Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần Bát Nhật Giáng Sinh

Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần Bát Nhật Giáng Sinh

(26/12 đến 1/1)

 Ngày 26-12 : Thánh Têphanô.

Ngày 27-12 : Thánh Gioan tông đồ.

Ngày 28-12 : Các Thánh Anh Hài

Ngày 29-12.

Chúa nhựt : Lễ Thánh gia thất

Ngày 30-12.

Ngày 31-12.

Ngày 1.1 Lễ Đức Maria Mẹ TC.

 

Ngày 26-12 : Thánh Têphanô

 Mt 10,17-22

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu tiên báo những cuộc bách hại đối với các môn đệ Ngài :

– Bách hại do những nhà cầm quyền thù nghịch với Chúa. Nhưng đó là dịp để ta làm chứng cho Chúa.

– Bách hại do chính những người thân của mình (cha mẹ, anh em, con cái) vì họ không đồng quan điểm đức tin với mình. Nhưng hãy kiên trì., vì “ai bền chí đến cùng thì sẽ được cứu thoát”.

B…. nẩy mầm.

  1. Hai chữ Tử đạo chúng ta quen dùng ngày nay có nguyên ngữ hy lạp là Martus nghĩa là làm chứng. Người tử đạo là người làm chứng cho Chúa bằng chính những đau khổ và cái chết của mình. Bởi đó trong đoạn Tin Mừng này, khi báo trước những sự bách hại, Chúa Giêsu nói “Chúng con sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng…”
  2. Thánh là ai ? Ngày kia một em bé theo mẹ đi chợ. Từ nhà đến chợ, hai mẹ con đi qua một thánh đường nguy nga. Em bé ngước nhìn thánh đường rồi đưa tay chỉ mẹ và nói : “Mẹ xem kìa, những cửa kính màu bám đầy bụi, trông chả đẹp tí nào.”

 Bà mẹ không nói gì, nhưng lại nắm tay con dẫn vào bên trong thánh đường. Từ bên trong thánh đường nhìn ra, những cửa kính dơ bẩn xấu xí lại trở nên sáng chói và rực rỡ nhiều màu sắc tuyệt đẹp. Em bé ngạc nhiên mở to mắt nhìn. Em thích thú đặc biệt khi ngắm nhìn 4 vị thánh trên cửa kính sau bàn thờ đang rực rỡ chói lòa nhờ ánh mặt trời chiếu thẳng qua.

 Vài ngày sau, trong một lớp giáo lý, tình cờ cô giáo hỏi : “Các em có biết vị thánh là ai không ?” Trước câu hỏi bất ngờ, cả lớp đều thinh lặng, chỉ có em bé được mẹ dẫn vào nhà thờ hôm trước giơ tay xin trả lời. Em nói : “Thưa cô, vị thánh là người được ánh sáng mặt trời chiếu qua.” (Trích “Món quà giáng sinh”)

Têphanô là một vị thánh vì ngài đã phản ánh Chúa Giêsu, nhất là qua cái chết của ngài. Bài đọc I (Cv 6,8-10 7,54-60) tường thuật ngài chết giống Chúa Giêsu : cũng phó linh hồn trong tay Chúa (câu 59) và cũng cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ hại mình (câu 60).

  1. “Vì danh Thầy các con sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền đỗ đến cùng thì sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22)

Một người bạn hỏi tôi : “Bạn có thấy anh ấy đã làm điều xấu xa đó không ?” Dù thấy nhưng tôi đã trả lời không, vì anh ấy là con của thầy hiệu phó, và vì tôi không muốn bị liên luỵ. Điều này làm tôi ray rứt. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã nhát đảm không dám nói lên sự thật.

Thánh Têphanô đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho sự thật. Còn tôi hôm nay chưa phải hy sinh đến mạng sống mà đã chối quanh, thì thử hỏi làm sao dám bênh vực và đấu tranh cho sự thật ?

Lạy Chúa, có những lúc con đã sống hèn yếu như vậy. Xin cho con cảm nghiệm được sự bình an và niềm hạnh phúc của người biết làm chứng cho sự thật. (Epphata)

  1. Mầm khác :

 Ngày 27-12 : Thánh Gioan tông đồ

 Ga 20,2-8

A. Hạt giống…

Đoạn Tin Mừng này cho chúng ta biết đôi nét về thánh Gioan :

– Ngài tự xưng mình là “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Điều này đúng một cách khách quan (vì Chúa Giêsu thương mến ngài thật), và cũng đúng cách chủ quan (ngài biết Chúa Giêsu thương mình). Khía cạnh chủ quan này rất quan trọng.

