Cuộc Đời Cha Piô

print

THẦY PIÔ

                I

“Đến đây, Francis, mày không muốn chơi sao?”

Đứa con trai nhà quê mảnh khảnh cười nhút nhát, và lắc đầu từ chối lời mời của ba đứa con trai khác lớn tuổi hơn. Chúng khoảng mười bốn tuổi và nổi tiếng là hung dữ, náo động nhất làng.

“Tại sao không?” Một đứa lớn nhất ra đứng chặn đường, hất hàm hỏi. Francis né tránh cái nhìn hăm dọa của nó, và cậu xin tha.

“Thôi, để cho bé đi,” một trong ba đứa vừa chế diễu vừa thúc cù chỏ vào tấm thân gầy yếu của Francis.

Francis cảm thấy đau nhói. Nước mắt lưng tròng, cậu đưa mắt cầu cứu với đứa thứ ba mà nó cũng chỉ đứng nhìn cậu một cách tò mò. Cũng vô ích, cũng chẳng tử tế gì hơn. Cậu thấy có một khoảng trống giữa hai đứa nó nên vội chạy lẻn qua, để lại đằng sau tiếng cười khoái trá của bọn chúng.

Hai đứa lớn la hét ầm ĩ như muốn đuổi theo đứa trẻ xấu số, nhưng đứa thứ ba giơ tay chặn lại. “Thôi tha cho nó. Tụi bay to gấp đôi nó mà.”

Bây giờ chỉ còn một mình Francis lững thững trên đường, và cậu quẹo vào một con dốc nhỏ dẫn đến khu vực nghèo nhất trong làng. Đó là Pietrelcina thuộc tỉnh Benevento ở phía nam nước Ý, mà tám năm trước, ngày 25 tháng Năm, 1887, cậu sinh ra tại đây. Bố mẹ cậu mua được một căn nhà làm bằng đá nghèo nàn, chỉ có một tầng và hai phòng ở số 27 đường Vico Storto Valla. Đó là con đường nhỏ hẹp, gồ ghề, có nghĩa “đường thung lũng ngoằn ngoèo,” luồn qua một khu vực tách biệt hẳn với con phố lớn mà khu vực đó đã trở thành một ngôi làng với những con đường lát sỏi hỗn độn có những căn nhà làm bằng đá nhỏ bé, khiêm tốn, đã xám xịt theo thời gian, với những cánh cửa sổ thô sơ chỉ lớn hơn lỗ châu mai.

 

Khi Francis về đến nhà thì nắng đã chói chang trên con đường Vico Storto Valla. Vào buổi sáng ngay sau khi cậu sinh ra trong căn phòng “kín đáo” phía sau nhà, cậu được rửa tội tại nhà thờ Đức Mẹ Các Thiên Thần và lấy tên thánh là Francesco để vinh danh Thánh Phanxicô Assisi. Việc cậu chào đời cũng không được chú ý lắm. Cũng chỉ là một đứa bé sinh trưởng trong căn nhà tồi tàn thuộc một khu phố nghèo, và đối với cha mẹ cậu, thêm cậu chỉ là thêm một miệng ăn.

Sau này, cộng với người anh của cậu là Michael, lại có thêm ba đứa nữa là Felicia, Pellegrina, và Grazia. Hai đứa nữa, là Francesco và Amalia đã chết sau khi sinh được vài tháng.

“Francis!” mẹ cậu kêu lên cách sửng sốt khi cậu đẩy cửa bước vào nhà. “Con ở đâu vậy?”

Francis thưa, “Con rảo bộ,” và cậu nhận ra rằng mình vắng nhà đã khá lâu. Nhưng cậu không muốn kể cho mẹ nghe về việc mấy thằng du côn trong làng chặn đường.

“Rảo bộ? Những ba giờ đồng hồ? Con nghĩ là mình giầu lắm hay sao để có thời giờ rảo bộ?”

