Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 6 Phục Sinh

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 6 Phục Sinh

Thứ Hai tuần 6 Phục Sinh.

Thứ Ba tuần 6 Phục Sinh.

Thứ Tư tuần 6 Phục Sinh.

Thứ Năm tuần 6 Phục Sinh.

Thứ Sáu tuần 6 Phục Sinh.

Thứ Bảy tuần 6 Phục Sinh.

 

LÀM CHỨNG VỀ THẦY

Thứ Hai tuần 6 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 15,26 – 16,4a

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu. Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.”

Suy niệm

Chúng ta thường cầu xin Chúa Thánh Thần

trước một cuộc tĩnh tâm, một hội nghị hay một cuộc gặp gỡ tìm ý Chúa.

Thánh Thần cho ta ánh sáng để quyết định.

Nhưng Thánh Thần cũng là Đấng ban sức mạnh đỡ nâng,

nhất là lúc Giáo Hội gặp gian nan thử thách.

Bài Tin Mừng hôm nay vẫn nằm trong bối cảnh của sự bách hại.

Các môn đệ sẽ bị ghét bỏ, bắt bớ (Ga 15, 18-20).

Hơn nữa, họ còn bị trục xuất khỏi hội đường và bị giết (Ga 16, 2).

Sau khi Đức Giêsu về trời, ai sẽ là người đứng ra bảo trợ họ?

Ai sẽ là người giúp họ can đảm để làm chứng cho Đấng Phục Sinh?

Đức Giêsu trả lời: chính Thánh Thần, Đấng mà Ngài sai đến từ nơi Cha.

Thánh Thần từ từ tỏ mình ra như một Đấng, một ngôi vị có thực,

đang hiện diện trong lòng từng Kitô hữu và trong cộng đoàn.

Thánh Thần là Đấng ở với anh em,

ở giữa anh em và ở trong anh em (Ga 14, 16-17).

Như thế Đức Giêsu thực sự chẳng lìa xa chúng ta.

Ngài vẫn hiện diện liên tục bên chúng ta, nhờ Thánh Thần Ngài sai đến.

Giáo Hội sơ khai đã có kinh nghiệm sâu xa về Đấng Bảo trợ này,

đặc biệt trong giai đoạn bị bách hại.

Stêphanô là người đầy Thánh Thần (Cv 6, 5).

Khi ông tranh luận với những người Do thái cứng lòng,

Thánh Thần đã ban cho ông lời lẽ khôn ngoan không ai địch nổi (Cv 6, 10).

Trong Thánh Thần, ông đã làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh,

Đấng đang đứng bên hữu Thiên Chúa (Cv 7, 55-56).

Chính lời chứng này đã đưa ông đến cái chết tử đạo đầu tiên.

Cái chết của Stêphanô nhắc ta nhớ lời hứa của Đức Giêsu.

Giờ bị thẩm tra là giờ thánh, giờ làm việc của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Khi đứng trước các nhà lãnh đạo, Đức Giêsu khuyên ta đừng lo phải nói gì,

“vì trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết điều phải nói” (Lc 12,12),

đến nỗi “không phải chính anh em nói,

mà là Thần khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10, 20).

Cái chết của bất kỳ vị tử đạo nào cũng là một sự kết hợp diệu kỳ

giữa lời chứng bằng máu của họ với lời chứng của Thánh Thần ở trong họ.

“Người sẽ làm chứng về Thầy, anh em cũng làm chứng

vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26-27).

Chẳng bao giờ các Kitô hữu hết gặp khó khăn khi còn sống ở đời này,

hết phải làm chứng cho Đức Giêsu trước một thế giới thù nghịch.

Chẳng phải bách hại chỉ có dưới thời các vua triều Nguyễn.

Cuộc sống tiện nghi, dễ chịu thời nay cũng là một thứ bách hại nhẹ nhàng,

khiến nhiều Kitô hữu bị vướng vào và dễ dàng bước qua thập giá.

