Dạy Em Ngoan Đạo – Abbé G. Courtois Ch.3-4

print

Dạy Em Ngoan Đạo – Abbé G. Courtois

Ch.3-4

 

III. THỰC HÀNH.

  1. Thuật chỉ huy.
  2. Tập các em cầu nguyện.
  3. Thuật nói với trẻ em.
  4. Tổ chức cho trẻ em chơi:
  5. Tập các em hát:
  6. Nghệ thuật cổ vũ.
  7. Nghệ thuật quở mắng.
  8. Thuật xử phạt
  9. Luyện tập đức Bác ái
  10. Huấn luyện lòng trung thực.
  11. Huấn luyện lòng dũng cảm.

IV. MẤY LỜI KHUYÊN THỰC HÀNH.

28. Tiên liệu.

29. Ngân quỹ.

30. Sức khoẻ hàng đầu.

31. Thích nghi

32. Tinh thần phẩm trật

33. Không ngã lòng.

 

III. THỰC HÀNH

17. Thuật chỉ huy

“Không vì nhu cầu có chỉ huy mà người lãnh đạo được sáng giá, song là cách thức ông điều hành công việc” (Foch).

Nếu chỉ huy chỉ là ra lệnh thì vai trò của chỉ huy không khó. Làm cho lệnh được tuân hành, đó là mấu chốt của vấn đề.

Trước hết, chỉ huy phải biết chính xác điều mình muốn, sau đó mới ra lệnh với ý chí cương quyết phải tuân hành. Không vậy trẻ em sẽ không tiếp nhận, và không kể chi lời chỉ huy ban bố.

Khi ban bố điều gì, bạn phải nói với giọng điệu chắc nịch bảo đảm sẽ được tuân hành.

Đừng ra lệnh với giọng điệu van xin. Không khi nào được ăn xin sự vâng lời.

Phải sắp xếp để không bao giờ nói lại nhiều lần cùng một điều lệnh. Để được vậy, chỉ ra lệnh khi trẻ em ở trong tư thế nghe rõ, hiểu đúng và có thể chấp hành ngay.

Để biết được các em đã nghe rõ và hiểu đúng nên bắt các em nhắc lại.

Chỉ đòi buộc những điều hợp lý. Chẳng hạn như bắt các em ở lặng lâu mà không có chăm sóc và gây hứng thú, làm thế là huỷ hoại quyền bính.

Cũng tai hại không kém khi kéo dài quá đáng một sinh hoạt kể cả cuộc chơi, đã làm các em thấm mệt.

Không đặt ra quá nhiều điều cấm. Hãy chọn lựa và ấn định một số nhỏ rõ ràng cần thiết, và quyết định phải nắm giữ nghiêm chỉnh.

Chỉ đòi tôn trọng các khoản luật căn bản cách không khoan nhượng, ngoài ra nên dành đất cho sự tự do các nhân phát triển.

Để dễ gây niềm vui cho đoàn đội, chính là sự tự do cá nhân liên hiệp với kỷ luật tập thể.

Một sự cố gắng, kể cả sự hy sinh nữa sẽ được chấp nhận vui vẻ, nếu ngay từ đầu nó được đề ra như một điều kiện khả dĩ cho cuộc chơi được diễn tiến tốt đẹp, hay cho một ngày được trôi chảy lành mạnh.

Buổi đầu đã phóng khoáng rồi thì sau hết đường ổn định lại.

Tránh ra lệnh cấm bao nhiêu có thể. Vì khi cấm việc gì là làm nảy sinh ý tưởng ước muốn làm điều cấm ấy.

Mấy tỉ dụ:

– Đừng nói: không được chơi gian 

– Hãy nói: chơi cho thành thật

– Đừng nói: trong nhà thờ không được quay ngang

– Hãy nói: nhìn thẳng vào nhà chầu

– Đừng nói: không được đánh nhau       

– Hãy nói: luôn sống hoà nhã và hành động như con nhà có giáo dục      

– Đừng nói: không được ở dơ

– Hãy nói: ở sạch sung sướng chừng nào

– Đừng nói: không được đến trễ

– Hãy nói: ráng đến nơi trước 5 phút.

Một phương thức khác nữa là với giọng điệu vui vẻ trình bày điều cấm với tính cách hạn chế hơn là cấm đoán.

Mấy tỉ dụ:

– Đừng nói: cấm trèo cây và leo tường

– Hãy nói: chỉ em nào có văn bản cho phép mới được trèo cây

– Đừng nói: không được nhặt trái rụng

– Hãy nói: phải có phép ông giữ vườn mới được nhặt trái rụng

– Đừng nói: thầy cấm các em chơi giỡn trên đường lộ

– Hãy nói: các em được chạy chơi ở đâu tuỳ thích, nhưng chỉ đến đầu đường lộ thôi. Thầy không nói là trên đường lộ, vì trên đường lộ xe cộ đi lại. Rủi xảy ra tai nạn, tội thầy phải hốt em đã banh thây đem về cho má.

Để dễ dàng chiếm được sự đồng tình của trẻ em về nỗ lực bạn muốn các em thực hiện, bạn cứ tưởng như sự việc đã được giải quyết xong, để rồi làm bừng sáng lên trong các em hình ảnh con người các em sẽ rất đẹp khi biết tự thắng để thi hành.

Tỉ dụ như: “Đây là cách ta có thể làm để hành động như một tinh binh của Đức Kitô”.

Một phương cách khá tốt làm cho trẻ em ham điều bạn thích là gợi lên trong các em những ham muốn lành thánh, bày tỏ cho các em lý tưởng có thể thành đạt, phấn khích các em hăng say thích thú.

Trong thâm tâm em nào cũng có chút máu anh hùng, ta cần nại đến mỗi khi muốn giúp các em tự vượt thắng.

Khi muốn khuyên nhủ, kể cả khi phiền trách các em, bạn luôn nghĩ đến những tính tốt đang nảy mầm trong các em mà bạn muốn cho chúng triển nở:

Thay vì trách một em: đồ làm biếng, vô tâm, bất tài…

Bạn nên nói: “Đây là dịp may để em tỏ ra là người có lòng tốt”. “Tôi biết em có bản lĩnh rất hay”. “Tôi tin chắc, nếu muốn em sẽ rất dễ thương, ai cũng phải ngỡ ngàng”.

Luôn đặt mình vào hàng ngũ các em.

Tỷ dụ như:

Thay vì nói: “Các em phải làm việc này”.

Nên nói: “Chúng ta cùng nhau làm việc này”.

Thay vì nói: “Vào nhà thờ các em phải im lặng”.

Nên nói: “Chúng ta để phải im lặng khi vào nhà thờ”.

Trẻ em không cần làm tất cả những gì em muốn. Nhưng bạn phải giúp em thế nào cho em muốn những gì em làm.

Đừng đối xử với trẻ em như một đối phương, nhưng luôn là một cộng tác viên.

Không nên hạ giá một em vì em đã vâng lời. Đừng khi nào nói: Thầy biết rốt cục rồi em cũng phải quy phục thôi.

Nên lợi dụng thể hệ sự nhất trí của tập thể:

– Hôm nay chúng ta nhất trí chơi tử tế.

– Chúng ta là người có kỷ cương.

– Chúng ta biết ở lặng những khi cần.

– Chúng ta yêu thương nhau như Chúa yêu thương ta.

– Chúng ta là người biết tôn trọng trật tự.

– Chúng ta luôn đúng giờ.

– Chúng ta lúc nào cũng tươi vui…

Để được sự im lặng:

Thay vì quát: Im lặng. Ta nên la lớn một lời nào để các em ứng lại tự nhiên.

Tỷ dụ như ta la lớn: “con ngoan của Chúa”

Các em ứng lại: “im lặng”

Hay là để ngón tay phải lên miệng tỏ dấu im lặng, tay kia chìa đồng hồ ra coi xem sau mấy giây sự im lặng được tuân hành. Khi im lặng rồi bạn nói: “Chúng ta đã mất 15 giây mới im lặng được. Lần sau chúng ta ráng chỉ mất 3 giây thôi…”.

Để làm cho các em nhất trí ở lặng, bạn có thể nói: “Lúc này ai chúng ta cũng biết phải im lặng”. Thế rồi bạn phải nắm luôn lấy sự chú ý của các em, mà kể chuyện hay nói gì ngay. Nói nhỏ nhẹ, ta sẽ thấy sự im lặng được nhân lên gấp đôi.

Cũng nên khích lệ sự ganh đua tập thể bằng một động tác nào đó. Cách này cũng dễ làm các em vui và chăm chú.

Chẳng hạn như trong căn phòng có hai hàng ghế có thể đứng lên quỳ xuống được. Bạn nói: Bây giờ chúng ta thi đua xem bên nào đứng lên quỳ xuống êm ả nhất. Rồi ta lấy tay làm hiệu cho mỗi bên lần lượt đứng lên quỳ xuống và cho các em nhận xét.

Để tập hợp, bạn nên theo cách thức của Hướng đạo, tập cho các em xếp hàng dọc, xếp hình tròn, hình cánh cung hay hình chữ U, tuỳ theo nhu cầu đòi hỏi.

Tập hợp được báo trước bằng hiệu còi để các em thôi chơi và chú ý. Hiệu còi thứ hai, các em chạy đến địa điểm tập hợp, xếp theo hình nào thì nhìn dấu chỉ ở người chỉ huy. Tiếng còi có thể theo nhịp chạy của các em, hoặc cho các em hát bài đã quen thuộc.

Người điều khiển đứng chỗ nào cao hơn và quay vào các em. Thấy các hàng, đội đã tạm ổn, anh thổi còi một cái TOÉT: Lệnh im lặng. Các em đứng ngay như tượng.

Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng kỷ cương quá gắt quá cứng theo kiểu nhà binh. Mặc dầu có khi cần phải nghiêm chỉnh như trong buổi diễu hành, tập thể dục thể thao, hoặc tham gia một nghi lễ nào vv… vì thái quá giờ cũng giảm lợi ích.

Tinh thần gia đình luôn giúp các em thêm sáng kiến và tự do. Óc sáng tạo và tự do ấy được đánh giá bằng sự các em cảm nhận mình có trách nhiệm làm cho cuộc tập họp được hoàn hảo.

Đừng chịu để cho lệnh của bạn bị đôi co ở nơi chung. Nếu một em đã tỏ ra bất bình ở nơi chung như thế, thì bạn có thể chắc rằng đã có nhiều ý kiến phản kháng được tập trung.

Bạn cần được các em nói ngay nói thật, nhưng nói riêng: “Em nào có chuyện muốn nói với tôi, thì mời đến gặp riêng tôi”. Nếu cùng lúc nhiều em đến, phải gặp riêng từng em một.

