyện kỳ vĩ như Gioan Tẩy Giả, nhưng với tư cách là Tẩy Giả, là “những chuyên gia tẩy sạch vết bẩn” của ngày hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi để góp một chút bột giặt tình yêu và tha thứ mà làm sạch tấm chăn môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi những thứ rác rưởi dầu mỡ của vụ lợi ích kỷ, của hưởng thụ sa hoa, của ghen tức hận thù, của dối trá lưu manh… Và như thế chính là giúp mở đường dọn lối cho Chúa đến với những mảnh hồn đang hạn hán đang cần đến những cơn mưa tình thương và Ơn Cứu Độ của Chúa.

Có một lần ông Ra-un cùng vợ đến thăm một trại cùi. Ông bà thường vẫn có thói quen bắt tay các anh chị em phong cùi vì họ biết bệnh phong cùi khó lây lan.

Ông giám đốc trại cùi dẫn hai ông bà đi thăm trại và giới thiệu với họ trường hợp của một nữ bệnh nhân tên là Tella. Ông Ra-un giơ tay ra định bắt tay Tella, nhưng bà này vội giấu tay lại phía sau lưng nhanh như chớp rồi nói:

–      Luật cấm bắt tay.

Thấy ông giám đốc có vẻ ngượng ngùng, ông Ra-un hỏi:

–      Thế ở đây có cấm ôm hôn người cùi không?

Ông giám đốc bối rối trả lời:

–      Luật của chúng tôi không dự trù trường hợp này.

Ông Ra-un liền kết luận:

–      Như thế là được phép ôm hôn người bệnh phải không?

Nói rồi ông Ra-un ôm và hôn bà Tella với tất cả lòng thương mến chân thành. Cử chỉ yêu thương bất ngờ ấy của ông Ra-un như một tiếng sét đập tan và tiêu hủy tất cả mọi ngăn cách sợ sệt giữa hàng trăm anh chị em phong cùi đứng chung quanh và sau đó người cùi nào cũng muốn ôm hôn ông Ra-un, người tông đồ nhiệt thành và là bạn đáng yêu của hàng triệu anh chị em phong cùi trên khắp thế giới. Ông thường nói: Tôi không phải là bác sĩ nên tôi không thể chữa cho họ lành bệnh được. Tôi chỉ có thể thương họ thôi, bởi vì họ cũng là con cái của Chúa.

Xin nhắc lại ở nơi đây một lời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã nói lời này để kết thúc một dụ ngôn nổi tiếng của Chúa. Đó là dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu: “Anh hãy đi và làm như thế” Chúng ta hãy đi và làm như thế. Amen.

8. Chứng nhân của cõi vĩnh hằng _  ĐGM. Bùi Tuần

Khi nhìn thánh Gioan Baotixita, tôi thấy vẻ bề ngoài của Ngài không có gi hấp dẫn cả. Y phục thì khó nghèo. Ăn uống thi khổ cực. Cách sống thi khắc khổ. Cho ở thì thô sơ. Lúc thì ở rừng rú, lúc thì ở sa mạc, nay đây mai đó.

Thế mà, con người như vậy lại được Phúc Âm gọi là đấng dọn đường cho Chúa, là đấng làm phép rửa cho Đức Kitô, là đấng giới thiệu Chúa Cứu thế, là đấng trọng hơn mọi người nam trên thế gian này.

Điều đó chứng tỏ nhưng vẻ đẹp bề ngoài chưa hẳn là thước đo giá tri con người. Thước đo giá tri con người chính là cái đẹp bên trong, cái đẹp nội tâm, cái đẹp phản ánh nhưng chân thiện mỹ vĩnh hằng.

Riêng đối với tôi, thánh Gioan Baotixita lôi cuốn tôi do mấy điểm sau đây của Ngài.

Điểm thu hút thứ nhất là nếp sống tu thân.Việc tu thân của Ngài không phải chỉ là từ bỏ đời sống sung túc, dễ chịu, để chọn cuộc đời nghèo khó, khắc khổ. Nhưng nhất là ở chỗ Ngài rất khiêm nhường. Ngài ví mình như tiếng kêu trong sa mạc. Ngài coi mình chỉ là kẻ dọn đường cho Chúa. Ngài nhận mình hèn mọn thấp kém, đến nỗi không đáng cởi dây giày cho Đấng Cứu thế. Ngài mong muốn bước xuống thực thấp thực sâu, để Đấng Cứu thế được nổi lên thực cao, sao cho mọi người biết đến mà tôn kính tôn thờ.

Nếp sống tu thân của thánh Gioan Baotixita rất xa lạ với lối tu thân nơi một lớp người tôn giáo thời đó và thời nay. Họ tu thân, mà vẫn lo tìm thăng tiến địa vịi, hưởng thụ quyền lợi, lạm dụng chức tước.

Khi phong hoá bi suy đồi, tôn giáo bị tha hoá, nhân tố có sức cải cách sẽ phải là người tu thân đích thực ở trình độ cao. Thánh Gioan Baotixita được đào tạo suốt mấy chục năm tu thân trong sa mạc. Với nét tu thân dày dạn đó, Ngài vào đời với đầy ơn Chúa Thánh Thần và một uy tín rất lớn. Chính nét tu thân đầy uy tín đó đã lôi cuốn những người thiện chí, để họ sẵn sàng nghe lời Ngài giảng. Đề tài giảng của Ngài là rất đơn sơ, nhưng rất căn bản. Đó cũng chính là một sức thu hút rất mạnh.

Vì thế, đối với tôi,

Điểm thu hút thứ hai là đề tài giảng của Ngài.

Đề tài giảng của Gioan Baotixita được tóm lại trong một lời thôi. “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2). Có sám hối, thì mới tránh được cơn thịnh nộ của Chúa (Mt 3,7). Có sám hối thì công việc ta làm mới sinh được kết quả tốt (Mt 3,8). Sám hối là một cách rửa tâm hồn cho sạch, để nên người tốt, để nên con Chúa, và để đón nhận Nước Trời đang tới. Nước Trời chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại.

Khi thấy Chúa Giêsu đang tiến lại về phía mình, thánh Gioan Baotixita nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xoá tội trần gian… Tôi đã thấy Thánh Thần từ trời xuống ngự trên Ngài… Ngài là Đấng mà Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,29-34).

Một điều đáng chú ý, là khi Đức Kitô đã xuất hiện công khai, thì thánh Gioan Baotixita tìm cách lui vào bóng tối. Ngài muốn dồn hết danh dự cho Đấng Cứu thế. Ngài như muốn mọi người quên Ngài đi, để tập trung vào một Đức Giêsu Kitô thôi.

Tôi thấy sám hối và tập trung vào Đức Kitô là đề tài giảng rất cần thiết, để cải cách tôn giáo thời đó. Thời nay thiết tưởng cũng rất cần đề tài như vậy. Nhất là khi lương tâm nhiều người đang mất dần ý thức về tội, và khi Công giáo nhiều nơi đang đặt trọng tâm vào quá nhiều thứ cứu độ, còn chính Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất, thì bị lu mờ. Các thứ trung gian thi nhau che khuất Ngài. Sự kiện đáng buồn đó là một tiếng báo động. Chúng ta nên thức tỉnh trở về với gương thánh Gioan Baotixita.

