Hạt Giống Nẩy Mầm Lễ Đức Mẹ Mân Côi

print

Ngày 7/10

Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Lc 1,26-38

* Lịch Sử

Chuỗi Mân Côi, với hình thức ngày hôm nay, được các Cha Dòng Đa Minh và sau đó Dòng Tên truyền bá từ thế kỷ XV. Lễ Mân Côi không nhằm vào xâu chuỗi cho bằng hướng về Thánh Mẫu Mân Côi, đó là Đức Trinh nữ Maria.

Thánh Lễ được Đức Giáo Hoàng Piô V, xuất thân từ Dòng Đa Minh, lập ra vào năm 1572 để kỷ niệm chiến thắng của Hạm đội Công giáo trên dân Thổ Nhĩ Kỳ (Hồi giáo) ở Vịnh Lepanto ngày 7/10/1571.

Sau cuộc chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Peterwardein xứ Hungaria ngày 5/8/1716, theo yêu cầu của vua Charles VI, Đức Giáo Hoàng đã cho phép mừng lễ này trong toàn Hội Thánh (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh).

A. Hạt giống…

Thánh sử Luca trình bày Đức Maria trong hai bức tranh khác hẳn nhau :

  1. Maria tầm thường :

– Một thiếu nữ mang tên Maria, một tên bình dân nhiều người có. Trong Tân Ước có ít ra 4 phụ nữ mang tên này : Mẹ của Đức Giêsu, mẹ của Giacôbê và Giuse, Maria Mađalêna và Maria chị của Matta và Lazarô.

– Sinh sống tại Nazarét, một thị trấn hầu như vô danh nên Cựu Ước không lần nào nhắc tới.

  1. Maria cao sang :

– Thiên sứ gọi Maria bằng những tước hiệu cao sang : Đấng đầy ơn sủng, Thiên Chúa ở cùng, đẹp lòng Thiên Chúa.

– Con của Người là Cao cả, Con Đấng Tối Cao, Con Thiên Chúa, trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, triều đại Ngài sẽ vô cùng vô tận…

  1. Do đâu một thiếu nữ tầm thường bỗng trở nên cao sang như thế ?

Do sự khiêm tốn của Maria. Người đã thưa : “Tôi là nữ tì của Chúa. Xin cứ làm cho tôi như lời thiên sứ nói”. Nghĩa là Maria ngoan ngoãn để cho Thiên Chúa “làm” mọi sự nơi Người, không cản trở, không đòi Thiên Chúa phải làm theo ý riêng Người.

Mà Thiên Chúa là Đấng toàn năng, “Đối với Ngài, không có gì là không thể làm được”.

B… nảy mầm.

  1. Trong những người biết khiêm tốn để cho ơn Chúa hoạt động thì sẽ xảy ra những điều vĩ đại phi thường.
  2. “Thưa bà Maria, xin đừng sợ” : Ta đừng sợ những sứ mạng Chúa giao, miễn là ta chịu để cho quyền năng Chúa hoạt động nơi mình.
  3. Trong Thánh Kinh, câu “Đừng sợ” được nói 365 lần. Tức là đủ để nhắc chúng ta mỗi ngày trong suốt một năm.
  4. “Nếu bạn cậy vào sức riêng của mình thì chẳng lạ gì bạn sẽ sớm ngã lòng. Kẻ khiêm nhường thực thì không ngã lòng, kẻ ngã lòng không phải là người khiêm nhường thật bởi vì người ấy cậy dựa vào một cái gì đó ngoài Chúa” (J.N.D. “Scripture Truth”)
  5. Một hôm Satan đem bày bán những dụng cụ làm việc của hắn. Có rất nhiều món, được dán nhãn hiệu rõ ràng: nào là giận hờn, ganh ghét, dâm dục, nào là kiêu ngạo, nói dối, tham lam v.v. Và món nào cũng có ghi giá. Nhưng có một món được để riêng một bên, không dán nhãn nhưng giá lại cao nhất. Một người hỏi :

– Đó là cái gì mà cao giá dữ vậy ?

– Đó là sự ngã lòng.

– Tại sao nó cao giá thế ?

– Vì nó hữu hiệu hơn tất cả những dụng cụ khác : khi tôi không thể dùng những dụng cụ kia để đến gần người ta thì tôi dùng nó để xâm nhập tận cõi lòng người ta. Một khi tôi đã đặt nó vào lòng người ta rồi thì tôi có thể xúi người ta làm bất cứ điều gì tôi muốn. Mà đặt nó vào lòng ta rất dễ, bởi vì ít ai biết dụng cụ đó là của tôi”. (Gospel Herald)

  1. Về tiếng “xin vâng” của Đức Maria :

a/ Vì Thiên Chúa là chủ của vũ trụ và của lịch sử, nên mọi việc trên đời, không việc gì có thể đi ngoài ý Chúa và kế hoạch của Chúa mà êm xuôi được (“thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” ; gương ngôn sứ Giôna). Cho nên biết “xin vâng” tức là biết lái con thuyền đời mình thuận theo dòng nước.

b/ Thực ra chữ “fiat” còn có thể dịch đúng hơn, là “Xin hãy thành sự nơi tôi”. Hiểu như vậy, phía chủ động là chính Thiên Chúa. Con người chỉ cần ngoan ngoãn để cho Thiên Chúa hoạt động nơi mình. Nói cách khác, con người chỉ việc “buông theo ân sủng”.

  1. “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi”. (Lc 1,38)

Vào một ngày đẹp trời, các phóng viên thiên thần được diện kiến “người nữ có phúc hơn mọi người nữ” là Đức Maria. Các ngài đã làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng :

– Chào Bà. Bà đã từng làm người. Vậy, theo Bà, sứ mệnh của nhân loại là gì ?

– … Là sống cho Chúa.

– Người nữ “chân yếu tay mềm” phải làm gì để hoàn tất vai trò của mình trong gia đình, xã hội và Giáo hội ?

– … Hãy trung thành với ơn gọi cao cả mà Thiên Chúa trao ban qua nữ tính của họ.

– Nhưng càng nhu mì, càng hiền dịu thì càng bị đối xử bất công. Làm sao tìm được sự bình đẳng mà không đánh mất nữ tính ?

– … Mỗi người có một bản sắc riêng. Hãy thể hiện trọn vẹn nét độc đáo ấy.

– Vậy sẽ không có sự bình đẳng tuyệt đối ?

– … Chỉ có sự bình đẳng hoàn hảo nhất, đó là sự bình đẳng trước mặt Thiên Chúa…

Và Đức Maria đã minh chứng điều này qua sự cộng tác của Mẹ vào công cuộc cứu chuộc của Đức Giêsu, với bí quyết rất nữ tính : “Xin vâng”.

Thông qua hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ như thầm nhắn nhủ : Hạnh phúc và sự bình đẳng của phận người tuỳ thuộc vào sự đáp trả của chúng ta trước tiếng gọi của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra và đáp trả lời mời gọi của Ngài trong từng giây của cuộc sống như Mẹ Maria (Hosanna).