Đừng doạ nạt khi bạn chưa tính đến việc có thể thực hiện được hay không. Cũng đừng hứa thưởng khi bạn đã chủ ý không cho. Lời hứa là một vật thánh, và các em bén nhạy về sự công minh, sẽ bị cụt hứng, và bị gương mù khi nhận ra nơi bạn có triệu chứng lừa đảo, mặc dầu chỉ vì một mục đích tốt.

Sức mạnh của ta không phải ở kỷ luật, cũng không phải ở phương pháp chế phục các em. Nhưng là trong cuộc sống, trong nguồn sinh lực từ thâm tâm. Không phải ta đào luyện các em, song ta hướng dẫn các em sinh hoạt để tự nguyện, hầu vui vẻ thực hiện điều Chúa chờ đợi nơi các em.

 

18. Tập các em cầu nguyện

Sứ mạng của bạn là đưa các em đến với Chúa. Đối với các em nếu Chúa mới chỉ là một ý tưởng lờ mờ, hoặc chỉ là một người xa lạ, thì kể là bạn chưa làm được bao nhiêu việc.

Phải làm cho các em nhận thấy Chúa là người bạn cao quý. Ngài biết các em, yêu thương từng em, và với Ngài các em có thể tâm tình tự sự được.

Nên nhấn mạnh cho các em câu định nghĩa về lời cầu nguyện mà chính một em đã nói ra: “Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa”. Muốn nói chuyện với ai, trước tiên phải nhìn vào người ấy, nên trước khi cho các em cầu nguyện, bạn phải dắt các em đối diện với Chúa.

Cũng nên để ý thái độ bên ngoài. Có thể nói với các em:

– Các em cẩn thận, chúng ta sắp nói chuyện với Chúa.

– Chúa đang trông nhìn chúng ta.

– Các em khoanh tay lại, nhìn vào Nhà Chầu, tượng Chúa chịu nạn, hay tượng Thánh Tâm Chúa…

Hoặc bằng một cách khác: “Các em nghĩ đến Chúa đang ngự trong các em. Các em nhắm mắt thể xác lại để nhìn Chúa bằng mắt tâm hồn…”.

Nên cho các em đọc ra tiếng một kinh nào. Coi chừng các em đọc quá nhanh, quá lớn cách vô tâm vô trí.

Hướng dẫn các em chậm rãi, sẽ sàng, ngưng một giây sau mỗi phần kinh, khi cần nên kéo dài việc ngưng này, nhất là buổi đầu. Đừng ngại bắt các em lặp lại kinh đã đọc không nên.

Đừng cho các em đọc kinh khi chưa giải nghĩa cho các em trước.

Đừng đọc kinh dài, lâu. Các em sẽ mệt và hết hứng thú cầu nguyện.

Sự thường cho đến 12 tuổi, chưa cho các em một lúc đọc 10 kinh Kính Mừng.

Một phương cách tốt nhất là cho các em lặp lại, khi thì lớn tiếng khi thì sẽ sàng, những lời nguyện tắt đơn sơ ngắn gọn vừa tầm trí các em. Chẳng hạn như:

Lạy Chúa Giêsu, con biết Chúa đang ở đây, trong Nhà Chầu.

Lạy Chúa Giêsu, con tin kính Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, con trông cậy Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, con muốn mến thương Chúa hơn nữa.

Xin cho con biết vâng lời.

Xin cho con biết sống can đảm.

Xin cho con biết thương giúp bạn bè.

Xin Chúa chúc lành cho Ba Mẹ con.

Xin Chúa chúc lành cho Thầy Cô con.

Xin Chúa chúc lành cho người già cả neo đơn, người bệnh hoạn tật nguyền và người nghèo khổ.

Để tập cho các em cầu nguyện tự phát, bạn thử sử dụng mấy cách sau đây:

Bảo các em nhắm mắt, đầu hơi cúi. Sau khi đã nhận định Chúa hiện diện và sẵn sàng nghe các em, bạn bảo các em lặp lại nhỏ tiếng các lời nguyện bạn cầu xin thay cho các em.

Cần để ra một vài phút cho các em kịp nhắc lại lời nguyện bạn gợi cho các em. Lúc này nên dùng số ít thay cho số nhiều.

Chẳng hạn như: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết con mến thương Chúa nhưng con muốn mến thương Chúa hơn nữa. Xin ban ơn giúp con không làm phiền Chúa bao giờ. Con muốn làm vui lòng Chúa luôn bằng cách làm vui lòng bạn bè con…”.

Thỉnh thoảng bạn nên nói với các em: “trong mấy phút này không nói gì cả, nhưng các em làm thế nào cho Chúa Giêsu cảm thấy các em đang yêu mến Chúa hết lòng”.

Hay là khi đã làm cho các em nói: “Lạy Chúa, con muốn làm vui lòng Chúa”.

Bạn nói thêm: “Các em phải nghĩ xem hôm nay có thể làm gì cho Chúa được vui lòng”. Sau một hai phút bạn nói tiếp: “Tôi tưởng là các em đã tìm thấy việc phải làm, vậy các em nói sẽ, hứa với Chúa thế nào hôm nay cũng làm việc ấy”.

Điều can hệ hàng đầu là lời cầu nguyện của trẻ em phải thực là tiếng nói của con tim, chứ không phải lời đọc trên môi miệng. Đã hẳn cũng phải tập cho các em đọc kinh, nhưng không đọc như cái máy.

Chẳng hạn đừng bắt chước vị tu sĩ kia, để chuẩn bị cho cuộc du hành, nói với các em: “Các em hãy xin thánh Giuse cho ngày mai trời tốt”. Nhưng sau đó, không suy nghĩ gì cả, ông cất tiếng đọc kinh Kính Mừng… Dầu trong lời cầu nguyện, cũng phải có lôgích một chút. Các em bén nhạy hơn ta tưởng.

Trong chương trình tập các em cầu nguyện, nên nhấn mạnh về kinh tối. Trước khi lên giường ngủ, các em quỳ bên giường, nói lời xin Chúa tha thứ tội lỗi phạm trong ngày. Xin Chúa gìn giữ em và toàn thể gia đình qua đêm bình an. Làm dấu thánh giá đơn, kép, trang nghiêm cẩn thận.

Một điểm can hệ cao hơn nữa là làm thế nào cho các em có cảm nghĩ xác đáng về thánh lễ đối với các em.

Nếu Chúa Giêsu tái diễn trên bàn thờ lễ dâng trên thập giá chính là để các em được diễm phúc hoà hợp của lễ các em với của lễ của Chúa. Của lễ ấy Chúa cần có để áp dụng công ơn Chúa cứu chuộc cho các em.

Giải thích cho các em hiểu ý nghĩa các nghi thức trước lễ: từ ca nhập lễ đến kinh Tin Kính. Theo tâm lý, các em coi là hệ trọng những gì chính là lấy làm hệ trọng.

Nên giúp các em chú trọng nhiều hơn đến phần Dâng lễ, Truyền phép và Hiệp lễ.

Ở phần Dâng lễ, lưu ý các em hợp lòng với chủ tế dâng lên Chúa những lao nhọc vất vả trong ngày. Và cùng với chủ tế xin Chúa nhận lễ vật này để tôn vinh danh Chúa, và mưu ích cho các em cùng toàn thể Hội Thánh.

Cũng cần nhấn mạnh ý nghĩa tượng trưng của giọt nước hoà tan trong rượu.

Trong kinh nguyện Thánh Thể, nhắc nhớ các em hợp với chủ tế cầu nguyện cho Hội Thánh, cho mọi người đã qua đời, trong số có ông bà cha mẹ anh chị của các em. Cũng cầu cho tất cả chúng ta còn tại thế được sống đẹp lòng Chúa như Đức Mẹ và các thánh để được cùng với các Đấng ấy ca ngợi và tôn vinh Chúa muôn đời.

Trước khi Truyền phép, chuẩn bị các em nhìn lên Mình Máu Thánh Chúa khi chủ tế nâng Mình và Chén Thánh lên, đồng thời các em đọc thầm lời nguyện tắt đã được chọn trước.

Sau khi Truyền phép, nhắc các em theo dõi lời nguyện của chủ tế để dọn mình rước lễ, nếu không thực sự thì cách thiêng liêng.

Rước lễ rồi giúp các em cám ơn Chúa. Lúc này không nên cho các em đọc kinh hoặc hát ngay.

Sau ít phút cám ơn, cầu nguyện, nên cho các em đọc một vài thánh vịnh có nội dung chúc tụng ngợi khen cảm tạ.

Mỗi nghi lễ, kinh đọc, bài hát đều phải được giải thích rành rẽ để tất cả đều nên của nuôi lòng đạo đức các em, nên nguồn sáng soi tâm trí các em.

Cho các em tham dự giờ chầu Thánh Thể cũng rất có lợi. Nhưng phải tránh sự quen lờn sinh nhàm chán.

Để được vậy phải chỉ định mục đích giờ chầu. Chọn bài hát có nội dung hợp với mục đích ấy, hẳn là khi hát lên đồng thời các em cũng cầu nguyện.

Dành ra mấy phút giúp các em tâm tình với Chúa về mục đích giờ chầu, hoặc dẫn giải một câu Kinh Thánh nào chỉ dạy các em sống tốt hơn.

Chặng đàng Thánh Giá cũng là nguồn ơn phúc và giúp các em hồi tâm, miễn là khéo ứng dụng cho độ tuổi các em.

Mấy điểm cầu lưu ý:

a) Không để các em ở nguyên một chỗ, mà cho các em đi đến từng nơi.

b) Xướng rõ danh xưng mỗi nơi. Diễn tả đôi điều vừa tầm các em hiểu, không phăng quá đáng, hoặc dùng từ ngữ không chỉnh. Kết thúc bằng một ước nguyện đơn sơ thực tại.

Tỷ dụ như: Chúng ta cùng xin Chúa đã chịu khổ nhiều vì chúng ta giúp chúng ta sống mạnh mẽ hơn.

Hoặc là: Chúng ta cùng nhau cam kết với Chúa sẽ cố gắng hơn vv…

  1. c) Có thể ở lặng một vài giây, rồi đọc một ý nguyện: Lạy Chúa Giêsu đã thương yêu chúng con nhiều, xin ban cho chúng con ơn biết mến thương nhau hơn.
  2. d) Không đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, kẻo quá lâu.
  3. e) Từ nơi này sang nơi kia, nên hát một điệp khúc có nội dung cảm thương Chúa, hoặc sám hối ăn năn.

 

19. Thuật nói với trẻ em

Nói với trẻ em phải đơn sơ, không tìm văn chương lợi khẩu.

