Hiền Hậu Và Khiêm Nhường

print

Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm A 2020

Hiền Hậu Và Khiêm Nhường

Lm. Giuse Nguyễn

“Thiền sư Hakuin rất được mọi người trọng vọng, kính nể vì phong cách đạo đức thánh thiện của ông. Một ngày kia, có một cô gái trẻ, nhà gần chùa của thiền sư bị chửa hoang. Người ta không biết cha đứa bé là ai. Bố mẹ cô gái vô cùng tức giận và xấu hổ nên đánh đập tra khảo cô con gái về lai lịch tình nhân của cô. Ban đầu cô con gái không chịu nói gì cả, nhưng sau vì bị đánh đập quá nên cô tiết lộ đó là thiền sư Hakuin. Tin xấu đồn ra nhanh chóng. Cha mẹ cô gái giận dữ, đùng đùng lên chùa và mắng xối xả vào mặt Hakuin. Khi họ dứt lời, Hakuin chỉ thốt lên hai tiếng “Thế à!”. Sau khi đứa bé chào đời, gia đình cô gái mang đứa bé lên chùa quẳng cho Hakuin nuôi. Thiền sư cũng chỉ nói hai tiếng: “Thế à!”. Hakuin chăm sóc đứa bé thật tử tế và bồng nó đi xin sữa khắp nơi. Một năm sau, cô gái vì cảm thấy ray rứt, hối hận nên đã thú thực với cha mẹ người cha đứa bé không phải là Hakuin mà là một chàng thanh niên làm việc ở chợ cá. Cha mẹ cô vội chạy lên chùa dập đầu tạ lỗi với Hakuin và xin mang đứa bé về. Thiền sư vẫn thản nhiên thốt lên hai tiếng “Thế à!” và trao đứa bé lại cho gia đình. (101 câu chuyện thiền)

Qua thiền sư Hakuin đáng kính, chúng ta nhìn thấy một phong thái hiền lành khiến chúng ta rất đáng khâm phục và sẽ tìm hiểu qua phụng vụ lời Chúa hôm nay.

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

  1. Bài Đọc I: Dcr 9, 9-10

Với chiến thắng vào năm 333 TCN đã đưa đế quốc Hy Lạp lên ngôi bá chủ. Còn Alexandre Đại Đế được người Do Thái tiên đoán chính là Đấng Messia, hay ít ra Đấng Messia cũng giống như Alexandre Đại Đế vậy. Tiên tri Dacaria đã nói cho dân biết chắc chắn Đấng Messia sẽ đến, nhưng không phải theo kiểu của Alexandre, mà: “Người khiêm tốn ngồi trên lừng lừa, cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hòa bình cho muôn dân” (Dcr 9, 9b-10a). Nghĩa là Đấng Messia thực sự là Đấng yêu hòa bình, không muốn chiến tranh; rất khiêm tốn, không kiêu căng; rất hiền lành, chỉ muốn cứu độ.

  1. Tin Mừng: Mt 11, 25-30

Chúa Giêsu thấy được những vất vả, gánh nặng mà người Do Thái chính thống phải mang lấy do các kinh sư và biệt phái. Ngài đã nói: “Bọn ấy buộc những gánh nặng khó chịu để trên vai người ta, còn mình thì không muốn động ngón tay vào” (Mt 23, 4). Quả thật người Do Thái phải sống giữa một đống luật lệ. Lúc nào họ cũng nghe như có một tiếng nói ám ảnh: “Ngươi chớ… ngươi chớ…” Vì vậy mà Chúa Giêsu đã nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

Trước những gánh nặng đó, Chúa Giêsu mời gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi”. Ách là một khúc gỗ tròng vào cổ trâu bò để buộc dây kéo xe hoặc cày bừa. Như vậy “Ách của Chúa” thì có gì khác hơn so với ách của những người biệt phái và Pharisêu? Ngài nói “Ách của tôi thì êm ái”. Nguyên gốc của từ “êm ái” này là vừa vặn, sít sao. Một người thợ không lành nghề sẽ làm một cái ách chật chội, hoặc bào khúc gỗ không được láng, khi mang vào con vật rất khó chịu, có thể gây trầy xước. Còn ngược lại, một người thợ lành nghề sẽ làm một cái ách vừa vặn, sít sao, bóng láng. Chúa Giêsu từng là một người thợ mộc, nên Ngài biết rõ điều đó. Như vậy “mang lấy ách của Chúa” nghĩa là phải có sự tuân phục, phó thác cuộc đời trong tay Chúa, Chúa sẽ biết cách để làm cho chúng ta thoải mái, dễ chịu, bình an.

Ngài cũng mời gọi chúng ta: “Anh em hãy học với tôi”. Chúng ta học gì nơi Chúa? Thưa học sự hiền lành và khiêm nhường.

 Như vậy phụng vụ lời Chúa hôm nay đưa chúng ta đến một chân lý: Chính Chúa Giêsu là Đấng Messia đã đến cứu độ chúng ta. Ngài làm cho cuộc đời chúng ta được hạnh phúc. Vì vậy hãy “mang lấy ách” chính là mang lấy giới luật của Ngài. “Cái ách” này không làm cho chúng ta nặng nề, khó chịu, mà làm cho chúng ta hạnh phúc hơn, vì chúng ta mang với cả tình yêu thương. Hãy học với Ngài vì Ngài hiền lành và khiêm nhường.