“Thưa mẹ không,” Francis trả lời cách hiền từ, và cậu xin lỗi mẹ. Cậu không vui khi thấy mẹ lo lắng. Trán mẹ cậu đầy những nếp nhăn trên đôi mắt nâu quầng đen, và đôi môi mỏng, nhợt nhạt của bà dường như chưa bao giờ nở một nụ cười. Mớ tóc nâu của bà được búi ra đằng sau càng làm nổi bật những đường nét của một khuôn mặt khắc khổ. Dù bà còn trẻ nhưng lúc nào bà cũng mệt; đời sống của bà thật khó khăn và cậu không muốn làm khổ mẹ thêm nữa.

“Con thấy mấy con chim đẹp quá, mẹ,” cậu lên tiếng, hy vọng sẽ giúp mẹ cậu nghĩ đến những gì dễ thương. “Nó có đôi cánh vàng và bay lượn trên trời như thiên thần, dưới những đám mây, rất gần Chúa.”

Bà không thể làm gì hơn là nở một nụ cười trong ánh mắt rạng rỡ của đứa con. Bà lắc đầu thở dài. Cậu là một đứa con trai hiền lành, và đẹp trai, nhưng thật yếu ớt và thật khác biệt với những đứa con khác. Tương lai của cậu sẽ ra sao?

Tên Maria Giuseppa de Nunzio Forgione là tên thật của bà Giuseppa. Bà lấy ông Orazio Forgione, một nông gia đẹp trai, nước da ngăm đen, với đôi mắt sâu và mớ tóc mầu hạt dẻ sậm. Hai người, cùng với các con cầy bừa trên mảnh đất rộng hai mẫu mà họ tậu được ở cách Pietrelcina không xa lắm. Chồng bà, có khi được gọi là Zi’ Orazio. Zi (bác) và Zia (dì) là những tên thân mật thường được dùng để gọi những người lớn tuổi trong miền nam và trung nước Ý.

Bà Giuseppa để Francis ở nhà trông coi ba đứa em gái trong khi bà ra đồng để giúp chồng và đứa con cả đem rau trái về nhà. “Con phải trông mấy đứa em,” bà nghiêm nghị nói với Francis. “Hôm nay đừng rảo bộ nữa.”

Cậu giấu sự đau khổ trong đôi mắt nâu, lí nhí thưa: “Dĩ nhiên là không, thưa mẹ.” Không bao giờ cậu dám chểnh mảng trách nhiệm.

Trong khi mẹ vắng nhà, Francis đến gần cửa sổ để hưởng những làn gió mát thổi qua khi mặt trời từ từ xuống thấp trên bầu trời mùa hạ ở Pietrelcina. Cậu có thể nghe thấy tiếng trẻ nô đùa cách đó không xa lắm, trong sân nhà thờ nhỏ bé cũ kỹ, được dâng kính Thánh Piô V. Nhưng cậu không muốn tham dự cuộc chơi với chúng. Cậu thấy mãn nguyện khi đứng ở cửa sổ và theo dõi bóng hoàng hôn đổ trên vách tường đá của căn nhà đối diện và làm thâm đen những vết nứt của con đường làng.

Khi Francis nghe thấy tiếng lọc cọc của chiếc xe gỗ được kéo bởi con lừa nâu nhỏ–là tài sản quý báu của gia đình Forgione–thì trời đã nhá nhem tối. Anh của cậu, một người cao và gầy với mái tóc nâu sậm, vừa đi với cha vừa thúc con lừa. Trên khuôn mặt họ đầy bụi và mồ hôi. Phía sau, bà Giuseppa cẩn thận đưa tay giữ cái thúng rau trái đội trên đầu.

“Francis! Ra giúp mẹ,” ông Orazio cất tiếng gọi một cách mệt mỏi. Ông đặt cái cuốc xuống và ra hiệu cho Michael tháo rỡ đống rau trái đầy ắp trên xe.