– Dù biết mình được Chúa Giêsu thương mến, nhưng ngài vẫn tôn trọng Phêrô là trưởng nhóm 12, cho nên tuy vì trẻ nên chạy tới mồ trước, ngài vẫn nhường cho Phêrô vào trước.

– Lòng yêu mến Chúa đã giúp ngài sớm nhận ra ý nghĩa dấu chỉ ngôi mồ trống : “Ông đã thấy và đã tin”. Nói cách khác, đức mến hỗ trợ cho đức tin.

B…. nẩy mầm.

  1. “Tin Mừng hôm nay nói đến một sự trống rỗng. Được Maria Mađalêna thông tin, Phêrô và Gioan đã vội vã chạy ra mồ. Hai người không còn thấy xác Chúa Giêsu trong ngôi mồ nữa. Nhưng nhìn thấy cảnh tượng đó, Gioan đã tuyên bố “Ông đã thấy và đã tin”. Niềm tin đã bừng dậy từ một sự trống rỗng. Đó là sứ điệp Gioan muốn gởi đến chúng ta, nhất là trong những ngày này khi chúng ta chiêm ngắm Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Bên kia những hoa đèn và trưng bày lộng lẫy của mùa Giáng sinh, có lẽ chúng ta phải nhìn thấy cái thiết yếu trong những biểu tượng của lễ Giáng sinh. Cái thiết yếu ấy là gì nếu không phải là một Hài nhi nằm trong máng cỏ ? Cái thiết yếu ấy là gì nếu không phải là cảnh trơ trụi nghèo nàn trống rỗng trong đó Hài nhi Giêsu đã giáng sinh ? Ngôi mộ trống mà Gioan đã nhìn thấy hay máng cỏ trơ trụi nghèo nàn của Hài nhi Giêsu, cả hai cảnh tượng đều có chung một ý nghĩa : Thiên Chúa đến với con người qua những cái nhỏ bé tầm thường và ngay cả những mất mát của cuộc sống. Đức tin luôn là một bước nhảy vượt qua cái trống rỗng ấy, hay đúng hơn đức tin là một cái nhìn xuyên suốt qua cái trống rỗng ấy” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
  2. Một cuộc đối thoại giữa hai người yêu nhau :

– Em có bằng lòng lấy anh không ?

– Bằng lòng.

– Chúng ta chỉ mới quen nhau mấy tháng. Em chỉ nghe anh nói thôi chứ chưa có dịp “kiểm tra” lý lịch và quá khứ của anh. Sao em tin anh thế ?

– Vì em yêu anh !

Tình yêu hỗ trợ cho niềm tin.

  1. “Bà Maria Magđala chạy về tìm và báo tin cho hai ông Phêrô và Gioan : Người ta đã lấy mất Chúa rồi. Người không còn trong mộ nữa, chẳng biết họ để Người ở đâu”. Cả hai liền chạy ra mộ” (Ga 20,2-3)

Hồi tôi còn học ở Cao đẳng Sư phạm Đồng nai, có người bạn hỏi tôi : “Bạn là người công giáo phải không ?” Tôi tự hào trả lời : “Đúng vậy”. Nhưng khi bạn ấy yêu cầu tôi cho biết đôi điều về đạo thì tôi đã bối rối và chỉ trả lời cách chiếu lệ. Từ ấy tôi đã nhận ra rằng mình là người công giáo nhưng rất hời hợt ; đối với Chúa còn lạnh nhạt hơn… Tôi đã tìm học hỏi về Chúa, nhất là dành nhiều thời gian để cầu nguyện và sống với Chúa. Như Maria Magđala và như hai môn đệ Phêrô và Gioan, tôi muốn tin và yêu Chúa hết lòng.

Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa. Xin nâng đỡ tình yêu của con. (Epphata)

  1. Mầm khác :

 Ngày 28-12 : Các Thánh Anh Hài

 Mt 2,13-18

A. Hạt giống…

Đoạn này viết theo văn thể Midrash nhằm cho thấy Chúa Giêsu là Môsê mới :

Ngày xưa ở Ai cập, một bạo vương đã tàn sát các trẻ sơ sinh do thái, nhưng trẻ Môsê đã được Thiên Chúa che chở, sau này chính Môsê đã đưa dân Chúa “ra khỏi Ai cập” (câu 15) và tiến vào Đất hứa – Ngày nay, Hêrôđê cũng tàn sát các hài nhi, nhưng Chúa Giêsu đã thoát chết. Ngài sẽ dẫn Dân mới (Giáo Hội) thoát ách nô lệ tội lỗi và tiến vào Đất Hứa thực sự.

B…. nẩy mầm.

  1. Trong thư gởi các thiếu nhi thế giới ngày 3/12/1994 Đức Gioan Phaolô II viết : “Những ngày tiếp theo ngày sinh của Chúa Giêsu cũng là những ngày lễ (…) Ngay từ những ngày đầu sau khi sinh hạ, Hài nhi Giêsu đã phải đương đầu với một đe dọa trầm trọng : bạo vương Hêrôđê ra lệnh tàn sát các trẻ thơ dưới hai tuổi, và vì lý do này Chúa Giêsu bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai cập…” Mầu nhiệm giáng sinh gắn liền với mầu nhiệm tử nạn. Trong hài nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn, cuộc tử nạn đã được báo trước… Trong ánh sáng của mầu nhiệm giáng sinh, phải chăng chúng ta không được mời gọi nhận ra bóng đêm của mầu nhiệm tử nạn ? Bóng thập giá phải chăng đã không phủ trên máng cỏ của Hài nhi Giêsu ? (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
  2. Vấn đề đau khổ, nhất là đau khổ của kẻ vô tội, đặc biệt là đau khổ của những trẻ thơ, đã là một thắc mắc khó hiểu đối với nhiều người. Chuyện các thánh anh hài chịu chết giúp ta bớt thắc mắc thấy được giá trị cái chết của các em. Cái chết ấy góp phần vào việc thực hiện kế hoạch Thiên Chúa cứu độ muôn người. Tấm gương này mời ta hãy nhìn đau khổ theo con mắt của Chúa.
  3. con sâu trong tảng đá : Một hôm Đức Ala gọi một Thiên sứ đến và truyền lệnh : “Ngươi hãy xuống trần gian để đưa về đây người đàn bà góa có 4 đứa con thơ”. Thiên sứ ra đi, gặp ngay người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài nhìn người đàn bà với 4 đứa con dại, rồi lại lên Đức Ala để tha thiết nài xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm tách lìa người mẹ khỏi những đứa con thơ ấy ? Nhưng lời van xin của Sứ thần chẳng mảy may đánh động được Đức Ala. Cuối cùng Sứ thần đành phải vâng lệnh Đức Ala mà cướp người mẹ góa khỏi bầy con thơ và đưa về trời.

 Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị thiên sứ lại có vẻ buồn. Phải, làm sao vui được trước cảnh chia ly giữa mẹ và con ? Thấy sứ thần buồn, Đức Ala gọi đến và đưa vào sa mạc. Ngài chỉ cho sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo đập nó ra. Tảng đá vừa vỡ đôi, sứ thần ngạc nhiên vô cùng, vì từ trong tảng đá một con sâu nhỏ từ từ bò ra. Chợt hiểu được ý nghĩa của sự kiện ấy, sứ thần bỗng thốt lên : “Ôi lạy Đấng tối cao, mầu nhiệm thay công cuộc sáng tạo của Ngài. Với sự khôn ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, Ngài đã không bỏ mặc một tạo vật bé nhỏ như con sâu kia, thì hẳn Ngài cũng sẽ không quên được 4 đứa trẻ mồ côi là con cái của Ngài.” (Trích “Món quà giáng sinh”)

  1. Bạn xét đoán Chúa chỉ vì không thể thấy kế hoạch của Ngài vì những đau khổ của bạn, giống như con chuột chui vào cây đàn piano gặm nhấm dây đàn làm nhạc sĩ rối loạn khi biểu diễn bản nhạc của Chopin hoặc Beethoven. Với trí óc nhỏ bé, chuột nghĩ rằng nó đâu làm gì, nhưng cả vũ trụ bị đảo lộn. Khi xét đoán kế hoạch của Chúa theo quan điểm của ta, phải chăng sự thể cũng như vậy ?

