Chỉ Có Một Điều Cần – Chương 11: Tha Thứ

print

Chương 11

THA THỨ

Tha thứ nhân danh Thiên Chúa.

Bước đầu trong múa nhảy với Thiên Chúa.

Những bước tha thứ.

Cầu nguyện cho kẻ thù.

Hai đặc tính của sự tha thứ.

Sự vui mừng tha thứ của Thiên Chúa.

Sự thanh thản có tính chữa lành.

của sự tha thứ của Thiên Chúa.

Việc xưng tội và sự tha thứ.

Cánh tay rộng mở của Thiên Chúa tình yêu.

Tha thứ nhân danh Thiên Chúa

Tất cả chúng ta đều là những người mang thương tích. Ai đả thương ta ? Đó thường là những người ta thương và những người thương ta. Khi ta cảm thấy bị loại bỏ, khước từ, lạm dụng, nắm đầu hoặc đè bẹp, thì hầu hết những sự ấy xảy ra là do những người rất gần gũi với ta: cha mẹ, bạn bè, vợ chồng, người yêu, con cái, hàng xóm, thầy cô, các vị mục tử. Những người thương ta cũng là những người đả thương ta. Đó là một bi kịch của đời ta. Đây chính là điều làm cho sự tha thứ thật lòng trở nên rất khó khăn, chính cõi lòng ta mới là chỗ bị thương tích. Ta la lên: “Này bạn, tôi hy vọng bạn ở đó vì tôi, thì bạn lại bỏ rơi tôi. Làm sao tôi có thể tha thứ cho bạn về chuyện ấy được ?”

Tha thứ dường như là điều không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không có gì là không có thể. Thiên Chúa Đấng luôn sống trong ta sẽ ban cho ta ân sủng để ta vượt ra khỏi bản ngã bị thương tích của ta và nói: “ Nhân danh Thiên Chúa, tôi tha thứ cho bạn”.

Bread for the Journey

Tha thứ nghĩa là tôi luôn sẳn sàng tha thứ cho người khác vì họ không phải là Thiên Chúa – vì không thoả mãn mọi nhu cầu của tôi. Tôi cũng phải xin người ta tha thứ cho tôi vì tôi không thể thoả mãn những nhu cầu của người khác. Tâm hồn ta – trung tâm của hữu thể ta – là một phần của Thiên Chúa. Như thế, tâm hồn ta khao khát sự thoả mãn, khao khát sự hiệp thông toàn diện. Nhưng con người, bất kể đó là chồng hay vợ bạn, là cha hoặc mẹ bạn, là anh, chị, em hoặc con cái bạn, thường bị giới hạn trong việc cho ta những gì ta thèm khát. Nhưng vì ta muốn nhiều và ta chỉ có được một phần những gì ta muốn, nên ta phải luôn tha thứ cho người ta vì đã không cho ta tất cả những gì ta muốn.

Điều thú vị là khi bạn có thể tha thứ cho người ta vì họ không phải là Thiên Chúa, thì cũng là lúc bạn có thể ăn mừng vì họ chính là phản ánh của chính Thiên Chúa. Bạn có thể nói: “Vì bạn không phải là Thiên Chúa, nên tôi thương bạn vì bạn đã có những món quà tuyệt đẹp của tình yêu của Thiến Chúa”. Bạn không có hết mọi sự của Thiên Chúa, nhưng những gì bạn phải hiến tặng thật đáng ca ngợi. Khi nói về việc ăn mừng, tôi muôn nói đến sự nâng cao, khẳng định, tăng cường, vui mừng vì những tài năng của người khác. Bạn có thể nói rằng bạn là phản ánh của tình yêu vô biên ấy.

Parting Words.

Bước đầu trong múa nhảy với Thiên Chúa

Việc chữa lành không bắt đầu tại những nơi nỗi đau của ta được lấy đi, nhưng bắt đầu tại những nơi nỗi đau ấy được chia sẻ và được coi như một phần của nỗi đau lớn hơn. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên của việc chữa lành là đưa nhiều vấn đề và nỗi đau của ta ra khỏi sự cô lập cửa chúng và đặt chúng vào trung tâm của một trận chiến lớn hơn chống lại Ác Thần…. Vì ta tạo nên được một nơi để than khóc – bất kể nhờ những mối tương quan giữa người này với người kia, những nhóm nâng đỡ nhỏ, hay những cuộc họp mừng của cộng đoàn – nên ta đã dần dần giải thoát ta khỏi móng vuốt của Ác Thần và dần dần khám phá ra trong nỗi phiền muộn của ta rằng Thần Khí, Đấng mời gọi ta than khóc cũng là Đấng luôn cuốn ta vào nhịp bước đầu tiên của cuộc nhảy múa với Thiên Chúa…

