Hồng Ân Bất Ngờ Và Hồi Hộp

Hồng Ân Bất Ngờ Và Hồi Hộp

Trưa 16 tháng 6 năm 1975, chúng mình tập họp ở phòng khách Tòa Giám mục Cần Thơ. Đức cha Quang từ trên lầu đi xuống, vừa e hèm, vừa cười tươi sung sướng. Anh Năm Hoạch đứng chặn ở chân cầu thang, dang tay thẳng băng, oang oang tuyên bố: “Thưa Đức cha, chúng con nguyên vẹn trở về!”. Mình chửi yêu trong bụng: “Hứng dữ!”. Anh Năm vui, thì mình hiểu. Nhưng tại sao anh hứng quá như thế, thì mãi về sau mình mới hiểu.

Thời gian bốn tháng, ba tuần phải bất đắc dĩ sống ở Bến Bọng chưa phải là thời gian quá dài. Nhưng những khó khăn không tên từ đâu len lén mò tới, bất ngờ khiến anh Năm Hoạch giật mình lo sợ. Sợ quá, vì tưởng mình đã ngã gục. Thấy mình vẫn cứ đứng trơ trơ ra đó, ngơ ngơ chẳng hiểu tại sao. Mừng quá!

1. Hôm ấy, thằng con trai chị Năm Hiệu xách phảng đi phát cỏ. Đến trưa, vừa về tới nhà, nó chửi thề, la toáng lên: “Rõ ràng, sáng nay tui tháo cái nhẫn vàng bỏ vào cái bình thủy bể này, thế mà bây giờ mất tiêu. Thằng nào ăn cắp? Trong nhà này chẳng có ai ngoài thằng Năm Hoạch”.

Oan khiên quá chừng! Có mất trộm thật không? Hay thằng Trạng dựng lên vụ trộm này, hay…? Anh Hoạch, tứ cố vô thân, chẳng biết thanh minh ra sao. Im lặng là thua. Mở miệng nói cũng thua. Từ chết đến chết, không có bị thương. Anh đành cắn răng chịu đựng, phó mặc số phận cho Chúa Quan Phòng… May quá, chị Năm, mẹ của người “mất vàng” lên tiếng nói giùm: “Mày mất vàng thì đúng rồi, còn người ăn cắp, thì chưa có bằng chứng cụ thể, không làm đơn thưa được”. Chuyện mất vàng tạm gác. Những nghi vấn cũng tan theo. Anh Năm Hoạch thở phào nhẹ nhõm.

2. Chị Năm Hiệu có hai cô gái lớn. Dung lấy chồng, rồi thôi chồng. Cô nàng mở một quán cóc bán cà phê ở bên kia con sông hẹp. Gái thôi chồng, giống như gái góa. Còn trẻ, nhưng kể như lỡ thời. Dung phải đi một bước nữa. Nhưng phải nhìn lên hay nhìn xuống? Chắc là không dám chèo mèo đeo con trai. Đành gởi thân cho một người đàn ông nào đó. Ai cũng nghĩ thế…

Bỗng có một người đàn ông đi tới. Người này chưa có vợ, nhưng đã ba mươi ba tuổi, kể như lỡ thời. Người này có trình độ đại học, sáng giá vô cùng. Chẳng ai bảo ai, nhưng ai cũng bảo rằng: “Con Dung với thằng Năm Hoạch là có lý”. Anh Năm phải bị ở nhà bà Năm Hiệu, mẹ của Dung, khiến mọi người càng chắc mẩm rằng “Con Dung có số lấy chồng Bắc Kỳ”.

Dung có thương anh Năm của mình hay không, thì mình không biết. Mình chỉ thấy Dung một lần. Mình vô quán cà phê của Dung cùng với anh Hai Hoàng, người có nhiệm vụ quản lý tụi mình. Trong hoàn cảnh ấy, mình chỉ thấy chứ không dám nhìn. Dung có quyết tâm đeo đuổi anh Năm hay không, thì mình mù tịt. Nhưng chắc một điều là bà con lối xóm thì muốn vun vào. Dì Chín của Dung thì khen anh Năm hết lời: “Nội trong mấy thằng này, thì thằng Năm Huế là được nhứt”; “Thằng Huế Hoạch đen mà có duyên”. “Thằng Năm Hoạch nói chuyện dễ thương hết sức”…

Còn anh Năm Hoạch có bị cám dỗ hay không, thì chỉ một mình Chúa biết. Nhưng chắc chắn trong nội tâm của anh vẫn có hai tiếng nói: Tiếng nói thì thào của lương tâm linh mục; tiếng nói ào ào của một người sa cơ lỡ vận. Thua dễ hơn thắng. Chết chắc hơn sống. Xác thịt thì nặng nề; tinh thần thì nhẹ tênh. Thế mà kết cuộc thì anh đã thắng. Y như trong mơ. Mừng quá đỗi.

Chị Năm Hiệu còn một người con gái lớn nữa tên là Ven. Ven chưa có chồng, nhưng đang mơ lấy chồng. Anh Năm Hoạch kể chuyện cho mình nghe:

“Đêm hôm ấy cả nhà đi đám hết. Chỉ có mình và Ven ở nhà. Mình ngủ ở nhà ngoài. Hắn ngủ ở buồng trong… Có một thằng con trai lẻn vào. Hai đứa cứ lục đục với nhau ở trong ấy. Mình lo quá, lỡ sau này nó có chuyện gì, thiên hạ đổ thừa cho mình, thì kẹt dữ ạ…”. Anh Năm hiểu rằng có thể có ai đó vẫn mong đợi, vẫn rình mò, vẫn mở đường để anh sa ngã. Làm cho một linh mục sa ngã, hoặc làm cho một linh mục bị tai tiếng là sa ngã, là cách vô hiệu hóa linh mục khôn khéo nhất và… dường như là nhân đạo nhất. Anh Hoạch đã vượt qua được cả hai trường hợp ấy. Mừng hết biết!