Tương tự, con nhện cuốn tơ trên một xà sắt, sẽ bất mãn khi cây xà được chuyển đi xây một cây cầu. Nó chẳng bao giờ nghĩ rằng kế hoạch của một kỹ sư có giá trị hơn tơ của nó (Góp nhặt)..

  1. “Vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận từ hai tuổi trở xuống” (Mt 2,16)

Chẳng bao lâu sau tiếng đàn ca xướng hát của các thiên thần trong đêm Chúa Giáng sinh là tiếng khóc than rền rĩ của những bà mẹ mất con trong cuộc sát hại con trẻ ở Bêlem của Hêrôđê. Chẳng lẽ việc Chúa ra đời lại là nguyên nhân gây ra cái chết của trẻ thơ vô tội ? Không, Thiên Chúa đã tạo dựng con người và ban cho con người tự do. Hêrôđê có tự do, và ông đã lạm dụng tự do để sát hại trẻ thơ, hầu trút cơn giận dữ và thoả lòng ghen tị. Tôi cũng có tự do, và tự do của tôi đã được sử dụng để vun đắp sự sống hay để huỷ diệt ?

Lạy Chúa, thế giới con đang sống còn đầy những thảm họa do con người đã lạm dụng tự do của mình. Xin cho con biết sử dụng tự do để làm vinh danh Chúa hơn và mang lại niềm vui hạnh phúc cho mọi người. (Epphata)

  1. Mầm khác :

 Ngày 29-12

 Lc 2,28-35

A. Hạt giống…

Trong dịp đem Đức Giêsu dâng trong Đền thờ, Thánh Gia đã gặp được cụ Simêon. Cụ được Thánh Thần soi sáng cho biết trẻ Giêsu chính là Đấng Messia cho nên toại nguyện vì gặp được Ngài. Cụ nói Chúa Giêsu là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại”

B…. nẩy mầm.

  1. Sau cả một đời chờ mong, cụ già Simêon sung sướng thỏa mãn đến nỗi sẵn sàng chết cũng được, bởi vì cụ đã được thấy Đấng Cứu thế và biết rằng thời đại cứu thế đã khai mở.

Phần tôi, tôi đang sống trong thời đại cứu thế, thời Tân Ước. Thế nhưng sao tôi không cảm thấy sung sướng và thỏa mãn. Có lẽ vì tôi chưa hiểu được những hồng ân của Thiên Chúa.

Xin cho con hiểu được diễm phúc được sống thời Tân Ước. Xin ban cho con niềm vui và tâm tình tri ân cảm tạ.

  1. Theo lời tiên tri của cụ già Simêon, Đức Giêsu là một dấu gây chia rẻ : kẻ thì theo, người thì chống đối ; kẻ theo thì đứng lên, người chống thì té ngã.

Cụ đã nói rất đúng. Ngay trong chính bản thân tôi, có khi tôi theo Chúa và có khi tôi chống Ngài. Lúc theo Ngài tôi được vững vàng, tôi đứng lên ; khi chống Ngài, tôi ngã lên ngã xuống.

Xin giúp con, trong cuộc chiến đấu nội tâm, biết chọn theo phía Chúa.

  1. Bài ca Nunc dimittis này được Giáo Hội chọn đọc trong giờ kinh tối mỗi ngày. Ước gì tôi sống làm sao để tối đến, trước lúc lên giường nằm ngủ, tâm hồn tôi luôn cảm thấy an bình thanh thản, đến nỗi có thể giã từ cõi thế mà ra đi ngay trong đêm đó cũng được.
  2. “Ông Simêon nói với bà Maria : “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng” (Lc 2,34)

Những cư dân của ngôi nhà tập thể số 5 đã đánh mất một điều quý giá của cuộc sống là lòng tốt và người tốt. Họ đã mất Hiệp, một người thẳng thắn, trung thực, hết lòng yêu thương giúp đỡ mọi người, kiên quyết chống lại gian trá, xu nịnh, bất công, luôn mời gọi mọi người trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn. Thế mà họ đã chế diễu, chối từ, bỏ mặc anh vất vưởng giữa những khó khăn, thất bại, đẩy anh đến chỗ phải ra đi trong cô đơn, tuyệt vọng.

Đức Giêsu cũng đã đến để yêu thương, cứu giúp mọi người. Ngài vốn là Thiên Chúa cao sang nhưng đã trở nên thấp hèn để nâng đỡ con người lên. Nhưng cuối cùng Ngài đã bị con người đóng đinh thập giá, bỏ mặc trong cái chết đau đớn và tủi nhục.