Điểm thu hút sau cùng nơi thánh Gioan Baotixita là sự vững vàng phó thác trong những thử thách.

Thánh Gioan Baotixita đã gặp nhiều thử thách nặng nề, nhất là về mặt đức tin. Phúc Âm thánh Matthêu kể rằng: “Khi Gioan đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,2-3). Chi tiết trên đây cho ta thấy: Có thể Gioan Baotixita bị cám dỗ về con người của Đức Kitô cũng như về sứ mạng của chính Gioan. Sứ mạng của mình là giới thiệu Đấng Cứu thế. Mình đã giới thiệu Đấng đó. Nhưng Đấng đó có thực sự là Đấng Cứu thế không đây? Cơn cám dỗ như vậy có thể xảy ra cho Gioan. Trong cảnh tù cô đơn, cơn cám dỗ đó làm Gioan ray rứt, đắng cay. Nếu mình sai, thì mình sẽ bị coi như giả dối và vô dụng.

Nhưng Gioan đã vững vàng phó thác vào Chúa. Phó thác bằng cách sai môn đệ đến hỏi Đức Kitô. Phó thác bằng cách chấp nhận câu trả lời của Đức Kitô. Phó thác bằng cách vui lòng chết trong tù, mà không xin Đức Kitô làm phép lạ cứu Ngài ra khỏi cảnh bất công đó, để tiếp tục ra đi dọn đường phục vụ Đấng Cứu thế. Ngài dâng mình làm của lễ cho chính tình yêu.

Với ba nét thu hút trên đây, thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của cõi vĩnh hằng. Ngài nhìn về phía trước. Ngài sống cho phía trước. Phía trước có cõi đời đời. Trong cõi đời đời đó có Thiên Chúa hằng sống đang chờ đợi các con cái Người. Con cái Người sẽ đến được với Người nhờ tu thân, nhờ sám hối, nhờ tin cậy Đức Kitô, nhờ vững vàng vượt qua thử thách. Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy là chứng nhân như thánh Gioan Baotixita, tại Việt Nam này, ở địa phương này, trong hoàn cảnh hiện nay. Chúng ta rất yếu đuối, nhưng chính trong sự yếu đuối đầy khiêm nhường và tin cậy, Chúa sẽ tỏ sức mạnh của Người.

Xin thánh Gioan Baotixita cầu bầu cho chúng ta.

9. Hiện diện để trở nên chứng nhân

Trước lễ Chúa Giáng Sinh 6 tháng, tức ngày hôm nay, cả Giáo Hội hân hoan mừng kính sinh nhật vị thánh đặc biệt có tên là Gioan Tẩy Giả. Đây là điều ngoại lệ trong phụng vụ Giáo Hội, bởi lẽ, không có một vị thánh nào được mừng sinh nhật ngoại trừ Mẹ Maria và Đức Giêsu. Các vị thánh khác thường được mừng kính ngày sinh nhật của các ngài trên trời, tức là ngày mất. Sự kiện đặc biệt này cho thấy điều cao trọng nơi con trẻ có tên là Gioan. Bởi vì, chính con người, ơn gọi và sứ vụ của Gioan gắn liền với cuộc đời Chúa Cứu Thế, hay nói cách khác, sứ vụ ngôn sứ của ngài nối liền giữa Cựu Ước và Tân Ước. Chính vì điều này mà Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ sinh nhật của ngài hôm nay.

1/ Dấu gạch nối giữa Gioan và Đức Giêsu

Mang trong mình sứ vụ tiền hô, nên Gioan đã trở thành người loan tin, chuẩn bị và dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Sứ vụ của ông gắn liền với sứ vụ Đức Giêsu. Vì thế, Gioan đã trở thành người loan báo Tin Mừng cho nhân loại về Đức Giêsu, nhưng khi Đức Giêsu đến, Ngài chính là nội dung Tin Mừng. Gioan là tiếng hô trong hoang địa, còn Đức Giêsu chính là Đấng hiện diện như những gì đã loan báo. Gioan chuẩn bị lòng dân nhớ lại lời hứa bằng việc nhắc cho biết những điều đã được tiên báo về Đấng Mêsia, Đức Giêsu đến đã làm cho những lời tiên trưng về Ngài được ứng nghiệm. Gioan kêu gọi sống công bằng bác ái, khi Đức Giêsu đến, Ngài đã thực hiện rõ nét tình thương của Thiên Chúa trên dân của Ngài. Gioan làm phép rửa thống hối và kêu gọi người ta ăn năn, Đức Giêsu đến, Ngài ban ơn tha thứ và cứu chuộc hết mọi người bằng chính máu của Ngài đổ ra trên thập giá.

Tắt một lời, nếu Gioan là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế, thì khi Đức Giêsu đến, Ngài chính là con đường. Nếu Gioan là tiếng hô trong hoang địa, thì Đức Giêsu chính là nội dung tiếng hô đó.

Như vậy, cuộc đời và sứ vụ của Gioan gắn liền với con người và sứ vụ Đấng Cứu Thế. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi việc truyền tin cho Đức Maria và bà Êlisabét đều chung một sứ thần Gabriel; Gioan và Đức Giêsu là anh em họ hàng với nhau. Cả hai được sinh ra bởi những người phụ nữ rất đặc biệt đã được tiền định. Được đặt tên ngay khi mới truyền tin: Gioan, nghĩa là Tiền Hô; Giêsu nghĩa là Cứu Thế. Gioan chịu tử đạo vì sứ vụ làm chứng cho sự thật, công bằng. Đức Giêsu cũng chết vì lẽ công chính và sự thật để cứu chuộc nhân loại.

Tuy hai cuộc đời gắn liền với nhau, nhưng Gioan luôn ý thức mình chỉ là vai phụ trong một thước phim vĩ đại. Khi đã hoàn tất sứ vụ, ông đã khiêm nhường lui vào hậu trường để cho nhân vật chính xuất hiện.

2/ Gioan là con người khiêm nhường

Chính vì sự khiêm nhường của Gioan đã làm cho ngài trở thành vĩ đại, bởi lẽ, nhân đức khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức. Nếu cuộc đời và sứ vụ của Gioan luôn gắn liền với cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu, thì đức tính khiêm nhường cũng luôn theo sát Gioan an như hình với bóng. Chính vì điều này, mà mỗi khi nói về Gioan, người ta không thể không nhắc đến sự khiêm nhường nơi ông.

Điều này đã được chứng minh cách cụ thể như:

Sau khi đã hoàn tất việc loan báo, Gioan đã: “Để Chúa lớn lên, còn ông nhỏ lại”; bởi vì ông luôn ý thức: “Tôi chỉ là tiếng hô…”.

