Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 11  Mùa Quanh Năm

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 11  Mùa Quanh Năm

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

LỄ MÌNH THÁNH CHÚA.

 

Thứ Hai :

Mt 5,38-42

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu tiếp tục bàn đến luật trả đũa.

– Khuynh hướng tự nhiên là muốn trả đũa, và trả đũa thì thường nặng hơn mức người ta gây cho mình : “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại”.

– Cựu Ước hạn chế sự trả đũa đúng với mức thiệt hại người ta gây cho mình : “Mắt đền mắt, răng đền răng”

– Phần Chúa Giêsu, Ngài dạy hoàn toàn không trả đũa.

B…. nẩy mầm.

  1. Không trả đũa, đó không phải là thái độ của kẻ yếu, mà ngược lại đó chính là thái độ của kẻ mạnh. Chỉ người nào rất mạnh mới chế ngự được khuynh hướng trả đũa vốn nằm sẵn trong lòng mình. Người đó còn mạnh về tình thương nữa, vì chỉ có một tình thương rất mạnh mới vẫn tiếp tục yêu thương và không trả đũa kẻ đã xúc phạm mình.
  2. Đời nước Tề, có một người nằm mơ thấy có người đem gươm vào nhà ông mắng chửi rồi giận dữ bỏ đi. Ông ta giật mình tỉnh dậy… nhưng không tài nào ngủ lại được nữa. Sáng hôm sau ông nói với một người bạn : Từ thuở nhỏ tới giờ, tôi vốn là người trí dũng. Đến nay 80 tuổi tôi chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đêm qua có người đến làm nhục tôi. Tôi cảm thấy bứt rứt và cố tìm cho gặp được người đó, bằng không tôi phải chết mất.

 Thế là ngay sáng hôm ấy, ông cùng người bạn đi tìm kẻ thù đã khiêu khích mình. 5 ngày trôi qua nhưng ông vẫn chưa tìm được kẻ thù. Tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, hậm hực vì không tìm được kẻ thù, ông ta về nhà mất ăn mất ngủ mà chết.

 Cicéron diễn giả Lamã đã nói “Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”. Đúng thế, con người tự tạo cho mình kẻ thù rồi tự tiêu diệt chính mình.  (Trích “Món quà giáng sinh”)

  1. “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự với người ác ; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5,38-39)

Trong trận bóng chung kết tuần vừa qua của trường, tôi tham gia thi đấu cho khoa của mình. Trận đấu diễn ra trong sự vui vẻ và đoàn kết.

Đến phút 20 của hiệp I,  tôi ghi được một bàn thắng. và giây phút đó, trận đấu trở nên sôi nổi hơn nhưng cũng không thiếu sự thô bạo.

Tôi sớm trở thành nạn nhân. Một cái đạp từ phía sau, do cố ý, làm tôi gục xuống. Tuy đau nhưng tôi vẫn gượng cười và tiếp tục thi đấu. Hiệp I gần hết, sự “không may” một lần nữa lại đến với tôi bằng cú lên gối-ngực của chính kẻ đã đạp tôi lần trước. Thế là tôi phải ra sân.

Trận đấu kết thúc với tỉ số 1-1. Người ấy đã đến gặp tôi và xin lỗi.

Chúa ơi, nếu con vì đau mà trả thù ngay trên sân thì ắt sẽ không có sự nhận lỗi và xin lỗi này. Và hận thù sẽ tiếp nối hận thù phải không Chúa ? Con cám ơn Chúa đã giúp con thắng được chính mình. Xin cho con luôn nhớ rằng : “Bạo động chỉ gây thêm bạo động. Chỉ có tình yêu mới mang lại tình yêu.” (Hosanna)

 

Thứ Ba :

Mt 5,43-48

A. Hạt giống…

Hôm nay Chúa Giêsu dạy cách đối xử với những kẻ thù ghét mình :

– Khuynh hướng tự nhiên là thù ghét kẻ thù ghét mình.

– Cựu Ước cũng không có khoản luật nào dạy yêu thương kẻ thù

– Còn Chúa Giêsu thì dạy : a/ hãy yêu thương kẻ thù ; b/ hãy làm ơn cho kẻ ghét mình ; c/ hãy cầu nguyện cho họ.

B…. nẩy mầm.

  1. Phim ảnh thường kể những chuyện báo thù, coi việc báo thù là bổn phận thiêng liêng : con báo thù cho cha, chồng báo thù cho vợ, anh em báo thù cho nhau, bạn bè báo thù cho nhau v.v. Nhưng gần đây, ngay cả những phim mang nội dung báo thù ấy cũng dẫn đến một ý tưởng kết thúc là báo thù không giải quyết được vấn đề, càng báo thù thì thù càng gia tăng chồng chất. Nghĩa là lương tri con người đã ý thức rằng báo thù không phải là một nghĩa vụ thiêng liêng nhưng là một thảm hoạ.
  2. Trong ngôn ngữ của kitô hữu không nên có tiếng “kẻ thù của mình”, vì kitô hữu không được thù ai cả, chỉ có tiếng “những kẻ thù ghét mình” thôi. Và sứ mạng kitô hữu là cải hóa những người ấy.

Chúa Giêsu dạy ta 3 cấp độ đối xử với họ : yêu thương – làm ơn – cầu nguyện. Nếu ta chưa yêu thương được thì cố gắng lấy ơn báo oán – Nếu như vẫn chưa làm thế được thì tối thiểu hãy cầu nguyện cho họ.

  1. Có hai người kia đều bị tên bắn. Người thứ nhất bình tỉnh và nhẹ nhàng nhổ mũi tên ra, băng bó vết thương, vài ngày sau khỏi hẳn. Người thứ hai tức giận, nhổ mũi tên ra nhưng cầm lấy đâm túi bụi vào mình mẩy của mình, đã thế, khi gặp những người thân anh còn đâm họ bị thương nữa.

 Mũi tên chính là lời công kích của kẻ khác. Người khôn cư xử như người thứ nhất, nghe xong bỏ đi. Kẻ dại cư xử như người thứ hai cứ lặp đi lặp lại lời công kích đó và còn thuật đi thuật lại cho những người thân, làm cho bản thân mình và người thân thêm đau đớn vô ích.

  1. “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44)

Có lẽ bạn và tôi đã có lần cảm nghiệm được niềm vui và nỗi đau của sự tha thứ khi tha và được tha.

Thật vậy, chỉ một thoáng vô tình tôi đã có thể trở nên một đối tượng xấu xa trong cái nhìn của tha nhân. Tâm hồn tôi sẽ ra sao, khi bị nhìn bằng đôi mắt lạnh lùng, xa cách, khinh bỉ ?… Và có lần, tôi cũng đã nhìn tha nhân bằng đôi mắt ấy.

Chỉ trong sự Tha Thứ, tôi mới có thể hoạ lại nơi bản thân mình cái nhìn “cảm hóa” của Đức Kitô. Một cái nhìn không chỉ dừng lại ở việc giao hoà, mà còn đi sâu vào lòng người, xoá tan mọi ấn tượng, mặc cảm tội lỗi nơi họ. Một cái nhìn tha thứ đến mức tuyệt đối :”Bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22)

Lạy Chúa Giêsu ! xin ban cho con một tâm hồn quảng đại, Một con tim tràn đầy yêu thương, một cái nhìn khoan dung nhân hậu ; để con luôn biết cảm thông thay cho chấp nhất, tha thứ thay cho kết án, yêu thương thay cho thù hận, đem niềm vui nâng đỡ hy vọng, xoá tan nỗi buồn tuyệt vọng đơn côi ; và để trong mọi nơi mọi lúc, cả trong lúc nhục nhã đớn đau vì tha nhân, con vẫn bình tĩnh và can đảm thưa được như Chúa : “Lạy Chúa ! Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34) (Hosanna)

 

Thứ Tư :

Mt 6,1-6.16-18

A. Hạt giống...

Trong số các việc đạo đức, người do thái rất coi trọng 3 việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay.

Nhiều người làm những việc đó chỉ nhằm để được tiếng là mình đạo đức, cho nên họ làm sao cho người ta thấy mà khen họ. Chúa Giêsu gọi đó là giả hình.

Ngài dạy các môn đệ khi làm các việc đạo đức, chỉ nên nhắm làm cho Cha trên trời vui lòng thôi, cho nên hãy làm cách kín đáo.

B…. nẩy mầm.

  1. Hãy tự đặt cho mình một số câu hỏi để trắc nghiệm ý ngay lành của mình khi làm những việc đạo đức :

– Trong Thánh lễ, khi tôi lên rước lễ, hay khi tôi lên đọc sách thánh, tôi nghĩ đến ai (hay đến điều gì) nhiều nhất : Chúa ? những cặp mắt nhìn tôi ? bề trên sẽ đáng giá tôi ?

– Trong thời gian nghỉ, không ai để ý đến một số việc đạo đức của tôi nữa, như nguyện gẫm, lần chuỗi v.v. Khi đó tôi có làm những việc đó nữa không ? Làm như thế nào ?

– Thí dụ tôi có tham dự các giờ cầu nguyện đầy đủ, nhưng có người vì không thấy nên nói rằng tôi bỏ bê những việc đó, tôi nghĩ sao ? tôi phản ứng thế nào ?

– Ngoài những việc đạo đức quy định và thời gian quy định cho những việc đó, tôi có làm thêm việc nào nữa không hay kéo dài thêm thời giờ không ?

  1. Có một linh sư ấn độ nổi tiếng là bạc thánh thiện. Ông đã mở được một trung tâm cầu nguyện và quy tụ được khá nhiều đệ tử. Ngày nọ có một người tìm thầy học đạo. Để thử đức vâng lời của anh, ông bảo anh phải bơi qua một dòng sông đầy cá sấu. Không chút ngần ngại, người thanh niên nhảy xuống và bơi qua sông mà không bị nguy hiểm gì cả. Anh vui mừng hô to : “Tung hô quyền năng kỳ diệu của Thầy tôi”. Sự kiện này làm cho vị linh sư tin rằng mình là một người thánh thiện. Do đó ông muốn chứng minh cho các đệ từ thấy quyền năng của mình. Ông tập họp tất cả các đệ tử trên bờ sông. Rồi ông hô lớn “Tung hô quyền năng của ta” và nhảy xuống sông. Thế nhưng vừa khi ông rơi xuống, đàn cá sấu đã ào tới cắn xé ông ra từng mảnh.

Dụ ngôn trên có thể là một định nghĩa về sự thánh thiện. Thánh thiện là sự quên mình, quên mình đến độ không còn ý thức về sự thánh thiện của mình và sử dụng chính sự thánh thiện của mình nữa. Thiên Chúa ban sự thánh thiện cho một người nào đó là để những người khác được hưởng nhờ. Bao lâu sự thánh thiện của người đó còn được người khác hưởng dùng thì bấy lâu người đó còn thánh thiện. Trái lại, kể từ giây phút người đó muốn giữ riêng sự thánh thiện cho mình thì người đó đánh mất sự thánh thiện và đánh mất cả chính mình. (Chờ đợi Chúa)

  1. “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 6,6b)

Sáng nay mình đi học trễ, tuy thế vẫn cố gắng đạp xe thật nhanh cho kịp giờ học.

Ầm… ! Một bà cụ gánh trái cây bi xe thồ tông phải ; trái cây lăn đầy ra đường.

Tôi tự nhủ :”Đường vắng quá, có giúp cũng chẳng ai thấy, cứ lo việc của mình đã.”  Thế là tôi vụt qua, mặc cho bà cụ lẻ loi một mình. Đi được một quãng, tôi chợt cảm thấy thật có lỗi với bà cụ ấy. Những bài học về nhân bản như xé vụn ra trước mặt mình. Cả ngày hôm đó, hình ảnh bà cụ cứ làm tôi day dứt mãi.

Vậy đó, nhiêu lúc mình cứ tưởng phải làm những việc lớn lao mới được tiếng tăm, được người ta kính nể, thán phục. Nhưng tôi đã lầm, nhắt một mảnh kính vỡ giữa đường, dắt một em bé qua đường… nếu được làm với tất cả lòng mến và khiêm nhường thì quả thật mình đã làm được một việc lớn. Ngược lại, nếu có “dời non lấp bể” để rồi công việc mình làm lại phục vụ cho cái “tôi” huênh hoang tự đắc thì kết quả chỉ là con số không.

Lạy Chúa, xin đừng để con sa vào cạm bẫy của lợi danh, nhưng dạy con biết phục vụ trong khiêm hạ và yêu thương. (Hosanna)

 

Thứ Năm :

Mt 6,7-15

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu dạy về sự cầu nguyện :

  1. Khi cầu nguyện, không cần nhiều lời : lý do là Chúa Cha đã biết chúng ta cần gì trước cả khi chúng ta nói ra.
  2. 7 điều cần phải xin : Kinh lạy Cha.

B…. nẩy mầm.

  1. Vì nghĩ rằng cầu nguyện là nói cho Chúa nghe, nên khi tôi không có gì để nói, hoặc khi tôi không cảm thấy Chúa đang nghe thì tôi không cầu nguyện. Thực ra cầu nguyện trước hết là ở với Chúa, kết hợp tâm tình với Chúa. Khi cầu nguyện, điều cần hơn là xin Chúa nói cho tôi biết Chúa muốn gì nơi tôi.
  2. Có hai hình thức cầu nguyện là cầu nguyện chung với những người khác và cầu nguyện riêng một mình với Chúa. Việc cầu nguyện riêng nuôi dưỡng việc cầu nguyện chung. Người nào ít cầu nguyện riêng thì việc cầu nguyện chung của họ chỉ là làm theo lệ, không có tâm tình bao nhiêu.
  3. Tác phẩm “Con đường hành hương” kể câu chuyện như sau :

Một người kia đọc Thánh Kinh thấy lời khuyên hãy cầu nguyện không ngừng. Ông không biết làm thế nào để có thể cầu nguyện không ngừng. Vì thế ông hành hương đến một tu viện và xin một tu sĩ chỉ dạy ông. Vị tu sĩ mời người khách hành hương ở lại tu viện, trao cho ông một tràng chuỗi và dặn ông cứ lần chuỗi và đọc câu “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Người này nghe lời làm theo, mỗi ngày vừa lần chuỗi vừa đọc không biết bao nhiêu lần câu đó, có đến cả trăm ngàn lần.

Một ngày kia vị tu sĩ qua đời. Người khách hành hương khóc sướt mướt khi đưa vị tu sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó ông rồi tu viện tiếp tục cuộc hành hương, bởi vì vị tu sĩ ấy vẫn chưa dạy cho ông làm thế nào để có thể cầu nguyện không ngừng. Vừa đi, ông vừa làm như thói quen vị tu sĩ đã dạy. Khi ông hít vào, ông đọc “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa”, khi thở ra, ông đọc tiếp “Xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Cứ thế không bao lâu lời cầu nguyện đã trở thành hơi thở của ông : dù khi ăn, dù khi uống, dù khi nói năng, đi đứng… Mỗi hơi thở, mỗi nhịp đập của trái tim ông đều trở thành cầu nguyện. Và người khách hành hương chợt hiểu : Bây giờ tôi đã hiểu thế nào là cầu nguyện không ngừng”. (Chờ đợi Chúa)

  1. “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12)

– Sao Vân không nhìn nó ? Nhiều lần Ly thấy nó nhìn Vân có vẻ như muốn nói chuyện lắm.

– Kệ nó, Vân biết nhưng Vân không muốn ! Nó đã xúc phạm Vân. Vân chỉ nói chuyện khi nào nó xin lỗi.

– Vân cố chấp và ích kỷ quá ! Vân nên…

Ly định nói gì nữa nhưng tôi đã quay mặt bỏ đi, mặc cho Ly đứng một mình giữa sân trường.

Chiều, đi lễ. Bước vào nhà thờ, tôi cúi mình chào Chúa rồi sốt sắng đọc kinh “Lạy Cha chúng con ở trên trời… như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…”

Tôi dừng lại và không thể đọc những nữa. Ánh mắt biết lỗi của nó, câu nói của Ly lúc sáng… Tất cả cứ hiện lên trong đầu tôi như bắt tôi nhìn lại mình.

Lạy Chúa, khi bị treo trên thập giá, Chúa đã biện hộ cho tội chúng con : “Xin tha cho chúng vì lầm chẳng biết.” Còn con, sống giữa tha nhân nhưng không hề biết tha thứ. Xin Chúa cho con thêm lòng quảng đại để con luôn biết thứ tha cho nhau. (Hosanna)

 

Thứ Sáu :

Mt 6,19-23

A. Hạt giống...

Hai cụm từ quan trọng của đoạn Tin Mừng này là “Kho tàng” và “Con mắt”.

  1. Kho tàng tượng trưng cho những giá trị mình coi trọng. Chúa dạy đừng tích trữ kho tàng dưới đất chứa những của cải vật chất, vì nó không bền (ten sét, mối mọt, trộm cắp). Nhưng hãy tích trữ kho tàng trên trời (những việc lành) vì rất bền vững và an toàn không bao giờ hư mất.
  2. Con mắt sáng tượng trưng cho lương tâm lành mạnh. Ai có lương tâm lành mạnh thì toàn thể cuộc sống người đó sẽ sáng ngời. Ngược lại ai mà lương tâm hắc ám thì cả cuộc đời tối đen.

B…. nẩy mầm.

  1. Nếu kho tàng tượng trưng cho những thứ mà người ta coi trọng, thì hiện nay kho tàng của tôi là gì ?

Chúa nói tất cả mọi kho tàng dưới đất đều không an toàn. Tôi nghĩ xem “kho tàng” của tôi có thực sự an toàn không ?

  1. “Kho tàng của con ở đâu thì lòng con ở đó” : một trắc nghiệm nữa để giúp tôi biết kho tàng của tôi ở đâu, đó là nhớ xem những khi cầu nguyện lo ra, những khi vừa bừng mắt thức dậy, và những lúc ngồi suy nghĩ vẫn vơ, tôi hay nhớ tới cái gì ? nhớ tới ai ?
  2. “Con mắt là đèn soi”. Câu này cũng khuyến cáo tôi hãy cẩn thận về những điều tôi nhìn xem và những cách tôi nhìn xem.

– Những điều tôi nhìn xem : Tốt hay xấu ? Có lợi hay tai hại ? Muốn biết, hãy nhớ lại một số cảnh tượng mà tôi đã xem sau đó để lại trong lòng tôi những dư âm gì.

– Những cách tôi nhìn xem : tôi nhìn người nghèo hèn thế nào ? tôi có thấy Chúa trong những thứ tôi nhìn không ?

  1. “Đèn của thân thể là con mắt” (Mt 6,22)

Em thì quờ quạng trước chiếc gậy trên tay, em thì bám vào vai bạn và cả hai cùng lấn bước. Nơi lớp học, các em dùng những bàn tay nhỏ bé của mình để đọc từng chữ…

Tôi chạnh lòng khi nhìn thấy cảnh tượng này ở một trường khiếm thị. Bất chợt ánh mắt tôi dừng lại ở một em đeo Thánh giá trước ngực. Tiến lại gần, tôi làm quen với em và được biết trước khi vào trường này, mẹ em đã đưa cây Thánh Giá cho em và bảo : “Đèn của thân thể con người là mắt, còn đây chính là cây đèn của con.”

Tôi hỏi em : “Em có vui không ?” Thật hạnh phúc, em đáp “Có chớ anh. Em đã mất con mắt của thân thể, nhưng thật sự con mắt tâm hồn em vẫn sáng.”

Nghe lời xác quyết ấy, tôi giật mình tự nghĩ : “Con mắt tâm hồn có bị tắt không nhỉ ?”

Lạy Chúa, xin thắp sáng lên trong tâm hồn con ngọn lửa hồng tình yêu Chúa. (Hosanna)

 

Thứ Bảy :

Mt 6,24-34

A. Hạt giống…

Bài Tin Mừng này có hai ý lớn :

  1. Không ai có thể làm tôi hai chủ. Vậy phải chọn làm tôi Thiên Chúa hay làm tôi tiền của.
  2. Đừng quá lo lắng về những như cầu của cuộc sống thân xác (của ăn, áo mặc, tuổi thọ) vì đã có Chúa lo cho ta những thứ đó. Điều cần lo trước hết là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.

B…. nẩy mầm.

  1. Trong câu Chúa Giêsu cảnh cáo về việc làm tôi tiền của, chữ “Tiền Của” được viết hoa, ngụ ý đó là một thứ tà thần. Thật vậy, tiến của có sức “ám” người ta rất mạnh và có sức phá hại mọi giá trị đạo đức. Đừng bao giờ coi thường nguy hiểm của nó.
  2. Một ông già trúng số độc đắc 100 triệu. Ông bị bịnh tim, gia đình lo sợ tin vui sẽ giết ông mất. Vì thế, họ đến gặp một mục sư, xin ngài đến thăm dò và hỏi xem ông già sẽ làm gì nếu có 100 triệu. Ông nói  : “Tôi sẽ cho ngài và cho nhà thờ một nửa.”

Mục sư té xỉu. (Góp nhặt)

  1. Sở dĩ con người lo lắng thái quá và từ đó không có được hạnh phúc trong cuộc sống, là vì con người không tin ở sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa. Chim trời không gieo vãi mà vẫn có ăn, hoa cỏ đồng nội không canh cửi mà vẫn xinh đẹp sặc sỡ. Tin ở tình yêu quan phòng của Thiên Chúa có nghĩa là đón nhận từng giây phút hiện tại, sống sung mãn từng khoảnh khắc cuộc sống. Tin ở tình yêu quan phòng của Thiên Chúa cũng có nghĩa là chấp nhận các khuyết điểm của mình, khoan dung đối với những giới hạn của người khác, và nhìn mỗi thất bại như một cơ may mới. (Chờ đợi Chúa)
  2. “Anh em đừng lo lắng về ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”(Mt 6,34)

Cuộc sống hiện tại với bao nhiêu mới mẻ, hấp dẫn khiến mình phải chạy đua với thời gian, với model của thời đại và ước muốn hoàn thiện bản thân. Mà muốn thành công trong lãnh vực nào đó, là cả một quá trình. Vậy mà mình muốn đạt được ngay. Thế là cứ lo nghĩ, dự định với kế hoạch mà không đủ can đảm thực hiện nó trong giây phút hiện tại và như thế ngày nào cũng bận tâm lo nghĩ về tương lai – chỉ thêm chán nản.

Cuộc sống luôn đòi hỏi mỗi người chúng ta ở việc học, cách sống, sự an toàn, sự chia sẻ, sự cản thông, khả năng yêu thương đối với tha nhân…

Tai sao mình không chịu bắt tay vào những công việc đó ngay giây phút này ? Như thế có tốt hơn chăng hay cứ hoài lo âu nghĩ ngợi !

Lạy Chúa, mãi loay hoay với những tính toán cho tương lai mà con quên mất mình đang sống ở đâu và phải làm gì. Xin Chúa cho con can đảm sống tốt giây phút hiện tại với Chúa, với anh em và chính bản thân con. (Hosanna)

 

LỄ MÌNH THÁNH CHÚA

Lc 8,11b-17

A Hạt giống…

  1. Đức Giêsu giải thích dụ ngôn người gieo giống :

– Hãy để ý đến sự rộng rãi đến nỗi như hoang phí của người gieo giống : gieo cả trên vệ đường và nhiều nơi mà hy vọng nảy mầm rất ít.

– Cũng hãy để ý đến những loại đất xấu : a/ Đất vệ đường là người quá hời hợt, vừa nghe là quên ngay ; b/ Đất sỏi đá là người không kiên trì trong gian nan thử thách ; c/ đất đầy gai là người chất chứa trong lòng nhiều lo toan việc đời.

– Đất tốt là “những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy lời, và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.

  1. Sau khi giải thích dụ ngôn người gieo giống, Đức Giêsu khuyến dụ : Qua hình ảnh chiếc đèn được đặt nơi cao tỏa chiếu ánh sáng, Chúa Giêsu muốn khuyên tín hữu phải có một cuộc sống gương mẫu để chiếu sáng trước mặt người khác : Chúa Giêsu đem Tin Mừng đến trần gian, giảng dạy về Nước Trời, thành lập Giáo hội. Ngài không muốn những điều trên dành riêng cho một nhóm người nào riêng biệt, nhưng muốn thông ban cho mọi người. Riêng các Kitô hữu, họ phải sống sao cho người ta nhìn vào mà nhận ra Tin Mừng Nước Trời. Họ đã được hưởng ánh sáng Tin Mừng thì họ đừng giữ cho riêng mình, đừng dập tắt, trái lại phải tìm cách làm lan tỏa ánh sáng đó ra chung quanh.

– “Chẳng có gì bí ẩn mà không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng” : Những chữ “gì” này nói đến các mầu nhiệm Nước Chúa ấy. Trong thời kỳ của Chúa Giêsu thì chúng còn được che giấu, còn là bí ẩn. Nhưng đến thời các tông đồ và thời của Giáo Hội, chúng phải được loan truyền, tỏa lan rực rỡ như ánh sáng của ngọn đèn đặt trên nơi cao.

B… nảy mầm.

  1. Tôi phải học tính quảng đại và lạc quan của người gieo giống trong dụ ngôn này : không nên tiếc công gieo Lời Chúa, cũng không nản lòng khi thấy Lời Chúa không sinh kết quả nơi một số người. Cứ lạc quan hăng hái chu toàn nhiệm vụ của mình, như Thánh Phaolô : “Tôi trồng, Apollo tưới, Thiên Chúa cho mọc lên”.
  2. Hãy suy gẫm kỹ những điều kiện làm cho hạt giống nảy mầm :

– “Nghe Lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo” : lắng nghe với thiện chí muốn tìm ánh sáng hướng dẫn đời mình.

– “Giữ lấy Lời một cách kiên nhẫn” : không bỏ cuộc dù thời gian kéo dài, dù gian truân thử thách ; không để mình bị phân tâm vì những lo toan và đam mê việc đời.

  1. Mỗi ngày Chúa dọn cho tôi hai bàn tiệc : bàn tiệc Thánh Thể và bàn tiệc Lời Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa được dọn sẵn không phải chỉ trong Thánh lễ, mà còn lúc nguyện gẫm, lúc đọc Thánh Kinh…
  2. Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?”. Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”… Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”… Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý”. (Góp nhặt)
  3. Lời Chúa là chiếc đèn soi sáng cho tôi và cho mọi người. Mỗi ngày ngọn đèn Lời Chúa được thắp sáng trong Thánh lễ và lúc nguyện gẫm. Để đèn trên giá cao là tôi sống Lời Chúa và nói Lời Chúa cho nhiều người khác được nghe. Lấy hũ che đèn lại hoặc đặt đèn dưới gầm giường là nghe Lời Chúa xong rồi quên đi, suốt ngày không nghĩ tới và không nói tới nữa.
  4. Thực tế của các Kitô hữu Việt Nam là đọc kinh, dự lễ nhiều nhưng chưa có thói quen học hỏi và sống Lời Chúa.
  5. Thánh Giacôbê đã viết : “Một đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Một đức tin không được diễn đạt, không được ứng dụng trong đời sống hằng ngày phải chăng không là đức tin chết ? (“Mỗi ngày một tin vui”)
  6. “Chẳng có gì bí ẩn mà không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng”. (Lc 8,17)

Với ước mong “làm được cái gì đó” cho những người dân quê, chúng ta lên đường tham gia chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè ở biên giới Tây Ninh. Lòng nhiệt thành hăng say của tuổi trẻ khiến chúng tôi bị hụt hẫng khi nhận ra những giới hạn của mình. Chúng tôi muốn làm một điều gì đó thật lớn lao cho họ nhưng đành bất lực.

Xin cảm tạ Cha vì Ngài đã cho con biết rằng : không phải khi nào con làm được điều gì lớn lao mới là lúc con làm vinh danh Chúa, nhưng từ những hành vi dù rất nhỏ bé của con : kể một câu chuyện, tập hát cho lũ trẻ, nghe và chia sẻ cùng thanh niên, đi làm chung với những người già… thì hình ảnh của Cha cũng sẽ ngày càng lớn lên trong mọi người. (Hosanna)

 

CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN

Lc 7,36-8,3

A. Hạt giống…

Bài Tin Mừng hôm nay gồm 2 đoạn và đều nói tới phụ nữ :

  1. Chuyện người đàn bà tội lỗi lau chân Chúa Giêsu (7,36-50) :

– Nàng là một người tội lỗi nổi tiếng, “trong thành ai cũng biết”.

– Nàng bày tỏ lòng sám hối rất công khai : a/ trong một bữa tiệc, trước mặt nhiều người ; b/ không tiếc bình dầu thơm quý giá (khoảng 300 đồng, tương đương với 10 tháng lương) ; c/ quỳ gối dưới chân Chúa Giêsu, khóc nức nở, xổ tóc ra (một cử chỉ có thể bị kết án là tự làm ô nhục), lấy tóc lau chân Chúa.

Câu nói của Chúa Giêsu có thể dùng tóm lược chính xác câu chuyện đời nàng : “tội nàng nhiều nhưng được tha hết vì nàng yêu mến nhiều”.

  1. Bảng tóm lược những người đi theo Chúa Giêsu trên bước đường rao giảng Tin Mừng : những người này gồm có Nhóm 12 và cả các phụ nữ, trong số đó có người đã từng bị tà thần khống chế, có người bình dân và người quyền quý. Các bà giúp Ngài bằng công sức và bằng của cải nữa.

B… nảy mầm.

  1. Cô gái trong chuyện đầu dạy tôi nhiều điều về sự sám hối :

– sám hối không phải chỉ là một tâm tình kín đáo che giấu bên trong không cho ai biết. Đôi khi, nếu cần, cũng phải bày tỏ ra bên ngoài.

– khi bày tỏ, không nên ngại xấu hổ, sợ dư luận, sợ tốn kém… những xấu hổ, dư luận và tốn kém ấy cũng là cách tôi phải chịu để đền tội.

  1. Có thể nói “nhờ” phạm nhiều tội lỗi, nên nàng đã yêu mến Chúa nhiều, đã sám hối chân thành và được tha thứ nhiều. Phụng vụ gọi đây là “tội hồng phúc”. (felix culpa)

Xin cho ý thức rằng những tội của con là động cơ khiến con càng yêu mến Chúa nhiều hơn.

  1. Nàng được tha nhiều nên sau đó nàng càng yêu mến Chúa nhiều hơn. Ước gì đây cũng là tâm tình của tôi mỗi khi tôi lãnh nhận ơn tha thứ qua bí tích hòa giải.

Yêu nhiều thì được tha nhiều : Yêu là nguyên nhân của tha thứ ; được tha nhiều thì càng yêu nhiều : yêu là kết quả của tha thứ.

  1. Chuyện này cho tôi thấy được sự liên hệ kỳ diệu giữa tội lỗi / tình yêu / và tha thứ. Tôi là xấu nhưng trở thành tốt khi được đặt trong liên hệ kỳ diệu ấy.
  2. “Tôi nói cho ông hay : tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”. (Lc 7,47)

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ và cũng là cho tôi một kỷ niệm là Thập giá Tình yêu . Vâng, chính Thập giá của Đức Kitô đã xóa muôn vàn tội lỗi của tôi và của bạn, và mở ra cho một cuộc sống mới, cuộc sống Phục sinh.

Hình ảnh người phụ nữ tội lỗi được Chúa tha thứ hết nhắc nhở tôi rằng : Thiên Chúa không chỉ Tình yêu mà Ngài Tình yêu.

Càng sống yêu thương, tôi càng dễ nhận ra Chúa hiện diện trong tôi. Những lúc từ chối tình yêu, tâm hồn tôi trở nên trống vắng và cô đơn, tôi trở nên ích kỷ, xa rời Thiên Chúa và mọi người.

Lạy Chúa tình yêu, xin cho con không chỉ biết khóc lóc ăn năn tội lỗi của mình, mà còn biết bù đắp lại bằng chính tình yêu của con. (Hosanna)

  1. Chúa Giêsu đang rảo khắp nơi loan báo Tin Mừng. Tin Mừng Ngài loan báo là sự giải phóng con người khỏi mọi thứ nô lệ. Nguyên việc có một số phụ nữ được đi theo chia sẻ sứ mạng của Ngài cũng là một dấu chỉ của Tin Mừng giải phóng ấy, vì thời đó người ta coi khinh phụ nữ, không cho phụ nữ tham gia những sinh hoạt công khai ngoài xã hội.

Ta hãy học cùng Chúa lòng tôn trọng mọi người không phân biệt nam nữ, lớn bé, giàu nghèo v.v.

  1. Chúa muốn chia sẻ sứ mạng loan Tin Mừng cho hết mọi người, trong đó có cả phụ nữ là hạng bị thời đó coi khinh, trong đó có cả tôi.
  2. Nam và nữ, mỗi phái đều có những sự phong phú riêng để đóng góp vào việc xây dựng xã hội và Giáo Hội. Sự phong phú đặc biệt của phái nữ là tình yêu, sự dịu dàng, kiên nhẫn, bao dung….
  3. Thầy giáo giải thích cho cả lớp nghe về việc Chúa dựng nên Ađam Evà. Tuần sau, thầy gọi học sinh trả bài. Một chú bé đứng lên tả việc Chúa dựng nên Ađam. Rồi một cô bé tiếp : “Chúa dựng nên Ađam xong, Ngài đứng ngắm và phán : ‘Ta sẽ làm đẹp hơn’, và Ngài dựng nên Evà”.
  4. “Cùng đi với Chúa Giêsu, có mấy người phụ nữ là các bà Maria Mácđala người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioan-na, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ”. (Lc 8,2-3)

Thế giới này không chỉ được xây dựng bởi phái nam mà có cả bàn tay của phái nữ nữa. Dù là nam hay nữ, tôi cũng được Thiên Chúa tạo nên và cho vinh dự góp phần làm nên hạnh phúc của mình. Tôi phải là cánh tay nối dài của Chúa, đem Lời Chúa thấm nhuần mọi lãnh vực. Không chỉ là người nam mới làm nên chuyện, mà người nữ hôm nay cũng đã có mặt trong hầu hết mọi lãnh vực xã hội.

Ước gì các chị em biết phát huy cá tính, biết lấy sự êm ái dịu dàng để xây dựng bình an, biết tha thứ để tạo nên an hòa, biết cảm thông và chia sẻ với mọi người, biết sống âm thầm thanh đạm để cứu vớt bao linh hồn. Hãy tô đẹp cuộc đời bằng vẻ đẹp dịu hiền và làm vẻ vang cho thiên chức làm mẹ.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết góp phần xây dựng Nước Chúa ở trần gian này. (Hosanna)