Xin cho con luôn tiếp bước theo Chúa trên con đường yêu thương, dẫu có bị người đời chống báng hay chối từ. (Epphata)

  1. Mầm khác :

 Chúa nhựt : Lễ Thánh gia thất

 Lc 2,22-40

A. Hạt giống…

Đoạn này gồm 3 chuyện :

  1. Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu lên Đền thờ Giêrusalem để chu toàn 2 bổn phận của lề luật : Thanh tẩy cho Đức Maria sau khi sinh con ; dâng Chúa Giêsu là con trai đầu lòng cho Thiên Chúa Câu chuyện cho thấy Thánh gia tuân giữ lề luật rất chu đáo ; đồng thời những lễ vật các Ngài dâng chứng tỏ Thánh gia nghèo.
  2. Trong dịp này Thánh Gia đã gặp được cụ Simêon. Cụ được Thánh Thần soi sáng cho biết trẻ Giêsu chính là Đấng Messia cho nên toại nguyện vì gặp được Ngài. Cụ nói Chúa Giêsu là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại”
  3. Trong dịp này các Ngài cũng gặp nữ ngôn sứ Anna và bà cũng nói tiên tri về tương lại Chúa Giêsu.

B…. nẩy mầm.

  1. Gia đình Nadarét được gọi là Thánh Gia, là gương mẫu cho mọi gia đình tín hữu. Qua đoạn Tin Mừng này, ta có thể thấy những nét của một gia đình tín hữu tốt :

– Một gia đình tốt không chỉ co rút trong ngôi nhà của mình, nhưng còn thích cùng nhau lên Nhà Chúa : theo luật, việc dâng con cho Thiên Chúa có thể thực hiện tại nhà ; cũng theo luật, việc thanh tẩy người mẹ không buộc người cha phải đi theo lên Đền thờ. Nhưng cả ba đã cùng nhau lên Đền thờ.

– Một gia đình tốt là gia đình tuân giữ luật Chúa : “Cha mẹ hài nhi đem con lên Đền thờ để chu toàn Lề luật…”.

– Một gia đình tốt là gia đình biết dâng cho Chúa nhũng gì tốt nhất của mình : “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh dành cho Chúa”.

– Gia đình tốt có thể nghèo (lễ vật của Thánh Gia chứng tỏ các Ngài nghèo), và không tránh khỏi đau khổ (“Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”), nhưng vẫn hạnh phúc vì có Chúa Giêsu ở giữa, có Chúa Giêsu là thành viên.

  1. Một thanh niên Scốt-len tìm được một chân làm vườn trong một gia đình giàu có. Nhưng chỉ hai tuần sau, anh xin thôi việc. Một người bạn hỏi :

– Có phải công việc quá cực nhọc không ?

– Không, công việc rất nhàn.

– Có phải lương quá ít không ?

– Không, lương khá lắm.

– Hay anh không thích đồ ăn ở đó ?

– Cũng không phải. Đồ ăn rất ngon.

– Vậy tại sao anh thôi việc ?

– Vì nhà đó không có mái che.

Đối với người Scốt-len, thành ngữ “nhà không có mái che” nghĩa là gia đình không biết cầu nguyện. (Tonne).

  1. Một nhóm người thiện chí bàn nhau cách phổ biến Tin Mừng. Có người đề nghị quảng cáo trên TV, người khác đề nghị dùng báo chí. Một thiếu nữ Châu Phi chia xẻ : Ờ xứ tôi, khi muốn loan Tin Mừng cho một vùng nào đó thì chúng tôi gởi đến đấy một gia đình công giáo tốt để gia đình này sống giữa những người khác trong vùng. (Barclay)
  2. Trong khi người Ấn độ được đánh giá là giỏi triết lý, người Trung hoa được đánh giá là giàu lễ nghĩa, thì người do thái được đánh giá là tinh thần tín ngưỡng cao. Nhờ đâu ? Nhờ người cha do thái biết quan tâm đến việc đạo trong gia đình. Trong gia đình do thái, người cha chủ sự những buổi cầu nguyện, người cha lãnh trách nhiệm khai tâm tôn giáo cho con, người cha hãnh diện truyền lại cho con truyền thống đạo đức của ông bà tổ tiên.
  3. Mầm khác :

 Ngày 30-12

 Lc 2,36-40

A. Hạt giống…

Đoạn này gồm 2 chuyện nhỏ :

a/ Bà Anna (cc 36-38)

– Bà sống đúng mẫu mực của một người phụ nữ lý tưởng : năng lên Đền thờ, ăn chay cầu nguyện (câu 37).