Hay khi uy tín của ông nổi lên như cồn, nhiều người đã thầm nghĩ đây phải là Đấng Cứu Thế mà bấy lâu dân đang mong ngóng đợi chờ… Lẽ ra ông phải tự hào và khẳng định thân thế, vai trò của mình một cách “hoành tráng!”.Không! Với ông, điều này không thuộc bản chất, vì thế Gioan đã tìm dịp thuận tiện để hướng sự kính trọng của dân về Đức Giêsu, vì thế, khi thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông đã nói cho các môn đệ của mình về Đức Giêsu rằng: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian….Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Ngài” (Ga 1,15).

Cũng chính vì sự khiêm nhường thẳm sâu, nên Gioan đã không sử dụng uy tín của mình để phục vụ hay đứng về điều bất chính, vì thế, ngài đã sống một cuộc đời ngay thẳng, cương trực, không chấp nhận nhu nhược trước tội lỗi cho dù có được trọng thưởng tiền bạc và chức quyền. Vì thế, Gioan đã chấp nhận chết dưới lưỡi gươm của Hêrôđê khi dám đứng lên phản đối hành vi bất chính của vị vua này.
Với tất cả những ưu điểm ấy, nên Gioan đáng được Đức Giêsu trọng thưởng khi nói: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11).

3/ Sứ điệp ngày lễ

Mỗi khi mừng lễ sinh nhật thánh Gioan, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta về bổn phận ngôn sứ của mình đã lãnh nhận ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Ngày ấy, chúng ta được mời gọi trở nên Ánh Sáng cho mọi người, tức là chiếu dọi Ánh Sáng của Đức Kitô cho anh chị em chúng ta. Vì thế, dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta đều được mời gọi trở nên sứ giả cho Đức Kitô.

Ngạn ngữ có câu: “Nếu bạn không trở thành sao sáng ở trên trời, thì ít ra bạn hãy trở thành ngọn đèn soi sáng trong nhà bạn”.

Bên cạnh đó, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên sứ giả Tin Mừng trong sự khiêm nhường. Nếu không khiêm nhường, sứ vụ bị phá hoại. Mỗi người cần thuộc nằm lòng và đem ra áp dụng trong cuộc sống câu nói và lựa chọn của Gioan khi xưa: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Hơn nữa, Giáo Hội cũng nhắc lại cho chúng ta sứ điệp mà Gioan đã loan báo, đó là: sám hối. Hành vi sám hối là động thái cho mọi người mọi nơi. Không sám hối thì không được cứu độ.

Cuối cùng, noi gương Gioan, chúng ta không có con đường nào khác để trở nên chứng nhân cho Chúa thực sự nếu không sống sự thật. Bởi vì Tin Mừng và con người Đức Giêsu chính là sự thật toàn vẹn. Nếu không sống sự thật, chúng ta loan báo lệch lạc sứ vụ Tin Mừng nếu không muốn nói là phản bội sứ vụ.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con ý thức được vai trò quan trọng của mỗi người khi được Chúa cho xuất hiện trên trần gian này. Xin cũng ban cho mỗi người chúng con biết chu toàn bổn phận trong lòng mến và khiêm nhường như Gioan khi xưa. Amen. 
 

9. huyền nhiệm sự sống _ Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

Nếu có ai đã từng đến đất nước Philippines, hẳn sẽ thấy điều đặc biệt trong ngày mừng sinh nhật. Tại đất nước này, ngày sinh nhật là một ngày trọng đại. Vì thế, dù nghèo hay giàu, họ đều tổ chức rất trang trọng. Trong dịp mừng đó, điều ấn tượng nhất có lẽ không phải là tiệc to hay nhỏ, đông người hay ít người, nhưng điều làm cho người tham dự cảm động và nhận ra giá trị cao quý của ngày sinh nhật, đó là: người mừng sinh nhật hôm đó, hiện diện giữa đám đông, mọi người đứng chung quanh và giơ hai tay hướng về nhân vật mừng sinh nhật kèm theo lời kinh nguyện để xin Chúa chúc lành cho đương sự. Thật cảm động và ý nghĩa!

Hôm nay, chúng ta mừng kính trọng thể lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, Mẹ Giáo Hội muốn mời gọi con cái mình hiểu được tầm quan trọng của Gioan Tẩy Giả trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa; đồng thời, cũng mời gọi mỗi người chúng ta noi gương vị Tiền Hô vĩ đại của Chúa để là chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống thường ngày của mình, ngõ hầu sống xứng đáng sự hiện diện cao quý của mỗi người trên trần gian.

1/ Sự xuất hiện của Gioan là một điều vĩ đại

Con người được hiện hữu trên trần gian này là một mầu nhiệm lớn lao mà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại. Hiểu được giá trị của mình và sống giá trị ấy bằng những lựa chọn tốt là một hồng ân. 

Vì thế, chúng ta tin nhận chắc chắn rằng: sự xuất hiện của mỗi người trên trái đất này không phải là một sự tình cờ, ngẫu nhiên. Không! Mỗi người sinh ra đều mang đậm dấu ấn yêu thương của Thiên Chúa từ đời đời. Người đã có cả một kế hoạch đầy yêu thương riêng biệt cho chúng ta. Tác giả sách Isaia đã thốt lên: “Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-2). Vua thánh Đavít cũng đã cảm nghiệm sâu xa về sự hiện diện của mình trong chương trình của Thiên Chúa, nên ngài đã viết: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con… Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 139, 13).

Như vậy, trong kế hoạch của Thiên Chúa, mỗi người đều mang trong mình một sứ vụ. Thánh Gioan Tẩy Giả chính là một trong những người đó.

Điều này đã được chứng minh cách cụ thể khi Dacaria dâng hương trong đền thờ, và sứ thần Thiên Chúa truyền tin cho ông về việc bà Êlisabet vợ ông sẽ mang thai trong lúc tuổi đã xế chiều. Hơn nữa, sứ thần còn truyền cho ông phải đặt tên cho con trẻ là Gioan. Tiếp ngay sau đó, sứ thần đã báo cho ông biết sứ vụ của người con mà ông và người vợ son sẻ cao niên sẽ sinh ra. Sứ thần nói về Con Trẻ là người: “Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17). Điều này cũng đã được Thánh Thần Thiên Chúa thúc đẩy ông Dacaria, để ông nói tiên tri về con của mình rằng: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Như vậy, sự xuất hiện của Gioan là một hồng ân kỳ diệu mà Thiên Chúa đã tỏ hiện lòng thương xót của Người cho cha mẹ Gioan cũng như cho họ hàng dòng tộc. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, nhưng tình thương ấy được trải dài và lưu truyền cho muôn ngàn thế hệ khi Gioan thi hành sứ vụ ngôn sứ của Đấng Tối Cao trong vai trò là Tiền Hô. 

