Hành Trình Thương Khó Bài 12: Phút hối lỗi chân thành.

print

Hành trình Thương Khó (12): Phút hối lỗi chân thành

Các bạn trẻ thân mến,

Cuộc hành hình cơ bản đã xong. Giêsu đã bị đóng dính vào thập giá, bị tước đoạt hết quần áo và bị treo lên cao để thị uy mọi người. Xung quanh, vẫn không ngừng những lời sỉ vả và thách thức Người. Đâu đó, vẫn còn những lời nhạo báng Người khi Người tự xưng mình cho Con Thiên Chúa. Rồi những ánh mắt tò mò, chờ đợi một phép lạ nào đó xảy ra. Lời cám dỗ năm xưa trong sa mạc vẫn vang vọng lại: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống thập giá đi, chúng tôi sẽ tin” (x. Mc 15,32). Một hình thức cám dỗ nhằm khẳng định bản thân. Đang khi chống chọi với nỗi đau trên thập giá, những lời xúi quẩy ấy vẫn léo réo bên tai. Có hai người khác cũng bị đóng đinh như Giêsu, một người bên trái, một người bên phải. Một cuộc đối thoại nhỏ diễn ra giữa ba con người đang cùng chịu chung số phận này. Người bên trái đã buông lời khiêu khích Giêsu hãy chứng tỏ bản lĩnh của mình, hãy trở nên hùng dũng như trước kia Người là, đừng giấm giếm quyền năng, nhưng hãy cho mọi người thấy thực lực của chính mình. Những lời thách thức như thế dường như quá quen thuộc với Giêsu rồi, Ngài chẳng còn mảy may để ý đến nữa.

Bỗng, Giêsu giật mình khi nghe lời trách cứ của người bên phải dành cho người bên kia, và sau đó là lời cầu nguyện thành khẩn của người này dành cho mình: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” (x. Lc 23,42). Giữa trăm ngàn người đang vây kín Giêsu với những lời oai oán chửi rửa, câu nói này của anh ta như một nguồn an ủi vô cùng to lớn đối với Người. Ít ra, vẫn còn có một người tin nhận là Người từ Thiên Chúa mà đến. Vẫn còn có một người tin rằng Ngài là vua của Nước Trời. Vẫn còn có một người thừa nhận mình bất lực và yếu đuối, xin Ngài thương đến thân phận tội tỗi của anh ta. Lời cầu nguyện của anh ta đã ngay lập tức được đón nhận: “Ngay ngày hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi” (x. Lc 23,43). Trong phút chốc, mọi tội lỗi anh phạm cả một đời đã được xóa bỏ. Một lời thống hối thành khẩn xuất phát từ niềm tin của anh dành cho Chúa Giêsu đã biến anh thành một con người khác. Anh được hưởng niềm vinh hạnh là một trong những người đầu tiên vào Nước Thiên Đàng với Giêsu ngay trong ngày hôm ấy.

Giêsu chưa bao giờ làm ngơ trước sự thành khẩn thú tội của người khác. Đã có lần, Ngài chia sẻ rằng Ngài và Cha thích lối cầu nguyện của một người tội lỗi đứng cuối nhà nguyện đấm ngực khóc lóc vì tội lỗi của mình hơn là người đứng ngay trước bàn thờ kể lể khoe khoang bao nhiêu việc tốt đã làm cho Chúa. Bất chấp những ngăn cấm của truyền thống và lề luật thời ấy, Giêsu đã không ngần ngại ăn uống với các tội nhân, đã để cho một người phụ nữ tội lỗi khóc ướt chân mình, lấy tóc mà lau. Chỉ cần nhìn thấy đứa con thứ quay đầu trở lại thôi là người cha đã vội chạy ra ôm lấy cậu rồi, không cần biết nó quay về vì chuyện chi, hay có còn tiếp tục lấy tài sản mình để ra đi phung phí nữa không. Một lời xin lỗi từ tấm chân tình của người con luôn có đủ sức xoa dịu hết tất cả những bực tức, nóng nảy của cha mẹ. Dường như, Thiên Chúa của chúng ta chỉ làm mỗi một việc là chờ đợi ta nói lời xin lỗi để ban ơn tha thứ, để ôm chúng ta vào lòng, để khóc cùng những giọt nước mắt thống hối của chúng ta.

Ấy vậy mà có mấy khi chúng ta để ý đến. Ađam và Eva năm xưa phạm tội, nhưng thay vì nói lời xin lỗi, lại đi đổ tội cho nhau. Cain đã giết chết người em trai của mình. Nhưng khi Chúa hỏi, ông chẳng những không nhận tội mà còn chối bỏ, lớn tiếng với Chúa. Đã không biết bao nhiêu lần các Thượng tế và Kinh sư được Chúa sửa dạy, nhẹ nhàng cũng có, lớn giọng cũng có, nhưng thay vì ngẫm nghĩ để tìm ra chân lý, họ vẫn cứ khăng khăng với định kiến của mình, rốt cuộc đời sống của họ càng ngày càng thậm tệ hơn. Thực ra, đâu phải Thiên Chúa trách phạt hay bỏ rơi con người, nhưng chính là vì con người không chịu thừa nhận yếu đuối của mình, không chịu chạy đến với Chúa, không đủ cam đảm để nói lời xin lỗi với Chúa.

Một lời thú nhận mình tội lỗi của Phêrô bên bờ hồ Ghenêsaret đã được Thầy Giêsu nhìn đến, đào tạo ông thành Tông đồ của Người, làm đá tảng Giáo Hội và là người cầm giữ chìa khóa Nước Chúa. Một thái độ khao khát tìm Chúa của Giakêu đã được đền đáp bằng cuộc viếng thăm của Chúa, khiến ông trở nên một con người quảng đại đối với người khác và ơn cứu độ được đổ xuống trên ông và gia đình. Một cử chỉ thống hối của người phụ nữ quỳ bên Chúa khóc lóc đã biến chị trở nên người luôn được nhắc đến ở bất cứ nơi đâu Tin Mừng của Chúa được truyền lan. Một ánh mắt giục lòng của người phụ nữ ngoại tình đã được Giêsu cứu thoát khỏi hình phạt ném đá và mở ra một con đường mới để bắt đầu lại hành trình cuộc sống: “Chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Và hôm nay, một lời ăn năn của người gian phi đã gột rửa khỏi anh tất cả những lỗi lầm xưa cũ, khiến anh ngay lập tức được hưởng phúc phần trời cao.

Vậy, chúng ta nên có thái độ nào? Hãy cứ thử nói một lời xin lỗi với Chúa đi, bạn sẽ thấy Người bao dung với ta biết chừng nào.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