Đức Thánh cha gặp gỡ giới trẻ và các giáo lý viên Congo

print

Đức Thánh cha gặp gỡ giới trẻ và các giáo lý viên Congo

Trong cuộc gặp gỡ giới trẻ đến từ nhiều nơi ở Congo, Đức Thánh cha Phanxicô đưa ra những đề nghị giúp họ góp phần xây dựng tương lai cho bản thân, Giáo hội, xã hội và đất nước. Ngài đặc biệt nhắn nhủ các bạn trẻ can đảm chống lại nạn hối lộ đang làm thương tổn nặng nề cho đất nước Congo, duy trì chiến tranh, và tình trạng quốc gia này bị bóc lột.

 


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Sáng thứ Năm, ngày 02 tháng Hai, sau khi dâng thánh lễ riêng tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Kinshasa, Đức Thánh cha đã đến Sân vận động “Các vị Tử đạo Lễ Hiện Xuống” để gặp gỡ giới trẻ và các giáo lý viên, cách đó gần ba cây số.

Thao trường này được kiến thiết xong cách đây 30 năm (1993), sau 5 năm xây cất. Sân mang tên bốn nhà chính trị Congo bị kết án tử hình và hành quyết tại khu vực nay là Sân vận động này, vì bị cáo là âm mưu chống nhà độc tài Mobutu.

Sân có 80.000 chỗ và được sử dụng vào các cuộc gặp gỡ quốc tế về thể thao và văn hóa, nhưng phần lớn được dùng cho các trận đấu bóng đá và các cuộc thi đấu thể thao. Cũng như nhiều dinh thự ở Congo, Sân Vận động này được kiến thiết với sự đầu tư của Trung Quốc.

Đến thao trường lúc quá 9 giờ, Đức Thánh cha dùng xe Papamobile đi vòng quanh để chào thăm mọi người, giữa tiếng reo hò vui mừng của họ. Thao trường đông chật các ghế ngồi. Trên lễ đài với Đức Thánh cha, có đông đảo các giám mục, cùng với các nhóm vũ điệu.

Cuộc gặp gỡ bắt đầu lúc 9 giờ 15 phút, với năm lời chào mừng và giới thiệu của Đức cha Chủ tịch Ủy ban Giám mục Congo Dân chủ về giáo dân. Ngài nhắc đến các vấn đề của giới trẻ và hoạt động quan trọng của các giáo lý viên tại nước này. Tiếp đó là chứng từ của một bạn trẻ, rồi một giáo lý viên, xen kẽ có một màn vũ truyền thống của Congo.

Diễn văn của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ nhân dịp này, Đức Thánh cha mời gọi các bạn trẻ và các giáo lý viên hãy ý thức về phẩm giá và tiềm năng Chúa ban cho mỗi người. Ngài gợi ý họ hãy nhìn vào đôi bàn tay của mình và nói: “Thiên Chúa đã đặt vào đôi tay các bạn hồng ân sự sống, tương lai của xã hội và đất nước bao la này. Phải chăng đôi bàn tay các bạn có vẻ bé nhỏ và yếu đuối, trống rỗng, không thích hợp với những nghĩa vụ to lớn? Các bạn hãy tự hỏi: đôi bàn tay tôi dùng vào việc gì? Xây dựng hay phá hủy, trao ban hoặc thu tích, yêu thương hoặc oán ghét? Các bạn để ý xem: các bạn có thể nắm tay lại và nó trở thành một quả đấm; hoặc bạn có thể mở tay ra, và để sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Đó là chọn lựa cơ bản.

Năm nhân tố xây dựng tương lai

Cũng dựa vào hình ảnh bàn tay, Đức Thánh cha đề nghị với các bạn trẻ và các giáo lý viên năm nhân tố cho tương lai, như năm ngón tay:

Kinh nguyện

1. “Trước tiên là ngón cái, ngón gần con tim nhất, tương ương với kinh nguyện, làm cho cuộc sống được sinh động. Kinh nguyện có vẻ là điều trừu tượng, xa lạ đối với các vấn đề cụ thể. Nhưng thực ra kinh nguyện là nhân tố đầu tiên, cơ bản, vì một mình chúng ta không thể làm nổi. Chúng ta không toàn năng. Cũng giống như một cây bị bứng rễ, cho dù nó to lớn, vững chắc, thì cũng sẽ không đứng vững. Vì thế, chúng ta cần ăn rễ trong kinh nguyện, trong sự lắng nghe Lời Chúa giúp chúng ta tăng trưởng mỗi ngày trong chiều sâu, để mang lại hoa trái và biến ô nhiễm mà chúng ta thở hít thành dưỡng khi sinh tử. Để làm như thế, mỗi cây cần có một yếu tố đơn giản và thiết yếu, đó là nước. Kinh nguyện là “nước của linh hồn”.