– Vì là một ngôn sứ (câu 36), bà được soi sáng cho biết Hài nhi Giêsu chính là Đấng Messia, cho nên khi gặp Hài nhi bà đã cảm tạ Thiên Chúa và loan báo tin mừng đó cho mọi người hiện diện (câu 38).

b/ Toát yếu về nếp sống của Hài nhi Giêsu (câu 39-40) : ngày càng tăng thêm sức khoẻ, sự vững mạnh, sự khôn ngoan và ân nghĩa với Chúa.

Như thế là sau những biến cố đặc biệt quanh cuộc Giáng sinh, Chúa Giêsu đi vào cuộc sống bình thường, ngày ngày thu tích những điều cần thiết cho sứ vụ tương lai.

B…. nẩy mầm.

  1. Bà Anna đã đến tuổi “tri thiên mệnh” nên biết và theo đuổi những gì là quan trọng cho cuộc sống : cầu nguyện, tu thân tích đức và mong chờ ơn cứu độ.
  2. Gương của trẻ Giêsu chỉ cho chúng ta thấy những gì cần thiết cho quá trình thành nhân : a/ Nuôi dưỡng sức khoẻ thể lý ; b/ Củng cố sự vững mạnh tâm lý ; c/ Phát triển trí khôn ; d/ Lớn lên trong ơn Chúa.
  3. Trên tường một nhà thờ cổ ở Đức có một bức tranh được vẽ cách nay khoảng 500 năm, diễn cảnh trẻ Giêsu đang đi học. Họa sĩ vẽ Ngài là một cậu bé 6 tuổi đang một tay nắm tay bà ngoại Anna và tay kia cầm cặp.

Trẻ Giêsu cũng giống như những bé trai, bé gái cùng thời đến trường để thêm kinh nghiệm, như Thánh Kinh nói : “Con trẻ ngày càng khôn lớn”. Điểm đặc biệt của Ngài là “hằng được nghĩa cùng Thiên Chúa ” (Góp nhặt).

  1. “Bà Anna cảm tạ Thiên Chúa và nói về Hài nhi, cho hết những ai đang mong chờ ngày giải phóng Giêrusalem” (Lc 2,38)

Tôi tình cờ nghe được mẫu đối thoại giữa hai người không một trong hai vừa làm dấu thánh giá ở một chỗ đông người. Một người hỏi : “Sao anh làm dấu thánh giá chỗ này ?”. Người kia tỏ vẻ ngạc nhiên và điềm tĩnh trả lời : “Mình là người công giáo kia mà !” Câu trả lời ấy cứ vang mãi trong tâm trí tôi. Và tôi hiểu ra rằng : phải luôn tự hào được làm con cái Chúa ; và sẵn sàng giới thiệu Chúa cho mọi người. Vâng, tôi vẫn thường giới thiệu Chúa không chỉ bằng dấu thánh giá nhưng còn bằng cả cuộc sống, lao động và cầu nguyện, công bình và bác ái, yêu thương và phục vụ. Chẳng biết tôi đã thực hiện được đến đâu, nhưng nhờ ơn Chúa, tôi sẽ ố gắng.

Lạy Chúa, xin cho con luôn sống thân mật với Chúa, để có thể nói về Chúa cho mọi người với cả tấm lòng thành. (Epphata)

  1. Mầm khác :

 Ngày 31-12

 Ga 1,1-18

A. Hạt giống…

Các chuyên viên Thánh Kinh đã gọi đoạn này là quyển Tin Mừng Thứ Tư tóm lược vì chứa đựng dưới dạng súc tích tất cả những chủ đề chính của tác phẩm như : Chúa Giêsu là Lời, Sự Sống, Sự Sáng, Làm chứng, Sự thật…

  1. Đức Giêsu là “Lời” của Thiên Chúa, tiền hữu và hằng hữu (cc 1-2)
  2. Ngài là Đấng Tạo hóa (c 3a)
  3. Ngài là sự sống và sự sáng (cc 3b-5)
  4. Gioan Tiền hô là người làm chứng cho Chúa Giêsu (cc 6-8)
  5. Chúa Giêsu là sự thật (c 9)
  6. Ngài đến ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Ngài mà có. Nhưng thế gian đã không nhận Ngài (c 10-18)

B…. nẩy mầm.

