Lên Đồi Với Chúa: Tâm Sự Chiếc Áo Rách

Tâm Sự Chiếc Áo Rách

Đaminh Lê Văn Luận, S.J.

dongten.net

Tôi tên là Áo, nhưng chỉ là chiếc Áo Rách. Số là tôi đã bị chủ nhân của mình, thượng tế Caipha, xé toạc ngay tại phiên tòa xét xử Thầy Giêsu vào mấy đêm trước   đây.

Trong mắt của một số người, tôi sung sướng từ khi mới ra đời. Mỗi lần chủ khoác tôi lên mình là tôi được ngồi ở chỗ nhất trong phòng hội họp của Thượng Hội Đồng  Do Thái. Nếu có vào Đền Thờ dâng hương thì tôi cũng được bao người cúi chào; họ hàng hàng lớp lớp trật tự rước tôi vào gian cực thánh của Đền Thờ. Mà họ là ai  cơ chứ? Toàn là giới lãnh đạo: kinh sư, thượng tế và kỳ mục. Tôi theo chủ đến đâu thì giới bình dân Do Thái cung kính cúi đầu đến đó. Thực ra, tôi cũng nghĩ mình sướng cho đến khi được gặp Thầy Giêsu vào phiên tòa hôm  trước.

Tôi phải nói thế nào về Thầy Giêsu? Lúc Thầy Giêsu còn nhỏ, các ông kinh sư hẳn đã mến Thầy ấy lắm khi họ gặp một cậu bé Do Thái vừa thông minh vừa say mê học hỏi Kinh Thánh. Có lần Thầy ở lại trong Đền Thờ tới 3 ngày để học Kinh Thánh với các kinh sư. Thầy lớn lên trong khôn ngoan và ân sủng của Thiên Chúa. Chắc từ 3 năm trước, Thầy trở thành cái gai trong mắt Thượng Hội Đồng khi Thầy công khai rao giảng như một Rabbi về Thiên Chúa. Mà nghĩ cũng lạ, vì sao hai bên cùng nói về Thiên Chúa nhưng lại không thể hòa hợp với nhau được. Chẳng lẽ Thiên Chúa của Thầy Giêsu khác Thiên Chúa   của các vị trong Thượng Hội Đồng? Số người đi nghe Thầy Giêsu càng ngày càng đông. Ở đâu có Thầy thì ở    đó có dân chúng, người thì nghe giảng, người thì xin chữa bệnh. Có cả những người mù, người câm, người điếc đến để cảm nhận sức cuốn hút của Thầy bằng những giác quan còn lại của họ. Các kinh sư và Thượng Tế vẫn làm công việc giảng dạy và tế tự nhưng dân chúng thấy giới lãnh đạo tôn giáo của mình có vẻ kém hơn Thầy   Giêsu.

Không ít lần Thầy Giêsu đàm đạo với những người trong giới lãnh đạo nhưng đa phần hai bên không đồng thuận với nhau. Thầy Giêsu hay lên án lối sống giả hình của các kinh sư, người Pharisêu và giới lãnh đạo. Giới lãnh đạo thì hay tìm cách gài bẫy để kết án Thầy. Tôi không nghĩ Thầy ghét bỏ và muốn loại trừ giới lãnh đạo. Nicôđêmô và Giuse là những người thuộc giới lãnh đạo, nhưng đã đến với Đức Giêsu và ít nhiều đã tin vào Người.

Câu chuyện diễn ra trong phiên tòa mấy đêm hôm trước đã cho thấy rõ thái độ tiêu cực của giới lãnh đạo Do Thái đối với Thầy Giêsu.  Bắt Thầy Giêsu trong đêm tối, giới lãnh đạo Do Thái đưa ra nhiều lý do để kết án Thầy. Thầy vi phạm luật Môsê khi không rửa tay trước bữa ăn, có lúc Thầy còn chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Thầy xem nhẹ Đền Thờ khi lên án việc buôn bán của lễ trong Đền Thờ, và mạc khải về thân xác Phục Sinh của Thầy chính là Đền Thờ mới. Thầy ảnh hưởng rất lớn trên dân chúng và gây nguy hại đến an ninh trật tự xã hội. Dường như cái trật tự vốn có của xã hội Do Thái bấy lâu nay đã bắt đầu xoay chuyển. Thực ra, dân Do Thái vẫn đang ở dưới ách đô hộ của người La Mã; nhưng chính sách trao quyền tự trị cho hội đồng Do Thái Giáo đã là một ân huệ lớn lao rồi. Nhìn lại lịch sử dân tộc, nhiều lần các đế quốc còn bắt người Do Thái đi đày, có lúc lại cấm luôn việc thực hành lễ nghi tôn giáo. Các bác trong Thượng Hội Đồng vừa không muốn luật tôn giáo bị khuấy động, vừa không muốn có sự xuất hiện của một anh hùng Do Thái nổi nang nào truyền đến tai đế quốc La Mã. Ngu si hưởng thái bình – thế vẫn hơn.

