Câu chuyện bức tường thành Giêrusalem

print

Câu chuyện bức tường thành Giêrusalem

Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa !

Và giờ đây, Giêrusalem hỡi,

cửa nội thành, ta đã dừng chân.

Giêrusalem khác nào đô thị

được xây nên một khối vẹn toàn.” TV 121

Đó là một đoạn của ca khúc lên Đền mà vua Đa-vít hoặc bất cứ người hành hương thời xưa nào cũng muốn tấu vang khi đến thành Giêrusalem, lên Đền Thánh Chúa. Với người hành hương từ Châu Âu thời Trung Cổ, sau khi hát thánh vịnh này xong, họ xuống ngựa và qùy dưới đất thánh với tâm hồn cầu nguyện và suy niệm về những gì họ sắp bước vào.

Sau thánh lễ tại Mồ Chúa (The Holy Sepulchre), chúng tôi lặng bước đến một nơi thanh vắng phía tây của thành, dưới bức tường thành cao dài kiên vững. Tại đây chúng tôi được mời gọi để chiêm ngắm về bức tường thành và những cổng của thành.

1. Hệ thống tường thành và cổng thành

a. Bức Tường Thành

Thành Giêrusalem hiện nay được bao bọc bởi một bức tường thành kiên cố với chu vi khoảng 4 km, cao khoảng 12 m, dày 2,5 m. Với chiều dài lịch sử (1100 TCN–1517 SCN), tường thành dù kiên cố đến đâu cũng đã từng bình địa, sụp đổ trong những cuộc chiến tranh pháo kích. Sau đó tường lại tiếp tục được xây dựng lại, lồng ghép trên những dấu tích của những lần trước thành bị sụp đổ.

Dĩ nhiên bức tường thành sừng sững này là để phân chia hai lãnh địa: bên ngoài là những con người không thể biết bên trong thành, và bên trong dân thành được bảo vệ mọi nguy cơ tấn công từ ngoại thành. Nội thành là hệ thống nhà cửa, đường phố chằng chịt mà cư dân sống với hy vọng được yên bình, không ai có thể tấn công hay xâm hại vì họ có một bức tường thành vững chắc bao quanh che chắn. Thành cũng giúp người ta an toàn trong một khối đá mà khó ai có thể phá vỡ để chiếm đất hoặc giết hại, nhất là trong những cuộc chiến tranh. Đặc biệt tọa lạc tại một địa thế đa văn hóa, đa tôn giáo và là phần lãnh địa thường bị tranh chấp, thành lũy Giêrusalem lại càng được xây đúc một cách kiên cố hơn.

Bên cạnh bức tường thành bên ngoài, trong nội thành cũng có những bức tường khác để bảo vệ những khu vực đặc biệt. Ví như thành của tổng trấn Philatô ngày xưa, khu vực của vua Hêrôđê Cả, dinh thượng tế Cai Pha, hoặc Đền Thờ kiên cố tạo nên thế trận khó ai có thể xâm nhập hoặc đe dọa người bên trong.

Khi chiêm ngắm những điều cụ thể ấy, tôi liên hệ đến nhiều bức tường thành mà thời chúng ta đang xây đắp để ngăn trở nhau. Tường thành của những khác biệt dân tộc, tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ, v.v. Những điều ấy tưởng chừng như hiển nhiên, nhưng thực tế khiến người ta khó có thể đến được với nhau. Tôi là người Do Thái chỉ ưu tiên cho dân tộc tôi, những ai là đồng bào của tôi mới có thể bước vào địa hạt của chúng tôi. Hoặc tôi là người Kitô giáo đương nhiên sẽ khác với những người Chính Thống giáo hay Hồi giáo. Cùng là người Việt Nam, nhưng rõ ràng dân tộc Kinh khác với các dân tộc thiểu số nơi vùng cao nguyên, núi rừng hoang vu, và càng khác xa so với nhiều chủng tộc trên thế giới. Sự khác biệt thường gây cho người ta xa cách, chia lìa và xung đột. Phải chăng điều ấy là những bức tường quá lớn khiến người ta khó đi lại với nhau để cùng làm nên một hệ thống mở ra cho tất cả mọi người.