Xin cho phép tôi mô tả… những động tác của cuộc nhảy múa này. Xin cho phép tôi được làm thầy dạy bạn múa một lúc thôi. Động tác đầu tiên là tha thứ. Đó là một động tác khó. Nhưng vạn sự khỏi đầu nan mà, và không có nhiều chuyện phải tha thứ đâu. Ta phải tha thứ cho cha, mẹ ta vì các vị đã không thể cho ta một tình yêu vô điều kiện; cho anh, chị, em ta vì đã không cho ta sự nâng đỡ ta mơ ước; cho bạn bè ta vì đã không có mặt ở đó vì ta khi ta mong chờ. Ta phải tha thứ cho các vị lãnh đạo Hội Thánh và dân sự vì những tham vọng và chuyên quyền của các vị. Trên tất cả, ta phải tha thứ cho tất cả những ai tra tấn, giết chóc, hãm hiếp và hủy diệt ta – những người làm cho thế giới này trở thành nơi tăm tối. Và chính ta nữa, ta cũng phải xin người ta tha thứ cho ta. Càng lớn tuổi, ta càng thấy rõ ràng rằng ta cũng đã đả thương người khác, ta là một thành phần của một xã hội bạo động và hủy diệt. Tha thứ thật và xin tha thứ rất khó. Nhưng không tha thứ, và xin tha thứ, ta vẫn bị xiềng chân lại với quá khứ – không thể nhảy múa được…

“The Duet of the Holy Spirit:

When Mourning and Dancing Are One”

Những bước tha thứ

Chỉ có thể tha thứ khi nhận ra rằng con người không thể cho ta những gì chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cho. Khi ta nghe được tiếng gọi ta là Người Yêu dấu, khi ta chấp  nhận ơn hiệp thông trọn vẹn và công bố tình yêu vô điều kiện đầu tiên, ta có thể dễ dàng thấy được -, với ánh mắt của một tâm hồn sám hối – là ta đã đòi hỏi nơi con người một tình yêu chỉ mình Thiên Chúa mới có thể trao ban. Đó chính là nhận thức về tình yêu đầu tiên cho phép ta tha cho những ai chỉ có thể trao ban một thứ tình yêu “thứ yếu”.

Tôi rất khổ tâm bởi tôi đã bám quá chặt vào cái tôi bị thương tích của tôi. Vì sao tôi lại suy nghĩ quá nhiều về những người đã chống đối tôi hoặc làm tôi đau khổ ? Tại sao tôi lại cho phép họ có quá nhiều quyền trên tình cảm và xúc cảm của tôi ? Sao tôi không thể biết ơn vì những điều tốt họ đã làm và không thể quên đi những thất bại và lầm lỗi của họ ? Dường như để tìm được chỗ trong cuộc sống tôi cần phải giận hờn, bực bội hoặc đau khổ. Dường như những người ấy đã đem lại cho tôi căn tính của tôi bằng chính những cách thức họ làm tổn thương tôi. “Con người thương tích” chính là một phần của bản thân tôi. Thật khó có thể biết rằng tôi là ai khi tôi không thể chỉ mặt những kẻ đã gây đau khổ cho tôi!…

Điều quan trọng là phải hiểu được nỗi thống khổ của ta. Thường cần phải tìm ra những nguồn gốc của những cuộc đấu tranh tinh thần và tình cảm của ta và khám phá ra những hành động của người khác và phản ứng của ta đã hình thành nên cách suy nghĩ, cảm xúc và hành động của ta ra sao. Nhất là, ý thức rằng ta không bị buộc phải là nạn nhân của quá khứ của ta và có thể biết được cách phản ứng mới thật là một điều có tính giải thoát. Nhưng vẫn có một bước vượt quá sự nhận thức và đồng hoá của những sự kiện của cuộc sống. Thậm chí vẫn có một bước vượt quá sự chọn lựa cách sống câu chuyện của riêng ta. Đó là một bước vĩ đại nhất con người có thể có được. Đó chính là bước đường của sự tha thứ.