Tôi hơi khó chịu khi thấy xã hội rối lên như thế; tuy vậy, nghĩ lại cũng thấy mình cần một điều gì mới mẻ. Cuộc sống của tôi trước đây khá ổn định và sung sướng khi nương theo chức vụ của chủ là thượng tế Caipha, nhưng tôi lại thấy mình thiếu niềm vui bên trong tâm hồn. Chẳng lẽ mọi người cứ khép nép mãi khi nhìn thấy tôi, chẳng lẽ tôi không bao giờ với tới được tâm hồn đáng thương của đám đông dân chúng? Chẳng lẽ tôi phải tôn thờ một Thiên Chúa như pho tượng được xây nên bởi những con chữ khô cứng của Lề Luật? Trật tự có ý nghĩa gì khi tôi cảm thấy cô đơn lạnh lẽo, thiếu hơi ấm của tình yêu con người? Tôi muốn thay đổi!

Trong phiên tòa đêm hôm đó, cũng giống như mọi người trong Thượng Hội Đồng và toàn dân Do Thái, tôi muốn biết Thầy Giêsu có phải là Đấng Mêsia mà Kinh Thánh nói đến hay không? Tôi chưa thao thức một câu hỏi nào khác trong đời mình bằng câu hỏi hôm ấy của  chủ tôi. “Ông có phải là Đấng Kitô con Thiên Chúa không?”  Từng chữ thốt ra vang vọng trong phòng xử  án. “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người   ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.” Câu trả lời ấy của Thầy Giêsu đã xé toạc đi nhiều thứ.  Bấy lâu nay chủ tôi vẫn tôn thờ một Thiên Chúa của Lề Luật và nghi thức, Thiên Chúa quyền năng hùng mạnh, Thiên Chúa đem lại cho chủ một chỗ đứng an toàn và hãnh diện, Thiên Chúa trao quyền thống trị và hướng dẫn cho những người lãnh đạo Hội Đồng. Nếu Thầy Giêsu là Đấng Cứu Độ, chủ tôi sẽ phải thay đổi tất cả, những thay đổi không hề dễ chịu chút nào. Khán phòng lặng im như tờ trong phút chốc, rồi nhốn nháo tiếng la ó chửi rủa. Chủ tôi cảm nhận được sự thật lớn lao mà chính ông cũng không chịu nổi. Tâm hồn ông đau đớn như bị xé toạc ra. Ông đã tức giận điên cuồng và tự xé áo của mình. Tôi, chiếc áo bị xé, cũng bàng hoàng nhưng lại cảm thấy một niềm hy vọng lớn lao. Tôi vui sướng vì gặp được Đấng Mêsia tôi hằng mong đợi. Nước mắt tôi cứ lăn dài chảy mãi.

Dường như tôi thấy mắt Thầy Giêsu cũng ướt. Thiên Chúa không loại ai ra khỏi Vương Quốc của mình cả. Theo lẽ bình thường, giây phút mình thổ lộ căn tính của mình cho người mình thương sẽ là giây phút quan trọng và hết sức ý nghĩa. Nhưng mọi sự lúc này lại hoàn toàn trái ngược. Chúa Giêsu đã nói về mình, và toàn bộ thành viên Thượng Hội Đồng la ó, phản đối, chế nhạo. Họ dẫn Thầy đến tòa án Philatô để kết án tử cho Thầy…. Tôi thấy giọt nước mắt chảy dài trên mặt Thầy  Giêsu.

Tôi bây giờ đã là chiếc áo bị xé toạc, tôi không thất vọng vì điều này. Tôi đã được biết Thiên Chúa, cũng là Thầy Giêsu. Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt vời nếu tôi được  là chiếc áo đơn sơ khoác lên tấm thân của Thầy. Hoặc nếu tôi là người như các bạn, tôi sẽ hạnh phúc hơn gấp vạn lần. Tôi sẽ tôn thờ Thiên Chúa và đi theo Người. Tôi chỉ tiếc là chủ của mình và các bác trong Thượng Hội Đồng đã không tin và theo Thầy Giêsu. Nếu Thầy Giêsu  là Chúa, thì họ sẽ đi về đâu khi rời xa cõi thế của   mình?

print