Do đó để loại những khác biệt như thế xem ra quả là ước mơ quá xa vời, nếu không muốn nói là không thể, cho lịch sử nhân loại với biết bao cuộc chiến tranh. Ngay trên quê hương của Đức Giêsu hay vùng đất Israel cũng không miễn trừ những cuộc tranh chấp kiểu như thế, thậm chí còn dai dẳng và khốc liệt hơn. Thực vậy, với tính chất phức tạp của dân tộc, tôn giáo, văn hóa và địa dư, từ bao đời vùng đất này tuy được gọi là Đất Thánh (the Holy Land), nhưng cũng được ví von như vùng đất chia rẽ (the divided land). Đó là thực tế mà tôi không tiện phân tích chi tiết ở đây.

Bức tường ấy còn là những biên giới mà từng ngày biết bao người nhập cư, di dân hoặc tị nạn khó được chấp nhận, không được đón chào. Trong khi đó, “Người di cư là anh chị em của chúng ta đang kiếm tìm một cuộc sống tốt hơn vốn xa với đói nghèo và chiến tranh.” – ĐGH Phanxicô. Trên thực tế, vì sự an toàn và phát triển của người dân sở tại, không phải quốc gia nào cũng dám phá bỏ tường lũy biên giới để xây những nhịp cầu chào đón dòng người anh em đồng loại đang vất vả khó khăn bên kia ranh giới. Thậm chí thay vì xây những nhịp cầu nối kết, người ta lại đang cố xây những bức tường ngăn chặn dòng người nhập cư.  

Sẽ còn những đụng độ văn hóa hay tôn giáo khi con người cố gắng giữ cho bức tường của mình kiên cố. Người ta sẽ chẳng thấy mặt nhau, chẳng thể mở rộng tầm mắt để đón nhận tất cả những khác biệt của nhau vì bức tường của những khác biệt, thành kiến vô hình nhưng sừng sững đang chia cắt họ với nhau.

Đó là chuyện của chính trị xã hội, của người ta. Trong tôi cũng có những bức tường ngăn cách tôi với Thiên Chúa, chia cắt tôi với anh em đồng loại. Khi mở mắt chào đời, mặc nhiên tôi đã mang một quốc tịch, một ngôn ngữ và văn hóa rất khác với tha nhân. Từ đó tôi thấy những người kia đối chọi với mình. Tôi không muốn họ bước vào thế giới của riêng mình bởi những thành kiến hay kỳ thị ở tận chiều sâu. Trong nhãn quan này phải chăng triết gia Jean Paul Sartre (1905-1980) có lý khi ông phát biểu rằng: “Hell is other people – Tha nhân là địa ngục.”

Ngược lại, thầy Giêsu mời gọi tôi phá đi những bức tường ấy để chấp nhận nhau trong khác biệt, yêu thương nhau trong một thế giới muôn màu. Tính đa dạng mở ra cho tôi nhiều cơ hội để hòa hợp chung sống, để cộng tác dựng xây. Tuy khác biệt nhưng chúng ta đều là con người dưới vòm trời này. Đó là nét đẹp mà các triết gia hiện sinh như Gabriel Marcel (1889-1973) hay Emmanuel Levinas (1906-1995) theo đuổi: “Khuôn mặt của tha nhân có liên hệ chặt chẽ với chính tôi.” Hay nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài phát biểu tại diễn đàn TED: “Không ai trong chúng ta là một hòn đảo, một tự trị và độc lập với tha nhân được. Chúng ta chỉ có thể xây dựng tương lai khi cùng đứng chung với nhau, với mọi người.”

Hôm nay giây phút này tôi nài xin Chúa cho mình nhận ra những lớp tường thành vốn đang cô lập tôi với thế giới bên ngoài. Nếu lúc nào đó tự cho mình là một hòn đảo để co cụm ẩn núp và đóng kín với mọi tương quan, thì lúc ấy tôi đang chết dần chết mòn bởi thói ích kỷ nhỏ nhoi, cái nhìn hạn hẹp.