  1. “Lời đã trở thành nhục thể”. Trong những thế kỷ đầu, có những lạc thuyết không chấp nhận việc Thiên Chúa nhập thể vì cho rằng thể xác là xấu xa không đáng cho Thiên Chúa nhập vào. Nhưng Con Thiên Chúa đã thực sự nhập thể, chứng tỏ thân xác chúng ta không xấu xa, chứng tỏ lòng Ngài quá thương chúng ta, và còn cho biết từ nay Thiên Chúa muốn gặp gỡ chúng ta qua thực tại nhân tính với tất cả những yếu đuối hèn hạ của nó. Hệ luận của mầu nhiệm nhập thể này là từ nay ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa khi gặp gỡ con người, ta có thể yêu mến Thiên Chúa khi yêu mến con người…
  2. “Ánh sáng chiếu trong bóng tối và bóng tối đã không tiêu diệt được ánh sáng” : Nói một cách triết lý, Tối chỉ là thiếu Sáng, cho nên khi nào Sáng đến thì Tối phải tan. Chỉ một ngọn nến nhỏ được đưa vào một gian phòng mênh mông cũng đủ đuổi bóng tối ra khỏi gian phòng. Suy rộng ra, Ác chỉ là thiếu Thiện, cho nên Ác không thể nào thắng Thiện, ngược lại Thiện thắng Ác là điều tất yếu. Ngôi Hai đã nhập thế và nhập thể, ai đón nhận Ngài vào lòng mình thì chắc chắn sẽ đẩy lùi bóng tối và sự ác khỏi lòng mình. Bởi thế, trong quyền sách “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”, Đức Gioan Phaolô II luôn lặp đi lặp lại lời kêu gọi đầy lạc quan : “Đừng sợ. Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”.
  3. Một đêm kia, trên một đường phố vắng vẻ, Bóng Tối ngồi co ro, buồn bã. Từ một xó nọ loé lên một Tia Sáng, rất nhỏ và rất yếu, nhưng là một tia sáng, phát ra từ một cây nến nhỏ mà ai đó đã cắm ở đấy. Một người khách đi qua nhìn thấy cây nến nhỏ và nói :

– Sao mi lại chiếu sáng trong cái xó kẹt này ? Thiếu gì chỗ khác, mi đến đó mà chiếu sáng thì sẽ hữu ích hơn nhiều.

– Tại sao hả, cây nến trả lời. Tôi chiếu sáng bởi vì tôi là cây nến. Tôi có chiếu sáng thì tôi mới là cây nến. Vả lại tôi chiếu sáng đâu phải chỉ để cho người ta thấy mà còn để cho tôi vui, vui vì được làm Tia sáng, vui vì được chiếu sáng.

Bóng Tối nghe thế rất bực bội. Nó nhào tới phủ lên Tia sáng mong làm cho Tia sáng bị tắt. Nhưng chẳng những Tia sáng không tắt, trái lại Bóng Tối còn bị rách nát ra. (Willi Hoffsuemmer).

  1. Mầm khác :

Ngày 1.1 Lễ Đức Maria Mẹ TC

(Kết thúc tuần Bát Nhật GS)

 

 Lc 2,16-21

A. Hạt giống…

Bài Tin Mừng này trình bày 2 thái độ khác hẳn nhau : a/ Thái độ của những người chăn chiên là tíu tít kể chuyện ; b/ Thái độ của Đức Maria là ghi nhớ mọi sự và suy niệm trong lòng.

B…. nẩy mầm.

