Cầu Cho Việc Rao Giảng Tin Mừng

print
Cầu Cho Việc Rao Giảng Tin Mừng

Chúa Nhật 29 Thường Niên 17.10.21

 
 
 vo ha
Một gia đình không có con, coi như chấm dứt sau đời đó. Nhìn rộng hơn, một  đoàn thể hay quốc gia dân tộc không thêm hậu duệ tiếp nối, thì không tồn tại  dài lâu trên mặt đất. Nhìn rõ lại trong một mái nhà, khi cha mẹ sinh ra con cái,  đều muốn đàn con chia sẻ sự tốt lành hạnh phúc mà mình có được, qua tiền của vật chất và cũng mong ước cho con cháu  làm sao sống hay thực hành cho được tôn chỉ làm người đàng hoàng tử tế của mình và dòng họ mình.

 

Về mặt tinh thần cũng vậy, mọi tín đồ của tôn giáo chân chính đều sống và thực hành chân lý niềm tin của Đạo mình, đồng thời cũng muốn chia sẻ niềm tin đó cho mọi người khác nữa.

 
Riêng   tín  hữu Công Giáo,  muốn dùng ngày chúa nhật nầy 17.10.21 để cầu nguyện cho việc Loan Báo tin Mừng của Chúa, đồng thời cũng nhìn lại, coi chính mình đã hiểu và thực hành Lời dạy nầy ra sao. Xin Chúa soi sáng cùng thêm sức cho chúng con hơn nữa  qua những Lời  Chúa bên dưới. 
 
 

BÀI ĐỌC I: Is 60, 1-6 “Nhà Ta được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.

Bài trích sách tiên tri I-sa-i-a.

Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi Giê-ru-sa-lem! vì sự sáng của ngươi đã tới, và vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, và u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, và vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi. Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: Tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi, các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông. Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Ma-đi-an và Ê-pha. Tất cả những ai từ Sa-ba đi tới, họ sẽ tuyên-rao lời ca ngợi Chúa

 

BÀI ĐỌC II: 1 Tm 2, 1-8 “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi”.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi cho Ti-mô-thê.

Trước tiên, cha khuyên con hãy cầu nguyện, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Đó là điều tốt lành và đẹp lòng Đấng Cứu độ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý. Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Đức Kitô, cũng là Con Người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm tông đồ. Cha nói thật chứ không nói dối, và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý. Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.

 

PHÚC ÂM: Mt 28, 16-20  “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân”.

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thày. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thày đã truyền cho các con. Và đây Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

 

Đôi dòng ghi chú và tâm tình 

Bài đọc I được trích từ sách Tiên Tri I-sa-i-a, là bộ sưu tập những sự đạo chân thật và linh thiêng, dựa vào khung xường lịch sử Do Thái  (740-500/450) TCN, dưới lăng kiến tôn giáo. Riêng  6 câu đầu của chương 60 trên, để khích lệ cùng nâng cao niềm hi vọng cho dân Chúa trong tình cảnh nô lệ bên Babylon đầy tủi nhục và thất vọng. Bài đọc nầy thường được mở đầu  Phụng Vụ Thánh mùa Vọng hằng năm.  

Ở trên,  Giêrusalem mới cho một ngày  về  xứ không xa, là hình ảnh báo trước của Chúa Giêsu. Ngài sẽ như ngọn đèn bừng sáng giữ u tối, qui tụ muôn dân muôn nước về cùng một mối đạo mầu, là cùng tôn thời Thiên Chúa và thực hành Lời dạy của Người để được hạnh phúc đời nầy và đời sau.
 
Do đó, góp phần vào việc truyền bá Tin Mừng là làm sao cho những người mình quen biết do duyên lành, cùng nhận ra chân lý tinh thần như mình, qua Đạo nầy, để cùng được hưởng phúc bây giờ và sau nầy. 
 
 Thêm nữa, Loan báo Tin Mừng cũng là lệnh của Chúa trong đoạn Phúc Âm hôm nay. Vào những giây phút cuối cuộc đời hữu hình trên trần gian, Chúa Giêsu tập trung các môn đệ trên núi và truyền lệnh cuối cùng coi như Lời di chúc: các con hãy đi giảng dạy muôn dân tuân giữ các điều ta đã truyền dạy và làm Phép Rửa cho họ.
 
Thực hành lời dạy nầy của Chúa, trong hơn 2000 năm qua, các tông đồ Chúa là những người đi trước, rồi  từng đoàn từng lớp giáo sĩ và giáo dân, bằng nhiều cách, đi gần đi xa loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người. 
 
Hôm nay, sau hơn 2000 năm,  có chừng 2100 triệu Kitô hữu, là  những người tin nhận Chúa Giêsu là Đấng cứu chuộc cho đời mình; riêng nhánh lớn Công Giáo độ  1300 triệu.  Còn tại Việt Nam, Đạo Công Giáo do những vị thừa sai Âu châu mang tới   từ 1533, đến nay sinh ra được chừng 7 triệu người tin Chúa.
 
