Chỉ Có Một Điều Cần: Chương 2

print

Chương 2:  CẦU NGUYỆN LÀ GÌ ?

Vươn đến cùng Thiên Chúa

Hầu như khi ta cảm thấy ta đang đụng phải những giới hạn của con người, ta chẳng sử dụng từ ngữ “cầu nguyện’’ đó sao ? Từ ngữ “cầu nguyện” chẳng hơn một từ diễn tả sự bất lực, mà đúng ra từ ấy còn nói lên một sự tiếp xúc sáng tạo với nguồn của mọi sự sống sao ?

Điều quan trọng là phải nói rằng … những tình cảm, kinh nghiệm, thắc mắc, và cáu gắt đối với cầu nguyện là kết quả rất thật và rất thường của những biến cố cụ thể và đớn đau. Nhưng, đời sống thiêng liêng nào không có cầu nguyện thì cũng giống như Tin Mừng không có Đức Kitô vậy. Thay vì chứng minh hoặc bảo vệ một cái gì đó, có lẽ cần phải gom hết mọi thắc mắc nghi ngờ và âu lo vào thắc mắc duy nhất này : “Nếu cầu nguyện được hiểu như mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, thực sự là nền tảng của mọi mối tương quan – với chính mình cũng như với tha nhân — thì làm sao ta có thể học cầu nguyện và thực sự có kinh nghiệm về cầu nguyện như trục duy nhất của sự hiện hữu của ta được ? Nhờ tập trung vào thắc mắc này, ta có thể đào sâu tầm quan trọng của cầu nguyện trong đời ta và trong cuộc sống của những người ta gặp gỡ cách đích thân hoặc qua những câu chuyện và sách vở của họ.

Cầu nguyện thường được coi là một sự yếu kém, một hệ thống nâng đỡ, ta sử dụng khi ta không còn có thể trợ giúp chính mình. Nhưng điều này chỉ đúng, khi Thiên Chúa của lời

cầu nguyện của ta được tạo dựng theo hình ảnh của ta và theo các nhu cầu và quan tâm của ta. Tuy nhiên, khi cầu nguyện làm cho ta vươn lên đến Thiên Chúa, không chỉ theo thuật ngữ của ta và theo thuật ngữ của Thiên Chúa, thì việc cầu nguyện sẽ kéo ta ra khỏi những bận tâm về chính mình, khuyến khích ta rời bỏ vùng đất quen thuộc, và thách thức ta bước vào một thế giới mới, một thế giới không thể bị gồm tóm trong những ranh giới nhỏ bé của tâm trí và tâm hồn ta. Nên cầu nguyện là một cuộc phiêu lưu lớn vì Thiên Chúa Đấng mà cùng với Ngài ta đang bước vào một mối tương quan mới, lớn hơn chính bản thân ta và bất chấp mọi tính toán và dự đoán của ta. Thật khó có thể di chuyển từ ảo tưởng đến cầu nguyện vì cầu nguyện đưa ta từ những sự chắc chắn giả tạo đến những bất định đích thực, từ một hệ thống nâng đỡ dễ dàng tới chỗ dám buông bỏ tất cả, và từ nhiều thần linh “an toàn” tới vị Thiên Chúa có một tình yêu không giới hạn.

Reaching Out

Ở lại trong Chúa Giêsu

Chúa Giêsu hầu như không để lại một sự nghi ngờ nào về ý nghĩa của việc cầu nguyện, khi nói : “Không có Thầy, anh em không thể làm được gì; ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 5). Ở lại trong Chúa Giêsu đó là tất cả ý nghĩa của việc cầu nguyện.

Khi nào ta đánh mất đi sự đụng chạm với sự hiện diện của Đấng Cứu Chuộc yêu thương, thì khi ấy cuộc sống sẽ trở nên một gánh nặng không thể chịu đựng được, và ta sẽ chỉ thấy phải xóa đói giảm nghèo, phải vạch mặt bất công, phái  chiến thắng bạo động, phải chấm dứt chiến tranh và phải xóa bỏ cô đơn. Tất cả những thứ ấy đều là những vấn đề nghiêm trọng, và Kitô hữu phải cố gắng giải quyết; tuy nhiên khi quan tâm của ta không còn xuất phát từ việc ta đích thân gặp gỡ Đức Kitô hằng sống nữa, ta sẽ thấy một sức nặng khủng khiếp.

Hầu hết chúng ta đều cố tìm cách thoát thân khi bảo rằng : “Ổn định gia đình và công việc đối với tôi là đã quá mệt rồi. Xin đừng đặt thêm trên vai tôi những vấn đề của thế giới nữa. Chúng chỉ làm cho tôi cảm thấy tội lỗi và bất lực thôi”. Ta không còn tham dự vào thực tại trọn vẹn của con người nữa, thay vì chọn tham dự vào thực tại ấy, ta lại tự cô lập trong một xó xĩnh nào đó trên thế giới này, nơi ta cảm thấy tương đối an toàn. Có thể ta vẫn cầu nguyện cách sợ hãi, nhưng ta đã quên mất rằng lời cầu nguyện đích thật bao giờ cũng ôm trọn thế giới này, chứ không phải chỉ nơi ta đang sống.

Prayers Embraces the World.

Thần Khí Thiên Chúa cầu nguyện trong ta

Thực hành việc cầu nguyện chiêm niệm là một thứ kỷ luật giúp ta bắt đầu thấy được Thiên Chúa trong lòng ta. Việc cầu nguyện ấy chính là sự đặc biệt quan tâm đến Đấng đang ở tại trung tâm của hữu thể ta, đến độ nhờ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, ta để cho Ngài làm chủ mọi giác quan ta. Nhờ kỷ luật của việc cầu nguyện ấy, ta tỉnh thức hơn đối với Thiên Chúa đang ở trong ta và ta để cho Ngài đi vào trong từng nhịp đập của trái tim ta, vào trong từng hơi thở cùa ta, trong suy nghĩ, trong tình cảm của ta, trong việc nghe, thấy, sờ đụng và nếm cảm của ta. Chính nhờ sự tỉnh thức này đối với Thiên Chúa đang ngự trong ta mà ta có thể thấy Thiên Chúa trong thế giới xung quanh ta. Mầu nhiệm cao cả của đời sống chiêm niệm không phải là ta thấy Thiên Chúa trên trần gian này, mà là Thiên Chúa đang ở trong ta nhận ra Thiên Chúa đang ở trên trần gian này. Thiên Chúa nói với Thiên Chúa, Thần Khí nói với Thần Khí, tâm hồn nói với tâm hồn. Vì thế, chiêm niệm là tham dự vào sự tự nhận biết nầy của Thiên Chúa. Chính Thần Khí Thiên Chúa, Đấng làm cho mọi sự nên trong suốt và mở mắt cho ta nhìn thấy sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa trong mọi sự chung quanh ta, đang cầu nguyện trong ta. Chính nhờ tâm hồn ta mà ta thấy được tâm hồn của trần gian này. Đó là điều nói lên mối tương quan mật thiết giữa chiêm niệm và thừa tác vụ.

Clowning in Rome.

Cầu nguyện là nhịp cầu nối kết cuộc sống vô thức với cuộc sống ý thức, cầu nguyện liên kết tâm trí với tâm hồn ta, ý chí với những đam mê của ta, khối óc với cái bụng ta. cầu nguyện là cách để cho Thần Khí trao ban sự sống xuyên thấu mọi ngóc ngách của hữu thể ta. Cầu nguyện là công cụ Thiên Chúa dùng để làm cho ta nên toàn diện, hợp nhất và bình an

Sabbatical Journey.

Cầu nguyện và đau khổ

Chúa Giêsu bảo : “Hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng nề và đau khổ, hãy đến với Tôi, và Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của Tôi và hãy học cùng Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Và các ngươi sẽ tìm được sự nghỉ ngơi lại sức vì ách của Tôi thì êm ái và gánh của Tôi thì nhẹ nhàng” (Mt 12, 29-30).

Những lời ấy thể hiện ý nghĩa sâu sắc hơn của việc cầu nguyện, cầu nguyện là hợp nhất chính mình với Đức Kitô và nhờ Ngài mà nâng toàn thế giới này lên tới Thiên Chúa trong việc lớn tiếng xin ơn tha thứ, hoà giải, chữa lành và thương xót. Vì thế, cầu nguyện là liên kết mọi cuộc đấu tranh và đau khổ con người đang gặp phải – bất kể đó là sự chết đói, tra tấn, vô gia cư của con người, hay bất cứ một hình thức của sự đau đớn thể lý hoặc tinh thần nào của con người – với tấm lòng hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu…

Cầu nguyện đưa dẫn mọi đau khổ tới nguồn mạch của mọi sự chữa lành; cầu nguyện là để cho sự ấm cúng của tình yêu của Chúa Giêsu làm chảy tan băng giá của hận thù; là mở ra một không gian nơi niềm vui khoả lấp u buồn, lòng nhân hậu xua tan cay đắng, tình yêu thay thế sợ hãi, sự hiền lành và âu yếm xua tan ghen ghét, hững hờ. Nhưng trước hết, cầu nguyện là con đường đưa ta đến chỗ trở nên một phần của sứ vụ của Chúa Giêsu trong việc lôi kéo mọi người vào trong sự mật thiết với tình yêu Thiên Chúa.

Prayer Embraces the World.

Tìm ra cách cầu nguyện của mình

Có nhiều cách cầu nguyện. Khi nào ta nghiêm túc đối với việc cầu nguyện và không còn coi cầu nguyện chỉ là một trong những việc người ta làm trong cuộc sống, nhưng cầu nguyện là thái độ đón nhận căn bản, từ thái độ ấy, toàn bộ cuộc sống có thể nhận được một sức sống mới, thì khi ấy, sớm muộn gì, ta cũng sẽ phải nêu lên vấn nạn sau : ‘Tôi cầu nguyện theo cách nào ? Việc cầu nguyện của tâm hồn tôi là việc cầu nguyện nào ?” Hệt như các nghệ sĩ thường tìm cho mình một phong thái riêng thế nào, thì những người cầu nguyện cũng tìm cho mình một cách thức cầu nguyện riêng như thế. Điều sâu sắc nhất trong cuộc sống, và vì thế cũng là thân thương nhất đối với ta, bao giờ cũng cần phải được bảo vệ cũng như diễn tả cách thích hợp. Nên không ngạc nhiên gì khi cầu nguyện thường được bao vây bởi những thái độ và những lời nói được chỉ định tỉ mỉ, và bởi những nghi thức chi tiết và các nghi lễ công phu.

Reaching Out.

Tôi cầu nguyện với ai ?

Khi nói về cầu nguyện, tôi đặt cho John Eludes một vấn nạn dường như rất căn bản và hơi ngây thơ một chút : “Khi cầu nguyện, tôi cầu nguyện với ai ? “Khi tôi nói “Chúa”, tôi muốn nói lên điều gì ?”.

John Eludes trả lời khác hẳn với những gì tôi mong đợi. Ông nói : “ Đây là một câu hỏi đích thực, một câu hỏi quan trọng nhất bạn có thể nêu lên; ít ra đây cũng là một vấn nạn bạn có thể làm cho thành một vấn nạn quan trọng nhất”. Ông nhấn mạnh cách thuyết phục rằng nếu tôi thực sự muốn giải quyết vấn đề cách nghiêm túc, tôi phải nhận ra rằng giải quyêt vấn nạn này tôi sẽ không còn giờ để làm những việc khác đâu. ‘Trừ khi”, ông mỉm cười, tiếp : “mệt quá, ông cần ít phút đọc Newsweek cho khuây khỏa!” John Eludes nói : Làm cho vấn nạn này trở thành cốt lõi của việc suy gẫm của ta không dễ tí nào. Bạn sẽ khám phá ra rằng vấn nạn này chiếm hết mọi sự của bạn bởi, vấn nạn, vị Chúa mà tôi đang cầu nguyện với là vị Chúa nào, sẽ đưa bạn tới một vấn nạn khác, tôi, người đang muốn cầu nguyện với Chúa, là ai ? Và khi ấy, bạn sẽ lại tự hỏi ngay, vì sao Thiên Chúa của sự công chính cũng là Thiên Chúa của tình yêu; Thiên Chúa của sự sợ hãi cũng là Thiên Chúa của lòng nhân hậu ? Đây chính là điều sẽ đưa bạn tới cốt lõi của việc suy gẫm.

Có trả lời cho vấn nạn này được chăng ? Có và không. Đó là điều bạn sẽ khám phá ra khi bạn suy gẫm. Có thể một ngày nào đó, bạn có được một tia hiểu biết nào đó trong khi vấn nạn ấy vẫn còn và đang lôi kéo bạn tới gần Thiên Chúa hơn. Nhưng đó không phải là một trong những vấn nạn của bạn. Một cách nào đó, vấn nạn ấy cần phải là vấn nạn duy nhất, xung quanh vấn nạn ấy, mọi sự bạn đang làm có được chỗ của chúng. Vấn nạn này đòi một quyết định nào đó để làm cho vấn nạn ấy trở thành cốt lỗi của việc suy gẫm của bạn. Nếu bạn làm được như thế, bạn sẽ nhận ra rằng bạn đang bước vào một con đường dài, rất dài”

The Genesee Diary.

Trên đường hành hương

Cầu nguyện, trước tiên, có nghĩa là chấp nhận hướng về Thiên Chúa là Đấng luôn luôn mới, luôn luôn khác. Vì Thiên Chúa là một Thiên Chúa rất dễ mủi lòng, tâm hồn Ngài vĩ đại hơn tâm hồn ta. Việc công khai chấp nhận cầu nguyện trước vị Thiên Chúa luôn luôn mới ấy làm cho ta được tự do. Trong cầu nguyện, ta thường xuyên lên đường, thường xuyên hành hương. Theo cách của riêng ta, ta gặp ngày càng nhiều người đang cho ta thấy một cái gì đó về Thiên Chúa ta đang tìm kiếm. Ta sẽ không bao giờ biết chắc ta đã đạt tới Thiên Chúa hay chưa. Nhưng ta biết chắc rằng Thiên Chúa luôn luôn mới và không có gì khiến ta phải sợ.

With Open Hands.

Tham dự trước vào Vương Quốc Thiên Chúa

Cầu nguyện là một hành động, nhờ đó ta cởi bỏ mọi thứ tài sản giả tạo để tự do thuộc về Thiên Chúa và chỉ thuộc về một mình Ngài. Đó là lý do vì sao, dẫu ta vẫn thấy ao ước cầu nguyện, nhưng đồng thời ta lại thấy có một cái gì đó cưỡng lại ý muốn của ta. Ta muốn đến gần Thiên Chúa hơn, là nguồn gốc và cùng đích đời ta, nhưng đồng thời ta cũng nhận ra rằng càng đến gần Thiên Chúa, ta càng bị Thiên Chúa đòi phải từ bỏ nhiều thứ ta đã dựng lên chung quanh ta. Cầu nguyện là một hành động triệt để như thế bởi cầu nguyện luôn đòi ta phải phê bình cách sống của ta trên trần gian này, đòi ta dẹp bỏ con người cũ, chấp nhận con người mới của ta, là chính Đức Kitô.

Đó là điều thánh Phaolô luôn mang trong lòng khi mời gọi ta cùng chết với Đức Kitô để ta có thể cùng sống với Ngài. Chính thánh Phaolô đã làm chứng cho kinh nghiệm chết và tái sinh này khi viết : “Hiện nay tôi sống, nhưng không phải tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20)…

Trong việc cầu nguyện, ta phá huỷ ảo tưởng của việc kiểm soát bằng cách lột khỏi con người của ta những thứ tài sản giả tạo và hoàn toàn hướng mình về Thiên Chúa, Đấng duy nhất ta phải thuộc về. Vì thế, cầu nguyện là hành động chết đi đối với tất cả những gì ta coi là của riêng ta và là việc được sinh vào trong một cuộc sống mới không thuộc về thế gian này. Thực vậy, cầu nguyện chính là chết đi đối với thế gian để ta có thể sống cho Thiên Chúa. Mầu nhiệm quan trọng của việc cầu nguyện là ngay hôm nay cầu nguyện đã đưa ta vào trong một trời mới, đất mới, và như thế cũng có nghĩa là cho ta được tham dự trước cuộc sống trong Nước Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng vô biên, bất tử, vĩnh cửu, và cầu nguyện nâng ta lên tới cuộc sống ấy của Thiên Chúa

Letting Go of Things

Cầu nguyện và đức cậy

Cầu nguyện nghĩa là mở rộng bàn tay trước Thiên Chúa, Cầu nguyện cũng có nghĩa là từ từ nới lỏng những căng thẳng đã trói chặt bàn tay bạn và luôn sẳn sàng chấp nhận cuộc sống bạn không phải như một vật sở hữu cần phải bảo vệ, nhưng như một quà tặng cần phải đón nhận. Nhưng trước hết, cầu nguyện là một lối sống, lối sống ấy cho phép bạn tìm được sự tĩnh lặng ngay trong thế gian này, nơi bạn mở rộng bàn tay cho những lời hứa của Thiên Chúa và tìm được niềm hy vọng cho chính mình, cho những người thân cận và cho thế gian này. Trong cầu nguyện, bạn gặp gỡ Thiên Chúa không chỉ trong tiếng thì thầm và trong gió hiu hiu, mà còn gặp gỡ Ngài giữa những cơ cực của trần thế này, trong nỗi khốn quẫn và hân hoan của đồng loại và trong sự cô đơn của cõi lòng bạn.

With Open Hands.

Cầu nguyện là cuộc sống

Cầu nguyện đưa bạn tới chỗ thấy được những con đường mới và nghe được tiếng du dương mới của không khí. Cầu nguyện là hơi thở của cuộc sống bạn, một hơi thở cho bạn được tự do ra đi hoặc ở lại những nơi bạn muốn và tìm được những dấu chỉ dẫn tới một vùng đất mới. Cầu nguyện không phải là một thành phần thiết yếu của chương trình sống hằng ngày của một Kitô hữu hoặc là nguồn trợ lực khi cần, cũng không bị giới hạn vào giờ Kinh Sáng Chúa Nhật hoặc giờ ăn trưa. Cầu nguyện là cuộc sống, cầu nguyện chính là ăn và uống, hoạt động và nghỉ ngơi, giảng dạy và học tập, vui chơi và làm việc, cầu nguyện thấm nhập mọi khía cạnh của cuộc sống ta. Đó là không ngừng nhận ra rằng ta ở đâu thì Thiên Chúa cũng ở đó, và bao giờ Ngài cũng mời ta đến gần hơn và cử hành ơn Thiên Chúa cho ta được sống.

With Open Hands.