Chương Năm: Tân Phúc Âm Hóa Thinh Lặng Nội Tâm Cá Nhân Và Cộng Đoàn

print

CHƯƠNG NĂM

TÂN PHÚC ÂM HÓA THINH LẶNG NỘI TÂM

CÁ NHÂN VÀ CỘNG ĐOÀN

 I. THINH LẶNG NỘI TÂM TRONG NỀN TU ĐỨC KITÔ GIÁO.

II. CÁC HÌNH THÁI CỦA THINH LẶNG.

III. THINH LẶNG NỘI TÂM NƠI RÈN LUYỆN CON NGƯỜI.

IV. PHƯƠNG THẾ ĐẠT TỚI SỰ THINH LẶNG NỘI TÂM.

 

I. THINH LẶNG NỘI TÂM TRONG NỀN TU ĐỨC KITÔ GIÁO

1.Sự xuất hiện của việc thinh lặng nội tâm trong Giáo Hội.

Để được kết hiệp với Chúa, với Đức Kitô ngày càng khắng khí và trọn vẹn hơn, việc nguyện gẫm, chiêm niệm trong thinh lặng và hồi tâm được xem như bổn phận của mỗi Kitô hữu nói chung, và cách riêng của tu sĩ. Bắt đầu từ mặc khải của Thiên Chúa qua Kinh Thánh, mà đỉnh cao là  đời sống mẫu mực và giáo huấn của Chúa Giêsu, sự cô tịch đã luôn là một phương thế được Giáo Hội yêu quí và trân trọng giữ gìn trong đời sống Giáo Hội. Ngay từ thế kỷ thứ IV, cuộc sống cô tịch để được kết hiệp với Thiên Chúa đã được đẩy mạnh tới mức trở thành một

nếp sống chuyên biệt cho đời sống đan tu với vị tổ phụ là thánh Antôn tu rừng. Trong thế kỷ XX của chúng ta ngày nay, một thế kỷ mà nhân loại đã tiến bộ rất nhanh trong mọi lãnh vực của cuộc sống, một thế kỷ mà cuộc sống con người đã trở nên phức tạp do bao vấn đề nảy sinh, một thế kỷ mà hơn bao giờ hết, Giáo Hội rất quan tâm đến cuộc đối thoại với con người và thế giới, thế mà Giáo Hội vẫn ân cần khuyên dặn mọi tín hữu “phải sẵn lòng lắng nghe lời Chúa…chuyên cần cầu nguyện” (LG 42). Và với các tu sĩ, Giáo Hội vẫn khẳng định rõ ràng :”phải tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự…phải cần mẫn luyện tập tinh thần cầu nguyện và cả sự cầu nguyện…Trong những hội dòng hoàn toàn chiêm niệm, các tu sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ…” PC,6.7).[1]

2.Thinh lặng nội  tâm trong nền tu đức Kitô Giáo.

2.1. Sự cần thiết của thinh lặng nội tâm trong nền tu đức Kitô Giáo.

Để nhấn mạnh hơn vai trò của sự cô tịch, nhất là cô tịch trong lòng, thánh An Phong trích dẫn lời của thánh Grêgôriô:”Nếu không có sự vắng vẻ trong lòng, thì sự vắng vẻ bên ngoài nào được ích gì ? Và ngài giải thích:”Trong lòng mà còn những quyến luyến, yêu thích các sự vật trần gian, thì dù có vào ở trong rừng vắng, cũng chẳng được ích gì”Ai từ bỏ hẳn lòng yêu mến thế gian, lòng người ấy đã được giải thoát khỏi mọi bận tâm, nơi nào cũng là nơi vắng vẻ cô tịch” như lời thánh Phêrô Kim Ngôn nói:”Nó vẫn ẩn tránh một mình, dầu ở công trường, trên đường cái, hay ở ngã ba đường cũng vậy”. Thánh nữ Têrêsa đã được Chúa chuyện vãn:”Thầy muốn nói chuyện với nhiều linh hồn biết bao, thế nhưng thế gian đầy những ồn ào, tiếng động làm rối tung cõi lòng chúng, nên chúng không hề nghe tiếng Thầy phán – chớ gì chúng xa tránh thế gian hơn một chút nữa”

2.2. Thinh lặng nội tâm là điều kiện cho tâm hồn sống đời sống thiêng liêng và kết hiệp với Chúa.

Sự cô tịch vắng vẻ trong lòng là điều kiện giúp cho tâm hồn sống đời sống thiêng liêng, kết hiệp với Chúa, chuyện trò với Người. Sự vắng vẻ này loại khỏi lòng trí chúng ta mọi tình yêu không qui hướng về Chúa, và trong mọi việc chỉ nhắm một mục tiêu là làm đẹp lòng Thiên Chúa mà thôi.

Thánh Biển Đức nói:”Nhờ thinh lặng, cô tịch, chiêm niệm, nhờ việc vượt thắng những rộn ràng, xao động của thế giới bên ngoài, và nhờ việc tập sống với chính mình, chúng ta mới có thể có được một cuộc sống liên lỉ đối thoại với chính mình và với Thiên Chúa. Đó là điều giúp ta đạt đến đỉnh hoàn thiện”

Thiên Chúa làm bạn với những người thinh lặng. Cầu nguyện là phương thế giúp ta kết hiệp vơi Chúa, nhưng khởi đầu của cầu nguyện là thinh lặng. Nếu ai muốn thực sự cầu nguyện, người đó trước hết phải biết lắng nghe lời Chúa, là lời ngỏ với những trái tim không ồn ào xao động bởi đủ mọi thứ dục tình và lo lắng thế gian.[2]

2.3. Thinh lặng, chiến thắng các nết xấu.

Các tư tưởng đến một cách tự  nhiên cho thấy tình trạng nội tâm của chúng ta. Các tu sĩ xét xem họ có vi phạm một trong tám tật xấu đây không: tham ăn, lòng dục, lòng tham, buồn bã, giận giữ, huênh hoang, tự phụ, biếng nhác. Chúng ta có thể chứng nghiệm điều này: khi giữ thinh lặng, chúng ta sẽ thấy không biết bao nhiêu lần chúng ta nghĩ đến chuyện ăn uống, muốn có cái này, muốn mơ chuyện kia, có chiếc xe, có thêm dĩa hát hay thêm cái áo.

Bên ngoài họ có thể im lặng nhưng bên trong họ nói không ngừng. Bên trong, họ nói đến các xung lực còn khao khát, các ước nguyện chưa được thỏa mãn, các xúc cảm, cảm nhận, khoe khoang, vênh vang. Thinh lặng bên ngòai không có nghĩa là chúng ta có khả năng thinh lặng bên trong.[3]

Chính cái thinh lặng bên trong là cái thinh lặng mà các tu sĩ đi tìm. Và người ta chỉ có thể có được thinh lặng bên trong nếu vượt lên được tám nết xấu đó. Như thế thinh lặng là một thực hành để chống lại các tật xấu: đó là cuộc chiến chống lại các lỗi lầm sâu kín nhất, các ước nguyện, ước muốn quá đáng, chống lại xáo trộn gây ra do các cảm xúc không chế ngự và chống lại cơn sốt chỉ muốn mình là là trọng tâm của vũ trụ. Như vậy, thinh lặng là phương tiện để chiến đấu với các lỗi lầm sâu kín nhất. Đó không phải là việc thụ động từ bỏ nói năng, nhưng là một tiến trình tích cực nhằm chống lại các cảm xúc mà chúng ta cảm nhận. Câu chuyện sau đây giúp chúng ta vượt lên được tính tham lam:

Người ta kể câu chuyện về viện phụ Agathon và Amun như sau: Khi đi bán hàng, họ nói giá. Trong thinh lặng và với tâm hồn bình an, họ lấy số tiền mà người ta đưa cho họ. Cũng vậy, khi họ đi mua hàng, người ta đòi bao nhiêu họ đưa bấy nhiêu, họ giữ thinh lặng: họ lấy hàng đi mà không nói một câu.

Không phải là các tu sĩ không biết mặc cả trong cách buôn bán của người đông phương. Nhưng vì biết thói quen này mà họ giữ thinh lặng. Thinh lặng không làm chậm lại tính tham lam, nhưng nó kềm không để tính tham lam lộ ra. Qua thinh lặng mà các tu sĩ chiến đấu chống lại tính tham lam và bài trừ nó.[4] Cũng thế, đối với các xúc cảm làm lòng chúng ta dao động không ngừng, nhất là lúc người khác đối xử không công bằng với mình. Thinh lặng giúp chúng ta giải thóat được chuyện này. Câu chuyện sau đây của viện phụ Maisen, dẫn chứng được điều ấy. Cha Maisen, một cựu đạo tặc người Châu Phi, người ta phỉ báng cha hoài vì màu da đen của cha:

Một lần nọ, có cuộc họp ở Scétis, các cha muốn thử thách bằng cách đối xử với ông không ra chi. Họ nói với ông:”Vì sao lại có người Châu Phi Êtôpia này ở giữa chúng ta ?”Ông nghe mà không nói gì. Sau buổi họp, người ta đến hỏi ông :”Thưa viện phụ, viện phụ không tức sao ? Ông trả lời:”Có chứ, tôi tức đến mức không nói được”

Như vậy không những để tránh bực tức mà còn tránh được tâm trạng khó chịu nhờ giữ thinh lặng. Nó còn tránh tạo hoang mang dữ dội khi nói lên những lời mình không kiểm sóat. Thinh lặng này không phải là thái độ giữ lại bên trong để sau đó nổ ra bên ngòai, nhưng là phương tiện để tránh bực tức trong lòng, để thóat được tình trạng này. Thinh lặng chỉ hữu ích khi chúng ta có được thinh lặng bên trong. Nếu không chỉ là ngòai mặt, thinh lặng của người kiêu ngạo, cho mình cao hơn người khác hay thinh lặng của người bị tổn thương, im lặng vì tự ái bị đụng chạm. Thinh lặng theo nghĩa của tu sĩ là cuộc chiến đấu nội tâm, là chạm trán đích thực với hạnh kiểm xấu của mình.

