Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 6 Phục Sinh, Năm B

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 6 Phục Sinh, Năm B

Khi cha Đamien (Damien de Veuster) đến đảo Molokai để dựng một nhà thờ tiền chế dành cho những người mắc bệnh phong, ngài đã phải trải qua mấy tuần đầu ngủ dưới tán cây, vì ngài không thể chịu được mùi hôi thối trong những căn nhà nhỏ tồi tàn của những người bệnh. Lúc đó ngài không dám giảng về tình yêu thương của Chúa dành cho họ, bởi vì điều đó sẽ làm cho họ bị xúc phạm. Nhưng dần dần nhờ ơn Chúa, ngài bắt đầu nhận ra Chúa Giêsu hiện diện nơi những con người đau khổ này. Ngay lập tức, ngài hòa mình với cộng đồng của họ: ngài chăm sóc, rửa ráy, băng bó và tự tay chôn cất những người xấu số này. Ngài xác tín mình được sai đến để yêu thương những con người bị xã hội loại bỏ, và qua ngài, họ tin rằng Chúa yêu thương họ. Ngài không còn ái ngại được mời hút một cái tẩu, rồi ngay sau đó lại chuyền cho những người xung quanh khác cùng hút. Ngài ăn uống với họ từ một cái chén chung, trong đó họ lấy thức ăn bằng bàn tay không có ngón tay. Rồi cuối cùng ngài đã mắc bệnh, ngài cảm thấy vui vì được sống và cùng chết với họ.

* Như vậy, thánh Đamien đã sống theo điều răn yêu thương của Chúa Giêsu được đưa ra trong bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,12-13)

  1. BỐ KHÔNG NHỚ

Một lần nọ, vị giám thị một trường học mở ngày Chúa nhật ghi tên hai đứa nhỏ là chị em mới vào trường. Khi bà ấy hỏi chúng bao nhiêu tuổi, một đứa trả lời: “Cả hai chúng cháu đều bảy tuổi. Sinh nhật của cháu là ngày 8 tháng 4 và ngày sinh của em cháu là 20 tháng 4”. Giám thị đó ngước mắt lên nói: ‘Điều này không thể được, các cháu à!” Cháu gái đứng sau lên tiếng nói: “Không, đó là sự thật ạ. Một người trong chúng cháu được nhận làm con nuôi”. “Ồ, ra vậy”, vị giám thị lại hỏi: “Người nào?” Hai chị em nhìn nhau, và một đứa nói: “Chúng cháu đã hỏi bố câu hỏi đó mới lúc trước, nhưng bố chỉ nhìn chúng cháu và nói rằng bố yêu cả hai chúng cháu như nhau, đến nỗi bố không thể nhớ ai trong hai chúng cháu được nhận làm con nuôi!”

* Đó là một ngụ ngôn tuyệt vời cho tình yêu của Thiên Chúa. Chúa yêu thương tất cả chúng ta, như nhau. Chúng ta được yêu thương không phải vì chúng ta đã giành được tình yêu của Ngài hoặc xứng đáng nhận được tình yêu đó, mà hoàn toàn vì ơn nhưng không.

  1. MỘT MÌNH VÁC GÁNH NẶNG

Tiến sĩ Albert Schweitzer, một thiện nguyện viên, thần học gia, nhạc sĩ và bác sĩ nổi tiếng, đã 85 tuổi khi tôi đến thăm bệnh viện của ông trong rừng tại Lambarene, bên bờ sông Ogowe. Một chuyện đặc biệt khiến tôi nhớ mãi. Lúc đó mười một giờ trưa. Mặt trời vùng xích đạo chiếu những tia nắng gay gắt trên cảnh vật im ắng, chúng tôi cùng với Tiến sĩ Schweitzer đi bộ lên một ngọn đồi có nhiều cây xanh. Đột nhiên ông rời bỏ chúng tôi và sải bước vượt qua triền dốc bên nay sang bên kia, đến một nơi mà một người phụ nữ châu Phi đang vật lộn với một đống củi khổng lồ dùng để đốt lửa nấu ăn. Tôi vừa ngưỡng mộ vừa lo lắng nhìn người đàn ông 85 tuổi vác cả đống củi lên đồi cho người phụ nữ yếu ớt. Khi tất cả chúng tôi lên đến đỉnh đồi, một trong những thành viên của nhóm chúng tôi hỏi Tiến sĩ Schweitzer tại sao ông lại làm những việc như vậy, ngụ ý rằng trong cái nóng khủng khiếp và ở độ tuổi của ông thì không nên. Albert Schweitzer, nhìn thẳng vào tất cả chúng tôi và chỉ vào người phụ nữ nói đơn giản: “Không ai phải gánh một mình gánh nặng như vậy.”

