Lễ lá đời tôi – Tình yêu tha thứ đến tận cùng

print

LỄ LÁ ĐỜI TÔI

 Lm Xuân Hy Vọng

Như trong lời thư của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi giáo đoàn Phi-lip-phê, mà chúng ta vừa xướng lên trước bài Thương Khó theo Thánh Sử Mát-thêu: “Chúa Ki-tô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá…” (x. Pl 2, 8-9), nhắc nhở mỗi chúng ta tháp nhập một cách sâu sắc vào Cuộc Khổ Nạn-Phục Sinh của Đức Ki-tô Giê-su. Hôm nay, Chúa Nhật lễ Lá hay Chúa Nhật Lễ Thương Khó, Giáo Hội mời gọi chúng ta tham dự vào Cuộc Tử Nạn của Chúa như những nhân vật đáng được chú ý: bà thánh Vê-rô-ni-ca gan dạ lấy khăn của mình mà lau mặt cho Đức Giê-su trong khi đám đông xô đẩy nhau, chen chút, nhưng dường như vô tâm trước sự thương khó tột cùng của Con Một Thiên Chúa; cũng như ông Si-mon thành Si-rê-nê, một người ngoại (không phải người Do Thái), chỉ là khách vãn lai qua đường nhưng biết đồng cảm, chung tay vác đỡ thập giá Đức Giê-su đang trên đường tiến lên núi Cal-va-ri-ô, và còn rất nhiều nhân vật khác nữa.

Thông thường, cứ mỗi năm khi cử hành lễ Lá, chúng ta hồi tưởng giây phút cầm lá vạn tuế hoặc chiếc lá dừa được tết thành hình dáng đẹp đẽ lắc lư, đung đưa, vẫy chào như tung hô lúc tiến vào nhà thờ, và đến khi nghe bài Tin Mừng thì than ôi, than vắn than dài…; tuy nhiên, chúng ta dường như ít để tâm đến những câu hỏi đặt ra: điều chính yếu, cốt lõi của Thánh Lễ tưởng niệm Chúa Giê-su được nghênh đón vào thành Giê-ru-sa-lem là gì, và Thánh Lễ hôm nay ảnh hưởng, chi phối đến đời sống đạo, đời sống đức tin của chúng ta ra sao?

Như thế, để được cảm nghiệm và tường tận hơn, chúng ta cùng chú tâm vào Phụng Vụ hôm nay. Các bài đọc vừa nghe hướng ta đến sự vâng phục hoàn hảo, sự vâng phục tuyệt đỉnh, sự vâng phục ‘biến mình ra không’ (x. Pl 2, 6-11), một sự vâng phục mang lại ơn cứu độ cho chúng ta là những kẻ đáng phải chết vì sự bất tuân, bất tín, bất trung trong đời sống đức tin, trong mối tương quan với Chúa, với anh chị em, với bản thân và với môi sinh. Sự vâng phục dù phải lãnh án tử, chết nhục nhã, tất tưởi trên thập giá vì nhân loại được tiên tri I-sai-ah loan báo trong bài ca Tôi Trung thứ ba (bài đọc I): “Tôi đã đưa lưng cho người giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Ðức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (Is 50, 6-7). Là Con Thiên Chúa làm người, Đức Giê-su Ki-tô đã mặc lấy tận cùng nỗi khổ cực của kiếp phàm nhân, Ngài đến trần gian này không phải để giải thích vì sao con người chịu khổ đau, khốn cực, mà chính Ngài đã mang lấy, gánh lấy, mặc lấy nỗi khổ nhục cùng tận của nhân loại.

Hơn nữa, Lời Chúa soi sáng giúp chúng ta nhận ra sự khiêm nhường vô biên, sâu thẳm của Đức Giê-su: “Vốn dĩ là Thiên Chúa,…nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (X. Pl 2, 6-8). Một ‘A-đam mới’ khiêm nhu, hạ mình mang lại sự sống vĩnh cửu, thay thế cho ‘A-đam cũ’ cao ngạo, ngỗ nghịch, tội lỗi. Thánh Pi-ô Năm Dấu từng nói: “Ma quỷ khiếp sợ và run rẩy trước những linh hồn khiêm tốn”. Quả thật, con đường khiêm nhượng, quên mình, biến mình ra không, con đường hạ mình của Chúa Giê-su cũng chính là lời mời gọi chúng ta mỗi khi được lắng nghe bài Thương Khó. Một lần nữa, chúng ta cùng dành ít phút ngắn ngủi đọc lại, và đặt mình vào những nhân vật trong bài đọc Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô. Kế tiếp, chúng ta suy gẫm theo một số câu gợi ý dưới đây:

  • Mỗi năm, tâm tình cử hành hay tham dự Lễ Lá của tôi ra sao? Có gì thay đổi hay chăng? hay chỉ vỏn vẹn là một thói quen?
  • Tôi có để cuộc Thương Khó Chúa Ki-tô hiện diện trong lối suy nghĩ, cung cách sống, mối tương quan của tôi hay không? Hay nói cách khác, tôi có sống Mầu nhiệm Thương Khó-Phục Sinh của Đức Ki-tô trong đời sống thường nhật bằng việc chết đi những thói hư, tật xấu, và sống tốt, sống dồi dào cho Chúa và anh chị em?
  • Đặt bản thân vào bối cảnh bài Thương Khó, nếu tôi hiện diện lúc ấy thì tôi thuộc thành phần nào? Tôi có dám tuyên xưng Chúa Giê-su là Thiên Chúa của tôi chăng?
  • Trong đời sống hiện nay, nhiều người không muốn chịu đau khổ, xa lánh khổ đau, và lắm lúc nguyền rủa mỗi khi đau đớn; còn tôi khi bị khổ đau, tôi có chạy đến với Chúa Giê-su đang chịu treo trên Thánh giá, chết nhục nhã để cứu chuộc tôi?

Ước gì Lễ Lá năm nay là thánh lễ đặc biệt của cuộc đời mỗi chúng ta. Xin Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa cải hoá, nuôi dưỡng chúng ta biết luôn trung tín, trung thành bước trên con đường mà chính Chúa Giê-su Ki-tô đã đi:

                   Đường Thập Giá chông gai ngàn lối

                   Đường hy sinh thoát khỏi tăm tối

                   Đường cứu độ, thứ tha tội lỗi

                   Đường tín thác, cậy mến trong tôi.

 

                   Đường bỏ mình, ăn năn thống hối,

                   Đường khiêm hạ, bao dung tiếp nối,

                   Đường vinh quang Chúa tôi mở lối

                   Đường vâng phục, chịu chết vì tôi. Amen!

                                       ***                                                                    

TÌNH YÊU THA THỨ ĐẾN TẬN CÙNG

     Lm. Xuân Hy Vọng

Trải qua năm tuần lễ, chúng ta cùng theo chân Chúa Giê-su vào hoang địa ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, hy sinh, sống tinh thần bác ái Mùa Chay Thánh. Giờ đây, chúng ta được mời gọi ‘đừng sợ hãi, trỗi dậy, xuống núi Ta-bor, cùng Chúa tiến vào thành Thánh Giê-ru-sa-lem’ (x. Mt 17, 7-9) không phải để được hoan hô tán tụng, mà để được tham dự vào chương trình cứu độ nhân loại của Chúa Ki-tô bằng sự vâng phục trọn vẹn theo thánh ý Chúa Cha, chịu cuộc Thương khó, chịu Khổ nạn và Phục sinh vinh thắng. Đây chính là ý nghĩa đích thật của lễ Lá mà mỗi năm chúng ta được tham dự, hầu tưởng niệm biến cố vào đền Thánh Giê-ru-sa-lem cách long trọng của Chúa Giê-su, đồng thời tôn vinh Ngài là Vua, và nhắc nhở mỗi Ki-tô hữu – những người môn đệ đang bước theo chân Thầy Giê-su – giá trị thiêng liêng cao quý của đau khổ, ngang qua mầu nhiệm Tử nạn – Phục sinh của Ngài.

Quả thật, câu nói bất hủ của cố Tổng Giám Mục Ful-tôn Shin (Fulton Sheen) cho chúng ta nghiệm ra giá trị nhiệm mầu của cuộc Khổ nạn-Chịu chết-Phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô: ‘Tình yêu thương của Ngài là dải ánh sáng xé toang bóng đêm hận thù, chiếu soi cả những ai ghét ghen. Tình yêu thương của Ngài tựa như loài gỗ quý nhuốm cả hương thơm vào lưỡi búa đã đốn ngã nó’. Chỉ có tình yêu tự hiến mới chiến thắng mọi hận thù, ghét ghen! Chỉ có tình yêu tận hiến mới vượt thắng muôn khổ đau! Và chỉ có tình yêu tha thứ đến tận cùng mới toàn thắng sự dữ!

Truyện kể rằng: Vào thời Thế chiến thứ hai, một vị linh mục người Hà Lan bị Đức quốc xã bắt giữ và đem về trại tập trung ở Đa-khao (Dachau). Tại đây ngài bị nhốt trong chiếc cũi; ngày ngày bọn lính gác mua vui bằng cách bắt ngài phải sủa lên như con chó mỗi lần khi họ đi qua. Trải qua bao nhục hình tủi hổ, cuối cùng ngài đã chết vì bị tra tấn tàn bạo. Sau đó, bọn lính không ngờ phát hiện ra ngài vẫn thường xuyên viết nhật ký giữa những cơn thử thách, giữa lúc đối diện với cái chết trong từng gang tấc. Đọc quyển nhật ký mới biết rằng ngài từng bày tỏ, tâm sự cùng Chúa qua một lời kinh nguyện: ‘Lạy Chúa, sẽ không có nỗi đau đớn nào làm con gục ngã, bởi vì con luôn nhìn thấy đôi mắt đầy đau khổ của Chúa. Con đường thập giá Chúa đi qua, giúp con chịu đựng mọi nỗi đắng cay một cách khôn ngoan và ý nghĩa nhất’.

