Chạnh Lòng Thương

print

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM B

CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Lm. Giuse Nguyễn

Những ngày gần đây, báo chí đưa tin vụ một người phụ nữ ở Ban Mê Thuột bị bắt do mua bán ma túy, bỏ lại 4 đứa con trong phòng trọ không ai chăm sóc, đứa lớn nhất 5 tuổi, và đứa nhỏ nhất gần 1 tuổi. Khi tiếp nhận thông tin đó mọi người đều chạnh lòng thương cho hoàn cảnh của 4 đứa trẻ.

Hằng ngày có những hoàn cảnh đói nghèo, khổ sở diễn ra ngay trước mắt chúng ta: Cụ già còng lưng vác bao phế liệu; đứa trẻ đen đúa, nhỏ xíu cầm trên tay cọc vé số; người chồng say sỉn đánh đập vợ mình; người mẹ dầm mưa hớt hơ hớt hãi chạy tìm đứa con… Đứng trước những hoàn cảnh như thế, chúng ta có chạnh lòng không?

Hôm nay Thầy Giêsu cũng “chạnh lòng thương” đám đông đi theo Ngài “vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6, 34a). Cái chạnh lòng của Thầy Giêsu không thê thảm, ảm đạm bằng nỗi lòng của chúng ta ngày nay, nhưng đó là cái chạnh lòng cần thiết và đáng suy gẫm, vì chúng ta chạnh lòng với những nỗi đau phần xác, nỗi  đau vật chất, còn Thầy Giêsu chạnh lòng vì đám đông “không người chăn dắt”, muốn nói đến những người không được hướng dẫn trong đường lối Chúa.  

Chung chia nỗi lòng với Thầy Giêsu là phải thao thức với Ngài về những con người không được sống trong đường lối của Chúa.

Do đó “chạnh lòng thương” không chỉ là xót xa về những thiếu thốn vật chất, nhưng còn là thiếu thốn tâm linh; không phải chỉ đau đớn về phần xác, nhưng nhất là đau đớn về phần hồn.

Khởi đi từ việc các Tông đồ tụ tập quanh Thầy Giêsu để “khoe chiến tích” sau thời gian đi thực tập mục vụ. Chắc chắn các ông đang hồ hởi, phấn khởi về những thành công rực rỡ của mình và tưởng rằng Thầy cũng hãnh diện “nở lỗ mũi”. Nhưng không, phản ứng của Thầy Giêsu không dính dáng gì đến những thành công của các đệ tử mà chính Ngài đã sai họ đi loan báo Tin mừng. Ngài bảo họ “Lánh riêng ra, đến một nơi nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31). Ngài không quan tâm đến việc họ đã làm được gì, Ngài chỉ muốn tâm hồn họ luôn được bình an, và bình an đích thực là ở trong Chúa.

Từ bình an trong Chúa các môn đệ mới có thể cùng chung thao thức với Thầy Giêsu là Đấng đã đến để làm theo thánh ý Chúa Cha, mà thánh ý Chúa Cha là muốn Chúa Giêsu làm cho mọi người được ơn cứu độ. Vì thế Ngài “chạnh lòng thương” là vì người ta chưa được ơn cứu độ.

Thầy Giêsu muốn các môn đệ đừng quan tâm đến việc trừ quỷ, chữa bệnh… mà phải quan tâm đến việc người ta đã nghe đến Tin mừng Nước Thiên Chúa chưa.

Thái độ và ý hướng của Thầy Giêsu để các môn đệ không bị lầm lẫn giữa “Nước Thiên Chúa” với quốc gia trần thế, giữa hoạt động từ thiện với hoạt động tông đồ, giữa những môn đệ Đức Giêsu với những người làm bác ái, giữa “cảm xúc tội nghiệp” với “chạnh lòng thương”…

Quả thật ngày hôm nay người ta tìm thẻ xanh, thẻ đỏ ở những quốc gia tiên tiến, hay tự hào tìm được Visa nhập cảnh ở những nước văn mình… nhưng nhiều người vẫn không muốn đến với Nước Trời; nhiều nơi người Công giáo hoạt động từ thiện rất tốt, nhưng chẳng thấy dự lễ và lãnh nhận các Bí tích, vẫn làm ăn gian dối, vẫn nói hành nói xấu nhau…; nhiều người khóc sướt mướt trước hoàn cảnh đứa trẻ chăm sóc người cha bệnh tật, nhưng lại trơ trơ khi có Giáo lý viên đến nhà vận động con mình đi học Giáo lý…

Muốn “chạnh lòng thương” như Thầy Giêsu, người môn đệ phải “Lánh riêng ra, đến một nơi nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31), nghĩa là phải có khoảng trống tâm hồn đủ để Chúa có thể ngự trị mà điều khiển mọi ý hướng tâm tình của chúng ta giống như Thầy Giêsu đã thường xuyên có “nơi thanh vắng” với Thiên Chúa Cha.

Nói tóm lại người môn đệ phải có Chúa mới có thể nói về Chúa, phải hiểu Chúa mới có thể hành xử giống Chúa, phải có bình an từ nơi Chúa mới có thể dấn thân rao giảng Nước Chúa, phải để Chúa hoạt động trong mình mới có thể “chạnh lòng thương” giống Chúa.

Mẹ Têrêxa Calcutta đã nói: “Cầu nguyện là hoa trái của đức tin. Đức tin là hoa trái của tình yêu. Tình yêu là hoa trái của phục vụ. Phục vụ là hoa trái của bình an”.

Xin cho mỗi người chúng ta tìm đến Chúa nhiều hơn là quan tâm đến việc phải làm gì cho Nước Chúa, như Mẹ Maria ngày xưa đã cưu mang Chúa trước khi đi thăm viếng bà Êlisabet.