Họ Quản Long Đến Thăm Quý Cha Trong Nhà Hưu Dưỡng

print

ĐẾN THĂM QUÝ CHA TRONG NHÀ HƯU DƯỠNG

(Ngày 02 tháng 08 năm 2019)

 MÓN NỢ ÂN TÌNH

Đời người ta vẫn nói: “Tình yêu đáp trả tình yêu, ân tình đền đáp ân tình”. Sống tình nghĩa là vậy! Tuy nhiên, sự tốt lành trong việc đền đáp có chăng thường chỉ xảy ra trong trường hợp hiển nhiên, nghĩa là người cho và người nhận trực tiếp với nhau, còn những ân tình âm thầm, ẩn dấu, ít ai nhận ra để đáp trả.

Nhớ lại ngày ấy, khi các cha còn nằm trong ngôi nhà hưu dưỡng cũ kỹ của Giáo Phận nhà, chúng tôi cùng rủ nhau đi thăm. Khi thăm về, một người trong đoàn nói: “Tôi sẽ không bao giờ cho con tôi đi tu, dù là làm linh mục”. Tôi ngạc nhiên hỏi: Sao vậy? Họ trả lời: “Khổ quá! Cả một đời hy sinh vất vả, lặn lội ngược xuôi, bôn ba khắp nơi, hết giáo xứ này đến giáo xứ nọ để rồi cuối cùng là sự trơ trọi một mình trong nhà hưu dưỡng tối tăm, ảm đạm, cô đơn, hôi hám”. Và quả thực, thời điểm đó điều kiện còn quá khó khăn, căn phòng của cha tối tăm ảm đạm và hôi thật. Trong chúng tôi không ai dám vào, vì ngài nằm đã lâu, lại thiếu người chăm sóc, tôi vào cũng chỉ chịu được một chút rồi phải ra ngoài.

Đành rằng theo Thầy Giêsu là đi vào con đường vô định, là để cho Chúa dẫn dắt, là hy sinh quên mình, là “không có nơi tựa đầu” (Lc 9,58) nhưng không có nghĩa là không cần sự chia sẻ, nâng đỡ và cảm thương. Nhất là khi mỗi Kitô hữu mắc món nợ ân tình với các linh mục, người đi sau mắc nợ người đi trước. Nói điều này có lẽ ta chỉ nghĩ đến những linh mục trực tiếp có trách nhiệm với mình là cha xứ hay cha phó xứ hoặc cha bảo trợ. Nhưng không, mỗi khi cầu nguyện, nhất là mỗi khi dâng thánh lễ trên bàn thờ, chính là lúc các linh mục thi hành chức tư tế thừa tác để cầu nguyện cho cả giáo hội và cho từng người giáo dân, ngay cả khi trong nhà hưu dưỡng.

Nhà hưu dưỡng bây giờ đã khác xưa, rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ và có người chăm sóc các cha tốt hơn. Khi thăm các cha, chúng tôi bắt gặp những tâm tình khác nhau nhưng đa số đều có ý chung: nơi nghỉ dưỡng sau những ngày vất vả; nơi có thời giờ đọc và viết thêm sách vở khi còn sức; nơi lui vào thinh lặng trong cầu nguyện cho giáo hội; nơi dâng những bệnh tật khổ đau để cầu nguyện cho người giáo dân; nơi chuẩn bị tâm hồn để về nhà Chúa. Nói vậy không có nghĩa là các cha không cần “tình xưa nghĩa cũ”, bởi mỗi lần chúng tôi đến thăm, dù là giây phút ngắn ngủi, dù là những món quà đơn sơ, nhưng chúng tôi nhận thấy những khuôn mặt với niềm vui rạng rỡ và ngay cả những giọt nước mắt cảm động trên giường bệnh. Mỗi lần thăm là mỗi lần chúng tôi nhận được dấu chỉ của tình thương nơi các cha trong lời cầu nguyện dành cho người giáo dân. Nằm trên giường bệnh mà khi chúng tôi ghé tai nói: “Cha dâng đau khổ và bệnh tật cầu nguyện cho chúng con nhá!” Vừa lăn những giọt nước mắt cha vừa gật đầu.

Đúng là ân tình không dứt, trả nợ chưa xong. Họ đạo Quản Long chúng con hẹn gặp Quý cha hưu dưỡng lần sau.