3. Anh Năm Hoạch lo cho mình chưa xong, thì lại lo cho anh em, trong đó có mình. Mình ở đậu nhà chị Chín, nhà vắng hoe. Anh Năm Hoạch ở đậu nhà chị Năm, khách khứa dập dìu. Ở đó người ta nói đủ thứ chuyện. Ở đó người ta cắp đôi cắp lứa cho mình với chị Chín. Mấy đứa cháu chị Chín vẫn gọi mình là “dượng Chín”. Mình không nghe, nhưng anh Năm nghe đầy lỗ tai. Mình không lo, nhưng anh Năm thì lo quá. Mình không ngại chị Chín, vì lập trường của chị quá rõ: “Anh đừng nói với người ta là tôi không nói chuyện với anh.Anh là nhà tu hành, còn tôi thì là đàn bà góa”. Chị Chín không muốn nói chuyện với mình. Tối nào chị cũng qua chơi bên nhà chị Năm Hiệu. Ở đó có “thằng Huế Hoạch nói chuyện dễ thương”. Dường như chị Chín không ưa mình. Trước mặt thì gọi là “anh Tám”, sau lưng thì gọi là “Thằng Tám Hậu”. Chị than thở với láng giềng: “Đi làm đám mạ về mệt muốn chết. Muốn nằm võng nghỉ một chút, thì thằng Tám Hậu nó cứ nằm ở đó hoài”. Chị Chín không thể là lý do để mình sa ngã. Nhưng anh Hoạch thì cứ canh cánh bên lòng. Anh lo, vì có lý do.

Lý do một. Bà con trong xóm thương hại chị Chín. Chị Chín ở giá 13 năm rồi và đang ở tuổi U40, tuổi hồi xuân trỗi dậy. Phải đi một bước nữa thôi. Mình thì chỉ hơn chị Chín có một tuổi, lại đang là khách trọ có dàn xếp. Chắp cánh liền cành là điều không thể tránh được và chả nên tránh làm gì. Ai cũng nghĩ thế. Ai cũng muốn thế.

Lý do hai. Có ba cặp mắt ướt át vẫn cứ hấp háy về phía mình. Có thể chẳng ai biết. Nhưng có thể cả làng đều biết. Thế là anh Năm Hoạch lại lo sốt vó lên.

Người đàn bà thứ nhất có chồng đi công tác triền miên. Công tác văn nghệ, một công tác dễ nảy ra những mối tình văn nghệ. Gia đình vì thế mà chao đảo. Người đàn bà ấy đến chơi thường xuyên, kể lể trăm thứ chuyện. Chuyện chánh trị, chuyện tình duyên và chuyện tình vận nữa. Vừa nói chuyện chị vừa nằm ngửa trên bộ ván, phạch hết ngực ra cho thằng cu tí tự do chọn lựa nguồn sữa. Thằng cu tí thì vô tư. Mẹ nó vô cùng vô tận. Còn mình thì vô cảm. “Bên ấy” thì không thể cám dỗ được. “Bên này” thì không thể sa ngã được. Yên tâm vô cùng! Cám ơn Chúa quá chừng!

Người đàn bà thứ hai khác hẳn người đàn bà thứ nhất: rất trẻ, cao ráo, trắng trẻo và rất quý phái. Người ấy đến xin phát cỏ mướn cho chị Chín. Ra vườn phát cỏ thì ít, mà vô nhà mài phảng thì nhiều. Người ấy muốn kiếm cớ để nói chuyện với mình. Còn mình thì quyết tâm không mở miệng. Địch thì quá mạnh mà ta thì quá yếu. Đánh thì thua. Cố thủ thì chết. Đành “đào vi thượng sách”. Ta trốn.

Ba ngày sau người đẹp rút lui, bỏ lại mảnh vườn nham nhở.

Người đàn bà thứ ba cũng có chồng, nhưng không yêu chồng, vì chồng chị yêu rượu. Khi mẹ con chị Chín đi Cà Mau, thì người đàn bà này xuất hiện. Chị đến vào lúc trời mới rạng sáng và chỉ đến từ phía vườn sau. Lần nào áo quần cũng ướt sương khuya. Lần nào đôi má cũng đầm đìa nước mắt. “Bên ấy” chỉ muốn “bên này” cho một lời an ủi và một cử chỉ xót thương. “Bên này” thì muốn lắm, nhưng lại chẳng dám muốn. Im lặng tuyệt đối khiến “bên ấy” tự thấy hẫng mà cáo từ ra về: “Em về. Mai mà rảnh thì em tới”. Tới mãi rồi thôi tới. Mình không thắng nhưng không thua. Không thua là một cách thắng. Cám ơn Chúa.

Vượt qua bấy nhiêu bãi mìn, mìn không nổ. Băng qua bấy nhiêu cạm bẫy, bẫy không sập. Anh Hoạch mừng quá, vì anh sợ quá. Đó là hiện tượng bùng vỡ của tâm lý. Mình hiểu anh Hoạch. Vì thế mình thương anh và biết ơn anh. Chỉ tiếc là anh không còn ở cõi đời này nữa, để lâu lâu lại hứng một lần, vì bàn tay vô hình của Chúa lâu lâu lại ban một hồng ân bất ngờ và hồi hộp như thế.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn

 

print