Câu Hỏi Đố Vui Sách Khải Huyền

ĐẠI HỘI BAN KINH THÁNH
Thứ Bảy ngày 22 tháng 8 năm 2020

 

CÂU HỎI ĐỐ VUI
SÁCH KHẢI HUYỀN

 

  1. Sách Khải huyền thuộc văn thể nào? Khải huyền nghĩa là gì? Văn thể này dùng trong bối cảnh nào?

– Sách Khải huyền thuộc văn thể khải huyền.

– Khải huyền có nghĩa là “vén màn”, hay “mở ra những điều mầu nhiệm” để cho thấy những bí mật che khuất.

– Văn thể này được dùng trong bối cảnh tôn giáo đang gặp thử thách, khó khăn.

  1. Màu trắng, đỏ và đen trong sách Khải huyền có ý nghĩa gì?

– Trắng: chỉ sự trong sạch và chiến thắng.

– Đỏ: chỉ sự chết chóc, bạo lực, máu các vị tử đạo.

– Đen: chỉ sự chết và vô đạo.

  1. Sách Khải huyền thường dùng những hình ảnh truyền thống nào?

– Cái sừng: chỉ sức mạnh; tóc trắng: sự vĩnh cửu; áo dài: chức tư tế; đai vàng: vương quyền.

  1. Theo truyền thống của Giáo hội, ai là tác giả của sách Khải huyền?

– Tông đồ Gioan chính là tác giả sách Khải huyền.

  1. Độc giả của sách Khải huyền là ai?

– Độc giả của sách Khải huyền là 7 giáo đoàn ở Tiểu Á, cũng có nghĩa là toàn thể Hội thánh.

  1. Sách Khải huyền gồm bao nhiêu chương và được phân chia như thế nào?

Sách Khải huyền có 22 chương và chia làm 3 phần.

  1. Lời tựa của sách Khải huyền (1,1-3) khẳng định điều gì?

Lời tựa sách Khải khuyền khẳng định rằng: Mặc khải bắt đầu từ Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô, qua thiên thần và qua Gioan.

  1. Hãy kể ra 7 mối phúc trong sách Khải huyền:

(1) Phúc vì đọc và tuân giữ lời sấm ngôn (1,3)

(2) Phúc vì chết trong Chúa (14,13)

(3) Phúc vì giữ áo trong trắng (16,15)

(4) Phúc vì được dự tiệc cưới Con Chiên (19,9)

(5) Phúc vì được phục sinh (20,6)

(6) Phúc vì tuân giữ sấm ngôn trong sách này (22,7)

(7) Phúc vì giặt sạch áo (22,14)

  1. Hãy kể 3 danh hiệu của Chúa Giêsu Kitô (1,5a)

(1) Chứng nhân trung thành; (2) Trưởng tử; (3) Thủ lãnh.

  1. Hãy giải thích câu: “Ta là alpha và ômêga…” (1,8).

Alpha là chữ đầu tiên và ômêga là chữ cuối trong mẫu tự Hy Lạp. Thiên Chúa là alpha nghĩa là: Người là khởi nguyên; Thiên Chúa là ômêga nghĩa là: Người là cùng đích. Thiên Chúa là nguyên lý và cứu cánh của mọi thụ tạo.

  1. Đấng đứng giữa cây đèn (1,13-16) trong thị kiến mở đầu mà Gioan muốn giới thiệu là ai?

Đấng đứng giữa cây đèn… là Đức Kitô Phục Sinh. Người là Đấng có chức vụ đời đời gồm ba phương diện: là ngôn sứ, tư tế và vua.

  1. Trong thư gởi Hội thánh Êphêxô (2,1-7), Chúa Giêsu tự xưng là “Đấng cầm trong tay hữu bảy ngôi sao, Đấng đi giữa bảy cây đèn vàng” (2,1). Hãy giải thích ý nghĩa của câu này.

Chúa Giêsu quyền năng, luôn hiện diện và bảo vệ Hội thánh.

  1. Trong thư gởi Hội thánh Smyrna (2,8-11), là Hội thánh được khen ngợi mà không bị chê trách. Chúa Giêsu Kitô khen ngợi họ những điều gì? Ngài đã hứa với họ điều gì?

