Chương I
THỂ CHẤT QUÂN BÌNH
Trời có lúc mưa lúc nắng. Mưa để tưới cho cây lúa mọc nhanh. Nắng để cho hạt lúa vào mẩy chín vàng. Thời gian có ngày có đêm. Ngày để con người làm việc. Đêm để con người nghỉ ngơi phục hồi sức lực. Con người có đời sống riêng tư những cũng có đời sống xã hội. Có lúc phải ra ngoài góp mặt với đời, có lúc phải rút lui vào chốn riêng tư để phục hồi và gia tăng sinh lực. Có thể nói rằng, sức khoẻ là kho tàng quý báu nhất của cuộc đời. Không có nó, mọi của cải khác đều trở nên vô nghĩa.
I. THẾ GIỚI HÔM NAY
- Thế giới hôm nay
Thế giới của chúng ta ngày càng trở nên bận rộn hơn. Dường như mọi người đều phải tất bật với cuộc mưu sinh, chóng mặt vì thời đại công nghệ thông tin, và hơn nữa với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0[1]. Cuộc cách mạng hiện đại này sẽ tạo ra những bước nhảy vọt về nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ Nano.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt. Mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi Robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp. Hệ lụy của nó sẽ là những bất ổn về kinh tế, chính trị. Nếu chính phủ các nước không hiểu rõ và chuẩn bị đầy đủ cho làn sóng công nghiệp 4.0, nguy cơ xảy ra bất ổn trên toàn cầu là hoàn toàn có thể.
Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên Internet cũng đặt con người vào nhiều nguy hiểm về tài chính, sức khoẻ. Thông tin cá nhân nếu không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Thế giới hôm nay đem lại cho chúng ta nhiều thiện ích, nhưng cũng đầy những lo âu mà con người phải đối đầu.
- Áp lực công việc
Mọi người đang khốn đốn tìm cách kiểm soát những sự bận rộn quay cuồng ngày càng gia tăng của thời đại chúng ta. Có người nói rằng Satan không cần lừa phỉnh chúng ta, hắn chỉ cần giữ cho chúng ta luôn bận rộn. Khi quá bận rộn, chúng ta không còn khả năng đi vào đời sống nội tâm, xóa mất chiều kích hướng thượng và hướng tha, không còn nhận ra ý nghĩa và sứ mệnh đời mình, làm tản mạn năng lực cuộc sống của mình.
Sở dĩ số người mắc bệnh thần kinh trên thế giới ngày một gia tăng là do là áp lực của công việc. Lúc nào người ta cũng phải lo toan tính toán để được người, được việc; để đạt mục tiêu, đạt kế hoạch… Áp lực công việc gắn liền với những nỗi lo sợ khác: sợ thất bại, sợ thua lỗ, sợ mất danh giá, sợ bị khiển trách, sợ mất việc… Ngoài những nỗi lo sợ đó còn là sự ham mê lợi lộc và mong muốn trổi vượt. Tâm trạng đó khiến ta không dám nghỉ ngơi hoặc không còn giờ để nghỉ ngơi, khiến sức khỏe thể xác mau suy kiệt, trí não suy thoái, tinh thần suy giảm, và gây ra nhiều thứ suy nhược, có thể dẫn đến suy vong.
Vì vội vả, hối hả, không làm chủ được tốc độ nên xảy ra nhiều tai nạn giao thông, đưa đến nhiều cái chết thương tâm. Vì căng thẳng do áp lực của công việc quá lớn, cũng đưa đến tự sát ngày càng nhiều. Trước đây ở Nhật Bản có một loại bệnh là “Karoshi”, nghĩa là chết do làm việc quá mức. Từ đó có câu: người mù mất đi con mắt nhưng người bận rộn còn mất đi thứ quý giá hơn nhiều. Trong ý nghĩa đó, chúng ta thử tìm hiểu về chữ “bận” trong tiếng Hán.
