Lá thư ngỏ gửi người đàn bà góa ở Nain

print

Lá thư ngỏ gửi người đàn bà góa ở Nain

 

Chị Lệ Sa mến thương!

Tôi không biết tên Chị. Tôi mạo muội gọi Chị là Lệ Sa, vì hôm ấy, khi đến Nain, tôi thấy Chị đang khóc như mưa, khóc là chuyện buồn, chẳng nên nhắc đến làm chi. Nhưng kỷ niệm buồn của Chị hôm ấy đã trở thành tuyệt vời. Tôi muốn nhớ mãi. Nhớ suốt đời. Chị thông cảm nhá.

Đoàn hành hương của chúng tôi đến Nain vào lúc mặt trời đứng bóng. Nóng như nung. Mồ hôi nhễ nhãi. Thầy trò chúng tôi ngồi nghỉ xả hơi dưới bóng cây ôliu cổ thụ. Đàn ông đàn bà tranh nhau nói. Đàn ông thì đua nhau khoe với Thầy về lịch sử và địa lý thành Nain. Đàn bà thì thi nhau giới thiệu với Thầy về hoa quả và bánh kẹo của làng quê hẻo lánh. Thầy chỉ đáp lễ bằng nụ cười đồng cảm. Cười thay cho lời nói, vì chẳng biết nói với ai bây giờ.

Tôi là mẫu người không thích bọn lắm mồm, không ưa thói hay bép xép, bèn đứng thơ thẩn một mình, suy nghĩ mông lung. Tôi thương hại cho quê hương Nain của Chị, vì: nhìn về hướng Bắc, chỉ thấy núi Tabo đứng sừng sững, che khuất hết miền Galilê thân thương; nhìn về hướng Nam, thì chỉ thấy xứ Samari, miền đất của đồng bào lạc loài, của người đồng đạo ly khai.

Tôi đang bùi ngùi nghĩ về địa thế bất lợi của Nain, thì bỗng … có tiếng kèn não nề của đám ma. Người đưa đám thì thưa thớt. Người để tang thì chỉ có một. Tôi đánh giá ngay: đây là đám tang của một người chưa trưởng thành. Một nỗi buồn nho nhỏ thoáng hiện trong con tim của tôi. Chết là chuyện buồn, nhưng là chuyện bình thường của thế sự. Buồn mãi rồi sinh ra chai lì. Nhưng Thầy chúng tôi thì không vô tư như tôi. Người thảng thốt đứng bật dậy, vội vã đi về phía đám tang. Chúng tôi miễn cưỡng lẽo đẽo chạy theo. Người giơ tay bảo đô tùy đứng lại. Họ đứng sững, ngơ ngác nhìn Người. Người đi vội ra phía sau, đặt tay lên vai Chị, một người đàn bà xõa tóc, áo rách te tua, đang khóc nức nở, khóc như người mất trí. Người dịu dàng an ủi Chị: “Chị ơi, thôi đừng khóc nữa!” Chị nhìn Người. Người nhìn Chị. Ánh mắt của Người xoa dịu nỗi đau. Chị thôi khóc, lấy vạt áo rách lau nước mắt, ngong ngóng chờ một hồng ân kỳ diệu. Người quay sang phía người chết. Người chết chỉ là đống vải liệm, bó chặt như một cái kén khổng lồ. Người đặt tay lên đống vải gọi lớn tiếng: “Em ơi! Ngồi dậy đi!” Cái kén khổng lồ giãy giụa. Đạo tì đặt vội giàn khiêng xuống, bu lại giật đứt dây buộc xác. Xác chết ngồi dậy. Mọi người kêu òa lên: “Nó sống lại rồi. Trời ơi là trời!” Thằng con trai của Chị ngơ ngác nhìn xung quanh, rồi nhảy chồm lên, ôm lấy Chị, vừa kêu vừa khóc: “Mẹ ơi! Cái gì vậy?” Mẹ con ôm nhau, cười trong nước mắt. Bà con xúm lại, vừa cười vừa vỗ bịch bịch vào vai vào lưng hai mẹ con. Mừng quá! Mừng như điên.