– (1) Họ gặp gian truân vì danh Chúa Giêsu Kitô. (2) Dù sống giữa thành phố xinh đẹp và giàu có, các tín hữu ở đây đã sống nghèo khó. (3) Họ đã bị vu không và bị giam cầm bởi những người xưng mình là Do Thái.

– Chúa Giêsu Kitô đã hai điều: (1) Được lãnh triều thiên và (2) không bị cái chết thứ hai (phán xét chung) làm hại.

  1. Trong thư gởi Hội thánh Thyatira (2,18-29), Chúa Giêsu tự xưng là “Con Thiên Chúa, Đấng có mắt như ngọn lửa hồng và chân giống như đồng đỏ” (2,18). Lời này có ý nghĩa gì?

Chúa Giêsu là Đấng thấu suốt tâm can con người. Ngài nổi giận khi các tín hữu sống thỏa hiệp với thế gian, nhưng Ngài nhân từ khi con người sám hối.

  1. Hãy kể ba danh hiệu Chúa Giêsu tự xưng trong thư gởi Hội thánh Philađenphia (3,7-13).

Chúa Giêsu tự xưng với ba danh hiệu: Đấng Thánh, Đấng Chân Thật và Đấng có chìa khóa vua Đavít.

  1. Trong thư gởi một trong bảy Hội thánh, Chúa Giêsu đã khiển trách tình trạng của Hội thánh này là “chẳng nóng và cũng chẳng lạnh” (3,15-16). Hội thánh đó chính là:

Laođikia.

  1. Hãy kể tên 7 Hội thánh vùng Tiểu Á nhận thư trong thị kiến của Gioan.

7 Hội thánh: Êphêxô, Smyrna, Pergamô, Thyatira, Sardê, Philađenphia và Laođikia.

  1. Trong Thị kiến Cuốn sách, Gioan giới thiệu Con Chiên (5,6-7), Đấng sẽ mở quyển sách với những đặc tính nào?

– Con Chiên trông như bị giết.

– Con chiên bảy sừng và bảy mắt.

  1. Trong Thị kiến Cuốn sách, khi Con Chiên lãnh cuốn sách từ tay Đấng ngồi trên ngai thì vạn vật bái phục và tung hô (5,7-14). Có mấy bài ca được hát lên lúc này?

Có 3 bài ca:

(1) Bài ca của bốn con vật và hai mươi bốn vị Kỳ mục (5,8-10).

(2) Bài ca của các thiên sứ (5,11-12).

(3) Bài ca của mọi loài thọ tạo (5,13-14).

  1. Khi Con Chiên mở 4 ấn đầu tiên (6,1-8), ấn nào cũng có hình ảnh con ngựa và người ngồi trên. Hãy diễn tả ý nghĩa hình ảnh của từng ấn.

– Ấn thứ nhất: Con ngựa trắng và kỵ mã mang cung: có chiến tranh.

– Ấn thứ hai: Con ngựa màu đỏ và kỵ binh: chiến tranh xảy ra, loài người giết nhau.

– Ấn thứ ba: Con ngựa ô (đen) và kỵ mã cầm cân trên tay: nạn đói xảy ra.

– Ấn thứ tư: Con ngựa xanh và kỵ mã mang tên Tử thần: ôn dịch và chết chóc.

  1. Hãy trình bày nội dung và ý nghĩa của Ấn thứ năm (6,9-11).

– Nội dung: Ấn thứ năm nói về các thánh tử đạo. Cuộc bách hại đẫm máu xảy ra. Các chứng nhân anh dung sẽ bị giết như Con Chiên. Nhưng họ sẽ được mặc áo trắng, áo chiến thắng.

– Ý nghĩa: Sẽ có cuộc bách hại đạo tàn khốc diễn ra, nhưng ai trung thành với Chúa sẽ được mặc áo trắng, nghĩa là người chiến thắng cùng với Chúa Kitô.

  1. Ai là những người được đóng ấn (7,1-8)? Số người được đóng ấn là bao nhiêu và có ý nghĩa gì?

– Là các tôi tớ, những người thuộc về Chúa Kitô. Họ sẽ đứng vững trước những tai họa sắp xảy đến nhờ tin tưởng và trung thành với Chúa Kitô.

