Kinh Thánh 100 Tuần : Sách Tiên Tri Isaia

print

 

SÁCH ISAIA

(chương 1-7)

(chương 8-12)

(chương 13 – 23)

(chương 24 – 39)

(chương 1-7)

I. TỔNG QUÁT

1, 1-31 : Dẫn nhập: Hạch tội dân bội bạc và giả hình (1,2-8).

Lời sấm về sự thờ phượng đích thực (1,10- 16).

Kêu gọi hoán cải (1, 18-20).

Đe doạ hình phạt (1,21-31).

2, 2-5   : Tương lai của núi Sion

2, 6-22 : Ngày của Đức Chúa

3, 1-26 : Cảnh hỗn loạn tại Giêrusalem và hình phạt cho các phụ nữ.

4, 2-6   : Số sót (chồi non của Đức Chúa)

5, 1-7   : Bài ca vườn nho

5, 8-30 : Tố giác những lạm dụng xã hội và những người lãnh đạo.

6, 1-13 : Ơn gọi của ngôn sứ Isaia

7, 1-25 : Lời tiên tri về Emmanuel

II. ƠN GỌI CỦA TIÊN TRI ISAIA

  1. Isaia “thấy” Chúa (6,1)

Đây là khẳng định đơn giản nhưng hết sức mạnh mẽ vì trong Thánh Kinh, con người không thể nhìn thấy Thiên Chúa mà có thể sống sót nổi (x. Xh 33,20). Khẳng định này làm nổi bật uy quyền của lời tiên tri, vì lời đó không dựa vào sự khôn ngoan của người đời nhưng trực tiếp đến từ Thiên Chúa (x. 1Cr 2,1-5).

  1. Đấng Thánh của Israel

Isaia trình bày Thiên Chúa là Đấng cực thánh (6,3) và con người cần đặt trọn niềm tin vào Ngài: “Nếu các ngươi không vững tin, các ngươi sẽ không đứng vững” (7,9). Đối diện với Thiên Chúa chí thánh, con người cảm nhận sâu sắc thân phận tội lỗi và ô uế của mình (6,4) (đối chiếu Lc 5, 1-10). Vì thế, cần được Thiên Chúa thanh tẩy (6,5).

  1. Sự đáp ứng của Isaia

Trước tiếng gọi của Thiên Chúa “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Isaia đáp trả rất nhiệt tình: “Lạy Chúa, này con đây, xin Chúa sai con”(6,8). Thiên Chúa cũng kêu gọi và trao phó sứ mạng cho bạn, bạn đã đáp trả thế nào trước tiếng gọi của Chúa?

III.    LỜI TIÊN TRI VỀ EMMANUEL (7, 10-17)

  1. Lời tiên tri (7, 13-17)

“Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.” Từ almah trong tiếng Hípri có nghĩa là thiếu nữ đến tuổi kết hôn, không nhất thiết phải là trinh nữ. Tuy nhiên bản dịch Hi Lạp đã dùng từ parthenos nghĩa là trinh nữ. Thánh sử Matthêu đã sử dụng từ parthenos này (1, 22-23). Đây là nền tảng cho cách giải thích của Kitô giáo về bản văn này như lời tiên tri về việc Đức Maria thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu Kitô.

  1. Ý nghĩa

Trong bối cảnh lịch sử thời vua Achaz, lời tiên tri này là một dấu chỉ hi vọng giữa hoàn cảnh đầy thất vọng, dấu chỉ sự sống giữa những đe doạ và chết chóc. Trong truyền thống Kitô giáo, lời tiên tri này hướng nhân loại đến Chúa Kitô, Đấng đến để xây dựng thế giới mới và nhân loại mới.

IV. BÀI CA VƯỜN NHO (5, 1-7)

  1. Vườn nho

Vườn nho là một trong những hình ảnh và chủ đề quen thuộc trong Thánh Kinh (x. Mt 21,33-42; Mc 12,1-10; Lc 20,9-18). Hình ảnh này hàm chứa nhiều ý nghĩa: (1) nghĩa tự nhiên về mặt canh nông; (2) bản tình ca hát cho người bạn đời, vì thế, hình ảnh “nho dại” ám chỉ sự bất trung trong đời sống hôn nhân; (3) vườn nho còn là biểu tượng cho sự giàu có, nhưng theo mạch văn, sự giàu có không nhất thiết dẫn đến một xã hội công bằng và huynh đệ.

