Hạt Giống Nẩy Mầm  Tuần 5 Mùa Chay

print

Hạt Giống Nẩy Mầm  Tuần 5 Mùa Chay

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

Thứ Hai :

Đn 13,1-9.15-17.19-30.33-62 ; Ga 8,1-11

 

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc 1 thuật chuyện bà Susanna bị hai kỳ lão vu khống là phạm tội ngoại tình nên kết án xử tử, may mà có cậu bé Đaniên khôn ngoan cứu thoát bà.

 

  1. Bài Tin Mừng cũng tường thuật chuyện một phụ nữ sắp bị kết án tử. So sánh hai chuyện, ta thấy được vài điểm đáng chú ý :

‑ Bà Susanna vô tội, người phụ nữ này phạm tội bị bắt quả tang.

– Đaniên cứu người vô tội, còn Chúa Giêsu cứu người có tội.

– Những người muốn xử tử hai bà đều là những bậc “đạo đức” mẫu mực.

– Câu chuyện trong Tin Mừng kết thúc bằng câu nói rất hiền từ của Chúa Giêsu “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.

B…. nẩy mầm.

  1. Những kẻ “đạo đức” trong hai chuyện trên đều muốn giết người. Những ông trong Cựu Ước muốn giết người vì lòng gian ác rõ ràng : chính họ là kẻ có tội nhưng họ lên án kẻ khác để che dấu tội lỗi của mình. Còn những ông trong Tin Mừng thì muốn giết người để tỏ ra mình nghiêm chỉnh tuân thủ lề luật. Những ông này còn lợi dụng mạng sống của nạn nhân để gài bẫy Chúa Giêsu. Thì ra, người ta có thể tô vẻ bộ mặt đạo đức của mình bằng chính những mưu toan tội lỗi.
  2. Chúa Giêsu buồn vì những người đạo đức giả dối đó. Ngài nhắc họ “Ai trong các ông sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Tôi có đang hay sắp ném đá ai không ? Hãy trả lời câu Chúa Giêsu hỏi.
  3. “Ta không kết án chị đâu. Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa không kết án ta, ta hãy cảm mến lòng khoan dung của Ngài. Nhưng ta không nên lợi dụng lòng khoan dung ấy “Từ nay đừng phạm tội nữa”. Cảm mến tình Chúa thì đừng làm Chúa buồn nữa.
  4. Chú giải đoạn Tin Mừng này, một nhà Thánh Kinh viết “Luôn có rủi ro khi tha thứ”, nghĩa là nhiều khi người được tha lại đi phạm tội nữa. Chính vì muốn bảo đảm, tránh rủi ro đó mà nhiều người không tha thứ. Nhưng Chúa Giêsu thì dám chấp nhận rủi ro. Phần tôi thì sao ?
  5. Đọc chuyện này dưới góc cạnh tâm lý, ta còn thấy thêm rằng xét đoán người khác là một cám dỗ thường xuyên và kết án người khác nhiều khi cũng là một thứ khoái lạc. Bởi đó nhiều người rất thích xét đoán và kết án.
  6. Tv 32 có thể giúp chúng ta hiểu được tâm trạng của người phụ nữ ngoại tình, và của… chính chúng ta : “Phúc cho ai có tội mà được tha, có lỗi lầm mà được khoả lấp” (Tv 32,1)

7.. Một mục sư giảng về chiếc thang Gia-cóp. Cậu con trai ông rất cảm động. Mấy ngày sau, cậu nói với cha là mình vừa mơ về câu chuyện đó.

– Sao, con mơ thấy gì ?

– Con mơ thấy một chiếc thang lên tới tầng mây. Ở dưới chân thang có rất nhiều phấn, và mỗi người phải lấy phấn viết hết các tội mình đã phạm lên chiếc thang đó thì mới lên được.

– Hay thật ! Rồi con thấy gì nữa ?

– Con thấy con leo lên, nhưng chưa được bao xa thì con thấy có người leo xuống.

– Ai vậy ?

– Ba chứ ai.

– Ba ? Thế ba leo xuống để làm gì ?

– Ba lấy thêm phấn ! (Winnder, London)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

 

Thứ Ba :

Ds 21,4-9 ; Ga 8,21-30

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc 1 kể chuyện con rắn đồng : Khi đó dân do thái đang đi trong sa mạc. Vì khổ cực và thiếu thốn, họ luôn miệng trách Môsê và còn trách cả Chúa. Chúa cho những con rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Khi đó họ kêu cầu Môsê. Chúa bảo Môsê đúc một con rắn bằng đồng treo lên cây, kẻ nào bị rắn lửa cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được cứu sống.
  2. Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu chính là Đấng mà con rắn đồng là hình ảnh tiên báo. Ngài nói với những người do thái : “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”. Như thế, việc Chúa Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.

B…. nẩy mầm.