Tha thứ là tên gọi của tình yêu được thực hành nơi những người ít yêu thương. Sự thật rõ ràng là tất cả chúng ta đều ít yêu thương. Thậm chí ta còn không biết ta đang làm gì khi ta đả thương người khác. Ta cần tha thứ và cần được tha thứ từng ngày, từng giờ – tha thứ không ngừng. Đó là công việc lớn nhất của tình yêu trong sự hiệp thông của những người yếu đuối là gia đình nhân loại. Tiếng gọi ta là Người Yêu Dấu chính là tiếng nói của sự tự do bởi tiếng nói ấy làm cho ta được tự do yêu thương mà không muốn được yêu lại. Điều này không có liên quan gì tới việc hy sinh chính mình, từ bỏ mình hoặc tự tước lột mình. Nhưng đó lại là điều có liên quan tới sự dư tràn của tình yêu, một tình yêu đã được tự do trao ban cho tôi và từ tình yêu ấy tôi cũng muốn tự do trao ban.

Forgiveness: The Name of Love in a Wounded World

Cầu nguyện cho kẻ thù

Điều đầu tiên ta được mời gọi thực hiện khi ta suy nghĩ về người khác như kẻ thù chính là cầu nguyện cho họ. Đây chắc chắn là điều không dễ. Nó đòi hỏi một thứ kỷ luật cho phép những người ghét ta hoặc những người ta ác cảm đi vào trong trung tâm của cõi lòng ta. Những người gây khó khăn, rắc rối, khổ đau hoặc thậm chí tai hoạ hầu như không thể có được một chỗ trong lòng ta. Nhưng mỗi lần ta thắng được sự thiếu kiên nhẫn này đối với kẻ thù của ta và mỗi lần ta sẳn sàng lắng nghe tiếng khóc than của những kẻ bắt bớ ta, là mỗi lần ta nhận ra họ chính là anh, chị, em ta. Thế nên, cầu nguyện cho kẻ thù là một biến cố thật, biến cố của sự hoà giải. Ta không thể vừa nâng kẻ thù ta lên trước tôn nhan Thiên Chúa, vừa tiếp tục căm ghét họ… cầu nguyện có sức biến thù thành bạn và như thế cũng là khởi sự một mối tương quan mới. Có lẽ không có lời cầu nguyện nào hữu hiệu bằng lời cầu nguyện cho kẻ thù của ta. Nhưng đó cũng là một lời cầu nguyện khó khăn nhất vì đó là việc hầu như trái nghịch với khuynh hướng tự nhiên của ta. Đó là lý do vì sao một số vị thánh coi việc cầu nguyện cho kẻ thù là tiêu chuẩn chính của sự thánh thiện.

Nếu bạn muốn biết được tình yêu của Thiên Chúa, bạn phải bắt đầu cầu nguyện cho kẻ thù. Đây là điều nói thì dễ làm không dễ. Những lời cầu nguyện cho con người thường bao hàm việc ước muốn điều tốt nhất cho họ; và đó là điều không dễ tí nào khi đó là một bạn cùng lớp luôn nói xấu bạn, một cô gái bắt đầu thấy một người khác hấp dẫn hơn bạn, một “người bạn” luôn xin bạn làm giùm những chuyện vặt vãnh thường ngày, và một đồng nghiệp đang cố hết sức giựt mất việc làm của bạn. Nhưng mỗi lần cầu nguyện, cầu nguyện thật cho kẻ thù, bạn sẽ nhận ra rằng tâm hồn của bạn đang được canh tân, đổi mới. Trong việc cầu nguyện ấy của mình, bạn khám phá ra rằng kẻ thù của bạn thực ra cũng là những đồng loại vẫn được Thiên Chúa yêu thương chẳng khác gì bạn. Kết quả là những bức tường bạn đã tạo nên giữa “tôi và hắn”, giữa “chúng tôi và chúng nó”, giữa “cái của chúng tôi và cái của chúng nó” sẽ biến mất. Tâm hồn bạn trở nên sâu, rộng hơn và ngày một mở ra cho hết mọi người, Thiên Chúa đã đặt để trên mặt đất này với bạn.

Tôi cảm thấy khó có thể hình dung có cách nào cụ thể hơn trong việc yêu thương kẻ thù cho bằng việc cầu nguyện cho họ. Cầu nguyện cho họ làm cho bạn ý thức về sự thật rõ ràng này là, trong ánh mắt của Thiên Chúa, bạn cũng đáng được yêu thương như hết mọi người, và nhận thức ấy tạo nên một ý thức về tình liên đới sâu xa với hết mọi người khác. Nó tạo nên trong bạn một lòng xót thương toàn thế giới và cung cấp cho bạn ở một mức độ ngày một tăng, một tâm hồn thoát khỏi sức đẩy của bạo động và thôi thúc. Và bạn sẽ vui mừng khám phá ra rằng bạn không còn tức giận với những người bạn đã thực sự cầu nguyện cho nữa. Bạn sẽ thấy rằng bạn bắt đầu nói khác với họ và về họ, và bạn đang thực sự muốn đối xử tốt với những kẻ chống đối bạn một cách nào đó.