  1. Hình ảnh vườn nho và đời sống đức tin của người Kitô hữu

Một trong những dụ ngôn nổi tiếng của Chúa Giêsu là dụ ngôn về những người thợ làm vườn nho và là những kẻ sát nhân (Mc 12,1-10). Vườn nho ở đây là Nước Trời, là cộng đoàn Dân Chúa, và cũng có thể hiểu là cuộc đời mỗi chúng ta. Chính Thiên Chúa mới là chủ vườn nho, còn mỗi người trong chúng ta chỉ là thợ làm vườn nho, và phải dâng những hoa lợi vườn nho cho Chúa. Nhưng thay vào đó, có thể ta chỉ thu tích hoa lợi hoàn toàn cho bản thân và những tính toán ích kỷ của mình, khước từ quyền làm chủ của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

Vậy bạn là ai trong dụ ngôn này? Vườn nho đời bạn đem lại những hoa trái nào? Bạn sử dụng những tài năng và ân huệ Thiên Chúa ban cách nào?

 

SÁCH ISAIA

(chương 8-12)

I. TỔNG QUÁT

8,1-15 : Những lời tiên tri về Assyria

8,16-20        : Sứ mạng của Isaia

9,1-6 : Vị vua mới và ơn giải thoát

9,7 -10,4 : Các thử thách của vương quốc miền Bắc

10,5-34        : Vai trò của Assyria

11,1-9 : Vị vua lý tưởng

11,10-16 : Tái thống nhất Israel

12,1-6 : Bài ca tạ ơn

II. LỜI TIÊN TRI VỀ VỊ QUÂN VƯƠNG (8,23 – 9,6)

  1. Lời tiên tri trong bối cảnh lịch sử

Đây là lời tiên tri mang tính “mêsia” (cứu thế) vì mô tả vị vua lý tưởng trong tương lai sẽ thiết lập triều đại mới, triều đại hòa bình, công minh và chính trực. Có thể là lời tiên tri về vua Hezekiah, người kế vị Akhaz, sẽ lên ngôi năm 725 hay 715 trước Công nguyên. Tuy nhiên, vị vua này lại được mang những tước hiệu đặc biệt, nhất là “Thần linh dũng mãnh” (Tv 2,7 còn cho rằng vị vua này là Người Con được Thiên Chúa sinh ra, Tv 45,7 còn gọi vị vua này là Elohim “Thiên Chúa”). Vì thế, theo lời tiên tri, vị vua này không chỉ là một con người.

  1. Lời tiên tri và phụng vụ Kitô giáo

Hội Thánh Công giáo chọn đọc lời tiên tri này trong Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh (bài đọc I: Is 9,1-6; bài Tin Mừng: Lc 2,1-14). Đối chiếu hai bản văn Thánh Kinh trên, ta sẽ thấy cách giải thích của Hội Thánh về lời tiên tri. Đây là lời tiên tri về việc giáng sinh Chúa Giêsu Kitô, Đấng muôn dân mong đợi, Đấng đến thiết lập “vương quốc vững bền, trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9,6). Điều cần ghi nhận là thế giới lý tưởng đó không tùy thuộc vào sức mạnh quân sự nhưng tùy thuộc vào một trẻ thơ không có quyền lực gì cả, nghĩa là một thế giới được xây dựng trên sự công chính và tình thương.

III.    TRIỀU ĐẠI CỦA ĐẤNG MÊSIA

  1. Lời tiên tri về vị vua lý tưởng (11, 1-9)

Câu 1 cho biết vị vua này xuất thân từ nhà Đavít: “Từ gốc tổ Giessê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non.” Câu 2-5 mô tả những đặc điểm của vị vua này: Thần Linh Thiên Chúa sẽ ngự xuống trên ngài và ngài sẽ thực hiện tất cả công việc của vị vua công chính. Câu 6-9 mô tả thế giới sẽ được biến đổi dưới triều đại của vị vua này. Thế giới được mô tả bằng những hình ảnh lý tưởng như vườn địa đàng: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.”