  1. Chính khi Chúa Giêsu “bị” giết chết trên thập giá là lúc Ngài “được” tôn vinh và là nguồn ơn cứu độ cho loài người. Khi chúng ta “bị” đau khổ nhưng biết nhìn lên thập giá Chúa Giêsu là lúc chúng ta “được” cứu độ. Nhìn ngược lại ngày xưa, khi nguyên tổ tưởng mình “được” bằng Chúa thì lại “bị” đuổi khỏi vườn địa đàng. Hãy suy nghĩ thêm về cái nghịch lý “bị” và “được” này.
  2. Nhìn lên Thập giá, ta có thể thấy được rất nhiều điều :

– Thấy tội lỗi của mình

– Thấy tình thương của Chúa

– Thấy giá trị của đau khổ

– Thấy ơn cứu độ

– Thấy giải pháp cho vấn đề sự dữ v.v.

  1. Một bà goá đến xin cha sở chứng nhận để bà xin trợ cấp, vì con trai bà đi lính và đang phục vụ ở nước ngoài. Cha sở chợt nhớ đến sứ điệp Thánh Kinh nên nói với bà :

– Có phải công lao của bà đáng lãnh số tiền đó  ?

– Không ạ. Đó là công của con trai con. Cháu muốn con được hưởng. Con chỉ việc kí tên và lãnh tiền.

– Phải, cũng như không phải công lao của bà mà bà được cứu độ, mà là công lao của Con Thiên Chúa trên núi Can vê. Ngài muốn bà hưởng công lao đó. Bà chỉ việc kí tên và lãnh nhận (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

 

Thứ Tư :

Đn 3,14-20.91-92.95 ; Ga 8,31-42

 

A.Hạt giống…

Lời Chúa hôm nay đặt vấn đề “giải thoát” :

  1. Bài đọc 1 : Ba thiếu niên Sidrach, Misach và Abđênagô bị ném vào lò lửa. Vua Nabucôđônôsor bảo họ thờ lạy các thần Babylon thì họ sẽ được giải thoát. Họ không nghe vua, nhưng lại kêu xin Thiên Chúa và Ngài đã giải thoát họ.
  2. Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu nói cho những người do thái biết điều gì trói buộc họ khiến họ làm nô lệ, và điều gì sẽ giải thoát khiến họ được tự do.

– Điều trói buộc họ thành nô lệ là tội, nhất là tội tự mãn mình là con cháu Abraham nhưng không làm theo gương Abraham là mở rộng cõi lòng để tin vào Thiên Chúa và Đấng mà Thiên Chúa si đến.

– Điều giải thoát cho họ được tự do là nghe lời Chúa Giêsu để biết Sự Thật, “Sự thật sẽ giải thoát các ngươi”.

B…. nẩy mầm.

  1. Bạn đang kẹt trong một tình thế rắc rối và muốn thoát ra. Có nhiều cách : dùng sức để đấu tranh, dùng mưu để đánh lừa, dùng tiền để mua chuộc v.v. Có lẽ bạn sẽ thoát, nhưng chỉ tạm thời. Lòng bạn cứ phập phồng lo lắng không biết lúc nào sẽ lại bị lôi trở lại tình thế rắc rối đó. Chỉ có một cách giải thoát bạn thực sự, đó là sự thật : hãy bình tĩnh nhận định tình thế để thấy rõ sự thật của mình và của người và hai bên cùng nhau giải quyết thẳng thắn.
  2. Muốn giải thoát con người của mình khỏi những trói buộc của lỗi lầm và khuyết điểm, điều cần thiết trước tiên là phải biết sự thật về những lỗi lầm và khuyết điểm đó.

2b. Khi Đức Cha Roncalli còn làm khâm sứ Toà Thánh tại Bungari, ngài nhận được một bức thư của một Linh mục chỉ trích ngài về nhiều mặt. Đọc xong bức thư, ngài không nói một lời, lòng vẫn yêu thương vị Linh mục kia. Thời gian trôi qua, ngài được thăng chức hồng y, rồi đắc cử Giáo hoàng với danh hiệu Gioan 23. Có lần vị Linh mục kia được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến. Vị Linh mục rất lo lắng, sợ ngài trách về chuyện cũ. Nhưng Đức Gioan 23 không trách, mà còn nói : “Cha không bao giờ giận con đâu. Cha cám ơn con. Cha cũng là người có nhiều khuyết điểm. Cha để bức thư của con vào cuốn Thánh Kinh và hằng ngày đọc vào đó mà xét mình. Mỗi lần như thế cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con” (“Mỗi ngày một tin vui”)

  1. Không gì trói buộc con người chúng ta chặt bằng tội lỗi. Không gì giải thoát chúng ta, ban cho chúng ta tự do trọn vẹn bằng sự thật chứa đựng trong Lời Chúa.