* Tiến sĩ Albert Schweitzer đã thực hành điều răn yêu thương tuyệt vời của Chúa Giêsu: “Yêu như Thầy yêu thương.”

  1. BỎ MẠNG VÌ BẠN

Năm 1941, quân đội Đức Quốc Xã bắt đầu lùng bắt người Do Thái ở Lithuania. Hàng ngàn người Do Thái đã bị sát hại. Nhưng một người lính Đức đã phản đối hành động giết người của họ. Anh ta là Trung sĩ Anton Schmid. Qua sự cứu giúp của ông, mạng sống của ít nhất 250 người Do Thái đã được cứu sống. Anh ta đã tìm cách che giấu họ, tìm thức ăn và cung cấp cho họ những giấy tờ giả mạo. Bản thân Schmid đã bị bắt vào đầu năm 1942 vì đã cứu sống những người này. Anh bị xét xử và hành quyết năm 1942. Thời gian trôi đi gần sáu mươi năm nước Đức mới tưởng nhớ đến người lính anh hùng này là Schmid. Bộ trưởng Quốc phòng Đức, vào năm 2000 đã tôn vinh anh khi tuyên bố: “Quá nhiều người cúi đầu trước những lời đe dọa và cám dỗ của nhà độc tài Hitler, và quá ít người tìm được sức mạnh để dám chống lại. Nhưng Trung sĩ Anton Schmid của chúng ta đã dám hành động phản kháng.”

* Đây là chủ đề trọng tâm của Tin Mừng hôm nay: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hi sinh tính mạng vì bạn hữu.”

  1. MỘT BỆNH VIỆN ĐẶC BIỆT

Có một bệnh viện đặc biệt ở Luân Đôn dành cho những người mà các bệnh viện khác coi là hết đường cứu chữa. Đây là bệnh viện dành cho những người được chẩn đoán là ở vào “giai đoạn cuối”. Hầu như mọi người sẽ nghĩ bệnh viện này là một nơi rất buồn tẻ, nhưng thực tế lại không phải vậy. Thực sự, đó là một bệnh viện tràn đầy hy vọng và tưng bừng sức sống. Trọng tâm của bệnh viện Luân Đôn này là sự sống chứ không phải cái chết. Quả thật khi điều trị ở đây một số lớn bệnh nhân nhận thấy tiến trình bệnh lí của mình thuyên giảm chứ không gia tăng. Điều đáng chú ý nhất trong bệnh viện này là cách tổ chức vận hành. Triết lý tổ chức căn bản ở đây khác với hầu hết các bệnh viện khác. Trong chương trình này, bệnh nhân được sắp xếp để cống hiến mình phục vụ bệnh nhân khác. Mỗi bệnh nhân được giao cho một bệnh nhân khác để chăm sóc và yêu thương. Vì vậy, thí dụ một người không thể đi lại có thể được giao nhiệm vụ đọc sách cho người mù khác nghe. Rồi người mù sẽ đẩy xe lăn cho người không đi được nhưng người này có thể chỉ đường về nơi đẩy ghế…Cứ thế, người ta quan tâm đến nhau và được khỏi bệnh!

