Hạt Giống Nẩy Mầm Mùa Quanh Năm Tuần 15

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Mùa Quanh Năm Tuần 15

 Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

Thứ Hai :

Mt 10,34—11,1

 

A. Hạt giống…

Phần cuối của bài giảng về sứ mạng tông đồ. Chúa Giêsu thẳng thắn cho biết những đòi hỏi khó khăn của Tin Mừng :

– Vì Tin Mừng đòi người ta phải chọn lựa theo hay không theo, nên nó có thể gây nên chia rẽ ngay giữa những người thân, kẻ không theo chống lại những người theo.

– Vì Tin Mừng là giá trị cao quý nhất cho nên nếu cần thì người ta phải dám từ bỏ tất cả những thứ khác để đổi lấy nó.

Sau cùng Chúa Giêsu khuyến khích người ta quảng đại tiếp đón những sứ giả của Tin Mừng, vì tiếp đón họ chính là tiếp đón Chúa và sẽ được Chúa trọng thưởng.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Thú thật Lời Chúa mấy ngày nay khiến con rất sợ : để đón nhận Tin Mừng của Chúa, con phải hy sinh và từ bỏ rất nhiều ; khi làm tông đồ của Chúa, con cũng sẽ đương đầu với biết bao khó khăn và đau khổ. Con hiểu được tại sao nhiều người không kiên trì sống đức tin, và nhiều người ngại làm tông đồ cho Chúa. Con cũng sẽ đào ngũ chăng ? Con cũng sẽ nản lòng chăng ? Thật tình con không muốn thế bao giờ. Xin cho con được kiên trì và can đảm.
  2. “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy” : hiện giờ con đang yêu những gì hơn Chúa ? Xin cho con sức mạnh dám từ bỏ những thứ đó để con xứng đáng hơn với Chúa.
  3. “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng đáng với Thầy” : xin cho con biết thập giá hiện nay của con là gì, và xin thêm sức để con vác nổi thập giá ấy.
  4. Một thiếu nữ trẻ đẹp, con nhà quyền quý muốn nhập vào một dòng tu rất khắc khổ. Để thử thách ơn gọi của cô, Mẹ Bề trên vẽ lên một bức tranh đáng sợ về những đòi hỏi khắc khe của tu viện. Nghe xong, cô bé có vẻ lung lay và im lặng. Một lúc sau Mẹ bề trên hỏi :

– Con không nói gì ư ?

– Thưa mẹ con chỉ có một câu hỏi : trong nhà dòng này có nhiều cây Thánh giá không ?

– Ồ, khắp nơi trong nhà, chỗ nào cũng có cây Thánh giá.

– Vậy thì thưa mẹ, con hy vọng sẽ không gặp gì khó khăn cả, bởi vì ở mọi nơi và trong mọi giây phút, con đều có Thánh giá bên cạnh. Con có thể chịu đựng tất cả. (Góp nhặt)

  1. “Ai giữ lấy mạng sống mình thì mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,39)

Kìa một em bé ! Đúng rồi, một em bé ! Làm thế nào để cứu em bây giờ ? Hàng chục cặp mắt đang dõi theo em với đầy vẻ lo lắng và thương xót. Bỗng từ trên thành cầu, một bóng người lao vội xuống cố nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của em đang quờ quạng giữa khoảng không tưởng như vô vọng… Em bé đã được cứu sống ! khoảnh khắc quá mỏng manh giữa cái chết và sự sống.

Câu chuyện đã xảy ra vào một buổi chiều tháng năm cách đây gần một năm… như một luồng sáng chiếu vào cõi lòng vốn vị kỹ của tôi, và tôi đã hiểu một tình yêu cao cả đòi hỏi một sự dấn thân quên đi chính mạng sống mình để cứu lấy mạng sống người khác. Tình yêu đó chính là tình yêu mang tên Giêsu.

