Can Đảm Chấp Nhận Liều Vì Lời Hứa Của Thiên Chúa

print

CN 4 PHỤC SINH NĂM C

Can Đảm Chấp Nhận Liều Vì Lời Hứa Của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn

Ngày Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh hằng năm là ngày được Giáo Hội chọn để cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và Tu sĩ. Tại sao phải cầu nguyện cho ơn Thiên triệu Linh mục và Tu sĩ? Vì thời đại nào Giáo Hội cũng rất cần những con người dấn thân phục vụ Nước Chúa, để đáp lại thao thức của Chúa: “Ta thương dân chúng như đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt”.

Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Thiên Triệu năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi sứ điệp cho toàn thể Giáo hội với chủ đề: Can đảm chấp nhận liều vì lời hứa của Thiên Chúa. Sự liều mà Đức Thánh Cha nói chính là những điều Phụng vụ Lời Chúa hôm nay phác họa cho chúng ta.

Bài Đọc I (Cv 13, 14.43-52) cho chúng ta thấy chân dung của Phaolô với những nét sau đây. Sau khi được biết Đức Giêsu mà trước đó ông tưởng là một tên phá đạo nên đã lùng bắt; ông nghe tiếng Ngài: “Saolô, Saolô sao ngươi bắt bớ Ta?” ông đã bước theo Ngài, và hôm nay còn làm nhân chứng cho Ngài nữa. Sự liều của Thánh Phaolô chính là sau khi biết Đức Giêsu, ông đã nghe, bước theo và làm chứng cho Ngài.

Bài Đọc II: Kh7,9.14-17 là thị kiến của thánh Gioan nhìn thấy dân của Thiên Chúa đông ơi là đông. Gioan diễn tả là “không tài nào đếm nổi”. Họ “thuộc mọi dân mọi nước, mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ”. Điều quan trọng là họ đều cầm cành thiên tuế theo gót của Con Chiên. Con Chiên này chính là hình ảnh của Đấng chuộc tội cho họ, vì người Do Thái thường lấy con chiên làm con vật đền tội. Con Chiên này chính là vị Mục Tử nhân lành đã dẫn dắt, đã chăn nuôi họ. Họ sẵn sàng theo gót của vị mục tử. Để hôm nay: “Họ không còn phải đói, không còn phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa”, vì họ đã tới được “nguồn nước trường sinh”. Tuy nhiên, hành trình của họ là hành trình của sự liều lĩnh.

Bài Tin mừng Ga 10, 27-30 hôm nay vỏn vẹn có 4 câu nhưng lại tóm kết tất cả hành trình đức tin của chúng ta. Đó là một lời đáp trả lại tiếng mời gọi của Chúa, để dấn bước theo Chúa, hầu được hạnh phúc bên Chúa. Vì vậy mà Chúa Giêsu đã ra điều kiện: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi; tôi ban cho chúng sự sống đời đời.” Những ai sống theo điều đó thì chắc chắn họ sẽ tới được quê hương đích thực của mình. Và đạt được điều đó thì quả thật chỉ có những con người liều lĩnh.

Sự liễu lĩnh đó được khởi sự nơi Thiên Chúa khi đã sai Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người để cứu độ loài người. Liều lĩnh khi mới trước đó Thiên Chúa đã cho con người được hạnh phúc, nhưng họ đã đánh mất, nay Ngài lại tiếp tục mà chẳng biết rằng công trình cứu độ của Ngài có được trọn vẹn không, vì Ngài đã cho con người tự do tuyệt đối.

Sự liều lĩnh đó được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô khi Ngài vâng theo thánh ý Chúa Cha để đến trần gian cứu chuộc con người. Liều lĩnh khi Ngài chọn gọi nhóm 12 từ những người thuyền chài, thất học, thu thuế, nóng nảy, ganh tị, đầu óc cục bộ… để trở thành những người tiếp nối sự nghiệp của Ngài. Liều lĩnh khi Ngài dám bỏ 99 con chiên để đi tìm 1 con chiên lạc. Liều lĩnh khi Ngài làm bạn với những người “chẳng ra gì” (thu thuế, gái điếm, tội lỗi…)

Sự liều lĩnh đó được thể hiện nơi các Tông đồ khi các Ngài bất chấp tất cả, kể cả mạng sống mình “Miễn là Đức Kitô được loan báo”. Nơi các vị thánh đã dám sống trọn vẹn vì Tin Mừng mà phải đánh đổi nhiều thứ: sự an nhàn, những lợi lộc trần gian, những thú vui thể xác…

Hôm nay Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta tiếp tục sự liều lĩnh để đi vào hành trình đức tin, nhất là đối với những người nam người nữ được mời gọi để trở thành linh mục, tu sĩ, vì : “đó là một sáng kiến yêu thương, qua đó Thiên Chúa đến gặp gỡ và mời gọi chúng ta đi vào một dự phóng lớn, và Chúa muốn chúng ta tham dự vào, mở ra cho chúng ta chân trời một biển khơi rộng lớn hơn và một mẻ cá dồi dào”.

Sự liều lĩnh đó đòi hỏi chúng ta “đừng đứng trên bờ với lưới cầm trên tay”, mà phải “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Nhiều người trong chúng ta không dám liều lĩnh mà cứ tìm kiếm sự an toàn. Vì vậy họ không gác công việc làm ăn qua một bên để đi lễ; họ không dám quảng đại để đóng góp công sức của mình vào việc chung của Giáo hội; họ sợ mất việc làm khi tuyên bố mình là người Công giáo; họ sợ những rủi ro xảy ra nên bất cứ việc gì họ cũng đi xem thầy xem bói; họ ngại ngùng nên không dám tổ chức đọc kinh hôm trong gia đình; họ sợ phiền phức khi thực hiện những chương trình mục vụ mà cha xứ đề ra…

Cũng chính tâm lý muốn an nhàn, ngại dấn thân mà các bạn trẻ không dám đi vào con đường tu trì. Họ sợ khổ, sợ làm việc, sợ cô đơn, và nhiều nỗi sợ khác…  Đức Thánh Cha Phannxicô kết luận trong sứ điệp rằng: “Không có niềm vui nào lớn hơn là chấp nhận liều mạng vì Chúa! Đặc biệt với các bạn là những người trẻ, tôi muốn nói: các bạn đừng điếc đối với tiếng Chúa gọi! Nếu Chúa gọi các bạn đi theo con đường này, các bạn đừng rút mái chèo lên thuyền, những hãy tín thác vào Chúa. Các bạn đừng để mình bị lây sự sợ hãi làm các bạn tê liệt đứng trước những đỉnh cao mà Chúa đề nghị với các bạn. Hãy luôn nhớ rằng, với những người bỏ lưới, bỏ thuyền để theo Chúa, Ngài hứa cho họ niềm vui của một cuộc sống mới, làm cho tâm hồn được đầy tràn và Chúa linh hoạt hành trình của họ” (Rei 9-5-2019).

Lạy Chúa, Xin cho con dám hiến tế cuộc đời, dám đi vào một cuộc phiêu lưu. Dám xin vâng, dám lên đường, dám trả lời: Lạy Chúa con đây. Xin cho con dám dấn bước theo Ngài, dẫu trên đường còn nhiều chông gai. Dám hy sinh, dám quên mình, dám sẳn sàng thực thi ý Ngài.”