Đối với Cassien, trạng thái thuần túy thinh lặng là lòng thanh khiết của tâm hồn. Tiên khởi là khiêm tốn, mình không tìm cách để đạt mục đích, cũng không tìm trạng thái tập trung trong thinh  lặng tuyệt đối, nhưng với lòng khiêm tốn, chúng ta đặt để trọn vẹn mọi sự trong tay Chúa. Khiêm tốn là một phản ứng chứng nghiệm của Chúa, qua yếu đuối và bất lực của mình đối với Chúa. Và như thế, cuối cùng, khiêm tốn là một ân huệ mà con người có thể có được do chính sức lực của mình. Và như thế, với thinh lặng này, tôi im lặng với các cách biệt của hạnh kiểm bên trong và với các ước muốn quá độ, các cảm xúc, các hung hăng và qua thinh lặng này, tôi hòan tòan bình thản. Thinh lặng chỉ có thể là một ân huệ của Chúa. Trong thinh lặng, tôi có thể sửa đổi các tật xấu của tôi và chiến đấu chống lại chúng. Nhưng đó chỉ là cái đích mà tôi có thể đi tìm, mà tôi có thể sống dần dần như một ân huệ của Chúa.[5]

  1. Thinh lặng nội tâm trong đời sống tự nhiên và đời sống siêu nhiên.

3.1. Giá trị của thinh lặng nội tâm trong đời sống tự nhiên và trong đời sống siêu nhiên.

Chỉ nói riêng về phương diện con người mà thôi, thinh lặng đã có một giá trị cao quí, được tất cả các truyền thống văn hóa và tâm linh trên thế giới ca ngợi. Với chúng ta là những người đi theo Chúa, cô tịch  (bên trong và bên ngoài) còn là một nhân đức cao quí, giúp chúng ta sống kết hợp với Thiên  Chúa và với Đức Kitô, Chúa chúng ta. Vì thế, các thánh rất yêu mến sự thinh lặng.

Có thinh lặng, chúng ta mới dễ giữ được lòng đạo đức, và trong trí khôn mới có được những ý tưởng thánh thiện. Thánh Bênađô nói:”Yên tĩnh và thinh lặng hầu như cưỡng bách linh hồn phải suy tưởng đến Chúa và những của đời đời”. Vì thế, có nhiều người được nên thánh nhờ sống ẩn dật. Các ngài lui vào nơi hang núi rừng sâu để tìm kiếm sự thinh lặng và tránh cảnh ồn ào của thế gian, vì “Thiên Chúa không ở nơi ồn ào huyên náo”(1V19,11). Hơn nữa, sống trong thinh lặng, chúng ta còn nhận được nhiều lợi ích thiêng liêng khác: ngoài việc chúng ta được ban sức mạnh và được cứu độ, chúng ta còn được Thiên Chúa tìm gặp và nghe chính lời Người phán dạy cho tâm hồn (Is 30,15; hs 2,16)[6]

3.2.Trong thinh lặng nội tâm ta khám phá ra chính con người của ta.

Trong cô tịch ta dần dần lật tẩy sự  ảo tưởng của tính tham lam, và sẽ khám phá ra ngay tại cõi lòng ta rằng ta không phải là những gì ta có thể chinh phục, mà chỉ là những gì đã được ban cho ta. Trong cô tịch, ta có thể lắng nghe  tiếng của Đấng đã nói với ta trước khi ta nói lên lời, đã chữa lành ta trước khi ta có thể giơ tay lên kêu cứu, đã giải thoát ta từ lâu trước khi ta có thể giải thoát kẻ khác, và đã yêu thương ta trước khi ta có thể yêu thương tha nhân. Chính trong  sự cô tịch mà ta khám phá ra rằng những gì ta là quan trọng hơn những gì ta có, và bản thân ta giá trị hơn mọi thành quả của ta. Trong cô tịch, ta khám phá ra rằng sự sống của ta không phải là một gia tài cần bảo vệ, nhưng là một quà tặng cần được chia sẻ. Chính lúc chia sẻ ấy mà ta nhận ra rằng những lời nói có tính chữa lành ta nói ra không phải là của ta, nhưng là những lời được ban cho ta; tình yêu ta có thể diễn tả một phần của một tình yêu vĩ đại hơn; và cuộc sống mới ta đem đến không phải là một gia tài phải bám lấy mà chỉ là một quà  tặng được đón nhận.

Trong cô tịch sợ hãi và giận hờn dần dần lộ ra như những biểu hiện của một cái tôi giả tạo, và trong tĩnh mịch, những tình cảm ấy có thể yếu đi  trong sự chở che của tình yêu Thiên Chúa. Đó là điều thánh Gioan muốn nói: “Tình yêu không biết đến sợ hãi, trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi'(1Jn 4,18). Trong cô tịch, ta có thể dần dần được đưa dẫn tới sự thật này là ta là ta, vì Thiên Chúa tạo dựng nên là thế. Vì thế, cô tịch là nơi hoán cải. Tại nơi đó, ta được biến đổi từ những người thường muốn phô trương những gì ta có và những gì ta làm được thành những người biết giơ đôi bàn tay mở rộng, trống rỗng lên Thiên Chúa, vì biết rằng mọi sự ta có đều là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Như thế, trong cô tịch, ta không chỉ gặp được Thiên Chúa mà còn gặp được cái tôi đích thật của ta. Thật vậy, chính trong ánh sáng của sự hiện diện của Thiên Chúa mà ta có thể biết ta thực sự là ai.[7]

Ngày nọ, để dạy cho hai tu sĩ một bài học, cha bề trên khuấy một thùng nước ở ngòai trời rồi gọi hai thầy tới và bảo:”các thầy hãy xem guơng mặt của mình trong thùng nước”.

Dù mở to đôi mắt hai thầy vẫn không thể nào nhìn ra gương mặt mình vì nước bị khuấy động.

Cha bề trên  nói tiếp:”Các thầy hãy trở lại đây chừng mười lăm phút nữa”.

Một khắc sau, hai thầy trở lại khi nước trong thùng đã yên lặng. Và lần này hai thầy nhìn thấy rõ mặt mình phản chiếu trong thùng nước.

Trong mỗi người chúng ta có một khao khát nên tốt hơn. Tâm hồn chúng ta cũng giống như thùng nước, nếu cứ khuấy động thì nó chẳng có thể phản chiếu hình ảnh nào. Trái lại trong yên lặng nó phản chiếu được mọi vật, nó sẽ giúp ta nhận ra chính mình. Thinh lặng là quê hương của những vĩ nhân. Không có gì làm cho con người trở nên xấu xa bằng đánh mất sự chiêm ngắm. Và không có gì hữu ích làm tăng vẻ cao siêu cho tâm hồn bằng sự thinh lặng. Nếu lời nói tạo nên cá tính của con người, thì thinh lặng làm nên đức hạnh cho con người. Trong nhân vị con người có ba lúc khác nhau: chiêm ngắm, quyết định và hành động. Chiêm ngắm trong thinh lặng là nền tảng cho mọi công việc được tốt. Như đàn ong chăm chỉ làm việc trong bóng tối, cũng thế, tư tưởng trở nên có hiệu lực trong thinh lặng.

Hơn nữa, thinh lặng cần thiết cho việc gặp gỡ Thiên Chúa. Nếu lời nói giúp ta giao tiếp được với người khác, thì thinh lặng cho ta khả năng nắm bắt được sự hiện diện vô hình của Chúa. Thánh Gioan Thánh Gía quả quyết:”Sự hiểu biết về Thiên Chúa có được trong thinh lặng có ba cái nhìn trong thinh lặng, đó là vẻ đẹp, tình yêu thương thân mật và cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn mình”.[8]

3.3. Trong thinh lặng nội tâm, chúng ta mới nghe được tiếng mời gọi của Thiên Chúa trong cuộc sống.

Trong đời sống thiêng liêng, sự cô tịch và thinh lặng có giá trị quan trọng. Chúng thực sự hỗ trợ cho ta trong việc cầu nguyện liên lỉ, kết hiệp với Thiên Chúa, Đấng hiện diện ở nơi kín ẩn. Chúa Giêsu dạy chúng ta:”Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện ở nơi kín ẩn…”(Mt 6,6).

Đó là lời nhắc nhở có hiệu lực thúc đẩy mỗi người tìm kiếm cho mình một chốn riêng biệt để ở lại và sống cùng Thiên Chúa. Có thể nơi đó là nơi có khung cảnh yên tĩnh, hoặc có thể là nơi ồn ào, nhưng điều quan trọng là con tim mình có quy hướng trọn vẹn về Thiên Chúa hay không. Trong những cõi lòng cô tịch, trong những tâm hồn thinh lặng, Thiên Chúa tỏ bày quyền năng nhờ bao kỳ công vĩ đại. Mẹ Maria tiêu biểu cho mẫu người sống đời cô tịch và thinh lặng. Mẹ đã sống những ngày tháng ẩn dật, âm thầm và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa bằng một đời sống chiêm niệm:”Riêng Mẹ Người hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”(Lc 2,51).

Người ta kể lại rằng một nhà thám hiểm nọ đi trong sa mạc, chuyển từ nơi này đến nơi kia, nhìn hết hướng nay đến hướng khác, ở đâu ông cũng chỉ thấy toàn cát với cát. Ông lê gót trong tình trạng tuyệt vọng, tình cờ chân ông vấp phải một gốc cây khô. Ông không còn đủ sức đứng lên, ông không còn đủ sức chiến đấu và cũng không còn một chút hy vọng sống sót nào. Trong tư thế bất động ấy, nhà thám hiểm bỗng ý thức được về sự thinh lặng của sa mạc. Bốn bề chỉ có thinh lặng. Thình lình ông ngẩng đầu lên. Trong thinh lặng tuyệt đối của sa mạc, ông bỗng nghe được như có tiếng thì thào yếu ớt vọng lại bên tai. Dồn tất cả sự chú ý, nhà thám hiểm mới nhận ra được đó là tiếng chảy róc rách của một con suối từ xa vọng ại.

Như sống lại từ cõi chết, ông xác định nơi xuất phát của tiếng suối, ông dùng hết nguồn năng lực còn lại, ông cố gắng lê lết cho đến khi gặp được dòng suối.

Cuộc sống chúng ta thật quả bận rộn và ồn ào, khiến chúng ta không nghe được tiếng nói và không nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa. Có thinh lặng trong cõi lòng, chúng ta mới nghe được tiếng thì thầm mời gọi của Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Chính sự thinh lặng giúp chúng ta nhận ra được tiếng của Thiên Chúa như “dòng suối róc rách” trong cảnh ồn ào của cuộc sống hôm nay.[9]

3.4. Nhưng chúng ta luôn bị cám dỗ chạy trốn sự tĩnh mịch.

Trong cô tịch ta gỡ bỏ các chướng ngại: không bạn bè nói huyện, không gọi điện thoại, không hội họp, không nghe nhạc, không đọc sách, làm ta lo ra, chia trí, chỉ một mình ta, trần trụi, mong manh, yếu hèn, tội lỗi, bị tước  đoạt, đổ vỡ, không có gì. Chính sự hư không này mới là sự hư không ta phải đương đầu trong cô tịch, một sự hư không hãi hùng đến độ mọi sự trong ta đều muốn chạy tới với bạn bè, với công việc, và với những chia trí đến độ ta có thể quên đi sự hư không của ta và tự làm cho mình tin rằng ta là một cái gì đó đáng giá. Nhưng cái đáng giá ấy cũng chẳng là gì cả. Ngay khi ta quyết định ở lại trong sự cô tịch của ta, thì những ý tưởng làm ta bối rối, những hình ảnh làm ta hỗn loạn, những sự tưởng tượng hoang dã, và những tương quan kỳ lạ liền nhảy nhót trong đầu ta hệt như khỉ nhào lộn trên cây chuối. Giận hờn và tham lam bắt đầu cho thấy bộ mặt xấu xí của chúng… Như thế, một lần nữa, tôi lại đang cố chạy trốn khỏi vực thẳm tăm tối của sự hư  không nơi tôi và cố duy trì cái tôi giả tạo của tôi trong tất cả vẻ vênh vang, tự đắc của nó.