Đức Thánh cha giải thích thêm rằng cần một kinh nguyện sinh động. “Các bạn đừng ngỏ lời với Chúa Giêsu như một vị xa cách đáng sợ, nhưng như một người bạn rất thân thiết đã hiến mạng sống vì bạn. Hãy thổ lộ, phó thác cho Chúa mọi cơ cực, thập giá, sợ hãi và vất vả của bạn”.

Cộng đoàn

2. Sang đến ngón tay thứ hai, ngón trỏ. “Với ngón này chúng ta chỉ cho những người khác cái gì đó. Những người khác, là cộng đoàn. Đây là nhân tố thứ hai. Các bạn thân mến, các bạn đừng để cho tuổi trẻ của mình bị hư hỏng vì cô đơn và khép kín. Hãy luôn cùng nhau suy nghĩ và các bạn sẽ hạnh phúc vì cộng đoàn là con đường để cảm thấy hài lòng về bản thân, để trung thành với ơn gọi của mình. Trái lại, những chọn lựa cá nhân chủ nghĩa, thoạt đầu có vẻ hấp dẫn, nhưng rồi chúng chỉ để lại sự trống rỗng trong tâm hồn. Hãy nghĩ đến ma túy: nó che giấu bạn khỏi những người khác, khỏi đời sống đích thực, để cảm thấy mình toàn năng, nhưng sau cùng bạn thiếu mọi sự. Hãy nghĩ đến sự nghiện ngập thuyết huyền bí và phù thủy, chúng khép kín bạn trong sợ hãi, báo thù và giận dữ. Các bạn đừng để mình bị thu hút vì những thiên đàng ích kỷ, được xây dựng trên những vẻ bề ngoài, thu nhập dễ dàng hoặc dựa trên thứ tôn giáo sai trái”.

Đức Thánh cha cũng cảnh giác giới trẻ Congo đừng loại trừ những người không cùng bộ tộc, cùng miền. Thái độ loại trừ như thế làm cho các bạn tin nơi những thành kiến, biện minh oán ghét, bạo lực, và sau cùng ở giữa chiến tranh. “Hãy nhìn thấy nơi mỗi người như người thân cận của mình, chăm sóc người khác, và đừng lơ là đối với người đau khổ.”

Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng: “Thật là buồn khi thấy những người trẻ dành hàng giờ trước điện thoại: sau khi họ soi gương, và bạn nhìn vào khuôn mặt của họ, bạn thấy họ không mỉm cười, cái nhìn trở nên mệt mỏi và chán chường. Không có gì và không ai có thể thay thế sức mạnh của sự cùng nhau, ánh sáng của đôi mắt, niềm vui của sự chia sẻ!”

“Các bạn hãy cảm thấy mình là một Giáo hội duy nhất, một dân tộc duy nhất. Hãy cảm thấy thiện ích của bạn tùy thuộc thiện ích của người khác, và thiện ích ấy được gia tăng khi cùng nhau. Hãy cảm thấy bạn được người anh chị em gìn giữ, người chấp nhận bạn như bạn có và muốn chăm sóc bạn. Hãy cảm thấy mình có trách nhiệm đối với những người khác…”

Sống lương thiện

3. Sang đến ngón tay giữa, cao hơn các ngón tay khác, Đức Thánh cha nói: “Đó là nhân tố cơ bản cho một tương lai xứng đáng với những mong đợi của các bạn. Đó là sự lương thiện. Là Kitô hữu có nghĩa là làm chứng cho Chúa Kitô. Cách thứ nhất để làm điều này là sống ngay chính, như Chúa muốn. Điều này có nghĩa là đừng để mình bị mắc vào những cạm bẫy tham nhũng, hư hỏng. Kitô hữu chỉ có thể sống lương thiện, chẳng vậy sẽ phản bội căn tính của mình. Không lương thiện, chúng ta không phải là môn đệ và là chứng nhân của Chúa Giêsu.”

Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Làm sao đánh bại thứ ung thư tham nhũng, dường như lan rộng và không bao giờ ngừng lại?” và ngài trả lời bằng câu nói của thánh Phaolô: “Đứng để bạn bị sự ác chiến thắng, nhưng hãy chiến thắng sự ác bằng điều thiện” (Rm 12,21): đừng để mình bị lèo lái do những cá nhân hoặc nhóm người tìm cách dùng các bạn để duy trì đất nước các bạn trong cái vòng bạo lực và bất ổn, để có thể tiếp tục kiểm soát nước này mà chẳng cần để ý tới ai. “Hãy chiến thắng sự ác bằng điều thiện: các bạn hãy trở thành những người biến đổi xã hội, biến ác thành thiện, biến oán ghét thành tình thương, chiến tranh thành hòa bình. Nếu bạn muốn, thì đó là điều có thể, vì mỗi người trong các bạn có một kho tàng mà không ai có thế lấy cắp. Đó là những chọn lựa của các bạn. Đúng vậy, bạn là những chọn lựa mà bạn thực hiện và luôn có thể chọn điều công chính để làm”.

Tha thứ

4. Sang đến ngón đeo nhẫn. Đây là ngón tay yếu nhất. Nó nhắc nhớ chúng ta về những mục tiêu lớn của cuộc sống, trước tiên là tình yêu, những mục tiêu đó tiến qua sự giòn mỏng, yếu đuối, vất vả và khó khăn. Chúng cần được kiên nhẫn đương đầu, với lòng tín thác, không chất lên mình những vấn đề vô ích, ví dụ như biến các giá trị tượng trưng của của hồi môn thành một giá trị hầu như là buôn bán. Và giữa những yếu đuối của chúng ta, trong những khủng hoảng, chính sự tha thứ là sức mạnh làm cho chúng ta tiến bước. Vì tha thứ có nghĩa là biết bắt đầu lại. Tha thứ không có nghĩa là quên quá khứ, nhưng có nghĩa là không cam chịu để cho nó tái diễn. Đó là thay đổi dòng lịch sử. Là đứng dậy sau khi bị ngã.

“Để kiến tạo tương lai mới, chúng ta cần trao ban và nhận lãnh tha thứ. Đây là điều Kitô hữu làm, đó là không phải chỉ yêu thương những người thương mình, nhưng còn biết chặn lại cái vòng trả thù cá nhân và bộ tộc bằng sự tha thứ. Như chân phước Isidoro Bakanja, một người anh của các bạn, bị tra tấn lâu dài, vì đã không từ bỏ làm chứng về lòng đạo đức của mình và đã đề nghị Kitô giáo cho những người trẻ khác. Anh không bao giờ chiều theo những tâm tình oán ghét và khi hiến mạng sống, anh tha thứ cho kẻ giết mình.”

Phục vụ

5. Sang đến ngón tay cuối cùng, ngón út, bé nhỏ nhất. Có lẽ bạn nói: những điều đó chẳng bao nhiêu, và điều thiện mà tôi có thể làm chỉ là một giọt nước trong biển. Nhưng chính sự bé nhỏ, trở nên bé nhỏ lôi kéo Thiên Chúa. Có một lời chủ yếu theo nghĩa này, đó là việc phục vụ. Ai phục vụ thì trở nên bé nhỏ. Như hạt giống bé nhỏ, dường như mất hút trong đất, trái lại nó sinh hoa trái. Theo Chúa Giêsu, phục vụ là một quyền bính biến đổi thế giới.

“Câu hỏi liên quan đến ngón tay út là: Tôi có thể làm gì cho những người khác? Làm sao tôi có thể phục vụ Giáo hội, cộng đoàn của tôi, đất nước tôi? Anh Olivier đại diện các giáo lý viên vừa nói tại một số vùng hẻo lánh, các giáo lý viên hằng ngày phục vụ các cộng đoàn đức tin và trong Giáo hội, điều này là công việc của tất cả mọi người. Thật là đẹp khi phục vụ tha nhân, chăm sóc, làm một cái gì đó nhưng không, như Thiên Chúa đang làm cho chúng ta. Các giáo lý viên quý mến, tôi cám ơn anh chị em, anh chị em quan trọng sinh tử đối với bao nhiêu cộng đoàn. Giống như nước, anh chị em hãy làm cho các cộng đoàn tăng trưởng với sự trong sáng của kinh nguyện và việc phục vụ của anh chị em; Anh chị em đừng sợ động viên, đầu tư trong sự thiện, trong việc loan báo Tin mừng, chuẩn bị một cách hăng say, đề ra những dự án lâu dài. Đừng sợ lên tiếng, vì không những tương lai, nhưng cả ngày hôm nay ở trong tay anh chị em: hãy ở trung tâm hiện tại!