Giây phút này tôi cầu xin ơn Chúa cho tôi dám để Chúa phá bỏ, đập tan từng lớp tường thành tâm hồn, dù có đau đến mấy, có khổ đến đâu. Điều ấy quan trọng để tôi được tự do thuộc về Chúa và thuộc về tha nhân trong một sứ mạng phổ quát.

b. Cửa thành Giêrusalem

Dọc theo bức tường thành cao khoảng 12m là hệ thống cửa thành Đông Tây Nam Bắc. Từ triều đại của Suleiman the Magnificent (1520–1566), quanh thành có bảy cửa chính: Phía Tây có cửa Jaffa mà phần lớn du khách được tự do ra vào. Phía Nam có cửa Sion và cửa Dung. Phía Bắc có cửa Mới, cửa Hêrôđê và cửa Damascus. Phía Đông có cửa Golden và cửa thánh Stêphanô hay cửa Sư Tử vì trên cửa thành còn di tích hai con sư tử sờn bạc theo thời gian. Chính ở gần cửa này thánh Stêphanô bị ném đá và chết tử vì đạo (vào năm 35).

Hẳn nhiên đây là những chỗ quan trọng để người ta ra vào thành và cũng là nơi để cơ quan hữu trách kiểm soát vấn đề an ninh. Không phải cửa nào cũng được tự do ra vào. Ví như cửa Dung phải qua hệ thống an ninh để vào khu vực của người Do Thái. Nếu có vấn đề gì xảy ra trong thành, các cửa thành đều được cơ quan an ninh canh giữ nghiêm gặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Cửa Golden hiện nay đã bị bít kín hoàn toàn từ thời người Thổ Nhĩ Kỳ.

Tôi muốn dừng lại ở cửa Golden này để chiêm ngắm và nhớ lại vài biến cố xảy ra nơi đây. Trước hết, theo truyền thống Kitô giáo cổng này diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Hài Nhi Giêsu với cụ già Simêôn và bà Anna (Lc2,22-38). Đây còn là nơi vào ngày lễ Lá, thầy Giêsu cưỡi lừa đi vào thành cùng với nhiều người dân tung hô Ngài là con vua Đa-vít, là Đấng Mêsia.

Trước tới giờ cửa này vẫn luôn quan trọng đối với người Do Thái. Theo truyền thống đạo Do Thái, họ vẫn đang mong chờ Đấng Mêsia sẽ đến để giải phóng dân người. Một khi Đấng Mêsia đến, Người sẽ đi qua cửa Golden này mà vào thành thánh Giêrusalem. Bởi đó từ trước tới nay, phía Đông trước cửa thành là những phần mộ của người Do Thái. Hiện nay có rất nhiều khu mộ mà không phải ai có tiền cũng có thể được chôn cất ở đây. Họ tin rằng khi Đấng Mêsia đến, những người này sẽ trỗi dậy và được đi vào thành cùng với Đấng Mêsia trước tiên. Vào thời đế chế Ottoman, Suleiman muốn ngăn lối Đấng Mêsia vào thành thánh Giêrusalem, nên với quyền lực trong tay, ông cho xây bít cửa này để Đấng Mêsia không thể vào thành được (năm 1541). Thế là từ đó tới nay cũng chẳng ai có thể vào thành bằng cửa này. Đúng như lời tiên tri Ê-dê-ki-en tiên đoán: “Cổng này sẽ đóng, người ta sẽ không mở và không ai được vào, qua cổng này, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en đã tiến qua cổng ấy. Vì thế cổng này đóng. (Ed 44,1-3).

Câu chuyện về những cửa thành giúp tôi để tâm lắng nghe lời thầy Giêsu: “Thầy bảo thật anh em, ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa cho anh ta ra vào, và chiên nghe tiếng của anh. Anh gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh….Tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào…Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp đồng cỏ.” (Ga10,1-11).

Câu chuyện mục tử nhân lành mà thầy Giêsu kể giúp tôi nhận ra Ngài không chỉ là mục tử hằng chăm sóc tôi, Ngài còn là cửa cho tôi ra vào. Một cửa không đóng kín nhưng luôn rộng mở đón chào từng con chiên bước vào miền đất tràn trề sữa và mật. Nhờ đó tôi được sự sống đời đời. Không như hệ thống cửa thành Giêrusalem vốn là nơi nhiều lần thầy Giêsu cũng từng vào ra, hôm nay tôi may mắn vì có Thầy là Cửa rộng mở cho tôi tự do tung tăng cất bước. Cửa nhà Thầy không phân biệt chủng tộc màu da, ngôn ngữ hay văn hóa. Tất cả đều được Thầy đón mời.