Sau khi được rửa sạch, mớ rau trái sẽ được đem ra chợ bán vào sáng hôm sau. Ngoại trừ vào mùa đông, từ sáng tinh sương cho đến khi tối mịt, công việc cứ thế tiếp tục, ngày này sang ngày khác, năm này sang năm nọ, không bao giờ ngừng. Họ chia sẻ mảnh ruộng đó với một người bà con để giúp trả tiền thuế, và lúc nào cũng đầy thực phẩm, dù họ làm việc vất vả nhưng trong nhà không bao giờ có dư được năm đồng “lira” (khoảng 1 đô la vào thời đó).

Khi những công việc trong nhà đã gần xong, gia đình Forgione quây quần trong cái bếp mộc mạc, bàn ghế thưa thớt để lần chuỗi Mai Khôi. Như tất cả những người trong làng coi tôn giáo là khởi đầu, cùng đích, và lý do để tồn tại, ông bà Orazio cũng nuôi nấng con cái một cách nghiêm khắc, trung thành của người nông dân đặt Thiên Chúa lên trên hết.

Bà Giuseppa nhìn đứa con trai nhỏ đang quỳ một cách thành kính trên nền đá bên cạnh chiếc bàn gỗ sần sùi. Bà đặt bàn tay rám nắng, chai lì lên mái tóc của nó và vuốt mớ tóc lòa xoà trên trán. Ông Orazio ngồi trên chiếc giường sắt cách đó chừng một sải tay, tạo thành chiếc bóng đen trên bức tường quét vôi trắng trơ trụi. Ông quan sát bà một cách kín đáo khi bà vuốt ve mái tóc đứa con. Chính ông cũng thấy Francis không giống như những đứa con khác. Trong tư tưởng thầm kín, ông cũng nghĩ như bà: Tương lai của nó sẽ ra sao?

II

Vào một buổi sáng tháng Tám, bà Giuseppa thấy con mình ngủ trên sàn đá. Bà gọi, “Francis! Đã đến giờ rồi. Thức dậy đi.” Thân thể của cậu cuộn tròn như trái banh, đầu gối lên cánh tay trắng, nhỏ nhắn. Cậu không ngủ ở trên giường.

“Thưa mẹ,” vừa chào Francis vừa nheo mắt vì ánh nắng buổi sáng dọi vào phòng. Cậu ngồi bật dậy.

“Tại sao mẹ lại thấy con ngủ ở trên sàn nữa vậy.”

“Con cầu nguyện.”

“Con cầu nguyện ở đâu?”

“Con không biết. Lúc ấy trời tối lắm và mọi người đều ngủ cả. Rồi con ngủ thiếp đi.”

Bà vung tay một cách tuyệt vọng. “Mẹ không biết phải làm gì với con. Con không biết là sàn nhà cứng và lạnh lắm không? Con sẽ bị đau nữa đó.” Bà biết cậu dễ bị cảm lạnh, và đã có lần chứng đau bụng và nóng sốt của cậu đã khiến vị bác sĩ phải cảnh giác bà. Nhưng khi không có ai ở trong nhà, cậu đã lấy vài trái ớt trong mớ rau trái của bà và ăn sống, sau đó mọi người đều ngạc nhiên vì ngày hôm sau cậu đã bình phục.

“Mẹ đừng lo,” Francis nói một cách quả quyết. Cậu nhìn mẹ mỉm cười, hy vọng bà sẽ quên chuyện đó.

Bà lẩm bẩm, “Đừng có lo? Làm sao mẹ không lo khi bệnh tật và tử thần đã đến căn nhà này quá thường xuyên?” Bà quay sang đứa con cả đang đứng ở góc phòng, sửa soạn thay quần áo để ra đồng ruộng. Bà khuyến cáo: “Con đừng nói điều này với bất cứ ai. Mấy đứa trong làng sẽ chế diễu Francis đó.”

Michael gật đầu vâng lời. Cậu thầm nghĩ, không hiểu tại sao Francis lại thức giấc vào nửa đêm để cầu nguyện làm gì và ai có thể ngủ trên cái sàn nhà lạnh lẽo này được.