Kết luận

Đức Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến, tôi đã để lại cho anh chị em năm lời khuyên để nhận ra những ưu tiên giữa bao nhiêu tiếng nói muốn thuyết phục đang được phổ biến. Trong cuộc sống, giống như trong lưu thông đường phố, thường sự xáo trộn, tạo nên những tắc nghẽn vô ích, làm uổng phí thời gian và năng lực, và nuôi dưỡng tức bực. Trái lại, thật là tốt khi mang lại cho cuộc sống những điểm chắc chắn, những hướng đi vững bền, để khởi sự một tương lai khác, theo xu thời theo chiều gió.”

“Hãy cùng nhau ra khỏi thái độ bi quan làm tê liệt. Cộng hòa Dân chủ Congo đang chờ đợi bàn tay của các bạn vì tương lai ở trong tay các bạn. Đất nước anh chị em tái trở thành một vườn huynh đệ, nhờ anh chị em, trở thành một con tim hòa bình và tự do của Phi châu!”

Cuộc gặp gỡ kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha. Các bạn trẻ còn tặng quà cho Đức Thánh cha, trước khi ngài rời Sân vận động lúc 10 giờ 30 để trở về Tòa Sứ thần Tòa Thánh.

Tại đây, sau bữa trưa, Đức Thánh cha còn tiếp Thủ tướng Congo, ông Jean-Michel Lukonde Kyenge. Ông năm nay 46 tuổi (1977). Sau khi tốt nghiệp kỹ sư, ông dấn thân ngay trong chính trị và trở thành một trong những đại biểu quốc hội trẻ nhất của đảng “Tương lai Congo”. Ông từng làm Bộ trưởng Bộ thể thao, rồi trở thành Tổng giám đốc công ty khoáng sản quốc gia, Gécamines, một trong những công ty lớn nhất Phi châu. Hồi tháng Hai năm ngoái, ông được Tổng thống Tshisekédi bổ nhiệm làm Thủ tướng.

***

Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô

Buổi gặp gỡ giới trẻ và giáo lý viên tại Sân vận động các vị Tử đạo

02/02/2023

Anh chị em thân mến, chào anh chị em! Cám ơn rất nhiều vì tình cảm, niềm vui của anh chị em. Cảm ơn rất nhiều!

Cảm ơn những lời của các con, cảm ơn những điệu nhảy điệu múa của các con! Cha rất vui khi được gặp gỡ các con diện đối diện, được chào đón và chúc lành cho các con khi những cánh tay của các con giơ lên trời khiến cha cảm thấy vui mừng.

Bây giờ cha muốn xin các con, trong giây lát, đừng nhìn cha nữa, nhưng hãy nhìn vào bàn tay của các con. Hãy mở lòng bàn tay của các con, hãy nhìn kỹ vào chúng. Hỡi các con, Thiên Chúa đã đặt vào tay các con món quà sự sống, tương lai của xã hội và của đất nước vĩ đại này. Các con thân mến, có phải đôi bàn tay của các con có vẻ nhỏ bé và yếu ớt, trống rỗng và không phù hợp với những công việc lớn lao như vậy? Cha muốn chỉ cho các con một điều: tất cả các bàn tay đều giống nhau, nhưng không bàn nào hoàn toàn giống với bàn tay nào; không ai có đôi bàn tay giống như đôi bàn tay của các con, bởi vì các con là kho báu độc nhất vô nhị, không thể lặp lại và không thể so sánh được. Không ai trong lịch sử có thể thay thế các con. Vậy các con hãy tự hỏi: đôi bàn tay này của tôi để làm gì? Để xây dựng hay phá hủy, để cho đi hay gom góp, để yêu thương hay ghét bỏ? Các con thấy đấy, các con có thể siết chặt bàn tay và nắm lại thành nắm đấm; hoặc các con có thể mở nó ra và dâng cho Chúa và cho tha nhân. Đây luôn là sự lựa chọn cơ bản của chúng ta, kể từ thời xa xưa, từ khi Abel quảng đại dâng hiến thành quả lao động của mình, trong khi Cain “ra tay sát hại em mình là Abel” (St 4,8). Các con mơ về một tương lai khác, ngày mai được sinh ra từ bàn tay của các con, hòa bình mà đất nước này đang thiếu có thể đến từ bàn tay của các con. Vì thế cha muốn đề nghị một số “thành phần cho tương lai”: năm thứ, mỗi thứ tương ứng với một ngón trên bàn tay của các con.