Trước tiên là trường hợp của người mù. Gốc nghĩa của chữ mù là Manh (“盲”: đui, mù) do chữ Vong (“亡”: mất) và chữ Mục (“目”: mắt) ghép thành. Người mù là người đã mất con mắt để nhìn.
Còn chữ “bận” (忙), được cấu tạo bởi chữ Tâm đứng (心) và chữ Vong (亡). Chữ tâm (心) chỉ về cảnh giới nội tâm, tình cảm của con người. Một người đã “tâm vong” là người “bận”.
Như vậy, người bận rộn là người đã bị chết đi cảnh giới tinh thần, hoặc tâm trí đã bị mê lạc, nên thường hành động nóng nảy và nông nổi. Đó cũng là “khúc dạo đầu” cho quá trình chết đi của thân thể. Những người làm việc quá sức hay quá nhiều trong một thời gian dài sẽ ở trong tình trạng rất nguy hiểm, dù không có bất kỳ một biểu hiện bệnh nào trước đó, nhưng lại chết đột ngột.
Trong bài diễn văn ngày 20-08-2006 tại Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cảnh báo về nguy hiểm khi làm quá nhiều công việc. Ngài nhắc lại tư tưởng của thánh Bênêđictô: “Bị quá tải thường dẫn đến sự chai đá của con tim, tinh thần bị thương tổn, trí khôn bị mất và ơn Chúa bị phân tán. Không được đánh mất mình trong công việc”. Đó là tâm niệm của ngài và cũng phải là châm ngôn cho đời sống mỗi người chúng ta.
- Cần điều hòa giữa làm việc và nghỉ ngơi
Sự quân bình thể chất cũng đã được Chúa Giêsu đề cập đến, khi yêu cầu các môn đệ phải nghỉ ngơi sau một cuộc hành trình truyền giáo: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6, 31). Đức Giêsu đòi hỏi có sự hài hòa giữa làm việc và nghỉ ngơi. Ngài quan tâm đến con người hơn công việc. Ngài muốn các môn đệ tách mình ra khỏi công việc bề bộn để có sự nghỉ ngơi cho thân xác.
Nghỉ ngơi cũng có thể là những cuộc đi picnic hay giải trí lành mạnh. Điều đó có thể giúp cho cuộc sống thông thoáng và vui vẻ bề ngoài, cũng cần thiết nhưng không phải là nghỉ ngơi thực sự, vì vẫn nằm trong phạm vi hoạt động. Càng không thể tìm đến những cuộc vui chơi, rượu chè, tổ chức ăn uống, tìm mọi cách để hưởng thụ thêm. Làm như thế càng mệt mỏi, căng thẳng, trống rỗng và tai hại hơn cho cả sức khỏe thân xác cũng như tinh thần.
Nghỉ ngơi mà Chúa Giêsu muốn là lánh riêng ra một nơi thanh vắng, yên tĩnh. Không phải thứ yên tĩnh chỉ vì vắng tiếng động bên ngoài, mà còn là thứ yên tĩnh bên trong: thứ yên tĩnh mang lại sự thư thái, thanh thoát, không còn bồn chồn, lo lắng, xôn xao, tính toán; thứ yên tĩnh tràn đầy hương vị ngọt sau những giờ phút lao nhọc. Đó là thứ yên tĩnh sâu xa giúp người ta có khả năng giản xả hoàn toàn, gặp lại bản thân mình, nghe được chính mình và nối kết với sự sống linh thiêng từ cõi lòng mình.
- Nghỉ ngơi để được bồi dưỡng
Chúa Giêsu không những khuyên ta tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi mà còn mời gọi ta hãy đến với Ngài: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 28). Như vậy, nghỉ ngơi không chỉ để an dưỡng thể xác mà còn là bồi dưỡng tâm hồn; không chỉ đơn thuần tự nhiên mà còn mang tính siêu nhiên. Đó là sự nghỉ ngơi bên Chúa, với Chúa, để chính Ngài lấp đầy những nỗi trống vắng của tâm hồn ta, trở nên niềm vui sâu xa, và truyền đạt cho ta những kinh nghiệm sống như bí quyết mở ra sự bình an và hạnh phúc.
Đời sống chúng ta không chỉ có những lao nhọc hằng ngày mà còn những gánh vác nặng nề: gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác. Có gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng lo âu cho tương lai. Xem ra mỗi người không vác nổi gánh nặng của mình. Ai cũng thấy có lúc cần đến người khác, nhưng người khác cũng chỉ là những nâng đỡ tạm thời bên ngoài, chẳng ai thay thế được sự hiện diện đầy tràn quyền năng và lòng thương xót của Chúa: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61, 6).
Thế nhưng trong thực tế lại có những điều trái ngược nhau: có những người hành hạ và coi thường thân xác mình, nhưng lại có những người nuông chìu và dung túng thân xác mình quá đáng, hưởng thụ quá mức, đến nỗi làm nô lệ cho thân xác mình, với những ham muốn và thỏa mãn vô độ. Thánh Phaolô đã từng cảnh giác:“Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?… Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6, 19-20).
Giáo huấn của Giáo hội cũng mời gọi: “Con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì được Chúa dựng nên và sẽ được sống lại trong ngày sau hết. Tuy nhiên, mang thương tích do tội lỗi gây ra, nên con người cảm nghiệm nơi chính mình những nổi loạn của thân xác. Vậy chính phẩm giá của con người đòi hỏi con người ca tụng Thiên Chúa nơi thân xác mình, đừng để thân xác ấy làm nô lệ cho những xu hướng xấu xa.” (GS 14).
Để sống quân bình thể chất, không làm nô lệ cho những khuynh hướng xấu xa, đòi ta biết làm chủ bản thân, bằng sự tiết chế và chừng mực trong ăn uống, vui chơi, ngủ nghỉ, học hành, làm việc… phân bổ thời giờ một cách đều đặn và hợp lý cho từng phương diện theo bậc thang giá trị.
Tạo được sự quân bình thể chất giúp ta có một cuộc sống lành mạnh, vui tươi, phấn khởi, để rồi nhiệt tình đi vào công việc với tâm trí thông tuệ và đầy sáng tạo. Vì thế, không lạ gì người La Mã xưa có câu châm ngôn: “Mens sana in corpore sano.” (Một tinh thần lành mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh).
II. DỪNG LẠI
Trên con đường rao giảng Tin Mừng nay đây mai đó, Đức Giêsu và các môn đệ cũng có những lúc dừng chân (x. Lc 10, 38-42). Một ngôi làng quen thuộc, một mái nhà ấm cúng, một bữa ăn ngon, một sự thân tình… Tất cả như một ốc đảo xanh tươi đem lại cho Thầy trò sự an vui sau những gian nan vất vả, nhọc nhằng, cả những thiếu thốn và hiểm nguy.
Có lẽ ít ai hài lòng với cuộc sống của mình, ai cũng muốn vươn xa trải rộng, nhưng rồi cần dừng lại để tự cân bằng cuộc sống, để rút kinh nghiệm chặng đường đã qua, để tránh xa những gì hư hại, để bắt đầu lại trong hiện tại, và hướng đến tương lai tốt hơn.
- Dừng lại để biết mình
Cần dừng lại để biết mình là mình; biết mình đang ở đâu, đi đâu, về đâu giữa cuộc đời này; biết được vai trò, trách nhiệm và sứ mạng của mình trong cuộc sống này.
Dừng lại để thấy được những giới hạn của mình, không ảo tưởng, không chủ quan, không cần phải nổi nang vượt trội, kẻo trở thành một thứ bung xung cho những thách thức và khiêu khích của thiên hạ. Lão Tử khuyên: “Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên dừng thì không nguy”. (ĐĐK ch. 44).
Muốn biết mình thì đừng để áp lực công việc đè nặng trên ta, khiến tâm hồn khô cạn, khiến đời sống chỉ còn là một chuỗi bổn phận khô khan, tẻ nhạt, không tình yêu, không ước vọng.
Muốn biết mình thì đừng để những ham muốn của mình hay những kỳ vọng của người khác thao túng bản thân mình, nhận chìm mình trong cảm giác mệt mỏi, nặng nề, nhụt chí, không còn hứng thú để sống cuộc đời đầy sáng tạo.
Giữa những vội vã, ta cần dừng lại để cảm nhận hương vị cuộc đời, vẻ đẹp của thiên nhiên. Cũng từ đó ta có thể lắng nghe chính mình, lắng nghe cuộc sống, cũng là lắng nghe tiếng Chúa. Có thể cuộc đời ta đã lãng phí đi rất nhiều: lãng phí tình yêu chân thành, lãng phí hạnh phúc giản dị, lãng phí cả nụ cười đôn hậu và hồn nhiên của người bạn tốt, của người mẹ hiền… Nếu cứ mải mê chạy theo thế sự, cuối cùng ta sẽ được gì? Sống chẳng lẽ chỉ lo làm, lo ăn, lo hưởng thụ rồi chết? Ta không thấy nó quá vô nghĩa sao?
Nhưng rồi ai cũng tất bật với những lo toan và tính toán không ngừng. Ai cũng tranh thủ cho nhanh, sở hữu cho nhiều, hưởng cho đã, sống cho lâu… Cuộc sống như thế dễ biến ta thành kẻ lạnh lùng, vô cảm, đánh mất sự hiện diện cao quí của mình. Không có điểm dừng thì cũng sẽ không có điểm tới. Điểm tới chỉ dành cho ai có khả năng biết dừng. Vượt lên chính mình đã khó nhưng biết dừng lại để giữ được mình cũng không dễ. Thiếu khả năng dừng lại thì dù có nhìn cũng không thấy, nghe cũng không hiểu (x. Lc 10, 8).
- Dừng lại để nhìn, để thấy
Không phải cứ nhìn là thấy, mà còn là hướng nhìn và cách nhìn. Nhìn giỏi không phải là nhìn người khác hay nhìn sự việc bên ngoài, nhưng trước tiên là nhìn vào bản thân, để thấy được chính mình. Ai không nhìn rõ bản thân thì cũng chẳng rõ điều gì khác.
Dừng lại tạo nên một khoảng trống tĩnh lặng, đặt con người vào trạng thái đối diện với chính mình. Nhiều người rất sợ khi phải dừng lại như thế, vì thấy những điều mình không muốn thấy: thấy rõ bộ mặt thật của mình; thấy những cái đáng lo ngại trước lối sống của mình; thấy mặt trái của nhân cách mà mình từng ứng xử; thấy những cái phải làm mà đã không làm…
Dừng lại để thấy được giá trị của một cuộc sống bình thường, một việc làm đơn giản, tuy không lớn lao gì nhưng mang lại an vui và hạnh phúc. Nhìn mà thấy được đã là tốt rồi, dù thấy những điều không tốt. Chính những hiện trạng tiêu cực là những cái cần phải thấy, và cần phải nhận diện chúng, để thiết định lại trong ta một trật tự mới, một cách sống mới. Thấy chính xác và ghi nhận trung thực về mình chứng tỏ đôi mắt tâm hồn vẫn còn sáng, “để trở nên con cái ánh sáng” (Ga 12, 36).