3b. Thấy một thổ dân Phi châu đang đọc sách, một nhà buôn Âu châu hỏi xem anh đọc gì. ”Đọc Thánh Kinh”. Nhà buôn cười cười nói : “Thứ đó, ở xứ tôi đã lỗi thời rồi !” Người Phi châu đáp : “Nếu ở đây mà Thánh Kinh lỗi thời, thì ông đã bị ăn thịt từ lâu rồi !”

  1. (những mầm khác)

 

……………………………………………………………

 

Thứ Năm :

St 17,3-9 ; Ga 8,51-59

A. Hạt giống…

Lời Chúa hôm nay nói về Abraham và Chúa Giêsu :

  1. Bài đọc 1 : Thiên Chúa gọi Abram, giao ước cho ông làm tổ phụ nhiều dân tộc và đổi tên ông thành Abraham. Bởi đó Abraham rất được người do thái ngưỡng mộ. Họ coi ông là tổ phụ của họ.
  2. Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu cố gắng làm cho người do thái hiểu về Ngài. Trong đoạn Tin Mừng này, Ngài nói hơi xa xôi : Khi người do thái hỏi “Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao ?”, Ngài đáp “Khi Abraham chưa sinh ra thì đã có Ta rồi”. Ý Ngài muốn họ hiểu Ngài là Thiên Chúa. Nhưng chẳng những họ không hiểu, mà còn lấy đá định ném Ngài.

B…. nẩy mầm.

  1. “Trong cuộc đối thoại với người do thái, Chúa Giêsu càng lúc càng mặc khải thêm về thân thế của Ngài… Nhưng với cái nhìn và kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân, người do thái không thể nhận biết thân thế của Chúa : “Ông là ai ? Ông chưa được 50 tuổi mà đã trông thấy Abraham sao ? Bây giờ chúng tôi mới biết rõ ông bị quỷ ám”…. Sự thật của Chúa đòi hỏi con người phải từ bỏ nếp sống cũ tội lỗi, những mưu tính vụ lợi, những ganh tị tham lam” (“Mỗi ngày một tin vui”)
  2. Nhiều người thời nay cũng không thể chấp nhận sự thật về Chúa Giêsu. Họ không tin Ngài là Đấng cứu thế, càng không tin Ngài là Con Thiên Chúa. Bởi vì họ đã có quá nhiều thành kiến về đạo, trong đó cũng có những thành kiến do những kẻ có đạo tạo nên. Mỗi người hãy tự kiểm xem có khi nào vô tình khiến người ta có thành kiến với Chúa và với Giáo Hội không.
  3. Một du khách mới đi Trung hoa về báo cáo rằng giới trí thức Trung hoa tuyên bố : “Không, việc truyền giáo của quí vị không bám rễ vào đất nước chúng tôi được đâu, vì các nhà truyền giáo của quí vị mới đến chưa hiểu gì đã tuyên bố là đạo của chúng tôi là sai lạc.” Và một người Á đông khác cũng nói : “Các ông muốn chúng tôi bỏ những gì mà chúng tôi tin và chấp nhận những gì mà các ông tin” Đi truyền giáo mà có định kiến thì thà ở nhà còn hơn (Góp nhặt)
  4. Ngày nọ, Đức giám mục John Selwyn thấy một cậu con trai người bản địa cư xử thô bạo với các trẻ khác, ngài gọi cậu lại khiển trách. Chẳng những không chịu nghe, cậu ta còn vung tay đánh vào mặt vị giám mục. Mọi người thấy vậy đứng chết trân. Nhưng vị giám mục không cho họ làm gì. Rồi ngài quay lưng và lặng lẽ bỏ đi.

Nhiều năm sau, một nhà truyền giáo được mời đến với một bệnh nhân. Ông sắp chết và xin được Rửa tội. Khi nhà truyền giáo hỏi anh muốn lấy tên thánh là gì. Anh đáp : “Xin đặt là John Selwyn, vì chính ngài đã dậy cho tôi biết đức Kitô là ai khi tôi đánh ngài.” (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Sáu :

Gr 20,10-13 ; Ga 10,31-42

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc 1 : Nhất trí với nhiều ngôn sứ khác, ngôn sứ Giêrêmia tiên báo Đấng Messia sẽ bị chống đối và bách hại bởi chính dân mình. Nhưng Ngài sẽ được Thiên Chúa nâng đỡ vá cứu thoát.
  2. Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu cố gắng làm cho người do thái hiểu Ngài là ai. Ngài nói hơi xa xội “Khi Abraham chưa sinh ra thì đã có Ta rồi”. Họ không hiểu mà còn lấy đá định ném Ngài. Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu nói rõ “Ta là Con Thiên Chúa”. Lần này, họ kết Ngài tội phạm thượng.

B…. nẩy mầm.

