Hạt Giống Nẩy Mầm Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên B

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên B

Mc 16,15-20

A. Hạt giống…

Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ :

– Sai các ông đi loan Tin Mừng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

– Hứa hỗ trợ đặc biệt cho các ông : “Nhân danh Thầy họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu có uống phải chất độc thì cũng không bị hại ; họ đặt tay trên những người bệnh và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. Những “dấu lạ” mà Chúa Giêsu hứa có thể mang 2 nghĩa : a/ Nghĩa bóng : Chúa giúp các ông chiến thắng thế lực của sự dữ ; b/ Nghĩa đen : các ông sẽ thật sự làm được những phép lạ

Các môn đệ vâng lời Thầy, đi khắp nơi loan Tin Mừng, và những lời Chúa hứa đã thành sự thật : “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo”

B… nẩy mầm.

  1. Việc loan Tin Mừng nhằm 2 mục đích : thứ nhất là nhằm Rửa tội cho người ta trở thành kitô hữu ; thứ hai là phổ biến những giá trị của Tin Mừng. Có những người vì lý do gì đó mà không lãnh nhận bí tích Rửa tội được nên không trở thành kitô hữu. Nhưng nếu họ sống theo những giá trị Tin Mừng thì, nói theo từ ngữ của nhà thần học Karl Rahner, họ cũng là những “kitô hữu vô danh” (chrétien anonyme). Chúng ta phải cố gắng tạo thêm cả những “kitô hữu hữu danh” và những “kitô hữu vô danh”.
  2. “Củng cố lời giảng bằng những dấu lạ kèm theo” : Việc loan Tin Mừng sẽ có sức thuyết phục hơn nếu có những dấu lạ kèm theo. Những dấu lạ này không hẳn là các phép lạ lớn lao, mà còn là cách sống có sức thu hút của chúng ta.
  3. June là một cô bé 5 tuổi xinh đẹp và lanh lợi. Cha là một mục sư. Mẹ mỗi khi đi đâu, thường cho em theo.

Ngày nọ, khi hai mẹ con vào bưu điện, một ông lão thấy em liền hỏi  : “Này bé, ai cho bé mái tóc đẹp thế ?”

“Chúa cho cháu đó ! ”Nói xong bé nhìn thẳng vào ông hỏi : “Thế ông có được Chúa cho gì không ? có được Chúa cứu không ?”

Ông già kinh ngạc và xúc động trước câu hỏi đơn sơ đó. Ông thẫn thờ đáp : “Không, bé ạ !”

“Thế thì ông phải đến với Chúa ngay đi. Rồi Chúa sẽ cho ông thành một người thật đẹp đẽ  ! ”Nói xong, bé vội chạy theo mẹ.

Ít tuần sau, ông tìm đến nhà thờ và theo đạo. Ông cho biết lời của em bé luôn ám ảnh trong đầu và ông quyết định theo Chúa. (Góp nhặt)

  1. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

Fritz Kreisler (1875-1962) là một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng khắp thế giới. Ông đã tạo được một cơ nghiệp đồ sộ nhờ các buổi hoà nhạc và soạn nhạc, nhưng lại hào phóng cho đi gần hết của cải. Do đó, trong một chuyến lưu diễn, ông tìm được một cây vĩ cầm thanh tú nhưng không đủ tiền mua.

Đến khi ông kiếm đủ tiền và trở lại, thì cây đờn đã được bán cho một nhà sưu tầm nhạc cụ. Kreisler tìm đến chủ mới của cây vĩ cầm để xin mua lại. Nhà sưu tầm không muốn bán vì theo ông, nó là một bảo vật quí giá. Kreisler buồn bã và sắp sửa ra về, bỗng nảy ra một ý : “Xin cho tôi đàn một lần trước khi nó bị ký thác cho sự câm lặng” .Chủ nhân chấp thuận. Vị nhạc sĩ tài ba đã làm cho nhà sưu tầm thực sự súc động vì tiếng đàn du dương của mình, đến nỗi ông ấy phải kêu lên “Kreisler ơi ! Tôi, tôi không có quyền giữ chiếc đàn này. Nó thuộc về ông. Ông hãy đem nó đi khắp thế giới để thiên hạ được thưởng thức âm thanh của nó” .

Lạy Chúa, con cũng không có quyền giữ cho mình tất cả hồng ân Người đã ban tặng cho con. Tất cả đã được đón nhận thì tất cả cũng phải được sẻ chia. (Epphata)