– Số người được đóng ấn là 144.000 người. Con số này biểu lộ sự đầy đủ, trọn vẹn và số rất lớn. 12 x 1000 x 12 = 144.000: con số này còn ám chỉ đến dân Israel mới, chính là Hội thánh.

  1. Đoạn khải hoàn trên thiên quốc (7,9-17) mô tả đoàn người tử đạo tập hợp trước ngai Thiên Chúa và Con Chiên. Họ mặc áo trắng và cầm cành thiên tuế. Hãy giải thích ý nghĩa của hình ảnh Gioan đã mô tả?

– Các vị tử đạo tập họp trước ngai Thiên Chúa và Con Chiên diễn tả sự chiến thắng của họ sau khi trải qua thử thách gian nan.

– Việc mặc áo trắng và tay cầm cành thiên tuế gợi lên hình ảnh chiến thắng của các vị tử đạo.

  1. Sau khi Con Chiên mở ấn thứ bảy, bốn hồi kèn đầu tiên vang lên (8,6-13). Ý nghĩa của tiếng kèn là gì?

– Trong Kinh Thánh, tiếng kèn là biểu tượng cho sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử, là dấu hiệu báo trước Ngày của Chúa.

– Tiếng kèn được vang lên trong ngày Chúa Kitô giáng lâm.

  1. “Tiếng kèn của thiên thần thứ năm nổi lên. Tôi thấy một ngôi sao từ trời sa xuống đất; ngôi sao ấy nhận được chìa khóa của giếng vực thẳm” (9,1). Hãy giải thích ý nghĩa của câu trên.

– Tiếng kèn thứ năm vang lên báo hiệu cái khốn thứ nhất giáng xuống địa cầu. Hồi kèn này cho phép Xatan và thuộc hạ của nó tung hoành.

– Xatan được biểu hiện bằng một ngôi sao từ trời rơi xuống đất. Nó được trao chìa khóa, nghĩa là được phép mở cửa địa ngục để thuộc hạ của nó là bầy châu chấu tràn lên trái đất.

  1. Sau hồi kèn thứ năm, châu chấu xuất hiện. Chúng được miêu tả bằng những hình ảnh đáng sợ. Những hình ảnh ấy có ý nghĩa gì?

– Giống như ngựa: sẵn sàng vào trận.

– Đầu như thể có triều thiên vàng: được phép cai trị con người.

– Có khuôn mặt như người: có trí thông minh.

– Có tóc như tóc đàn bà: hấp dẫn và quyến rũ.

– Răng như rang sư tử: dữ tợn và tàn bạo.

– Ngực có áo giáp: kẻ thù khó tấn công.

– Tiếng cánh như tiếng xe ngựa: gây kinh hoàng, làm đối phương khiếp sợ.

– Đuôi có nọc độc như bọ cạp: mạnh mẽ, tàn độc và khó lường.

  1. Trong cảnh “Cuốn sách nhỏ” (10,1-11), có tiếng từ trời bảo Gioan lấy cuốn sách nhỏ đang mở ra từ tay thiên thần. Khi Gioan tiến đến, thiên thần bảo ông: “Cầm lấy mà nuốt đi! Nó sẽ làm cho bụng dạ ông cay đắng, nhưng trong miệng ông, nó sẽ ngọt ngào như mật ong” (10,10). Hình ảnh này xuất phát từ đâu trong Kinh Thánh? Những lời thiên thần nói với Gioan có ý nghĩa gì?

– Hình ảnh cầm lấy cuốn sách mà nuốt có nguồn gốc từ trong sách tiên tri Êdêkien (Ed 3,1-3).

– Cuốn sách chính là mặc khải của Thiên Chúa. Nó cay đắng vì thông điệp của nó loan báo những thử thách, gian nan mà các tín hữu phải chịu. Nó ngọt vì là lời cứu độ và lời loan báo cuộc khải hoàn sau cùng của Chúa Kitô cùng với những kẻ tin theo Ngài.

  1. Tiếng kèn thứ bảy vang lên báo hiệu điều gì? (11,15)

Tiếng kèn thứ bảy vang lên báo trước sự chiến thắng cuối cùng của Chúa Kitô, để thiết lập vương quốc vĩnh cửu. Vương quốc này không còn giới hạn trong một lãnh thổ (Israel), mà bao trùm mọi dân nước. Đó chính là Hội thánh.