Francis cởi bộ quần áo ngủ để mặc cái quần đen, dài tới đầu gối giống như cha và anh cậu. Cái áo ngắn tay màu trắng của cậu, đã bị sờn vai và theo thời gian đã biến thành mầu cháo lòng, là của anh Michael để lại vì mặc không vừa. Bây giờ Francis đã lớn để có thể theo cha mẹ ra làm việc ngoài đồng áng, và công việc của cậu là đem nước uống cho những người làm ruộng. Vì đó là ngày trước lễ Đức Mẹ Giải Thoát, là đấng đã bảo vệ ngôi làng này khỏi bệnh dịch tả cách đây một thế kỷ, nên mọi người đều vội vã cho kịp công việc.

“Cháu có đi lễ không?” một trong những người lao động hỏi cậu.

“Thưa có,” Francis trả lời cách lễ phép. Không một ai trong ngôi làng 3,000 người, kể cả Francis, dám nghĩ đến việc bỏ lễ. Đó là lúc vui sướng của những nông dân–là khi họ có thể tạm quên những giờ mệt nhọc dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời, để ca hát nhảy múa và làm ra vẻ như không có gì đáng lo.

Đời sống của những nông dân siêng năng, hiền lành thật khó khăn và thường thảm khốc. Sự ẩm thấp và điều kiện sống tồi tệ khiến bệnh tật trở nên thường xuyên, và hàng năm lụt lội lại đe dọa ngôi làng, khiến dân chúng và súc vật phải di chuyển đến công trường nhà thờ cách xa những con đường nhỏ hẹp, nguy hiểm. Nhưng họ cũng không biết đi đâu, và mỗi lần lụt lội chấm dứt, họ trở về và bắt đầu lại.

Francis đang mơ màng thì nhận ra một nông dân khát nước đang dùng cuốc để vẫy cậu lại. Cậu nói lớn, “Cháu đến ngay.” Francis không ngại làm việc ở ngoài đồng. Dù cậu rất chóng mệt, nhưng nó đem cho cậu cơ hội để nhìn ngắm cánh đồng lúa vàng, trồng bắp, khoai, và rừng cây ô-liu và cây ăn trái. Đối với cậu, đó là một quê hương xinh đẹp, và cậu vui sướng được ở đây; nó giúp cậu cảm thấy gần gũi với Thiên Chúa.

Vào ngày lễ, các con trai và thanh niên trong làng quây quần thành những vòng tròn trên con đường đá sỏi ở Pietrelcina để nhảy múa với các thiếu nữ. Francis cảm thấy gió như mơn man mái tóc bồng bềnh khi cậu cùng nhảy múa với họ. Một thiếu nữ xinh đẹp, với mái tóc đen dài và chiếc áo đầm mầu vàng nhạt, đang tròn xoe đôi mắt nhìn cậu, và rồi cô cắt ngang vòng tròn đến đứng cạnh Francis, cô xiết chặt bàn tay nhỏ bé của cậu.

Một thanh niên trêu ghẹo cậu, “Coi thằng Francis kìa!”

Francis đỏ mặt nhưng kịp thời trả đũa, “Tại anh xấu xí quá nên không ai thèm nhẩy với anh đó mà.”

Mọi người cùng cười ồ khoái chí. Francis rất nổi tiếng trong bọn họ, vì phong cách lễ độ và trầm lặng của cậu. Về vấn đề phụ nữ, cậu có ảnh hưởng tốt với mọi người, nhất là những người trẻ phóng túng và cứng đầu. Chính họ cũng biết là cậu không giống như những người khác. Từ nhà hay từ cánh đồng, họ có thể nhìn thấy cậu lững thững một mình, băng ngang qua bãi cỏ, trèo lên một đỉnh núi gần đó và ngồi hàng giờ cầu nguyện. Họ không hiểu điều đó, nhưng họ chắc rằng những giờ cô độc đó hẳn phải có một ý nghĩa gì.

Bà Giuseppa và ông Orazio quan sát cậu thật kỹ. Cậu tìm cách tách ra khỏi vòng tròn để tránh tiếp xúc với người thiếu nữ trong chiếc áo đầm vàng nhạt.

Ông Orazio nhìn vợ, và dù không nói một lời họ như đồng ý với nhau một điều gì. Ông nhớ lại điều mà người hàng xóm đã từng nói với ông, khi Francis đang chăn cừu và sự cô độc như trùm lấp lấy cậu trong vẻ đẹp của thiên nhiên ở chung quanh; “Hãy nhìn vị thánh nhỏ của ông kìa.”

“Nó không thuộc về chỗ này,” có tiếng nói sau lưng ông Orazio. Don Salvatore Pannullo, một linh mục trong xứ và cũng là người bà con xa với gia đình Forgione, gật đầu chào ông Orazio và choàng tay lên vai ông. Cha Don Salvatore là người cao lớn, bệ vệ với mái tóc nâu, và đôi gò má đỏ ửng.

Ông Orazio hỏi, “Cha muốn nói gì?”

Cha Don Salvatore cười, “Tôi muốn nói Francis có việc tốt hơn để làm.”

“Tôi không biết có gì tốt hơn.”

“Hắn biết,” vừa nói Cha Don Salvatore vừa chỉ tay về Francis đang lầm lũi trên con đường dẫn ra khỏi phố. “Ông có biết là đã có lần Francis nói với tôi là nó muốn làm linh mục dòng Phanxicô không?”

Bà Giuseppa giật mình. “Nó nói với cha khi nào vậy?”

“Tôi nghĩ là khi nó năm tuổi.”

Ông Orazio mỉm cười, gật đầu. “Có lần nó thấy một tu sĩ dòng Capuchin và nói với tôi là nó muốn trở thành một tu sĩ với hàm râu dài.”

Mọi người phá lên cười vui vẻ.

III

Một ngày kia, Francis thưa với cha: “Con muốn làm tu sĩ.”

“Tốt lắm,” ông Orazio trả lời và tư lự đôi chút, “nếu con học giỏi, cha sẽ giúp con trở thành một tu sĩ, nhưng không phải tu sĩ đi ăn xin. Những tu sĩ đi xin ăn chỉ được vài người chào đón, nhưng thường thì họ đóng cửa vào mặt, và có khi người ta lại xua chó đuổi họ.”

Cho đến khi chiến tranh, các thầy Capuchin, là các thầy hay trợ sĩ thực sự chứ không phải linh mục, thường đi xin ăn với cái bị trên vai. Một trong ba nhánh độc lập của dòng Phanxicô là dòng Capuchin được sáng lập bởi Matteo da Bascio năm 1525 để phục hồi một quy luật của Thánh Phanxicô Assisi, và trở nên một nhà dòng lớn thứ tư thế giới về số linh mục và các thầy. Có khi họ để râu, mặc áo mầu nâu thắt giây lưng trắng, đi dép, và gắn liền với chiếc áo là một cái mũ trùm đầu nhọn hoắt (cappuccio)–bởi thế họ được gọi là Capuchin.

Lòng hăng hái muốn đi tu của Francis đã khiến ông bà Orazio phải đối phó với một vấn đề quan trọng: làm thế nào có thể dạy con để trở nên một linh mục khi họ quá nghèo? Họ biết rằng để gia nhập một chủng viện, nền giáo dục vững chắc là điều cần thiết, và điều đó rất tốn kém.

Ông Orazio bắt đầu bàn hỏi với gia đình và bạn hữu về việc từ giã Pietrelcina để tìm một công việc khác hầu kiếm tiền cho Francis ăn học.

Ông nói với bà Giuseppa, “Rất có thể tôi sẽ đi Naples hay Rôma”, nhưng sau cùng ông chọn sang Hoa Kỳ vào mùa xuân tới.