Nhiệm vụ của tôi là bền đỗ trong sự cô tịch, ở lại trong phòng mình cho tới khi mọi khách đến cám dỗ chán nản, không buồn gõ cửa nữa và bỏ mặc tôi một mình…Sự khôn ngoan của sa mạc chính là đương đầu với cái hư không đáng sợ của ta, buộc ta phải hoàn toàn phó mình cho Chúa Giêsu Kitô vô điều kiện. Một mình, ta không thể đương đầu với “mầu nhiệm tội ác” mà lại không bị lây nhiễm. Chỉ mình Đức Kitô mới có thể chiến thắng các sức mạnh của sự dữ. Chỉ trong và nhờ Ngài ta mới có thể sống sót trong những thử thách của sự cô tịch của ta.[10]

 

 

II. CÁC HÌNH THÁI CỦA THINH LẶNG

 

  1. Cấp thứ nhất của thinh lặng.

Cấp bậc thứ nhất của thinh lặng ở tầm mọi người, và không đòi buộc phải đọc những văn kiện bác học về vấn đề này. Đừng chờ đợi đến khi “gãy” rồi mới tìm ra một cách sống khác, ít ra theo định kỳ, hãy tìm một thời gian nghỉ ngơi cho thể xác và trí óc. Đấy là hình thức thứ nhất để giải độc tiếng ồn. Tìm lại hương vị của các thú vui đơn giản. Đi bộ rất sớm trên bờ biển. Hít thở với toàn thể hình hài mình hương thơm của quê hương.

Lắng nghe tiếng gầm thét của sóng hay tiếng vỗ của dòng nước nhấp nhô, phản ánh lịch sử mấy ngàn năm của chúng ta. Lắng nghe sự im lặng của các ngọn núi tuyết phủ mà nét uy nghi, sự nhỏ bé của con người đồng thời sự cao cả của chúng ta; vì chúng ta biết suy nghĩ.

Đi bách bộ nơi đồng quê. Chọn những con đường vắng thay vì các sòng  bạc. Bước chầm chậm đến cạnh một con suối. Ngắm nhìn nét tế nhị của vân một lá cây, cái khéo cần cù của một con kiến, sự hoàn hảo của một cánh hoa, một mạng nhện mà sương mai đã đặt vào những hạt lấp lánh.

Tìm lại một vài điều hay; ngay trong sự lười biếng: thưởng thức một buổi sáng dậy trễ. Nằm trên thảm cỏ, dưới chân các cây to. Ở đấy ngửa mặt nhìn trời, để cho làn gió mơn trớn, đưa mình theo tán lá nhè nhẹ lắc lư. Không nghĩ ngợi gì cả. Trở thành một cái cây, thế thôi. Hút lấy nămg lực từ nhựa cây từ rễ vươn lên đến ngọn. Trở thành chốc lát nơi gặp gỡ của thế giới khoáng vật, thực vật và động vật.

Tìm thú vui khi trò chuyện với một cụ già ngồi trên ngưỡng cửa. Chơi một ván ném hòn với người dân địa phương. Tìm lại những cử chỉ hạnh phúc đơn sơ, cảm nếm sự cô đọng và cái bất ngờ của đời thường. Nếm lấy nét duyên dáng và tranh tối tranh sáng của một nhà nguyện, mà mình phải đi tìm chìa khoá nơi căn nhà bên cạnh. Thinh lặng! Thinh lặng! Chìm sâu vào thinh lặng như vào một bể tắm hồi sức cho mình.

Thoát mình khỏi sự thống trị của truyền hình để dệt lên những liên hệ mới trong gia đình, thường căng thẳng vì những yêu cầu và giờ giấc làm việc.

Buông thả và cùng cười với nhau… Chơi ô chữ. Nắm lấy tay đứa con nhỏ nhất rồi chạy vẩn vơ trên vùng đất thơm ngát hoặc ngồi bệt xuống đất mà đọc với nó cuốn sách hình mới nhất.

Nhưng chúng ta sẽ thấy rằng sự thoải mái thể lý này chỉ là một giai đoạn. Thinh lặng không chỉ là vắng bóng tiếng ồn. Sự thinh lặng tâm lý phải theo sau để mở ra những biên giới khác của thinh lặng.

Thinh lặng của lương tri, của linh hồn, hay của một “cõi lòng” biết lắng nghe Thần Khí.[11]

  1. Sự thinh lặng của ý thức và của cõi lòng.

Trong sự thinh lặng của ý thức, vang lên một cuộc tranh chấp giữa nhiều tiếng nói, qua đó sẽ xuất phát sự lựa chọn, các quyết định của mình. Nơi ưu tuyển để thực thi tự do. Sự tranh chấp giữa cái tốt nhiều, và cái tốt ít trong chính mình, giữa những giá trị mà mình chọn lựa hay từ chối. Đây là lúc mà mình cố gắng tìm hiểu bí mật về mình, về căn tính đích thực và về vận mệnh của mình.

Ai lẩn tránh vùng thinh lặng này, người ấy đánh mất toàn bộ cuộc sống ý thức và chỉ còn phản ứng một cách hời hợt bằng cảm tính, bằng những cảm xúc ngoài da. Người ấy chiều theo khẩu hiệu, thời trang và dư luận. Không có nhân vị thực sự nếu không có sự tranh luận nội tâm trong thinh lặng của ý thức.

Thật hoàn toàn giả mạo nếu ta muốn xác định ranh giới giữa sự thinh lặng của giác quan, sự thinh lặng của tâm lý, sự thinh lặng của ý thức với sự thinh lặng của cõi lòng. Những tác động qua lại giữa các bình diện ấy thì thật nhiều. Hiểu như thế, thì cuộc đối thoại của con người với ý thức mình dù cảm động và cần thiết đến đâu, cũng không thể đồng hoá với sự thinh lặng của “cõi lòng”.

Những người Phương Tây có khuynh hướng đối lập lòng với trí. Trí là lãnh vực của đầu óc, của suy tư, của hiểu biết, của lý luận, của đúng sai. Và lòng là trung tâm của tình cảm.

Thế nhưng “lòng” trong truyền thống Kinh Thánh, truyền thống Kitô Do Thái giáo, và đặc biệt là trong truyền thống tâm linh ở Phương Đông, không chỉ hạn hẹp trong lãnh vực tình cảm mà thôi.[12]

Trong Kinh Thánh “lòng” là trung tâm sự sống của con người. Đấy là nơi mà đôi khi ta gọi là “tâm hồn”, “chiều sâu của con người mình”. Nơi ưu tuyển để hội nhập, nơi cắm rễ qui tụ hoà hợp mọi khả năng con người, mọi biểu hiện của sự sống và mọi chức năng của thân thể.

Trên hết, “lòng” là nơi mà mỗi một chúng ta ở gần Thiên Chúa, có thể liên lạc với Đấng Cội Nguồn Sự Sống. Nó là cánh đồng mà Chúa Giêsu đã nói đến, nơi ấy chứa đựng kho tàng Nước Trời (Mt 13,44).

Và suốt lịch sử các tôn giáo, bao nhiêu người nam, nữ đã đi vào thinh lặng của “cõi lòng”, đỉnh cao của con người mình, nơi đây họ cảm nhận được một chiều kích mới của bản thân và của thế giới. Sự thinh lặng đã đưa họ vào một “vũ trụ” mà họ không tạo ra nhưng đã hiện diện trong họ, như là bị chôn vùi. Rồi một hôm, họ bỗng ý thức được.

“Cõi lòng” hay tâm hồn có lẽ là ơn huệ cao cả nhất, tốt đẹp nhất, và ẩn kín nhất, mà Đấng Tác Tạo đã ban cho loài thụ tạo.

Như vậy, mọi người dù hữu thần hay vô thần, đều có “khả năng nội tâm” này, và có thể thiết lập tương giao với Thiên Chúa, vì Người đã đặt vào đấy hơi thở của chính Người.

Trong sự thinh lặng của tâm hồn không phải con người đi bước trước, nhưng chính là Thiên Chúa, nhờ Thần Khí Người kết hợp với lòng trí chúng ta”. Con người không còn độc thoại với chính mình nhưng có thể lắng nghe Lời của Thiên Chúa. Lời không thể nào diễn đạt bằng tiếng nói, tựa như tiếng reo của một dòng suối. Ở đấy, giống như nhựa cây vươn lên và nuôi sống cây trong thinh lặng, Thần Khí Tác Tạo chạm lấy “cõi lòng” của tạo vật bằng những can thiệp thật khẽ, mà chỉ có con người thinh lặng mới cảm nhận được.[13]

  1. Các hình thái của thinh lặng và các mặt sáng, mặt tối của thinh lặng.

3.1. Các hình thái tích cực của thinh lặng.

Từ thời cổ đại, các nhà tư tưởng và luân lý thường nhắc đến bao nhiêu ơn ích của sự thinh lặng trong đời sống cá nhân và tập thể của con người. Plutarque từng viết: “Tôi chưa bao giờ phải hối hận vì đã im lặng, nhưng thường hối hận vì đã nói quá nhiều”. Và sự khôn ngoan dân gian cũng công nhận nếu:

“Lời nói là bạc”… thì “im lặng là vàng!”.

Sự thinh lặng nhẫn nại biết rằng có một thời để nói và có một tời để im lặng. Sự thinh lặng cẩn trọng cân nhắc từng lời và không vội lên án. Sự thinh lặng thông cảm biểu hiện bằng hành động hơn là bằng lời nói, một tình cảm chân thành đối với người bị thương tích trong tâm hồn hay trên thể xác. Sự thinh lặng khiêm nhường thừa nhận giới hạn của lý trí và hiểu biết của con người và chấp nhận mở lòng đối với một ánh sáng khác.