Qua đây, chúng ta tường tận hơn rằng: linh mục người Hà Lan này sở dĩ có thể chịu đựng được tất cả các cực hình đau đớn là vì ngài thấu tỏ Chúa Giê-su đã từng đau đớn như thế trước ngài, cho ngài và cho cả nhân loại. Vậy trong cuộc thương khó, Chúa Giê-su đã phải chịu những khổ đau nào? Dựa vào bài Thương khó của Thánh sử Mát-thêu, chúng ta dễ dàng nhận ra đau khổ trước hết từ các môn đệ thân tín: Phê-rô chối Thầy ba lần trước đầy tớ gái (x. Mt 26, 70-72. 74); Giu-đa Is-ca-ri-ốt bán Thầy với cái giá rẻ mạt “ba mươi đồng bạc” (x. Mt 26, 15); những môn đệ khác ngoại trừ Gio-an,  thì ‘cao chạy xa bay’, chẳng thấy đâu trong lúc ngặt nghèo, cần nhất người bạn đồng hành (x. Mt 26, 56). Hơn thế, khi còn bôn ba cùng với Thầy Giê-su đi rao giảng đây đó, luôn luôn có nhau; giờ đây trước giây phút cam go đối diện với cái chết, các môn đệ, kể cả ba môn đệ thân tín nhất (Phê-rô, hai anh em con ông Zê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an) cũng ngủ vùi, để Thầy một mình cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-ni “buồn sầu đến nỗi chết được” (x. Mt 26, 38). Thứ đến, đám đông dường như bị kích động lên án Đức Giê-su vốn là người đã giảng dạy, chữa lành, yêu thương họ hết mực, nhưng họ đứng ra làm chứng gian (x. Mt 26, 60; Mt 27, 20. 22)…Ngài chịu đòn roi, sỉ vả, thoá mạ, khích bác, vác thập giá, bị đánh đòn, bị đổi mão gai nhọn, bị đóng đinh treo trên thập tự, chết nhục nhã như một tên tử tội. Ngài chịu đau đớn về thể xác, cũng như xao xuyến về tinh thần (x. Mt 26, 37); nhưng “Chúa Ki-tô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá…” (x. Pl 2, 8). Hơn thế, trên thập giá, Ngài còn nài xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ đóng đinh Ngài với một lý lẻ không thể không bắt nguồn từ tình yêu tự hiến và tận hiến, tha thứ đến cùng tận, tha cho kẻ thù, kẻ hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (x. Lc 23, 34).

Vì thế, mỗi khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta được thông phần vào cuộc Thương khó – Tử nạn – Phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng ta ‘tưởng niệm’ (không chỉ ‘tái hiện’ những gì đã xảy ra trong quá khứ, mà đúng hơn là cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua này ‘ngay giây phút hiện tại và ngay tại nơi đây’ [‘hic et nunc’; ‘here and now’]). Do vậy, nhà toán học-triết học Pas-cal (Pascal) không sai khi viết: ‘Đức Giê-su Ki-tô còn hấp hối cho đến ngày tận thế’. Nói cách khác, vì “yêu thương cho đến tận cùng” (x. Ga 13, 1), Chúa Giê-su đã chịu tử nạn cho chúng ta và cho nhân loại. Cũng vì “yêu thương đến cùng” (nt), Ngài vâng phục, tự hiến cho Chúa Cha và đã chiến thắng tử thần, Phục sinh khải hoàn: “Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài, và ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên hết mọi danh hiệu” (x. Pl 2, 9).

Để khép lại bài chia sẻ này, xin mạn phép mượn đôi dòng thư của nhà văn người Át-hen-ti-na tên là A-đol-tô Es-ki-vê (Adolto Eskivei), gửi cho những người bạn ở thành phố Sao Paolo, sau khi bị bắt vào đầu Tuần Thánh năm 1997, vì các hoạt động đấu tranh bất bạo động bênh vực giới nông dân nghèo ở nước này. Lá thư ấy như sau: ‘Các bạn thân mến, tôi không muốn nói với các bạn về nỗi khổ đau, nhưng tôi nói về niềm hy vọng và về ơn thánh mà Chúa đã ban cho tôi, đó là được cùng chịu đau khổ và sống với những anh chị em nạn nhân của bất công, sống với những người mà sau hai hoặc ba năm bị giam giữ, họ cũng không hề biết tại sao họ phải chịu các hình phạt như vậy. Tuy nhiên, mỗi ngày đều xuất hiện một ánh sáng chiếu soi những đau khổ này, đó chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi giây phút, trong mọi cử chỉ, Thiên Chúa của tình yêu thương, Đấng tha thứ trên thập giá qua mọi thời đại: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.’

Xin cho chúng con hằng trung tín bước theo nẻo đường tình yêu tha thứ đến tận cùng. Amen!