  1. Người Phụ nữ được nhắc đến trong Kh 12,1-2 là ai và được miêu tả thế nào?

– Người Phụ nữ này có thể là: Đức Maria; Hội Thánh.

– Người Phụ nữ được miêu tả như sau: “Mình khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”. Cách miêu tả này nói lên sự vinh hiển và uy quyền.

  1. Hình ảnh con Mãng xà có bảy đầu, mười sừng, trên bảy đầu có bảy vương miện có ý nghĩa gì? (12,3-4)

Con Mãng xà là kẻ thù số một của Thiên Chúa:

– Bảy đầu: ám chỉ sự thông minh và mưu mô. Bảy đầu ám chỉ cho sự mưu mô và gian xảo của Xatan.

– Mười sừng: sừng diễn tả sức mạnh. Số mười là số của sự dữ vì thế, mười sừng tượng trưng cho sức mạnh của Xatan.

– Bảy vương miện: vương miện nói lên chức quyền. Điều này cho thấy Xatan có nhiều chức quyền.

  1. Hình ảnh Người Nữ trốn vào sa mạc (12,6) có ý nghĩa gì?

Tác giả muốn ám chỉ đến sự lẩn trốn của các tín hữu thời sơ khai. Họ phải lẩn trốn vào những nơi vắng vẻ để tránh những cuộc bách hại.

  1. Các thánh tử đạo là ai? Hãy nói ý nghĩa bài ca của các thánh tử đạo (12,10-12).

– Các thánh tử đạo là người đã chiến thắng sự dữ nhờ: (1) máu Con Chiên, và (2) nhờ lời họ làm chứng về Đức Kitô.

– Các thánh tử đạo đã ca ngợi Thiên Chúa vì Ngài đã biểu dương quyền bính bằng việc chiến thắng Xatan cùng đồng bọn của chúng.

  1. Con thú thứ nhất (13,1-10) tiêu biểu cho ai, đã làm gì và được miêu tả thế nào?

– Con thú thứ nhất tiêu biểu cho đế quốc Rôma. Nó đã nói phạm đến Thiên Chúa, giao chiến với các thánh và chiến thắng họ.

– Nó được miêu tả qua các đặc điểm như sau:

+ Từ dưới biển đi lên: Rô-ma đã chiếm các vùng Tiểu Á và gieo rắc tư tưởng thù nghịch với đức tin Ki-tô giáo.

+ Có bảy đầu: mưu mô, xảo quyệt.

+ Có mười sừng: có đầy quyền lực và sức mạnh.

+ Trên đầu có các danh hiệu xúc phạm đến Thiên Chúa.

+ Nó như con báo, có chân gấu, miệng sư tử: biểu thị của các con vật hùng mạnh và chuyên đi gây chiến.

+ Một cái đầu bị thương dường như bị giết.

  1. Con thú thứ hai (13,11-18) tiêu biểu cho ai, đã làm gì và được miêu tả như thế nào?

­Con thứ hai tiêu biểu cho tổ chức được đế quốc Rôma lập ra để củng cố việc tôn sùng hoàng đế Xêda.

– Nó thúc đẩy các dân cư trên mặt đất thờ lạy con thú thứ nhất.

– Nó từ dưới đất đi lên Nó có hai sừng như con chiên và nói giống như con rồng.

  1. Có bao nhiêu người đã hiện diện cùng với Con Chiên trên núi Xion? (14,1)

140 ngàn người.

  1. Tiếng Chúa (14,2) được diễn tả như thế nào khi các tín hữu hát bài ca mới?

Tiếng Chúa như tiếng nước lũ (sức mạnh), như tiếng sấm lớn (ai cũng có thể nghe được), như tiếng nhạc (êm dịu, ngọt ngào, có khả năng xoa dịu).

  1. Hình ảnh nào được tác giả miêu tả về ngày chung thẩm? (14,14-20)

Đó là mùa gặt và ép nho.

  1. Mùa gặt được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh. Hãy nêu ra 2 ví dụ cụ thể về mùa gặt được nhắc đến trong Kinh Thánh (14,14-16).

– Tiên tri Giôen: “Hãy tra lưỡi hái, vì đã đến mùa.” (Ge 4: 13)

– Chúa Giêsu: “Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt vì đã đến mùa” (Mc 4,29). Hay trong dụ ngôn lúa mì và cỏ lùng cũng được nhắc đến (Mt 13,24-30).

