Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 4

Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 4

Thứ Hai

Thứ Ba.

Thứ Tư.

Thứ Năm..

Thứ Sáu.

Thứ Bảy.

Thứ Hai

Mc 5,1-20

A. Hạt giống…

Các đoạn Tin Mừng từ Thứ Bảy tuần trước đến Thứ Ba tuần này lần lượt kể các phép lạ của Chúa Giêsu, mỗi phép lạ mặc khải một khía cạnh của mầu nhiệm Chúa Giêsu.

Phép lạ này mặc khải uy quyền Chúa Giêsu chiến thắng uy quyền ma quỷ

– Người bị quỷ ám trong chuyện này là sào huyệt của tất cả quyền lực ma quỷ được tổng động viên. Hắn tự xưng “Tên tôi là đạo binh” (câu 9).

– Ảnh hưởng của việc bị quỷ khống chế :

a/ Mất tương giao hài hòa với đồng loại : “”Anh ta thường sống trong đám mồ mả” (câu 3)

b/ Mất tự do đích thực : “bị gông cùm xiềng xích” (câu 4)

c/ Tự hại mình : “Lấy đá đập vào mình” (câu 5)

d/ Mất nhân phẩm : “tru tréo” (câu 5), không ăn mặc đàng hoàng, muốn nhập vào đàn heo (câu 12).

– Kết quả khi được Chúa giải thoát :

a/ Nhân phẩm được trả lại : “Anh ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi, trí khôn tỉnh táo” (câu 15)

b/ Gắn bó với Chúa : “Anh nài xin được ở với Ngài” (câu 18)

c/ Hội nhập lại trong tương giao đồng loại : “Anh cứ về nhà với thân nhân” (câu 19).

d/ Thành sứ giả của Tin Mừng : “Anh ra đi và bắt đầu rao truyền… tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho anh” (câu 20).

Thế nhưng dân làng xin Chúa Giêsu rời khỏi vùng đất của họ : vì tiếc của (đã bị chết chừng 2000 con heo), họ từ chối Đấng Messia !

B…. nẩy mầm.

  1. Phản ứng của người bị quỷ khống chế là không muốn được giải thoát khỏi sự khống chế đó : Người bị quỷ ám này nói với Chúa Giêsu “Chuyện tôi can gì đến ông ?… Tôi van ông đừng hành hạ tôi”. Chúa phải hành động mạnh “Thần ô uế kia, hãy xuất khỏi người này” – Khi ma quỷ khống chế ta, nó cũng xúi ta trốn tránh Chúa và không muốn được giải thoát. Xin cho con đừng mù quáng muốn ở lì mãi trong tội và trốn tránh những người thiện chí Chúa gởi đến cứu giúp con…
  2. Chúa Giêsu phân biệt rất rõ : Ngài cương quyết tiêu diệt thế lực của ma quỷ, nhưng vẫn yêu thương và muốn giải thoát những kẻ bị ma quỷ khống chế.
  3. Trong Thánh Kinh, heo là hình ảnh của ô uế và của thế lực gian tà. Làng Ghêrasa này đầy heo nhưng lại tiếc rẻ khi đàn heo ấy chết đuối. Họ lại còn xin Chúa Giêsu rời khỏi làng họ. Khi ta bám vào của cải vật chất thì ma quỷ cũng theo đó mà bám víu ta.
  4. Có lần Napoleon cầm tấm bản đồ thế giới, chỉ vào nước Anh, tức tối nhận xét : “Nếu không có cái chấm đỏ này thì Ta đã là bá chủ thế giới.