Nhìn thấy dẫn tới tự do, vì nó cho ta một chân trời riêng, không lệ thuộc dư luận, không chạy theo tình cảm. Tuy nhiên quan trọng vẫn là cách nhìn. Nếu nhìn một cách bi quan yếm thế, hoặc quá lạc quan ngây thơ, đều đưa đến một lối sống lệch lạc. Nếu là cái nhìn phê phán, bất mãn, kỳ thị, loại trừ… ta sẽ chỉ thấy mọi sự rời rạc, chia cắt và phân tán. Chỉ với cái nhìn thiện tâm, ta mới gặp được một phối cảnh toàn mỹ, và như vậy ta bắt gặp ý nghĩa thâm sâu nơi mọi người, mọi sự. Chính cái hữu hình mở ra cho ta cái vô hình.
Mọi cái nhìn đều bắt nguồn từ chính lòng mình, từ tâm trạng của mình. Tâm trạng bất an thì nhìn thấy mọi sự đều bất ổn. Đôi mắt đầy kiêu hãnh và ghen ghét thì chỉ thấy đối chọi và bất hòa, còn đôi mắt khiêm tốn và yêu thương thì thấy hòa hợp và an vui.
- Dừng lại để nghe, để hiểu
Người khiếm thị bị cách ly với sự vật, người điếc bị cách ly với con người. Nói theo Lorenz Oken: “Mắt đưa con người vào trong thế giới, tai đưa thế giới vào trong con người”. Con người được ban cho khả năng không chỉ nghe được tiếng nói, hiểu được lời nói, mà còn nhận ra giá trị của cách nói và ý nghĩa của giọng nói. Nhiều cuộc đối thoại thất bại vì ta không có khả năng nghe, hoặc chỉ nghe những điều mình mốn nghe.
Thế giới đầy những âm thanh phức tạp, trong đó có chen lẫn cả tiếng Chúa. Héraclite mời gọi: “Hãy nghe lời thiêng nơi mọi sự trong thế giới”. Nếu ta không nghe được âm điệu của Thiên Chúa trong tạo vật, là vì tai ta chứa chấp những tiếng động của môi trường chung quanh; vì trí ta chứa đựng những ý nghĩ xáo trộn của thiên hạ; vì lòng ta chứa đầy những tâm tình ngổn ngang của những tính toán lo toan. Nếu ta dồn hết tâm trí để lắng nghe, chắc chắn ta hiểu được điều Thiên Chúa muốn nói.
Muốn nghe được tiếng Chúa, nghe được tạo vật, trước tiên phải nghe được chính mình. Không nghe hay không hiểu bản thân, thì không thể nghe và thấu hiểu điều gì khác. Chẳng ai có thể hiểu được tâm hồn của người thân khi chưa tường tận về chính mình. Chẳng ai có thể sống chân thật và sáng tỏ khi chưa biết nghe và hiểu được tiếng lòng mình. Brendt mời gọi ta: “Hãy nghe bạn đi! Hãy nghe ở bạn! Hãy lắng nghe bạn! Hãy thuộc về bạn!”.
Dừng lại như thế giúp ta đủ sáng để thấy được điều mình phải trở thành, nghe được điều mình phải trở nên, hiểu được điều mình phải trở về, và biết được điều mình đang thiếu, như thi sĩ Mark Strand đã nói: “Dù tôi ở đâu, tôi là những gì tôi thiếu”.
- Dừng lại để điều chỉnh cuộc sống
Đời người không thiếu những uẩn khúc, ngày nào chưa phát hiện, chưa nhận diện và phơi bày chúng dưới ánh sáng chân thật, thì đời sống vẫn còn chìm sâu trong bóng tối, và mọi nỗ lực thi hành việc đạo đức cũng chỉ là động tác xoa dịu tạm thời. Vì thế, cần dừng lại để điều chỉnh mình trong từng thái độ, từng phản ứng và hành vi ngôn ngữ. Nhờ vậy ta có thể gặp gỡ nhau sâu hơn trong tình nghĩa gia đình, bạn bè, thân hữu; để chia sẻ, nâng đỡ và khích lệ nhau trên đường đời; để mở ra cho nhau một chân trời mới và tầm nhìn lớn hơn trong sự dấn thân phục vụ con người.
Dừng lại để tìm lại định hướng, để nhìn rõ chân tướng và ý nghĩa của từng sự việc, từng con người, từng biến cố, từng hoàn cảnh… để xem mình phải tiếp bước như thế nào. Dừng lại trong sự khôn ngoan để tránh cạm bẫy và sa lầy.
Dừng lại đúng lúc sẽ giữ được nhiều thứ: dừng lại những yếu đuối trong lòng để giữ vững một tình yêu lý tưởng, một tình bạn thiêng liêng; dừng lại một thái độ nôn nóng hay bốc đồng để không làm tổn thương người khác; dừng lại một lời nói không hay để giữ lại những giá trị cao đẹp của chính mình; dừng lại một ý nghĩ vượt khởi để không tạo thêm nghiệp chướng; dừng lại những ham muốn để có một đời sống thanh thản. Dừng lại để ta sống an nhiên tự tại với tâm hồn thanh thoát…
Chính những khoảnh khắc dừng trên đường đời giúp ta củng cố đức tin, thể hiện đức mến, sống đức cậy, và nên nhân chứng trung thành của Đức Kitô trước một thế giới nhân sinh đang chạy theo những thần tượng, ngày càng xa cách Thiên Chúa, xa lạc với chính mình và xa lạ với tha nhân.
Augustinô sau một thời gian tuổi trẻ chạy theo danh vọng, tiền tài, khoái lạc, anh đã bắt đầu thấy chán chường. Một hôm anh cầm theo một quyển sách vào ngồi trầm tư trong khu vườn vắng vẻ. Đột nhiên, anh nghe vang lên một tiếng trẻ con “Hãy cầm lấy mà đọc”. Augustinô ngó xuống thì thấy tay mình đang cầm quyển Thánh Kinh. Chàng mở ra và đọc, đọc được câu “Anh em đừng chạy theo xác thịt nữa nhưng hãy sống theo Thánh Thần Chúa.” (Gl 5, 16). Câu nói ấy đã khiến Augustinô bắt đầu thay đổi, và sau này trở thành vị thánh tiến sĩ của Hội Thánh. Tất cả khởi đầu cũng từ một giây phút dừng lại để lòng mình yên tĩnh.
Tạm kết
Trong nền kinh tế thị trường ngày nay, bên cạnh những thành tựu khoa học to lớn của các ngành công nghệ… đang từng bước đạt được những đỉnh cao, thì từ một phía khác chúng ta lại thấy chúng đang bị phá huỷ, đang bị xuống dốc với tốc độ siêu mã, thí dụ như môi trường, như văn hoá gia đình, xã hội… Trong hoàn cảnh đó việc giữ được quân bình không phải là chuyện dễ.
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta như những người đi trên dây, để có thể thành công đi sang đầu bên kia sợi dây, ta phải rất cẩn trọng, đặt bước nọ sau bước kia, còn tay thì giữ cây “sào” để lấy thăng bằng. Bước đi hơi chệch một chút, một đầu sào hơi nặng một chút, là ta sẽ bị đổ nhào. Sợi dây chúng ta bước đi là con đường dẫn ta đến đích. Để đến được đầu bên kia, mỗi bước chân của ta phải chính xác, mỗi bước chân của ta đòi hỏi sự quân bình, thậm chí ngay cả những điều tích cực.
Tóm lại, những trạm dừng hôm nay thật tuyệt vời, vì không phải chỉ để quân bình hóa đời sống thể chất, tạo thêm năng lực mà còn tăng sức sống cho tâm hồn, để chuẩn bị cho ta trạm dừng cuối cùng của cuộc đời mình, là được hòa nhập trọn vẹn vào sự sống vĩnh cửu của Ba Ngôi Thiên Chúa, đích điểm của cuộc đời ta.
—
[1] Cái nhìn đơn giản hơn về cách mạng công nghiệp 4.0: “Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 phát sinh từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.