  1. Hãy so sánh bài ca của Môsê và bài ca của Con Chiên (15,1-4).

Môsê

Con Chiên

– Mô-sê hướng dẫn.

– Ca tụng Thiên Chúa.

 

– Vượt qua Biển Đỏ, chiến thắng quân Ai-cập.

– Bài ca cũ.

– Con Chiên hướng dẫn.

– Ca ngợi quyền năng và sự công minh của Chúa.

– Vượt qua gian lao, chiến thắng thử thách đau khổ và bách hại.

– Bài ca mới (miêu tả Thiên Chúa toàn năng, chân thật và công minh, muôn loài đều kính sợ và tôn vinh Người)

  1. Bảy tai ương được miêu tả trong Khải huyền liên tưởng đến câu chuyện nào trong Kinh Thánh? (16,1-21)

Liên tưởng đến những tai ương tại Ai-cập.

  1. Kể tên 7 tai ương đối với những người theo Con Thú trong Khải huyền (16,1-21).

– Tai ương thứ 1: bị ung nhọt ác tính, gây khó chịu (giống tai ương thứ 6 tại Ai-cập, Xh 9,9-10).

– Tai ương thứ 2: nước biển hóa thành máu (giống tai ương thứ 1 ở Ai-cập, Xh 7,21)

– Tai ương thứ 3: gợi lại việc nước hóa thành máu; chúng đổ máu các thánh và ngôn sứ.

– Tai ương thứ 4: mặt trời làm cháy da người.

– Tai ương thứ 5: bóng tối dày đặc và lan tràn (giống tai ương thứ 9 ở Ai-cập, Xh 10,21-23).

– Tai ương thứ 6: nói đến một thế lực hùng mạnh cùng với Con Thú tập hợp lại để giao chiến với Thiên Chúa. Tai ương này có nhắc đến các đạo quân từ Phương Đông, các ngôn sứ giả và các thần ô uế giống như ếch nhái (gợi lại tai họa thứ 2 ở Ai-cập, Xh 7,26 – 8,10).

– Tai ương thứ 7: diễn tả việc chấm dứt vũ trụ này. Tai ương ảnh hưởng đến không khí; có nhiều sấm sét; động đất khủng khiếp xảy ra.

  1. Đứng trước các tai ương, phản ứng của Con Thú thế nào? (16,21)

Cũng giống như lòng dạ chai đá của Pharaô khi sự việc diễn ra tại Ai cập. Ở đây, Con Thú vẫn cố chấp, cứng lòng và không chịu thay đổi.

  1. Các tín hữu được mời gọi sống thế nào trước cảnh tượng của các tai ương? (16,15)

– Các Kitô hữu được mời gọi “tỉnh thức” vì Chúa sẽ đến một cách bất ngờ.

– Tỉnh thức để không chạy theo tà thần; tỉnh thức để luôn trung tín với Thiên Chúa.

  1. Tên gọi “Con Điếm” ám chỉ đến ai, vì sao? (17,1-2)

– Tên gọi này ám chỉ Rôma. Rôma bị ví như “Con Điếm” vì:

+ Rôma thờ ngẫu tượng và sống vô luân.

+ Quyến rũ người khác phạm tội.

  1. Trên trán của “Con Điếm” viết gì? (17,5)

“Babylon vĩ đại, mẹ đẻ ra các gái điếm và các thứ ghê tởm trên trần gian”.

  1. Hãy nói ý nghĩa của 7 cái đầu hay bảy quả núi trong Kh 16,9b-10.

– Bảy quả núi: tượng trưng cho bảy ngọn đồi ở Rôma.

– Bảy núi hay bảy đầu cũng là bảy vị vua:

+ Năm vua đã sụp đổ: Augustô, Tiberiô, Caligula, Claudiô, Nêron.

+ Một vua chưa đến: Titô.

+ Vua thứ 8 là Nêron (một bạo chúa)

  1. Số phận của Rôma sẽ ra sao? (18,1-3)

– Rôma sẽ sụp đổ giống như Babylon xưa vì:

+ Rôma trở nên sào huyệt của ma quỷ và mọi thứ chim chóc đáng ghét.