 

Ngón tay cái, ngón tay gần trái tim nhất, tương ứng với việc cầu nguyện, là động lực trong cuộc sống của chúng ta. Cầu nguyện có vẻ giống như một điều trừu tượng, một điều khác xa với các vấn đề cụ thể của chúng ta. Ngược lại, cầu nguyện là thành phần đầu tiên, thành phần cơ bản cho tương lai, bởi vì chỉ tự mình chúng ta không thể thực hiện được. Chúng ta không toàn năng, và khi chúng ta nghĩ rằng mình toàn năng, chúng ta sẽ thất bại thảm hại. Nó giống như một cái cây bị bật gốc: cho dù nó to lớn và khỏe mạnh, nó cũng không thể tự mình đứng vững. Đây là lý do tại sao chúng ta cần đâm rễ sâu trong cầu nguyện, trong việc lắng nghe Lời Chúa. Cầu nguyện là điều giúp chúng ta tăng trưởng mỗi ngày một cách sâu sắc, sinh hoa trái và biến đổi bầu khí ô nhiễm mà chúng ta hít thở thành khí oxy mang lại sự sống. Mỗi cây đều cần một yếu tố đơn giản và thiết yếu để lớn lên, đó chính là nước. Cầu nguyện là “nước của tâm hồn”: cầu nguyện là điều âm thầm, chúng ta không thể nhìn thấy, nhưng mang lại sự sống. Người cầu nguyện thì nội tâm trưởng thành và biết hướng nhìn lên trời và nhớ rằng mình được dựng nên để tiến về thiên đàng.

Các con thân mến, chúng ta cần cầu nguyện, nhưng là một cách cầu nguyện sống động. Đừng trò chuyện với Chúa Giêsu như một thực thể xa vời và xa cách, người khiến chúng ta sợ hãi, nhưng như một người bạn thân thiết nhất, người đã hy sinh mạng sống vì các con. Chúa Giêsu biết các con, tin tưởng và luôn yêu thương các con. Khi ngắm nhìn Người chịu treo trên thập giá để cứu chuộc các con, các con hiểu mình quý giá biết bao đối với Người, và các con có thể phó thác thập giá, nỗi sợ hãi, lo lắng của mình cho Người, bằng cách đặt chúng trên Thánh giá của Người. Người sẽ đón nhận chúng. Người đã làm điều đó 2.000 năm trước và thánh giá mà các con mang ngày hôm nay đã là một phần Thánh giá của Người. Vì thế đừng sợ cầm lấy Thánh Giá trên tay và ôm vào ngực, trao những giọt nước mắt của các con cho Chúa Giêsu, và đừng quên chiêm ngắm khuôn mặt của Người, khuôn mặt của một Thiên Chúa trẻ trung, sống động và phục sinh! Vâng, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ, Người đã biến Thánh giá thành cây cầu dẫn đến sự phục sinh. Vì vậy, mỗi ngày hãy giơ tay lên ngợi khen và chúc tụng Người; hãy nói với Người những hy vọng trong lòng các con, hãy chia sẻ với Người những bí mật thầm kín nhất của cuộc đời: những người các con yêu thương, những vết thương các con mang trong lòng, những giấc mơ các con giữ trong tim. Hãy kể cho Người về khu phố, hàng xóm, thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp của các con, đất nước của các con. Thiên Chúa yêu thích lời cầu nguyện sống động, cụ thể và chân thành này. Lời cầu nguyện này cho phép Người can thiệp, bước vào cuộc sống hàng ngày của các con theo cách đặc biệt, đến với “sức mạnh bình an” của Người. Sức mạnh đó có một cái tên; các con có biết đó là ai không? Chính là Chúa Thánh Thần, Đấng ủi an và Ban sự sống. Người là động lực của hòa bình, là sức mạnh thực sự của hòa bình. Đây là lý do tại sao cầu nguyện là vũ khí mạnh mẽ nhất hiện có. Nó mang đến cho các con niềm an ủi và hy vọng của Chúa. Nó luôn mở ra cho các con những khả năng mới và giúp các con vượt qua nỗi sợ hãi. Đúng vậy, người cầu nguyện sẽ vượt qua nỗi sợ hãi và nắm giữ tương lai của mình. Các con có tin điều này không?  Các con có muốn chọn cầu nguyện là bí quyết của mình, là nước của tâm hồn, là vũ khí duy nhất mang theo bên mình, là người bạn đồng hành mỗi ngày không?