Tiên tri Isaia mô tả một thế giới lý tưởng, và thế giới đó sẽ trở thành hiện thực khi “sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.” Nghĩa là phải khước từ những tham vọng bất chính và thiết tha với sự công chính của Thiên Chúa. Thế giới này vẫn còn ở phía trước và không ngừng vẫy gọi chúng ta đi tới.

  1. Lời tiên tri và phụng vụ Kitô giáo

Hội Thánh Công giáo chọn đọc lời tiên tri này trong Chúa nhật II Mùa Vọng (bài đọc I: Is 11,1-10; bài Tin Mừng: Mt 3,1-12). Liên kết hai bản văn Thánh Kinh này sẽ giúp ta hiểu cách giải thích của Hội Thánh về lời tiên tri của Isaia: đây là lời tiên tri về Đấng Mêsia, Đấng sẽ làm phép Rửa trong Thánh Thần, sẽ thiết lập Nước Trời. Nước Trời chính là chủ đề lớn bao trùm mọi lời rao giảng của Chúa Giêsu. Nước Trời phải là lý tưởng của mọi Kitô hữu và ta cần cộng tác với Chúa để xây dựng Nước Trời ngay từ hôm nay.

IV. THIÊN CHÚA LÀ CHỦ LỊCH SỬ (10,5-43)

  1. Thiên Chúa là Chủ lịch sử

Trong tầm nhìn của Isaia, Assyria là ngọn roi Thiên Chúa dùng để xử phạt dân Ngài (10,5). Tuy nhiên chính Assyria cũng sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt vì nó đã không phụng sự Đức Chúa mà chỉ biết tiêu diệt: “Ta sẽ trừng phạt hậu quả lòng tự đại của vua Assyria và con mắt kiêu căng ngạo nghễ của nó” (câu 6-16). Như thế, nếu nhìn lịch sử trên bề mặt, người ta thấy những biến cố này dẫn đến những biến cố khác, nhưng từ tầm nhìn của đức tin, người tín hữu khám phá sự hiện diện của chính Thiên Chúa là Đấng dẫn dắt lịch sử đi đến cùng đích tối hậu của nó.

  1. Sống niềm tin vào Thiên Chúa

An trong mọi biến cố lịch sử và đời người, chính Chúa là đấng hướng dẫn lịch sử đi tới cùng đích tốt đẹp nhất. Cách nhìn này của đức tin thúc đẩy ta luôn sống tâm tình tin tưởng và phó thác, cả trong những hoàn cảnh nghiệt ngã và khó khăn nhất.

 

SÁCH ISAIA

(chương 13 – 23)

I. TỔNG QUÁT: HẠCH TỘI CÁC DÂN (13,1 – 23,8)

Trong truyền thống, các tiên tri nhiều lần loan báo thảm hoạ đổ xuống các dân tộc. Tuy nhiên lời loan báo này lại mang giá trị tích cực cho những tâm hồn biết lắng nghe. Những lời loan báo này xem ra không có liên hệ gì với chúng ta ngày nay nhưng cũng có thể rút ra một số bài học cho đời sống đức tin.

13,1-22        : Babylon bị tàn phá

14,1-32        : Cái chết của vua Babylon. Hạch tội Assyria. Hạch tội người Philitinh.

15,1-9  : Hạch tội Moab

16,1-14        : Dân Moab thỉnh cầu và than vãn

17,1-14        : Hạch tội Damas và Israel

18,1-7  : Hạch tội dân Cút

19,1-25        : Hạch tội Ai Cập và tương lai của Ai Cập

20,1-6  : Ngôn sứ ở trần

21,1-16        : Babylon sụp đổ. Hạch tội người Ả Rập.

22,1-25        : Sự sụp đổ của Giêrusalem. Tranh cãi tại tòa.

II. SỰ SỤP ĐỔ CỦA BABYLON (14,1-22)

  1. Ý nghĩa

Bài ca của Isaia về sự sụp đổ của Babylon là bài ca nổi tiếng vì đã so sánh vua Babylon với “Lucifer, con của bình minh” (14,12). Hình ảnh này được rút từ huyền thoại Canaan về các thần Helel và Shahar (Sao Mai và Sao hôm) bị sa xuống từ trời sau cuộc nổi loạn. Trong Kitô giáo, ta nhớ đến sự sa ngã của Lucifer và các thiên thần hầu cận Lucifer (x. Lc 10,18).

