Hạt Giống Nảy Mầm 3 Ngày Tết

print

Hạt Giống Nảy Mầm 3 Ngày Tết

MỒNG 1 TẾT

CẦU BÌNH AN

Mt 6,25-34

 

A. Hạt giống…

Từ chìa khóa là “đừng lo”, từ nghịch nghĩa là “hãy lo”. Như thế đoạn Tin Mừng này dạy về những gì không nên phải lo và những gì phải lo.

– Đừng lo tìm của ăn cho mạng sống và quần áo cho thân thể. (câu 25)

– Tại sao đừng lo những thứ đó ? Vì chúng ta có Cha trên trời lo sẵn cho ta rồi. (câu 26 và 32)

– Cũng đừng lo cho ngày mai. (câu 34)

– Điều quan trọng duy nhất phải lo là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài (câu 33). Trong bộ ngữ vựng của Mátthêu, “công chính” có nghĩa là làm theo ý Thiên Chúa.

B… nảy mầm.

  1. Ngay ngày đầu năm mà đoạn Tin Mừng này bảo đừng lo thì xem ra không hợp. Thực ra đây là đoạn Tin Mừng này định hướng cho cả năm: cần lo cái gì và không nên lo cái gì.

– Chúa Giêsu đã nhắc ta nhớ đến một Đấng rất quan trọng là Cha trên trời. Hãy đặt mình vào vai đứa con nhỏ trong gia đình : Cha nó muốn gì nơi nó ? Không phải là muốn nó đi làm ăn kiếm tiền đem về nhà để góp phần mua cơm gạo áo quần thuốc men. Những thứ đó người cha đã lo sẵn hết. Điều người cha muốn là đứa con lo làm theo những điều cha dạy, như học hành, sống ngoan ngoãn, vâng lời v.v. Một đứa trẻ mồ côi phải lo kiếm ăn cho mình thì không ai trách ; nhưng một đứa con có cha mà cãi lời cha, không lo học, trái lại trốn học để đi kiếm tiền thì cha sẽ buồn, hàng xóm chê cười cha nó. Bởi thế Chúa Giêsu bảo “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài. Mọi sự khác Ngài sẽ thêm cho”.

  1. Điểm lại những thứ chúng ta thường lo, ta sẽ thấy lo làm ăn sinh sống là lớn nhất, còn lo tìm biết đề sống theo ý Chúa là ít nhất, thậm chí ta không hề nghĩ tới. Bài Tin Mừng này dạy ta đảo ngược thứ tự lại.
  2. Ba người bạn : Người kia có 3 người bạn. 2 người trước là bạn rất thân, người thứ ba thường thường vậy thôi. Ngày kia ông bị tòa bắt xử liền xin 3 người bạn đi theo để biện hộ. Người bạn thứ nhất từ chối ngay, viện cớ bận việc quá không đi được. Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan nhưng lại không dám vào. Chỉ có người thứ ba tuy không được ông yêu thích nhưng tỏ ra trung thành vào tận tòa án biện hộ cho ông ta không những trắng án mà còn được thưởng nữa.

Người bạn thứ nhất là Tiền bạc. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho ta một chiếc chiếu và một cái hòm. Người bạn thứ hai là Bà Con Bạn Hữu. Họ khóc lóc đưa ta tới huyệt rồi về. Người bạn thứ ba là các Việc Lành. Chúng theo ta đến tòa phán xét và đưa ta vào cửa thiên đàng.  (Trích “Phúc”)

 

MỒNG 2 TẾT

KÍNH NHỚ TỔ TIÊN

Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4; Lc 1,67-75

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc I trích sách Huấn ca, nội dung là ca ngợi công đức của tổ tiên : các ngài là những người nhân đức, đã tạo dựng cơ nghiệp và truyền lại cho con cháu; các thế hệ con cháu sẽ ghi nhớ ký ức về các ngài, giữ gìn thanh danh các ngài và truyền tụng sự khôn ngoan của các ngài.
  2. Bài đọc II trích thư Êphêxô ghi những lời khuyên cụ thể cho những kẻ làm con cháu :

– Phải vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa.