2.Trời mới đất mới

Đã từ lâu các ngôn sứ nhìn về thành thánh Giêrusalem luôn là nơi Thiên Chúa ngự, vì trong thành có nhà của Thiên Chúa (Đền thờ)[1]. Do đó, họ ca ngợi thành là một nơi được xây trên khối đá vẹn toàn, và sẽ không ai có thể tiêu diệt được thành vì có Chúa ra tay quyền lực. Do đó người Do Thái nhìn về thành thánh như là biểu tượng cho một đất nước, một vương triều Đa-vít trường tồn thịnh đạt. Tuy nhiên lịch sử đã cho thấy thành nhiều lần sụp đổ bởi biết bao cuộc xâm lấn chiến tranh.

Còn nhớ thầy Giêsu khi đứng bên kia suối Kít-rôn, phía núi Ô-liu nhìn về thành thánh mà khóc thương cho thành[2]. Thời đó người ta ca ngợi thành như khối đá vẹn toàn kiên cố vững bền theo thời gian; tuy nhiên, thầy Giêsu dội một gáo nước lạnh vào lòng kiêu hãnh về thành của người ta khi tiên báo sẽ có ngày thành không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, tất cả đều sẽ bị phá đổ. (Mt24, 2; Mc13,2; Lc21,6).

Thầy khóc thương hay tiên đoán về ngày đau thương của thành vì con dân trong thành không nhận ra thời Đấng Mêsia đang đến với họ. Thay vì ra chào đón, tung hô, xin ơn cứu độ, họ lại toan tính giết Đấng Mêsia là thầy Giêsu ngay trong thành thánh. Họ đã thành công trong việc giết thầy Giêsu và đóng đinh Thầy vào thập giá. Sau đó lời tiên đoán của thầy Giêsu về sự sụp đổ của Thành Thánh Giêrusalem cũng đã xảy ra sau 40 năm kể từ khi thầy Giêsu chịu chết và phục sinh. Cuộc chiến năm 70 khiến người ta vỡ lẽ về một thành trì dù kiên vững, bề thế đến đâu trên mặt đất này cũng có nguy cơ sụp đổ tan tành[3]. Duy chỉ có thành đô Thiên Quốc, một Giêrusalem Tương Lai mới cho con người thực sự được sống an bình hạnh phúc.

Đó là công trình của Thiên Chúa, là sứ mạng của thầy Giêsu cả đời loan báo về một Vương Quốc tình yêu, một Trời Mới Đất Mới. Lúc này thành thánh Giêrusalem từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống. Đó là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Họ sẽ là dân của Người còn chính Người sẽ là Thiên Chúa của họ. Ở trong trời mới đất mới, họ sẽ trường sinh bất tử. Chính Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt của họ, sẽ không còn tang tóc, kêu than hay đau khổ. Thiên Chúa sẽ đổi mới mọi sự. Đó chính là Giêrusalem mới mà tác giả sách Khải Huyền ghi lại trong sách Khải Huyền ở chương 21.

Tôi đọc lại đoạn sách Khải Huyền này vốn được tác giả sách Khải Huyền mô tả về thành thánh mới để thấy được uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa ban tặng cho con người. “Thành thánh Giêrusalem mới đến từ trời cao, chói lọi vinh quang Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê. Thành có tường rộng cao với 12 cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên 12 cửa có ghi 12 chi tộc Ít-ra-en (mỗi hướng ba cửa). Tường thành được xây trên nền móng 12 Tông Đồ của Con Chiên.” (Kh 21,9-14).

Đó không gì khác hơn là sáng kiến của thầy Giêsu, của chính Con Chiên Thiên Chúa thiết lập Giáo Hội của Người trên trần gian, một Giáo Hội lữ hành đang tiến về Quê Trời. Trên nền tảng các thánh tông đồ mà thánh Phê-rô là đại diện, thầy Giêsu đã xây dựng Hội Thánh vốn không của riêng ai, không phân biệt chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ hay quốc gia. Mọi người đều được mời gọi để bước vào thành thánh mới này với con tim tự do và yêu mến.