Nội dung chính của bài ca này là những kẻ kiêu căng muốn trèo lên thật cao rồi sẽ bị hạ xuống thật thấp. Adam và Eva cũng được liên tưởng đến ở đây, “Ta sẽ vượt ngàn mây, sẽ nên như Đấng Tối cao” (x. 14,14). Hai ông bà đòi nên như Thiên Chúa nhưng cuối cùng bị đuổi khỏi vườn Eden.

  1. Trong tương quan với Tân Ước

Am vang bài ca này thể hiện rõ nét trong sách Khải Huyền (chương 17-18). Tác giả dùng những hình ảnh biểu tượng để diễn tả sự trừng phạt dành cho đế quốc Roma vì đã bắt bớ và bách hại các chứng nhân của Chúa Giêsu. Cho đời sống thiêng liêng, bài ca này cũng nhắc nhớ ta về lời Chúa Giêsu, “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 18,14).

Nếu bài ca của Isaia lên án lối đi của kẻ kiêu căng thì thư Philip 2,5-11 lại trình bày con đường ngược lại: Chúa Giêsu hủy mình ra không, vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh.

III.    TIÊN TRI Ở TRẦN (20,1-6)

  1. Sư kiện

Trong ba năm, Isaia ở trần và đi chân không (20,3) để nên điềm báo sự sụp đổ của Ai Cập: dân phải đi tù và bị đi đày. Đây là lời cảnh báo cho dân Giuđa và miền duyên hải vì quá cậy dựa vào sự trợ giúp của Ai Cập: “Đâu rồi niềm hi vọng của chúng ta, nơi chúng ta đến ẩn náu để được giúp đỡ hầu thoát khỏi tay vua Assyria?” (20,6).

  1. Rao giảng Lời Chúa bằng hành động

Các tiên tri không chỉ rao giảng bằng lời nói nhưng còn bằng những hành động biểu tượng, vd. Hôsê với cuộc hôn nhân kỳ lạ, Ezekiel cũng có nhiều hành động lạ lùng (x. chương 4). Hành động cụ thể có khả năng lôi kéo sự chú ý của người ta và mời gọi họ suy nghĩ.

Kitô hữu cũng phải rao giảng Lời Chúa không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả đời sống. Theo nghĩa thiêng liêng, hình ảnh ở trần và đi chân không có thể giúp ta ý thức đến (1) sự từ bỏ, khó nghèo và khiêm tốn, và (2) sự nương tựa vào một mình Chúa. Đây cũng là những chỉ thị của Chúa Giêsu cho các môn đệ trên đường truyền giáo: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy” (x. Mt 10,5-10).

 

SÁCH ISAIA

(chương 24 – 39)

I. TỔNG QUÁT

24,1 – 27,13 : Khải huyền của Isaia: mặt đất tan

hoang – ngày chung thẩm – tiệc cánh chung – thánh thi tạ ơn – Israel được phục hồi.

28,1 – 33,24 : Những tính toán chính trị và Ơn Cứu độ: Samaria thất thủ – Số sót – Các ngôn sứ giả – Dụ ngôn về Ơn Cứu độ – Lời sấm về Giêrusalem – Lời tiên tri về Ơn Cứu độ – Lời sấm về Assyria – Sion được giải thoát – Vị vua công chính và ơn giải thoát.

34,1 – 35,10 : Những lời sấm sau lưu đày: lời sấm chống Edom – Giêrusalem toàn thắng.

36,1 – 39,8   : Những câu chuyện từ thời vua Hezekiah: cuộc xâm lăng của Sennacherib – Cầu cứu ngôn sứ Isaia – Thánh thi tạ ơn – Phái đoàn Babylon.

II. CUỘC CHUNG THẨM (24,21-23)

  1. Ngày của Chúa

“Ngày của Chúa” là chủ đề quen thuộc trong Thánh Kinh. Tuy nhiên ở đây có một điểm đặc biệt: Đức Chúa sẽ trừng trị cả đạo binh thiên quốc (các vì sao được coi như các thiên thần, các thần ngoại giáo (Đnl 4,19; Gier 8,2). Chi tiết này làm nổi bật chiều kích vũ trụ của ngày chung thẩm.

Câu 21 cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa “đạo binh thiên quốc” và “vua chúa trần gian”: “Trên trời, Đức Chúa sẽ trừng trị đạo binh thiên quốc; dưới đất, Người trừng trị vua chúa trần gian.” Các vua chúa trần gian có vị bảo trợ cho họ trên trời, nhờ đó họ có sức mạnh, đây là ý tưởng quen thuộc thời xưa. Đỉnh cao trong “Ngày của Chúa” là Đức Chúa sẽ hiển trị trên núi Sion và vinh quang của Ngài tỏ rạng trước muôn dân (24,23).

  1. Người Kitô hữu và ngày chung thẩm

Khi Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Ngài sẽ đưa ra phán quyết chung thẩm dành cho người công chính cũng như kẻ bất lương, “Tôi đặt nơi Thiên Chúa niềm hi vọng này, như chính họ cũng hi vọng, là người lành và kẻ dữ sẽ sống lại” (Cv 24,15), rồi được hạnh phúc vĩnh hằng hay bị kết án muôn đời.

Ngày chung thẩm xảy ra lúc nào, chỉ một mình Thiên Chúa biết. Sau cuộc chung thẩm, vũ trụ được giải thoát khỏi cảnh hư nát và được chia sẻ vinh quang với Chúa Kitô, bắt đầu Trời Mới Đất Mới (2Pet 3,13). Vương quốc Thiên Chúa sẽ được hoàn thành và Thiên Chúa nắm toàn quyền trên muôn loài (1Cor 15,28). Niềm tin đó phải hướng dẫn đời sống của ta ngay từ bây giờ, “Trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách, và sống bình an” (2Pet 3,14).

III.    TIỆC CÁNH CHUNG (25,6-8)

  1. Ý nghĩa

Bữa tiệc là chủ đề quen thuộc trong Thánh Kinh cũng như trong nhiều truyền thuyết của các dân tộc. Ở đây, bữa tiệc là tiệc mừng sau khi chiến thắng. Tuy nhiên Isaia trình bày một số nét đặc biệt: đây là tiệc mừng cho mọi dân tộc, “Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc” – Thiên Chúa sẽ tiêu diệt sự chết đến muôn đời, “Người sẽ xé bỏ chiếc khăn tang che phủ mọi dân” – Thiên Chúa sẽ cất bỏ mọi nỗi đe doạ trên nhân loại, “Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người.”

Gắn với lời loan báo về tiệc cánh chung là thánh thi tạ ơn (26,1-19). Thiên Chúa sẽ trả thù cho người nghèo nhưng sống công chính. Hơn nữa, “các vong nhân sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên; những kẻ nằm trong bụi đất, hãy trỗi dậy, hãy reo mừng” (26,19). Một vài học giả cho rằng câu này là lời khẳng định sớm nhất trong Thánh Kinh về niềm tin vào sự sống lại. Tuy nhiên nhiều nhà chú giải lại cho rằng câu này có ý nói đến sự phục sinh một dân tộc chứ không phải sự phục sinh của những người đã chết. Dù sao, ý tưởng này cũng dọn đường cho niềm tin vào sự phục sinh kẻ chết.

  1. Trong Tân Ước

Trong Kitô giáo, “miền đất không còn nước mắt” được hiểu là thiên đàng, Nước Trời: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4). Trong sách Khải Huyền 19,6-10, Khải hoàn ca trên thiên quốc được diễn tả bằng hình ảnh tiệc cưới: “Nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng … Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên.” Hình ảnh tiệc cưới cũng là hình ảnh quen thuộc trong giáo huấn của Chúa Giêsu về Nước Trời, “Nước Trời giống như chuyện một vị vua mở tiệc cưới cho con mình…” (x. Mt 22,2-14; Lc 14,16-24).

Ghi chú: Sách Isaia được chia ra làm ba phần: Isaia đệ nhất (chương 1-39), Isaia đệ nhị (chương 40-55) và Isaia đệ tam (chương 56-66). Isaia đệ nhị và đệ tam được viết vào cuối thế kỷ VI trước Chúa Giáng sinh, nghĩa là sau thời ngôn sứ Isaia đến hai trăm năm. Vì thế, chúng ta ngưng đọc sách Isaia ở đây để sang các ngôn sứ khác, rồi sau này sẽ tiếp tục đọc Isaia đệ nhị và đệ tam.