  1. “Trong các cuộc tranh luận với người do thái, Chúa Giêsu đã mặc khải sự thật về Ngài, về mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha : “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha”. Nhưng người do thái không thể hoặc không muốn tin vào Chúa. Họ vẫn khăng khăng coi Ngài chỉ là một con người. Do đó họ đã lượm đá ném Chúa vì cho Ngài lộng ngôn… Những người do thái này đã quá chìm sâu trong tội lỗi của họ. Họ không cảm thấy cần đến ơn cứu rỗi. Người kitô hữu chúng ta ngày nay cũng có thể bị ảnh hưởng bới tinh thần thế tục : chỉ muốn nhìn Chúa Giêsu như một con người, một nhà cách mạng xã hội không hơn không kém. Chúng ta có thể bị cám dỗ lượm đá ném Chúa v2 những gì liên hệ đến Ngài” (“Mỗi ngày một tin vui”)
  2. Nhìn thấy sự khó tin của người do thái đối với Chúa Giêsu, rồi nhìn lại đức tin của mình sao mà dễ dàng quá : ngay từ khi mới sinh ra mình đã được biết Chúa và tin Chúa, ta không nhận ra đức tin là một hồng ân sao ? Hãy cám ơn Chúa đã ban đức tin cho ta, và xin Ngài gìn giữ cho đức tin ấy khỏi bị lạc mất.
  3. Một người da trắng và một người thổ dân cùng nghe giảng. Người thổ dân cảm động và xin nhập đạo ngay. Còn người da trắng cũng cảm động nhưng cả năm sau mới nhập đạo. Trong một buổi phụng vụ, người da trắng hỏi :

– Tôi phải mất một thời gian mới có lòng tin, sao anh có lòng tin sớm thế ? Người thổ dân đáp :

– Này bạn, để tôi nói cho bạn nghe. Có vị hoàng tử hứa cho chúng ta chiếc áo mới.  Bạn nhìn vào áo mình, tự nhủ : áo mình còn đẹp, để mai sau hãy lấy. Còn tôi, tôi nhìn vào tấm chăn cũ kĩ của mình, thấy nó chẳng ra gì, nên vội vàng đến nhận áo mới. Bạn ạ, bạn đã có chút khôn ngoan, nên bạn còn muốn dùng chúng. Còn tôi, tôi không có, nên tôi mau mắn đón nhận sự khôn ngoan của Chúa Giêsu (Góp nhặt).

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Bảy :

Ed 37,21-28 ; Ga 11,45-56

A. Hạt giống…

  1. Bài Tin Mừng : Các thượng tế và biệt phái hạ quyết tâm giết Chúa Giêsu. Thượng tế Caipha nói “Thà một người chết thay cho dân…”. Thánh Gioan hiểu lời này, tuy Caipha nói ra một cách vô ý thức, nhưng thực sự diễn tả rất đúng ý nghĩa và giá trị cái chết của Chúa Giêsu : “Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân. Và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối”.
  2. Lời tiên tri trên chính là lời của Giêrêmia, được thuật lại trong bài đọc 1 : Này Ta sẽ đem con cái Israel ra khỏi các dân tộc mà chúng đang cư ngụ ; từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về quê hương”. Giêrêmia chỉ mới hiểu những kẻ mà Thiên Chúa quy tự là dân Israel mà thôi. Thực sự dân mới của Thiên Chúa mà Đức Giêsu dùng cái chết để quy tụ không chỉ là những người Israel, mà còn là tất cả những ai tin vào Ngài.

B…. nẩy mầm.

  1. “… Với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân. Và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối”. Trong số những người được Chúa chết thay, có tôi nữa.
  2. Chúa Giêsu đã chịu chết thay cho người khác. Ngài nêu lên cho chúng ta một lý tưởng rất đẹp mà sự khôn ngoan của thế gian không bao giờ nghĩ tới được. Nếu hôm nay tôi chưa chết thay cho người khác được, thì ít ra hãy tập những hành vi nho nhỏ chịu cực chịu khổ vì người khác, cho người khác và thay người khác.
  3. Một nông dân đi xe ngựa ra phố. Đến một cửa tiệm, ông dừng xe vào mua đồ. Ông vừa tới cửa thì con ngựa hí lên và bỏ chạy. Ông vội vàng chạy ra xiết chặt dây cương.

Con ngựa càng hoảng sợ hơn và chạy tứ tung trên đường, kéo theo người nông dân tội nghiệp. Dân chúng đổ xô ra, đến khi ghìm được ngựa thì người nông dân bê bết máu và thoi thóp thở. Một người hỏi : “Sao mà ông dại dột hi sinh đời mình vì con ngựa và chiếc xe như thế ?”

Ông thều thào  : “Cứ nhìn vào trong xe thì biết !”

Họ nhìn vào và thấy đứa con nhỏ của ông còn đang ngủ. (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)