Trong truyền thống Kitô giáo, các bậc thầy về sa mạc và các nhà linh đạo lớn đã dành nhiều chương để ca tụng sự thinh lặng; mà họ thường xem là khu đất màu mỡ cho các nhân đức đối thần, đức tin, đức cậy, đức mến, cho sự sống trong Thánh Thần, cho sự thánh thiện. Dựa trên kinh nghiệm bản thân, các Ngài đã xem sự thinh lặng là một bậc thầy vô song; giúp mình phát triển khả năng tập trung vào Thiên Chúa, vào tha nhân, và như thế chuẩn bị cho mình điều kiện để thờ lạy Thiên Chúa và phục vụ con người.

Nhưng nếu chúng ta trân trọng sự thinh lặng, người bạn đồng hành đầy nhân bản, thì cũng phải cảnh giác trước những hí hoạ về thinh lặng. Vì sự thinh lặng của con người, cũng như mọi thứ khác của con người, là một điều hàm hồ. Không phải bất cứ sự thinh lặng nào cũng đương nhiên là nhân đức, là lành mạnh, là dấu chỉ của sự khôn ngoan hay chiều sâu nội tâm. Trong số những người thinh lặng, ta gặp phải cả các vị thánh lẫn những tên tội phạm.

3.2. Các hình thái tiêu cực của thinh lặng.

– Thinh lặng dửng dưng: xem người khác chỉ là bối cảnh cho một cuộc sống ích kỷ.

– Thinh lặng khinh bỉ: nhìn xuống kẻ dưới khác với cái nhìn trịch thượng.

– Thinh lặng khắc kỷ: “làm chủ bản thân”, mà những câu thơ nổi danh của Alfred de Vigny đã minh hoạ: “Chỉ có im lặng là cao cả, mọi thứ khác đều là yếu đuối… Than van, khóc lóc, nguyện cầu, đều hèn hạ như nhau”.

– Thinh lặng ngạo nghễ của một kẻ tự mãn, một người chỉ đáp lại, như lời của tác giả ấy “bằng một sự thinh lặng lạnh lùng, đối với sự thinh lặng vĩnh hằng của Thượng Đế!”

– Thinh lặng kiêu căng: không chịu ngưỡng mộ và đón nhận  những việc làm hoặc lời nói tốt lành nơi kẻ khác.

– Thinh lặng lười biếng: không muốn bỏ công tạo ra các mối liên hệ.

– Thinh lặng của kẻ ngu vì không có gì để nói; nhưng lại muốn dùng sự câm lặng của mình để cho mọi người tưởng rằng tư tưởng mình sâu sắc. Nhưng như lời cách ngôn: “Sự thinh lặng của kẻ ngu cũng giống như một cái tủ khoá kín”.

– Thinh lặng oán hờn: gặm nhấm những vết thương lòng và không muốn nối lại cuộc đối thoại bị gián đoạn.

– Thinh lặng yếu đuối: sợ phải dấn thân.

– Thinh lặng hèn nhát: cố gắng để khỏi bị liên luỵ.

– Thinh lặng đồng lõa: đồng tình giữ kín.

– Thinh lặng phản bội: trốn tránh không đưa ra một chứng từ mà mọi người chờ đợi.[14]

3.3. Mặt sáng, mặt tối của thinh lặng.

Người ta có thể nhìn thinh lặng dưới nhiều hình thức khác nhau: không nói, thu mình vào đời sống nội tâm, chiến đấu để chống những thói quen xấu, nhưng thinh lặng cũng có thể là một thái độ tích cực. Giữ thinh lặng là giữ thái độ tích cực, không phải là không nói, không suy nghĩ nhưng xa lánh các tư tưởng, các diễn giải trong đầu. Khả năng giữ thinh lặng của mỗi người không phải định giá ở quan trọng của lời nói nhưng ở thái độ từ bỏ mình. Có những người bề ngòai im lặng, nhưng thỉnh thoảng lại không từ bỏ mình được, mà từ bỏ mình là mấu chốt đích thực của thinh lặng. Họ núp trong thinh lặng, để không bị đụng tới hay né tránh cuộc chiến đấu với cuộc đời, bám vào chính mình và vào hình ảnh lý tưởng của mình. Đối với nhiều người, thinh lặng là thoái lui, là rút mình về không dám nhận lấy  trách nhiệm. Nguy cơ này những người trẻ hay mắc phải, họ chưa nắm vững vấn đề nên xem thinh lặng như con đường duy nhất. Họ cảm thấy được an tòan khi ở trong thinh lặng, không muốn thấy các giấc mơ bị đè nén vì phải chiến đấu với đời. Trong trường hợp này, thinh lặng là khư khư bám chặt vào mình. Nói: là phải phơi bày mình ra với người khác: để hở cạnh sườn cho người khác tấn công và lúc đó, lời nói có thể là đề tài để bị chỉ trích và chế nhạo. Lời nói của mình có thể làm cho mình trở nên kỳ cục. Nhiều người im lặng vì kiêu ngạo, sợ bị phơi bày. Người ta không thể từ bỏ mình và hình ảnh đẹp về mình. Nhưng tốt hơn là cứ liều để bị xem là kỳ cục khi mình diễn tả. Nếu tôi thấy được tôi lố bịch đến như thế nào khi tôi nói, và nếu tôi tạ ơn Chúa vì đã bị chế nhạo lúc nói, thì lúc đó thật sự tôi đã biết từ bỏ chính tôi. Bởi vì tôi không còn coi trọng hình ảnh đẹp đẽ mà người khác phải có về tôi, tôi cám ơn Chúa và như vậy, tôi mới đọc được lời Thánh Vịnh:”Đau khổ quả là điều hữu ích, để con học biết thánh chỉ Ngài”(Tv 119,71). Tôi không còn lo làm sao để tôi nói năng một cách tốt đẹp hơn, nhưng tôi từ bỏ chính con người tôi, từ bỏ hình ảnh lý tưởng để phó thác hòan tòan vào Chúa. Chính cái từ bỏ này là vấn đề rút cùng của thinh lặng.[15]

Như vậy, theo các hình ảnh trên, ta có những thinh lặng tốt và xấu, phản ánh hai bộ mặt của chúng ta bộ mặt tối và bộ mặt sáng. Trong thinh lặng, chúng ta có thể tẩy rửa mình, thống nhất bản thân, nhưng cũng có thể tự huỷ diệt mình.

Do đó, sự thinh lặng có thể biểu hiện sự tôn trọng hay lòng khinh bỉ, tình yêu hay thù hận, niềm vui hay đau khổ, suy tư hay ngu dốt, bệnh hoạn hay cởi mở…

Làm thế nào dể biện phân giữa sự câm lặng chẳng hạn; của kẻ ít nói, của kẻ hằn học, của kẻ oán hờn, của kẻ ghét người, của kẻ thu về mình; với sự thinh lặng của một hiền nhân?

Cách đầu tiên để phân định về phẩm chất của sự thinh lặng của mình, ấy là phân định về phẩm chất của tình yêu mình, của những tương quan của mình đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.[16]

  1. Vậy thế nào là thinh lặng nội tâm ?

4.1.Thinh lặng nội tâm không có nghĩa là không nói gì cả.

Giữ thinh lặng không có nghĩa là không nói gì cả. Nhưng khi cần, vì bác ái yêu thương, ta phải nói. Về điều này, thánh Gioan Kim Khẩu đã khuyên:”Chỉ nên nói khi nói sinh lợi ích hơn khi nín lặng”. Sau khi sống đời sống yêu mến sự thinh lặng, thánh Maria Mácđala đệ Pátdi chuyển lại cho chúng ta chính cảm nghiệm đời sống thiêng liêng của bà:”Tôi tớ thật của Chúa Giêsu lãnh nhận mọi sự, làm lụng thật nhiều và nói thật ít”[17]

4.2. Thinh lặng nội tâm không có nghĩa là không làm gì cả.

Tuy nhiên, điều cần thiết là phải phân biệt: sống trong bầu khí vắng vẻ, cô tịch  trong lòng không có nghĩa là không làm gì cả. Thiên Chúa muốn bạn hữu nghĩa thiết yêu thích ở những nơi thanh vắng. Người không muốn họ ở không một mình. Có những người thích sự nín lặng, nhưng đó là sự nín lặng của những kẻ lười biếng. Thánh Basiliô nói về những kẻ này rằng:”Họ sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về sự nín lặng, sự ở nhưng không chẳng chịu làm việc, hoặc chỉ muốn làm những việc  vô ích theo ý riêng của họ”[18]

 4.3. Một tâm hồn thinh lặng nội tâm thực sự.

Yêu thích sự thinh lặng là yêu thích sống ở những nơi yên tĩnh, tránh xa những tiếng động và lời nói không cần thiết. Nhưng như thế thôi chưa đủ để có một tâm hồn cô tịch thực sự. Thinh lặng còn là tình trạng tâm hồn có thói quen hãm dẹp các đam mê xấu, giữ mình khỏi những ý nghĩ vô ích cũng như những tưởng tượng, những kỷ niệm cột chặt lòng mình vào cuộc sống trần tục này. Những tâm hồn đó đương nhiên sẽ rất dễ dàng nghe được những tiếng thì thầm tâm sự của Chúa, Đấng hằng tha thiết được tâm sự cùng các bạn hữu của Người, và nghe được nỗi lòng và các tiếng kêu than của những con người đau khổ đang vang lên trong chính cõi lòng thâm sâu của họ.[19]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

III. THINH LẶNG NỘI TÂM NƠI RÈN LUYỆN CON NGƯỜI

 

  1. Adam: nghe được tiếng Chúa trong thinh lặng:

Mặc khải Kitô giáo cho biết: vì sao con người cảm thấy thật khó khăn để lòng mình được cư ngụ một cách thanh thản, để sống hạnh phúc cuộc đối thoại thân mật với Thiên Chúa: đó là bi kịch mà truyền thống gọi là tội lỗi, sự đoạn tuyệt bí ẩn giữa con người với Đấng Tạo Dựng mình.

Nghe bước chân Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi ban chiều, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn để khỏi gặp Thiên Chúa. Thiên Chúa gọi con người: “Ađam, ngươi ở đâu?” (St 3,8). Cuộc đối thoại linh hứng này – được viết vào thời lưu đày, sau khi Giêrusalem bị tàn phá – biểu hiện một cách hoàn hảo cuộc gặp gỡ khó khăn giữa Đấng Tạo Hóa với loài thụ tạo sau cuộc đoạn tuyệt ấy. Con người trở thành một hữu thể đầy nghịch lý: vừa khát mong được hạnh phúc, được sống viên mãn; vừa lẩn trốn Đấng duy nhất có thể ban cho họ điều họ kiếm tìm. Nhân danh tự do, họ đòi hỏi một sự tự quản tuyệt đối, họ đã liều mình đóng cửa

lòng đối với tiếng gọi của Tình Yêu Thiên Chúa, là nền tảng và bảo đảm cho sự tự do mong manh của mình. Khát vọng của lòng họ trước đây hướng về Thiên Chúa, Nguồn Mạch của mình, Sự Tăng Trưởng và Hoàn Tất của mình, giờ đây như thể cuộn lấy vào chính mình.