Lạy Chúa, xin giúp con hiểu thế nào là mầu nhiệm “tự huỷ” của Ngài, để luôn biết quảng đại dấn thân cứu sống người anh em mà không sợ đau thương hay nguy hiểm. (Hosanna)

 

Thứ Ba :

Mt 11,20-24

 

* Đặt trong sơ đồ chung của Mt :

Với hai chương 11-12 (Từ hôm nay đến Thưa Ba tuần 16), chúng ta gặp một khúc quanh trong Tin mừng Mt. Thật vậy trong 10 chương trước, Mt lần lượt trình bày về thân thế của Chúa Giêsu (1-2¬), về chủ trương Messia của ngài (3-4), về Hiến chương Nước trời của Ngài (5-7), về quyền năng Messia của Ngài (8-9) và việc Ngài thông quyền cho 12 tông đồ và sai các ông đi truyền giáo (10). Tất cả diễn tiến đều diễn ra êm thắm tốt đẹp, hầu như không có trở ngại và vấn đề gì nghiêm trọng đặt ra. Nhưng từ chương 11 thì bắt đầu có trở ngại : trước hết là thắc mắc do Gioan Tẩy giả đặt ra (11,2-6), rồi đến những người không đón nhận Ngài (11,16-24), rồi biệt phái và luật sĩ lên tiếng chỉ trích (12,1-45).

Nhưng chính nhờ những thắc mắc, chỉ trích và tranh cãi mà Mt có dịp trình bày những suy tư thần học của ông về Chúa Giêsu : Ngài là sự Khôn ngoan (11,19), Chúa Con (11,25-27), Con Người (12,8) Tôi Tớ (12,18-21), Con vua Đavít (12,23), và loan báo rõ ràng trước về biến cố phục sinh (12,40).

Và cũng qua những thắc mắc và tranh cãi ấy, một vấn đề then chốt được đặt ra : trước Chúa Giêsu người ta phải dứt khoát chọn lựa có tin hay không. Sự chọn lựa dứt khoát này sẽ xác định số phận của mỗi người.

 

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu khiển trách các thành dọc bờ hồ Galilê là Khôradin, Bétsaiđa và Caphácnaum.

Các thành này đều chứng kiến “phần lớn các phép lạ” Chúa Giêsu đã làm. Thế nhưng họ không hối cải. Tại sao ? Vì họ kiêu căng. Ta cũng nên biết rằng so với các thành khác, những thành này có trình độ kiến thức Thánh Kinh cao hơn (x. câu 23 : “Ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư ?”). Khi thấy sự kiêu căng đã khép kín lòng họ, Chúa Giêsu nghĩ tới những kẻ “bé mọn” nhờ khiêm tốn mà nhận được mặc khải của Thiên Chúa. Bởi thế trong đoạn tiếp liền sau, Chúa Giêsu sẽ cảm tạ Thiên Chúa “vì đã dấu không cho những bậc thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (c 25).

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Khi ấy Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Ngài làm mà không chịu sám hối” : phép lạ là để khơi dậy lòng sám hối, vì phép lạ cho người ta thấy việc kỳ diệu của Chúa, rồi vì nhìn lại thấy mình bất xứng với Chúa nên phải sám hối để xứng đáng hơn với Chúa.
  2. Thời vua Louis 13 đang trị vì nước Pháp, ngày kia hoàng hậu Anne d’Autriche mở tiệc đãi khách. Hôm đó bà đeo một sợi dây chuyền bằng ngọc. Thánh Vincent de Paul có mặt trong bữa tiệc đó, đã nói với bà : “Thưa hoàng hậu, nếu bà muốn, bà có thể làm một phép lạ”. Hoàng hậu nhìn thánh nhân đầy kinh ngạc. Thánh nhân nói tiếp : “Vâng, bà có thể đổi các viên ngọc này thành bánh mì giúp những người nghèo đói”. Vài giờ sau, phép lạ đã xảy ra : Hoàng hậu trao cho thánh Vincent de Paul sợi dây chuyền ấy để Ngài bán lấy tiền mua bánh mì cho người nghèo.

Ngày nay vẫn xảy ra những phép la tương tự, hiểu theo nghĩa những việc kỳ diệu được thực hiện do ơn Chúa tác động. Khi thấy những “phép lạ” bác ái, hy sinh do người khác làm, tôi có sám hối về lòng ích kỷ của mình không ?