Từ ngữ của trẻ em rất hạn hữu, nên chỉ dùng từ ngữ các em có thể hiểu được. Gặp từ ngữ mới lạ, phải giải thích.

Phải sống động.

Thay vì đổi giọng nói: nói bằng nét mặt, bằng cử điệu cũng như bằng đôi môi.

Luôn tránh kiểu nói lố bịch buông thả. Nó sẽ giảm sự trân trọng phải có đối với lời bạn và con người của bạn.

Đừng quên rằng trẻ em nghe bằng mắt cũng như nghe bằng tai.

Nhìn thẳng vào các em thính giả: mắt trong mắt. Nên đứng nơi nào để nhìn rõ các em và các em nhìn rõ bạn. Đứng cách hàng đầu chừng mấy thước, không vậy các em sẽ mỏi cổ, không nhìn lên bạn lâu được. Các em cúi mặt xuống, tức là không còn nghe bạn nữa.

Nếu các em quay lưng ngang, lí lắc thì lỗi ấy tại bạn nhiều hơn tại các em. Vì nó chứng tỏ bạn chưa gây hứng thú được cho các em.

Không giảm nhẹ những gì bạn muốn nói: các em có thể lãnh hội và nhận định sắc bén hơn ta tưởng. Nhưng với điều kiện là phải trình bày rõ ràng bằng ngôn từ các em biết và hiểu được.

Khi nói về việc đạo, bạn còn lý do nữa để tin tưởng, đó là tin Chúa, các em đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội.

Nên nhớ rằng trẻ em luôn căn cứ vào lời ta nói cho các em.

Thỉnh thoảng nên cắt quãng để cho tất cả các em nhắc lại một câu nào ngắn mà bạn cho là quan trọng.

Trẻ em cùng lúc không thể thâu nhận được nhiều tư tưởng trừu tượng.

Một ý được nhắc lại bằng nhiều cách khác nhau, được diễn tả bằng một việc cụ thể, rồi từ đó rút ra một kết luận thực hành. Nếu lại được điểm thêm một hai chuyện thiết thực, sẽ có hiệu quả chắc chắn nơi các em hơn một bài giảng lưu loát.

Kêu gọi các em chú ý là tốt. Làm thế nào cho các em chú ý còn tốt hơn. Nhà giáo dục đầy kinh nghiệm có tài làm các em tự tình chú ý.

Muốn gợi sự chú ý nơi các em, luôn khởi đầu bằng một câu chuyện nhỏ. Câu chuyện càng gần gũi các em, càng có sức thu hút sự chú ý của các em.

Để được linh hoạt giữa các em, đừng bao giờ diễn giảng một bài đã thuộc lòng. Giá nào cũng tập cho quen ứng biến, hoặc ứng biến đã trù bị sẵn.

Khi người ta đã tín phục một tư tưởng, đã thấu đáo và nhập nhiễm tư tưởng ấy. Và nhất là khi người ta si mê, đồng thời cũng muốn người khác si mê tư tưởng ấy, thì làm sao lại không tìm ra được những từ ngữ thích đáng để truyền đạt, chia sẻ và làm cho họ hứng thú.

Ráng cập nhật hoá đường lối giáo dục của bạn. Ứng dụng tất cả mọi bước tiến của khoa sư phạm hiện đại. Làm thế nào cho các điều bạn dạy đi vào đời sống các em, chứ không chỉ bám sơ qua vào đầu óc, hầu thấm nhiễm tâm hồn các em, khiến các em tự học sống theo cung cách mới.

Thay vì chết mệt trong những bài dạy luân lý trừu tượng, bạn nên kể thêm chuyện Kinh Thánh cả Cựu Ước và Tân Ước. Các vấn đề tín lý và luân lý cần truyền đạt cho các em đều có ở trong tay. Bạn có thể nắm chắc nghe chuyện Kinh Thánh các em cũng hứng thú lắm, ấy là chưa kể đến ơn riêng biệt thường đi kèm với chuyện Kinh Thánh.

Đối với trẻ em, đạo không chỉ là tổng hợp các chân lý trừu tượng phải tin, các giới răn phải giữ, các điều cấm kỵ phải lánh xa, các nghi lễ phải tham dự mà thôi. Song đạo phải thiết thực với trẻ em: đó là sống thân tình với Chúa Giêsu, Đấng biết rõ từng em, yêu thương từng em, và tiếp giúp bạn bè là những người Chúa Giêsu yêu.

Không phải cứ nói với các em: vì mọi nơi mọi đời người ta đều tin sự Chúa hiện hữu, là tức khắc các em tin. Vì có thể ba các em là người không tin, hay sống như người không tin, nên chứng lý nêu trên sẽ không vững.

Tuỳ theo mức độ ta đặt các em tiếp xúc với Chúa Giêsu, sống theo lối sống của Ngài mà đường lối giáo dục của ta được mang danh là Kitô.

Mấy ý tưởng ta cần nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại, là những ý tưởng nền tảng của đức tin như sau:

– Thiên Chúa biết ta, nhìn thấy ta, yêu thương ta từng người một.

– Chính từ Thiên Chúa ta nhận lãnh tất cả những gì làm ta nên hiện hữu. Nên đúng ra ta phải sinh lợi tất cả những ơn đã lãnh nhận cho Chúa và cho tha nhân (vì những gì ta làm cho tha nhân, Chúa kể như làm cho chính Người).

– Chúng ta cần, mà Chúa lại tế nhị làm ra như Chúa cần ta.

– Chúa dựng nên ta không chỉ là những tạo vật, những kẻ tôi đòi, song là bầy con của Người.

– Chúng ta không chỉ là con của ba mẹ mà thôi, song còn là con của Thiên Chúa nữa.

– Kitô hữu không chỉ là người đọc kinh, tham dự thánh lễ, dâng cúng… Song là người trên sân cỏ, ngoài đường phố, cũng như trong nhà thờ, nơi gia đình, ở trường học phải hành động như người của Chúa Kitô.

– Ở trần gian ta không chỉ lo cứu rỗi linh hồn mình, cho mình khỏi lửa đời đời, mà còn phải cộng tác vào việc cứu rỗi toàn thể nhân loại.

 

20. Tổ chức cho trẻ em chơi:

Sự thường trẻ em đánh giá người lớn theo cách thức họ quan tâm đến những gì các em vui thích. Nên bạn phải thiệt tình quan tâm đến việc vui chơi của các em. Bạn cũng nên coi việc đó là quan trọng nữa, vì nhờ đó uy thế và ảnh hưởng của bạn được tăng thêm.

Phải làm sao cho các em cảm thấy sung sướng được ở trong tổ chức. Trong đoàn thể bạn gây dựng. Bạn hãy tin vào giá trị của trò chơi.

Trò chơi là một bận bịu hàng đầu, và thu hút các em hơn hết. Nên vui chơi có ảnh hưởng lớn trong việc đào tạo các em.

Một cuộc chơi có tổ chức làm triển nở nơi các em nhiều đức tính quý báu về kỷ cương, về chú tâm, về lanh trí, về tự chủ và chịu đựng.

Các em thường hết mình với trò chơi các em thích. Khi đóng vai của cảnh sát, của tên trộm như là các em thấy trong trí tưởng tượng, hay do các chuyện trộm cắp các em còn nhớ khi đọc sách báo hoặc xem trong truyền hình.

Vậy tại sao bạn không lợi dụng trò chơi như một phương tiện làm sống lại những chuyện thánh? Trong Tân – Cựu Ước, cũng  như trong giáo sử và lịch sử hiện đại có rất nhiều đề tài vừa đẹp vừa quý.

Một trò chơi được chuẩn bị kỹ, hợp cảnh, được phê phán cẩn thận sẽ là một bài học thường thức các em dễ thấm nhuần, và nhờ trí tưởng tượng tự mình các em dễ sống theo đó.

Tuy nhiên phải để ý đừng để trò chơi chỉ là trò chơi. Lợi dụng trò chơi cho một chủ ý, nhưng đừng lạm dụng.

Chính bạn phải thu thập nhiều trò chơi ứng dụng cho nhiều hoàn cảnh khác nhau và chỉ bảo các em cộng tác viên, các huynh trưởng biết nữa.

Một cuộc chơi chỉ lý thú khi các người tham dự đều thông suốt luật chơi, khi các phe hiện diện đồng đều về cơ may thắng cuộc, và khi người trọng tài tinh thông, minh chính không để xảy ra sự tranh cãi.

Nhắn nhủ các cộng sự viên và các huynh trưởng thận trọng trong cuộc chơi, nhưng không nghiêm ngặt. Khi có sự tranh cãi, hãy lấy tình bác ái, tinh thần thể thao mà làm hoà dịu những khiếu nại hợp lý của bên mình.

Tập cho các em biết kỹ thuật thắng và nghệ thuật thua. Cổ vũ các em đã chiến đấu dũng cảm, tuy có thua, và khích lệ các em hoan nghênh bên thắng.

Nên tán thành những cuộc đấu giao hữu. Nhưng dè dặt về những buổi tranh tài lớn có tường thuật kết quả trên báo chí. Vì lúc ấy các em dễ mất cái thú vị cho chính mình về cuộc chơi, và như thế có thể thiệt hại cho các em và cho công trình giáo dục của bạn.

Một lối chơi hấp dẫn các em nhiều, thành tạo sở thích và đức tính các em là lối chơi kịch tính.

Chọn lựa kịch bản và tập luyện các em biểu diễn là nhân tố làm nên công trình giáo dục. Nên phải loại bỏ những gì tầm thường, thô tục, gây ảnh hưởng xấu.

Những bản kịch đạo, những thánh sử đều là dịp cho một cuộc hội học về đạo khá tốt. Cũng nên xen vào những pha hài hước. Nên chọn những pha có nhiều ý vị, và các diễn viên nhắm tặng khán giả một pha giải trí lành mạnh hơn là tìm những tràng pháo tay.

Luôn lưu ý đến các em có khiếu hơn. Vì các em dễ bị cám dỗ biểu diễn quá phăng đến rởm.

Đừng quên rằng: bạn quan trọng hoá việc gì thì các em cũng đồng quan điểm với bạn. Nếu thấy bạn quá bận bịu về sân khấu, các em sẽ tin chỉ có sân khấu mới đáng kể.

Trong tất cả những gì liên hệ xa gần đến sân khấu, bạn phải hết sức khôn ngoan, đừng để bị lôi kéo vào những chi phí quá đáng.

Đừng tìm vượt thắng bạn bè lân cận, hoặc qua mặt ông bạn cũng cùng sở thích. Làm thế bạn có nguy cơ kiệt sức, và sớm muộn sân khấu sẽ chiếm hết sinh động của bạn và của con cái bạn.