– Hãy tôn kính cha mẹ.

  1. Bài Tin Mừng trích bài ca Benedictus của ông Dacaria nói về di sản của tổ tiên là thừa hưởng Lời Thiên Chúa hứa sẽ “giải phóng ta khỏi địch thù”. Lời hứa này nhằm mục đích “cho ta chẳng còn sợ hãi”, “để ta sống thánh thiện công chính trên nhan Ngài và phụng thờ Ngài suốt cả đời ta”.

B… nảy mầm.

  1. Việc tôn kính ông bà tổ tiên nhắc chúng ta :

– nhớ đến công ơn của các ngài – ta phải cố gắng sống xứng đáng để đền đáp những công ơn ấy.

– nhớ đến tâm nguyện của các ngài muốn chúng ta là những con người tốt, những Kitô hữu tốt, những Tu sĩ Linh mục tốt – ta phải cố gắng hoàn thành những tâm nguyện ấy.

– nhớ rằng cuộc đời cũng như một sân khấu, người này bước lên diễn xong vai tuồng của mình thì bước xuống cho người sau bước lên. – Ta phải diễn thật đạt vai tuồng của mình, để khỏi phụ lòng những người đi trước và khỏi xấu hổ cho người đi sau.

  1. Một góa phụ vất vả làm lụng trong nhà máy để nuôi bốn đứa con, giờ nằm hấp hối trên giường.

Đứng xung quanh bà bây giờ là con cái lớn khôn. Anh trai cả khóc và nói với bà : “Mẹ ạ, mẹ thật tốt và hết lòng yêu thương chúng con. Chúng con muốn cám ơn mẹ. Chúng con thật hãnh diện về mẹ”.

Bà nhướng đôi mắt và hỏi : “Tại sao các con đợi cho đến bây giờ mới nói điều đó ? Trước đây các con chẳng bao giờ nói như vậy”.

Rồi bà nhắm mắt từ  biệt. (Góp nhặt)

 

MỒNG 3 TẾT

THÁNH HÓA CÔNG VIỆC

Ga 5,16-20

 

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu và “những người Do thái” (phải hiểu là những người biệt phái) tranh luận với nhau. Lý do là “vì Ngài hay chữa bệnh ngày sabát” (câu 16).

Những người biệt phái hiểu luật về ngày sabat một cách rất hẹp hòi : ngày đó người ta phải nghỉ làm việc, không cần phân biệt việc gì cả. Thực ra mục đích của khoản luật về ngày sabat là để giải phóng con người, cho nên chỉ cần nghỉ những việc lao động nào có tính cách nô lệ hóa con người (travail servile).

Những người biệt phái cho rằng chính Thiên Chúa cũng nghỉ làm việc ngày sabát. Thực ra Thiên Chúa chỉ ngưng công việc sáng tạo, còn việc quan phòng thì Ngài vẫn tiếp tục mãi. Bởi đó Chúa Giêsu nói “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc”. Chúa Giêsu còn nói thêm rằng bởi thế “Tôi cũng làm việc” (câu 17).

B… nảy mầm.

  1. Bắt đầu một năm mới, chúng ta nên suy nghĩ lại về ý nghĩa và mục đích và của việc làm. Nhiều người chỉ biết làm để ăn, và ăn để làm, cứ xoay mãi trong cái vòng lẩn quẩn ấy cho đến lúc nhắm mắt buông tay.

– Trong bài đọc I (Sách Sáng thế), tác giả nói : sau khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã đặt nó trong Vườn địa đàng, không phải chỉ để hưởng thụ, mà là để “canh tác và giữ vườn”. Như thế làm việc là sứ mạng cao cả Thiên Chúa đã giao cho con người ngay từ khi mới tạo dựng nên nó. Dù ở vườn Địa đàng, Adam vẫn phải “canh tác”. Cuộc sống ở Địa đàng rất hạnh phúc, nhưng cái hạnh phúc ấy con người phải “canh tác”, nghĩa là phải ra tay kiến tạo. Chính trong lúc làm việc, con người mới cảm thấy hạnh phúc. Ngôi vườn hạnh phúc ấy, con người phải “gìn giữ” bằng việc làm của mình.

