Đại dịch Covid-19 và tội lỗi môi sinh của chúng ta

print

Đại dịch Covid-19 và tội lỗi môi sinh của chúng ta

Vào giữa tháng 4, một nhà sinh vật học đã quay một đoạn video cảm động về một con sứa đang lướt qua dòng nước sạch trong với những suy tư về những địa điểm nổi tiếng của Venice, thành phố của Ý vốn từng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Venice đã trở nên hẻo lánh vắng vẻ kể từ khi nước Ý bị đại dịch tàn phá vào ngày 9 tháng 3. Đoạn video về loài sứa này đã lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội và một số người đã cảm thấy hết sức phấn chấn khi thiên nhiên đang dần lấy lại thành phố.

Venice, một di sản thế giới, được mệnh danh là một trong những thành phố lãng mạn nhất châu Âu nhờ các địa điểm tham quan về môi trường, kiến trúc và văn hóa. Di sản của nó cũng đã trở thành một gánh nặng khi ước tính có khoảng 30 triệu khách du lịch ghé thăm mỗi năm.

Venice đã thở hổn hển khi nước trong các kênh rạch của nó trở nên đục ngầu do sự chuyển động không ngừng nghỉ của những chiếc thuyền siêu tốc và tàu du lịch. Ngoài ô nhiễm do du lịch, chất thải hóa dầu từ khu công nghiệp Porto Marghera gần đó cũng đã bị đổ lỗi do việc làm hỏng hệ sinh thái của nó.

Cách đó hàng ngàn dặm, bãi biển thành phố Cox’s Bazar của Bangladesh cũng đã trải qua một sự hồi sinh tự nhiên kể từ khi đất nước này bước vào giai đoạn cách ly xã hội trên phạm vi cả nước do Covid-19 vào ngày 26 tháng 3.

Sau nhiều năm, cá heo đã được phát hiện đang lượn tung tăng trên Vịnh Bengal gần những bãi biển vắng người vào tháng Tư. Sagorlota (vẻ rực rỡ của bãi biển vào buổi sáng), một thành phần quan trọng của hệ sinh thái bãi biển, đã trở lại và phát triển mạnh mẽ. Loại thảo mộc này được cho là đã tuyệt chủng ở Cox’s Bazar do sự di chuyển không kiềm chế của khách du lịch, sự ô nhiễm và công trình xây dựng các tòa nhà dọc theo các bãi biển.

Mặc dù Cox’s Bazar không thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài, nhưng đây là điểm đến phổ biến nhất đối với khách du lịch Bangladesh, những người chẳng mảy may quan tâm đến các bãi biển với những đụn cát trải dài nhất thế giới và bỏ mặc chúng chìm ngập trong rác rưởi.

Sự thiết lập lại tự nhiên ở Venice, Cox’s Bazar và nhiều nơi khác trên thế giới có thể là một trong số ít những khía cạnh tích cực trong thời điểm khó khăn lớn này đối với thế giới.

Coronavirus và tình trạng suy thoái môi trường

Chúng ta đổ lỗi cho ai với một cuộc khủng hoảng mà chúng ta chưa từng thấy trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất?

Những ngón tay lần lượt chỉ vào Trung Quốc vì virus được cho là có nguồn gốc từ một khu chợ bán đồ tươi sống ở thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc.

Có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ biết được điều gì đã thực sự gây ra thảm họa mang tầm cỡ quốc tế này, hoặc nó có thể vẫn chưa được giải quyết giống như bí ẩn của Tam giác quỷ Bermuda.

Ngay cả khi khu chợ bán đồ tươi sống tại Vũ Hán bị đổ lỗi, thế giới không thể phủ nhận vai trò của mình trong việc không ngăn chặn được việc giết hại các loài động vật hoang dã và chim muông để làm thức ăn và thuốc men trong nhiều năm ở Trung Quốc và nhiều nơi khác trên thế giới.

Trong nhiều năm qua, sự tấn công của loài người không chỉ giới hạn ở động vật hoang dã mà còn nhắm vào hầu hết mọi khía cạnh của tự nhiên. Chúng ta tiếp tục phải trả giá. Tình trạng nhiễm nặng nề của không khí, đất đai và các nguồn nước bị quy cho 9 triệu ca tử vong mỗi năm, khoảng 16% tổng số ca tử vong.

Nhưng chúng ta đã không thay đổi và tiếp tục bám vào nỗi ám ảnh của chúng ta với thứ văn hóa tiêu thụ và sự phát triển kinh tế tàn nhẫn với cái giá phải trả của hệ sinh thái.