 

21. Tập các em hát:

Hãy tin vào giá trị giáo dục của ca nhạc.

Không gì tạo thành sự đồng lòng trong tập thể bằng ca nhạc.

Ca nhạc biểu lộ linh hồn của tập thể, đồng thời cũng rèn luyện linh hồn ấy nữa.

Để tập hát, phải biêt rành rẽ bài hát ấy. Lý tưởng là biết thuộc lòng đến độ không cần bản. Tuy nhiên cũng nên có bản sẵn trước mặt, vì không ai tự phụ là không có lúc quên.

Một phương pháp tốt giúp các em thích tập hát là chính mình hoặc nhờ người khác hát bài đó cho các em nghe. Hát thế nào cho các em cảm thấy thú vị và ham muốn tập hát được bài ấy.

Sau đó đọc cho các em thuộc lời, ít là điệp khúc, rồi tập cho các em hát từng câu đúng giọng đúng điệu.

Để ý nhiều đến nhịp điệu. Đừng loáng thoáng thế nào cũng được. Không gì khó bằng chỉnh lại một giai điệu đã bị hỏng.

Nếu cần cũng nên bắt các em im lặng hoàn toàn để chú tâm nghe bạn. Lúc ấy bạn hát chính xác rạch ròi như rót vào tai các em.

Khi không phải là ca đoàn, tưởng không cần xướng âm. Lời cũng gợi cho nhớ nhạc, và tốt hơn là một lúc học cả hai.

Đừng chỉ dạy cho các em thuộc một phần bài hát, mà phải thuộc cả bài.

Nếu chính bạn điều khiển các em hát, bạn đòi các em để mắt xem bạn, để tai nghe bạn. Cần nhất bạn đừng nói năng gì, nhờ cử chỉ, điệu bộ và dáng dấp, bạn có thể làm cho các em cảm xúc được bài hát.

Bạn nên kỹ lưỡng luyện các em hát đúng cung, đúng giọng, đúng điệu nữa. Các em rất có khả năng thưởng thức và hiểu hiện các điểm son ấy, cần bạn nhắc chút thôi. Nhờ số đông các em dễ làm nổi các nhịp êm nhịp mạnh của bài hát, khiến các em dễ xúc cảm, đồng thời cũng làm cảm động luôn khán thính giả.

Đừng làm mệt các em về cùng một bài hát:

– Lúc đầu: giới thiệu và phác thảo.

– Tiếp đến: tập điệp khúc và một tiểu khúc.

– Sau cùng: học thêm các tiểu khúc và chú ý đến nhịp điệu.

Ngoài ra cũng nên thay đổi bài hát: Ca lý tưởng – ca hài hước – ca hành khúc vv…

Có điều không thể tưởng, đó là người dễ dàng tập các hát bài nhiều bè, cả với các em không học xướng âm. Từng bước người ta luyện cho tai các em thêm tinh tế và phát triển nơi các em cảm thức tốt.

Phải để ý đừng bao giờ thái quá: trong nhà thờ, ở phòng học hay tại các buổi dạo chơi, không nên hát liên tục. Mệt sẽ dễ sinh nhàm chán.

Vì thế mạnh của ca nhạc, bạn nên nhân số các ca viên, nghiêm chỉnh chọn lựa các bài hát. Thường thì các em ít cảm thức ý nghĩa lời ca hơn là cảm xúc về nhịp điệu bài hát.

Luôn tìm chọn bài hát có lời mang một ý nghĩa gì. Bạn ráng dẫn giải cho các em hiểu nghĩa các lời ấy. Các em sẽ hát có ý thức hơn và cũng được ảnh hưởng tốt hơn.

Khi tổ chức một cuộc xuất du, bạn hãy dự kiến một số bài hát mọi người đều đã thuộc lòng: bên hát điệp khúc, bên hát tiểu khúc.

Dầu sao khi lên cao, xuống dốc hoặc đi hàng một kéo dài thì không nên hát.

 

22. Nghệ thuật cổ vũ

Nên để ý cổ vũ các em, bằng cách tin tưởng ở các em nhờ khám phá thấy năng khiếu nơi các em.

Cần bạn tin tưởng nơi thiện chí và thiên hướng của trẻ em. Điều tốt được ước định, điều xấu thì phải chứng minh.

Được bạn tin tưởng, năng khiếu của em sẽ được gia cố, và em cảm thấy có bổn phận sống xứng đáng với điều bạn tin tưởng.

Sự tin tưởng tác động nơi trẻ em kiểu như một ám thị: “Người ta tin là tôi tốt, hẳn là vì sự tốt có trong tôi, nên tôi phải sống hết sức tốt”. Trái lại nếu tin là em xấu sẽ gợi cho em làm xấu thật.

Các em thế nào, đón nhận các em y nguyên thế ấy, rồi đào tạo hướng dẫn cải đổi và hoàn thiện các em, nhất là tìm ra năng khiếu và đức tính tốt để rồi giúp các em khai triển.

Khi phê bình các em, mặc dầu chỉ trong nội bộ và bạn tưởng là không có lọt ra ngoài, nhưng bạn đã giảm thiểu ảnh hưởng thuận lợi trên các em, ít có thể hướng dẫn các em làm theo ý mình, và cũng ít hy vọng hoàn thiện được các em.

Nói với một em là đồ nhát gan, rụt rè làm biếng thì cũng như làm nảy sinh nơi em những tật xấu mới chỉ là mầm mống. Nên nói với tính cách khác hẳn: “Em ráng tỏ ra là người can đảm, mạnh dạn chăm chỉ…”.

Thái độ tinh thần gây ảnh hưởng có thể diễn tả qua những câu như: “Em sống tốt, đúng với con người em, nhưng em có thể hoàn toàn hơn nữa, nếu em…”. “Việc em làm khá lắm rồi, nhưng em có thể làm tốt hơn nữa, nếu em…”.

Đừng khi nào để em có mặc cảm thất bại.

Đề cao đúng lúc hành động thiện chí của trẻ em. Giúp em như sờ được đức tính em phải thủ đắc. Làm cho em thấy được bước tiến đã đạt để phấn khích em tiến thêm nữa.

Luôn cho trẻ em một gương mẫu, nhưng không phải bạn hay một em nào khác, song chính là em đó. Chẳng hạn như khi em ngoan khích lệ em sống có những khoảnh khắc quý báu hơn nữa.

Làm thế nào cho các em đã cố gắng và tiến triển thấy được là bạn đã biết các em, và rất hài lòng về các em.

Càng thấy đức tính tốt nơi mỗi em, bạn càng cẩn trọng và khoan hậu đối với các em. Ráng tìm kiếm thì bạn sẽ gặp được những giá trị cả nơi các em coi như là thua thiệt nhất.

Bao nhiêu nỗ lực đã bị tan vỡ chỉ vì trong lúc cần thiết đã không có được sự khích lệ đúng đắn, đã không có được sự cổ vũ thông minh, và đã không có được một tình bạn kích thích lòng can đảm.

 

23. Nghệ thuật quở mắng

Phải dè dặt trong lời quở mắng. Nếu vì muốn đánh mạnh vào đầu óc, vào giác cảm trẻ em để các em khỏi tái phạm, mà thổi phồng quá đáng điều lỗi, sẽ rất tai hại. Vì một là các em bị sai lạc lương tâm: việc không là gì mà hoá thánh trọng tội. Hai là nếu có một nhận thức vừa đủ về sự thật, các em sẽ nghi ngờ về sự hiểu biết của các bạn, và như thế là uy thế của bạn cũng bị thương tổn.

Nếu em phạm lỗi, đừng làm cho em coi đó như là biểu lộ của một tâm trạng, của một khuynh hướng nền tảng trong em, song chỉ là một yếu đuối trôi qua, có thể không trở lại nữa.

Em sẽ tự nhủ: “Khi mà người ta coi tôi là thật thà, can đảm, thì tôi phải thế nào cho lòng chân thành và chí dũng cảm của tôi không bị nghi ngờ”.

Khiển trách cũng phải chọn thời cơ. Đừng mắng khi em đang trong tư thế không lợi dụng được lời mắng. Em sẽ gân lại với bạn, và mang nhiều phức cảm tâm lý.

Chỉ khi nào biết được em đã mủi lòng, lúc ấy bạn làm gì cũng được (lúc này cũng đừng lý luận với em, vì em đã hết lý sự rồi. Nên chờ ít lâu em trở lại bình tĩnh đã). Nên nói riêng với em, chẳng hạn như trước khi chào tạm biệt em. Ráng đạt tới điểm là em tự nhận: dầu sao cũng chưa xứng với lỗi của em. Và bao giờ cũng kết thúc bằng lời khích lệ em: “Nhìn mắt em, tôi thấy em đã hối hận… Ngoài ra tôi còn thấy một điều khác nữa, đó là em rấp tâm sửa đổi. Đối với tôi điều đó không lạ, và tôi còn tin rằng: ngay từ bây giờ em hành động tốt hơn”.

Đừng để tập thể các em chống lại bạn kẻo uy thế của bạn có nguy cơ bị tan biến. Để được vậy, nên tránh kết án tất cả. Đừng nói: “Hôm nay tôi hết chịu nổi các em rồi”. “Tôi không trông làm nên chuyện gì với các em nữa…”.

Giảm thiểu tối đa số các em bị la rầy trách phạt. Vì sự sai phạm và việc trách phạt có tính cách liên đới thường xích các em gần lại với nhau. Như vậy các em cùng chịu với nhau sự trách phạt sẽ liên kết với nhau cách nguy hại… Các em sẽ ủi an nhau, và gặp dịp tiện sẽ khích nhau phản đối và trở thành bướng bỉnh.

Khi cần cảnh cáo chung điều gì, nên nói cho các em nghe rõ rằng không phải mọi em đều như thế… và kết thúc bằng một lời đượm vẻ lạc quan.

Chẳng hạn như bạn nói: “Trong các em có nhiều em đã thực sự cố gắng nhiều, các em đó đã thành công tốt đẹp. Tôi ước mong các em cứ mãi mãi như thế và hết mọi em cũng làm như vậy…”.

Một cách khác: khi tất cả các em cùng phạm lỗi, để tránh cái vẻ đối xử với các em như những phạm nhân, bạn hay hoà mình vào tập thể các em, và dưới hình dạng xét mình, bạn nói lớn tiếng: “Hôm nay chúng ta đã ăn ở không hợp lẽ…”. Nhớ luôn kết thúc bằng lời khích lệ. Tập hợp tất cả sức năng động của các em về một đích cụ thể, một đối tượng phải đạt ngay từ ngày mai để sửa lại điều lỗi phạm hôm nay.

Tránh la mắng các em nơi thờ phượng, nhất là lại lớn tiếng nữa. Một cái nhìn thường cũng nhắc nhở cho các em nghiêm chỉnh lại mà các em đã quên. Khi ra khỏi nhà thờ, em nào phá quấy, hãy đặt em ấy ra một bên.

Khi cảnh cáo một em mà em đó bỏ chạy, bạn đừng đuổi bắt em lại, cũng đừng hô bắt giùm, kẻo nên trò cười cho người ta. Nên nhờ một em bạn nói nhỏ kêu em ấy lại.

Bao lâu lời trách móc chưa phải là tiếng vọng của lời mà chính em tự nhận cho mình từ thâm tâm, thì chưa được việc gì.

Để tránh nguy cơ như chứng nhận số tội nào đó được miễn trách, cần bạn làm cho các em hiểu: một tội phạm tự thú được tha một nửa.

Phải phân minh khi ban bố lời khen thưởng và lời phiền trách. Nên để ý đến thiện chí của các em hơn là hiện trạng bên ngoài của sự việc.

Làm thế nào cho các em cảm nhận được rằng: khi phiền trách các em, thực ra người ta cũng đặt mình vào địa vị các em, nên cũng khổ sở về lỗi lầm đã phạm, về những ơ hờ chểnh mảng. Mỗi thiện cảm phát sinh từ lòng nhân hậu dẫn đưa em tự nhận lời quở mắng là đúng dắn.

 

24. Thuật xử phạt

Không khi nào được đánh trẻ em. Nhưng nó làm cho tôi bực lắm, nhắc bảo nhiều lần rồi mà đâu nó có nghe.

Đó không phải là lý do chạy tội. Nhà giáo dục không có quyền bực tức đến độ mất tự chủ.

Nếu em không nghe bạn, có thể là vì bạn chưa nắm bắt được em, chưa hiểu em, hoặc em chưa hiểu bạn.

Tránh phạt các em đứng áp mặt vào tường, hay ngồi trong góc nhà. Đó là phương pháp phản giáo dục đã lỗi thời.

Nhất là tránh phạt các em ở nhà thờ, bắt các em quỳ ở lối giữa. Lối xử phạt ấy làm em nhục nhã, sẽ vô hiệu mà còn có nguy cơ gây cho em sự oán giận việc đạo.

Khi cần phạt, đừng để em cảm thấy là bạn tức giận. Trái lại phải tỏ cho em nhận ra là bạn rất tiếc phải phạt em, vì em tác hại riêng mình, tác hại cả lợi ích chung nữa.

Trước khi xử phạt, hãy duyệt lại xem em có lỗi thật không. Chẳng hạn như em không vâng lời, có thể là vì em chưa nghe rõ, hoặc vì em đãng trí.

Hãy coi chừng có dư luận cho là bạn bất công. Đừng bao giờ sửa phạt theo sự tố giác.

Định lượng hình phạt tương xứng với tính cách nặng nhẹ của tội phạm, và cân nhắc tội phạm theo phương diện lợi ích của em và của tập thể, chứ không theo sự khó chịu bản thân bạn.

Đập vỡ một viên gạch, đối với bạn đúng là một việc khó chịu, nhưng dầu sao nó vẫn nhẹ hơn lời nói dối và nhẹ hơn một câu chuyện tầm bậy.

Việc sửa phạt của bạn luôn mang tính cách giáo dục và có liên can đến việc lầm lỗi.

Chẳng hạn như trong trại hè, một em không vâng lời, thôi tắm ngay khi đã có hiệu lệnh, thì việc sửa phạt có thể là lần sau không cho em tắm nữa.

Một em khác hoặc vì lơ đễnh hay vì khờ dại vứt giấy vụn, vỏ cam ra nhà, nên tạo cho em cơ hội sửa sai và tự luyện nên người trật tự sạch sẽ, là chỉ cho em phục vụ bạn bè bằng việc nhặt giấy rơi ở sân trong một hai bữa.

Khi vấp phải sự chống đối, bạn khởi sự bằng việc tự vấn xem có phải tại sự vụng về, thiếu chín chắn của kỷ luật vì đã không được giải thích, ít nữa là trong một phần nào đó.

Khi đứng trước một trở ngại không do tự bạn, bạn nên ráng trở ngược nó lại.

Khi phải đối phó với sự cố chấp bạn không có trách nhiệm và đã dàn xếp cũng không khắc phục được, bạn nên hành động quyết liệt hơn, nhưng khôn khéo, và cách ly kẻ phạm lỗi với bạn bè, ý tứ đừng làm nhục.

Cẩn thận tránh việc kết án quá sớm, nên chần chờ cho em nhờ hứa và cố gắng có thể sửa được ít là phần nào.

Bạn nên nhớ: sự sửa phạt vội vã dễ làm thối chí người muốn cải đổi.

Lúc nào cũng vậy, nếu bạn thật có uy thế nơi các em, không cần bạn phải nghiêm phạt: một sự cau mày, một cái nhìn nghiêm nghị cũng đủ vãn hồi trật tự. Nếu các em mến bạn, một sự cảm nhận đã làm phiền bạn, đã làm bạn không hài lòng, cũng đủ cho em biết đã thiết sót bổn phận. Đó chính là việc sửa phạt có hiệu quả tốt nhất.

 

25. Luyện tập đức Bác ái

Bác ái là nhân đức cốt lõi của Kitô giáo. Bạn phải nhấn mạnh về đức ấy. Hướng mọi sinh hoạt về đức ấy. Đức bác ái phải là trung tâm điểm phát sinh mọi phúc lợi. Bạn đừng nản, nếu không, công lao bạn sẽ tiêu tùng.

Luyện tập đức bác ái là phương pháp chính xác nhất để phát huy tinh thần Kitô giáo. Vì tinh thần Kitô hữu được đánh giá bằng hành động bác ái.

Bạn nên tin nhận rằng: nơi trẻ em sẵn có khả năng thâm sâu để thực hiện bác ái. Nhưng rất tiếc khả năng ấy thường bị tính ích kỷ, lòng hận thù và tính hung dữ dập tắt đi. Bổn phận bạn là giáo dục các em biết nhẫn nhục, khoan dung, dịu hiền và chấp nhận.

Luôn nhắc cho các em dấu chỉ riêng biệt của Kitô hữu: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau như Thầy thương yêu các con”.

Tạo bầu khí bác ái huynh đệ giữa các em: cho các em cùng nhau hô: “Ở đây chúng ta yêu thương nhau như Chúa thương yêu chúng ta”.

Nhắc cho các em biết một phương pháp vui chơi cao quý nhất trong đội, là tổ chức ở đâu cũng cho các em ở đấy cùng chung chơi với.

Lần hồi việc cãi cọ đấm đá sẽ bị loại trừ như một gương mù đáng xấu hổ.

Nên cấm tuyệt những biệt danh có tính cách xỉ vả, những lời chế giễu thù hằn, kể cả đối với những người ghét tôn giáo.

Khai triển nơi các em sự sợ hãi về lòng cuồng tín và óc bè phái.

Nên lưu ý không để sự ganh đua trật đường sang cạnh tranh. Tinh thần gia đình là đúng đạo, nhưng không là tinh thần đẳng cấp.

Nhắc cho các em biết đức bác ái trước tiên là tôn trọng tha nhân, của cải và quyền lợi của họ.

Nơi trẻ em sự vô tâm, vô cảm thường là lý do phát sinh tính ích kỷ. Tạo cho các em dịp nghĩ đến người bất hạnh, cách riêng người nghèo hơn các em và các bạn đau bệnh.

Khuyến khích các em bảo trợ một em tàn tật, thay nhau biên thư, tặng quà, đó là hoa trái của lễ hy sinh quý báu.

Phát triển nơi các em đức bác ái truyền giáo.

Để gây dựng tinh thần Công giáo, không gì công hiệu bằng việc ấy.

Bạn rất hữu lý khi nói: “Tổ chức nào mà trong ấy đức bác ái được tôn vinh, tổ chức ấy được Chúa chúc lành”. Và bạn còn đo lường bước tiến tổ chức của bạn theo sự nở rộ của đức bác ái, “Ở đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”.

 

26. Huấn luyện lòng trung thực

Đời em phải luôn trung thực trong lời nói và trong cách ăn ở. Đừng ngại lên án giả hình, và tởm gớm tất cả những gì gian lận, kể cả trong cuộc chơi.

Chính bạn phải nên gương về lòng trung thực chu đáo. Một chút bất chính nơi bạn không những phá huỷ uy thế đạo đức của bạn, mà còn mở cửa cho bao nhiêu những thoái hoá lương tâm ùa vào.

Làm cho các em hiểu: chỉ lừa dối người ta được. Phần Chúa thấu suốt mọi sự, không gì có thể qua mặt Chúa, thì làm sao lừa dối Ngài được. Chuyện Anania và Saphira trong Công vụ Tông đồ còn gây xúc động mạnh nơi các em.

Tỏ cho các em thấy: nói dối là việc đáng tiếc, vì đánh mất quyền được người ta tin tưởng.

“Là thiếu nhi Chúa Kitô, các em phải thật thà. Ai muốn nói dối tôi, hẳn em đó không phải là người bạn quen biết của tôi. Người bạn tôi quen biết là người thuộc đoàn đội ta ai cũng luôn nói thật. Hay có em nào mới nhập đoàn muốn lừa gạt tôi, em đó thật đáng thương. Vì bắt buộc tôi phải nghi ngờ em ấy. Thời gian này, tôi mong được cho biết em ấy đã thật thà như các em khác”.

Gặp em nào thiếu sự thật thà, đừng kết án em ngay là con người gian dối. Nên tránh tổng thể hoá vội vàng. Vì còn phải phân biệt nói dối khách quan hay chủ quan. Đôi khi có em nhút nhát không biết tỏ bày thế nào. Cũng có số em đáng thương vì tự nhiên em hay bịa chuyện. Em ấy chỉ là vật hy sinh của trí tưởng tượng.

Buổi đầu bạn vẫn lợi dụng được khi coi việc nói dối đó chỉ là sự lầm lẫn ngộ nhận. Lúc ấy nên nói với em: “Tôi biết em là người thật thà và không muốn lừa dối tôi, nhưng em có thể tự lừa dối mình. Lần sau em cẩn thận chỉ nói những gì đã biết là chắc chắn”.

Khi khám phá em đã lạm dụng lòng tin của bạn, trường hợp này và chỉ trong trường hợp này thôi, bạn nói cho em biết là bạn rút lại sự tin tưởng nơi em, và từ nay sẽ phải duyệt lại từng điều em nói.

