Chỉ Có Một Điều Cần – Chương 7tt: Việc hướng dẫn thiêng liêng

print

Việc hướng dẫn thiêng liêng

Cả lời nói và sự thinh lặng đều cần được hướng dẫn. Làm sao ta biết rằng ta đang tự đánh lừa ta, làm sao ta biết rằng ta không chọn những lời phù hợp nhất với những đam mê của ta, làm sao ta biết rằng ta đang không nghe theo những tiếng nói của sự tưởng tượng của ta ? Nhiều người đã trích dẫn Kinh Thánh và nhiều người đã nghe được những tiếng nói và thấy được những thị kiến, nhưng chỉ rất ít người tìm được con đường dẫn tới Thiên Chúa. Ai có thể giúp họ phân định trong trường hợp này ? Ai có thể quyết định xem những tình cảm và nhận thức của họ đang đưa họ đi đúng đường ? Thiên Chúa của ta bao giờ cũng lớn hơn tâm hồn và trí khôn ta, và ta dễ dàng bị cám dỗ biến những ước vọng của lòng ta và những suy đoán của trí khôn ta thành ý Thiên Chúa. Vì thế, ta cần một vị hướng dẫn, một vị chỉ đường, một người tư vấn, để giúp ta phân biệt được tiếng của Thiên Chúa với tất cả những tiếng khác nẩy sinh từ sự bối rối của ta hay từ những thế lực đen tối ta không kiểm soát được. Ta cần một ai đó khích lệ ta khi ta bị cám dỗ dẹp bỏ tất cả, quên đi tất cả, chỉ còn biết lê bước trong tuyệt vọng. Ta cần một ai đó khích lệ ta khi ta vội vã đi vào những hướng mịt mờ hoặc vội vã kiêu hãnh lao vào một cùng đích không rõ ràng. Ta cần một ai đó có thể gợi ý cho ta khi nào cần đọc và khi nào cần thinh lặng, cần suy gẫm những lời nào và cần phải làm gì khi thinh lặng tạo nên quá nhiều sợ hãi và rất ít bình an.

Reaching Out.

Luôn biết phổ thác đời sống cầu nguyện của mình theo sự hướng dẫn của vị linh hướng là điều rất có giá trị. Vị linh hướng này theo nghĩa hẹp không phải là nhà tư vấn, không phải là nhà điều trị, hoặc một phân tích gia, nhưng là một Kitô hữu trưởng thành, ta chọn để họ chịu trách nhiệm về đời sống thiêng liêng của ta và hy vọng họ sẽ hướng dẫn ta cầu nguyện khi phải thường xuyên chiến đấu để biện phân sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong đời ta. Vị này có thể được gọi là “bạn linh hồn” (Kenneth Leech) hay “bạn thiêng liêng” (Tilden Edwards). Điều quan trọng là những người ấy phải tuân thủ kỷ luật của Hội Thánh và Kinh Thánh và như thế họ sẽ quen thuộc với khoảng không gian, trong đó ta đang cố gắng lắng nghe tiếng của Thiên Chúa.

Cách ta liên hệ với vị linh hướng này tùy thuộc rất nhiều vào những nhu cầu, nhân cách và những ngoại cảnh của ta. Một số người muốn gặp vị linh hướng của họ hai tuần hoặc một tháng một lần ; những người khác lại thấy chỉ cần gặp họ khi hoàn cảnh đòi buộc. Một số người cảm thấy cần chia sẻ thật sâu sắc với vị linh hướng, trong khi những người khác lại thấy chỉ cần gặp các vị ấy mỗi lần một ít phút thôi cũng đủ. Điều quan trọng nhất là các Kitô hữu giúp nhau bước vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa mà không sợ hãi và bước vào trong sự hiện diện ấy để biện phân lời mời gọi của Thiên Chúa.

Spiritual Direction

Có lẽ thập niên 1970 đã cho ta một cơ hội độc đáo để khẳng định lại truyền thống phong phú của việc dạy cầu nguyện. Tất cả các tác giả về linh đạo, từ các tổ phụ trong sa mạc tới chị Têrêsa Avila, Evelyn Underhill và Thomas Merton, đều đã nhấn mạnh sức mạnh phi thường và tầm quan trọng chủ yếu của việc cầu nguyện trong đời sống chúng ta…

Nếu đúng thế thật, thì rõ ràng là việc cầu nguyện đòi phải có sự giám sát và phải có đường lối. Những báo cáo chính xác của cuộc nói chuyện của ta với các bệnh nhân có thể giúp ta đào sâu những sự nhạy bén trong tương quan liên vị thế nào, thì việc liên tục đánh giá đời sống thiêng liêng của ta cũng có thể đưa ta đến gần Thiên Chúa hơn như thế. Nếu ta không ngần ngại nghiên cứu xem tình yêu và sự săn sóc thể hiện trong các cuộc gặp gỡ giữa con người thế nào, thì tại sao ta lại không để tâm đến mối tương quan với Đấng là nguồn mạch và cùng đích của mọi phản ứng của con người ?

The Living Reminder