 

Ngón tay thứ nhất, ngón cái, tượng trưng cho cầu nguyện. Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào ngón tay thứ hai, ngón trỏ. Chúng ta dùng nó để chỉ cho người khác một điều gì đó. Những người khác, cộng đoàn, đó là thành phần thứ hai. Các con thân mến, đừng để tuổi trẻ của mình bị hủy hoại bởi sự cô đơn và khép kín. Hãy luôn suy nghĩ cùng nhau và các con sẽ hạnh phúc, bởi vì cộng đoàn là cách để chúng ta cảm thấy hài lòng về bản thân, để trung thành với ơn gọi thực sự của mình. Ngược lại, những lựa chọn theo chủ nghĩa cá nhân thoạt đầu có vẻ hấp dẫn, nhưng sau đó chỉ để lại cho tâm hồn một khoảng trống mênh mông. Hãy nghĩ về ma túy: cuối cùng các con sẽ trốn tránh người khác, trốn cuộc sống thực, để cảm thấy mình toàn năng; và cuối cùng các con thấy mình bị tước đoạt mọi thứ. Nhưng cũng hãy nghĩ đến việc nghiện thuyết huyền bí và phù thủy, thứ cầm tù các con trong nỗi sợ hãi, sự báo thù và giận dữ. Đừng để mình bị mê hoặc bởi những thiên đường ích kỷ giả tạo, được xây dựng dựa trên vẻ bề ngoài, dựa trên thu nhập dễ dàng hoặc dựa trên tôn giáo méo mó.

Các con hãy cẩn thận với cám dỗ loại trừ một ai đó vì họ có nguồn gốc khác với các con; hãy cảnh giác với chủ nghĩa vùng miền, chủ nghĩa bộ lạc, hay bất cứ điều gì khiến các con cảm thấy an toàn trong nhóm của các con nhưng đồng thời lại không quan tâm đến đời sống cộng đồng. Các con biết điều gì xảy ra: đầu tiên là người đó tin vào những định kiến ​​chống lại người khác, sau đó là biện minh cho sự thù hận, sau đó là bạo lực, cuối cùng họ thấy mình ở giữa cuộc chiến. Nhưng để cha hỏi các con một điều: Đã bao giờ các con nói chuyện với những người từ các nhóm khác chưa hay luôn khép kín trong nhóm của mình? Các con đã bao giờ lắng nghe câu chuyện của người khác, đã biết được nỗi đau của họ chưa? Tất nhiên, lên án ai đó thì dễ dàng hơn là hiểu họ; điều này xảy ra trên khắp thế giới; nhưng con đường mà Thiên Chúa chỉ ra để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thì lại đi từ tha nhân, từ tập thể, từ cộng đồng. Đó là xây dựng Giáo hội, mở rộng tầm nhìn, nhìn thấy tha nhân trong mọi người, quan tâm chăm sóc người khác. Các con có thấy ai cô đơn, đau khổ, bị bỏ rơi không? Hãy đến gần họ. Không phải để cho họ thấy các con tốt như thế nào, mà để trao cho họ nụ cười của các con và cho họ thấy tình bạn của các con.

David, con đã nói rằng những người trẻ các con rất muốn được kết nối với những người khác, nhưng các mạng xã hội thường khiến các con nhầm lẫn. Đúng là sống ảo thôi chưa đủ, chúng ta không thể hài lòng với việc giao tiếp với những người ở xa, thậm chí là giả mạo. Chúng ta không thể chạm đến cuộc sống bằng một ngón tay trên màn hình. Thật buồn khi thấy những người trẻ dành hàng giờ trước điện thoại và rồi nếu các con nhìn vào khuôn mặt của họ, các con thấy rằng họ không cười, ánh mắt của họ có vẻ mệt mỏi và chán chường. Không gì và không ai có thể thay thế được sức mạnh mà chúng ta có được khi ở bên nhau, nhưng việc ở bên nhau thực sự chính là ánh sáng của đôi mắt, niềm vui của sự chia sẻ! Nói chuyện và lắng nghe nhau là điều cần thiết: trong khi trên màn hình, mọi người đều tìm kiếm những gì họ quan tâm thôi. Vì vậy, mỗi ngày hãy cố dành thời gian ở bên nhau và cảm nghiệm vẻ đẹp của việc ngạc nhiên bởi những câu chuyện và trải nghiệm của họ.

Bây giờ chúng ta hãy cố gắng cảm nhận thật cụ thể ý nghĩa của việc xây dựng cộng đoàn. Hãy chú ý, trong vài giây, các con hãy nắm tay người bên cạnh các con, như cha nắm tay cha này. Hãy cảm nhận các con là một Giáo hội, một dân tộc duy nhất đang nắm tay nhau. Và giờ đây, tất cả nắm tay nhau, chúng ta cùng hát một bài.

Các con đã thấy là cộng đoàn tuyệt vời thế nào chưa? Các con có thấy tuyệt vời khi cảm nhận mình là một Giáo hội duy nhất không? Hãy nhận ra rằng phúc lợi của chính các con phụ thuộc vào phúc lợi của người khác, phúc lợi này được nhân lên gấp bội bởi tập thể. Hãy cảm thấy được bảo vệ bởi người anh em, chị em của các con, bởi một người chấp nhận con người các con và quan tâm đến các con. Và hãy cảm thấy rằng các con có trách nhiệm với những người khác, cùng nhau, chịu trách nhiệm, cảm thấy là một phần quan trọng của một mạng lưới huynh đệ tuyệt vời, trong đó mọi người chúng ta hỗ trợ nhau, và các con là người không thể thiếu. Vâng, các con là người không thể thiếu và có trách nhiệm đối với Giáo hội và đất nước của các con. Các con là một phần của lịch sử vĩ đại hơn, một lịch sử mời gọi các con đóng vai trò tích cực như một người xây dựng sự hiệp thông, một nhà vô địch của tình huynh đệ, một người mơ mộng bất khuất về một thế giới thống nhất hơn.

Nó có vẻ là một thách đố khó khăn. Nó không khó! Các con cũng có một số người bạn trên trời đang khuyến khích các con hướng tới những mục tiêu này. Các con có biết những người bạn của các con là ai không? Đó là các thánh trên trời. Ví dụ, cha nghĩ đến Chân phước Isidore Bakanja, Chân phước Marie-Clémentine Anuarite, và Thánh Kizito và các bạn của ngài. Các ngài là những chứng nhân của đức tin, những vị tử đạo không bao giờ khuất phục trước luận lý của bạo lực,

 

Ngón cái tượng trưng cho việc cầu nguyện và ngón thứ hai, cho cộng đoàn. Chúng ta đến ngón giữa, ngón cao hơn những ngón khác, để nhắc nhở chúng ta về điều gì đó cốt yếu. Các con có biết ngón cao nhất này nhắc chúng ta về điều gì không? Đó là: sự trung thực! Trung thực có nghĩa là không bị vướng vào cạm bẫy của tham nhũng. Hãy học kỹ hai từ này. Trung thực, và từ ngược lại, tham nhũng. Đôi khi chúng ta nghe: “Nhưng người đó là người tốt, làm việc tích cực, biết xử lý sự việc tốt… nhưng là một người tham nhũng…” Hai điều này không thể đi đôi với nhau.

Và cha tự hỏi: làm thế nào để đánh bại căn bệnh ung thư tham nhũng dường như đang phát triển và không bao giờ dừng lại? Có những người tốt, thông minh, nhưng tham nhũng. Kẻ tham nhũng lương thiện hay không lương thiện? Cha muốn hỏi: người này trung thực hay không trung thực? Đừng tham nhũng. Đừng tham nhũng. Tất cả chúng ta cùng nhau nói: “Đừng tham nhũng!” Đừng để cho sự ác thắng được mình. Cha rất thích bài hát này. Các con thật tuyệt vời!

Cha nghĩ đến chứng từ của một người trẻ tuổi như các con, Floribert Bwana Chui, mười lăm năm trước, khi mới 26 tuổi, đã bị giết ở Goma vì đã chặn đường vận chuyển thực phẩm hư hỏng có thể gây hại cho sức khỏe của mọi người. Anh có thể dễ dàng nhắm mắt làm ngơ; không ai có thể phát hiện ra, thậm chí là anh có thể kiếm được lợi nhuận. Nhưng, vì anh là một Kitô hữu, anh đã cầu nguyện. Anh nghĩ đến người khác và anh chọn con đường lương thiện, nói không với sự dơ bẩn của tham nhũng. Đó là ý nghĩa của việc không chỉ giữ cho đôi tay của các con trong sạch, nhưng cả con tim trong sáng. Bây giờ cha muốn nói với các con một điều quan trọng. Các con hãy chú ý. Nếu ai đó đưa hối lộ cho các con, hoặc hứa hẹn cho các con những ân huệ và của cải, các con đừng rơi vào cạm bẫy, đừng để bị lừa dối; đừng đầm lầy của sự ác nuốt chửng các con. Đừng để cho sự ác thắng được mìnhHãy lấy điều thiện thắng điều ác!

 

Nhưng bây giờ chúng ta gần kết thúc. Một, hai, ba, Giờ đây chúng ta nói đến ngón tay thứ tư, ngón đeo nhẫn, trên đó đeo nhẫn cưới. Nhưng nếu các con suy nghĩ thì thấy ngón đeo nhẫn cũng là ngón yếu nhất, ngón mà chúng ta khó giơ lên nhất. Nó nhắc nhở chúng ta rằng những mục tiêu mang lại cho chúng ta sự thỏa mãn lớn nhất trong cuộc sống, trên hết là tình yêu, đạt được qua sự yếu đuối, mệt mỏi và khó khăn. Nhưng trong sự yếu đuối của chúng ta và trong những lúc khủng hoảng mà chúng ta đang gặp và sẽ gặp, cha hỏi các con: đâu là sức mạnh khiến chúng ta tiến lên? Sự tha thứ. Bởi vì tha thứ có nghĩa là có thể bắt đầu lại. Tha thứ không có nghĩa là quên đi quá khứ; nó có nghĩa không đầu hàng trước sự việc lặp đi lặp lại.

 

Các con thân mến, để tạo ra một tương lai mới, chúng ta cần tha thứ và đón nhận sự thứ tha. Bây giờ cha xin các con một việc: tất cả chúng ta hãy im lặng trong một phút, và mỗi chúng ta hãy nghĩ về những người đã xúc phạm chúng ta. Và trong sự thinh lặng này, trước Chúa, chúng ta hãy tha thứ cho người ấy.

 

Chúng ta đã nói về bốn ngón tay: cầu nguyện, cộng đồng, trung thực, tha thứ. Bây giờ chúng ta đi đến ngón cuối cùng, ngón nhỏ nhất. Các con có thể muốn nói: Nhưng tôi bé nhỏ, và bất cứ điều gì tốt tôi có thể làm đều chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng các con có biết, chính sự nhỏ bé, việc trở nên nhỏ bé của chúng ta đã thu hút Thiên Chúa. Đây là quy luật của cuộc sống, dành cho mỗi người chúng ta, các con hãy lắng nghe kỹ càng. Ai phục vụ thì trở nên bé nhỏ.

Các con thân mến, chúng ta sắp kết thúc, cha đã để lại cho các con năm lời khuyên để giúp các con phân định, giữa rất nhiều thông điệp hấp dẫn mà các con nghe, điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống. Hãy can đảm tiến bước. Cha muốn nói với các con một điều cuối cùng: đừng bao giờ nản lòng! Khi các con sầu buồn, khi các con mất can đảm, hãy cầm lấy Phúc âm và nhìn vào Chúa Giêsu, Người sẽ ban cho sức mạnh.

 

Cám ơn về cuộc gặp gỡ của chúng ta. Xin Chúa chúc lành cho cac con. Xin các con cầu nguyện cho cha! Cha sẽ cầu nguyện cho các con!

 

Giờ đây, trong thinh lặng, cha sẽ chúc lành cho các con và cha sẽ xin Chúa Giêsu đến trên mỗi người chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để tiến bước.

vaticannews.va