+ Rôma mê tín dị đoan, bói toán và thi hành nhiều điều trái với luật.

+ Rôma còn lôi kéo các quốc gia khác sa đọa, tội lỗi giống như nó.

  1. Lời khuyên dành cho các tín hữu khi nhìn thấy số phận điêu tàn của Rôma là gì? (18,4-5)

“Hãy ra khỏi,” hãy lánh đi, hãy ra khỏi thành để khỏi thông đồng với tội lỗi của nó; nghĩa là hãy thoát khỏi tình trạng tội lỗi mà đế quốc Rôma đang sống để đi theo Chúa.

  1. Vì sao Rôma bị trừng phạt nghiêm khắc? Hình phạt của họ thế nào? (18,6;23b-24)

– Vì Rôma đã rất kiêu ngạo khi tự tôn mình lên; vì Rôma sống xa  hoa, dâm đãng (18,23b), dụ dỗ người khác (18,23c) và sát hại các thánh (18,24).

– Rôma sẽ phải chịu nhiều tai ương, sẽ bị tiêu diệt nội trong một ngày.

  1. Tác giả Khải huyền đã mượn hình ảnh nào trong Cựu Ước để miêu tả cảnh hoang tàn cuối cùng của Rôma? (18,21-24)

– Hình ảnh Giêrêmia nói về thành Babylon đã được tác giả Khải huyền dùng để diễn tả số phận của Rôma và miêu tả cảnh hoang tàn cuối cùng của nó.

– Rôma như một tảng đá to bị thiên thần quăng xuống biển. Rôma sẽ bị tiêu diệt; chẳng còn ánh sáng, không còn một sinh hoạt nghệ thuật, âm nhạc, xã hội, hay nghề nghiệp nào.

  1. Sau khi Rôma sụp đổ, trên thiên quốc, đoàn người đông đảo hát mừng ngợi khen Thiên Chúa (19,1-2). Đoàn người đông đảo ấy là những ai? Họ ca ngợi điều gì?

– Họ là các thánh, các tông đồ, các ngôn sứ.

– Họ ca tụng Thiên Chúa vì do ơn cứu rỗi, vinh hiển và quyền phép đều thuộc về Thiên Chúa. Họ ca tụng Chúa vì phán quyết công minh của Ngài. Vì Chúa xét xử Rôma, và Ngài không bỏ rơi những kẻ thuộc về Người.

  1. Hãy miêu tả người cưỡi ngựa trắng (19,11-16) trong cuộc chiến cánh chung thứ nhất là ai?

Người cỡi ngựa trắng chính là Chúa Giêsu Kitô. Ngài được miêu tả như một Đấng Chiến Thắng, một nhà chinh phục khi cưỡi ngựa trắng, mang tên “Trung thành và Chân thật”, dùng công lý để xét xử và giao chiến…

  1. Số phận của kẻ thù (Con Thú và các ngôn sứ giả) sẽ ra sao? (19,17-21)

Chúng bị chim ăn thịt và bị ném xuống hố lửa.

  1. Thành Thánh trên trời có điểm gì khác với thành Giêrusalem dưới đất? (21,22-23)

– Thành thánh trên trời có Thành nhưng không có Đền Thờ; vì Thiên Chúa và Con Chiên hiện diện hữu hình giữa những người được tuyển chọn.

– Thành không cần mặt trời, mặt trăng chiếu sáng; vì có vinh quang của Thiên Chúa và Con Chiên như ngọn đèn chiếu sáng.

  1. Hãy mô tả hình ảnh bên trong Thành Thánh mới (22,1-5).

Bên trong Thành Thánh mới có dòng sông mang nguồn nước trường sinh và cây sự sống. Nơi đây sẽ không còn sự nguyền rủa hay cấm đoán. Tất cả chư thánh sẽ cùng nhau thờ phượng Chúa.

  1. Có bao nhiêu người phát ngôn những lời cuối cùng (Kh 22: 6-9)

Có 3 người phát ngôn:

– Một vị thiên thần: vị này nhấn mạnh sứ điệp của Gioan và các ngôn sứ đều giống nhau:

– Chính Chúa Giêsu Kitô: nhắc về sự tái lâm và chúc phúc.

– Chính Gioan: làm chứng về những điều ông viết ra trong quyển sách.

 

print