HIỀN LÀNH

Theo nguyên ngữ Hy Lạp hiền lành là Praus, nghĩa là sự dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo cứng cỏi. Như thế hiền lành phải có cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong thì phải êm ái, hòa nhã, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Bên ngoài thì phải nhẹ nhàng, không có hành động cứng rắn hay thô bạo. Chúa Giêsu đã mạnh dạn kêu người ta học với Ngài sự hiền lành vì Ngài đã sống hiền lành. Hiền lành từ bên trong vì Ngài luôn có tình yêu thương, sự khoan dung trắc ẩn, đại lượng và xót thương… Hiền lành ở bên ngoài vì từ lời nói cho đến việc làm của Ngài đều rất nhẹ nhàng, không thô lỗ, cộc cằn, không dùng bạo lực…

HÃY HỌC CÙNG TA

Là môn đệ của Chúa, chúng ta được mời gọi phải “học với Chúa” về sự hiền lành.

  1. Hiền lành ở bên trong

Trước hết sự hiền lành xuất phát tận bên trong sâu thẳm con người. Nghĩa là phải luôn có sự hòa nhã, yêu thương, thông cảm dành cho người khác.

Sự hòa nhã là luôn muốn sống hòa thuận, êm ái với hết mọi người, không gây bất đồng, chia rẽ giữa mình với người khác, hoặc khích bác để người khác chia rẽ nhau.

Bà A với bà B cùng là thành viên trong một hiệp hội đạo đức trong họ đạo. Bà A bị bà B nói không rõ ràng trong vấn đề tiền bạc, dẫn đến hai bà cự cãi và bất hòa với nhau. Chẳng những tìm mọi cách để biết những chuyện xấu của bà B , bà A còn nhắn tin cho bà C rằng bà B nói xấu bà C. Theo lẽ thường, bà C sẽ nổi cơn tam bành, cùng với bà A chửi mắng bà B , nhưng bà C trả lời với bà A : “Em có nhiều cái xấu lắm chị A ơi, có lẽ chị B chưa thấy hết đâu!”. Như vậy bà A là người gây bất hòa, còn muốn kéo người khác về phía mình để chống đối lại với người bà không ưa. Còn bà C là người hòa nhã, không để cho người khác khích bác mình, mà nhận định rất rõ ràng và đối xử rất khôn ngoan.

Hiền lành ở bên trong còn là một tình yêu thương, thông cảm dành cho người khác. Biết một người tội lỗi đang bị người ta chê cười, người hiền lành tỏ vẻ xót thương cho người đó, chứ không góp thêm những lời khiến người ta đau hơn. Hiền lành ở bên trong là luôn tránh xa những cuộc trò chuyện xoi mói, chỉ trích người khác; là luôn tìm những điều tốt đẹp để nói về người khác…

Tôi hỏi một người: “Sao hàng xóm của chị không đi lễ?”chị trả lời: “Chắc chị ta đi lễ ở nhà thờ khác”. Vào nhà thờ một em nhỏ ngồi rung chân theo lẽ tự nhiên của nhiều người. Dì phước vốn nghiêm trang quay xuống đánh cho nó một cái rầm, tôi hỏi đau không? Nó nói: “Chắc tại Dì mất thăng bằng ngã trúng chứ không phải muốn đánh con đâu!”.

  1. Hiền lành ở bên ngoài

Kế đến, người hiền lành còn được thể hiện ra bên ngoài qua khuôn mặt, từ ánh mắt cho đến nụ cười; qua những hành động hết sức tế nhị, không bạo lực nhưng nhẹ nhàng và sẵn sàng chấp nhận thua thiệt.

Có những người giỏi dang, tốt lành nhưng gương mặt lúc nào cũng “chù ụ” thì khó gây thiện cảm với người khác. Gương mặt quạu quọ, khó khăn thể hiện một điều gì đó bực dọc trong lòng, từ đó phát sinh ra một cản lực đối với người đối diện, gây khó ưa với người khác.

Ở trong nhà có một người lúc nào mặt cũng “chầm dầm”, không nói, không cười, ai nói hoặc đụng tới là sừng sỏ, nạt nộ… sẽ làm cho bầu khí gia đình luôn căng thẳng. Một người hiền lành gương mặt lúc nào cũng thoải mái, khả ái, nụ cười luôn sẵn sàng nở trên môi.

Người hiền lành cũng không dùng đến bạo lực trong lúc nóng giận, nhưng biết kiềm chế để người bên cạnh cảm thấy mình được yêu thương. Vợ chồng không hở cái là chửi mắng, đánh đập. Cha mẹ không dùng đòn vọt với con cái một cách vô tội vạ… Nói đúng ra, người hiền lành “không có khả năng” để chửi mắng, đánh đập, để dùng bạo lực với người khác, vì họ vốn hiền lành.

Chúa Giêsu đã từng nói: “Phúc cho ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5, 4). Qua đó chúng ta thấy sự hiền lành rất cần thiết. Nó không chỉ đơn thuần là một đức tính nhân bản, mà phải có một sự thánh thiện, sự thấm nhuần của ơn Chúa mới giúp ta có được sự hiền lành.

Xin ơn Chúa giúp để mỗi người chúng ta học được nơi Chúa sự hiền lành từ bên trong thể hiện ra cả bên ngoài. Để tất cả những ai sống xung quanh hoặc tiếp xúc với chúng ta cảm nhận được sự hiền lành, nhân từ của Chúa. Khi mỗi người đều hiền lành với nhau, lúc đó thiên đàng ngay trong gia đình, ngay trong đoàn thể, ngay trong họ đạo chúng ta.