Letters to Marc about Jesus.

Hai đặc tính của sự tha thứ

Tha thứ có hai đặc tính: một là cho phép mình được tha thứ, và hai là tha thứ cho người khác. Đặc tính thứ nhất khó hơn đặc tính thứ hai. Để mình được tha thứ đặt bạn vào trong một tình trạng lệ thuộc. Nếu có ai nói với tôi: “Tôi muốn tha thứ cho bạn về một điều gì đó”, tôi có thể đáp lại rằng: “Nhưng tôi có làm gì đâu. Tôi không cần sự tha thứ. Hãy ra khỏi đời tôi”. Điều rất quan trọng là ta phải biết rằng ta đang không đáp ứng nhu cầu của người khác và ta cần phải được tha thứ. Chẳng có gì chống lại việc ấy cả. Ta xuất thân từ một nền văn hoá đã bị phá hủy khủng khiếp về lãnh vực này. Ta thấy tha thứ và xin người ta tha thứ thật khó… Không phải chỉ có cá nhân mới cần tha thứ và được tha thứ. Tất cá chúng ta đều cần được tha thứ. Ta xin nhau đặt mình vào tình trạng mong manh ấy – và đó chính là lúc cộng đoàn được thiết lập.

                                                                        Parting Words

Sự vui mừng tha thứ của Thiên Chúa

Tha thứ thật lòng rất khó, hầu như không thể có được. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Khi người anh em xúc phạm đến anh em bảy lần một ngày và bảy lần người ấy đến và nói với anh em: ‘Tôi ân hận’, anh em phải tha thứ cho họ”. Tôi thường nói: “Tôi tha thứ cho bạn”, và cả khi miệng nói thế nhưng lòng vẫn anh ách tức tối, giận hờn. Tôi vẫn muốn nghe có người bảo tôi rằng tôi đúng, không sai; tôi vẫn muốn nghe những lời ân hận, xin lỗi; tôi vẫn muôn nhận được một sự ca ngợi nào đó – ước gì đó là lời khen ngợi vì tôi đã biết tha thứ!

Nhưng sự tha thứ của Thiên Chúa là một sự tha thứ vô điều kiện; sự tha thứ ấy xuất phát từ một tâm hồn không đòi hỏi gì hết cho mình, một tâm hồn không hề có một chút gì là sự tìm kiếm chính mình. Chính sự tha thứ này của Thiên Chúa mới là sự tha thứ tôi phải thực hành hằng ngày trong đời. Sự tha thứ ấy mời gọi tôi dẹp bỏ tất cả những lập luận cho rằng tha thứ là không khôn ngoan, không lành mạnh và không thực tế. Sự tha thứ ấy thách thức tôi bước qua tất cả mọi nhu cầu được người ta biết ơn và ca ngợi của tôi. Sau hết, sự tha thứ ấy đòi tôi phải bước qua phần thương tích của tâm hồn tôi, chỗ tôi cảm thấy nhói đau và bị xúc phạm, chỗ vẫn cần sự kiểm soát và một ít điều kiện giữa tôi và người muốn xin tôi tha thứ.

The Return of the Prodigal son

Sự thanh thản có tính chữa lành của sự tha thứ của Thiên Chúa

Thứ hai tuần trước, khi tôi đọc Thánh Vịnh 42 trong giờ Kinh Sáng, tôi bỗng nhận ra rằng lời cầu nguyện đọc sau Thánh Vịnh ấy đã đi vào trong lòng tôi với một sức mạnh phi thường, mạnh đến độ sức mạnh ấy còn lưu lại trong tôi cho đến tận mấy hôm nay. Lời nguyện ấy như sau:

 Lạy Cha chúng con ở trên trời, khi sức mạnh của Cha đụng chạm đến chúng con, chúng con không còn nói: Sao chán nản thế, hỡi lòng tôi ? Nay những đợt sóng giận hờn của chúng con đã qua, xin cho chúng con cảm được sự thanh thản có tính chữa lành của sự tha thứ của Cha. Xin khơi lên nơi chúng con lòng khao khát Cha như nai rừng mong mỏi suối nước trong, cho tới khi Cha thoả mãn mọi nỗi chờ mong trên trời.

Những lời “xin cho chúng con cảm thấy được sự thanh thản có tính chữa lành của sự tha thứ của Cha” là những lời tôi muốn bám lấy, bởi nếu tôi có khao khát điều gì, thì đó chính là sự thanh thản có tính chữa lành của sự tha thứ của Thiên Chúa. Càng sống lâu, tôi càng ý thức tình trạng tội lỗi, sự bất trung, thiếu can đảm, hẹp hòi của tôi; tôi càng cảm thấy những đợt sóng của tham lam, dục vọng, bạo lực và giận hờn gào thét trong tận cõi thẳm sâu của lòng tôi. Lớn tuổi vẫn không làm cho cuộc sống với Thiên Chúa dễ dàng hơn. Thực vậy, kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa, cảm nhận được tình yêu của Ngài, nếm cảm được sự tốt lành của Thiên Chúa, đụng chạm được bàn tay vỗ về của Ngài càng khó hơn. Đã bao lần tôi cầu xin Thiên Chúa cho tôi cảm nhận được rằng tình yôu của Thiên Chúa bao giờ cũng thật hơn tội lỗi và sự hèn nhát của tôi, đã bao lần tôi muốn thấy ánh sáng trong tăm tối, và biết bao lần tôi đợi ngày Thiên Chúa sẽ làm cho sóng yên bể lặng, và bao lần tôi mong nghe được tiếng của Thiên Chúa, bảo tôi rằng: “Sao nhát đảm thế, kẻ kém tin ? Ta luôn ở cùng con mà”.

Gratias.

Việc xưng tội và sự tha thứ

Mỗi người đều là một sự bị khúc xạ khác nhau của cùng một tình yêu của Thiên Chúa, của cùng một thứ ánh sáng trên trần gian này, đang đến với ta. Ta cần một thứ kỷ luật chiêm niệm mới có thể thấy được thứ ánh sáng này. Ta không thể thấy được Thiên Chúa trên trần gian này, chỉ mình Thiên Chúa mới thấy được Thiên Chúa trên trần gian này thôi. Đó là lý do vì sao cuộc sống chiêm niệm lại quan trọng đến thế đối với thừa tác vụ hoạt động. Nếu ta khám phá ra Thiên Chúa như trung tâm của hữu thể ta, thì Thiên Chúa trong tôi sẽ nhận ra Thiên Chúa trên trần gian này. Khi ấy ta cũng nhận ra ma quỉ đang hoạt động trong ta và trong thế gian. Đời sống thiêng liêng đòi hỏi phải thường xuyên đào sâu và làm sống động sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng ta.

 

Tiến trình này bao gồm sự căng thẳng đích thật của việc phải biện phân xem ta phải nhìn Thiên Chúa với ánh mắt nào: bằng mắt của tôi, một thứ mắt chỉ muốn làm vui lòng và kiểm soát, hay bằng mắt của Thiên Chúa. Vì thế, ta cần phải sống cuộc sống này trong một tiến trình xưng thú và tha thứ liên tục. Đây chính là sự năng động thường xuyên của cộng đoàn. Ma quỉ sẽ đánh mất sức mạnh khi ta thú nhận rằng ta đã bị chúng cầm giữ. Càng xưng thú cách chân thành, ta càng kinh nghiệm được tình yêu tha thứ của Thiên Chúa – và ta càng nhận ra ta phải xưng thú nhiều hơn nữa. Đời sống cộng đoàn khuyến khích sự nhìn nhận về ma quỉ này và việc cộng tác của ta với chúng, để tình yêu của Thiên Chúa được tự bày tỏ. Chỉ trong việc xưng thú này Tin Mừng mới được mạc khải cho ta, vì Tân Ước vẫn tập trung vào các tội nhân.

The Road to Peace.

Cánh tay rộng mở của Thiên Chúa tình yêu

Cầu nguyện nghĩa là ngưng không đợi chờ nơi Thiên Chúa một sự hẹp hòi bạn khám phá ra nơi bản thân mình, cầu nguyện là bước đi trong ánh sáng đầy đủ của Thiên Chúa và nói cách đơn giản, không rút lại: “con là con người còn Chúa là Thiên Chúa”. Nói được như thế thì cũng là hoán cải, là duy trì mối tương quan đích thật. Con người không phải là kẻ luôn phạm lỗi, và Thiên Chúa cũng không phải là Đấng thỉnh thoảng mới tha thứ. Không! Con người bao giờ cũng là tội nhận, còn Thiên Chúa bao giờ cũng là tình yêu… sự hoán cải này đem lại một sự thoải mái khiến bạn được tự do và nghỉ ngơi trong vòng tay của vị Thiên Chúa thứ tha.

With Open Hands.