Trong họ, lòng “mong muốn” được hạnh phúc – nghĩa là khát mong Thần Khí – đã tản mát thành nhiều mong muốn ít nhiều phù du hay nhỏ bé.

Từ ngày có cuộc đoạn tuyệt bí ẩn với Thiên Chúa, chính “lòng”chúng ta như lời Thánh Phaolô, đã trở nên “Mê muội, mê ngủ và tăm tối”. – “Con người suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội; thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ ngẫu tượng”. (Rm 1,21-23)

Vì ích kỷ hay kiêu căng, con người đã xem mình là trung tâm tuyệt đối, đối tượng duy nhất mà mình khát mong.

Trở thành nô lệ của các mong muốn không kiềm chế, bị phân tán theo mọi hướng, con người không tìm ra hạnh phúc, họ tự huỷ hoại chính mình bằng cách khước từ Sự Sống. Tội lỗi không gì khác hơn là sự sa đọa của khát mong được hạnh phúc, một sự lệch lạc của lòng mong muốn yêu thương và được yêu thương một sự cuộn tròn của lòng mong muốn vào chính bản thân mình, một sự tôn thờ ngẫu tượng. Tội lỗi là lòng mong muốn được hạnh phúc đã bị xoay lạc hướng.

Ai biết con đường về với lòng mình để lắng nghe Khát Mong của Thần Khí, người ấy sẽ nhận ra rằng, dần dần, những mong muốn của mình sẽ không bị phủ nhận hay trấn áp nhưng được tẩy sạch; định hướng lại đơn giản hoá.

Thinh lặng trở nên một nơi hoán cải, nơi mà ta đi từ thái độ “tự ngắm” luôn hướng về mình, đến thái độ cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân, những người mà chúng ta mong ước và yêu thương vì chính bản thân họ.

Khi quay lưng với Chúa, con người đã gây ra một loại “sa ngã”, mà một trong các hệ quả quan trọng  nhất là đánh mất sự thống nhất của mình. Bị lưu đày xa “lòng” mình, việc liên lạc giữa “khả năng nội tâm này” với những khả năng khác như trí khôn và ý chí trở nên khó khăn. Điều này làm nảy sinh một khủng hoảng căn tính trầm trọng, vì có một khoảng cách giữa cái thực chất sâu xa của chúng ta: một hữu thể được tạo nên “theo hình ảnh và giống Thiên Chúa”, với cái mà chúng ta tưởng là mình, cái mà trí khôn chúng ta nghĩ ra.

Ai học cách mặc lấy sự thinh lặng cho lòng mình đón nhận Thần Khí, người ấy sẽ khám phá rằng Năng Lực Thần Linh của Tình yêu sung mãn kia sẽ dần dần thấm sâu vào mọi khả năng mình, thống nhất toàn bộ con người mình. Năng lực ấy mở đường vào sự hiểu biết mới, ấy là con đường hiểu biết của Thần Khí và đường vào tình yêu mới, yêu bằng đức ái của Thần Khí.

Cuối cùng, phẩm chất của các tương quan, của hành vi đời thường chúng ta tuỳ thuộc vào cách mà chúng ta tìm Đấng cư ngụ cho “lòng” mình, nơi mà Vương Quốc của Chúa Giêsu đã hiện diện.

Các nhà tâm lý ngày càng quan tâm đến việc thức tỉnh của các tương quan, cũng như họ quan tâm đến việc chiêm niệm, vì tác động hỗ tương giữa hai lãnh vực này ngày càng trở nên rõ ràng. Họ công nhận rằng sự thinh lặng chiêm niệm ảnh hưởng nhiều đến phẩm chất các tương quan gắn bó người với người.

Thật vậy, cần phải rất thinh lặng để đi từ tình yêu chiếm hữu đến tình yêu vô vị lợi, yêu thương người khác vì chính họ. Triết gia Levinas tuy không ngừng bảo vệ “quyền của tha nhân” vẫn khẳng định rằng chỉ có những người biết tạo một tương quan đích thực với sự cô tịch, mới có thể ở vào vị thế “thiết lập được một tương quan với tha nhân”.

Đa số các tôn giáo cho rằng thinh lặng là nơi thanh luyện. Đạo Phật thậm chí xem thinh lặng là vị thầy không thể thiếu được để diệt dục; vì dục vọng là nguồn mạch của ảo tưởng làm cho người ta không nhìn thấy đúng các thực tại trần gian.[20]

  1. Abraham

Cassien, nhà văn, nhà tu sĩ vĩ đại đầu tiên của Phương Tây giải thích tinh hoa của cuộc lữ hành trong bài chú thích về câu 1, chương 12 của sách Sáng thế: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Đây là cuộc từ bỏ ba điều: Xứ sở, họ hàng và nhà tổ phụ. Theo Cassien, từ bỏ xứ sở có nghĩa là từ bỏ mọi của cải thế gian, mọi quan hệ thế gian. Ai từ bỏ thế gian này, họ không còn giữ gì trong tay, họ nghèo đi. Giữ thinh lặng, người tu sĩ từ bỏ cái giầu có của lời nói. Không còn gì cho phép họ đánh bóng họ. Gây ấn tượng, không còn gì để trình bày, không còn công thức đã học được, không còn tư tưởng hay ho. Họ trở nên nghèo bên trong, nghèo tinh thần. Điều này không những áp dụng với các bài diễn văn mà còn áp dụng với các tư tưởng. Giữ thinh lặng không có nghĩa là gánh lấy hết các nguồn sinh lực của tưởng tượng, nhưng trở nên nghèo đi trong tư tưởng, bằng lòng với vài tư tưởng mà với vài tư tưởng này đưa lòng mình mở ra tiếp nhận Chúa. Chỉ có một ít viện phụ ngày xưa mới nghiền ngẫm lui tới một vài đọan Thánh Vịnh. Và họ xem việc chỉ sống duy nhất vào một lời trong Sách Thánh là khó nghèo trong tinh thần và họ chỉ có lời Thánh mới làm biến đổi con người họ.

Đối với Cassien, từ bỏ họ hàng là từ bỏ đời sống trước đây, các thói quen, các tật xấu cũ, tất cả những việc mà chúng ta dính líu một cách chặt chẽ từ khi mới sinh, nó làm cho mình co rút lại trong một lọai ái lực không rời được. Sự tách rời này là từ bỏ đời sống cũ, cũng như các tình cảm và các đam mê. Cần phải tách những gì  làm quả tim mình bị gò bó. Ở đây Cassien cấm quay ngược trở lại. Thu mình vào quá khứ, trốn hiện tại bằng cách trở về một quá khứ được lý tưởng hóa, lúc mà mình sống không lo âu. Lúc mà mình có thể đề cao các thành công của mình. Như thế giữ thinh lặng trong việc từ bỏ họ hàng đòi hỏi mình phải quên các kỷ niệm. Phải ngừng không được xem cá nhân mình và quá khứ mình là quan trọng. Bây giờ trước mặt Chúa, không được để trí tưởng tượng tự do trốn vào quá khứ để thấy mình được hạnh phúc. Có những người không bao giờ quên được quá khứ: họ thử sống lại những giây phút mà lúc nào họ cũng cho đó là tuyệt diệu. Họ không tài nào quên được. Họ giữ chúng như báu vật, họ sống dựa vào đó. Thinh lặng đòi hỏi phải quên quá khứ và chú ý trọn vẹn vào thực tế hiện tại, đó là Chúa mà chúng ta có thể tiếp cận, một Thiên Chúa đối diện với hiện tại.

Theo Cassien, từ bỏ nhà tổ phụ là quên mọi dấu vết của thế gian này, tách rời cái hữu hình và phù du, để chú ý đến cái vô hình, cái vĩnh cửu và tương lai. Trong bối cảnh này, Cassien trích câu:”Quê hương chúng ta ở trên trời”(Pl3,20). Phải đi trên thế gian này nhưng không ở đó, bởi vì quê hương chúng ta ở trên trời và xem đời sống dưới thế là đời sống nơi xứ lạ. Và đó là đời sống mình muốn sống. Như vậy thinh lặng là sự chạm trán với khía cạnh xa lạ của thế gian này. Họ không quen thuộc với những người chung quanh, những người trong thế gian này. Và đó là những gì các tu sĩ hiểu về thinh lặng: biết từ bỏ những gì quen thuộc với mình.

Như thế giữ thinh lặng trong việc từ bỏ xứ sở, gia đình là ý thức mình đang đi vào con đường cô độc. Các tu sĩ đi hành hương lúc nào cũng sáng suốt giữ mình tránh lộ tên tuổi. Thường thường, không ai biết họ: họ tình nguyện sống ngoài cộng đoàn và như vậy không có luật lệ bảo vệ họ. Họ tách rời khỏi cộng đoàn, khỏi xứ sở, khỏi gia đình, ngắn gọn với loài người, cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài để sống trọn vẹn, một mình với Chúa.[21]

  1. Môisê

Truyện kể rằng: Trước khi ông Moisê dẫn đưa dân Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ Ai cập, người phải trải qua một thời gian huấn luyện dưới sự chỉ giáo của một thầy dậy. Kỷ luật đầu tiên mà Môisê phải tuân giữ, là sự im lặng tuyệt đối trước bất cứ điều trái ý nào.

Một hôm, hai thầy trò đi du ngọan tại một miền quê có đồi núi hùng vĩ, cây cối xanh tươi, hoa cỏ muôn màu sắc, sông nước trong mát. Nhưng Môisê cũng phải im lặng không dám mở môi khen ngợi.

Đến gần bờ sông, Môisê thấy một đứa bé đang chìm dần xuống nước, trong khi đó người mẹ trên bờ sông không biết làm gì hơn là khóc than thảm thiết.

Môisê không cầm lòng được trước cảnh tượng đáng thương đó, liền buột miệng nói:

Thầy không thể làm gì để cứu đứa bé được chăng ?

Thầy giáo bảo Môisê hãy giữ im lặng.

Môisê cắn lưỡi giữ yên, nhưng cảm thấy áy náy trong tâm hồn. Ông tự nghĩ, không lẽ thầy mình lại có tấm lòng chai đá như vậy hay sao ? Hay chỉ là vì bất lực không thể cứu giúp người gặp cảnh khó khăn được ? Mặc dù Môisê không dám nuôi những ý tưởng xấu về thầy mình, nhưng lại rất khó mà xua đuổi những tư tưởng ấy đi.

Hai thầy trò lặng lẽ tiếp tục tiến về phía biển. Đứng trên bờ biển, Môisê thấy chiếc thuyền nhỏ lao đao, vật lộn với sóng lớn và đang chìm dần với cả nhóm thủy thủ. Môisê kêu lên:

Lạy thầy, xin hãy nhìn xem kìa, chiếc thuyền nhỏ đang chìm dần.

Một lần nữa thầy giáo ra hiệu cho Môisê phải im lặng.

Môisê không dám nói gì thêm nữa, nhưng trong lòng không khỏi phân vân lo lắng.

Khi hai thầy trò trở về nhà, Môisê liền đem sự việc đến hỏi Chúa.

Chúa phán: thầy con làm như vậy là có lý, đứa bé chết đuối trong nước sông, nếu không chết, lớn lên nó sẽ là tên tướng giặc gây chiến giữa hai quốc gia, và hàng ngàn người vô tội sẽ phải chết thảm thương. Còn chiếc thuyền nhỏ ngòai biển kia đang chở theo một bọn cướp hung dữ, chúng đang dự định tấn công một làng nhỏ gần vùng bờ biển. Nếu chúng không bị đắm thuyền, thì chúng sẽ cướp phá và giết hãi dân làng vô tội.[22]

 

  1. Elia

Khi đối diện với nghịch cảnh, người làm chứng bị cám dỗ lẩn trốn, thì cũng chính trong thinh lặng mà người ấy lại nghe được tiếng của Đấng đã sai mình, và sẽ tìm lại được sự dũng cảm để tiếp tục theo đuổi sứ mang của mình. Chước cám dỗ “bỏ cuộc” của tiên tri Êlia là một minh họa sắc nét (1V 19, 1-15).

Êlia vừa chiến thắng các tiên tri giả, phục vụ dưới trướng của nữ hoàng Giêzabel, một người thờ ngẫu tượng và độc ác. Bà hằn học báo cho vị tiên tri biết rằng bà sẽ cho giết ông khi xuất hiện cơ hội đầu tiên.

Lo sợ, Êlia trốn vào sa mạc! “Êlia sợ hãi, ông trỗi dậy và tìm cách thoát thân. Ông đến Becshabê thuộc Giuđa, và để gia nhân mình ở lại đấy”.

Vị tiên tri từng năng nổ vì tin chắc rằng mình có được sức mạnh của Thiên Chúa, giờ đây ông chỉ còn là một con người đáng thương, sợ hãi đến thắt ruột. Ông ý thức giới hạn nhân loại của mình. Ông trú ẩn vào nơi sa mạc, quyết tâm biến đi trong thiên nhiên mà không để cho ai hay biết.

 “Thế là ông đi một ngày trong sa mạc và ngồi xuống dưới bụi cây. Ông mong muốn được chết và nói: “Lạy Chúa, thế là đủ rồi! Xin cất mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con”. Ông nằm xuống và thiếp ngủ”.

Ông bị dằn vặt vì khoảng cách giữa gánh nặng của sứ mệnh và khả năng hạn chế của con người ông. Những giờ phút đầu tiên bước đi một mình thì đầy tràn về bản thân ông, về những vấn đề của ông, về thất bại của ông. Cần phải có một thời gian mới có thể buộc im tiếng cho những trận cuồng phong của suy nghĩ, của thắc mắc, của phản kháng, vì chúng vẫn còn ồn ào quá dù cho ông ở nơi sa mạc, một sa mạc chỉ làm cho tiếng ồn nội tâm được khuyếch đại lên thôi. Ông chỉ còn một nơi duy nhất để trú ẩn, đấy là giấc ngủ. Ngủ đi! Quên đi! Không còn suy nghĩ gì nữa. Giấc ngủ đôi khi là một hình thức chạy trốn.

“Nhưng này, một Thiên Sứ chạm vào ông và nói: “Hãy trỗi dậy mà ăn”. Ông nhìn lên và thấy ở cạnh mình có một ổ bánh nướng trên đá nóng, và một bầu nước. Ông ăn uống, rồi nằm xuống lại. Nhưng Thiên Sứ của Thiên Chúa lại đến một lần nữa, chạm vào ông và nói:

“Hãy trỗi dậy mà ăn, nếu không thì ông không đủ sức đi hết đoạn đường xa”. Ông trỗi dậy và ăn uống”.

Thiên Chúa không bỏ rơi tôi tớ Người. Hai lần Người tế nhị đến viếng thăm, đánh thức ông khỏi cơn ngái ngủ – biểu trưng cho mọi sự mệt mỏi  thiêng liêng của chúng ta – và nuôi sống ông. Êlia cần phải hồi phục sức lực, vì con đường nội tâm của ông chỉ mới khởi đầu. Vì thế, trong thinh lặng, ông phải đón nhận các ân huệ của Thiên Chúa, ăn bánh Lời Người, uống Nước Hằng Sống của Thánh Linh. “Nhờ lương thực ấy ông đi bốn mươi đêm ngày để đến Horeb, ngọn núi của Thiên Chúa”. Êlia phải đi một cách biểu trưng; theo lộ trình đức tin của dân ông, để tìm lại con đường đến Sinai, nơi ưu tuyển để Gặp Gỡ. Đấy chính là nơi mà Thiên Chúa đã ký kết một Giao Ước với con người, đấy chính là nơi mà cuộc Xuất Hành đã tìm thấy trọn vẹn ý nghĩa, đấy chính là nơi mà Người đã mặc khải Danh Người cho Môsê.

Êlia cần phải cắm rễ lại ơn gọi của mình vào một cảm nghiệm cá nhân đối với sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng đã sai ông đi, và cắm rễ lại sứ mạng mình vào chương trình Tình Yêu của Người, vào lịch sử cứu độ. Đây là một cảm nghiệm nội tâm không thể diễn đạt bằng lời, nên tác giả Thánh Kinh đã biểu trưng bằng một hình ảnh thật đẹp đó là làn gió hiu hiu.

“Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó… Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Êlia, ngươi làm gì ở đây? Ông thưa: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Người, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ Người. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con”.

Êlia khởi sự kêu lên nỗi chán ngán của mình. Lòng hăng say của ông đối với sứ mạng Chúa trao chưa hề chết đi, và chính vì thế mà ông chua xót trước sự việc là Thiên Chúa có vẻ thất bại, sự thù địch vẫn còn, kẻ vô đạo vẫn nhởn nhơ, và dân trung thành với giao ước thì bị bỏ rơi.

“Đức Chúa phán với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa”. Cái hang mà Êlia đứng nơi cửa gợi cho ta nhớ lại khe núi mà Môsê lánh khỏi mặt Người khi Người đi ngang qua”. (Xh 33, 21). Hang này cũng tượng trưng cho “cõi lòng” mà mọi người phải đứng nơi cửa để đón tiếp Thiên Chúa trực tiếp đi qua.

“Kìa Đức Chúa đi ngang qua. Gió to bão lớn xẻ núi non, đạp vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu”.

Hẳn là Êlia chờ đợi một cuộc “hiển linh”ngoạn mục, một biểu hiện rền vang của Thiên Chúa. Ông vẫn hy vọng vào một Thiên Chúa hùng mạnh, có khả năng trấn áp đối phương. Thiên Chúa lo việc tẩy rửa những quan niệm quá con người của ông, khi ông vẽ vời Người theo hình ảnh của lòng mong muốn thống trị, hay bạo lực của chính bản thân mình.

Thiên Chúa không có mặt trong tiếng gầm thét của bão táp, không có mặt trong sự cuồng nộ của động đất. Tác giả Kinh Thánh viết như thế. Thiên Chúa viếng thăm Êlia trong cơn gió thoảng, “trong tiếng thì thầm của một làn gió hiu hiu” mà ta chỉ có thể cảm nhận trong thinh lặng. “Êlia đã nghe được”. Ông khám phá rằng Thiên Chúa hiện diện cũng như hơi thở, một làn gió, một sinh khí giống như sức sống mà sách Sáng Thế đã nêu ra, khi “Đức Chúa thổi sinh khí vào mũi” để biến Ađam thành một con người (St 2,7).

“Đức Chúa phán: “Hãy đi đi, hãy trở về trên con đường ngươi đã đi qua…”. Một lần nữa, được củng cố nhờ cảm nghiệm thiêng liêng này, nhờ sự thân mật với Thiên Chúa mà ông tìm lại được trong thinh lặng, Êlia từ nay sẽ có khả năng tiếp tục lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, và chu toàn sứ mạng của mình. Trong lòng ông lại vang lên tiếng “Hãy đi”, cái mệnh lệnh biến con người thành chứng nhân và ngôn sứ.

Ông đã canh tân lòng dũng cảm nội tâm, vì nó được đặt nền tảng trên niềm xác tín rằng cuộc chiến đấu của ông chính là cuộc chiến đấu của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ mặc ông một mình. Ông phải thông qua sự lột xác và sự thinh lặng của sa mạc, để tìm thấy nguồn mạch của ơn gọi mình, và tính chất nhưng không trong ơn cứu độ của Thiên Chúa.[23]

  1. Chúa Giêsu và thinh lặng.

Đức Giêsu Lời Thiên Chúa trong xác phàm, Đấng được Cha sai phái, Đấng “thừa sai” tuyệt hảo, Ngài đã im lặng trong suốt ba mươi năm! Ba mươi năm trong ba mươi bốn năm cuộc đời! Sự nhập thể của tình yêu vào đời thường không buộc phải gây ồn ào!

Làm sao tưởng tượng được một lời ca tụng xứng đáng hơn đối với giá trị và sự phong phú của thinh lặng, sự thinh lặng biến thành một sự hiện diện để khiêm tốn liên đới với đời sống và lao nhọc của con người! Sự thinh lặng ở Nadaret từng làm ngây ngất cha Foucauld, không phải là một Lời Mặc Khải tuyệt vời về mầu nhiệm Thiên Chúa ở cùng chúng ta sao?

Suốt thời gian thực thi sứ mạng công khai của Ngài, hoàn toàn dấn thân rao giảng Nước Trời, bằng lời nói và hành động, Chúa Giêsu còn biểu lộ vai trò chủ yếu của thinh lặng trong cuộc đời của mọi môn đệ. Không phải tình cờ mà thánh Maccô – vào đầu Phúc Âm mình, đã đặt một khoảng thời gian thinh lặng vào trong “Ngày thừa sai mẫu mực” của Chúa Giêsu:

Sáng sớm, trước khi mặt trời mọc, Chúa Giêsu chỗi dậy và lên nơi vắng vẻ, và Ngài cầu nguyện ở đó”.(Mc 1,35).

Thánh Maccô muốn cho độc giả thấy rằng việc cầu nguyện trong cô tịch, đối với Chúa Giêsu không phải là một “cặp ngoặc đơn” thỉnh thoảng xảy ra khi gặp dịp, nhưng là một chiều kích chủ yếu, cơ bản của bản thân và của sứ mạng Ngài.