Con số những Kitô hữu mới chỉ chừng 1/3 dân số thế giới, nên bản di chúc  truyền bá  Tin Mừng của Chúa Giêsu phải được đọc lại, xem lại không phải chỉ trong ngày chúa nhật nầy, mà thường xuyên trong suốt mọi ngày của đời sống.  Bằng cách nào? Xin ghi lại nguyên văn bản Anh ngữ của  của Đức thánh Cha Francis  về Truyền Giáo hay Phúc Âm Hoá bên đưới: 

 
Tóm tắt, Phúc Âm Hoá là là việc “động viên” vận động, chuyển động tình yêu Chúa của mỗi người. Như lời dạy về Chúa Kitô của Thánh Augustinô (T.Kỷ 4) Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ai thực sự yêu cái gì hay người nào, thì muốn chia sẻ tình yêu đó cho những người khác:  “có loại tình yêu nào không làm cho cảm thấy cần thiết phải nói về người yêu, cần phải trình bày Người (Chúa Kitô) ra và cần làm cho Người được biết”
 
What is evangelization Pope Francis?

In summary, evangelization is motivated by one’s love for God. Like Augustine in On Christian Doctrine, the Pope emphasizes that one who truly loves something or someone wants to share that love with others: “What kind of love would not feel the need to speak of the beloved, to point him out, to make him known” (264).
 

Từ khóa để giải thích Evangelization là Motivate: provide with a motive or incentive; induce to act:   cung cấp một động lực, sáng kiến, đưa dẩn vào hành động . Hành động nào? Xin thưa nhiều lắm tuỳ theo lòng tin yêu của mỗi người, theo Thánh Augustinô trong 5 từ ngữ Latin: ama et fac quod vis: hãy yêu và làm điều bạn muốn (cũng/phải do yêu mà làm). 

Ngày nay, với phương tiện truyền thông điện tử, nhiều giáo dân cùng đoàn thể tự làm ra nhiều clips xuyên quốc gia, quốc tế nữa, như lần chuỗi, học đọc Lời Chúa, phút cầu nguyện chung, tôn kính Lòng thương xót của Chúa, trình diển thánh ca … nhưng có khi cũng do lòng nhiệt thành thái quá mà đi quá đà. Trong trường hợp được nhắc nhở hay lưu ý thì hãy ráng nghe theo Vị Bản Quyền đại diện Chúa, để cành nho luôn được dính liền với Thân Nho – Giêsu (Ga 15: 1-8).

Mặt khác, gương sáng, gương sống hơn lời nói. Tích cực đưa ra và đóng góp bàn tay nhỏ vào việc xây dựng công ích cho cộng đồng đang sống, bằng tâm ý ngay lành và tài vật trong khả năng, ngoài việc tham dự phụng tự bí tích tại nhà thờ, để múc lấy nguồn sống tinh thần từ chính Chúa.
 
Một trong những tấm gương sáng chói cho việc loan báo Tin Mừng  mà thời hiện đại hân hạnh chứng kiến là gương sống vì người nghèo của Mẹ Thánh Têrêsa (1910-1997) thành Calcuta – Ấn độ.

 

Ý cuối, là cầu nguyện và đóng góp tài lực cho công cuộc truyền giáo như có thể. Xin cùng nhớ lại Lời Đức Thánh Cha Phaolô VI (1897, GH 1963-1978)  trong bài diển văn đăng quang, có đề cập thêm một lời khiêm tốn gây xúc động: chúng tôi không hổ thẹn khi ngửa tay xin giúp đỡ cho Truyền Giáo …

 
Cụ thể, trong thời gian cấm túc do dịch bệnh Corona từ tháng 3/2020 tới nay, khắp nơi trên thế giới và riêng tại VN, đã có rất nhiều thiện nguyện viên chung tạy góp sức giúp đỡ những người nghèo khổ sống còn và chống bệnh. Trong số đó, có không ít giáo dân và tu sĩ Công Giáo. Đã có người bị nhiễm bệnh trong công tác từ bi bác ái và qua đời. 
 
Những cái chết vì nhiệm vụ và vì nhân loại nầy, đã là ngọn đèn sáng và cũng là  bình minh, làm  bùng lên ánh quang huy hoàng của Giêrusalem mới là Giáo hội với mọi thành phần dân Thánh của Chúa cho nhân loại mọi thời. 
Xin cho những sứ giả đi loan báo  tình yêu Chúa trước kia mọi thời và hiện nay được yêu nghỉ trên nước Chúa. 
 
Xin dâng lời cầu, vừa hát vừa suy gẫm bài kinh nguyện truyền giáo của Hoài Chiên:

 
Lạy chúa, xưa Chúa đã phán, lúc chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt. Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt tình, để nước Chúa rộng lan khắp nơi. Xin chúa ban cho đoàn chúng con nên tông đồ nhiệt thành mở nước Chúa Trời.