Chậm hiểu và chậm tin

print

Chậm hiểu và chậm tin – Chúa nhật III Phục sinh – Năm A

 

Thánh Lu-ca là tác giả duy nhất thuật lại câu chuyện trên đường Emmaus. Câu chuyện này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều suy tư và giáo huấn, như điển mẫu cho một hình thái mục vụ hiện nay, đó là sự đồng hành của Giáo hội với mọi người thời đại. Như Chúa Giê-su đã đồng hành và lắng nghe hai môn đệ đang thất vọng ê chề và giúp họ khơi lên niềm hy vọng, Giáo hội của Chúa hôm nay cũng phải đồng hành với nhân loại đang đắm chìm trong thất vọng, giúp mọi người tìm thấy niềm vui.

“Chậm hiểu và chậm tin”, đó là hai điều được nhắc tới trong lời khiển trách của vị khách lạ trên đường Emmaus, sau khi đã ân cần lắng nghe hai ông giãi bày nỗi lòng. Các ông không phải là những người không hiểu biết, vì trong lời tâm sự, các ông cho biết các ông theo Chúa Giê-su vì “vẫn hy vọng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel”. Các ông vẫn sống niềm hy vọng của Israel từ nhiều thế hệ. Tuy nhiên, niềm kỳ vọng của các ông lại mang tính trần tục. Theo các ông, Đấng Messia phải chiến thắng lẫy lừng, chinh đông dẹp bắc. Đàng này, Người lại bị giết như một kẻ gian phi. Dưới quan niệm của các ông, Đức Giê-su thành Na-gia-rét, tuy là người có uy thế trong việc làm cũng như lời nói, nhưng đã thất bại thảm hại. Chính các ông cũng đang thất vọng ê chề.

Tâm trạng của hai môn đệ trên đường Emmaus cũng là tâm trạng của nhiều người trong xã hội hôm nay, trong số đó có một số tín hữu Ki-tô. Trước những vấn nạn lớn như chiến tranh, xung đột, dịch bệnh, đau khổ, thiên tai, những dấu hỏi lớn được đặt ra mà không có câu trả lời. Nhiều người còn đặt lại vấn đề về ngay sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ngài có hiện hữu thật không? Nếu Ngài là Thiên Chúa giàu lòng thương xót, sao nhân loại phải khổ đau như vậy?

Giữa một chuỗi những vấn nạn của thời đại, hôm nay Chúa Giê-su Phục sinh trả lời cho chúng ta. Trước hết, Chúa viện dẫn chính trường hợp cái chết của Người, để giải thích ý nghĩa của đau khổ: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (Lc 24, 25). Chúa Giê-su đã mở trí cho hai ông hiểu Kinh Thánh, để thấy ở đó những điều đã tiên báo về cuộc khổ nạn của Người. Người cũng soi sáng cho các ông có một cái nhìn mới về đau khổ và thập giá. Việc hai ông nhận ra Chúa Giê-su khi Người bẻ bánh ở cuối trình thuật như đỉnh cao của mặc khải. Chúa cho các ông thấy Người vẫn sống và sự chết không thể giam hãm Người trong nấm mộ tối tăm. Vào lúc Chúa tỏ mình ra với hai ông, cũng là lúc hai ông thay đổi não trạng, không còn buồn rầu ủ dột.

Cuộc sống trần gian giống như một cuộc lữ hành. Chúa Giê-su vẫn hiện diện giữa chúng ta, mà đôi khi chúng ta không nhận ra Người. Có nhiều người không muốn gặp gỡ Chúa vì cuộc gặp gỡ với Chúa khiến họ phải đảo lộn những dự tính, phải thay đổi cách nhìn và nhất là phải từ bỏ những đam mê không phù hợp với đời sống mới của con cái Thiên Chúa.

Như Chúa Giê-su đã khai lòng mở trí cho hai môn đệ, hôm nay Chúa cũng đang giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh. Ông Phê-rô nhờ được gặp gỡ với Chúa Phục sinh, mà từ một người dân chài chất phác ít học, đã trở nên nhà giảng thuyết hùng hồn. Bài đọc I ghi lại bài giảng đầu tiên của ông trong ngày lễ Ngũ Tuần. Với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, ông đã lược lại lịch sử dân tộc thánh trong một bài giảng, đồng thời chứng minh những gì các ngôn sứ loan báo nay đã được hoàn thành nơi Đức Giê-su thành Na-gia-rét, Đấng đã chết và đã sống lại.

Lễ Phục sinh là lễ của niềm hy vọng. Thánh Phao-lô khuyên chúng ta như vậy. Nhờ Đức Ki-tô phục sinh mà chúng ta được sinh ra làm con cái Thiên Chúa. Tin vào sự Phục sinh của Chúa, cùng với niềm xác tín Người đang hiện diện giữa cuộc đời, sẽ giúp người tín hữu tìm thấy niềm hy vọng và bình an.

“Sao các anh chậm hiểu và chậm tin?”. Đó là câu hỏi Chúa đặt ra cho chúng ta hôm nay, vào những lúc đức tin của chúng ta bị chao đảo trước phong ba cuộc đời.

Trình thuật Emmaus kết thúc với việc Chúa bẻ bánh và trao cho các môn đệ. Trình thuật này dùng các từ vựng giống như việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể. Chúng ta đang cử hành Thánh lễ. Tại nơi đây, vào lúc này, Chúa Giê-su vẫn đang bẻ bánh và trao cho chúng ta. Chúng ta hãy nhận ra Người.

+ TGM Giu-se Vũ Văn Thiên