  1. Những thành ven Biển Hồ được nghe Lời Chúa và chứng kiến các phép lạ của Ngài nhiều hơn những nơi khác. Lẽ ra họ phải tin Chúa hơn những nơi khác. Nhưng vì họ không tin nên hình phạt của họ nặng hơn những nơi khác. Ai nhận lãnh nhiều nén bạc hơn thì có trách nhiệm nhiều hơn.

Tôi cũng nhận lãnh nhiều nén bạc hơn nhiều người khác. Đó là đặc ân của tôi mà cũng là trách nhiệm của tôi.

  1. Có nhiều kiến thức về Chúa chưa hẳn là ích lợi hơn có ít kiến thức nhưng có tâm hồn biết ngưỡng mộ những kỳ công của Chúa.
  2. “Khốn cho ngươi hỡi Khôradin ! Khốn cho ngươi hỡi Bétsaiđa ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn thì họ đã mặc áo vải thô rắc tro lên đầu và tỏ lòng sám hối” (Mt 11,21)

Bước ra khỏi hiệu sách được một lúc, tôi nhận ra số tiền dư do chị bán hàng đưa lộn. Lương tâm nhắc tôi phải sống công bằng. Nhưng tôi đã tự trấn an “Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ… Hơn nữa đó là lỗi của người khác chứ đâu phải lỗi của mình”. Và tôi tiếp tục bước đi.

Tới nửa đoạn đường, chân tôi như cứng lại và như có một sức mạnh nào đó níu kéo, khi tự đáy lòng tôi Lời Chúa cứ vang lên “Khốn cho ngươi…” Tôi tự nghĩ : chắc hẳn Chúa đang buồn vì hành động của tôi, vì tôi đã biết Chúa nhiều. Sau giây phút ngập ngừng, tôi quyết định trở lại hiệu sách và đưa số tiền đó cho chị. Nhìn chị tươi cười sau tiếng cám ơn, tôi thấy nhẹ cả người.

Lạy Chúa, đó không chỉ là niềm vui của chị mà còn là niềm hạnh phúc của con. Xin cho con luôn can đảm thực thi những gì Lời Chúa đòi hỏi, vì Chúa là Đấng công minh. (Hosanna)

 

Thứ Tư :

Mt 11,25-27

 

A. Hạt giống…

Đoạn này tiếp liền đoạn hôm qua : sau khi khiển trách những thành ven Biển Hồ đã không tin Ngài vì cậy vào sự thông thái của mình, Chúa Giêsu lên tiếng tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha đã mặc khải Tin Mừng cho những người bé mọn, tức là những người “nghèo trong tinh thần” mà Ngài đã nói trong Bát phúc (Tv 19,8 116,6), những người tội lỗi, những kẻ ít học.

Ngài còn nói “Vì ý Cha đã muốn an bài như vậy”. Nghĩa là những thái độ hoặc tin hoặc cứng tin mà Chúa Giêsu gặp chẳng phải là chuyện may rủi, cũng chẳng phải do tài năng hoặc bất tài của Ngài, mà là chương trình khôn ngoan của Thiên Chúa là như vậy : Ngài luôn ưu ái những kẻ bé mọn và hạ bệ những bậc khôn ngoan.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Chúa Giêsu là một con người lạc quan. Mặc dù vừa thất bại ở các thành ven Biển Hồ, Ngài vẫn lên tiếng tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha. Sở dĩ Ngài lạc quan vì Ngài thấy được kế hoạch của Chúa Cha.

Sau khi bị thất bại, tôi dễ chán nản muốn bỏ cuộc. Xin Chúa cho con lạc quan như Chúa, để luôn tin tưởng vào thành công cuối cùng của việc loan Tin Mừng. Xin cho con lạc quan đến nỗi vẫn ca tụng tạ ơn Chúa vì những thất bại của con.

  1. Thiên Chúa giấu không cho những người khôn ngoan biết những mầu nhiệm của Ngài, mà lại mặc khải cho những người bé mọn biết những điều ấy. “Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng, Ngài nâng cao những người phận nhỏ”.

Dù con có biết được điều gì đi nữa, dù con có thành công bao nhiêu đi nữa, xin cho con luôn khiêm tốn, tự biết mình chỉ là kẻ bé mọn trước mặt Chúa.