2/ Thực thi sứ vụ trong tinh thần khiêm nhường

Quả thật, Gioan đã trở thành vị ngôn sứ vĩ đại của Thiên Chúa, vì ngài đã trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Sau thời gian sống ẩn dật trong rừng vắng, Gioan đã ra đi và thi hành sứ vụ. Ngài đã trở thành tiếng hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi, mọi hố sâu phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, đường quanh co phải uốn cho ngay… (x. Lc 3, 4-6).

Như vậy, Gioan nắm một vai trò trực tiếp có một không hai là dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, khi ông công khai xuất hiện trước toàn dân và làm phép rửa, dân chúng đã tưởng là Đấng Cứu Thế! Lúc đó, nhiều người đã đến để thăm dò, chất vấn xem ông có phải là Đấng Kitô mà bao ngôn sứ đã loan báo, nay xuất hiện hay không? Khi đặt vấn đề ấy với ông, ông hoàn toàn phủ nhận và không những thế, Gioan còn đề cao Đấng Cứu Thế khi nói: “Có Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi. Tôi không đáng cởi dép cho Ngài” (x. Lc 3, 16). Ngài cũng nói rõ vai trò của mình là người dọn đường, vì thế, khi Đấng Cứu Thế đến thì: “Ngài phải lớn lên còn tôi, tôi phải nhỏ đi” (x. Ga 3, 30). Khi uy tín của ông lên đến đỉnh điểm, có nhiều môn đệ đi theo, lẽ ra, lúc này, ông phải tự hào và hãnh diện cũng như củng cố uy tín…! Không! Khi thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông sẵn sàng chỉ về phía Ngài và giới thiệu cho các môn đệ của mình, ông nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 29). 

Quả thật, Gioan là một người khiêm tốn. Điều này được chứng minh qua thân thế của ông như sau: sinh ra trong một gia đình có truyền thống Tư Tế, thượng lưu, Gioan có quyền được hưởng một cuộc sống sung túc và trưởng giả. Thế nhưng, cuộc đời của ông lại âm thầm và gắn liền với sa mạc. Thức ăn của ông là châu chấu và uống mật ong rừng. Ông sống nghèo đến độ lấy da thú làm áo che thân. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã ân thưởng cho Gioan xứng với vai trò của ông, nên Ngài đã khen ngợi, công nhận Gioan là người vĩ đại khi nói: “Anh em vào sa mạc để xem gì? Một cây lau phất phơ trước gió ư?… Anh em xem thấy gì? Một vị ngôn sứ? Đúng thế, tôi nói cho anh em biết,  trong con cái của người phụ nữ, không ai lớn hơn Gioan” (x. Lc 7, 28). 

Cuối cùng, cuộc đời của Gioan được kết thúc bằng cái chết trong ngục tù. Tuy nhiên, tưởng chừng như âm thầm chốn lao tù tối tăm! Nhưng không, cái chết của ngài đã được muôn đời ca ngợi vì vẻ cao quý hào hùng của bậc vĩ nhân. 

2/ Sứ điệp ngày lễ

Mừng lễ sinh nhật thánh Gioan hôm nay, mỗi người chúng ta hãy khám phá ra ý nghĩa về sự hiện diện của mình trong trần gian. Hãy biết đặt ra cho mình câu hỏi: tôi sinh ra trên trần gian này để làm gì? Sự hiện hữu của tôi có đem lại lợi ích gì cho Thiên Chúa và anh chị em đồng loại không?

Khi đặt ra cho mình những câu hỏi như thế, hẳn chúng ta sẽ thấy được sứ mệnh của mỗi người trong trần gian này.

Vậy, nếu sứ mệnh của Gioan là: dọn đường cho Đấng Cứu Thế bằng việc ăn chay, hãm mình và kêu gọi lòng dân sám hối quay về với Thiên Chúa, thì sứ mệnh của chúng ta sẽ là gì nếu không phải chính mình thi hành tinh thần sám hối và dạy người ta biết ăn năn để trở về nẻo chính đường ngay?

Tuy nhiên, muốn sám hối để quay trở về với Chúa, chúng ta phải noi gương Gioan Tẩy Giả, đó là sống khiêm nhường thẳm sâu. 

Cuối cùng, khi đã khiêm nhường và sám hối, chúng ta nhớ lại sứ vụ mà mỗi người đã được trao trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Sứ vụ ấy là trở thành ngôn sứ và chứng nhân cho Đức Giêsu giữa cuộc sống hôm nay. 

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa đã cho thánh Gioan Tẩy Giả xuất hiện trên trần gian. Ngài chính là mẫu gương cho chúng con về việc thi hành sứ vụ. Xin cho chúng con biết quý trọng sự hiện hữu của mình và biết noi gương thánh Gioan Tẩy Giả để sống đời chứng nhân cách nhiệt thành và anh dũng. Amen.

10. Sứ Vụ Tiền Hô Hôm Nay _ Lm Đan Vinh – Hhtm

  1. HỌC LỜI CHÚA
  2. TIN MỪNG: Lc 1,57-66.80:

(57) Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. (58) Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. (59) Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. (60) Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an. (61) Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng có ai có tên như vậy cả”. (62) Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. (63) Ong xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an”. Ai nấy đều rất bỡ ngỡ. (64) Ngay lúc ấy, miệng lưỡi của ông lại mở ra. Ong nói được và chúc tụng Thiên Chúa. (65) Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. (66) Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. (80) Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.

  1. Ý CHÍNH: 

Bài Tin Mừng hôm nay tập trung vào mặc khải diệu kỳ của cái tên Gio-an khi làm nghi lễ cắt bì và đặt tên cho con trẻ. Bà con láng giềng tụ tập trong ngày này đã được chứng kiến sự lạ lùng ấy. Rồi việc ông Da-ca-ri-a được khỏi bệnh câm khiến mọi người có mặt đều bở ngỡ và đặt dấu hỏi về sứ mệnh của con trẻ sau này. Sau đó Gio-an đã vào sống trong hoang địa cho đến khi thi hành sứ mệnh tiền hô giúp dân Do thái nhận biết Đấng Cứu Thế là Đức Giê-su Na-da-rét.

  1. CHÚ THÍCH:

-C 57-59: +Láng giềng và thân thích đều chia vui với bà:Bài tường thuật tập trung vào việc mặc khải diệu kỳ của tên Gio-an và biến cố cắt bì đặt tên. Bà con láng giềng tụ tập lại trong sự chia sẻ niềm vui với đôi vợ chồng già. Nhờ đó tiếng đồn về sự cố lạ lùng nơi con trẻ lại càng lan rộng. +Khi con trẻ được tám ngày:Tám ngày là thời gian Luật định để làm phép cắt bì (x St 17,12; Lv 12,3; Pl 3,5). +Và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em:Người ta thường lấy tên ông nội hay một người trong họ hàng mà đặt cho cháu. Ở đây người ta lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho con. 

