“Cứ Là Mình!”

print

Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm B 2021

“Cứ Là Mình!”

Lm. Giuse Nguyễn

Vài năm trước đây ca khúc đình đám “Cứ là mình” của Phạm Hoàng Khoa do Karik thể hiện đã làm huyên náo người hâm mộ trẻ với những ca từ thể hiện được tính cách và cái nhìn của người trẻ. Các bạn thích là chính mình, vì: “Đâu phải cứ là bác sĩ, kĩ sư mới là cao quý. Công nhân hay dancer cũng đâu phải nghề lập dị?… đi đường ai nói cứ nói, đường mình mình cứ dị. Cứ làm điều mình nghĩ, sống thật với bản thân. Luôn quan tâm ý kiến bên ngoài nhưng đừng để bị cản chân. Đời mình là của mình, đâu phải của ai”. Xen kẽ những câu ráp đó là điệp khúc: “Cứ là mình, cứ là mình tại sao phỉ nghĩ?!” Biết mình là ai là hành trình đi tìm chính mình và là ơn gọi của chúng ta.

Gioan biết mình là ai. Ông chỉ là tiền hô: “Đi trước Chúa, mở lối cho Người”; và ơn gọi của ông là chuẩn bị con đường cho người ta đến với Đấng Messia; tư cách của ông chỉ là bạn của “chàng rể”, vì vậy thấy chàng rể vui là ông được vui. Hôm nay ông xác quyết rõ ràng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1, 7). Phép rửa mà ông cử hành không nhằm làm cho ông được nổi tiếng, nhưng là để chuẩn bị tâm hồn cho người dân hướng đến với phép rửa đích thực của Đấng Messia. Gioan đã sống thật với chính mình. Vì vậy ông hạnh phúc.

Đức Giêsu đã làm cho Chúa Cha hài lòng sau khi chịu phép rửa của Gioan: “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tấng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 11). Đức Giêsu không có tội, vì vậy Ngài không cần lãnh phép rửa của Gioan là dấu chỉ tỏ lòng sám hối ăn năn; nhưng Ngài đã lãnh nhận vì Chúa Cha muốn như thế để Ngài thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha khi Ngài đứng chung với hàng tội nhân. Đức Giêsu là mình khi sống trọn thánh ý Chúa Cha, vì vậy Ngài đẹp lòng Chúa Cha.

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc nhở cho chúng ta biết mình là ai, phải sống như thế nào và để làm gì?

Căn tính của Kitô hữu là thuộc về Đức Kitô trong ngày lãnh nhận Bí tích rửa tội. Ngày đó gia đình và Giáo hội cho ta món quà vô giá là chẳng những được làm người, mà còn là con Chúa. Vì thế lời kinh cám ơn chúng ta đọc hằng ngày nói lên điều đó: “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời mà lại sinh ra con cho con được làm người cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở con, lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người chuộc tội chịu chết vì con…” Vì thế dù đôi khi quên lãng, nhưng ít ra hôm nay nhắc lại cho chúng ta biết mình là người, mà còn là người con cái Chúa, để dù cuộc đời chúng ta có như thế nào đi chẳng nữa thì “thẻ căn cước” của chúng ta vẫn là công dân Nước Trời.

Quốc có quốc pháp, gia có gia phong. Sống ở đâu cũng phải có luật lệ ở đó. Vì vậy ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa cũng nhắc cho chúng ta sống theo những lề luật của Chúa và Hội thánh, như Giêsu đã sống theo thánh ý Chúa Cha, thì chúng ta mới được trở thành người con yêu dấu của Thiên Chúa. Để rồi theo đạo Chúa không phải như vào một hội nào đó cho vui, nhưng chính là  con đường cứu độ của chúng ta. Vào hội đoàn nào đó thích thì sinh hoạt, không thích thì nghĩ; nhưng đạo là con đường cứu độ, nếu không sống, chúng ta sẽ chết.

Biết được ý nghĩa ngày lễ Chúa Giêsu chiu phép rửa hôm nay, chúng ta phải sống như thế nào?