Chúa Giêsu không tìm kiếm sự thinh lặng để mà thinh lặng nhưng để thiết lập một đối thoại hiếu đễ với Đấng cư ngụ trong lòng, trong tư tưởng hành động, trong kinh nguyện của Ngài, Đấng sai Ngài ra đi: Thiên Chúa, Cha của Ngài.

Tác giả Phúc Âm muốn nói với cộng đoàn Kitô hữu rằng nguồn gốc của sứ mạng Chúa Giêsu, sự năng động trong công cuộc dấn thân của Ngài, sự cắm rễ trong Tin Mừng, tất cả những điều ấy đều ở nơi Thiên Chúa, một Thiên Chúa mà Ngài đón nhận, yêu mến và lắng nghe trong thinh lặng.

“Simon đi tìm Ngài với bằng hữu mình. Và khi gặp Ngài, họ nói: “Mọi người tìm Thầy!”

Chúa Giêsu không để mình bị tác động do công việc khẩn cấp, do tiếng tăm, do số lượng bệnh nhân. Ngài cho rằng thời gian thinh lặng trước Cha Ngài cũng quan trọng  sống chết như không khí để thở! Ngài không bao giờ xem hoạt động và chiêm niệm là hai điều đối lập.

Chính tình yêu điều khiển hướng đi hai chiều quy về Cha và về nhân loại. Trong thinh lặng cầu nguyện, Ngài mở lòng để đón nhận Cha, đón nhận chương trình Yêu Thương của Người.

Và các thánh sử đã ghi lại cho chúng ta những cặp từ: “Cô tịch – hiện diện” với con người “thinh lặng – ngỏ lời”; những điều ấy sẽ giữ nhịp cho suốt cuộc sống công khai của Ngài.

Sau lần hoá bánh ra nhiều, “Chúa Giêsu thấy rằng người ta đến để ép Ngài làm vua, thế là Ngài lại ẩn lên núi, một mình (Ga 6, 15). “Ngài càng ngày càng nổi danh, dân chúng chạy đến nghe Ngài và xin Ngài chữa bệnh. Nhưng Chúa Giêsu rút lui vào nơi vắng vẻ và cầu nguyện”(Lc 5,15-16).

Chúng ta biết rằng con người rất thường tìm cách “kéo” Thiên Chúa vào kế hoạch, ý thức hệ, đấu tranh của mình! Vì thế, trước những sự phấn khởi hàm hồ của dân chúng, những người luôn bị cám dỗ bởi chủ thuyết giải phóng theo nghĩa hẹp, giới hạn trong những nhu cầu trần gian trước mắt, Chúa Giêsu là người tạo ra những đoạn tuyệt và mối hiệp thông. Những đoạn tuyệt cần thiết để sống một cuộc sống chân chính, trong tình liên đới với con người theo như ý Cha, Đấng vượt quá sự thiển cận của chân trời chúng ta! Sự thinh lặng nguyện cầu cần thiết cho Ngài để thi hành sứ mạng một cách tinh tuyền và đáp ứng mọi đòi hỏi của sứ mạng ấy.

Với những môn đệ đến tìm Ngài nơi vắng vẻ, Chúa Giêsu trả lời: “Chúng ta hãy đi nơi khác, vào những làng bên cạnh, để Thày còn rao giảng ở đó nữa vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Rồi Người đi khắp vùng Galilê, rao giảng trong các Hội đường của họ, và trừ quỷ” (Mc 1,38-39).

Sự thinh lặng ấy không hề là một sự lẩn tránh hay “một cuộc trốn thoát thế gian”, nhưng là một hành vi “cắm rễ” giúp Chúa Giêsu đi xa hơn, đi “nơi khác”.

Nếu thinh lặng đối với Ngài thường là một nơi hẹn cho tình Cha Con, một tình yêu vô vị lợi thì đôi khi đó cũng là thời điểm cần thiết để Ngài suy tư trước khi đưa ra những quyết định quan trọng  đối với sứ mạng mình, như trước khi chọn các môn đệ đẩu tiên:

“Trong những ngày ấy, Ngài lên núi cầu nguyện, và Ngài thức suốt đêm cầu nguyện. Khi trời sáng Ngài gọi các môn đệ và chọn nhóm Mười Hai.” (Lc 6,12-13).

Nếu những lần thinh lặng của Chúa Kitô là những lời cũng quan trọng  như giáo huấn mà Ngài để lại cho chúng ta, thì sự thinh lặng hùng biện nhất trong Tân Ước là sự thinh lặng trong các phiên toà xử án Ngài. Ngài là người chẳng hề ngần ngại tố cáo sự giả hình, hoặc đối đầu với cha đẻ của sự dối trá, nhưng Ngài lại ‘thinh lặng’ trước vị Thượng Tế (Mc 14,16), trước Hêrôđê (Lc 23,9) và trước Philatô. Sự thinh lặng của người công chính đối lập với sự hung hăng bất công của đối thủ Ngài. Sự thinh lặng uy nghi của Đấng Mêsia khi Giờ Ngài đã đến, và quyền lực duy nhất là quyền lực sáng chói của chân lý. Khi Ngài bị thượng tế và các kỳ lão buộc tội, Ngài không trả lời một tiếng. Vì thế Philatô mới hỏi: “Ông không nghe những gì họ làm chứng chống ông sao?” Và Ngài chẳng trả lời về điểm nào cả, khiến viên tổng trấn rất ngạc nhiên (Mt 27,12-14).

Nhưng sự thinh lặng của Ngài không hề là thái độ hèn nhát. Khi chân lý đòi hỏi, Ngài không ngần ngại nói rõ ràng. Vị Thượng Tế đứng dậy và nói: “Ông không trả lời gì cả sao? Những người này làm chứng chống ông về điều gì vậy?” Nhưng Đức Giêsu vẫn thinh lặng. Vị Thượng Tế mới nói: “Nhân danh Thiên Chúa Hằng Sống, tôi muốn ông nói; ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa, hay không? Đức Giêsu đáp lại: “Ông đã nói rồi đấy!” (Mt 26,63-64).

Nếu Đức Kitô có nói vài lời trên thập giá, thì tiên vàn đó là lời thinh lặng. Sự thinh lặng của Con Người chịu đóng đinh thập giá này trở thành một Lời nát lòng, xúc động. Thiên Chúa đã nói hết mọi sự khi Ngài thinh lặng để chết!

Nếu sự thinh lặng của Con Người, xét theo số lượng các văn bản, được đề cao hơn trong Cựu Ước, thì cần lưu ý rằng những văn bản Tân Ước có được ánh sáng mới, bởi lẽ chúng quy hướng về con người Đức Giêsu. Sự thinh lặng bao trùm mầu nhiệm của chính Thiên Chúa! Sự thinh lặng này không đơn thuần là lẽ khôn ngoan thế gian mà đạt đến mức độ thần học rồi.[24]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

IV. PHƯƠNG THẾ ĐẠT TỚI SỰ THINH LẶNG NỘI TÂM

 

  1. Thinh lặng nội tâm với cá nhân và cộng đoàn.

1.1. Thinh lặng nội tâm với cá nhân.

Khi bàn bạc về sự tĩnh mịch và sự cần thiết của sự tĩnh mịch, có ba thuật ngữ rất quan trọng: sự cô độc, cô đơn và tĩnh mịch. Bạn và tôi và mọi người đều có thể cô độc. Cô độc là một sự kiện tự nhiên. Không ai trên trần gian này giống như tôi: tôi là một người độc nhất vô nhị. Không ai có thể cảm nghiệm và kinh nghiệm về thế giới này giống như tôi. Tôi đơn độc.

Vậy ta phải đương đầu với sự đơn độc này ra sao ? Nhiều người lấy cô đơn giải quyết sự cô độc. Đó là khi bạn kinh nghiệm về sự đơn độc của bạn như một vết thương, như một cái gì đó làm bạn đau đớn, làm bạn khốn khổ. Nó làm bạn phải kêu lên: có ai có thể giúp tôi ? Cô đơn là một trong những nguồn mạch lớn nhất của nỗi khốn cùng hôm nay. Đó là căn bệnh của thời đại .

Nhưng với tư cách là kitô hữu, ta được mời gọi biến cô đơn thành tĩnh mịch. Ta được mời gọi kinh nghiệm về sự đơn độc của ta không phải như một vết thương mà là như một ân ban, ơn của Thiên Chúa, để trong sự đơn độc ấy của ta, ta có thể khám phá ra ta vẫn được Thiên Chúa yêu thương.

Chính tại chỗ ta cảm thấy ta đơn độc nhất, độc đáo nhất, ta cảm thấy ta là mình nhất, lại là chỗ Thiên Chúa gần gũi ta nhất. Đó là chỗ ta cảm nghiệm được Thiên Chúa như một người Cha yêu thương, Đấng biết ta hơn ta biết ta.

Cô tịch là cách thức, nhờ đó ta lớn lên trong nhận thức rằng tại những nơi ta cảm thấy cô độc nhất, lại chính là những nơi ta được Thiên Chúa yêu thương nhất. Cô tịch là một phẩm chất của tâm hồn, một phẩm chất nội tại giúp ta chấp nhận sự đơn độc của ta cách yêu thương như một quà tặng của Thiên Chúa.

Tại nơi ấy, các hoạt động của ta trở nên những hoạt động được làm vì người khác. Nếu ta chấp nhận sự đơn độc của ta như một quà tặng của Thiên Chúa, và biến sự cô độc ấy thành một sự cô tịch sâu xa, thì từ chính sự cô tịch ấy ta có thể đến được với người khác. Ta có thể cùng đến với nhau trong cộng đoàn, vì ta không bám vào nhau chỉ vì ta cảm thấy cô đơn. Nhưng, ta tôn trọng sự tĩnh mịch của nhau. Ta nhận ra nhau như những con người  được cùng một vị Thiên Chúa kêu gọi.

Nếu tôi tìm thấy Thiên Chúa trong nơi cô tịch của tôi, và bạn cũng tìm được Thiên Chúa trong nơi cô tịch của bạn, thì chính Thiên Chúa ấy đang kêu gọi ta lại với nhau, và ta có thể ở chung với nhau mà không hủy diệt nhau khi chỉ biết bám cứng ấy nhau.[25]

1.2. Thinh lặng nội tâm với cộng đoàn.

Tĩnh mịch không phải là một không gian riêng tư đối nghịch với không gian chung của cộng đoàn, cũng không phải là một không gian chữa lành, trong đó ta trả lại bản thân ta cho đời sống cộng đoàn. Cô tịch và cộng đoàn thuộc về nhau, cái này đòi hỏi cái kia chẳng khác gì như tâm và chu vi của một vòng tròn.Cô tịch mà không có cộng đoàn sẽ đưa tới cô đơn, thất vọng, cộng đoàn mà không có cô tịch sẽ quăng ta vào  “rỗng tuyếch của lời nói và tình cảm” (bonhoeffer).