Tập cho các em biết khinh khi trò lừa bịp. Tránh kiểu làm báo cáo ma, tăng số người hiện diện. Tập cho các em biết nhìn thực để nhờ đấy luôn nói thật.

Có một phương pháp khá hiệu nghiệm để phát triển lòng trung thực, nhất là đối với các em Công giáo đã được huấn luyện ít nhiều. Đó là việc xét mình chung trong đội. Mỗi em sẽ tự thú cách thành thực những lỗi luật đội bề ngoài. Sự trung thực tập thể thường gây xúc động khá mạnh, sẽ là khởi điểm cho bước đi lên thực sự về đường siêu nhiên đạo đức của toàn đội.

 

27. Huấn luyện lòng dũng cảm

Bạn hãy tha thiết đến việc đào tạo các em nên người chí khí dũng cảm giàu nghị lực.

Đó phải là một trong các bận tâm chính yếu của bạn. Sau này khi đến tuổi giằng co, cần  phải lựa chọn dứt khoát, các em sẽ nghiêng về cố gắng và tự chủ đã được tập luyện trước.

Khai triển nơi các em lòng ham chịu khó và hiên ngang khi vượt thắng được sự khó:

“Trời đổ mưa. Này các em, ai ngán trời mưa nào? Không ai, hay lắm. Điều đó tôi không lạ. Và để tỏ ra không ngán trời mưa chúng ta cùng ca lên nào…”.

Để tập luyện dũng cảm, không gì bằng gương sáng. Các em theo dõi và đòi hỏi bạn hơn bạn tưởng.

Bạn nên lưu ý đến thái độ cử chỉ bên ngoài. Không than phiền. Trước các em không tỏ vẻ ủ dột, thiểu não, buồn sầu hay thối chí.

Đường lối giáo dục giàu nghị lực là một trong các ơn huệ có tác dụng tốt nơi trẻ em.

Tập cho các em quen chịu đựng. Đã hẳn trường hợp các em ngã bệnh hay bị thương, không chậm trễ đón bác sĩ và chạy chữa cho vết thương khỏi nhiễm độc. Nhưng nên tránh những câu hỏi quá lo lắng, thái độ quá thương hại và những săn sóc quá đáng, kẻo các em nhập nhiễm thói quen lo ngại quá về sức khoẻ, và động một tí cũng hoảng sợ. Một trong những phương cách khá tốt tập luyện các em nên dũng cảm, là giúp các em quen chấp nhận những bất tiện nhỏ mà không kêu ca, và thỉnh thoảng tự ý nhịn ăn kẹo hay từ chối một tiện nghi không cần.

Khai triển cái thú nỗ lực nơi các em bằng cách kêu gọi lòng quảng đại: Vì tình bạn – Vì danh dự  – Vì tự trọng.

– Vì tình bạn: “Ai muốn làm vui lòng các bạn nào? Ô, đông quá, tôi đã biết trước. Vậy thì đây: các em phải hành động thế này…”.

– Vì danh dự: “Có ai lại muốn vừa làm Kitô hữu vừa muốn dối gạt cha sở mình? Hẳn là không. Như vậy tôi tin tưởng ở các em, và do đó mọi việc sẽ tiến hành tốt đẹp”.

– Vì tự trọng: “Các em cho tôi một sự sung sướng được thấy các em sống như người lớn trước mặt các ấu nhi”.

Khi đòi hỏi em một việc biết là khó, bạn cho em vào nhà nguyện một lát, sau đó sẽ trả lời cho bạn.

Bạn nói với em: “Em là một tín hữu nhỏ. Em mến Chúa Kitô nhiều. Em hãy vào bên Chúa, suy nghĩ điều Chúa muốn xin em, trong hai phút thôi. Rồi em tìm gặp tôi”.

Làm thế nào cho các em thưởng thức được niềm vui khi vượt thắng được khó khăn, nhờ đó em sẽ nên trưởng thành.

 

IV. MẤY LỜI KHUYÊN THỰC HÀNH

 

28. Tiên liệu

Khi một việc diễn tiến không tốt, tiên vàn hãy nhận tội mình trước khi đổ lỗi cho ai. Hoặc tự mình thiếu khả năng, hoặc thường hơn tự mình thiếu tiên liệu.

Không tiên liệu là căn nguyên phát sinh tai hại làm mình khổ và người khác phải khổ theo.

Chỉ huy là phải tiên liệu: phòng hoạ hơn là chữa hoạ.

Trước khi cho các em vào phòng hội, phải chỉnh đốn lại các hàng ghế. Ghế không thẳng hàng, các em vào dễ gây lộn xộn.

Tổ chức xuất du phải dự liệu trước: số các em tham dự, giờ và điểm khởi hành, đường đi, nơi đến, phương tiện di chuyển sinh hoạt theo mục đích đã chọn. Trò chơi, hát, chuyện… giờ về.

Tiên liệu còn là dự đoán các phản ứng tâm lý trước một loan báo hay một quyết định nào đó.

Chẳng hạn như muốn báo một tin không vui, một việc bất trắc, nếu không khéo, không phòng hờ để mất sự phấn khởi, chắc chắn bạn sẽ gây nên bầu khí nặng nề, dễ làm nản lòng. Nếu báo một tin vui cũng phải cẩn thận cho sự vui cũng phải cẩn thận cho sự vui vẻ phát ra không làm mất trật tự.

Bạn đã trù liệu ngay từ lúc đầu cho một buổi lễ, tốt lắm. Nhưng còn phòng hờ cho buổi kết thúc làm sao, các em ra khỏi nơi họp thế nào cũng khá quan trọng.

Ra mà chen lấn xô đẩy nhau, chỉ mấy phút thôi cũng phá huỷ hiệu quả buổi lễ từ đầu vẫn tốt đẹp.

Tổ chức một buổi văn nghệ, trước tiên phải quy định thời giờ cho các phần khác nhau của chương trình, dự liệu mục xen kẽ quyên tiền… Nếu không quy định rành rọt như thế, buổi diễn có thể nặng nề, kết thúc quá trễ, hay phải bớt bỏ mấy mục, dễ chạm tự ái, người ta khó lòng bỏ qua được cho bạn.

Trường hợp tổ chức trong một căn phòng, phải tiên liệu sao cho khỏi lạnh quá nếu là mùa đông, hoặc hầm quá nếu là mùa hạ. Bình thường thì gian phòng cần đủ ánh sáng, thoáng mát, chỗ ngồi tươm tất. Nếu số các em đông, phòng lại quá hẹp không đủ dưỡng khí, các em sẽ cảm thấy như bị ngộp, sẽ khó ngồi yên.

Đừng để phút chót mới thảo chương trình cho một cuộc nói chuyện, thời khắc cho một ngày, cho một buổi hội họp…

Trên bàn nên có quyển sổ tay ghi những gì phải nói hay phải làm tuỳ theo ý tưởng dần dần sẽ đến với bạn.

Chuẩn bị cho việc tĩnh dưỡng gồm có: giờ chơi, giờ huấn đức, viếng Thánh Thể, hát…

Để khỏi bị bất ngờ, bạn luôn có sẵn cuốn tuyển tập trò chơi, hát, băng reo, chuyện người tốt việc tốt, sẽ sử dụng trong giờ huấn đức, khi phát biểu, lúc phải trám vào chỗ trống vì mưa, vì mất điện hay phải chờ đợi.

Khi một chuyện buồn xảy đến, bạn đừng nói: “Tôi đâu có ngờ”. Bởi vì trong hai sự kiện, một là không thể ngờ, hai là có thể ngờ.

Trường hợp thứ nhất bạn đã không phòng xa, lời chạy tội của bạn sẽ vô ích.

Trường hợp thứ hai, phải phòng xa mà đã không làm, lời chạy tội của bạn sẽ kết án bạn.

– Ráng tĩnh lặng suy nghĩ, bạn sẽ tránh được nhiều phiền toái.

– Ráng dành giờ lo xa, bạn sẽ lợi được nhiều thời giờ.

  1. Trật tự và tổ chức

Vô trật tự mà đẹp là một nghệ thuật. Đúng, nhưng đó chỉ dành riêng cho phòng khách. Trên bàn làm việc của vị chỉ huy không như thế được.

Đâu cũng cần có trật tự, nếp sống chồng chất của bạn càng không thể thiếu trật tự.

Trật tự giúp bạn không phí công tìm kiếm, nên rất lợi thời giờ.

Sắp đặt thế nào để khi cần đến bạn dễ dàng thấy ngay, tránh được sự bực bội.

Luôn thấy rõ như cầm trong tay nơi để hồ sơ can hệ và giấy tờ cần thiết.

Bạn sắp đặt cho từng thời giờ cũng là tốt. Nhưng đơn giản hơn là lúc nào cũng sẵn có trật tự.

Nếu bạn sắp xếp dần sau mỗi việc đã thực hiện, sau này khi cần sắp xếp toàn thể sẽ mau hơn và được lợi thời giờ.

Sử dụng thứ gì xong, xếp ngay vào chỗ của nó. Đây là một thói tốt, kẻ ít người nhiều theo tính chất ai cũng có thể tập được. Nhưng để thành tập quán, ai cũng phải tập luyện với bất cứ giá nào, nếu muốn được luôn bình tĩnh và có dư thời giờ.

Đòi buộc các cộng sự viên trung thành giữ luật sơ đẳng này để có được trật tự chung cho tập thể. Luật đó là: đồ dùng, sách vở, sổ sách vv… sử dụng rồi phải để ngay vào chỗ dành riêng cho mỗi thứ. Luật này phải được tuân giữ gắt gao không khoan nhượng.

Tập cho các em quen giữ trật tự: như trong cuộc chơi, trong đồ đạc cá nhân: nón, quần áo, giày dép. Thỉnh thoảng nên xét vali, túi rết, xắc… Không tha thứ cho các em để thực phẩm chung với quần áo dơ.

Nên tổ chức thi đua giữ trật tự trong các đội. Mỗi đồ để trật chỗ, cả đội phải phê bình hay phải bớt điểm.

Dán yết thị và nhắc nhở luôn hai khẩu hiệu: “Vật nào nơi ấy”. “Việc nào giờ ấy”.

Có thể phải dành thời gian lâu mới đạt được điểm này. Điều đó gây phản ứng nơi nhiều bạn bè. Nhưng bạn không mất giờ đâu, bởi vì bạn đã giúp các em chiến thắng oanh liệt với tính cẩu thả, vô tâm, bừa bãi.

Càng bận rộn càng không được lãng phí thời giờ. Phải ý thức bậc thang các giá trị. Mỗi ngày phải hoạch định chương trình hành động, và bao nhiêu có thể bạn thực hiện đúng giờ đã ghi.