  1. Được Thiên Chúa mặc khải cho biết về Ngài, đó là một đặc ân cao quý. Biết bao người thông thái nhưng không có đức tin. Còn con, từ hồi mới sinh ra đã được ơn đức tin. Con xin tạ ơn và chúc tụng Chúa.
  2. Niềm vui và sự phấn khởi là sợi chỉ xuyên suốt của toàn bộ Thánh Kinh. Thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu “Anh em hãy vui lên. Tôi xin nhắc lại, anh em hãy vui luôn”. Cho dù cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu có là trọng tâm của Kitô giáo, cho dù hy sinh có là con đường tu đức của các kitô hữu, thì Tin Mừng vẫn là tên gọi của Đạo Chúa. Kitô giáo thiết yếu là một Tin Mừng để đón nhận, để sống và để loan báo. Mà nói đến Tin Mừng là nói đến hân hoan (Chờ đợi Chúa)
  3. Một hôm sói hỏi sóc :

– Vì đâu mà họ nhà sóc của mi luôn vui vẻ nhảy nhót còn bọn sói chúng ta luôn buồn rầu ?

– Ông buồn vì ông ác. Tính độc ác bóp nghẹt tim ông. Còn chúng tôi vui vẻ vì chúng tôi hiền lành và không làm điều ác cho một ai (Tolstoð kể)

  1. “Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,26)

Lạy Chúa, Chúa đã đến và đã xin con tất cả, và con cũng đã hiến dâng cho Chúa tất Cả : cặp mắt, đôi chân và đôi bàn tay. Vì con là phụ nữ, ưa ngắm nhìn mái tóc óng ả của con, ưa nhìn ngắm những ngón tay thon nuột xinh xắn của con. Thế mà giờ đây đầu con hầu như chẳng còn sợi tóc nào, cũng chẳng còn đâu những ngón tay hồng hồng xinh xinh nữa, chỉ còn lại vài que củi khô nhám nhúa… Thế nhưng, con không hề muốn nổi loạn, con lại muốn dâng lên Chúa lời tạ ơn… Bởi vì, đời con đã được quá ư đầy tràn đến diệu kỳ. Sống đắm mình trong tình yêu, cuộc đời con đã được Chúa lấp đầy chan chứa.

Lời nguyện cầu của chị Véroniquae đẹp quá. Cứ dạt dào, bay vút, hòa quyện với lời tạ ơn của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết khám phá nơi con những khả năng Cha ban, biết trân trọng những tặng vật Cha ký thác, và tận dụng những cơ hội Cha gởi trao. (Hosanna)

 

Thứ Năm :

Mt 11,28-30

 

A. Hạt giống…

Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, “gánh” chỉ luật lệ, và “mang ấy ách” nghĩa là học với. Chúa Giêsu kêu mời chúng ta học với Ngài và đón nhận luật của Ngài.

– Học với Chúa Giêsu là học được tính hiền lành và khiêm tốn.

– Luật của Ngài là luậït yêu thương.

Bởi thế ai mang lấy ách của Ngài và học với Ngài thì tâm hồn người đó sẽ gặp được bình an.

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Hãy đến với Ta hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng” : Ôi một lời kêu gọi xuất phát từ một tấm lòng yêu thương bao la ! Chúa rất quan tâm lo lắng khi thấy tôi khổ đau và mệt mỏi. Ngài rất muốn nâng đỡ và xoa dịu tôi nên mới lên tiếng kêu mời tôi. Lẽ ra tôi phải tìm đến Ngài trước, thế mà Ngài lại kêu mời tôi trước.

Mà sở dĩ Ngài kêu mời tôi là vì rất nhiều lần khi gặp khốn khổ tôi đã không chạy đến với Ngài, tôi chạy đến với ai khác, tôi ngã lòng không muốn cầu nguyện nữa…

  1. “Ta hiền lành và khiêm tốn” : hẳn là 2 đức tính này quý giá đặc biệt lắm nên Chúa mới tự mô tả mình như thế.

Tôi có hiền lành không ? Tôi còn phải học gì thêm ở tính hiền lành của Chúa ?

Tôi có khiêm tốn không ? Tôi còn phải học gì thêm ở tính khiêm tốn của Chúa ?

