Chỉ Có Một Điều Cần: Chương 3 (tt) – Kỷ luật của sự tĩnh mịch

print

Kỷ luật của sự tĩnh mịch

Đưa một sự tĩnh mịch nào đó vào trong đời ta là một trong những kỷ luật cần thiết và khó khăn nhất. Dẫu có thể ta rất khao khát có được một sự tĩnh mịch đích thật, nhưng ta vẫn có kinh nghiệm về một nỗi âu lo nào đó khi đến gần một nơi chốn và một thời gian tĩnh mịch nào đó. Bao lâu ta còn đơn độc, không có người để tâm sự, không có sách để đọc, không có tivi để xem, hoặc điện thoại để gọi, thi bấy lâu một sự hỗn loạn nội tâm nẩy sinh trong ta. Sự hỗn loạn này có thể gây rối loạn hoặc bối rối đến độ ta khó có thể chờ đợi bận bịu lại. Thế nên, bước vào phòng riêng và đóng cửa lại, không có nghĩa là ta gạt ngay được những nghi ngờ, xao xuyến, sợ hãi, những ký ức xấu, những xung đột chưa giải quyết xong, những giận hờn và những đam mê trong lòng. Trái lại, khi ta dẹp được những lo ra bên ngoài, ta thường thấy rằng những lo ra bên trong vẫn thể hiện đầy sức mạnh đối với ta…

Tĩnh mịch không phải là một sự đáp trả tự nhiên đối với một cuộc sống bận rộn và lơ đãng. Có quá nhiều lý do để không phải ở một mình. Vì thế, ta phải bắt đầu bằng cách cẩn thận thiết lập một sự tĩnh mịch nào đó. Năm hoặc mười phút mỗi ngày có thể là tất cả những gì ta có thể chịu đựng. Có lẽ, ta cũng sẵn sàng để ra mỗi ngày một giờ, mỗi tuần một buổi chiều và mỗi tháng một ngày, hoặc mỗi năm một tuần. Thời lượng sẽ thay đổi đối với mỗi người, tùy theo tâm tính, tuổi

tác, nghề nghiệp, lối sống, và sự trưởng thành. Nhưng ta sẽ không coi trọng đời sống thiêng liêng, nếu ta không dành một thời gian nào đó để ở với và lắng nghe Thiên Chúa. Có lẽ ta phải cẩn thận đánh dấu giờ ấy trên lịch sinh hoạt hằng ngày để không ai có thể chiếm mất thời gian ấy. Chỉ khi lên chương trình như thế, ta mới có thể nói với bạn bè, hàng xóm, học sinh, khách hàng, thân chủ hoặc bệnh nhân của ta rằng: “Tôi xin lỗi, tôi đã có hẹn rồi và tôi không thể thay đổi được”.

Một khi quyết tâm dành thời gian cho sự tĩnh mịch, ta mới phát huy được sự quan tâm đối với tiếng nói của Thiên Chúa trong ta. Lúc đầu, suốt những ngày, những tuần hoặc những tháng đầu tiên, có thể ta sẽ có cảm tưởng rằng ta đang lãng phí thời gian. Thời gian trong tĩnh mịch lúc đầu hầu như có thể chẳng hơn gì thời gian ta bị tấn công bởi hằng ngàn ý tưởng và tình cảm nổi lên từ những khu vực ẩn khuất trong tâm trí ta.

Một trong những tác giả Kitô giáo tiên khởi đã mô tả giai đoạn đầu tiên của việc cầu nguyện trong tĩnh mịch này như kinh nghiệm của một người, sau nhiều năm quen sống với việc mở toang cửa, bỗng quyết định đóng cửa lại. Khách khứa thường đến và bước vào nhà ông cách tự nhiên, nay bắt đầu phải gõ cửa, tự hỏi vì sao họ lại không được phép vào. Chỉ khi họ nhận ra rằng họ không được tiếp đón, họ mới từ từ không đến nữa.

Cách trực giác, ta biết rằng dành thời gian cho sự tĩnh mịch là điều quan trọng. Thậm chí ta còn bắt đầu mong chờ giai đoạn vô dụng kỳ lạ này nữa là khác. Khát vọng sống tĩnh mịch này thường là dấu chỉ đầu tiên của sự cầu nguyện, là dấu chỉ cho thấy rằng ta không còn lãng quên sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa nữa. Khi ta bắt đầu trút đổ những âu lo của mình, ta mới biết không chỉ bằng tâm trí thôi mà còn bằng cõi lòng nữa rằng trước đây ta chưa hề cô độc, Thần Khí Thiên Chúa vẫn hằng ở với ta…

Trong tĩnh mịch, ta dần dà biết được Thần Khí, là Đấng đã được ban cho ta. Những cơn đau và những cuộc đấu tranh ta gặp trong sự tĩnh mịch của ta, khi ấy trở thành đường hy vọng, bởi niềm hy vọng của ta không chỉ dựa trên một cái gì đó sẽ xảy ra sau khi những đau khổ đã qua, mà còn dựa trên sự hiện diện đích thật của Thần Khí chữa lành của Thiên Chúa giữa những đau khổ ấy. Kỷ luật của sự tĩnh mịch cho phép ta dần dần đụng chạm được sự hiện diện đầy hy vọng này của Thiên Chúa trong đời ta, và cho phép ta nếm cảm được ngay từ bây giờ những khởi sự của niềm vui và sự bình an thuộc về trời mới, đất mới

Making Things New.