Trước hết phải nhớ bản chất cao quý của mình không phải chỉ là người tầm thường, nhưng còn phi thường bởi là con cái Chúa. Chính vì thế không được sống cho những giá trị bình thường, thậm chí là tầm thường và thấp kém nữa.

Người ta lấy trứng con đại bàng bỏ vào một ổ gà. Thời gian trôi quà, trứng gà nở thành gà con, trứng đại đại bàng nở thành đại bàng con. Tuy nhiên gà mẹ vẫn xem đại bàng là gà con, đàn gà con vẫn xem đại bàng là gà anh vì nó to hơn những con trong đàn, đại bàng vẫn nghĩ mình là chú gà con. Một hôm đang nhặt những con côn trùng trong sân để ăn, đại bàng lai gà thấy một con vật hình thù giống mình nhưng lại bay vút trên trời cao, săn bắt những con vật to lớn để ăn thịt. Đại bàng lai gà cũng có chút suy nghĩ, nhưng sau đó lại nhủ thầm: thôi mình cũng chỉ là con gà đi trong sân, nhặt côn trùng để ăn, sống qua ngày với mẹ và các em. Bỗng nhiên con đại bàng trên cao sà xuống và nói: này chú em, tại sao chú em lại đi lững thững trên sân, lại ăn côn trùng, chú em là đại bàng nên phải bay lên cao, phải ăn những con vật to lớn. Đại bàng con hỏi lại: Thật không? Không tin chú cứ vỗ cánh bay lên nào! Bạch bạch, bạch bạch… Vài lần như vậy đại bàng bắt đầu cất mình lên khỏi mặt đất và vút lên trời cao. Lúc đó đại bàng mới cảm thấy hạnh phúc vì được sống thật với bản chất đại bàng của mình.

Chúng ta có một giá trị cao quý là con cái Chúa, vì vậy chúng ta không thể sống theo kiểu phàm tục mà phải sống cho những giá trị linh thánh hơn. Phải tự hào về đức tin của mình và sống đâu ra đó đàng hoàng tử tế.

Một bạn trẻ Công giáo nhưng vẫn đi chùa hái lộc cầu may. Bạn bè của bạn ấy nói mày đạo Chúa sao vẫn đi chùa hái lộc cầu may. Bạn ấy hỏi tôi như vậy có được không, đạo nào cũng tốt mà? Tôi nói không, vì mình phải rõ ràng trong đức tin. Đã tin Chúa thì không tin bất cứ thế lực nào khác. Thể hiện đức tin một cách cứng rắn, rõ ràng thì người khác mới nể mình.

Kế đến, đức tin là ơn ban của Chúa cùng với sự nổ lực của con người. Chúa đã ban, phần còn lại con người phải nổ lực, nghĩa là lo sống đạo cho tốt. Nhưng có những người chẳng còn sống đạo, mà chỉ theo đạo khi dễ dãi, tìm đến Chúa khi được lợi cho bản thân… Đại bàng con phải cất cánh mới bay lên trời cao, nếu không nó mãi mãi là gà. Kitô hữu phải nổ lực sống đạo hằng ngày thì mới được cứu độ, nếu không họ cũng sẽ bị trầm luân muôn kiếp vì không chịu sống theo những gì Đức Kitô và Hội thánh chỉ dạy.

Để nhắc nhở thân phận cao quý của mình, thiết nghĩ mỗi gia đình phải tái lập việc đọc kinh hôm chung với nhau để sự linh thánh vẫn mãi hiện diện khi họ cùng nhau hướng về Chúa. Khi còn hướng về những giá trị linh thánh thì dù cuộc đời chúng ta có như thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn còn một điểm tựa vững chắc, đó là Thiên Chúa.

Gioan Tẩy giả đã sống đúng với bản chất của mình. Đức Giêsu đã làm điều Chúa Cha mong muốn để đẹp lòng Chúa Cha. Kitô hữu cũng được mời gọi tìm về bản chất linh thánh của mình qua Bí tích Rửa tội để nhắc nhở chúng ta biết sống cho những giá trị linh thánh.

Xin Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse cho mỗi người chúng ta luôn có Đức Giêsu trong gia đình như Thánh Gia ngày xưa, để nhờ đó chúng ta được hạnh phúc.