  1. “Ách Ta êm ái” : Điều làm cho Luật của Chúa trở thành êm ái đó là tình yêu. Nếu tôi không yêu Chúa thì việc tôi giữ luật sẽ trở thành nặng nề. Nếu tôi không yêu thương anh chị em thì việc tôi sống chung với họ sẽ làm cho họ khổ sở. Xin giúp con ngày càng yêu thương nhiều hơn.
  2. Ở Á Đông, thương cho roi cho vọt. Nhưng câu nói này lại hoàn toàn vô nghĩa trong xã hội Mỹ. Mới đây một tòa án tại bang Dalas đã tuyên án phạt một ông bố 3 roi vì tội đánh con của mình. Vụ án trên là một minh họa cho vấn đề Luật và Tình thương. Một gia đình sung túc đến đâu mà trong đó không có tình thương thì cũng như một nghĩa địa. Một xã hội văn minh kỹ thuật đến đâu mà không có tình thương thì chỉ là một bãi sa mạc. (Theo “Chờ đợi Chúa”).
  3. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28)

Buồn và chán vì mọi người trong gia đình chẳng hiểu mình, tôi chạy đến những người bạn để mong trút hết bầu tâm sự. Nhưng đứa thì đi học, đứa đi làm, đứa đi chơi… Chiều muộn rồi, tôi chẳng biết đến với ai. Chạy lòng vòng ngoài phố càng khó chịu nặng nề thêm vì tiếng ồn, khói xe và bụi. Tới đường Tú Xương, bỗng nhiên tôi nghĩ đến nhà thờ Mai Khôi nhỏ bé, đơn sơ nhưng không khí yên tĩnh, thánh thiện. Tìm lấy một góc, tôi thầm kể cho Ngài tất cả. Tôi bỗng thấy nhẹ nhàng và bình an lạ lùng vì hình như có ai đó đã nghe tôi, hiểu tôi.

Kinh nghiệm này giúp tôi hiểu và cảm nghiệm sâu xa hơn Lời Chúa ngày hôm nay.

Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được : chỉ nơi Ngài con mới kín múc được niềm vui và sự bình an đích thực. (Hosanna)

 

Thứ Sáu :

Mt 12,1-8

 

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu bị các người biệt phái kết án vì chuyện các môn đệ Ngài bứt lúa trong ngày Sabát.

Thực ra điều mà các người biệt phái trách không phải vì họ đói mà bứt lúa để ăn (Đnl 23,26 cho phép ăn lúa nơi đồng của người khác), nhưng là vì họ đã làm việc trong ngày hưu lễ (Xh 34,21 cấm gặt lúa trong ngày sabbat : người biệt phái quá vụ luật đã coi việc bứt một vài bông lúa có nghĩa là gặt lúa !). Trong câu chuyện này, cũng nên lưu ý câu trả lời của Chúa Giêsu trích Hôsê 6,6 “Ta muốn tình thương chứ không màng của lễ”.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Vụ việc này là một minh họa cho thấy Luật (“ách”) của người biệt phái do không có tình thương trong đó nên đã trở thành nặng nề thế nào. Họ không hề quan tâm đến cơn đói của các môn đệ, mà chỉ rình mò xem các ông có làm gì sơ hở phạm đến luật không để mà kết án.

Khi không có tình thương, mọi sơ hở nho nhỏ của anh chị em tôi đều có thể bị tôi kết án. Ngược lại, khi đã thương thì tôi có thể thông cảm cho những sai phạm đó cách dễ dàng.

  1. “Tôi muốn lòng nhân từ chứ không muốn hy lễ” : Chúa Giêsu muốn tôi lấy lòng nhân mà đối xử với anh chị em. Đó chính là của lễ quý hơn mọi của lễ khác mà tôi có thể dâng lên Chúa.
  2. “Con Người là chủ của ngày Sabát” : Tôi phải giữ luật vì Chúa chứ không phải vì luật.
  3. Qua vụ việc này, Chúa cũng dạy ta đừng đoán xét người khác một cách “lý thuyết”, mà phải để ý tới hoàn cảnh nữa.
  4. Ngày nọ Khổng Tử dẫn học trò từ nước Lỗ sang nước Tề. Trong đám học trò có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai môn sinh được Khổng Tử sủng ái nhất.

