Dẫn Nhập Tin Mừng Theo Thánh Mát-Thêu

print

Dẫn Nhập Tin Mừng Theo Thánh Mát-Thêu

 

GẶP GỠ CHÚA GIÊSU NƠI TIN MỪNG MÁTTHÊU

I. Một Cái Nhìn Tổng Quát

Để có thể hiểu được Tin mừng Mát-thêu, trước tiên chúng ta cần biết: Tin mừng là gì? Mát-thêu là ai? Tin mừng Mát-thêu viết khi nào, viết cho ai? Mục đích của Tin mừng Mát-thêu là gì? Tin mừng được phân chia theo bố cục như thế nào?

1.Tin mừng là gì?

Thuật ngữ “Tin mừng” theo cách hiểu thông thường có nghĩa là tin vui, tin tốt lành. “Tin mừng” không phải là một bộ sách, một tác phẩm, nhưng là một thông điệp hay một lời công bố tốt lành. Điều này được diễn tả rất rõ ràng trong văn hoá Hy-lạp. Người Hy-lạp dùng thuật ngữ “euaggelion” (tin mừng) khi loan tin thắng trận, khi công bố với thế giới về việc một thái tử chào đời.[1]

Trong truyền thống Kinh Thánh, bản LXX dùng động từ euaggelizesthai (loan báo tin mừng) liên hệ đến việc công bố chiến thắng của Ít-ra-en hoặc của Thiên Chúa (Is 52,7). Từ này còn có nghĩa là lời công bố các hành động hiển vinh của Thiên Chúa. I-sai-a dùng thuật ngữ này để nói về việc loan báo ơn cứu độ cánh chung.[2] Trong Tân ước, chính Chúa Giê-su đến để loan báo Tin mừng về sự giải thoát, về ơn cứu độ. Đối với Thánh Phaolô, euaggelion có nghĩa là tin mừng về ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô (1 Tx 1,5; 1 Cr 15,). Chúa Giêsu chính là Tin mừng cứu độ. Người kiện toàn Tin mừng cứu độ trong cái chết và sự phục sinh của Người.

2. Mát-thêu là ai?

Trước hết, chúng ta biết được tác giả qua chính tác phẩm. Mát-thêu là một người thu thuế (x. Mt 9,9) trong Nhóm Mười Hai. Mác-cô và Lu-ca gán cho người thu thuế này cái tên Lê-vi. Truyền thống Kitô giáo thế kỷ II đã dứt khoát quả quyết tông đồ Mát-thêu ấy chính là tác giả Tin mừng theo thánh Mát-thêu.

3. Tin mừng Mát-thêu được viết khi nào?

Sau khi các giáo đoàn tiên khởi được thành lập (năm 30-60), từ năm 60 trở đi, các giáo đoàn khác nhau cùng một lúc bị bách hại và khủng hoảng nội bộ. Thêm vào đó, các tông đồ bị bách hại và bị giết chết, thế nên một vài đấng hữu trách cảm thấy rằng cần phải soạn Tin mừng hầu giải đáp cho những khó khăn nơi các cộng đoàn. Các cộng đoàn lúc này không thể dựa vào các chứng nhân trực tiếp sống cùng thời với Chúa Giê-su nữa vì đa số đã chết. Họ cần phải vịn vào những truyền thống rải rác hình thành sẵn trong các thập niên trước. Trong số các Tin mừng được soạn thảo hồi bấy giờ, Giáo hội thế kỷ II chỉ công nhận bốn tác phẩm: Mác-cô, Mát-thêu, Lu-ca và Gioan. Có nhiều học giả cho rằng Tin mừng Mát-thêu viết vào khoảng những năm 80-90.[3]

4. Tin mừng Mát-thêu được viết cho ai?

Đối tượng mà tác giả Tin mừng Mát-thêu nhắm tới phần lớn là những người tín hữu trong cộng đoàn gốc Do-thái, những người vẫn trung thành với truyền thống lẫn lối sống của cha ông. Tuy nhiên, trong số họ có những Kitô hữu muốn bỏ Kitô giáo để quay trở lại với Do-thái giáo. Thêm vào đó, trong cộng đoàn của Mát-thêu cũng có các Kitô hữu gốc dân ngoại và đa số sẵn sàng bác bỏ Cựu ước và Lề luật Mô-sê, cho rằng quá lỗi thời. Mát-thêu muốn sửa sai khuynh hướng này, đăc biệt cụ thể nhất là qua Bài giảng trên núi.[4]

5.Mục đích của Tin mừng Mát-thêu là gì?

Qua những trình thuật, những diễn từ về cuộc đời và lời giảng dạy và hành động của Chúa Giê-su, Thánh sử Mát-thêu muốn làm hiện thực hoá khuôn mặt của Đấng Cứu Tinh theo một cách độc đáo riêng của mình. Trước hết, ở giữa một cộng đoàn đang mong đợi Đấng Mê-si-a sẽ đến, Thánh sử Mát-thêu muốn khẳng định Chúa Giê-su Na-da-rét là Đấng Mê-si-a (Đấng được xức dầu) đích thực. Chúa Giê-su là Đấng mà Thiên Chúa hứa ban cho Dân Người. Tuy nhiên, Đấng Mê-si-a phải trải qua đau khổ, chết và phục sinh để giải thoát muôn dân. Quả thật, Mát-thêu muốn hiện tại hoá Chúa Giê-su đang sống ở giữa cộng đoàn. Đức Giê-su mang Thiên Chúa đến cho con người. Nơi Chúa Giê-su, Thiên Chúa luôn hiện diện với dân Người: Em-ma-nu-el (Thiên Chúa ở cùng chúng ta).[5] Nơi Đức Giê-su, Nước Trời hiện diện nơi trần thế.

Thêm vào đó, Thánh sử Mát-thêu còn chỉ cho cộng đoàn biết Đức Giê-su là Đấng kiện toàn Lề luật. Người là chìa khoá để giải thích Lề luật và các Ngôn sứ. Người kiện toàn Lề luật qua cái chết và phục sinh của mình. Đức Giê-su là Đấng mà toàn thể Kinh Thánh tìm thấy sự viên mãn.

Sau cùng, Tin mừng Mát-thêu còn diễn tả một cách rất độc đáo về tính phổ quát của Giáo hội. Một Giáo hội cho tất cả mọi người không phân biệt Do-thái hay Dân ngoại. Qua đó đặc tính phổ quát của Giáo hội, Thánh sử quảng diễn tính phổ quát của ơn cứu độ. Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho hết mọi người, thế nên Tin mừng phải được loan báo cho muôn dân.

6. Bố cục

Bố của của Tin mừng Mát-thêu có thể được nói là được xây dựng xoay quanh năm bài giảng của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, cao trào của Tin mừng nằm ở trình thuật về cuộc thương khó: cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.

1. Giai đoạn một: Mở đầu sứ vụ: Con Người và Huyền nhiệm Giê-su (1,1-4,16)

a. Thời thơ ấu của Chúa Giê-su (1,1-2,23)

b. Gioan Tẩy Giả và Chúa Giê-su (3,1-4,16)

2. Giai đoạn hai: Chúa Giêsu công bố Nước Trời (4,17-8,17)

a. Hoạt động của Chúa Giê-su (4,18-25)

b. Bài giảng trên núi (5,1-7,27)

c. Hoạt động của Chúa Giê-su (7,28-8,17)

3. Giai đoạn ba: Chúa Giêsu thi hành sứ vụ Nước Trời (8,18-12,21)

a. Hoạt động truyền giáo của Chúa Giê-su (8,18-10,5)

b. Bài giảng về sứ vụ (10,5b-42)

c. Các cách tiếp nhận sứ vụ của Chúa Giê-su (11,1-12,21)

4. Giai đoạn bốn: Chất vấn về nguồn gốc của Chúa Giê-su (12,22-16,20)

a. Chúa Giê-su đụng độ với các biệt phái và kinh sư (12,22-50)

b. Bài giảng bằng dụ ngôn (13,1-52)

c. Phêrô tuyên xưng đức tin (13,53-16,20)

5. Giai đoạn năm: Hành trình lên Giê-ru-sa-lem (16,21-20,34)

a. Loan báo thập giá (16,21-17,27)

b. Bài giảng về Hội Thánh (18,1-35)

c. Quyền hành và phục vụ (19,3-20,34)

6. Giai đoạn sáu: Sứ vụ tại Giê-ru-sa-lem (21,1-25,46)

a. Chúa Giêsu vào Giê-ru-sa-lem (21,1-22)

b. Chúa Giêsu trong đền thờ (21,23-23,39)

c. Bài giảng về cánh chung (24,1-25,46)

II. Suy niệm và thực hành

1. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện nơi cộng đoàn và nơi cuộc sống của chúng ta. Người vẫn tiếp tục ban lời cứu độ cho chúng ta.

2. Nơi Chúa Giê-su, đời sống của chúng ta luôn được làm mới.

3. Chúng ta được mời gọi trở nên những người thợ Tin mừng. Chúng ta được mời gọi ra đi để làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa.

4. Quyết tâm đọc Tin mừng Mát-thêu một cách trọn vẹn.

III. Giới thiệu chủ đề tuần tiếp theo: Nguồn gốc của Chúa Giêsu (xem Mt 1-2)

**********

[1] Xem Lm. Fx. Vũ Phan Long, Tìm Hiểu Tin Mừng Nhất Lãm, Nxb. Đồng Nai, 2021, tr. 5.

[2] Xem Lm. Fx. Vũ Phan Long, Tìm Hiểu Tin Mừng Nhất Lãm, Nxb. Đồng Nai, 2021, tr. 5-6.

[3] Xem Raymon E. Brown, An Introduction to the New Testament, New York: Doubleday, 1997, tr. 172; xem Lm. Fx. Vũ Phan Long, Tìm Hiểu Tin Mừng Nhất Lãm, Nxb. Đồng Nai, 2021, tr. 69.

[4] Xem. Claude Tassin, Tin Mừng Thánh Matthêu: Chú giải Mục vụ, Centurion, 1991, tr.12.

[5] Xem Lm. Vinh-sơn Mai Văn Kính, Đến Gặp Đức Giêsu Kitô Nơi Các Tin Mừng, Nxb. Đồng Nai, 2020, tr.17.

Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh

Tổng Giáo phận Hà Nội