Gặp việc ngại làm, phải làm ngay nếu có thể, hoặc lúc thuận tiện. Lúc ấy phải chấm dứt ngay những do dự, lần chần và các việc vô ích.

Đừng trì hoãn những việc có thể làm ngay.

Đừng chậm trễ về giấy tờ sổ sách thư từ và bất cứ việc gì không hôm nay thì ngày mai cũng phải làm.

Nếu chất đống công việc lại để chờ khi nào có nhiều giờ hơn, không khi nào bạn hoàn tất được các việc ấy. Bạn luôn bị chểnh mảng và sự chểnh mảng sẽ dẫn bạn đến nhiều sai lầm và nhiều mệt nhọc không đáng.

Nên tập thói quen trả lời thư ngay, dù chỉ là một giấy chứng, một tin người xin được biết. Bạn nhớ luôn câu ngạn ngữ: “Cho mau là cho hai lần”.

Nếu thư trả lời đòi phải nghiên cứu tìm tòi một vấn đề gì không thoả mãn ngay được, bạn gởi lại một danh thiếp biên nhận, và để thư ấy vào mục thư khẩn cho dễ nhớ.

Không có thời biểu rõ ràng và nhất định, cuộc sống sẽ bị phí phạm, vì phần lớn thời giờ chỉ loay hoay xem phải làm gì và làm thế nào.

Điều gì thường xảy ra? Bất ưng bạn nghĩ đến một việc phải làm, nhưng vì bận hay không quan tâm, bạn đã không ghi nhớ. Có lúc bạn lại nghĩ đến việc ấy, nhưng vì lẽ nọ lý kia bạn lại khoan giãn. Lần thứ ba việc ấy lại được nhớ đến và bạn chú tâm đem ra thực hành. Sự kiện xung quanh khiến việc thực hành trở nên cấp bách. Bạn bắt tay vào việc, nhưng vì đã nhiều phen lần lữa, bạn không còn bao nhiêu hứng khởi. Bạn không còn nhiều giờ tập hợp các nguyên tố để thành toàn, nên công việc chỉ đạt một nửa.

Phương pháp đúng đắn là thế này: Nếu việc không dài ngày bạn nên làm ngay, miễn là không gây trở ngại cho công việc khác đang tiến hành tốt. Không vậy, bạn ghi vào sổ tay và ấn định ngay thời giờ làm. Thời gian ấy tới, bạn thực hiện cái một.

Khi cảm thấy túi bụi, bạn ngồi xuống lấy bút chì và tờ giấy ghi tất cả các việc phải làm theo thứ tự cần thiết và cấp bách. Rồi thực hiện ngay theo thứ tự đã ghi. Bạn hết mình dấn thân vào việc không còn so đo nữa.

Bạn hãy quý mến ghi chép những ý tưởng hữu ích xảy đến trong trí. Ghi chép ngay khi nó vừa xuất hiện kẻo nó biến mất không hy vọng trở lại, sau đó lại tiếp tục đến với công việc đã khởi sự.

Đừng bao giờ nói: “Tôi mệt quá rồi”. Rốt cuộc bạn sẽ tin thật như vậy, và rồi không còn bình tĩnh thanh thản làm việc gì nữa.

Thường ra những người năng nổ có đủ giờ cho mọi việc, chỉ người ăn không ngồi rồi mới hay than phiền không có giờ.

Hành động không phải là lao xao khuấy động, càng không phải là lăng xăng: nhưng là phải có hiệu quả: “Ta chọn và sai anh em đi để đem lại hiệu quả” (Ga 15,16).

Nếu từ lối sống là người thường và lối sống là linh mục người ta gom lại thời giờ bỏ phí vì đọc sách báo vô bổ, vì những câu chuyện kéo dài không có lý do đủ, vì những cuộc chạy chơi vô ích, và những công việc mà người khác nếu được một thời gian học tập sẽ làm tốt hơn ta, thì người ta sẽ thu hồi được nhiều thời giờ quý báu cho việc bồi dưỡng thiêng liêng tinh thần rất hữu ích cho thành quả việc tông đồ.

Câu nói suông: “Tôi bận lắm thì chưa đủ”. Còn phải đặt thêm câu hỏi nữa: “Việc bận ấy có ích lợi và ám hạp với trách nhiệm hiện tại của tôi không?”. Không vậy “Ta đi nhiều mà trật đường” (St. Augustin).

Đối với nhật báo, tưởng nên đọc ít thôi. Rảo qua các đầu đề cho biết tổng quát các tin tức và biến cố xảy ra trong ngày, rồi trở lại đọc kỹ các mục quan trọng hơn.

Tốt hơn là dành giờ đọc các tuần san hay nguyệt san, thường mang những đề tài có nhiều suy nghĩ, nhiều chất lượng có thể cung cấp cho ta những dinh dưỡng căn bản hơn.

Thời giờ bỏ phí rất đắt giá. Đối với địa vị chúng ta, thời giờ không phải là vàng bạc, song là sự sống đời đời. Bởi vì thời giờ của chúng ta đã trực tiếp hay gián tiếp hiến dâng cho việc cứu rỗi các linh hồn.

 

29. Ngân quỹ

“Phúc cho người giàu không chạy theo vàng bạc, không tin tưởng vào tiền tài của cải. Họ sẽ hoàn thành nhiều việc lạ trong cuộc sống” (Eccl 31,8-9).

Bạn đừng là người ham tiền của. Tiền của là một đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ độc hại.

Đã hẳn phải cần tiền. Nếu tự thị mình không cần tiền thì e rằng bạn đã quá tự cao. Nhưng không được bỏ qua mẹo mực chân chính như sau:

– Không xài phí vô ích, không được bịa ra những việc cần giả tạo.

– Không để nợ nần chồng chất.

– Làm sổ chi thu rành mạch.

– Kiểm tra sổ sách mỗi ngày.

– Đừng quá tần tiện khi cần phải tiêu, như vì lợi ích các linh hồn, hoặc để nơi thờ phượng đỡ bất xứng.

Đối với người tông đồ siêu thoát, khôn ngoan, thiệt tình, vô vị lợi, thì tiền bạc không bao giờ thiếu.

Đừng thiếu minh bạch khi kêu gọi gây vốn. Nếu cần quyên góp, nên nói rõ lý do. Làm thế nào cho người ta biết được thực sự chỉ vì lợi ích chung họ được kêu gọi góp phần.

Cũng còn nên để ý: vì lợi ích chung đấy, nhưng có thật cần trong lúc này không, và lợi ích có cân bằng với số tiền phải bỏ ra không?

Đôi khi cũng nên tổ chức văn nghệ, triển lãm, hội chợ để lấy tiền gây quỹ. Nhưng không nên nhiều quá, cũng đừng để bạn bù đầu vào những chuẩn bị đến nỗi không còn giờ lo tới hoặc lơ là việc chính yếu là đào tạo đời sống siêu nhiên, tinh thần cho con cái.

Cũng cần dành phần cho hoạt động bác ái xã hội, phát triển văn hoá vv… và cho cộng sự viên của bạn nữa, vì có người mức sống eo hẹp không chia sớt ngân quỹ gia đình ra được.

Không ngại trợ cấp giúp các tổ chức từ thiện tư liệu giáo dục như thư viện, máy chiếu phim, dàn âm thanh, dụng cụ thủ công vv… kể cả việc sửa chữa trường sở, sân chơi…

Đừng ôm đồm quá sức có thể đảm đang.

Sự quân bình về thể xác tinh thần và về ích lợi việc tông đồ là rất cần. Sức khoẻ của bạn quý hơn ngàn vàng.

Bất cứ vì lý do gì, không vay nợ khi chưa có phép Bề trên.

Phải rất dè dặt về tiền bạc. Luôn tôn trọng ý của người cho.

Khi đổi nhiệm sở, phải lo để lại đầy đủ các nhu cầu hằng ngày về mọi mặt, và làm hết sức không để nợ lại. Nếu đã lỡ mà không còn cách nào thanh toán, thì thưa thật với Bề trên và vị kế nhiệm cho các ngài khỏi ngỡ ngàng.

Hết sức tránh lối giao nhiệm sở mà để vườn không nhà trống.

 

30. Sức khoẻ hàng đầu

Sức khoẻ là hồng ân Chúa ban, không được coi thường.

– Là năng lực Chúa cho, phải sinh hoa trái, không được lạm dụng quá đáng để rồi hơi tí đã bịn rịn.

– Là tông đồ của Chúa ta có bổn phận gìn giữ sức khoẻ tương đối tốt.

 Lao lực quá là không khôn ngoan, phải hết sức tránh.

Để tránh lao lực quá, hãy tín thác vào sự trợ giúp thiêng liêng, không nhận làm bất cứ việc gì được nhờ cậy. Đó không phải là thiếu quảng đại, song là tự biết giới hạn của mình, khôn ngoan can đảm và ý thức đúng về bổn phận.

Phải nhận thức rõ giới hạn của mình mà giữ vững giờ ngủ, giờ nghỉ ngơi không khoan nhượng. Luôn căng thẳng tất bật là một tính toán sai lầm. Không bao giờ Chúa đòi ta làm việc quá sức, để rồi trở thành người suy nhược, xuẩn động.

Lao lực thường do bởi thiếu sắp đặt hơn là bởi có nhiều việc. Làm ẩu hay bị mệt. Làm chu đáo, dầu có phải cố gắng, càng thêm nghị lực mới.

Để khỏi bị lao lực, đừng nghiền ngẫm hoài những vấn đề liên can đến việc dự định. Phải dành giờ giải trí, bàn tính về chuyện khác với các vấn đề đang được tiến hành.

Phải có ngày giờ nghỉ ngơi dưỡng sức. Không cần bạn phải đi coi mạch mỗi lúc. Nhưng khi cảm thấy khó chịu mệt mỏi như muốn rã rời, nên đi bác sĩ, và khi được khuyên phải nghỉ, bạn nên chấp hành. Thà nghỉ vài ba ngày còn hơn cứ cố gắng để rồi sau mấy bữa, bắt buộc phải bỏ nhà đi nghỉ từng tháng.

Đừng như mấy người vớ vẩn chỉ muốn chết ở giữa công trường. Chẳng qua đó là kiểu cách lòng tự ái của người muốn ra vẻ ta là người hùng. Nhưng đó cũng không là gì khác hơn là điên dại và phô trương. Cố bám lấy việc khi không còn khả năng điều hành là cách phục vụ xấu.

Lâu lâu nên nghỉ giải trí, nhưng chừng mực thôi. Đừng để giờ giải lao trở thành cơn mệt mới, như chơi cờ, xem vidéo quá lâu, quá trễ…

Nghỉ hè mà đi lại nhiều quá sẽ có hại, làm tổn thương sức khoẻ khi trở lại làm việc.

Điều khiển một trại hè, mà kể như đã nghỉ ngơi là không hợp lý. Không thể gọi được là nghỉ ngơi khi còn phải lo nghĩ và suy tính nhiều.

 

31. Thích nghi

Phải thích nghi với người, nơi và công việc làm. Khi nhận nhiệm sở mới hay khởi sự chăm sóc một bầy trẻ, trước tiên đừng mong làm hơn người tiền nhiệm, song hãy ráng làm tốt những gì phải làm.

Để thích nghi, thường phải thay đổi ít nhiều thói quen, và hy sinh một vài sở thích, quan điểm cố cựu.

Thích nghi để khởi sự là phương pháp tốt để sự việc nên như ý mình. Chưa chi đã muốn cải đổi ngay sẽ có nguy cơ không biết được hết sự thật và vấp phải nhiều lầm lỡ đáng trách.

Vội đảo lộn các tập tục sẽ dễ bị chống đối. Hành động như thế dĩ nhiên là tự huỷ và chuốc lấy thất bại.

Khi đã thích nghi rồi mới tính đến từng nố một. Tính đến nố nào thì phải tìm hiểu thấu đáo mặt trái phải của nố ấy và đề ra một phương pháp hữu hiệu nhất. Sau đó sẽ tuỳ nghi làm cho người ta tiếp thu ý kiến dễ dàng vui vẻ, và thực hiện việc cải đổi chính bạn đã làm cho họ muốn.

Không bao giờ chỉ trích vị tiền nhiệm, cũng không tuyên bố phá huỷ công trình ngài đã xây dựng.

Phải tránh những phán quyết: “Phải làm lại từ đầu”. “Cái gì cũng cần sửa đổi hết…”. Những lời ấy có thể gây nên sự chống đối kịch liệt rất tai hại cho các linh hồn.

Nếu bạn chỉ là phụ tá thì đừng nói năng hành động thế nào khiến người ta cảm tưởng như có sự rạn nứt giữa bạn với vị chủ nhiệm.

Nếu làm việc cộng tác với nhiều anh em, phải hết sức bảo vệ sự hiệp nhất trong ý kiến và tâm tình.

Luôn lưu ý không để xảy ra bất bình giữa các phong trào và đoàn hội.  Đừng để tinh thần đạo làm hại tinh thần gia đình của giáo xứ. Nhắc nhở và đòi hỏi họ: sinh hoạt tuy có khác, nhưng mục đích chỉ có một. Nhấn mạnh họ về tinh thần bác ái yêu thương. Tinh thần ấy đòi sự kết hợp chứ không phân ly.

Hành động theo nhân bản là sử dụng sự việc như nó hiện có và tác tạo nó ứng hợp với tương lai (Ollé-Laprune).

 

32. Tinh thần phẩm trật

Ráng luyện cho có tinh thần phẩm trật và nêu gương về sự tôn trọng cũng như tuân thủ ý Bề trên.

Tán thành đầy đủ những quyết định của Hội Thánh. Chính đó là điều Chúa Thánh Thần linh ứng cho Hội Thánh trong hiện tại.

Đừng quên tinh thần Công giáo là cảm thông với Hội Thánh.

Luôn liên lạc với văn phòng chỉ đạo các phong trào địa phận và làm gương trung thành với các chỉ thị của địa phận.

 Không bỏ qua các tổ chức sinh hoạt tông đồ khác: chúng ta cùng liên đới với nhau, nhưng tất cả đều cho Giáo Hội.

Đừng lập thành phe nhóm riêng, cũng không hành động cô độc riêng rẽ.

Nếu là người phụ tá, đồng thời lại là giám đốc phong trào, hãy cẩn thận đừng để phong trào tách rời khỏi giáo xứ, và để ý chu toàn từng nét những nhiệm vụ thuộc giáo xứ.

Hãy xác nhận: cách thức khi tiếp khách, trang nghiêm khi cử hành Bí tích, lòng được khi dâng thánh lễ, sự kiên nhẫn khi ngồi toà, thái độ khi chủ sự lễ nghi an táng và sự siêng năng thăm viếng bệnh nhân, đem lại lợi ích không thể ngờ.

Thưa anh em linh mục phụ tá và các giám đốc phong trào, xin đừng quên giáo xứ và hết những gì liên can đến giáo xứ là thuộc trách nhiệm cha sở. Nên phải cẩn thận, không tạo nên giáo xứ trong một giáo xứ. Hãy báo cho cha sở biết những sáng kiến và dự định của bạn. Nhất là nếu bạn còn trẻ, nên luôn bàn hỏi, xin sự chỉ dẫn và những kinh nghiệm của Ngài.

Đôi khi phải hy sinh cái có dáng vẻ tốt để được cái tốt thật. Sự nhất trí với cha sở có thể đòi bạn phải hy sinh ít nhiều các dự định, nhưng rất có lợi cho các linh hồn.

Đối với linh mục, sự tuân theo và tôn trọng Bề trên, không phải là một sự chấp nhận thụ động lệnh đã được ban bố, song là một sự cộng tác tích cực và ý thức.

Mọi hành động nhân linh như tính tự phát, đầu óc suy tư, tinh thần thực tiễn đều phải được hiến thánh và sử dụng cộng tác với công việc của Đức Kitô trong đức vâng lời. Do đó vâng lời không phải là huỷ bỏ hay làm suy nhược các tài năng trên, song làm sinh động chúng bằng sức sống mới, bằng nghị lực mới.

Như vậy vì vâng lời có khi cũng phải khai sáng cho Bề trên. Vì tinh thần vâng lời có lúc còn phải nhắc nhở, kể cả khiếu nại Bề trên khi mệnh lệnh ban ra có dáng vẻ không đúng.

Việc xin xét lại, lời yêu sách… đành rằng có thể sinh phiền hà, nhưng cũng thật là một sự cộng tác Chúa đòi hỏi, và là nhân tố làm nên đức vâng lời trung thực.

Vì thế không những nên mà còn có thể phải làm các việc trên. Hơn nữa đôi khi cũng phải bàn cãi thảo luận một lệnh đã được ban bố, nhưng luôn trong tinh thần vâng phục và trong ý chí trong sáng muốn làm cho ý Chúa được tỏ rõ và nên trọn.

Vâng lời không biết phản ứng có thể là dấu chỉ của tính ba phải, sự trọn lành không cứ ở chỉ biết chờ lệnh Bề trên.

Nhưng khi Bề trên đã quyết định thì phải tuân theo. Bởi vì nền tảng của đức vâng lời là tín thác nơi Đức Kitô Đấng Phù Trợ Hội Thánh. Sự tín thác ấy sẽ không luống công. Ngoại trừ tội lỗi và những dính dáng tội lỗi, còn thì trong mọi nố khác vâng lời là tốt hơn. Và phải vâng lời không có hậu ý, không ân hận, không ngấm ngầm đả kích. Ý Chúa là: Lời ngài phải là quyết định sau cùng.

Người đặt ý mình và tâm tình mình vào đức vâng lời, có quyền tin tưởng: Chúa quyền năng và khôn khéo có thể quay trở mọi sự nên lợi ích cho mình và cho các linh hồn thuộc trách nhiệm: “Tất cả đều góp phần vào phúc lợi cho người mến yêu Chúa”.

 

33. Không ngã lòng

Nhà giáo dục không bao giờ được ngã lòng, vì điều lành ta làm không luôn được nhìn thấy, cũng không khi nào biết được hết đang khi cặm cụi làm.

Việc thường xảy ra là có số trẻ tưởng là đã uổng công thì sau các ấy lại rất trung thành.

Cũng có em được kể như là có ngày em sẽ bỏ ta. Ngờ đâu chỉ do một lời ta nhắn nhủ em trong dịp nào đó, sau cùng em đã tìm thấy đường trở về với Chúa dễ dàng.

Những tiếp xúc hằng ngày, những trao đổi thường xuyên đều chất chứa những hiệu quả không ngờ.

Không ai biết được hoàn toàn những ảnh hưởng có thể gây nên. “Một bài nói chuyện được chuẩn bị công phu có thể lại vô hiệu. Trái lại một lời nói vô tình, một nụ cười, một cử chỉ hiền dịu đã thay đổi được cuộc đời” (Abbé Flory).

Ngã lòng không gì khác hơn là huỷ bỏ chút nghị lực còn lại, lấy ly do mình không đủ tài. Đó là cách giải quyết vô lý và nguy hiểm.

Gặp trở ngại bạn nên nói: “Tí vậy chưa sao”. “Những khó khăn xuất hiện để được nhổ bỏ đi”. “Vất vả thật, nhưng vui”.

Trong mọi nố đừng để sự ngã lòng cuốn hút bạn đi. Nên tự nhủ: “Tôi lợi dụng hết để thu hoạch kết quả tốt hơn”.

Khi muốn nản lòng, nên nhớ lại Lời Chúa: “Hãy vững tin, Ta đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

“Đừng dại tin là đã phí công, song phải xác tín tầm ảnh hưởng việc đã làm, một bước chân ta cũng đè nặng trên vũ trụ” (A. Mahaut).

Chúa không đòi ta kết quả, mà đòi cố gắng. Cố gắng vì mục đích siêu nhiên không bao giờ bị uổng phí.

Trong việc chăm sóc các linh hồn, ta phải xử sự như các thiên thần hộ thủ với người được Chúa trao cho trông coi gìn giữ. Các Ngài khuyên nhủ họ bao nhiêu có thể, tận tình giúp đỡ họ làm lành. Nhưng nếu họ lạm dụng sự tự do mà làm ngơ các lời chỉ bảo, các Ngài không khổ tâm, hạnh phúc các Ngài vui hưởng không bị xáo trộn.

Cũng thế ta làm việc hết sức có thể cho người ta trở lại và nên thiện hảo. Theo lương tâm, một khi đã chu toàn bổn phận là ta yên lòng, và đừng ngã lòng khi thấy bệnh nhân chưa khỏi ngay như ta muốn, kể cả khi bệnh nhân không muốn chữa khỏi nữa (St. Ignace).

Không nhìn thấy thành công, mà tôi vẫn can đảm cậy trông, những cố gắng hy sinh ấy thế nào cũng sinh lợi cho anh em tôi. Tôi cứ vì mến thương mà gieo vãi… chỉ mình Chúa mới làm được cho hạt giống nẩy mầm.

Nhà nông chỉ có một ý là gieo hết hạt, gieo đúng luống, chứ

Tác giả: Abbé G. Courtois

Nguồn:https://linhmucmen.com/