Thời Đông Chu, loạn lạc khắp nơi khiến dân chúng lầm than đói khổ. Thầy trò Không tử cũng có nhiều ngày nhịn đói cầm hơi. Ngày đầu tiên đến đất Tề, Khổng Tử và các môn sinh được một người nhà giàu biếu cho một ít gạo. Khổng Tử liền phân công : Tử Lộ và các môn sinh khác vào rừng kiếm củi, còn Nhan Hồi đảm nhận việc nấu cơm.

Đang đọc sách ở nhà trên, Khổng Tử bỗng nghe một tiếng động ở nhà bếp. Nhìn xuống, ngài bắt gặp Nhan Hồi đang mở vung xới cơm cho vào tay nắm lại từng nắm nhỏ rồi đưa vào miệng. Không Tử than thở : “Người học trò tín cẩn nhất của ta lại là kẻ ăn vụng”.

Khi Tử Lộ và các môn sinh khác trở về, Khổng Tử cho tập họp các môn sinh lại và nói : “Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm cho Thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương. Thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ. Nhưng liệu nồi cơm này có sạch không ?” Nhan Hồi chắp tay thưa : “Dạ nồi cơm này không sạch. Khi cơm vừa chín, con mở vung ra xem thử. Chẳng may một cơn gió tràn vào. Bồ hóng và bụi trần nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Sau đó con xới lớp cơm bẩn ra định vứt đi. Nhưng nghĩ rằng cơm ít mà anh em lại đông, cho nên con đã ăn phần cơm ấy. Thưa Thầy như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi”. Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử lại ngẩng mặt lên trời mà than rằng : “Chao ôi, thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật. Suýt nữa Khổng Từ này đã trở thành kẻ hồ đồ”

  1. “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12,7)

Tôi đứng đó dưới ánh mặt trời. Trước mặt tôi bóng đen đổ dài phía sau trên nền đất. Tôi chợt nghĩ : mặt trời sao đen thế !

Xoay người 180 độ, cái bóng vẫn đổ dài phía sau trên nền đất. Nhưng trước mặt tôi, mặt trời bừng sáng rực rỡ.

Lời Chúa hôm nay hé mở cho tôi một lối sống mới, lối sống tự do của lòng nhân từ, không sợ hãi, không hình thức nệ luật.

Lạy Chúa, bước vào đời người con phải chấp nhận luật chơi của cuộc sống. Xin cho con luôn ý thức luật lệ chỉ là phương thế để con sống hoàn thiện và là cầu nối để con đến với Thiên Chúa và tha nhân. (Hosanna)

Thứ Bảy :

Mt 12,14-21

A. Hạt giống…

Mặc dù bị những người pharisêu chỉ trích, Chúa Giêsu không trả đũa nhưng “lánh đi nơi khác” (c 15) ; dù Ngài đã làm những phép lạ hiển hách và được dân chúng ngưỡng mộ, Ngài vẫn khiêm tốn “cấm họ không được tiết lộ Ngài là ai” (c 16). Thái độ bất bạo động đó làm cho Ngài rất giống với hình ảnh Người Tôi Tớ hiền từ mà Isaia đã tiên báo : “Ngài sẽ không cãi vã, không to tiếng. Chẳng ai nghe thấy Ngài lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gãy ; tim đèn leo lét Ngài chẳng nỡ tắt đi…”

B…. nẩy mầm.

  1. Những người biệt phái đã bao phen chống đối Chúa Giêsu. Hôm nay họ còn bàn mưu hãm hại Ngài. Chúa Giêsu thừa khả năng chống lại họ, nhưng Ngài rời nơi ấy lánh đi nơi khác. Đối đầu và trả đũa không phải là phương cách hay nhất. Khi nào còn có thể nhường thì nhường, còn có thể nhịn thì nhịn.
  2. “Ai có bệnh, đều được Ngài chữa lành. Ngài cấm họ đừng nói cho ai biết Ngài” : Chúa không muốn phô trương những phép lạ của Ngài, một đàng vì không muốn người ta hiểu sai về tư cách Messia của Ngài, mặt khác vì khiêm tốn như lời Ngài đã dạy : “đừng phô trương công đức trước mặt người ta”.

