Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 5 Mùa Chay, Năm B

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 5 Mùa Chay, Năm B

 “Chúng ta là những người thích nghe các câu chuyện về đời sống hằng ngày cũng như trong đời sống đức tin…Các câu chuyện đi sâu vào những nơi kín ẩn nhất trong chúng ta và mở ra cho chúng ta những cách thế mới và thân tình để hiểu nhau – Nuala Kenny

 

  1. TÔI RẤT MUỐN BIẾT BẠN

Ngày xưa có một con búp bê muối bấy lâu sống trong đất liền; nó chưa bao giờ nhìn thấy biển cả. Mong muốn được nhìn thấy biển nó dành ra một ngày và đi hàng trăm dặm về phía đại dương. Cuối cùng nó cũng đến nơi và đứng bên bờ biển, nó mê mẩn và vô cùng ngạc nhiên về những gì nhìn thấy, nó kêu lên: “Hỡi Biển, tôi vui thích được biết bạn làm sao!” Trước sự ngạc nhiên và thích thú của cô gái, biển đáp lại: “Muốn biết tôi, bạn phải chạm vào tôi.” Vì vậy, con búp bê nhỏ bằng muối đi về phía biển và khi cô tiến sâu vào thủy triều đang tới, cô kinh hãi thấy ngón chân của mình bắt đầu biến mất. Sau đó, khi chân cô bắt đầu mất hút, cô kêu lên: “Hỡi Biển, anh đang làm gì tôi vậy?” Biển trả lời: “Nếu bạn muốn biết tôi đầy đủ hơn, bạn phải chuẩn bị cho đi một cái gì đó trọn vẹn hơn.” Khi con búp bê tiến sâu hơn vào nước, chân tay của cô ấy và sau đó cơ thể của cô ấy bắt đầu biến mất, và khi cô ấy trở nên hoàn toàn tan biến, cô ấy kêu lên: “Cuối cùng giờ tôi đã biết biển!”

* Muốn biết Chúa Giêsu chịu đóng đinh thập giá, chúng ta phải bước theo đường Người đã đi: vui lòng đón nhận thánh giá trong cuộc đời mình.

  1. ĐỐI MẶT VỚI SỢ HÃI

Một trong những người viết tiểu sử của nhà tranh đấu quyền lợi cho người da đen nói với chúng ta rằng Tiến sĩ Martin Luther King đã trải qua nhiều khoảnh khắc tồi tệ. Chẳng hạn, một đêm nọ ngôi nhà của ông bị đánh bom. Điều này thực sự đã đẩy ông xuống hố sâu nhất của sự tuyệt vọng – nó đã chạm đến đáy. Trong tình trạng hoàn toàn kiệt sức và tuyệt vọng, ông khuỵu gối xuống, và đúng theo nghĩa đen là ném mình vào vòng tay của Chúa. Đây là cách ông cầu nguyện: “Lạy Chúa, con đã tin rằng lập trường của con là đúng. Nhưng bây giờ con cảm thấy sợ hãi. Mọi người đang tin vào con để làm lãnh đạo. Nếu con đứng trước họ mà không có sức mạnh và lòng dũng cảm, họ cũng sẽ chùn bước và bỏ cuộc. Nhưng con sắp cạn kiệt tất cả năng lực của mình rồi. Con không còn tha thiết gì nữa cả… Con không thể đối mặt với tình trạng này lâu hơn nữa.” Nói cách khác, đó là đêm tối ở Gếthsêmani của Martin Luther King.

* Nhưng sau đó ông trải lòng riêng: “Tôi đã trải nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa theo cách mà tôi chưa từng trải nghiệm trước đây. Và đó là yếu tố duy nhất giúp tôi có thể tiếp tục tranh đấu bất kể kết quả như thế nào.

  1. VÂNG THEO Ý CHÚA

Vài năm trước, Catherine Marshall đã viết một bài báo có tựa đề “Khi chúng ta dám tin tưởng vào Chúa”. Cô ấy kể rằng cô ấy đã phải nằm liệt giường sáu tháng, tình trạng rất nghiêm trọng với căn bệnh nhiễm trùng phổi. Cô ta nghĩ không có lượng thuốc hoặc lời cầu nguyện nào khả dĩ giúp được cô. Cô ấy suy sụp kinh khủng. Một ngày nọ, có người đưa cho cô một cuốn sách nhỏ về một phụ nữ truyền giáo mắc một căn bệnh lạ. Nhà thừa sai đó đã bị bệnh tám năm và bà không thể hiểu tại sao Chúa lại để cho thảm kịch này xảy ra với mình. Hàng ngày bà tha thiết cầu nguyện cho được có sức khỏe để tiếp tục công việc của Chúa. Nhưng lời cầu nguyện của bà không được đáp lại. Một ngày nọ, trong tuyệt vọng, bà ấy đã kêu lên với Chúa: “Được rồi, con sẽ bỏ hết tất cả! Nếu Chúa muốn con trở thành người tàn phế, đó là việc của Chúa! Chúa quyết định xem Chúa muốn con ốm hay khỏe mạnh đây.” Ngay sau đó, bà cho biết sức khỏe của bà đã bắt đầu hồi phục. Trong vòng hai tuần, nhà truyền giáo đó đã khỏe lại. Catherine Marshall cảm thấy khó hiểu trước sự kiện kỳ ​​lạ này, ý nghĩa của nó vẫn ẩn khuất đối với cô, nhưng cô vẫn không quên câu chuyện ấy. Và một buổi sáng nọ Catherine cũng cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa con mệt mỏi quá vì cứ xin Chúa sức khỏe, Chúa trả lời đi, Chúa muốn cho con khỏe hay đau ốm?” Catherine sau đó cho biết bệnh tình của cô thuyên giảm và sau đó một tháng đã hoàn toàn bình phục. Thật là kì diệu!

* Chúng ta nhớ đến lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong giờ hấp hối: Xin đừng theo ý con, một xin vâng theo ý Cha. Vâng theo ý Chúa đem lại bình an.

  1. CÁI CHẾT ĐEM LẠI SỰ SỐNG

Trong cuốn phim Cuộc phiêu lưu của Poseidon, một con tàu bị lật ngược do bởi một cơn sóng thủy triều mạnh. Dưới sự lãnh đạo của một linh mục, do Gene Hackman thủ vai, một nhóm nhỏ hành khách đã đấu tranh để sinh tồn một cách đáng kinh ngạc. Một số người trong nhóm này đã chết với cuộc mạo hiểm này, bao gồm cả chính linh mục. Tuy nhiên, chính lòng anh hùng của ngài đã truyền cảm hứng cho những hành khách sống sót kiên trì phấn đấu và chịu đựng thách đố. Cái chết của ngài trở thành nguồn năng lực cho những người còn lại nỗ lực giành giật sự sống.

* Cái chết dẫn đến sự sống là một trong những chủ đề của Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói: “Nếu hạt lúa không chết đi, nó chỉ trơ trọi một mình. Nhưng nếu chết đi, nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt”.

  1. HẠT LÚA PHẢI CHẾT ĐI

Ở New Zealand có nhiều loài chim không biết bay hơn bất cứ nơi nào trên trái đất. Trong số đó có chim kiwi và chim cánh cụt. Các nhà khoa học nói với chúng ta rằng những con chim này vốn có cánh nhưng lại mất khả năng bay. Bởi vì điều này không có ích gì cho chúng. Chúng không bị đe dọa bởi những con thú ăn thịt trên những hòn đảo xinh đẹp và thức ăn lại rất dồi dào. Vì không có lý do gì để bay nên chúng mất tập tính bay. Không bay chúng bỏ mất khả năng của đôi cánh. Cũng giống như tình trạng của một con đại bàng nhỏ, cuộc đời nó sắp kết thúc trong một chuồng gà. Đại bàng được nuôi cùng đàn gà, mổ ngô thóc, hàng ngày quẩn quanh chuồng gà. Một ngày nọ, một người đàn ông miền núi đi ngang qua, nhận ra con chim, bây giờ là một con đại bàng đã trưởng thành hoàn toàn. Ông ta hỏi người nông dân xem ông có thể làm gì để phục hồi bản tính của nó không. Người nông dân nói: “Tùy ý ông, nhưng có lẽ vô ích thôi. Tất cả những gì đại bàng biết chỉ là mổ ngô như một con gà”. Người miền núi bắt đầu nhiều tuần huấn luyện nghiêm ngặt với con đại bàng, buộc nó phải chạy theo ông để nó phải sử dụng đôi cánh của mình. Nhiều lần đại bàng rơi khỏi cành cây nằm sấp đầu xuống đau đớn. Một ngày nọ, người miền núi đưa con đại bàng lên đỉnh núi và giữ nó trên đầu trên cổ tay của mình. Với một lực đẩy mạnh lên của cánh tay, ông đưa con đại bàng lên trời với một tiếng hô: “Fly! (Bay!)” Con đại bàng đập cánh lượn vòng xoay dần lên trên, nó rướn mãi rướn mãi, cho đến khi thực hiện một cú quét ngoạn mục, rồi tiến thẳng về hướng mặt trời. Nó đã bay được. Nó đã lấy lại bản chất đích thực của nó. Nó chính là con đại bàng một lần nữa.

* 1. Nỗ lực sống hoàn thiện ơn gọi người môn đệ là một “cái chết kéo dài”. 2. Ơn Chúa ban mà chúng ta không sử dụng thì nó cũng biến mất dần.

  1. DẤU CHỨNG NGƯỜI MÔN ĐỆ

Khi nhà truyền giáo Baptist người Mỹ Adoniram Judson (1788-1850) đến Miến Điện để truyền giáo, ông đã gặp phải vô vàn khó khăn. Trong suốt bảy năm thực hiện sứ mệnh của mình, ông phải chịu đựng đói khát và thiếu thốn triền miên. Trong mười bảy tháng, ông bị giam trong nhà tù Ava, phải chịu sự ngược đãi và tra tấn tàn tệ. Kết quả là cơ thể của ông bị những vết sẹo lưu dấu suốt đời vì bị đánh đập và bị xiềng xích với những vòng xích rất nặng buộc vào cổ chân. Phải chịu nhiều đau khổ vừa thể xác lẫn tinh thần như thế, ông vẫn không nản lòng với quyết tâm của mình. Cuối cùng khi được ra tù, ông vẫn xin phép chính quyền dân sự để tiếp tục công việc của mình vì lợi ích của Tin Mừng. Tỏ thái độ tức giận và khinh bỉ, người đàn ông phụ trách từ chối yêu cầu của Judson, nói rằng: “Người của tôi không ngu ngốc để nghe những lời ông giảng đâu, nhưng tôi sợ họ có thể bị ấn tượng bởi vết sẹo của ông và do đó bị thuyết phục để quay sang tôn giáo của ông!”

* Cả bài đọc thư Hípri và Tin Mừng Gioan đều tập chú vào sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu, giúp chúng ta suy niệm mầu nhiệm thập giá là phương thế Chúa dùng để cứu chuộc nhân loại.

  1. MÙA ĐƯỜNG

Ở nhiều vùng phía đông bắc Hoa Kỳ và đông nam Canada, đây là “mùa đường”. Trong sáu tuần, thường là từ cuối tháng Hai đến giữa tháng Tư, cây phong được “cạo mủ” để lấy nhựa. Trong thời gian lấy nhựa hàng năm này, nhựa cây tích tụ trên cây phong sẽ lỏng ra và bắt đầu di chuyển, tạo áp lực trong thân cây. Khi áp suất bên trong đạt đến một điểm nhất định, nhựa cây sẽ rỉ ra từ bất kỳ vết thương mới rạch trên cây. Nông dân và nhà sản xuất thu thập nhựa cây trong như pha lê, sau đó họ đun sôi trong một thiết bị bay hơi trên ngọn lửa nóng rực. Không có gì được thêm vào, nước thì người ta phải  chắt ra. Nhựa cây trở nên cô đặc hơn cho đến khi nó trở thành xirô cây phong. Điều thật tuyệt vời sẽ xảy ra khi người ta dùng bánh kếp hay bánh mì nướng kiểu Pháp với sản phẩm thiên nhiên này. Miếng bánh kẹp xirô tan chảy trong lưỡi người thưởng thức như một thứ mật ngọt đặc trưng.

* “Vinh dự của chúng ta là thập giá Chúa Kitô chịu đóng đinh”.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

print