Đó là một ngày vừa vui vừa buồn cho gia đình Forgione. Mặc dù ước mơ của Francis sẽ trở thành sự thực, nhưng mọi người đều cảm thấy lưu luyến ông Orazio.

Vào ngày ông ra đi, bà Giuseppa đứng lặng buồn với năm đứa con, như đã cảm thấy sự cô đơn trùm lấp. Bà lặng lẽ thúc giục từng đứa đến chào tạm biệt ông.

Francis thì thầm, “Con sẽ cầu xin với Chúa cho ba,” và đôi mắt buồn thảm, sâu đen của ông Orazio đã đong đầy nước mắt.

Hàng tuần ông Orazio đều đặn gửi về cho bà Giuseppa năm đô la. Cùng với những người khác cũng quê quán ở Pietrelcina, ông tìm được một việc lao động, làm đường rầy xe lửa, ở Jamaica, Queens, ở Nữu Ước.

Bây giờ bà Giuseppa đã có thể nói với Francis, “Con sẽ bắt đầu đi học.”

Francis vui mừng biết bao, cậu gần như muốn khóc vì sung sướng.

Vì các trường ở miền nam nước Ý thì ít mà lại đông học sinh nên bà Giuseppa cho con theo học một thầy dạy tư, là ông Don Domenico Tizzani, một người tu xuất ở Pietrelcina. Đối với những người trong làng ông nổi tiếng là một thầy giáo giỏi, nhưng sau một thời gian rõ ràng là không có tiến bộ. Dường như Francis có trở ngại với ông. Cậu thường đến nhà thờ dự lễ trước khi đến lớp, và cậu cũng là người đầu tiên đến nhà thờ sau khi tan học và trước khi về nhà.

Một ngày kia, ông Don Domenico thẳng thừng than phiền với bà Giuseppa, “Francis mất quá nhiều thì giờ để đi dự lễ mỗi buổi sáng. Tôi nghĩ nó nên trở về với công việc đồng áng thì tốt hơn.”

Bà Giuseppa lặng người và sững nhìn ông. “Ông không nói đùa chứ?” Bà khẩn khoản, “Chúng tôi làm việc vất vả, và chồng tôi phải hy sinh sang Hoa Kỳ làm việc. Tôi biết Francis muốn đi học. Xin ông kiên nhẫn với cháu. Tôi sẽ bảo cháu.”

Francis phản ứng một cách tức giận với lời than phiền của ông Don Domenico: “Thế ông ấy bảo cái đầu con không tốt à? Còn ông ấy thì sao? Đầu ông ấy không nói cho ông biết là ông ấy đang sống trong tội à?”

Bà Giuseppa thở dài, không biết phải làm sao, nhưng trong sự hiểu biết đơn giản của bà thì Francis chắc chắn phải theo học một thầy khác. Bà đến với Giáo Sư Angelo Cavacco, nhưng ông do dự nhận Francis làm học trò vì ông có nợ tiền bạc với Don Domenico Tizzani. Một cách tuyệt vọng, bà Giuseppa cầu khẩn với anh rể của Cavacco là người nói rằng nếu Cavacco không chịu nhận dạy Francis thì ông ấy sẽ không bao giờ để vợ mình, là chị của Cavacco, đến nhà ông này nữa. Cuối cùng Giáo Sư Angelo phải chịu thua.

Mọi sự tiến triển tốt đẹp, và Francis được khởi sự học toán. Cậu tỏ ra thông minh và sẵn sàng học hỏi một cách chăm chỉ. Không bao lâu, cậu học cả văn phạm Ý và La Tinh.

Cavacco nói với bà Giuseppa, “Con của bà không bao lâu sẽ dạy cả tôi nữa.”

Bà thật hân hoan và vội chạy đến nhà Cha Don Salvatore để nhờ viết lá thư báo tin vui cho chồng.

Khi ông Orazio nghe tin, ông đã trả lời một cách hoan hỉ, “Bây giờ mọi sự sẽ đâu vào đó.”