Ma quỉ cũng chỉ vào thánh giá Đức Kitô nói : “Nếu không có chấm đỏ này thì ta đã bá chủ thế giới.” (Góp nhặt)

  1. Một thanh niên say rượu, đi ngang qua đám đông đang nghe giảng. Anh muốn tỏ ra “ta đây” và làm cho nhà giảng thuyết mất mặt chơi. “Chào, này ông ơi, về nhà đi thôi, đừng giảng nữa, ma quỉ chết hết rồi !” Vị giảng thuyết lạnh lùng nhìn anh nói : “Ma quỉ chết rồi à  ? Vậy là từ nay anh mồ côi rồi !” Chàng ta xấu hổ lủi mất, trong khi đám đông được trận cười khoái chí. (Góp nhặt)
  2. “Chúa Giêsu bảo kẻ trước kia đã bị quỷ ám : ‘Anh cứ về nhà với thân nhân và loan tin cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh và Người đã thương anh như thế nào” (Mc 5,19)

Sau khi được chữa lành, người trước kia đã bị quỷ ám nài xin Chúa cho được ở với Người. Nhưng Người đã không đồng ý và bảo anh trở về nhà loan truyền và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa giữa những người thân yêu của mình.

Chúa Giêsu đã làm ơn cho anh nhưng không muốn giữ anh lại với Người để kẻ chịu ơn phải suốt đời đền ơn đáp nghĩa. Người chỉ muốn ơn ban chảy tràn đến mọi người, qua trung gian của những kẻ đã một lần được yêu thương và chữa lành.

Con đường dẫn ta đến với Chúa chẳng bao giờ là đường cùng hay ngõ cụt nhưng luôn dẫn ta đến với mọi người, trước hết là những người thân cận, rồi đến những người đáng thương hay đang cần được yêu thương và giúp đỡ.

Chúa ơi ! Đường của con là Chúa. Tình yêu của con là Chúa. Và quê hương của con cũng là Chúa. (Epphata)

  1. Mầm khác :

Thứ Ba

Mc 5,21-43

A. Hạt giống…

Phép lạ cuối cùng trong loạt 3 phép lạ mặc khải uy quyền của Chúa Giêsu trên sự sống và sự chết :

– Nơi đứa con gái của ông Giairô : sự sống đã mất hẳn vì nó đã chết, ai nấy cũng xác nhận cái chết ấy vì họ đã bắt đầu khóc than kêu la ầm ĩ, người ta còn cười nhạo khi Chúa Giêsu bảo nó chưa chết.

– Nơi người phụ nữ bị băng huyết : sự sống đang mất dần (máu là biểu tượng của sự sống).

– Chúa Giêsu là chủ và là nguồn của sự sống : a/ Người phụ nữ bị băng huyết chỉ cần sờ đến gấu áo Ngài thì sự sống được phục hồi ; b/ Ngài gọi cô bé sống lại cách dễ dàng như đánh thức một người khỏi giấc ngủ.

B…. nẩy mầm.

  1. “Đứa bé có chết đâu. Nó ngủ đấy thôi”. Khi Ladarô chết, Chúa Giêsu cũng nói “Ladarô bạn của ta đang yên giấc. Thầy đi đánh thức anh ấy dậy” (Ga 11,11). Đối với Chúa, chết chỉ là một giấc ngủ, mở mắt thức dậy là một cuộc sống thật, vĩnh cửu.
  2. Một bà cụ năng đến nhà thờ cầu nguyện. Một cậu bé lấy làm ngạc nhiên liền theo dõi. Cậu nấp sau bàn thờ nghe bà cầu nguyện lớn tiếng : “Lạy Chúa, con đã già và sống đủ. Bất cứ lúc nào Ngài gọi, con sẵn sàng.”

Bà cầu nguyện suốt ba ngày vẫn những lời ấy. Ngày thứ tư, sau khi bà cầu nguyện, cậu bé giả giọng nói vọng ra từ  sau bàn thờ : “Ta đã nghe lời cầu xin của con, Ta sẽ đến đón con lúc chín giờ sáng mai.”

Bà về nhà, không sao ngủ được vì lo lắng về điều đã nghe. Bà không chấp nhận nổi những gì bà đã cầu nguyện. (Góp nhặt)

Ta chỉ tin suông vào sự sống thật mai sau. Thực chất là ta vẫn còn coi trọng sự sống đời này hơn.

  1. Một ông lão ở Marocco đến gặp một nhà truyền giáo để tìm con đường cứu độ, vì ông biết mình chẳng sống bao lâu nữa. Để giúp ông, nhà truyền giáo dùng một cuốn sách, trong đó trang 1 màu đen tượng trưng cho tội lỗi, trang 2 màu đỏ tượng trưng máu Chúa Kitô, trang 3 màu trắng chỉ lương tâm trong sạch, trang 4 màu vàng chỉ vinh quang Nước Trời.

Sau khi nhập đạo ít lâu, người đó lâm cơn hấp hối. Bà vợ là người theo đạo Hồi khuyên ông kêu cầu đức Mahomet, nhưng ông không chịu,  bảo Chúa của ông là Đức Kitô. Bà vợ nói : “Vậy ông hãy lấy cuốn sách nhà truyền giáo cho, mở trang 3, hi vọng Chúa sẽ cho ông sạch tội mà vào thiên đàng. “Ông đáp : “Không, hãy mở trang 2 cho tôi.” Và ông chết trong lúc tựa đầu vào trang sách tượng trưng máu Chúa Kitô. (Góp nhặt)

  1. Một vị giám mục nổi tiếng hiền hoà, dễ mến. Khi được hỏi bí quyết, ngài đáp bí quyết đó là :

Thứ nhất, tôi nhìn lên trời để nhớ rằng đời tôi phải tới đó.

Thứ  hai, tôi nhìn xuống đất để thấy phần mộ tôi sau này thật nhỏ hẹp.

Thứ ba, tôi nhìn chung quanh để thấy bao người nghèo khổ mà đáng kính trọng hơn tôi.

Thứ bốn, tôi học để biết hạnh phúc thật nằm ở đâu, mọi nổ lực của tôi sẽ chấm dứt thế nào và những than thở của tôi thật vô cớ biết bao ! (Góp nhặt).

  1. “Người phụ nữ lách qua đám đông tiến đến phía sau Chúa Giêsu và sờ vào áo của Người, vì bà tự nhủ : Tôi mà sờ được vào áo Người thôi là sẽ được cứu. Tức khắc bà đã được khỏi bệnh” (Mc 5,27-29)

Băng huyết là bệnh nan y trong thời Chúa Giêsu. Người mắc bệnh này thường tuyệt vọng. Nhưng người phụ nữ trong câu chuyện Tin Mừng đã không giam mình trong nỗi thất vọng. Chị đã đến với Chúa và hết lòng tin tưởng vào Người, tin rằng Người có thể lấp đầy những khát vọng của mình.

Dù cách biểu lộ niềm tin của chị còn thô thiển là tìm cách sờ vào áo của Người, nhưng chỉ cần ngần ấy thôi cũng đủ để Chúa Giêsu nhận ra lòng tin mãnh liệt của chị, lòng tin mà, theo Người, đã cứu chữa chị và đem lại cho chị sự bình an.

Tôi chợt nghĩ đến căn bệnh của thời đại, đến những người đang thất vọng vì nhiễm HIV, và thầm nguyện cho họ được vững một niềm tin vào Chúa, Đấng duy nhất có thể thoả mãn những mong đợi mà Người đã đặt trong trái tim của mỗi người. Chính Người đã đến để loan báo cho ta niềm hy vọng tuyệt vời, vì Người là tác giả của sự sống.

Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa vì nhờ Người mà con đã khám phá ra khuôn mặt mới của Thiên Chúa : một Thiên Chúa giàu lòng thương xót và yêu thương hết mọi người. (Epphata)

  1. Mầm khác :

Thứ Tư

Mc 6,1-6

A. Hạt giống…

Thánh Marcô đã từng cho thấy thái độ không tin nơi những người bà con của Chúa Giêsu (x. Mc 3,20-21 : họ nói Ngài mất trí và muốn bắt người về quê ; Mc 3,31 : Họ ngăn cản Ngài rao giảng). Trong đoạn này, Mc ghi nhận thêm thái độ không tin của những người cùng làng với Ngài.

Lý do không tin là thành kiến ‘Bụt nhà không thiêng’ : “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê và Simon sao ? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?” (câu 3).

Hậu quả của thái độ không tin : “Ngài đã không làm được phép lạ nào tại đó ; Ngài chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ” (câu 5).

B…. nẩy mầm.

  1. Ta dễ ngưỡng mộ tài năng và đức độ của những “người dưng” và coi thường những “người nhà”. Thánh Gioan Tiền hô nói với dân do thái “Có một vị ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Trong nếp sống cộng đoàn, thái độ này không có tác dụng khuyến khích và tôn trọng nhau.
  2. “Gần chùa gọi bụt bằng anh”. Phải chăng vì Chúa quá gần và quá dễ dãi với ta nên ta coi thường Chúa ?
  3. Tin vào một Chúa Giêsu đang làm những phép lạ hiển hách ở Capharnaum thì dễ hơn là tin vào một Chúa Giêsu là bác thợ mộc, là anh chị em ta. Bài Tin Mừng hôm nay khuyến khích ta làm điều thứ hai, tức là tin vào Chúa Giêsu trong đời thường, trong công việc, trong anh chị em…
  4. Một bề trên tu viện công giáo đến tìm một ẩn sĩ ấn giáo tại chân núi Hy mã lạp sơn và trình bày về tình trạng bi đát của tu viện ông : Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắp nơi đến. Trong tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu hàng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì leo teo mấy người, cuộc sống thật là buồn tẻ. Vị bề trên hỏi tu sĩ ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện tới tình trạng trên đây. Tu sĩ ấn giáo ôn tồn bảo : “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình.” Và ông giải thích : “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Ngài.”

Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang vậy ? Nhưng có điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ đều có thể là Đấng Cứu Thế.

Vậy là từ đó mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế.  Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở  lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm  và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn. (Trích “Món quà giáng sinh”)

  1. “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình hay giữa đám bà con thân thuộc trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4)

Ra trường với mảnh bằng sư phạm trong tay, tôi được cử dạy tại một ngôi trường gần nhà. Tôi rất sung sướng vì khỏi phải đi xa. Tôi đã cố gắng vận dụng mọi kiến thức và khả năng để giảng dạy cho các em, và điều đó làm cho tôi rất vui.

Một ngày kia, tình cờ tôi nghe thấy các em nói với nhau : “Ổng ở gần nhà tao đó. Mày có biết không, hồi nhỏ ổng dốt lắm. Anh tao nói môn toán ổng “xơi ngỗng” hoài !”.

Từ ngày đó, tôi phải chấp nhận những ánh mắt nghi ngờ, những dấu chấm hỏi làm nhức nhối con tim. Dù sao tôi vẫn không thể thoái nhiệm hay dễ dàng rời xa lý tưởng của mình.

Xin giúp con theo Chúa đến cùng trên con đường yêu thương và phục vụ, dù có bị rẻ rúng giữa những người mà con đã hết lòng yêu thương và phục vụ. (Epphata)

  1. Mầm khác :

Thứ Năm

Mc 6,7-13

A. Hạt giống…

Trước đây Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ, mục đích là “để họ ở với Ngài và để Ngài sai họ đi rao giảng” (Mc 3,14). Vậy sau khi họ đã “ở với Ngài” một thời gian, nay Ngài “sai họ đi rao giảng”. Đây là những người còn non yếu, cho nên trước khi họ ra đi, Chúa chỉ dẫn họ những điều cần thiết.

Mục đích lần sai đi này là “để họ đi rao giảng”. Họ phải giảng điều gì và giảng thế nào ?

– Về nội dung lời giảng, thánh Marcô tóm lược trong công thức rất gọn “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”. Như thế, đây là nội dung chính, tất cả những lời rao giảng khác đều quy về nội dung chính này. Hơn nữa, đây cũng chính là nội dung rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mc 1,15) và của Gioan tiền hô (x. Mc 1,4).

– Về cách giảng : họ không chỉ giảng bằng lời kêu gọi, mà còn bằng a/ việc làm chứng (c 7 : Họ đi từng nhóm 2 người, đúng quy định của luật Môsê về điều kiện để sự làm chứng có giá trị) ; b/ việc giải thoát người ta khỏi xiềng xích của thế lực gian tà (“trừ quỷ”) ; c/ việc giải thoát người ta khỏi đau khổ thể xác (“chữa bệnh”).

– Những chỉ dẫn về tác phong người rao giảng có thể tóm lại trong hai điều : Nghèo và tin tưởng vào Chúa quan phòng.

B…. nẩy mầm.

  1. Cách giảng hữu hiệu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là một cuộc sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa.

“Đã có lần Lênin nói về Thánh Phanxicô Assisi ‘Để có thể thay đổi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy’ “(Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

  1. Chúa Giêsu sai các môn đệ đi “từng hai người một” : việc truyền giáo là việc của tập thể và phải làm trong tinh thần cộng tác với nhau.

Có những người làm việc Chúa nhưng đã không theo tinh thần ấy : họ làm theo chủ nghĩa anh hùng cá nhân, không thích bị người khác kiểm soát, không muốn người khác chia xẻ thành công…

  1. Ngày kia, thánh Phanxicô Assisi nói với một thày dòng : “Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo.” Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thày dòng thắc mắc hỏi : “Con nghe ngài nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà !” Thánh Phanxicô đáp : “Chúng ta đã giảng đạo rồi đó  ! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồn của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao ?”

Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan. Người Kitô-hữu không có cách truyền giáo nào hay hơn là chính đời sống chứng tá của họ. (Góp nhặt).

  1. “Nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì ra khỏi nơi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ” (Mc 6,11)

Để tiện việc ôn thi đại học của đứa em, tôi phải thuê nhà trọ ở gần trường và ở chung với nó. Rồi một buổi tối, trời mưa như trút nước, ba mẹ con hành khất đến xin chủ nhà cho ngủ trọ. Người chủ nhà từ chối và tìm cách đuổi khéo.

Nhìn bóng ba mẹ con hành khất khuất dần trong bóng tối, tôi cảm thấy sức nặng của Tin Mừng và những đòi hỏi quyết liệt của nó. Giả như các môn đệ của Chúa đến với tôi không bị, không bánh, không tiền, liệu tôi có thể tiếp nhận các ngài không ? Rất có thể một lần nữa, các ngài sẽ bị xua đuổi hay khước từ.

Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra Chúa nơi tất cả mọi người, nhất là những người cùng khổ, để luôn ân cần đón tiếp mọi người. (Epphata)

  1. Mầm khác :

Thứ Sáu

Mc 6,14-29

A. Hạt giống…

Câu chuyện về cái chết của Gioan tẩy giả gồm 4 nhân vật với những đặc điểm tâm lý khác nhau :

– Hêrôđê là một người không có lập trường : một đàng kính trọng Gioan nhưng đàng khác khi bị Gioan vạch tội thì căm thù Gioan ; khi nghe Gioan giảng thì ông thích, nhưng khi nghe bà Hêrôđia xúi bậy thì lại bắt Gioan tống ngục ; Lúc thì hứa sẽ cho cô con gái của Bà Hêrôđia bất cứ điều gì nó xin, nhưng khi nó xin cái đầu của Gioan thì ông lại buồn, nhưng không dám từ chối…

– Bà Hêrôđia : một người đàn bà chạy theo đam mê bằng mọi giá bất chấp thủ đoạn : phụ tình với chồng cũ, giết Gioan…

– Con gái bà Hêrôđia (nàng Salômê) : không biết dùng nhan sắc và tài năng vào việc tốt, lại dùng chúng để làm tội…

– Gioan tẩy giả : một ngôn sứ chính danh. Ngôn sứ là sứ giả của Lời Chúa, can đảm nói lời Chúa cho dù phải tù tội và phải chết.

B…. nẩy mầm.

  1. Những dư luận về Chúa Giêsu rất khác nhau : Gioan tẩy giả sống lại, Êlia, một ngôn sứ… Ngày nay cũng có nhiều dư luận về Chúa Giêsu, trong đó có những dư luận không tốt. Tôi phải làm gì để cho người ta hiểu đúng về Ngài ?
  2. Tên “Giêsu” nghĩa là “Chúa Cứu độ”, hay nói theo ngôn ngữ thông dụng, Ngài là Đấng “cứu nhân độ thế”. Người ta không quan tâm lắm đến những danh hiệu khác của Ngài (Con Thiên Chúa, Kitô Messia, Con Vua Đavít v.v.). Nếu Ngài là đấng “cứu nhân độ thế” thì ai cũng thấy cần đến Ngài bởi vì ai cũng có điều cần Ngài cứu giúp, hoặc vật chất hoặc tinh thần. Nhưng làm sao cho người ta không chỉ biết mà còn thấy rõ Ngài là Đấng cứu nhân độ thế ? Giáo Hội và các môn đệ Ngài phải cho người ta thấy điều đó qua cách sống và những việc làm của mình.
  3. Suy nghĩ về tính thiếu cương quyết của Hêrôđê : nếu thấy một điều gì đó là đúng thì phải cương quyết làm ; nếu thấy một điều gì đó sai thì cũng phải cương quyết bỏ ; không chần chứ, không rút lại điều đã quyết định.
  4. Suy nghĩ về những đam mê của bà Hêrôđia : đam mê là một động lực rất mạnh nhưng cũng là một con dao hai lưỡi. Nếu đam mê một điều tốt thì người ta sẽ làm được những kỳ công ; nếu đam mê một điều xấu thì tai hại rất lớn…
  5. Xem câu chuyện của nàng Salômê, tôi phải xin Chúa giúp tôi biết xử dụng những khả năng Chúa ban cho đúng.
  6. Suy gẫm gương thánh Gioan tẩy giả : tôi có can đảm nói và sống Lời Chúa bất chấp mọi khó khăn, mất mát không ?
  7. Một học sinh Nhật là Kitô-hữu duy nhất trong ngôi trường có 150 học sinh. Trước mỗi bữa ăn, em thường mạnh dạn làm dấu thánh giá và đọc kinh. Các học sinh đến tố cáo với thầy giáo là em có “hành vi ma thuật”. Nghe thấy thế, thầy cho gọi em lên đứng giữa lớp, hỏi xem em đã làm gì Em thẳng thắn nói rằng em chỉ cám ơn Chúa đã ban lương thực hằng ngày. Nghe vậy, thầy giáo gục xuống bàn, nước mắt ràn rụa nói  : “Này con, ta cũng là Kitô-hữu, nhưng ta không can đảm tỏ ra cho mọi người biết. Giờ thì cám ơn Chúa, ta đã biết là Kitô-hữu, mình phải làm gì.” (Góp nhặt)
  8. Mầm khác :

Thứ Bảy

Mc 6,30-34

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu như một chiếc phao giữa biển mà nhiều người lênh đênh bám vào. Thánh Mác-cô viết “Lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập đến nỗi các tông đồ không có` thời giờ ăn uống”.

Trong hoàn cảnh bận rộn như vậy, Chúa Giêsu làm sao ? Một mặt Ngài lo liệu cho các môn đệ Ngài được nghỉ ngơi : “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Mặt khác, về phần mình, Ngài hy sinh thời giờ nghỉ ngơi của mình để tiếp tục phục vụ cho dân.

Động cơ của cách cư xử đầy lòng nhân hậu ấy là tình thương của Ngài : “Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông thì động lòng thương”.

B…. nẩy mầm.

  1. Sau khi làm việc mệt nhọc, tôi có quyền nghỉ ngơi. Chính Chúa Giêsu cũng đã kêu các môn đệ tìm chỗ yên tĩnh để nghỉ ngơi.

Vì tôi có quyền nghỉ ngơi, nên lúc tôi đã mệt mà người ta vẫn đến “quấy rầy”, tôi thường bực bội gắt gỏng. Hãy xem gương Chúa Giêsu : Ngài không hề gắt gỏng, trái lại Ngài động lòng thương và tiếp tục phục vụ.

Nếu tôi chưa được như Chúa hy sinh cả thời giờ nghỉ ngơi, thì ít ra tôi đừng gắt gỏng với người ta. Tôi phải học biết “động lòng thương” họ.

  1. Khi Chúa Giêsu động lòng thương dân chúng thì Ngài làm gì ? Việc trước tiên Ngài làm không phải là chữa bệnh, mà là “dạy dỗ họ nhiều điều”. Chúa thương người ta đau khổ, nhưng Chúa càng thương hơn vì người ta không biết Tin Mừng. Nói cho người ta một lời đem lại sức sống còn ích lợi hơn chữa cho người ta khỏi bệnh phần xác.

Tôi có sẵn những lời đó không ? Nếu tôi gặp một người đang đau khổ, tôi sẽ nói gì để người đó thực sự được an ủi và lạc quan hơn chứ không có cảm tưởng nghe một lý thuyết suông ?

  1. Abraham Lincoln là vị Tổng thống Hoa kỳ đã phải đương đầu với cuộc nội chiến tang thương nhất trong lịch sử đất nước. Ngày nọ, căng thẳng gần như điên cuồng, ông đã nhờ người về nơi sinh quán của mình là Kentusky để mời cho được người bạn già đến thủ đô Washington cho ông tham khảo ý kiến. Hai người bạn mừng mừng tủi tủi khi gặp nhau. Sau những giờ phút tâm sự, tông thống Lincoln cảm thấy tươi vui hẳn lên.

Về sau có người hỏi ông đã làm gì để tổng thống phấn khởi lên như thế, người bạn già của tổng thống cho biết : tổng thống không bàn hỏi với ông bất cứ điều gì có liên quan tới chiến tranh hay chuyện đất nước. Ông cũng cho biết là ông chỉ ngồi thinh lặng để lắng nghe tổng thống trút hết nỗi lòng của mình. (Chờ đợi Chúa)

  1. “Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài” (Mc 6,33)

“Em thân mến ! Giờ đây chị đã bình an. Chị không còn oán trách, giận hờn anh ấy và các bạn nữa. Trước đây, chị luôn nghĩ mình là người vững vàng, bản lãnh, là chỗ dựa của mọi người. Chị yêu anh ấy, nhưng lại cho rằng anh ấy thật yếu đuối. Chị đã làm tổn thương đến danh dự và lòng tự trọng của anh. Tình yêu tan vỡ, bạn bè xa lánh, chị rơi vào vực thẳm cô đơn, buồn thảm.

Trong hoàn cảnh tối tăm ấy, chị đã cầu nguyện thật nhiều. Và khi đối diện với Chúa, Đấng hiền lành và khiêm nhượng, chị nhận ra mình kiêu căng và tự mãn biết bao. Cảm ơn Người đã cho chị nhận biết sự thật về chính mình, dù là một sự thật đau lòng.

Em thân mến, khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn, em hãy lắng nghe Lời Chúa và khám phá ra thánh ý Người trong mọi biến cố của cuộc sống. Chị tin rằng mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp hơn và tâm hồn em sẽ được bình an.

Phúc cho chị vì chị đã chạy đến với Chúa và nhận ra ý Người. Còn em, có lẽ chỉ biết khóc và oán giận thôi ; chẳng để ý đến sự hiện diện của Chúa và cũng chẳng tìm kiếm thánh ý Người.”

Lạy Chúa, Chúa vẫn ở bên con và đỡ bước con đi. Xin mở mắt cho con được thấy tôn nhan Chúa và nhận ra thánh ý Người. (Epphata)

  1. Mầm khác :
print