Cô tịch rất quan trọng đối vơi đời sống cộng đoàn vì trong cô tịch ta gần gũi nhau hơn. Khi ta cầu nguyện một mình, học tập, viết lách, hoặc cách đơn giản sử dụng thời gian thinh lặng xa khỏi những nơi ta vẫn tiếp xúc trực tiếp với nhau, ta đang thực sự tham dự đầy đủ vào sự lớn mạnh của cộng đoàn. Thật sai lầm khi nghĩ rằng ta chỉ xích lại gần nhau hơn khi ta nói chuyện, chơi đùa, hoặc làm việc chung với nhau. Chắc chắn trong những lần như thế cộng đoàn phát tiển mạnh, nhưng cộng đoàn cũng phát triển mạnh không kém khi ta bước vào cô tịch. Ta đem theo người khác vào trong cô tịch với ta, và trong cô tịch, tương quan của ta phát triển và ăn rễ sâu. Trong cô tịch ta khám phá ra nhau theo cách mà sự hiện diện thể lý khó nếu không muốn nói là không thể khám phá ra được.

Cô tịch không thể tách khỏi cộng đoàn được vì trong cô tịch ta khẳng định thực tại sâu xa nhất của cuộc sống chung của ta với nhau, nghĩa là, với tư cách là một cộng đoàn, ta như những bàn tay hướng về Thiên Chúa trong cầu nguyện vậy. Thậm chí ta còn có thể nói rằng, đời sống cộng đoàn tự nó trước hết là một hành vi cầu nguyện. Chỉ biết bám vào nhau để sống sót trong cơn bão tố của thế gian này, người ta không thể tạo nên cộng đoàn được, nhưng người ta chỉ tạo nên cộng đoàn khi cùng nhau gầy dựng một đời sống cầu nguyện giữa gia đình nhân loại vẫn đầy ắp âu lo này.

Tất cả những gì vừa nói cho thấy rằng đời sống trong cô tịch chính là đời sống trong đức tin. Nhờ việc dần dần bỏ lại sau lưng những hành động tự khẳng định mình và trở nên “vô dụng” trước mặt Thiên Chúa, ta vượt qua những nỗi sợ hãi nội tâm và những âu lo cho ngay mai, và khẳng định Thiên Chúa của ta chính là vị Thiên Chúa, trong tình yêu của Ngài ta tìm được sức mạnh và bình an.[26]

  1. Phương thế để có được sự thinh lặng nội tâm trong cuộc sống.

Đưa một sự cô tịch nào đó vào đời ta là một trong những kỷ luật cần thiết và khó khăn nhất. Dẫu có thể ta rất khao khát có được một sự cô tịch đích thật, nhưng ta vẫn có kinh nghiệm về một nỗi âu lo nào đó khi đến gần một nơi chốn và một thời gian tĩnh mịch nào đó. Bao lâu ta còn đơn độc, không có người để tâm sự, không có sách để dọc, không có tivi để xem, hoặc điện thoại để gọi, thì bấy lâu một sự hỗn loạn nội tâm nẩy sinh trong ta. Sự hỗn loạn này có thể gây rối loạn hoặc bối rối đến độ ta khó có thể chờ đợi bận bịu lại. Thế nên, bước vào phòng riêng và đóng cửa lại, không có nghĩa là ta gạt ngay được những nghi ngờ, xao xuyến, sợ hãi, những ký ức xấu. Những xung đột chưa giải quyết xong, những giận hờn và những đam mê trong lòng. Trái lại, khi ta dẹp được những lo ra bên ngoài, ta thường thấy rằng những lo ra bên trong vẫn thể hiện đầy sức mạnh đối với ta.

Cô tịch không phải là một sự đáp trả tự nhiên với một cuộc sống bận rộn và lơ đãng. Có quá nhiều lý do để không phải ở lại một mình. Vì thế, ta phải bắt đầu bằng cách cẩn thận thiết lập một sự cô tịch nào đó. Năm hoặc mười phút mỗi ngày có thể là tất cả những gì ta có thể chịu đựng. Có lẽ, ta cũng sẵn sàng để ra mỗi ngày một giờ, mỗi tuần một buổi và mỗi tháng một ngày, và mỗi năm một tuần. Thời lượng sẽ thay đổi với mỗi người, tùy theo tâm tính, tuổi tác, nghề nghiệp, lối sống và sự trưởng thành. Nhưng ta sẽ không coi trọng đời sống thiêng liêng, nếu ta không dành một thời gian nào đó để ở với và lắng nghe Thiên Chúa. Có lẽ ta phải cẩn thận đánh dấu giờ ấy trên lịch sinh hoạt hàng ngày để không ai có thể chiếm mất thời gian ấy. Chỉ khi lên chương trình như thế, ta mới có thể nói với bạn bè, hàng xóm, học sinh, khách hàng, thân chủ hoặc bệnh nhân của ta rằng: tôi xin lỗi, tôi đã có hẹn và tôi không thể thay đổi được.

Một khi quyết tâm dành thời gian cho sự cô tịch, ta mới phát huy được sự quan tâm đối với tiếng nói của Thiên Chúa trong ta. Lúc đầu, suốt những ngày, những tuần học, những tháng đầu tiên, có thể ta có cảm tưởng rằng ta đang lãng phí thời gian. Thời gian trong cô tịch lúc đầu hầu như có thể chẳng hơn gì thời gian bị tấn công bởi hàng ngàn ý tưởng và tình cảm nổi lên từ những khu vực ẩn khuất trong tâm trí ta. Một trong những tác giả Kitô giáo tiên khởi đã mô tả giai đoạn đầu tiên của việc cầu nguyện trong cô tịch này như kinh nghiệm của một người, sau nhiều năm quen sống với việc mở toang cửa, bỗng quyết định đóng cửa ại. Khách khứa thường đến và bước vao nhà ông cách tự nhiên, nay bắt đầu phải gõ cửa, tự hỏi vì sao họ lại không được phép vào. Chỉ khi họ nhận ra rằng họ không được tiếp đón, họ mới từ từ không đến nữa.

Cách trực giác, ta biết rằng dành thời gian cho sự cô tịch là điều quan trọng. Thậm chí ta còn mong chờ giai đoạn vô dụng kỳ lạ này nữa là khác. Khát vọng sống cô tịch này thường là dấu chỉ đầu tiên của sự cầu nguyện, là dấu chỉ cho thấy rằng ta không còn lãng quên sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa nữa. Khi ta bắt đầu trút đổ những lo âu của mình, ta mới biết không chỉ bằng tâm trí thôi mà còn bằng cõi lòng nữa rằng trước đây ta chưa hề cô độc, Thần Khí Thiên Chúa vẫn hằng ở bên ta…

Trong cô tịch, ta dần dà biết được Thần Khí, là Đấng đã được ban cho ta. Những cơn đau và những cuộc đấu tranh ta gặp trong sự cô tịch của ta, khi ấy trở thành đường hy vọng, bởi niềm hy vọng của ta không chỉ dựa trên một cái gì đó sẽ xảy ra sau khi những đau khổ đã qua, mà còn dựa trên sự hiện diện đích thực của Thần Khí chữa lành của Thiên Chúa giữa những đau khổ ấy. Kỷ luật của sự cô tịch cho phép ta dần dần đụng chạm được sự hiện diện đầy hy vọng này của Thiên Chúa trong đời ta, và cho phép ta nếm cảm được ngay từ bây giờ những khởi sự của niềm vui và sự bình an thuộc về trời mới, đất mới.

Tuy kỷ luật của sự cô tịch đòi ta phải sắp xếp thời gian và không gian, nhưng điều quan trọng là tâm hồn ta phải trở nên giống như những căn phòng tĩnh mịch nơi Thiên Chúa có thể cư ngụ, bất kể ta đi đâu và làm gì. Càng luyện cho mình biết cách dành thời gian để sống với Thiên Chúa và với chỉ một mình Thiên Chúa thôi, ta sẽ càng khám phá ra rằng Thiên Chúa vẫn luôn luôn ở với ta mọi nơi, mọi lúc. Khi ấy, ta sẽ có thể nhận ra Thiên Chúa ngay giữa cuộc sống bề bộn và bận rộn. Một khi sự cô tịch của thời gian và không gian trở thành cô tịch của tâm hồn, ta sẽ không bao giờ phải từ bỏ sự cô tịch ấy. Ta sẽ có thể sống đời sống thiêng liêng tại mọi nơi, mọi lúc. Như thế, kỷ luật của sự cô tịch giúp ta có thể sống một cuộc sống hoạt động giữa thế gian này, trong khi vẫn luôn ở lại trong sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống. [27]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] Cứu Thế Tùng Thư, Sống theo Thần Khí, trg.245

 

[2] Cứu Thế Tùng Thư, sđd trg.257

[3] Anselm Grun, Apprendre à faire silence (học sống thinh lặng) trg.30

[4] Anselm Grun, sđd trg.31

 

[5] Anselm Grun, sđd trg.32-34

[6] Cứu Thế Tùng Thư, Sống theo Thần Khí, trg.254-255

[7] Henri Nouwen, clowning in Rome, trong The only necessary thing, a prayerful life, trg.45

[8] Truyện vui suy niệm, trg.133-134

[9] Cứu Thế Tùng Thư, Sống theo Thần Khí, trg.259-260

 

[10] Henri Nouwen, The way of the Heart, trong The only necessary thing, a prayerful life, trg.45

 

[11] Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng, trg.7-9

 

[12] Michel Hubaut,sđd trg.35

 

[13] Michel Hubaut, sđd trg.54-55

 

[14] Michel Hubaut, sđd trg.36-38

 

[15] Anselm Grun, Apprendre à faire silence (học sống thinh lặng) trg.41-42

[16] Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng, trg.39

[17] Cứu Thế Tùng Thư,  Sống theo Thần Khí, trg.156

[18] Cứu Thế Tùng Thư, sđd trg.258

[19] Cứu Thế Tùng Thư, sđd trg. 254

 

[20] Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng, trg.65-68

 

[21] Anselm Grun, Apprendre à faire silence (học sống thinh lặng)   trg.57-59

[22] R. Veritas, Nghĩa cử yêu thương, trg. 13-15

 

[23] Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng, trg.78-82

 

[24] Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng, trg.72-76

 

 

[25] Henri Nouwen, A quality of Heart, trong The only necessary thing, a prayerful life, trg.40

 

[26] Henri Nouwen, Solitude and Community, trong The only necessary thing, a prayerful life, trg.53

 

[27]Henri Nouwen, Making all things new , trong The only necessary thing, a prayerful life, trg.42-45