  1. “Đức Maria đã thinh lặng không chỉ lúc này, nhưng trong suốt cuộc đời Người. Được làm Mẹ Thiên Chúa nhưng chung quanh Người chẳng có mấy ai biết đến tước hiệu này… Tại Cana, Người đã nhẹ nhàng báo cho Chúa Giêsu biết bữa tiệc không còn rượu nữa. Trong cuộc đời công khai của Chúa, Người đã âm thầm theo bước chân Con. Và bên Thánh giá, trong nỗi đau đớn tột cùng, Người đã chứng kiến những giờ phút cuối cùng của Con. Có thể nói Người đã sống tâm tình của một nữ tì khiêm tốn. Người chỉ muốn phục vụ trong âm thầm, còn vinh quang danh dự thì Người xin dành cho người khác. Trong một thế giới có quá nhiều tiếng động : tiếng động của bom đạn, của tranh chấp, của bạo lực, chúng ta hãy bắt chước thái độ thinh lặng và lắng nghe của Đức Maria, nhờ đó chúng ta sẽ tìm được bình an trong tâm hồn và tạo được hòa khí trong tương quan với tha nhân” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  2. Thánh Luca khám phá đặc điểm của Mẹ Thiên Chúa là “ghi nhớ những kỷ niệm đó và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Tuy là mẹ của Chúa Giêsu nhưng ban đầu Đức Mẹ không hiểu hết về con mình. Tuy không hiểu nhưng nhờ “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại” nên sau cùng Mẹ đã rất hiểu Ngài. Huống chi chúng ta : chúng ta là môn đệ Chúa, là con Chúa, chúng ta càng cần phải ghi nhớ và suy đi nghĩ lại những kỷ niệm về Chúa thì mới hiểu được Ngài.
  3. Một bài hát kia có một tựa đề rất gợi ý, là “The sound of silent”, tiếng của thinh lặng. Phải, thinh lặng nói với ta rất nhiều điều. Ta thử thinh lặng để “suy đi nghĩ lại” về những sự việc chung quanh việc Chúa Giáng sinh, để coi xem ta nghe được gì.
  4. Một người da đỏ cùng đi với một người da trắng trên đường. Người da đỏ bỗng vỗ vai người da trắng, hỏi

– Anh có nghe gì không ?

Người da trắng hết sức lóng tai nghe, rồi đáp

– Tôi chẳng nghe gì cả.

– Có mà, tôi nghe tiếng một con dế gáy.

– Làm gì mà có con dế nào giữa đường phố nhộn nhịp như thế này ? Mà cho dù có đi nữa thì làm sao anh nghe được tiếng nó giữa bao tiếng ồn ào của xe cộ và người qua kẻ lại ?

Người da đỏ không thèm trả lời. Anh đi đến một bức tường bên vệ đường. Bức tường đã cũ. Nhiều dây leo chằng chịt trên đó. Anh vạch đám dây leo sang một bên. Một lỗ trống hiện ra, trong đó rõ ràng có một con dế đang gáy.

Người da trắng thán phục :

– Dân da đỏ các anh có lỗ tai thính hơn dân da trắng chúng tôi nhiều.

– Không phải thế đâu. Để tôi thử cái này cho anh xem.

Người da đỏ lấy trong túi ra một đồng tiền kẽm, thảy xuống mặt đường. Tiếng đồng tiền lăn len ken khiến mọi người đi đường ngoái đầu nhìn lại. Liền đó người da đỏ giải thích :

– Tiếng của đồng tiền kẽm nhỏ hơn tiếng dế kêu rất nhiều. Thế mà mọi người da trắng đều nghe được. Còn tiếng con dế lớn hơn nhưng chỉ có tôi nghe được. Không phải ai thính tai hơn ai cả. Sự thực chính là chúng ta chỉ nghe được tiếng của những thứ chúng ta thường quan tâm để ý (Willi Hoffsemmer).

  1. “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16)

Một buổi sáng Chúa nhật, ngày đẹp nhất trong tuần, tôi đến nhà thờ dự lễ và ngao ngán với một bài giảng quá dài, lại chẳng có gì hấp dẫn… Chúa nhật sau, anh hẹn đưa tôi đi chơi. Tôi náo nức chờ đợi, đợi cờ từng phút giây, mong tới giờ hẹn. Và chúng tôi đã lên đường… bỏ lại đàng sau không buồn luyến tiếc : ngôi thánh đường và cả Chúa Giêsu nữa !

Tôi là thế đó, chỉ muốn làm những gì mình thích và thích làm những điều thật vĩ đại. Còn Mẹ Maria thì chọn những gì Chúa muốn và để cho Ngài làm nên những điều cao cả. Nếu như Thiên Chúa cần một người mẹ cho Ngôi Lời nhập thể thì Mẹ đã cất tiếng xin vâng để trần gian được cứu độ. Và trong nữ giới, Mẹ thành người diễm phúc nhất.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã chọn phần tuyệt hảo là lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Xin cho con hằng noi gương Mẹ mà gắn bó cùng Chúa trọn đời. (Epphata)

  1. Mầm khác :
print