Linh Mục – Mục Tử (Chú giải sách Edêkien của Thánh Augustinô)

print

LINH MỤC – MỤC TỬ

(Chú giải sách Edêkien của Thánh Augustinô)

Trích Bài đọc 2 Kinh Sách Tuần 24-25 TN

  1. CHÚNG TÔI VỪA LÀ KTH VỪA LÀ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU..
  2. CÁC MỤC TỬ CHI LO NUÔI MÌNH..
  3. GƯƠNG THÁNH PHAOLÔ..
  4. AI NẤY HÃY TÌM LỢI ÍCH CHO ĐKT GIÊSU CHỨ ĐỪNG TÌM LỢI ÍCH CHO MÌNH..
  5. HÃY NÊU GƯƠNG SÁNG CHO ĐOÀN CHIÊN..
  6. CON HÃY CHUẨN BỊ TÂM HỒN ĐỂ ĐÓN NHẬN THỬ THÁCH..
  7. HÃY DÙNG LỜI AN ỦI NHƯ DẦU ĐỂ BĂNG BÓ NHỮNG VẾT THƯƠNG   
  8. CÁC KTH ĐAU YẾU..
  9. HÃY LÊN TIẾNG LÚC THUẬN TIỆN CŨNG NHƯ LÚC KHÔNG THUẬN TIỆN
  10. HỘI THÁNH NHƯ CÂY NHO, CÀNG LỚN MẠNH CÀNG LAN RỘNG KHẮP NƠI.
  11. NHỮNG GÌ HỌ NÓI ANH EM HÃY LÀM, NHƯNG ĐỪNG LÀM THEO HÀNH ĐỘNG CỦA HỌ..
  12. TA SẼ CHĂN DẮT CHIÊN CỦA TA TRÊN ĐỒNG CỎ XANH TƯƠI
  13. MỌI MỤC TỬ TỐT ĐỀU Ở TRONG MỘT MỤC TỬ DUY NHẤT.

I. CHÚNG TÔI VỪA LÀ KTH VỪA LÀ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Anh em thân mến, đây không phải là lần đầu tiên anh em được nghe dạy rằng tất cả niềm hy vọng của chúng ta là ở nơi Chúa Ki-tô, chính Người là tất cả vinh quang đích thực và lành thánh của chúng ta. Anh em ở trong đoàn chiên của Đấng chăm sóc và nuôi dưỡng Ít-ra-en. Nhưng bởi vì có những mục tử chỉ muốn người ta gọi mình là mục tử, mà không muốn chu toàn nhiệm vụ mục tử, nên chúng ta hãy duyệt xem Chúa nói gì với họ qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Anh em hãy chú ý nghe, chúng ta hãy nghe với tất cả lòng kính sợ.

Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng : hỡi con người, hãy tuyên sấm hạch tội các mục tử Ít-ra-en và nói với họ. Chúng ta vừa nghe đọc bài này, nên chúng tôi quyết định nói đôi điều với anh em. Chính Chúa sẽ giúp chúng tôi nói những điều chân thật, nếu chúng tôi không nói theo ý mình. Vì nếu chúng tôi nói theo ý mình, thì chúng tôi chỉ là những mục tử chỉ nuôi mình chứ không phải nuôi chiên. Còn nếu chúng tôi nói những lời của Chúa, thì đó là chính Người nuôi anh em qua bất cứ ai. ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này : khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình ! Nào mục tử không phải lo chăn dắt đàn chiên sao ? Nói cách khác, mục tử không nuôi mình mà nuôi chiên. Lý do khiến các mục tử đó bị khiển trách là nuôi chính mình chứ không phải nuôi chiên. Những kẻ nuôi chính mình là ai ? Thánh Phao-lô tông đồ nói về họ như sau : Ai nấy đều tìm lợi ích cho mình, chứ không tìm lợi ích cho Đức Ki-tô Giê-su.

Do lòng Chúa đoái thương, chứ không vì công trạng của chúng tôi, Chúa đã đặt chúng tôi ở cương vị này, một cương vị đòi phải trả lẽ nghiêm nhặt. Chúng tôi thấy có hai điều cần phân biệt rõ ràng : một đàng chúng tôi là Ki-tô hữu, một đàng chúng tôi là những người đứng đầu. Chúng tôi là Ki-tô hữu là vì mình, còn chúng tôi là người đứng đầu là vì anh em. Là Ki-tô hữu, chúng tôi lo cho lợi ích của mình ; là người đứng dầu, chúng tôi chỉ lo cho lợi ích của anh em.

Có nhiều người là Ki-tô hữu mà không phải là người đứng đầu : họ đến với Thiên Chúa qua một con đường có khi dễ dàng hơn và có lẽ thuận lợi hơn, vì mang ít hành lý hơn. Còn chúng tôi, nguyên một chuyện là Ki-tô hữu, chúng tôi đã phải trả lẽ với Thiên Chúa về đời sống của mình rồi, huống chi chúng tôi lại là người đứng đầu, nên còn phải trả lẽ với Thiên Chúa về công việc quản lý của mình nữa.

II. CÁC MỤC TỬ CHI LO NUÔI MÌNH

Chúng ta hãy xem lời Thiên Chúa là lời không ve vãn ai, nói gì với các mục tử chỉ nuôi mình chứ không nuôi con chiên. Các ngươi uống sữa, mặc đồ len, giết chiên béo tốt, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không bồi dưỡng ; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa lành ; chiên bị thương, các ngươi không băng bó ; chiên bị lạc, các ngươi không đưa về ; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bào và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử.

Đoạn văn trên nói về các mục tử chỉ nuôi mình chứ không nuôi con chiên, cho thấy cái gì họ ưa thích và cái gì họ lơ là. Họ ưa thích cái gì ? Các ngươi uống sữa, mặc đồ len. Bởi thế, thánh Phao-lô tông đồ nói : Có ai trồng nho mà lại không được ăn trái ? Hay có ai chăn súc vật mà lại không được uống sữa của súc vật ? Vậy chúng tôi hiểu rằng sữa của súc vật là những gì dân Thiên Chúa cung cấp cho các người đứng đầu làm lương thực hằng ngày. Đó là điều thánh Phao-lô tông đồ muốn nói trong đoạn văn vừa nhắc đến.

Dù thánh Phao-lô thích sống bằng đôi tay hơn là kiếm sữa chiên, nhưng người đã nói mình có quyền nhận sữa, và Chúa đã xếp đặt cho ai loan báo Tin Mừng thì được sống nhờ Tin Mừng. Người còn nói rằng các vị cũng làm tông đồ với người đã sử dụng quyền này, không phải do tiếm đoạt mà do Thiên Chúa ban cho. Người đã đi xa hơn nữa, là không nhận cái người có quyền nhận. Vậy chính người đã cho luôn cái người ta mắc nợ người. Những vị khác đã đòi, thì cũng là điều thoả đáng. Thánh Phao-lô đã đi xa hơn nữa. Quả thật, trong câu nguyện người Sa-ma-ri đưa người bị nạn vào quán mà nói : Có tốn kém bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn báo lại bác, có lẽ lời này Chúa đã có ý nói về thánh Phao-lô.

Vậy về những người không cần sữa chiên, chúng tôi không cần phải nói nhiều ! Họ có lòng thương xót hơn, hay đúng ra họ chỉ thi hành nhiệm vụ của chính lòng thương xót một cách quảng đại hơn. Làm được việc gì thì họ làm. Hãy khen họ mà đừng kết án những người khác. Vì chính thánh Phao-lô đã không ham quà cáp ; người chỉ mong cho chiên sinh sản nhiều, chứ không hiếm hoi thiếu sữa.

III. GƯƠNG THÁNH PHAOLÔ

Có thời thánh Phao-lô bị xiềng xích vì tuyên xưng chân lý, nên lâm cảnh túng quẫn. Bấy giờ các anh em gửi đồ cần dùng để giúp người trong cơn thiếu thốn. Người trả lời cảm ơn họ và nói : Anh em đã chia sẻ với tôi khi tôi gặp cơn quẫn bách ; như thế là phải. Tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi sống thiếu thốn cũng được mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. Tuy nhiên, anh em đã gởi cho tôi những thứ cần dùng, như thế là phải.

Nhưng để tỏ cho thấy trong việc họ xử tốt với người, người nhắm cái gì : người không muốn bị liệt vào số những kẻ nuôi chính mình chứ không nuôi chiên. Người không vui vì được họ giúp trong cơn túng thiếu, cho bằng vui vì họ được phong phú trước mặt Chúa. Vậy người tìm gì ở đó ? Người trả lời : Điều tôi tìm kiếm không phải là quà tặng, nhưng là những gì sinh hoa kết quả cho anh em. Người muốn nói : không phải để tôi được dư đầy, nhưng để anh em khỏi cằn cỗi mãi.

Có những người không thể làm như thánh Phao-lô, là sống bằng đôi tay của mình, thì họ cứ lãnh sữa chiên để giúp mình sống, miễn là đửng bỏ bê những con chiên đau yếu. Nhưng trong vấn đề này, họ không được tìm sữa chiên như một tư lợi, kẻo xem ra họ loan báo Tin Mừng chỉ vì nhu cầu vật chất ; trái lại, họ phải đem ánh sáng của lời chân lý soi sáng cho người đời. Quả thật, họ khác nào những ngọn đèn, như có lời chép : Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng. Lại có lời khác : Chẳng có ai thắp đèn rồi lại để ở dưới đáy thùng, nhưng đặt trên đế, để nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, là Đấng ngự trên trời.

Vậy nếu người ta thắp đèn cho bạn ở trong nhà, bạn lại không thêm dầu cho nó khỏi tắt sao ? Thế nhưng đèn đã chăm dầu mà không chiếu sáng, thì nó chẳng đáng được đặt trên đế, mà phải đập vỡ ngay. Do đó, sống là nhận lãnh vì nhu cầu và cho đi vào bác ái. Đừng coi Tin Mừng như món hàng kinh doanh ; đừng để cho những gì các ngươi rao giảng nhận được để sống trở thành giá mua bán Tin Mừng. Quả vậy, bán Tin Mừng như thế, là bán của quý báu với một giá rẻ mạt. Những gì cần để sống thì họ hãy nhận của dân, còn phần thưởng công quản lý thì để Chúa ban. Trả công cho những người phục vụ vì lòng yêu mến Tin Mừng thì đâu phải là việc của dân ! Những vị này chờ đợi Chúa thưởng công cũng như dân chờ đợi Chúa ban ơn cứu độ.

Nhưng tại sao người ta trách cứ các mục tử ? Tại sao người ta hạch tội họ ? Bởi vì họ uống sữa chiên và mặc áo len mà lại bỏ bê đàn chiên. Họ chỉ tìm lợi ích cho mình, chứ không tìm lợi ích cho Đức Ki-tô Giê-su.

IV. AI NẤY HÃY TÌM LỢI ÍCH CHO ĐKT GIÊSU CHỨ ĐỪNG TÌM LỢI ÍCH CHO MÌNH

Vì chúng tôi đã nói uống sữa chiên là gì, nên bây giờ phải tìm hiểu xem mặc áo lông chiên là gì nữa. Ai cung cấp sữa là cung cấp thức ăn, ai cung cấp len là cung cấp danh dự. Đó là hai thứ mà những kẻ nuôi mình chứ không nuôi chiên tìm kiếm ở nơi dân chúng, nghĩa là tìm thoả mãn các nhu cầu của mình, và tìm được danh dự cũng như tiếng khen.

Quả thật, áo mặc có thể hiểu được về danh dự, vì áo che phủ sự trần truồng. Con người ta, ai cũng yếu đuối cả. Bảo rằng : người đứng đầu anh em cũng chỉ như anh em thôi, nói như thế nghĩa là gì ? Người ấy cũng mang thân xác, cũng phải chết, cũng ăn, cũng ngủ, cũng thúc dậy, cũng sinh ra rồi cũng chết. Vậy, xét theo bản thân họ, thì họ cũng chỉ là con người thôi. Nhưng khi trọng kính họ hơn người khác, thì chẳng qua cũng như bạn che phủ cái yếu đuối của họ.

Anh em hãy xem thánh Phao-lô đã nhận được loại áo nào do dân tốt lành của Chúa gửi tặng, khi người nói : Anh em đã tiếp đãi tôi như một sứ giả của Thiên Chúa, như Đức Giê-su Ki-tô. Thật thế, tôi xin làm chứng cho anh em rằng : nếu có thể, anh em đã móc mắt hiến cho tôi. Nhưng khi được người ta hết lòng tôn trọng, thì có phải chính sự tôn trọng đó mà thánh Phao-lô khoan dung với những kẻ sai lầm để may ra khỏi bị từ chối, và cũng ít hạch tội để được tiếng khen chăng ? Vì nếu làm như thế, thì người cũng thuộc số những kẻ nuôi mình chứ không nuôi chiên. Vậy trong trường hợp này, người đã có thể tự nhủ : “Ai muốn làm gì thì làm, điều ấy hệ gì đến tôi ? Tôi có lương thực bảo đảm, danh dự cũng bảo đảm ; tôi có sữa có len, thế là đủ rồi : ai muốn đi đâu thì đi”. Vậy khi bạn được đầy đủ mọi sự rồi, thì ai muốn đi đâu cứ việc đi hay sao ? Chúa nói : Ta không muốn con là người ăn trên ngồi trốc ; con chỉ là một người Ta đã đặt lên từ trong dân : Nếu một chi thể đau thì mọi chi thể cùng đau.

Bởi vậy, khi thánh tông đồ nhắc cho các tín hữu nhớ họ đã đối xử với người thế nào, để không bị coi như đã quên lòng trọng kính của họ, thì người làm chứng rằng họ đã đón tiếp người như sứ giả của Thiên Chúa, đến nỗi nếu có thể được, thì họ đã sẵn lòng móc mắt hiến cho người. Thế nhưng người đã đến với con chiên yếu nhược, con chiên hôi thối, để mổ xẻ vết thương chứ không bỏ mặc cho nó hư thối. Người nói : Vậy tôi đã trở nên kẻ thù của anh em vì nói sự thật cho anh em sao ? Thế đó, người vừa uống sữa chiên như chúng tôi mới nhắc ở trên, vừa mặc áo len, nhưng đã không bỏ bê đàn chiên. Quả thật, người đã không tìm lợi ích cho mình, nhưng lợi ích cho Chúa Giê-su Ki-tô.

V. HÃY NÊU GƯƠNG SÁNG CHO ĐOÀN CHIÊN

Khi nói về những điều các mục tử xấu ưa thích, Chúa cũng nói về những điều họ lơ là. Quả thật nết xấu của chiên nhan nhản. Chiên lành mạnh và béo tốt thì rất ít, nghĩa là những con chiên vững mạnh nhờ được nuôi dưỡng bằng chân lý và biết dùng ơn Chúa như ăn trong đồng cỏ xanh tươi. Nhưng những mục tử xấu thì không để cho chúng được yên. Không săn sóc những con chiên yếu nhược, ốm đau, lạc đàn, hư mất, đối với ho là điều không đáng kể. Ngay cả những con mạnh khoẻ béo tốt kia, nếu họ có thể, họ cũng giết luôn. Thế mà những con gầy yếu này vẫn sống, được là nhờ lòng xót thương của Thiên Chúa. Nhưng xét như là những mục tử xấu, thì họ giết chúng. Bạn hỏi : họ giết cách nào ? Thưa, bằng cách ăn ở xấu, làm gương xấu. Chẳng lẽ bỗng dưng lại có những lời nói sau đây với người tôi tớ của Thiên Chúa là ông Ti-tô, một người trổi vượt trong các chi thể của Vị Mục Tử tối cao : Trước mặt mọi người, anh hãy làm gương về các việc lành phúc đức và anh hãy nêu gương cho các tín hữu.

Quả vậy, vì hay nhìn thấy người lãnh đạo mình ăn ở chẳng ra gì, nên dù con chiên mạnh khoẻ, nếu không nhìn đến lề luật Chúa, mà chỉ để ý đến con người, thì sẽ tự nhủ : “Người lãnh đạo tôi mà ăn ở như thế, thì một người như tôi không thể làm theo ông ấy sao ?”. Người lãnh đạo ấy giết con chiên mạnh khoẻ. Vậy chiên khoẻ mà ông còn giết, thì khỏi nói ông làm gì với những con chiên khác ; vì con chiên mà ông không làm cho khoẻ ; nhưng có lẽ thấy nó khoẻ, ông lại giết đi bằng cách ăn ở chẳng ra gì.

Anh em thân mến, tôi xin nói, tôi xin nhắc lại một lần nữa là các con chiên sống và sống khoẻ mạnh như lời Chúa, thì đó là vì chúng tuân giữ lời đã nghe Chúa nói : Những gì họ nói thì anh em hãy làm hãy giữ, nhưng đừng theo hành động của họ mà làm. Tuy nhiên, ai ăn ở xấu xa trước mặt dân, thì về phần mình, người ấy giết kẻ để ý đến cách ăn ở của họ. Vậy người ấy đừng ảo tưởng vì con người kia không chết. Dù con người kia vẫn sống, thì họ cũng là kẻ giết người. Chẳng khác nào một người đàn ông phóng túng nhìn một người đàn bà mà thèm muốn, thì dù bà ta vẫn thanh sạch, ông ta cũng đã ngoại tình rồi. Quả vậy, phán quyết của Chúa thật là đúng và rõ : Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Ông ta không tới phòng của bà ấy, nhưng ngay trong phòng nội tâm của ông thì đã có chuyện mây mưa rồi.

Như vậy, bất cứ những ai ăn ở xấu xa trước mặt những người họ lãnh đạo, thì về phần họ, họ đã giết cả những những người mạnh khoẻ. Ai bắt chước họ thì chết, ai không bắt chước họ thì sống. Nhưng về phần họ, họ đã giết cả hai như Chúa nói : Chiên béo tốt, các ngươi làm thịt ; còn chiên của Ta các ngươi lại không chăn dắt.

VI. CON HÃY CHUẨN BỊ TÂM HỒN ĐỂ ĐÓN NHẬN THỬ THÁCH

Anh em đã nghe các mục tử xấu ưa thích gì. Giờ đây hãy xem họ lơ là gì. Chiên đau yếu, các ngươi không bồi dưỡng ; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa lành ; chiên bị thương, nghĩa là bị gãy xương, các ngươi không băng bó ; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về ; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm ; chiên béo khoẻ, các ngươi làm thịt, các ngươi hạ sát, các người giết chết. Chiên ốm đau là người có tâm hồn yếu đuối, vì bất cẩn và không chuẩn bị, mà gặp cơn cám dỗ, thì có thể chiều theo. Mục tử lơ là sẽ không nói với tín hữu nào yếu đuối như thế rằng : Con ơi, hãy giữ lòng ngay thẳng và hãy kiên trì. Nếu con muốn dấn thân phục vụ Thiên Chúa, thì hãy chuẩn bị tâm hồn để đón nhận thử thách. Quả vậy, kẻ nào nói như thế, thì làm cho người yếu nên mạnh, từ ốm thành khoẻ ; nhờ đó người ấy không còn mơ ước lợi lộc trần gian này nữa. Thực thế, nếu người ta dạy cho tín hữu mơ ước lợi lộc trần gian, thì chính những lợi lộc ấy làm cho họ ra hư hỏng. Khi gặp nghịch cảnh, họ sẽ bị thương hay có khi phải chết.

Vậy ai xây dựng người tín hữu như thế, thì không phải họ xây dựng họ trên đá, mà là đặt họ trên cát : Tảng đá đây chính là Đức Ki-tô. Ki-tô hữu phải noi gương bát chước các nỗi thống khổ của Đức Ki-tô mà không được tìm vui thú. Người yếu nên mạnh khi được nghe nói : Bạn hãy sẵn sàng chịu các sự thử thách ở đời này ; nhưng Chúa sẽ giải thoát bạn khỏi tất cả những thứ đó, nếu bạn một dạ gắn bó với Người. Vì chưng, để củng cố tâm hồn bạn, Người đã đến chịu khổ, đã đến để chịu chết, đến cho người ta khạc nhổ, đến chịu đội mão gai, đến nghe những lời thoá mạ, đến chịu treo trên thập tự. Người đã chịu tất cả vì bạn ; còn bạn, bạn chẳng chịu gì cả. Người phải chịu hết, không phải vì mình, nhưng vì bạn.

Những kẻ vì sợ làm phiền lòng người nghe mình nói, mà chẳng những không chuẩn bị cho người ta đối phó với các cơn thử thách sắp xảy đến, lại còn hứa hạnh phúc đời này, hạnh phúc mà Thiên Chúa không hứa cho thế gian, những kẻ đó là hạng người nào ? Chúa đã báo trước những nỗi khổ cực sẽ dồn dập xảy đến cho thế gian ; còn bạn, bạn lại muốn cho Ki-tô hữu được miễn trừ những nỗi khổ cực đó hay sao ? Vì là Ki-tô hữu, thì sẽ phải chịu khổ cực hơn đôi chút ở đời này.

Quả vậy, thánh Phao-lô tông đồ nói : Những ai muốn sống đạo đức trong Đức Ki-tô Giê-su thì đều phải chịu bắt bớ. Bạn là mục tử mà cứ tìm lợi ích cho mình hơn là lợi ích của Chúa Giê-su Ki-tô, thì hãy nghe tiếng thánh tông đồ nói đây : Những ai muốn sống đạo đức trong Đức Ki-tô Giê-su thì đều phải chịu bắt bớ. Thế mà bạn lại bảo người ta : Nếu anh sống đạo đức trong Đức Giê-su Ki-tô, anh sẽ được đầy dẫy mọi sự tốt lành. Mà nếu anh không có con cái, anh sẽ nhận được tất cả làm con, mà không đứa nào phải chết. Bạn xây dựng như thế nào ? Bạn hãy xem bạn làm gì vậy, và đặt nền ở đâu thế ? Bạn đã đặt trên cát ! Mưa sẽ đổ xuống, sông sẽ tràn lên, gió sẽ thổi mạnh, tất cả ập vào căn nhà đó ; nó sẽ sụp đổ thành một đống hoang tàn. Bạn hãy đưa lên khỏi cát, và dặt lên tảng đá. Bạn muốn ai là Ki-tô hữu, thì hãy làm cho họ được sống trong Chúa Ki-tô. Hãy giúp họ ngắm nhìn những sự đau khổ của Chúa Ki-tô mà Người không đáng chịu, ngắm nhìn Đấng vô tội phải trả cái Người không lấy, suy gẫm lời Kinh Thánh nói với họ : Chúa có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Vậy, hoặc là phải sẵn sàng chịu đòn, hoặc là không muốn làm con.

VII. HÃY DÙNG LỜI AN ỦI NHƯ DẦU ĐỂ BĂNG BÓ NHỮNG VẾT THƯƠNG

Kinh Thánh nói : Chúa có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Hay bạn nói có lẽ bạn sẽ được miễn ? Nếu bạn được miễn không phải chịu đòn, thì bạn cũng sẽ được miễn khỏi ở trong số làm con. Bạn nói : Vậy con nào Chúa cũng đánh đòn sao ? Phải, con nào Người cũng đánh đòn như đã đánh đòn Người Con duy nhất. Người Con duy nhất ấy sinh bởi bản thể của Cha, cũng là Thiên Chúa như Cha, là Lời làm phát sinh vạn vật. Trước kia, Người không có thân xác để bị đánh đòn. Vì thế, Người đã mặc thân xác để có thể chịu đòn. Vậy Người Con duy nhất vô tội mà Cha còn đánh đòn, thì người con nuôi có tội, Cha lại tha chẳng đánh đòn sao ? Thánh tông đồ nói chúng ta được gọi làm nghĩa tử, để một khi đồng thừa tự với Người Con duy nhất, thì cũng được làm sản nghiệp của Người : Con cứ xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng. Người đã nêu gương cho chúng ta trong cuộc thương khó của Người.

Nhưng để người yếu đuối không nản lòng vì những thử thách sẽ xảy ra, thì đừng lừa dối họ bằng những mối hy vọng hão huyền, cũng đừng làm cho họ bị bẻ gãy vì khiếp sợ. Hãy bảo họ chuẩn bị tâm hồn để chịu thử thách. Có khi người ấy bắt đầu quỵ ngã, rên rỉ, không muốn đến gặp bạn, bạn đã có câu khác : Thiên Chúa là Đấng trung tín, Người sẽ không để anh em bị thử thách quá mức. Quả vậy, hứa như thế và nói về những đau khổ sẽ xảy ra, là làm cho kẻ yếu đuối nên vững mạnh. Đối với người quá sợ mà đâm ra khiếp đảm, nếu bạn hứa là Thiên Chúa thương xót họ, không phải vì sẽ không có những thử thách, nhưng vì Chúa không để cho họ bị thử thách quá sức, thì đó là băng bó vết thương cho người bị đánh gãy.

Quả thật, có những người khi nghe nói đến các sự khốn khó sắp xảy ra, thì càng trang bị kỹ hơn, và như khát uống thứ nước mình thích, họ cho rằng liều thuốc các tín hữu dùng còn ít đối với họ, nên họ khao khát cả phúc tử đạo. Ngược lại, có những kẻ khác, khi nghe nói đến các thử thách chắc chắn phải xảy ra cho Ki-tô hữu, những thử thách mà chỉ ai thật sự muốn là Ki-tô hữu mới cảm thấy, thì lúc những thử thách ấy gần kề, họ bị đổ gãy mà thành què quặt.

Bạn hãy dùng lời an ủi như dầu để băng bó, hãy băng bó vết thương cho người bị dập gãy. Hãy nói : Đừng sợ ! Đấng mà anh tin tưởng, không bỏ mặc anh trong cơn thử thách đâu. Thiên Chúa là Đấng trung tín, Người không để anh bị thử thách quá sức chịu đựng. Điều này không phải tôi nói với bạn, mà là thánh tông đồ nói ; người nói như sau : Anh em muốn có bằng chứng cho thấy Đức Ki-tô nói trong tôi ư ? Vậy khi nghe những lời này, là bạn nghe chính Đức Ki-tô, bạn nghe chính Vị Mục Tử dẫn dắt Ít-ra-en. Quả vậy, có lời nói với Người rằng : Ngài cho chúng con uống nước mắt theo chừng mực. Điều thánh tông đồ nói : Người không để bạn bị thử thách quá sức chịu đựng, thì vị ngôn sứ nói : theo chừng mực. Chỉ cần bạn đừng rời bỏ Đấng vừa sửa trị vừa khuyên lơn, vừa đe doạ vừa an ủi, vừa đánh phạt vừa chữa lành.

VIII. CÁC KTH ĐAU YẾU

Chúa phán : Chiên đau yếu, các ngươi không bồi dưỡng. Người nói với các mục tử xấu, mục tử giả, mục tử chỉ biết tìm lợi ích cho mình, chứ không tìm lợi ích cho Đức Ki-tô Giê-su ; những kẻ chỉ biết uống sữa chiên và mặc đồ len, còn chiên thì chẳng chịu săn sóc, và con nào đau yếu cũng chẳng lo bồi dưỡng. Yếu là không khoẻ, bệnh là không lành ; những người bệnh cũng gọi là yếu. Vậy, giữa yếu và bệnh, tôi cho là có khác biệt.

Thật thế, thưa anh em, những điều chúng ta đang cố gắng phân biệt đây, nếu để ý hơn một chút, chắc chúng ta có thể phân biệt khá rõ ràng, như một người nào khác thành thạo hơn hoặc sáng trí hơn, có thể làm. Xin anh em đừng nghĩ lầm, tôi chỉ tạm nói theo lời Kinh Thánh điều tôi cảm nhận được thôi. Chớ gì kẻ ốm đau đừng gặp thử thách, vì e rằng thử thách sẽ làm cho người ấy ngã quỵ. Còn kẻ yếu nhược thì đã mắc bệnh bởi một chứng đam mê nào đó rồi ; và chứng đam mê nào đó ngăn cản không cho người ấy bước vào đường lối của Thiên Chúa và mang lấy ách của Chúa Ki-tô.

Hãy để ý mà xem, những người đó muốn sống tốt lành, có ý định sống tốt lành, nhưng chẳng mấy vui lòng chịu khổ cho bằng sẵn sàng làm việc lành. Ki-tô hữu vững mạnh thì không những chỉ làm điều tốt, mà còn biết chịu cực chịu khổ. Vậy, những người xem ra sốt sắng làm việc lành, nhưng khi gặp đau khổ, lại không muốn hay không thể chịu được, thì đó là những con người ốm yếu. Còn những kẻ yêu chuộng thế gian, vì một đam mê xấu xa nào đó mà bỏ không làm việc lành, ấy là những kẻ suy nhược và mắc bệnh liệt giường, và bởi vì do tình trạng suy nhược như là kiệt sức hoàn toàn đó, họ không thể làm dược việc gì lành.

Về phần linh hồn, kẻ ấy như người bất toại kia, không thể đến với Chúa Giê-su được, nên những người khiêng mới dỡ mái nhà và thòng anh ta xuống. Nghĩa là về phần linh hồn, chẳng khác nào bạn muốn làm như dỡ mái nhà và đặt người bệnh bên cạnh Chúa. Đó là người tứ chi bại liệt, nghĩa là chẳng có một việc lành nào, lại còn cồng chất tội lỗi và suy nhược vì căn bệnh đam mê của mình. Và nếu tứ chi bại liệt, tức là mắc chứng bại liệt thiêng liêng, mà bạn muốn đến gặp lương y, có khi lương y ẩn đâu đó ở bên trong, lương ý chính là sự hiểu biết đích thật tiềm ẩn trong Sách Thánh, thì bạn phải dỡ mái nhà và đặt người bất toại xuống, tức là bày tỏ điều kín nhiệm trong lòng ra.

Ai không làm được điều ấy, và kẻ lơ là không chịu làm điều ấy, thì anh em đã nghe những lời mà chớ chi họ cũng nghe : Chiên đau yếu, các ngươi không bồi dưỡng, chiên bị thương, các ngươi không băng bó, như chúng tôi đã nói ở trên. Quả thật, vì khiếp sợ trước các cơn thử thách mà người ta bị bẻ gãy. Nhưng đã có thuốc băng bó vết thương là lời an ủi sau đây : Thiên Chúa là Đấng trung tín ; xin Người đừng để cho anh em bị thử thách quá sức ; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc hết sức tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.

IX. HÃY LÊN TIẾNG LÚC THUẬN TIỆN CŨNG NHƯ LÚC KHÔNG THUẬN TIỆN

Chiên đi lạc, các người không đem về ; chiện bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Như vậy, một cách nào đó, chúng tôi cũng ở trong tay quân trộm cướp và giữa hàm răng sói dữ, và vì gặp nguy hiểm như thê, nên chúng tôi xin anh em hãy cầu nguyện. Cũng có những con chiên cứng đầu. Khi chúng tôi đi tìm những chiên lạc, thì chúng nhận ra là chúng lìa xa chúng tôi và hư mất do lầm lỗi của mình ; nhưng chúng lại nói : “Việc gì đến các ông ? Việc gì các ông phải tìm chúng tôi ?”. Làm như thế là chuyện chúng lầm lỗi và hư mất không phải là chính lý do khiến chúng tôi phải khắc khoải đi tìm. “Tôi muốn lầm lạc đó, tôi muốn hư mất đó !”.

Bạn muốn lầm lạc, muốn hư mất như thế ư ? Tôi lại càng không muốn điều đó. Thật sư, tôi dám nói : tôi đang gây phiền hà đây. Tôi nghe thánh Phao-lô nói : Hãy rao giảng lời Thiên Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Thuận tiện cho ai ? Không thuận tiện cho ai ? Dĩ nhiên là thuận tiện cho kẻ muốn, không thuận tiện cho kẻ không muốn. Thật sự tôi đang gây sự phiền hà, tôi dám nói : “Bạn muốn lầm lạc, bạn muốn hư mất, nhưng tôi không muốn thế”. Cuối cùng, Đấng làm tôi khiếp sợ cũng chẳng muốn thế. Nếu như tôi có muốn, thì hãy xem Người nói gì, Người quở trách thế nào : Chiên đi lạc, các ngươi không đưa về ; chiên bị mất, các người không chịu đi tìm. Tôi sợ bạn hơn sợ người sao ? Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Chúa Ki-tô.

Tôi sẽ gọi kẻ lầm lạc trở về, tôi sẽ đi tìm kẻ hư mất. Bạn muốn hay không muốn, tôi vẫn cứ làm. Và nếu đi tìm mà tôi có bị gai rừng cào xé, thì ngóc ngách nào tôi cũng len lỏi, bụi rậm nào tôi cũng khua : tôi sẽ rảo khắp nơi, tuỳ theo sức mà Đấng làm tôi phải sợ, ban cho tôi. Nếu bạn sẽ gọi kẻ lầm lạc trở về, sẽ đi tìm kẻ hư vong. Nếu bạn không muốn là tôi sẽ bị khổ, thì đừng đi lạc, đừng hư vong. Tôi có phải khổ vì bạn lầm lạc và hư vong thì có sao đâu. Chỉ e rằng : tôi mà lơ là đối với bạn, là tôi cũng giết luôn cả chiên khoẻ mạnh. Quả vậy, bạn hãy xem câu Kinh Thánh tiếp theo thế nào : Chiên béo tốt, các ngươi đã giết thịt. Nếu như tôi bỏ mặc kẻ lầm lạc và hư vong, thì người khoẻ mạnh cũng thích lầm lạc và hư vong.

X. HỘI THÁNH NHƯ CÂY NHO, CÀNG LỚN MẠNH CÀNG LAN RỘNG KHẮP NƠI.

Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên môi đỉnh đồi, trên khắp mặt đất. Tản mác trên khắp mặt đất là gì ? Đó là những kẻ chạy theo của cải trần gian, những của phù hoa trên mặt đất ; họ yêu mến quý chuộng những thứ ấy. Họ không muốn chết cho tội lỗi, để đời sống của họ được ẩn tàng trong Đức Ki-tô. Khắp mặt đất, là do lòng yêu chuộng của đời này, và vì họ là những con chên lạc loài trên khắp mặt đất. Họ ở khắp nơi : một người mẹ là tình kiêu căng đã sinh ra họ hết thảy, cũng như một người mẹ duy nhất của chúng ta là Hội Thánh Công Giáo đã sinh ra mọi Ki-tô hữu rải rác trên khắp hoàn cầu.

Vậy, chẳng lạ gì nếu kiêu ngạo sinh ra xâu xé, yêu thương đưa đến hiệp nhất. Nhưng chính bà mẹ là Hội Thánh Công Giáo, chính Vị Mục Tử hiện diện nơi Bà, đang tìm kiếm khắp nơi những kẻ lầm lạc, bồi dưỡng người đau yếu, chữa lành kẻ suy nhược, băng bó người bị thương, dùng người này săn sóc người kia dù họ không quen biết nhau. Nhưng Mẹ Hội Thánh biết tất cả, vì hoà đồng với hết mọi người.

Hội Thánh như cây nho càng lớn mạnh càng lan rộng khắp nơi ; còn người ta thì như những ngành vô ích, bị người làm vườn dùng liềm cắt bỏ vì không sinh trái. Thế là cây nho được tỉa chứ không bị chặt. Vậy những ngành nho bị cắt tỉa ở đâu thì vẫn nằm yên ở đó. Còn cây nho vẫn lớn đều và biết ngành nào vẫn gắn liền với nó, ngành nào bị cắt bỏ nằm bên cạnh.

Tuy vậy, từ tình trạng đó, Hội Thánh vẫn kêu gọi kẻ lầm lạc trở về, vì thánh Phao-lô tông đồ đã nói về các ngành đã gãy rằng : Thiên Chúa thừa sức tháp họ một lần nữa. Dù nói về chiên lạc đàn, hay là ngành lìa cây, thì Thiên Chúa cũng không thiếu khả năng gọi chiên về, hay tháp ngành lại, bởi vì Người là Mục Tử Tối Cao, là người làm vườn đích thật. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm lo, chẳng ai kiếm tìm, chẳng ai trong các mục tử xấu chịu đi tìm kiếm, dù một người cũng không.

Vì thế, hỡi các mục tử, hãy nghe lời ĐỨC CHÚA : Ta lấy mạng sống Ta mà thề, sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Anh em hãy coi, Người bắt đầu từ đâu, Thiên Chúa lấy mạng sống mình làm chứng, dường như Người thề vậy : Ta lấy mạng sống Ta mà thề, sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Các mục tử đã chết, nhưng chiên thì được an toàn ; Chúa hằng sống, Ta lấy mạng sống Ta mà thề, sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Nhưng những mục tử đã chết đó là ai ? Là những kẻ tìm lợi ích cho mình, chứ không tìm lợi ích cho Chúa Giê-su Ki-tô. Vậy, liệu sẽ có, và sẽ gặp được những mục tử biết tìm, không phải lợi ích cho mình, mà là lợi ích cho Chúa Giê-su Ki-tô hay không ? Nhất định sẽ có và nhất định sẽ gặp, hiện không thiếu và sẽ chẳng thiếu.

XI. NHỮNG GÌ HỌ NÓI ANH EM HÃY LÀM, NHƯNG ĐỪNG LÀM THEO HÀNH ĐỘNG CỦA HỌ

Vì thế, hỡi các mục tử, hãy nghe lời ĐỨC CHÚA. Nhưng nghe gì, hỡi các mục tử ? ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này : đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của ta, không để chúng chăn dắt nữa.

Hỡi đàn chiên Thiên Chúa, hãy nghe và hãy học biết điều này là Thiên Chúa đòi các mục tử trả chiên lại cho Người, và hạch tội họ vì đã để cho chiên chết. Quả thật, ở một chỗ khác, Người dùng cũng ngôn sứ ấy mà phán : Hỡi con người, Ta đặt ngươi làm người canh gác nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng : “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết’, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo kẻ gian ác từ bỏ con đường của nó mà trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó ; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình”.

Chúa nói gì vậy ? Anh em thấy không, im lặng nguy hiểm biết chừng nào ! Người kia chết, mà chết là phải ; nó mang sự gian ác và tội lỗi của mình mà chết, tội lười biếng đã giết nó. Vì nó có thể gặp Vị Mục Tử hằng sống, Đấng đã phán : Ta lấy mạng sống ta mà thề, nhưng kẻ đã được đặt làm người đứng đầu và canh gác để khuyên nhủ, mà vì lười biếng đã không chịu khuyên nhủ, nên nó chết là phải ; và nó bị phạt cũng là đáng. Chúa lại phán : Khi ngươi bảo kẻ gian ác “Chắc chắn mi phải chết”, thì ấy là Ta dùng gươm doạ nó, mà nó lại lơ là không chịu tránh gươm kề cổ, nên gươm đã giết nó, lúc đó nó mang tội mình mà chết. Còn ngươi, ngươi cứu được mạng sống mình. Bởi vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là không được im lặng ; còn anh em thì dù có im lặng, anh em vẫn phải nghe lời Vị Mục Tử, rút ra từ Kinh Thánh.

Vậy, như tôi đã trình bày, chúng ta hãy xem Người có lấy chiên khỏi tay các mục tử xấu mà trao cho các mục tử tốt không. Tôi thấy Người đang lấy chiên khỏi tay các mục tử xấu. Quả vậy, Người phán thế này : Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta, Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên. Khi Ta bảo chúng chăn dắt chiên của Ta, thì chúng lại chăn dắt mình, chứ không chăn dắt chiên của Ta, nên : Ta sẽ đòi lại chiên của Ta, Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên.

Người cảnh cáo không cho họ chăn dắt chiên của Người thế nào ? Những gì chúng nói, các ngươi hãy làm, nhưng đừng làm theo hành động của chúng. Người như muốn nói : “Chúng bảo chiên là của Ta, nhưng lại hành động như là chiên của chúng. Khi các ngươi không làm những điều các mục tử xấu làm, thì chính chúng không chăn dắt các ngươi ; khi các ngươi làm những điều chúng nói, thì chính Ta chăn dắt các ngươi”.

XII. TA SẼ CHĂN DẮT CHIÊN CỦA TA TRÊN ĐỒNG CỎ XANH TƯƠI

Ta sẽ đem chiên ra khỏi các dân, tập họp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ít-ra-en. Chúa đã lập nên các núi Ít-ra-en, đó là các tác giả Kinh Thánh. Anh em hãy ăn trong đồng cỏ đó, để được chăn nuôi an toàn. Nghe được điều gì trong Kinh Thánh, anh em hãy thưởng thức cho kỹ ; còn điều gì ở ngoài Kinh Thánh, hãy vứt bỏ đi. Để khỏi lạc lõng trong sương mù, hãy nghe tiếng của người mục tử. Hãy đến tập họp tại các núi Kinh Thánh. Ở đây, tâm hồn anh em được vui sướng, ở đây không có gì là độc hại, bất lợi cho sức khoẻ ; đây là những đồng cỏ xanh tươi màu mỡ. Hỡi anh em là những con chiên lành mạnh ; hỡi các con chiên lành mạnh, cứ ăn cỏ trên các núi Ít-ra-en.

Trong các thung lũng và tại các nơi trong xứ có thể ở được, vì từ các núi chúng tôi đã nói ở trên, tuôn chảy những dòng suối là lời rao giảng Tin Mừng, khi tiếng các ngài vang dội khắp hoàn cầu, và mọi nơi có thể ở được trên mặt đất đều trở thành những đồng cỏ hoan lạc tốt tươi cho chiên được bồi dưỡng.

Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó, chúng sẽ nằm nghỉ trong ràn êm ái, nghĩa là nơi chiên nằm nghỉ, nơi chiên nói “Thích quá !”, nơi chiên nói “Đúng thật, rõ ràng thật, chúng ta không lầm”. Chúng nghỉ ngơi vui hưởng vinh quang Thiên Chúa, như nghỉ ngơi trong ràn êm ái. Và chúng sẽ ngủ yên, nghĩa là an hưởng những vui thú tốt lành.

Chúng sẽ đi ăn trong đồng cỏ màu mỡ trên núi Ít-ra-en. Tôi đã nói núi non Ít-ra-en là những ngọn núi tốt, nơi chúng ta ngước mắt nhìn lên, mong từ đó ơn phù trợ đến với chúng ta. Nhưng ơn phù trợ chúng ta là do bởi Chúa, Đấng đã dựng nên cả đất trời. Vì thế, để chúng ta đừng chỉ đặt hy vọng vào những ngọn núi tốt, thì khi đã phán Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta trên các núi Ít-ra-en, Người liền thêm Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, để bạn đừng dừng lại trên núi. Hãy ngước mắt nhìn lên rặng núi : ơn phù trợ bạn đến từ nơi đó, nhưng hãy chú ý nghe Chúa phán Ta sẽ chăn dắt. Quả thật, ơn phù trợ bạn đến từ ĐỨC CHÚA là Đấng đã dựng nên cả đất trời.

Người kết thúc như sau : Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng. Bạn coi, chỉ một mình Đấng chăn dắt theo lẽ chính trực mới chăn dắt như thế. Ai là phàm nhân mà lại xét đoán phàm nhân ? Đâu đâu cũng đầy những xét đoán càn rỡ. Ta thất vọng về người nào đó, bỗng nhiên người ấy hoán cải và trở nên rất tốt. Ngược lại, ta rất tự hào về người nào đó, bỗng nhiên người ấy lại sa ngã và trở thành rất xấu. Ta kính sợ hay ta yêu mến, chẳng có gì là chắc cả.

Mỗi người hôm nay là gì, hầu như chính họ cũng chẳng biết. Hôm nay có là gì đi nữa, thì ngày mai chưa hẳn sẽ như thế. Vậy, Chúa chăn dắt theo lẽ chính trực, vì Người phân phối cho ai phần nấy : của này cho người này, của kia cho người kia ; ai đáng cái gì cho cái đó, cái này hoặc cái kia. Vì chưng Chúa biết phải làm gì. Người chăn dắt theo lẽ chính trực những kẻ Người đã cứu chuộc, khi Người bị xét xử. Tóm lại, Người chăn dắt theo lẽ chính trực.

XIII. MỌI MỤC TỬ TỐT ĐỀU Ở TRONG MỘT MỤC TỬ DUY NHẤT

Chúa Ki-tô chăn dắt bạn theo lẽ chính trực, Người phân biệt chiên của mình với chiên không phải của mình. Người nói : Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi và theo tôi. Ở đây, tôi thấy mọi mục tử đều tốt, đều ở trong một mục tử duy nhất. Không thiếu các mục tử tốt, nhưng họ ở trong một vị duy nhất. Có chia rẽ, họ mới thành ra nhiều. Chỉ một mình Người được người ta rao giảng, vì mọi người phải nên một. Quả thế, khi không nói đến các mục tử, mà nói đến Vị Mục Tử duy nhất, thì không phải là Chúa chẳng gặp được ai để trao phó chiên của mình. Quả thật, Người đã trao chiên cho ông Phê-rô. Hơn nữa, chính ông Phê-rô đã muôùn mọi người nên một. Lúc ấy có nhiều tông đồ, thế mà Người lại nói với một vị Hãy chăn dắt chiên của Thầy. Ước gì không thiếu các mục tử tốt, ước gì chúng ta không thiếu các vị đó, xin Chúa xót thương đừng bỏ không gầy dựng và không lập nên các vị. Tất nhiên, chiên tốt thì mục tử cũng tốt, vì từ những chiên tốt phát xuất ra các mục tử tốt. Nhưng mọi mục tử tốt đều ở trong một mục tử, họ chỉ là một mà thôi. Họ chăn dắt là Chúa Ki-tô chăn dắt. Các bạn của Tân Lang không nói tiếng nói của mình, nhưng vui mừng hoan hỉ vì Tân Lang lên tiếng. Vậy, khi họ chăn dắt là chính Người chăn dắt ; và Người nói : Chính Thầy chăn dắt, vì các mục tử nói là Người nói, các vị thương yêu là Người thương yêu. Ngay cả với Phê-rô, khi Người trao chiên của Người cho ông, như người này trao cho người kia, thì Người cũng muốn ông nên một với Người. Và như thế, Người trao chiên cho ông, để chính người là đầu, còn ông tượng trưng cho thân thể Người là Hội Thánh, và để cả hai nên một thân mình như tân lang và tân nương.

Bởi thế, Người nói gì với ông Phê-rô trước khi trao chiên cho ông, kẻo trao cho ông mà như thể trao cho người nào đó khác với chính mình : Anh Phê-rô, anh có yêu mến Thầy không ? Và ông đáp : Con yêu mến Thầy. Người lại hỏi : Anh có yêu mến Thầy không ? Ông trả lời : Con yêu mến Thầy. Và lần thứ ba : Anh có yêu mến Thầy không ? Ông thưa : Con yêu mến Thầy. Người tăng cường lòng mến để củng cố sự hiệp nhất. Vậy một mình Người chăn dắt trong các mục tử, và các mục tử chăn dắt trong một mình Người.

Các mục tử không được nói tới, nhưng thật ra họ được nói tới. Các mục tử được tự hào, nhưng ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa. Đó là chính Chúa Ki-tô chăn dắt, đó là chăn dắt cho Chúa Ki-tô, đó là chăn dắt trong Chúa Ki-tô ; ngoài Chúa Ki-tô, không có chuyện chăn dắt cho mình. Người đã nói : Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, vì không có ai để trao phó. Thật ra, Người nói câu này không phải vì thiếu mục tử, như thể là vị ngôn sứ đã có ý nói về thời đại xấu xa phải đến này. Ngay khi chính ông Phê-rô và các tông đồ còn sống ở trần gian này, thì vẫn một mình Chúa nói : Tôi còn có những chiên khác, không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về, để chỉ có một đoàn chiên và một mục tử ; Người nói thế, vì nơi một mình người, tất cả chỉ là một.

Vậy tất cả các mục tử đều hãy ở trong Vị Mục Tử duy nhất, hãy nói lên một tiếng nói duy nhất của Vị Mục Tử đó, để đàn chiên nghe và đi theo Vị Mục Tử của mình, không phải theo người này hay kẻ kia, mà theo một Vị Mục Tử duy nhất. Ước gì nơi Vị Mục Tử duy nhất này, mọi người chỉ nói một tiếng nói, chứ không nói những tiếng khác nhau : Thưa anh em, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng có sự chia rẽ giữa anh em. Ước gì tiếng nói này, một khi đã được gạn lọc khỏi mọi chia rẽ và tẩy sạch mọi tà thuyết, thì được các chiên nghe mà đi theo Vị Mục Tử của mình, như Người nói : Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi và theo tôi.