– Gương Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng : a/ Ngài làm việc để cộng tác vào công trình sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa; b/ Ngài không chỉ làm việc cho bản thân Ngài hưởng, mà còn làm việc để cứu giúp người khác (“Ngài hay chữa bệnh ngày sabát”).

– Có một số người lười biếng không chịu làm việc. Một số khác làm việc chỉ để cho bản thân và một ít người thân của mình. Lời Chúa hôm nay cho ta thấy thêm rằng làm việc còn có giá trị cộng tác vào công trình sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa (chiều kích đạo đức), và làm việc để cứu giúp những người khác nữa (chiều kích xã hội).

  1. Những cái cớ để lười biếng : Ông chủ giao cho bảy người thợ cưa mỗi người phải cưa một khúc cây.

– Người thứ nhất nói : Khúc cây của tôi còn tươi quá, e lưỡi cưa sẽ mắc trong đó. Tôi chờ cho tới khi nó khô thì mới cưa. Thế là anh đi nghỉ.

– Người thứ hai : Lưỡi cưa của tôi cùn quá rồi. Tôi chờ ông chủ đổi cho tôi một lưỡi cưa sắc bén hơn rồi mới cưa. Và anh cũng đi nghỉ.

– Người thứ ba : Khúc cây này cong bên này cong bên kia. Tôi chờ ông chủ đổi cho tôi khúc khác thẳng hơn. Anh cũng đi nghỉ.

– Người thứ tư: Khúc cây của tôi quá cứng, cứng gấp hai lần loại cây thường. Tôi chờ có khúc khác mềm hơn. Anh cũng đi nghỉ.

– Người thứ năm : Hôm nay trời nóng quá. Đợi ngày nào mát trời hãy cưa. Và anh cũng nghỉ.

– Người thứ sáu : Hôm nay tôi nhức đầu. Đợi tới khi nào khỏi, tôi mới cưa. Và anh cũng nghỉ.

– Người thứ bảy cũng nhận một khúc cây còn tươi, nó cũng cong bên này cong bên kia, thịt cũng rất cứng, lưỡi cưa của anh cũng cùn, trời hôm đó cũng nóng và hôm đó anh cũng nhức đầu. Nhưng anh đi mài lưỡi cưa và bắt tay vào việc. Nhờ lưỡi cưa đã được mài sắc, khúc cây đã được cưa xong, do trời nóng và do làm việc, anh làm việc đổ mồ hôi ra và hết nhức đầu. Anh sung sướng vì hoàn thành công tác được giao.

Hôm sau anh xin ông chủ cho anh một khúc cây khác để cưa nữa. (A.R. Wells)

  1. Cửa sổ hoặc tấm gương: Một người Do thái giàu có nhưng rất keo kiệt đến gặp một vị giáo trưởng để xin một lời hướng dẫn cho cuộc sống của mình. Vị giáo trưởng đưa anh đến bên cửa sổ và nói : “Ông hãy nhìn qua cửa sổ và tôi biết ông thấy gì.” Không một chút do dự, người giàu có trả lời : “Tôi thấy nhiều người đi qua đi lại.” Sau đó vị giáo trưởng bảo người giàu có quay mặt vào trong nhà và nhìn vào một tấm gương treo trên tường. Rồi ông cũng đặt câu hỏi tương tự : “Nào, bây giờ ông thấy gì trong tấm gương ?” – “Dĩ nhiên tôi chỉ thấy tôi”.

Bấy giờ vị giáo trưởng mới rút ra một bài học : “Này nhé, tấm gương được làm bằng kính, phía sau phủ một lớp bạc mỏng. Bao lâu lớp bạc mỏng còn dính chặt đàng sau tấm kính thì nhìn vào đó ông sẽ không còn thấy người nào khác nữa mà chỉ thấy có mình ông thôi. Trái lại khi nhìn qua tấm kính trong suốt ở cửa sổ, ông đã thấy được những người khác.  (Trích “Món quà giáng sinh”)