Chiên Gánh Tội

Chiên Gánh Tội

Con người sinh ra vốn không ai hoàn hảo, và mỗi người chúng ta thường tự chất vấn bản thân mình không biết bao nhiêu lần trong đời về những điểm yếu của bản thân. 

Nhưng liệu có bao nhiêu người trong chúng ta dám thẳng thắn thừa nhận điểm yếu của mình, sau đó khắc phục chúng và vươn lên trong cuộc sống?

Có lẽ, biết nhận cái sai và dám sửa sai không một dân tộc nào bằng người của Xứ Sở Hoa Anh Đào.Chúng ta đã không còn xa lạ với hình ảnh các doanh nghiệp, tập thể hay cá nhân người Nhật Bản cúi gập mình xin lỗi khách hàng, cộng đồng mỗi khi có sự vụ nào đó tiêu cực xảy ra.

Đó có thể là ngài cựu thủ tướng Naoto Kan cúi đầu xin lỗi đồng bào vì sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi tháng 03/2011. 

Đó cũng có thể là thủ tướng Shinzo Abe nhiều lần tự mình xin lỗi người dân vì các bê bối mà vợ ông gây ra. 

Đó là cả một công ty đường sắt xin lỗi vì tàu cao tốc nối giữa Tokyo và Tsukuba chạy sớm 20 giây. Hay ngân hàng xin lỗi khách hàng vì… chính khách hàng làm hỏng cây ATM. 

Chúng ta mỗi lần đọc được những mẩu tin ấy đều thấy khâm phục người Nhật, khâm phục cái đức tính biết xin lỗi và nhận sai của người dân xứ sở Hoa Anh Đào. 

Đó cũng là điều để giúp cho dân tộc Nhật Bản được hoàn thiện hơn và sống có trách nhiệm , nhờ đó mà đất nước họ phát triển thật nhanh thế chiến thứ haiđã để lại sự hoang tàn đổ nát, thế mà ngay nay họ đã đứng tốp ten về kinh tế thế giới.

Nhưng đáng tiếc, người Việt chúng ta lại quá đề cao sĩ diện nên không dám nhìn nhận sự thật về bản thân. Chúng ta luôn tô vẽ cho mình những cái đẹp, và phủ lên mình những điều sang quý lên bản thân, cũng nhằm che đi những cái sai, cái xấu của bản thân.. .

Một năm qua với lò củi đốt tham nhũng của chính phủ nhưng điều đáng tiếc là các quan tham không ai nhận tội mà chỉ biết đổ lỗi, có người còn đổ lỗi vì “não quá ngắn” mà chức lại quá to, và chưa thấy ai dám bán tài sản để đền bù thiệt hai, mà chỉ thấy tẩu tán tài sản trước khi ra vành móng ngựa,. . .

Không nhận lỗi, không sửa sai, thì làm sao bản thân thăng tiến, và nếu là những lãnh đạo thì càng làm cho đất nước chậm phát triển bởi sự mù quáng của mình.

Hôm nay lễ kỷ niệm việc Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Giodan, ta thấy một hình ảnh thật khiêm tốn của Con Thiên Chúa.Chúa Giê-su là Đấng vô tội nhưngNgài tự nguyện gánh lấy tội trần gian. Ngài là Thiên Chúa, là Đấng thánh thiện vô cùng đã mặc lấy thân xác con người. Ngài tự nhận mình là tội nhân khi hòa mình vào dòng người tới nhận phép rửa của Gioan. Hành vi này như muốn dạy con người chúng ta hãy biết liên đới trách nhiệm với tha nhân. Liên đới để giúp nhau thăng tiến. Liên đới để sống cảm thông chia sẻ với nhau. Tình liên đới sẽ giúp con người chung sống hòa bình với nhau và cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Người ta thường kể về thị trưởng đầu tiên của thành phố New York với giai thoại như sau: một ngày mùa đông lạnh buốt nọ, ông thị trưởng phải chủ tọa một phiên tòa. Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão đói rách bị tố cáo là đã ăn cắp một mẩu bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là: “Gia đình tôi 3 đứa con đang chết đói”.

Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biện bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: “Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng 10 đô la”. Vừa công bố bản án, ông thị trưởng rút trong túi của mình ra 10 đô la và trao cho người đàn ông khốn khổ. Quay xuống cử tọa ông nói tiếp: “Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp”. Nói xong, ông ra lệnh cho viên biện lý đi thu tiền và trao tất cả cho ông lão.

Khi chiếc mũ đã được truyền một vòng tòa án và trở về tay mình, ông lão đếm được tất cả 47 đô la 50 xu.

Nếu cuộc đời con người biết sống có tình liên đới thì cuộc đời đẹp biết bao! Người ta sẽ “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng”. . . 

Nếu cuộc đời ai cũng cảm thấy có trách nhiệm với cả những lỗi lầm của người khác thì xã hội sẽ thăng tiến biết bao. Vì ai cũng nỗ lực sống chu toàn bổn phận của mình, sống gương mẫu và chắc chắn sẽ không làm gì để gây gương mù gương xấu cho tha nhân.

Nếu cuộc đời ai biết nhìn nhận cái sai của mình để sửa, để đền bù thì xã hội mới thăng tiến và xã hội sẽ công bình hơn.

Nếu cuộc đờiai cũng ý thức mình là tội nhân cần được tha thứ thì con người sẽ thăng tiến và cuộc đời mới vănminh hơn.

Ước gì cuộc đời chúng ta cũng được hiến tế cho anh em. Một cuộc hiến tế không bằng máu mà bằng hy sinh từ bỏ thói hư tật xấu, hy sinh hãm dẹp tính xác thịt, hy sinh đễ sống làm gương sáng cho tha nhân. Ước gì tình liên đới của con người luôn là mối dây hiệp nhất yêu thương để tình người mãi gắn kết và cùng nhau xây dựng một xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

print