Đó cũng là lời mời gọi và là mệnh lệnh của thầy Giêsu khi Ngài phục sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ, ai không tin sẽ bị kết án.” (Mc16,15-16). Nghĩa là ai đón nhận thầy Giêsu thì được bước vào thành thánh Giêrusalem mới, qua chính cửa là thầy Giêsu. Ở đó người ta không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa. (Ep 2,19-22). 

Trong thành thánh mới này, họ không còn bị bức tường thành chia cắt, họ không còn những khác biệt phân chia nữa. Căn tính của dân cư trong Thành Mới này là bạn hữu của Giêsu và là dân mới của Thiên Chúa. Ngài chính là con đường để dẫn người ta vào trời mới đất mới; và nhờ đó, con người được hưởng sự sống đời đời. Đó là sự thật, là lịch sử cứu độ. Hạnh phúc biết bao khi thành lũy ngăn cắt bị phá bỏ, hàng rào kỳ thị bị loài trừ để nhờ thầy Giêsu và trong thầy Giêsu, chúng ta có chung một Cha trên trời và tất cả là anh chị em với nhau.

Tiếc rằng chính tôi hoặc nhiều người đang ngăn cản chính mình và người khác có cơ hội tiến vào thành thánh mới, vào Giáo hội của Chúa. Đây đó còn nhiều mục tử chỉ chăm chút cho đoàn chiên của mình mà quên mất những con chiên lạc cũng cần được đem về. Hoặc nhiều mục tử xây bức tường thành giữa người theo Chúa với những ai bên kia ranh giới. Tệ hơn đây đó còn có những mục tử tạo nên bức tường ngăn cách chính mình với giáo dân, mặc cho sói dữ tấn công đoàn chiên mà Thiên Chúa trao cho họ chăm sóc. Họ không dám đi ra, đến những biên cương để mở rộng Nước Trời cho những người chưa biết Chúa. Bởi ra ngoài thành trì của mình sẽ gặp nhiều nguy hiểm khó khăn.

Bên cạnh đó, chính con chiên chúng ta cũng nhìn về người khác niềm tin với mình với ánh mắt kỳ thị, xem người khác tôn giáo là kẻ vô đạo, người bên lương xa lạ. Nếu vẫn bảo vệ bức tường thành như thế, thì đâu là Giáo Hội Công Giáo, đâu là Thành Thánh mới với vị mục tử nhân lành là Đức Giêsu!?

Vì chưa dám thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng cho anh em đồng loại nên tôi chỉ muốn giữ mảnh đất Chúa trao cho riêng mình, cho một nhóm cùng tôn giáo với tôi. Chúng tôi muốn khóa cửa để ngăn chặn những ai muốn bước vào thành thánh mới. Nếu đúng như thế thì đâu rồi lời mời gọi ra đi truyền giáo của thầy Giêsu? Phải chăng Giáo Hội của Chúa vẫn chưa được rộng mở, số dân của Chúa Giêsu vẫn chưa tăng triển mạnh mẽ là vì những bức tường do chính chúng ta tạo ra.

Xin thầy Giêsu giúp tôi nhận ra những bức tường đang ẩn sâu trong tâm thức, trong lối nghĩ và trong định kiến của mình. Nhờ ơn Chúa, xin Ngài phá tan thành lũy đó, để vẻ đẹp lung linh tráng lệ của thành thánh Giêrusalem mới được rạng ngời cho muôn dân. Nhờ vậy nhiều dân nước, nhiều anh em đồng loại của chúng ta có cơ hội bước qua Cửa Chiên là chính thầy Giêsu mà vào thành thánh Giêrusalem mới, để cùng nhau hưởng niềm vui vĩnh cửu, hạnh phúc thiên thu.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kỳ tới: Dinh Tổng Trấn Philatô, nơi xét xử Đức Giêsu

………………

[1] Dĩ nhiên đối với Israel, thành Giêrusalem còn được gọi là thành vua Đa-vít, là thủ đô tôn giáo và chính trị. Trong Cựu ước, tiên tri Ê-dê-ki-en còn gọi thành Giêrusalem là Đức-Chúa-ngự-ở-đó (Ed 48,35).

[2] Hiện nay là nhà thờ Chúa Khóc (Dominus Flevit).

[3] Vào lễ Vượt Qua năm 70, vị tướng La mã Titus đem 4 quân đoàn vây đánh Giêrusalem. Sau đó Đền Thờ bị chiếm đóng và thiêu hủy