Thầy chúng tôi giơ hai tay yêu cầu đám đông dãn ra. Người đến đặt hai tay lên vai Chị và thằng con trai. Ba cặp mắt nhìn nhau. Đắm đuối! Hai mẹ con quỳ thụp xuống, ôm chân Thầy mà khóc. Khóc như mưa. Khóc vì mừng. Khóc vì biết ơn. Thương mến vô cùng vô tận!

Chị mời Thầy về nhà. Đám tang buồn trở thành đám tiệc vui. Cả thành kéo nhau đến nhà Chị. Ngồi đầy trong nhà. Đứng đầy ngoài sân. Xóm giềng tự nguyện đem gà vịt đến. Đàn bà đàn ông đua nhau làm bếp. Tiếng cười nói, tiếng dao thớt cứ vang lên như hội chợ. Trẻ con thì tíu tít kéo áo người lớn, vừa hỏi vừa liếc mắt nhìn trộm Thầy: “Ngôn sứ Giêsu đấy hả? Ngôn sứ là gì? Sao mà giỏi thế!”

Đang là một người đàn bà bạc phước bỗng dưng Chị trở thành một nhân vật quan trọng. Người người quý mến. Người người khen ngợi. Ai cũng muốn hỏi Chị một câu. Người nào cũng muốn kéo áo Chị để chia sẻ niềm vui. Có vài người nhìn Chị đắm đuối, mơ ước xa xôi…

Chị tất bật tiếp khách một buổi chiều và một đêm trắng. Không còn giờ để ăn. Không có giờ để nghỉ. Nhưng vui quá mà quên mệt. Còn Thầy chúng tôi thì mệt gấp đôi Chị. Ông già bà cả, thanh niên và trẻ con đua nhau nhìn ngắm, thi nhau hỏi han, tranh nhau kéo áo. Thương Thầy quá, chúng tôi khuyên bà con cho Thầy nghỉ xả hơi một chút. Nói mà chả ai nghe. Y như nói với người điếc. Vừa thương Thầy vừa tội nghiệp bà con quá ái mộ. Đành chịu thua.

Sáng hôm sau, Thầy trò chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về thủ đô Giêrusalem. Bà con tò mò đi theo khá đông. Nhưng khi thấy Thầy chúng tôi tiến vào xứ Samari, thì mọi người dừng lại, lắc đầu và đánh mất gần hết thiện cảm đối với Người. Chị cũng đứng sững lại, nuối tiếc nhìn theo. Tôi biết Chị vẫn thương Thầy, nhưng không khỏi có chút giận lẫy.

Chị Lệ Sa ơi! Từ hôm ấy tôi không còn gặp nữa. Nhưng từ một phương trời xa tắp tít, tôi muốn gửi về Chị một chút tâm tình.

Tôi là đệ tử của Thầy Giêsu. Chị cũng đã trở thành môn đệ thân tín của Người. Từ nay chúng ta coi nhau như chị em nhá. Tôi theo Thầy trước Chị, nhưng thấy Chị thương Thầy hơn tôi nhiều, nên tôi xin được làm em của Chị.

Với tư cách là một người em, em nói chuyện tâm tình với Chị. Với tư cách là một đệ tử thâm niên của Thầy, em góp ý với Chị.

  1. CHUYỆN TÂM TÌNH

Trong quá khứ, Chị là người đàn bà bạc phước, chẳng ai thèm dòm ngó. Vừa lấy chồng, thì chồng đã vĩnh viễn ra đi. Đẻ được một đứa con trai, chưa kịp vào đời, thì đời đã ngoảnh mặt làm ngơ. Nỗi buồn chồng chất làm Chị héo hắt. Duyên sắc cuốn gói ra đi. Thằng quỷ xấu xí, lù lù bước tới. Đời của Chị kể như đã tàn.

Thế rồi bỗng dưng Chị gặp Thầy. Thầy cho con Chị sống lại. Thầy cho hạnh phúc của Chị bị chôn vùi qua bao nhiêu năm tháng, nay bùng trỗi dậy, lại rực rỡ, lại rung rinh. Ánh mắt của Thầy như liều thuốc thần diệu giúp Chị mãi mãi chìm ngập trong niềm hạnh phúc bất diệt. Dư luận trên toàn quốc đang hướng về Chị. Đàn bà ngưỡng mộ Chị. Đàn ông say mê Chị.

Niềm vui không biên giới biến Chị thành bông hoa: rực rỡ ban ngày, rung rinh ban đêm, không thèm đếm thời gian. Thời gian ngưng đọng. Thời gian chết.

Là đàn ông, em hiểu biết tâm lý đàn ông. Vì thế em xin Chị hãy cảnh giác. Đừng quá hãnh diện mà sinh ra kiêu ngạo. Đừng quá vui sướng mà vẫy tay chào đón mọi người. Hoa đẹp thì để cho đời ngắm ngó, nhưng đừng để cho người rờ mó. Chị nhớ giùm em nhá.

Vì quá thương Chị mà em nói thế, chứ thật ra thì em vẫn tin rằng ở trên đời này Chị chỉ còn biết một mình Thầy mà thôi. Ánh mắt của Thầy đã gửi vào tâm tư của chị những gì là cao quý nhất, đẹp đẽ nhất. Trong tim của chị chỉ có Thầy mà thôi.

  1. LỜI NHẮN NHỦ

Chị ơi! Thầy của chúng ta rất dị ứng với tinh thần bài ngoại của truyền thống dân tộc. Từ hơn năm trăm năm qua, dân tộc ta đánh mất chừng một phần ba dân số. Người Samari cũng là con cái của Ápraham, thế mà ta coi họ như người ngoại. Khinh dễ nhau, ghét bỏ nhau đến nỗi từ Bắc vô Nam, từ Nam ra Bắc chúng ta không thèm đi qua xứ Samari. Tôi nghĩ rằng chính chị cũng ghê tởm người Samari, như mọi người Do Thái chúng ta. Nhưng tôi xin nói thẳng với chị rằng: kỳ thị người Samari là xúc phạm đến Thầy đấy; là làm đau lòng Thầy lắm đấy. Nếu chị muốn làm vui lòng Thầy, chị hãy đặt chân lên mảnh đất Samari, hãy mỉm cười chào đón đồng bào Samari như người ruột thịt. Chỉ cần thấy Thầy chúng ta ngồi ăn với người Samari một lần thôi là chị sẽ quên hết lòng hận thù, ghen ghét của năm trăm năm lịch sử sai lầm. Em mời chị, em năn nỉ chị đi truyền giáo với Thầy một chuyến, chị sẽ thấy Thầy rõ hơn, sẽ yêu Thầy đúng hơn và nhiều hơn. chị đồng ý nhá. Em biết rồi, thế nào chị cũng nghe lời năn nỉ của em, vì cứ nói đến Thầy là mắt chị lại sáng ra, mặt chị lại tươi lên và chân tay chị lại nhúc nhích, lại muốn làm một cái gì đó cho Thầy được vui.

Chị Lệ Sa rất thân mến của em. Sau đây là những lời tâm huyết của em gửi về chị:

  1. Em xin chị đừng tái giá. Em xin chị dành hết thời gian còn lại của cuộc đời, để loan báo Tin Mừng. Chị hiểu loan báo Tin Mừng là gì không? Loan báo Tin Mừng chỉ là kể chuyện về Thầy Giêsu để mọi người được biết Thầy, được yêu Thầy như chị vậy. Đọc đến lời này, em xin chị nhìn vào không gian, mỉm cười với em một cái. Hai chị em mình cứ thương nhau như thế và cùng nhau loan báo Tin Mừng nhá.
  2. Em xin chị coi xứ Samari cũng thân thương y như xứ Galilê vậy. Dĩ nhiên chị sẽ bị đồng bào phản đối. Nhưng nhan sắc của chị, uy tín của chị dư sức để trả lời cho những người bảo thủ ấy. Em khẳng định với chị rằng xứ Samari sẽ yêu Thầy, tin Thầy theo Thầy và sẽ tạo được một trung tâm loan báo Tin Mừng trên tuyệt vời. Mong rằng chính chị sẽ là người khởi đầu sự nghiệp ấy. Chị đồng ý với em không? Nếu chị nói “không” với em, thì Thầy buồn đấy.

Thân mến chào chị và cùng chị yêu Thầy.

Lm. Piô NGÔ PHÚC HẬU

 cgvdt.vn