* Chúa mời gọi chúng ta trở thành những môn đệ yêu thương nhau. Chính chúng ta là những người chữa lành và tiếp thêm sức mạnh cho người khác khi chúng ta học cách cho đi và yêu thương họ.

  1. ĐÁNH TRÁO

“Hãy giao cho tôi giấy tờ của bạn để tôi có thể mang tất cả tội ác của bạn với tôi trong cái chết.” Nhà văn Pháp Henri Barbusse (1874-1935), kể về một cuộc trò chuyện ông tình cờ nghe được trong một chiến hào la liệt những thương binh trong Thế chiến thứ nhất. Một trong những người lính biết rằng anh ta chỉ còn sống được vài phút nói với một người lính khác: “Nghe này, Dominic, bạn đã sống một cuộc đời rất tồi tệ: tên tuổi của bạn đã hoen ố; bạn luôn bị theo dõi; mọi nơi bạn sống đều bị cảnh sát truy nã. Còn tôi, tôi không bị vướng vào một tiền án nào cả. Tên tuổi của tôi thật ngay chính, vì vậy, đây, mau  cầm lấy ví của tôi, giấy tờ, danh tính của tôi, lấy danh nghĩa của tôi, cuộc sống của tôi,… và nhanh chóng giao cho tôi giấy tờ của bạn để tôi có thể mang tất cả tội ác của bạn đi theo cái chết của tôi!”

* Tin Mừng của Chúa Giêsu cũng tương tự như vậy: chúng ta được sạch tội qua cái chết cứu chuộc của Người.

  1. GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG CẢM HÓA NHÀ TÙ

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Tiến sĩ Ernest Gordon, sau này là Tuyên úy của Đại học Princeton, từng là một tù nhân chiến tranh ở Thái Lan. Trong cuốn sách của mình, Miền Thung lũng Kwai, ông thuật lại sự khác biệt đã xảy ra giữa hai mùa Giáng Sinh mà ông trải qua trong tù. Ông kể lại rằng trong mùa Giáng sinh năm 1942, hàng ngàn lính Mỹ trong nhà tù đó đã ăn cướp đồ ăn của những người bệnh trong số họ, họ ngược đãi lẫn nhau, và không quan tâm việc các tù nhân khác sống hay chết. Nhưng trong một năm sau, một người lính khỏe mạnh bắt đầu đưa thức ăn của mình cho một người bạn ốm yếu để giúp anh này khỏe lại. Thời gian sau tù nhân bị bệnh đó được hồi phục, nhưng người bạn đã cho anh ta thức ăn chết vì suy dinh dưỡng. Câu chuyện về người lính đã hy sinh mạng sống của mình để cứu một người bạn đã lan truyền nhanh trong trại tù. Một số tù nhân nhận xét rằng anh ta giống Chúa Kitô quá. Một số người khác bắt đầu nhớ lại những đoạn Kinh Thánh mà họ đã đọc nhiều năm trước đó trong những hoàn cảnh khác nhau. Một trong những đoạn văn nói: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” Một số người lính trong đó là Kitô hữu nghe câu chuyện đó thì vô cùng cảm động và bắt đầu làm chứng cho những người lính khác. Các tù nhân bắt đầu hỏi về Chúa Giêsu là ai rồi gặp gỡ nhau để học Kinh Thánh. Khi họ bắt đầu biết Chúa Giêsu thì bầu không khí trong trại hoàn toàn thay đổi: từ chán nản, thất vọng và tuyệt vọng sang hy vọng, vui tươi và mến thương nhau. Khi lễ Giáng Sinh năm 1943 đến, Tiến sĩ Gordon cho biết, hơn 2000 tù nhân đã tập hợp lại để cử hành ngày lễ trọng đại này. Họ tưng bừng hát những bài hát Giáng Sinh và một người đọc câu chuyện về sự ra đời của Chúa Giêsu theo tường thuật trong Phúc Âm. Bất chấp cái đói khủng khiếp, các tù nhân mạnh khỏe đã chia sẻ thức ăn của mình cho những bạn tù bị bệnh để giúp họ hồi phục sức khỏe nhanh hơn. Mọi người quan tâm đến nhau nhiều hơn. Họ xác tín rằng điều khác biệt xảy ra là do đức tin vào Chúa Kitô. Và mọi người đều sống theo tình yêu thương của Ngài trong chính hoàn cảnh vốn đã cạn kiệt tình yêu thương.