-C 62-63: +Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an”:Hai ông bà đã thống nhất chọn tên Gio-an cho con, đúng như sứ thần đã truyền cho Gia-ca-ri-a khi truyền tin cho ông trong Đền thờ (x Lc 1,13). +Ai nấy đều rất bỡ ngỡ:Phải chăng sự thống nhất ý kiến của hai ông bà về việc đặt tên khác thường cũng là một dấu lạ khiến mọi người ngạc nhiên. 

-C 65-66: +Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ:Trong Kinh Thánh, chữ “tâm” hay “lòng”chỉ nơi phát xuất ra tư tưởng, tình cảm, hòai niệm, quyết định và ước muốn của con người  giống như Đức Ma-ri-a “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x Lc 2,19). Ở đây để tâm nghĩa là ra sức tìm hiểu ý nghĩa của lời sấm hay sự việc xảy ra. +Có bàn tay Chúa phù hộ em:Kiểu nói “bàn tay Chúa” mô phỏng Cựu ước, cho thấy Thiên Chúa bảo vệ những ai tin cậy vào Người, mà Gio-an là một trong số đó (x Tv 80,18; 139,5).

  1. CÂU HỎI: 

1) Gio-an Tẩy Giả có liên hệ họ hàng thế nào với Đức Giê-su? 

2) Tại sao láng giềng bà con lại phải đến nhà thăm khi bà Ê-li-sa-bét sinh con? 

3) Phép cắt bì là gì? Được cử hành thế nào? 

4) Tại sao hai ông bà Gia-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét lại thống nhất lấy tên Gio-an mà đặt cho con ? 

  1. SỐNG LỜI CHÚA:
  2. LỜI CHÚA: “Đức Ki-tô phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30).
  3. CÂU CHUYỆN: 

1) CUỘC ĐỜI VỊ TIỀN HÔ CỦA ĐẤNG CỨU THẾ

Gio-an là vị tiền hô của Chúa Giê-su (x.Mt 3,3), là con của ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Cả hai ông bà thuộc dòng tộc tư tế. Bà Ê-li-sa-bét là chị họ của Đức Ma-ri-a, nên Gio-an là anh bà con của Đức Giê-su. Cha mẹ của Gio-an cư ngụ tại miền núi xứ Giu-đê (x.Lc 1,39). Từ nhỏ, Gio-an đã vào trong sa mạc sống tu hành nhiệm nhặt. Đến năm thừ 15 thời hoàng đế Ti-bê-ri-ô, Gio-an bắt đầu xuất hiện tại vùng ven sông Gio-đan miền Giu-đê rao giảng và làm phép rửa sám hối (x.Lc 3,1). Phép rửa do ông thực hiện là một nghi thức tỏ lòng thống hối kèm theo việc xưng thú tội lỗi (x. Mt 3,6). Gio-an cũng công nhận Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai khi giới thiệu Người là “chiên Thiên Chúa” với hai môn đệ của mình (x. Ga 1,35). Có lần Đức Giê-su xác nhận Gio-an là Ngôn sứ Ê-li-a, là người lớn nhất thời Cựu ước, có sứ mệnh đi trước dọn đường cho Người (x. Mt 11,9-19; Lc 7,24-30). Cuộc đời của Gio-an kết thúc với cái chết bị chém đầu trong nhà ngục, do ông đã can đảm ngăn cản vua Hê-rô-đê không được lấy chị dâu làm vợ, nên ông bị tống ngục, cuối cùng ông còn bị bà Hê-rô-đi-a đó giết hại (x.Lc 9,7-9).

2) TRÁNH TRÈO CAO ĐỂ KHỎI TÉ ĐAU:

Tác giả La-phông-ten đã viết nhiều câu chuyện ngụ ngôn, trong đó có câu chuyện về con ếch và con bò để dạy chúng ta bài học là đừng quá tự cao như sau:

Ngày kia có một con ếch thấy một con bò to lớn vĩ đại nên rất ngưỡng mộ và mong sao cho mình cũng được trở nên vĩ đại như vậy. Từ tư tưởng biến thành hành động, con ếch liền xuống ao để uống nước cho bụng phình to ra sao cho bằng con bò kia. Cứ thế, cứ thế, nó uống mãi uống hoài mà vẫn không sao to được bằng con bò. Nó lại cố uống thêm… cho đến khi một tiếng “Bốp” nổ vang lên và con ếch đã bị chết banh xác.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy tự thẳm sâu trong cõi lòng, hầu như ai cũng muốn được người khác nể phục ca tụng. Ai cũng muốn tự nâng mình lên chứ không thích hạ mình xuống. Nhưng chúng ta ý thức giá trị của đức khiêm tốn và tập luyện nhân đức ấy, để việc tông đồ chúng ta làm được đẹp lòng Chúa và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.

3) CÁCH GIẢI THOÁT KHỎI BÓNG HÌNH CỦA MÌNH:

Có một anh khờ nọ muốn được giải thoát khỏi cái bóng của mình… Nhưng càng trốn chạy bao nhiêu  thì cái bóng đó lại càng đeo đuổi phía sau không dứt ra được. Anh lăn lộn trên đất, nhảy xuống sông… nhung dù đi đâu, làm gì, thì cái bóng của anh vẫn luôn ở phía sau.

Một cụ già khôn ngoan nghe biết chuyện đã cố vấn cho anh khờ như sau: “Để thoát khỏi cái bóng của mình, anh chỉ cần đến núp dưới bóng của một cây lớn là được”. Anh khờ nghe lời đến núp dưới một cây lớn và từ ngày đó đã không còn bị cái bóng theo đuổi phía sau nữa.

Chỉ khi biết khiêm tốn nép mình dưới bóng cây Thập giá Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể thoát được cái bóng của các thói hư, chạy theo hư danh, khoái lạc, lợi lộc… trong cuộc sống.

Hôm nay Hội Thánh mừng kính trọng thể ngày sinh của một con người đã từng đến nép mình dưới cây Thập giá Chúa Giê-su. Con người ấy chính là Gio-an Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế. Ông đã luôn khiêm hạ nép mình dưới bóng Chúa Giê-su và hiến cả cuộc đời phụng sự Người như ông đã nói với các môn đệ: “Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi: (Ga 3,28-30).

  1. SUY NIỆM: 

1) So sánh giữa thánh Gio-an Tẩy Giả và vua Hê-rô-đê:

Đây là hai khuôn mặt hoàn toàn đối lập nhau: Gio-an là người có chí khí mạnh mẽ đang khi Hê-rô-đê lại yếu đuối nhu nhược. Gio-an có lối sống khắc khổ giản dị, đang khi  Hê-rô-đê lại sống xa hoa hưởng thụ. Hê-rô-đê đã tống giam Gio-an vì dám lên tiếng tố cáo tội loạn luân của ông với bà chị dâu. Thật ra vua Hê-rô-đê cũng kính trọng Gio-an và coi ông là một nhà tiên tri. Nhưng nhà vua là người nhu nhược thiếu ý chí, dễ bị đam mê dục vọng khuất phục. Do áp lực của bà Hê-rô-đi-a-đê, nên Hê-rô-đê đã sai quân lính đến bắt Gio-an tống ngục. Rồi trong một bữa tiệc, do hài lòng về điệu múa của Sa-lô-mê là con gái của bà kia, nên nhà vua đã cao hứng hứa ban cho cô ta bất cứ điều gì cô xin. Đứa con gái do mẹ xúi giục đã xin vua cho cái đầu của Gio-an Tẩy Giả, Vua Hê-rô-đê tuy không muốn, nhưng phải giữ lời hứa nên đã sai lính vào ngục chém đầu Gio-an.

Vua Hê-rô-đê tiêu biểu cho những người để cho thú tính trong bản thân lấn lướt. Mặc dù lý trí và lương tâm luôn kêu gọi vươn lên, nhưng tiếng nói ấy vẫn không đủ sức kéo họ ra khỏi vũng bùn tội lỗi, vì đã quen chạy theo lạc thú thấp hèn. Còn thánh Gio-an Tẩy Giả là một người sống có lý tưởng, luôn ý thức chu toàn trách nhiệm, chống lại sức lôi kéo của bản năng.

2) Đức Giê-su đã đề cao con người và sứ mệnh của Gio-an Tẩy Giả:Người nói: “Đây còn hơn ngôn sứ nữa! Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Lc 7,24-27). Gio-an chính là vị ngôn sứ, được Thiên Chúa sai đến trước để dọn đường cho Đấng Thiên Sai.  Với sứ mệnh đó, Gio-an đã trở nên một nhân vật lớn nhất trong lịch sử cứu độ như Đức Giê-su đã khen ngợi: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả…” (Mt 11,11). 

3) Chu toàn sứ mệnh chiếu tỏa ánh sáng tin yêu trước mặt người đời: 

Ngày sinh của Thánh Gio-an Tẩy giả mời gọi chúng ta nhớ lại ngày chúng ta được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa. Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta đã trở thành ngôn sứ của Chúa Ki-tô và cần chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Người. Ngọn nến Hội Thánh trao cho chúng ta khi chịu phép rửa tội tượng trưng cho đức ái phải giãi sáng trước mặt người đời. Dù sống trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng hãy làm các việc tốt, để người đời khi nhìn thấy các việc lành chúng ta làm sẽ ngợi khen Cha chúng ta trên trời (x. Mt 5,16). 

4)Cụ thể nên làm gì noi gương thánh Gio-an ?

+ Khiêm hạtrong cách ăn nói như: Nói năng nhỏ nhẹ, tôn trọng tha nhân, năng khen các ưu điểm để khích lệ hơn là phê phán chỉ trích nhằm hạ giá những ai hơn mình. Tránh thói tự cao nhưng luôn làm mọi việc để tôn vinh Thiên Chúa như thánh Gio-an đã làm cho Đức Giê-su: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,28.30).

+ Khó nghèo:Tránh thói đua đòi thích mua sắm quần áo giày dép xe cộ mới, nhưng luôn sống đơn sơ khó nghèo trong cách ăn ở noi gương thánh Gio-an: “Mặc áo bằng lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và uống mật ong rừng” (x Mc 1,6-8). 

+ Vâng phục:Sẵn sàng bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa, noi gương thánh Gio-an đã vâng lời làm phép rửa cho Đức Giê-su tại sông Gio-đan (x Mt 3,13-15).

+ Trung tín:Luôn chu tòan sứ vụ tiền hô, giúp người đời nhận biết Đức Giê-su, noi gương thánh Gio-an đã giới thiệu và khích lệ hai môn đồ ưu tú bỏ mình để theo làm môn đệ Đức Giê-su (x Ga 1,35-37).

+ Trung thực:Trung thực để nhìn nhận khuyết điểm của mình và tu sửa, noi gương thánh Gio-an đã tự nhận mình là tiếng người hô trong hoang địa: ”Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” như lời ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm. Gio-an thừa nhận phép rửa của ông chỉ giúp người ta sám hối, còn Đấng đến sau quyền thế hơn ông, mà ông không đáng xách dép cho Người. Đấng ấy sẽ “làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3,11; Ga 1,20-27). 

+ Can đảm: Luôn can đảm làm chứng cho Chúa noi gương thánh Gio-an đã mạnh dạn can ngăn vua Hê-rô-đê không được lấy chị dâu làm vợ mình (x Mt 14,3-4; Lc 3,7-9). Dù vì thế mà ngài đã bị vua Hê-rô-đê hãm hại.

  1. THẢO LUẬN: Hôm nay mỗi người cần làm gì để bản thân lu mờ đi và Chúa được tôn vinh ?
  2. LỜI CẦU:         

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con hôm nay biết làm chứng cho Chúa bằng những việc làm cụ thể: không khoe khoang thành tích ưu điểm của mình, sống đơn giản điều độ trong cách ăn mặc, tránh thói chè chén say sưa, biết can đảm bênh vực những người thấp cổ bé miệng, sẵn sàng chấp nhận thua thiệt vì danh Chúa… Xin cho chúng con trở thành những sứ giả tiên phong, những người đầy tớ trung tín hầu giúp người đời nhận biết tin yêu Chúa noi gương thánh Gio-an. 

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

11. Hiện diện để trở nên chứng nhân _ Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

Trước lễ Chúa Giáng Sinh 6 tháng, tức ngày hôm nay, cả Giáo Hội hân hoan mừng kính sinh nhật vị thánh đặc biệt có tên là Gioan Tẩy Giả. Đây là điều ngoại lệ trong phụng vụ Giáo Hội, bởi lẽ, không có một vị thánh nào được mừng sinh nhật trừ Mẹ Maria và Đức Giêsu. Các vị thánh khác thường được mừngkính ngày sinh nhật của các ngài trên trời, tức là ngày mất. Sự kiện đặc biệt này cho thấy điều cao trọng nơi con trẻ có tên là Gioan. Bởi vì, chính con người, ơn gọi và sứ vụ của Gioan gắn liền với cuộc đời Chúa Cứu Thế, hay nói cách khác, sứ vụ ngôn sứ của ngài nối liền giữa Cựu Ước và Tân Ước. Chính vì điều này mà Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ sinh nhật của ngài hôm nay.

1/ Dấu gạch nối giữa Gioan và Đức Giêsu

Mang trong mình sứ vụ tiền hô, nên Gioan đã trở thành người loan tin, chuẩn bị và dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Sứ vụ của ông gắn liền với sứ vụ Đức Giêsu. Vì thế, Gioan đã trở thành người loan báo Tin Mừng cho nhân loại về Đức Giêsu, nhưng khi Đức Giêsu đến, Ngài chính là nội dung Tin Mừng. Gioan là tiếng hô trong hoang địa, còn Đức Giêsu chính là Đấng hiện diện như những gì đã loan báo. Gioan chuẩn bị lòng dân nhớ lại lời hứa bằng việc nhắc cho biết những điều đã được tiên báo về Đấng Mêsia, Đức Giêsu đến đã làm cho những lời tiên trưng về Ngài được ứng nghiệm. Gioan kêu gọi sống công bằng bác ái, khi Đức Giêsu đến, Ngài đã thực hiện rõ nét tình thương của Thiên Chúa trên dân của Ngài. Gioan làm phép rửa thống hối và kêu gọi người ta ăn năn, Đức Giêsu đến, Ngài ban ơn tha thứ và cứu chuộc hết mọi người bằng chính máu của Ngài đổ ra trên thập giá. 

Tắt một lời, nếu Gioan là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế, thì khi Đức Giêsu đến, Ngài chính là con đường. Nếu Gioan là tiếng hô trong hoang địa, thì Đức Giêsu chính là nội dung tiếng hô đó. 

Như vậy, cuộc đời và sứ vụ của Gioan gắn liền với con người và sứ vụ Đấng Cứu Thế. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi việc truyền tin cho Đức Maria và bà Êlisabét đều chung một sứ thần Gabriel; Gioan và Đức Giêsu là anh em họ hàng với nhau. Cả hai được sinh ra bởi những người phụ nữ rất đặc biệt đã được tiền định. Được đặt tên ngay khi mới truyền tin: Gioan, nghĩa là Tiền Hô; Giêsu nghĩa là Cứu Thế. Gioan chịu tử đạo vì sứ vụ làm chứng cho sự thật, công bằng. Đức Giêsu cũng chết vì lẽ công chính và sự thật để cứu chuộc nhân loại. 

Tuy hai cuộc đời gắn liền với nhau, nhưng Gioan luôn ý thức mình chỉ là vai phụ trong một thước phim vĩ đại. Khi đã hoàn tất sứ vụ, ông đã khiêm nhường lui vào hậu trường để cho nhân vật chính xuất hiện.

2/ Gioan là con người khiêm nhường

Chính vì sự khiêm nhường của Gioan đã làm cho ngài trở thành vĩ đại, bởi lẽ, nhân đức khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức. Nếu cuộc đời và sứ của Gioan luôn gắn liền với cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu, thì đức tính khiêm nhường cũng luôn theo sát Gioan an như hình với bóng.

Chính vì điều này, mà mỗi khi nói về Gioan, người ta không thể không nhắc đến sự khiêm nhường nơi ông.

Điều này đã được chứng minh cách cụ thể như:

Sau khi đã hoàn tất việc loan báo, Gioan đã: “Để Chúa lớn lên, còn ông nhỏ lại”;bởi vì ông luôn ý thức: “Tôi chỉ là tiếng hô…”.

Hay khi uy tín của ông nổi lên như cồn, nhiều người đã thầm nghĩ đây phải là Đấng Cứu Thế mà bấy lâu dân đang mong ngóng đợi chờ…. Lẽ ra ông phải tự hào và khẳng định thân thế, vai trò của mình một cách “hoành tráng!”.Không! Với ông, điều này không thuộc bản chất, Gioan đã tìm dịp thuận tiện để hướng sự kính trọng của dân về Đức Giêsu, vì thế, khi thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông đã nói cho các môn đệ của mình về Đức Giêsu rằng: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian….Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Ngài”(Ga 1,15).

Cũng chính vì sự khiêm nhường thẳm sâu, nên Gioan đã không sử dụng uy tín của mình để phục vụ hay đứng về điều bất chính, ngược lại, ngài đã sống một cuộc đời ngay thẳng, cương trực, không chấp nhận nhu nhược trước tội lỗi cho dù có được trọng thưởng tiền bạc và chức quyền. Vì thế, Gioan đã chấp nhận chết dưới lưỡi gươm của Hêrôđê khi dám đứng lên phản đối hành vi khuất tất của vị vua này.

Với tất cả những ưu điểm ấy, Gioan đáng được Đức Giêsu trọng thưởng khi nói: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả”(Mt 11, 11).

3/ Sứ điệp ngày lễ

Mỗi khi mừng lễ sinh nhật thánh Gioan, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta về bổn phận ngôn sứ của mình đã được ủy thác ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Ngày ấy, chúng ta được mời gọi trở nên Ánh Sáng cho mọi người, tức là chiếu dọi Ánh Sáng của Đức Kitô cho anh chị em chúng ta. 

Vì thế, dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta đều được mời gọi trở nên sứ giả cho Đức Kitô. 

Ngạn ngữ có câu: “Nếu bạn không trở thành sao sáng ở trên trời, thì ít ra bạn hãy trở thành ngọn đèn soi sáng trong nhà bạn”.

Bên cạnh đó, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên sứ giả Tin Mừng trong sự khiêm nhường. Nếu không khiêm nhường, sứ vụ bị phá hoại. 

Mỗi người cần thuộc nằm lòng và đem ra áp dụng trong cuộc sống câu nói và lựa chọn của Gioan khi xưa: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.

Hơn nữa, Giáo Hội cũng nhắc lại cho chúng ta sứ điệp mà Gioan đã loan báo, đó là: sám hối. Hành vi sám hối là động thái cho mọi người mọi nơi khi mang danh là Kitô Hữu. Không sám hối thì không được cứu độ.

Cuối cùng, noi gương Gioan, chúng ta không có con đường nào khác để trở nên chứng nhân cho Chúa cách chân chính nếu không sống và loan báo sự thật. Bởi vì khi sống gian dối, chúng ta loan báo lệch lạc sứ vụ Tin Mừng nếu không muốn nói là phản bội sứ vụ. 

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con ý thức được vai trò quan trọng của mỗi người khi được Chúa cho xuất hiện trên trần gian này. Xin cũng ban cho mỗi người chúng con biết chu toàn bổn phận trong lòng mến và khiêm nhường như Gioan khi xưa. Để mọi lời chứng của chúng con đều quy chiếu về sự thật toàn vẹn là chính Chúa. Amen. 

12. Gioan Tiền Hô

Gioan Tiền hô là người của Thiên Chúa. Ông đã được sinh ra một cách lạ lùng từ một người mẹ thuộc hàng son sẻ và đã cao niên. Son sẻ là một nỗi, tủi nhục đối với người phụ nữ Do Thái vào thời bấy giờ. Bởi vậy, bà Êlisabéth khi biết mình mang thai đã thốt lên:

–      Chúa đã làm cho tôi như thế, vào thời Ngài cất nỗi khổ nhục của tôi giữa người đời. Bởi vì lòng dạ không mang thai là một lòng dạ đã chết. Nhưng chính nơi những cái chết ấy mà Thiên Chúa thi thố quyền năng của Ngài.

Lịch sử cũng cho thấy từ những người đàn bà hiếm muộn, Thiên Chúa đã cho trỗi dậy những khuôn mặt lỗi lạc.

Tư tưởng và đường nẻo của Thiên Chúa thì khác với tư tưởng và đường nẻo của chúng ta. Chẳng hạn từ cung lòng Đức Trinh nữ Maria, vị cứu tinh muôn dân mong đợi sẽ ra đời. Và từ cái chết trên thập giá, Thiên Chúa đã làm nảy sinh sự sống mới. Công trình cứu chuộc hoàn toàn là một sáng kiến của Thiên Chúa xuất phát từ tình thương bao la của Ngài.

Ông Giacaria, cha của Gioan Tiền hô, trong lúc hứng khởi vì được chứng kiến những việc lạ lùng Thiên Chúa làm khi khởi đầu thời cứu độ, đã nói về vai trò của Gioan trong bài ca chúc tụng:

–      Con sẽ là tiên tri của Đấng Tối cao. Con sẽ loan báo việc Thiên Chúa và dọn đường cho Ngài.

Dọn đường để chào đón một nhân vật quan trọng là một hình ảnh quen thuộc. Đường sá thì ghồ ghề khó đi, dân làng được huy động để san bằng những chỗ lồi lõm. Thế nhưng Chúa Giêsu không phải chỉ đi trên những con đường xứ Palestine, mà Ngài còn muốn đến với cõi lòng của mỗi người. Và như thế, công việc dọn đường của Gioan có nghĩa là rao giảng sự hoán cải trong dân để được tha thứ: lưỡi rìu đã kề sẵn gốc cây, cây nào không sinh hoa kết trái thì sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa.

Tin mừng đã mô tả Gioan như một vị tiên tri. Ông được xức dầu một cách thiêng liêng ngay từ trong lòng mẹ để hiến dâng cho Thiên Chúa. Ông được đầy tràn Thánh Thần và có được những đặc điểm của một vị tiên tri. Và như các vị tiên tri khác, ông có nhiệm vụ rao giảng sự sám hối ăn năn. Và theo cái nhìn của Chúa Giêsu, ông còn hơn cả vị tiên tri nữa, bởi vì ông là sứ giả của Thiên Chúa:

–      Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt ngươi.

Và Chúa Giêsu còn lớn tiếng khẳng định:

–      Trong những kẻ bởi người nữ, thì không có ai lớn hơn Gioan. Nhưng người nhỏ hơn trong nước Thiên Chúa, lại lớn hơn ông.

Điều đó có nghĩa là Gioan thuộc về giai đoạn chuẩn bị và trong giai đoạn chuẩn bị này, thì ông là người lớn hơn cả. Nhưng người đến sau ông, tức là Đức Kitô Con Thiên Chúa làm người, vị cứu tinh của thời buổi sau hết, lại lớn hơn ông. Cái lớn lao của ông là cái lớn lao của công việc chuẩn bị, dẫn người ta đến với Đức Kitô, vì thế khi Đức Kitô bắt đầu xuất hiện trước công chúng để rao giảng Tin mừng, thì lập tức ông lui vào bóng tối vì vai trò của ông đã hoàn tất như lời ông đã nói:

–      Ngài cần phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi.

Còn chúng ta thì sao? Mỗi người chúng ta cũng phải là một Gioan Tiền hô giữa lòng cuộc đời, nghĩa là chúng ta cũng phải dẫn đưa mọi người đến tìm gặp Chúa. Bởi đó, với một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương, chúng ta cũng sẽ là những tiền hô, giới thiệu khuôn mặt đích thật của Đức kitô cho những người chung quanh chúng ta.

13. Thánh Gioan Tiền Hô

Suy nghĩ về thánh Gioan Tiền Hô, tôi nhận thấy Ngài có một chỗ đứng quan trọng, một vị trí đặc biệt trong Kinh Thánh cũng như trong phụng vụ.

Trước hết là trong Kinh Thánh.

Thực vậy, không có một vị thán nào mà cuộc đời được Kinh Thánh diễn tả một cách đầy đủ cho bằng thánh Gioan Tiền Hô. Kinh Thánh đã kể lại từ việc ông Giacaria dâng hương trong đền thờ đến việc bà Isave thụ thai. Từ việc Đức Maria tới thăm viếng đến việc bà Isave sinh nở. Từ ngày mở mắt chào đời với những sự việc kỳ diệu của Chúa, đến những năm tháng xuất hiện công khai với một cuộc sống khắc khổ. Từ những lời rao giảng gắt gao cho đến lúc bị tống nục và cái chết anh dũng dưới lưỡi gươm của Hêrôđê. Ngài là vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, nhưng đồng thời lại là một vị thánh lớn của Tân Ước. Ngài chính là một nhịp cầu thông cảm nối liền Cựu Ước với Tân Ước, đến nỗi Chúa Giêsu đã phải lên tiếng ngợi khen: “Trong số những kẻ được sinh ra bởi người nữ, không có ai cao trọng hơn Gioan”.

Tiếp đến là trong phụng vụ.

Đối với tất cả các thánh, chúng ta thường mừng kính vào ngày chết, tức là ngày các ngài được sinh ra cho cuộc sống vĩnh cửu, được bước vào quê hương Nước Trời. Ngoài Chúa Giêsu, thì Giáo Hội chỉ mừng kính ngày sinh của Mẹ Maria và thánh Gioan Tiền Hô mà thôi. Bởi vì tất cả chúng ta, dù là các thánh thì khi mở mắt chào đời, cũng đã mang lấy dấu vết nhơ bẩn của tội nguyên tổ, cũng đã sống trong một tình trạng thù địch với Thiên Chúa. Trong khi đó thì Mẹ Maria được đặc ân vô nhiễm, còn thánh Gioan thì được tẩy sạch nhờ sự thăm viếng của Mẹ Maria, khi còn là một thai nhi trong lòng bà thánh Isave.

Như thế Gioan Tiền Hô đã là thánh kể từ khi lọt lòng mẹ, kể từ khi bắt đầu cuộc sống trần thế. Sở dĩ như vậy vì Chúa muốn cho Gioan được chuẩn bị để báo trước sự xuất hiện của Ngài.

Đúng thế vai trò của Gioan là vai trò của người tiền hô, chuẩn bị cõi lòng mọi người đón nhận Đấng cứu thế, vai trò của người đi trước dọn đường Chúa đến. Nếu Đức Kitô là mặt trời rực sáng thì Gioan Tiền Hô là hừng đông và một khi mặt trời đã xuất hiện ngày mới khởi đầu thì hừng đông không còn nữa. Ý thức được vai trò của mình nên Gioan đã xác quyết với đám đông: “Ngài cần phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi”.

Với chúng ta cũng vậy ngay từ khi chúng ta mở mắt chào đời, Thiên Chúa cũng đã nhìn chúng ta bằng một ánh mắt trìu mến, và nhất là Ngài đã dành cho chúng ta một ơn gọi, ơn gọi ấy là trở nên như những vị tiền hô, chuẩn bị và dọn đường Chúa đến trong tâm hồn những người chung quanh. Thế nhưng chúng ta đã thực sự là những vị tiền hô của Chúa hay là bằng một đời sống bê tha và tội lỗi, gian tham và thù oán, chúng ta đã nhẫn tâm dập tắt ngọn lửa nhỏ bé của những tâm hồn thiện chí, đang muốn tìm gặp Chúa.