Thật khó có thể không đồng ý với những chuyên gia cho rằng có thể có mối liên hệ trực tiếp giữa các đại dịch như Covid-19 và tình trạng suy thoái môi trường. Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã phá hủy các khu rừng và tham gia vào hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp khiến con người tiếp xúc gần gũi với động vật hoang dã và từ từ tạo điều kiện cho một thảm họa lớn.

Ở nhiều quốc gia thế giới thứ ba chẳng hạn như Bangladesh, chỉ một số ít người tin rằng sự phát triển và việc bảo tồn tự nhiên có thể song hành với nhau. Vì vậy, nạn phá rừng, việc xâm lấn sông ngòi và cướp bóc vơ vét các loài động vật hoang dã là rất phổ biến.

Gạt bỏ các cuộc biểu tình trong và ngoài nước, Bangladesh đã tiến hành xây dựng hai nhà máy đốt than gần khu rừng ngập mặn Sundarbans nổi tiếng, một động thái gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường và động vật hoang dã.

Những bóng ma của những hành vi sai trái liên quan đến môi sinh của chúng ta đã quay trở lại ám ảnh chúng ta. Tổ chức Y tế Thế giới gần đây đã cảnh báo rằng coronavirus mới có thể không biến mất hoàn toàn khỏi thế giới, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không được tha thứ vì tội lỗi chống lại tự nhiên trong tương lai gần.

Tồn tại hay không tồn tại

Năm 2015, Thông điệp ‘Laudato si’ mang tính đột phá về môi trường của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gọi hành động gây ô nhiễm là một “tội lỗi” và đồng thời chỉ trích “những sự phát triển vô trách nhiệm” vốn gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với môi trường.

Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng nhắc nhở chúng ta về những điều chúng ta thường lãng quên: “Khi nói về môi trường, chúng ta thực sự muốn nói đến mối tương quan tồn tại giữa thiên nhiên và xã hội đang sống trong đó. Không thể xem thiên nhiên như một thứ tách rời khỏi bản thân chúng ta hoặc như một bối cảnh thuần tuý để chúng ta sống trong đó” (Laudato si’, số 139).

Chúng ta thường xuyên không nhận ra chúng ta cũng là một phần của tự nhiên và việc làm tổn hại thiên nhiên có nghĩa là chúng ta đang hủy hoại bản thân và mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên.

Ngay cả trước khi Covid-19 xuất hiện, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thảo luận về những “tội lỗi sinh thái” trong Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Amazon vào tháng 10 năm ngoái. Ngài thậm chí còn gợi ý về việc cập nhật sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo để thêm vào định nghĩa về “tội lỗi sinh thái”.

Những lời kêu gọi mạnh mẽ và đầy nhiệt huyết của Đức Giáo hoàng Phanxicô về việc chấm dứt nền văn hóa thải loại và tình yêu đối với thiên nhiên đã gây được tiếng vang trên khắp thế giới, nhưng vẫn còn một vấn đề về việc thế giới đã chú ý hay thay đổi như thế nào và bao nhiêu.

Trong nhiều năm, Liên Hợp Quốc đã không nỗ lực đủ để giải cứu hành tinh của chúng ta khỏi tình trạng ô nhiễm và suy thoái mặc dù đã có một loạt các hội nghị về vấn đề biến đổi khí hậu, và không thể kêu gọi sự tham gia của hai quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Công việc tiên phong của cựu phó Tổng thống Mỹ Al Gore về vấn đề biến đổi khí hậu đã được đánh giá cao trên toàn cầu. Cộng đồng quốc tế đã không giải quyết thỏa đáng “tình trạng khẩn cấp của hành tinh” đang ngày càng gia tăng mà ông đã cảnh báo.

Lời kêu gọi của nhà hoạt động môi trường Thụy Điển Greta Thunberg đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới đấu tranh cho công lý khí hậu, nhưng vẫn còn phải xem những nỗ lực của nhà hoạt động này có thể mang lại tác động bao nhiêu.

Không có bất cứ thứ gì – không có cuốn sách, tài liệu, bài phát biểu hay hội nghị tuyệt vời nào – có thể đủ để giải cứu môi trường trừ khi chúng ta thay đổi tâm hồn và xem bản thân là một phần của tự nhiên.

Một ngày nào đó đại dịch coronavirus sẽ kết thúc. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có quay trở lại cuộc sống bình thường khi con người thay đổi với tình yêu với thiên nhiên và động vật hoang dã. Nếu không, con sứa bơi tung tăng tại Venice sẽ không còn nữa và vẻ rực rỡ của buổi sáng trên bãi biển Cox’s Bazar sẽ lại biến mất.

Lịch sử và các thế hệ tương lai sẽ không tha thứ cho chúng ta vì đã để lại phía sau một hành tinh tồi tệ hơn bị ảnh hưởng bởi đại dịch và vấn đề biến đổi khí hậu.

Minh Tuệ (theo UCA News)