  1. CÂU CHUYỆN ÔNG GIAKÊU

Có một câu chuyện cổ khá hay về ông Giakêu, người thu thuế. Chuyện ấy kể lại rằng, những năm sau khi gặp được Chúa, vào mỗi buổi sáng ông ấy đều dậy sớm và lặng lẽ rời khỏi nhà của mình. Vợ ông, tò mò, đi theo tìm hiểu. Tại cái giếng của ngôi làng, ông múc đầy một xô nước và đi đến một cây sung. Ở đó, ông đặt cái xô xuống, bắt đầu dọn sạch đá sỏi, lượm nhặt các cành cây và rác rưởi xung quanh gốc cây. Sau khi làm xong, ông ta chậm rãi tưới nước lên rễ cây và đứng đó trong im lặng, nhẹ nhàng vuốt ve thân cây bằng cả hai tay của mình. Người vợ của ông vô cùng kinh ngạc mới bước ra và hỏi ông đang làm gì thế, Giakêu chỉ trả lời đơn giản: “Đây là nơi tôi đã nhìn thấy Chúa Giêsu!”

– Có lẽ mỗi người chúng ta đều lưu giữ những thời điểm, những địa điểm, những đặc điểm của tình Chúa yêu chúng ta. Đó là những nơi chốn thiêng liêng của riêng chúng ta với Chúa.

  1. UBI CARITAS ET AMOR, DEUS IBI EST

(Ở đâu có Bác ái và Thương mến, Ở đó Chúa hiện diện)

 

 Tại một ngôi làng nhỏ trên dãy núi Alps của Thụy Sĩ có một nhà thờ nhỏ được nhiều thế hệ tín hữu đến hành hương và cầu nguyện. Điều làm cho nó trở nên đẹp là câu chuyện về cách nó được xây dựng trên vị trí hôm nay. Câu chuyện diễn ra như thế này. Hai anh em cùng làm việc trong một trang trại của gia đình, họ chia nhau hoa mầu và lợi tức. Một người đã kết hôn, người kia thì chưa. Khí hậu khắc nghiệt dẫn đến kết quả là sản lượng đôi khi không như mong muốn. Một ngày nọ, người anh độc thân tự nhủ: “Thật không công bằng khi chúng ta phải chia đều sản lượng. Tôi chỉ có một mình, nhưng em tôi còn có một gia đình phải lo liệu.” Vì vậy, thỉnh thoảng anh ta đi ra ngoài vào ban đêm, lấy một bao thóc từ kho thóc của mình, lặng lẽ băng qua cánh đồng giữa hai nhà của họ và đổ vào bồ thóc của người em. Trong khi đó, người em cũng có ý tưởng tương tự và nói: “Thật không đúng khi chúng ta chia đều hoa lợi. Tôi có một gia đình giúp đỡ tôi, còn anh tôi chỉ có một thân một mình”. Vì vậy, thỉnh thoảng anh này đi ra vào ban đêm, lấy một bao thóc từ kho thóc riêng và kín đáo đổ vào bồ thóc của người anh. Điều này cứ diễn ra sau mỗi mùa vụ. Hai anh em mỗi người đều tự hỏi tại sao cót thóc của nhà mình không thấy vơi đi. Rồi một đêm họ bất ngờ gặp nhau trong đêm tối. Khi họ nhận ra chuyện gì đang xảy ra, họ bỏ bao thóc xuống và ôm lấy nhau. Đột nhiên có một tiếng nói từ trời cất lên: “Nơi đây Ta sẽ xây dựng nhà thờ của Ta. Vì nơi nào người ta yêu thương nhau, thì ở đó Ta hiện diện và ngự trị.”

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm