Lòng Tin Chân Thành – Lm. Giuse Nguyễn

print

CN XXII Thường Niên B

Lòng Tin Chân Thành

Lm. Giuse Nguyễn

Đức nguyên Giáo Hoàng BênêđictôXVI đã từng nhắn nhủ các tín hữu trên khắp thế giới về mục đích của Năm Đức Tin 2012 như sau: “Để cho người công giáo nhìn lại đức tin của mình trong bối cảnh văn hóa xã hội hôm nay, đồng thời điều chỉnh những méo mó, lệch lạc để hướng đến sống đức tin ngày càng trung thực và trọn vẹn hầu đức tin đó được tỏa sáng trong môi trường văn hóa xã hội hôm nay”. Quả thực đức tin của một số người công giáo trong môi trường văn hóa xã hội hôm nay đang bị méo mó, lệch lạc rất nhiều; đã đến lúc cần phải điều chỉnh cho trung thực với những gì mà Chúa đã mặc khải và Giáo Hội truyền lại cho chúng ta. Phụng vụ lời Chúa hôm nay sẽ giúp chúng ta một cái nhìn đúng đắn về đức tin, từ đó điều chỉnh những gì sai trái, lệch lạc trong việc tin theo Chúa.

  1. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
  2. Bài Đọc I: Đnl 4,1-2.6-8

Bài đọc I kể lại cho chúng ta việc ông Môsê nhắc nhở dân Do Thái về một ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Ân huệ này khiến cho những người dân ngoại phải trầm trồ khen ngợi và ghen tị, bởi vì chỉ có dân Do Thái mới được vị thần của mình bảo vệ, che chở ; chỉ có dân Do Thái mới được đích thân thần minh của mình chỉ cho biết cách để sống đẹp lòng vị thần đó. Vị thần đó chính là Thiên Chúa, và cách sống đó là Lề Luật của Ngài. Còn dân ngoại vì không được biết Thiên Chúa nên họ thờ lung tung, đủ thứ hết ; vì không ai chỉ dẫn nên họ không biết cách thờ phượng, mà tự mình đặt ra những nghi thức phụng vụ để thỏa mãn tâm tình tôn giáo của họ… Trong khi đó người Do Thái được đích thân Chúa chọn gọi, được đích thân Chúa chỉ cho cách để thờ phượng. Vậy mà họ vẫn lan ban theo những vị thần vì không biết nên dân ngoại đã lỡ tôn thờ; vẫn làm theo những hành động dân ngoại dành cho thần minh của họ. Điều đó thật trớ trêu! Người ta khao khát muốn được sống như mình, còn mình lại bỏ để làm điều người khác muốn bỏ. Thấy vậy nên ông Môsê mới nhắc nhở dân chúng: Lề Luật Thiên Chúa đã ban sẵn rồi, anh em chỉ cần sống theo những điều đó thôi, đừng thêm những nghi thức không phù hợp của dân ngoại vào việc tôn thờ Thiên Chúa.

  1. Tin Mừng: Mc7,1-8a.14-15.21-23

Khởi đầu đoạn Tin Mừng này, Maccô cho biết những người biệt phái và Pharisêu tụ họp quanh Đức Giêsu, họ đến từ Giêrusalem, nghĩa họ là đại diện chính thức của tôn giáo thời bấy giờ, họ đi theo để dò xét Chúa. Khi không bắt bẻ được Chúa, họ quay qua bắt bẻ các môn đệ của Ngài vì các ông không rửa tay trước khi dùng bữa. Nếu họ bắt bẻ các môn đệ không cầu nguyện trước bữa ăn thì còn có thể chấp nhận được. Điều đáng nói ở đây là họ lấy một hành động giữ vệ sinh để biến thành một hành động tôn giáo, thành một luật lệ bắt người khác phải giữ. Vì vậy mà Đức Giêsu đã nói họ là: “Những kẻ đạo đức giả”. Ngài khẳng định lời của tiên tri Isaia viết về họ là đúng: “Dân này thờ kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta”. Qua đó Đức Giêsu muốn chỉnh đốn thái độ thờ phượng của những người biệt phái và Pharisêu ở Giêrusalem, hay nói đúng hơn là của cả một tôn giáo. Họ quên mục đích chính yếu là tâm tình thờ phượng Chúa, chứ không phải những việc làm bên ngoài. Ngài lên án suy nghĩ lệch lạc của họ. Họ cho rằng những việc như rửa tay chân, chén bát, bình, lọ là thờ phượng thiên Chúa…

Từ phụng vụ lời Chúa hôm nay, chúng ta cũng hãy nhìn lại thái độ tôn thờ của chúng ta đối với Thiên Chúa đã đúng đắn chưa?

  1. LÒNG TIN CHÂN THÀNH
  2. Thờ phượng một mình Thiên Chúa:

Trước hết, lòng tin chân thành xuất phát từ một đức tin đúng đắn. Đức tin này được chính Thiên Chúa mặc khải: “Ngươi phải thờ phượng một mình Thiên Chúa”. Chúng ta phải hiểu trong bối cảnh thời bấy giờ, khi dân Do Thái với nhu cầu tâm linh nên gặp cái gì lạ họ cũng cho là thần minh, họ chạy đến bái lạy, tôn thờ và làm đủ mọi cách để được những thần minh đó đoái hoài. Tiếc thay những thần minh đó “chỉ là gỗ đá, chỉ do thay người thế làm ra”, nên chẳng thỏa mãn được nhu cầu tâm linh của họ. Thấy được điều đó nên Thiên Chúa đã quyết định cho họ được thỏa mãn khao khát với điều kiện là họ chỉ được tôn thờ một mình Ngài thôi. Từ đó Ngài đã lập giao ước với dân. Vậy mà theo dòng lịch sử, dân Do Thái đã không ít lần phản bội Thiên Chúa, chạy theo hết thần này đến thần nọ; hoặc nhẹ hơn, họ không chạy theo những thần minh khác, nhưng họ bắt chước cách thờ phượng của dân ngoại để đem về thờ phượng Thiên Chúa của mình. Trong các tội phạm của dân Do Thái, Thiên Chúa ghét nhất là tội này, Ngài gọi là sự ngoại tình khi mà họ đã quyết định tôn thờ Thiên Chúa, lại còn tôn thờ những vị thần khác. Phải chi những vị thần đó là có thực, hoặc giúp ích được gì, đằng này những vị thần đó chỉ toàn “do tay con người làm ra”. Ngài hỏi họ: “Các ngươi còn đi nước đôi đến bao giờ nữa?” Lúc trước khi mới đọc kinh thánh đến những đoạn này, tôi thấy tội nghiệp Chúa vì cứ đi theo năn nỉ con người hoài, nhưng càng ngày tôi càng thấy rõ tội nghiệp cho con người hơn vì họ làm như vậy họ chẳng được gì cả, mà mất cả chì lẫn chài.

  1. Tránh những hình thức sai trái:

Đừng tưởng đó là chuyện của dân Do Thái ngày xưa, mà ngày hôm nay dân Chúa vẫn đang phạm phải sai lầm đó, nhiều khi còn trầm trọng hơn nữa. Họ không tuyên bố từ bỏ Chúa, nhưng họ xem Chúa ngang hàng với những thần minh khác như thần tài, mẹ Nam Hải, bà Châu Đốc… Để rồi dù là người Công giáo họ vẫn đi vía bà, vía ông, coi thầy, coi bói đủ thứ. Khi gặp khó khăn cũng cúng vái tứ phương… Hoặc có những người không bỏ Chúa, không chạy theo thần minh khác, nhưng họ bắt chước hành động của dân ngoại mà thờ phượng Chúa, dẫn đến những hình thức thờ phượng sai trái, lệch lạc. Ví dụ người công giáo mà đốt hàng mã, gián giấy vàng bạc kín mồ, chết 3 ngày cũng mở cửa mã, rằm tháng 7 cũng “thí vàng” như người lương vậy! Có người nói với tôi thấy tiền rớt đừng lượm, xui lắm, nếu muốn hết xui phải đạp lên nó mấy cái mới lượm. Tôi không biết xui hay không, nhưng tiền người khác rớt mà lượm xài là sai chứ không phải xui, vì không phải là của mình, mà người ta thì cứ nghĩ đến chuyện “hên xui”.

Chúng ta làm những điều sai trái mà mình gọi là mê tín dị đoan là vì hai lý do. Lý do thứ nhất là do đức tin lệch lạc. Ví dụ liên quan đến người chết, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy sau khi chết linh hồn hoặc lên thiên đàng, hoặc ở luyện ngục hay ở hỏa ngục. Những người còn sống có bổn phận cầu nguyện, dâng thánh lễ, làm việc bác ái, hy sinh để giúp các linh hồn chứ không phải là đốt hàng mã, ô nhiễm môi trường và tốn tiền chứ các linh hồn không xài được những thứ đó; không phải mở cửa mã để cho các linh hồn siêu thoát, vừa tốn tiền mua gà, vừa giết chết nó một cách dã man chứ các linh hồn đâu phải nhờ vậy mới được “chui” lên… Lý do thứ hai là vì chúng ta thấy người ta làm, mình bắt chước làm theo chứ không hiểu ý nghĩa của nó. Rằm tháng 7 là truyền thống của Phật Giáo, là mùa báo hiếu, họ tin các cô hồn đi lang thang đói khát, nhiều khi có cha mẹ, người thân của mình, nên “thí vàng” để các linh hồn được no, còn mình thì được đức. Người công giáo đem đạo lý hiếu thảo vào cuộc sống của mình thì tốt thôi. Nhưng rất tiếc họ đã bắt chước người ta mà làm điều sai trái. Chúng ta phải chỉnh đốn lại cho đúng đắn. Chúa dạy chúng ta phải hiếu thảo, chẳng những rằm tháng 7, mà tất cả mọi ngày, nhưng người công giáo hiếu thảo với cha mẹ khi đã qua đời bằng cách nhớ đến công ơn của các bậc sinh thành, rồi xin lễ, đọc kinh, cầu nguyện cho họ… Muốn làm việc bác ái thì phải làm cho đúng đắn. Thay vì “thí vàng”, vừa không đúng giáo lý, vừa không tôn trọng người khác, chúng ta quan tâm đến người nghèo bằng cách giúp đỡ họ một cách âm thầm.

Tóm lại, phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết tôn thờ Chúa cho đúng đắn bằng những hành động mà chính Thiên Chúa đã dạy. Đừng chạy theo những thần minh khác, vì chúng ta đã có Thiên Chúa của mình, và Thiên Chúa đòi hỏi sự chung thủy, cũng như chúng ta đâu bao giờ muốn Thiên Chúa bỏ mình. Đừng bắt chước những hành động của người khác, sẽ dẫn đến việc mê tín dị đoan, vì Thiên Chúa đã dạy chúng ta cách thức tôn thờ Ngài. Cứ tin tưởng, yêu thương Chúa thực lòng và thể hiện theo những gì Chúa dạy là lề luật của Ngài. Khi chúng ta sống được như vậy là chúng ta đang nhìn lại đức tin của mình và chấn chỉnh những méo mó, lệch lạc trong đời sống đức tin.

Xin Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, thánh cả Giuse cho chúng con biết sống một niềm tin chân thành, đúng đắn, không phô trương, biểu diễn, cũng không méo mó, lệch lạc để chúng con thẳng tiến trên đường về nhà Cha trên trời.