Lắm khi tôi làm ngược lại : người ta khen ngợi công đức của tôi thì tôi sung sướng ; người ta chưa biết đến công đức ấy thì tôi làm cách này cách nọ cho người ta biết mà khen.

  1. “Ngài sẽ không cãi vã, không to tiếng. Chẳng ai nghe thấy Ngài lên tiếng giữa phố phường”. Xin Ngài dạy cho con được như Ngài, không thích to tiếng, cãi cọ, ăn thua…
  2. “Cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gãy ; tim đèn leo lét Ngài chẳng nỡ tắt đi…” : Xin Chúa dạy con noi gương Chúa, trân trọng bảo vệ, khuyến khích và nuôi dưỡng những gì tốt đẹp còn lại trong lòng những kẻ mà người ta cho là đã hư đốn.
  3. Một hôm Satan thích chí vô cùng vì đã phát minh được một cái gương kỳ diệu : bất cứ điều gì nhìn trong tấm gương ấy cũng đều bị đảo lộn. Một khuôn mặt kiều diễm nhất nhìn vào tấm gương cũng biến thành xấu xí ghê rợn. Satan nghĩ có thể đưa tấm gương lên thiên đàng để gây chia rẽ giữa Thiên Chúa và các thiên thần.

Satan liền đội tấm gương lên đầu bay thẳng lên trời. Dọc đường hắn nhìn vào tấm gương và càng thích thú khi thấy khuôn mặt xấu xí của hắn càng xấu hơn. Nhưng càng bay gần đến thiên đàng thì hắn càng thấy khuôn mặt hắn xấu thê thảm. Cứ thế, chưa đến cửa thiên đàng thì hắn không còn chịu nổi vẻ xấu xí thô bạo của hắn nữa. Tay hắn run lẩy bẩy và đánh rơi tấm gương xuống trần gian. Tấm gương vỡ từng mảnh và lan tràn mắt đất. Đó là khởi đầu đại họa cho con người : từng hạt cát nhỏ bám vào mắt ai thì nằm mãi ở đấy, và người đó chỉ còn thấy cái xấu trên thế gian này mà thôi.

Câu chuyện trên muốn nói rằng : nhìn thấy cái xấu nơi người khác không phải là điều tự nhiên nơi con người, đó là một cái nhìn của quỷ.

Nơi mỗi người, vẻ đẹp của Thiên Chúa vẫn còn chiếu sáng. Chính cái nhìn này mới là nền tảng cho đức ái kitô giáo. (Chờ đợi Chúa)

  1. “Cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gãy ; tim đèn leo lét Ngài chẳng nỡ tắt đi…” (Mt 12,20)

“Vừa cầm kết quả, chân tay em run hết, muốn ngã. Bác sĩ phải vịn đỡ. Không tin, em xét nghiệm lại hai lần vẫn dương tính…”

Sợ hãi, đau khổ, tuyệt vọng : tâm lý những người nhiễm HIV là thế. Nhưng không như những căn bệnh nan y khác, người bị nhiễm HIV không những mang trong mình án tử mà còn chịu nỗi cô đơn đến tột cùng trong cảnh bị hất hủi, phân biệt đối xử. Họ mỏi mắt tìm kiếm bàn tay cảm thông của người thân, bạn bè, đồng loại… Nhưng những người lành mạnh, những người được xem như sạch sẽ, đạo đức vẫn vô tình hoặc cố ý mặc họ rơi, rơi mãi…

Đầy quyền năng, Chúa Giêsu trọn quyền quyết định cuộc sống nhân loại. Nhưng Ngài không chỉ kiên nhẫn chờ đến khi người ta chết đi rồi mới phán xét, mà còn trân trọng, nâng niu chút giọt sống còn lại của kẻ khốn cùng.

Lạy Cha, con được Cha mời gọi làm Ngôn sứ cho sự sống và tình thương. Xin cho con luôn biết tìm đến chia sẻ những lo âu đau khổ của anh em từ những hành động nhỏ nhặt nhất. (Hosanna)