Xin Thánh Thần thêm sức cho ta khi ta phải lội ngược dòng.

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Thần Khí Sự Sống và Tình Yêu,

xin ban cho con

một thời để yêu và một thời để sống;

để con sống vì tình yêu Thiên Chúa,

để con yêu vì cuộc sống muôn loài.

Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp, cao quý

và biết ghét những điều đê tiện, xấu xa.

Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu,

và dám chết vì những điều mình ghét.

Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống

để mỗi giây phút sống

con đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.

Xin cho con biết đưa cuộc sống vào tình yêu

để từng giây phút yêu,

con đều làm cho cuộc sống thêm giá trị.

Cuối cùng,

xin cho con biết hòa nhập cả hai nên một:

để sống là yêu và yêu là sống,

vì hiểu được rằng Thiên Chúa Hằng Sống

cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.

(NNS)

 

 

CÓ LỢI CHO ANH EM

Thứ Ba tuần 6 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 16, 5-11

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: ‘Thầy đi đâu?’ Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền. Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử; về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.”

Suy niệm

Người Pháp vẫn thường nói: ra đi là chết một chút.

Cuộc chia ly nào cũng đem lại những mất mát buồn phiền.

Khi biết mình sắp phải chia tay Thầy,

các môn đệ cũng không tránh khỏi tâm trạng đó (c.6).

Gần ba năm sống bên Thầy, tuy ngắn ngủi nhưng có bao là kỷ niệm.

“Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy” (c. 5).

Thầy Giêsu đã an ủi bằng cách nói rằng mình đi để dọn chỗ cho họ.

Rồi Thầy trò lại được chung sống bên nhau (Ga 14, 1-3).

Chuyện Thầy về với Cha lẽ ra phải làm họ vui sướng,

vì Thầy được Cha tôn vinh (Ga 14, 28).

Nhưng lý do chính khiến Thầy ra đi là nhằm lợi ích cho môn đệ.

“Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em;

nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (c. 7).

Rõ ràng sau khi Đức Giêsu chết, Phục Sinh, hiện ra nhiều lần và lên trời,

sau khi các môn đệ không còn thấy Ngài nữa,

thì Đấng Bảo Trợ bắt đầu đóng một vai trò quan trọng.

Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, sẽ làm công việc của một người Thầy.

“Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại

mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26).

Thầy Thánh Thần giúp ta hiểu được và đến được với Thầy Giêsu.

Thánh Thần như người phụ đạo, tiếp nối việc giảng dạy của Thầy Giêsu.

Thánh Thần còn là người làm chứng cho Thầy Giêsu nữa,

để các môn đệ cũng can đảm trở nên chứng nhân cho Thầy (Ga 15, 26-27).

“Thầy đi thì có lợi cho anh em” (c.7).

Khi Đức Giêsu hoàn tất phần công việc Cha giao cho mình (Ga 17, 4; 19, 30),

Ngài chuyển giao mọi việc còn lại cho Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ.

Ngài tìm điều có lợi hơn cho sự lớn lên của các môn sinh,

dù Ngài rất yêu họ và muốn được sống gần họ (Ga 13, 1; 17, 24).

“Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14, 18).

Đức Giêsu đến với môn đệ bằng việc sai Thánh Thần.

Đúng là họ sẽ chẳng bao giờ mồ côi, vì họ đã có một Đấng Bảo Trợ.

Trong cuộc sống lắm khi người Kitô hữu thấy Chúa Kitô như vắng mặt.

Buồn chán, thất vọng, xao xuyến, sợ hãi, khô khan chiếm lấy lòng mình.

Không phải lúc nào cũng thấy Chúa gần bên, ấm áp và thân thiện.

Những lúc khó khăn đó lại có thể là dịp để ta tập yêu Ngài cách nhưng không,

tin Ngài chỉ tìm điều có ích hơn cho ta,

và kiên nhẫn đợi chờ quà tặng bất ngờ do Ngài gửi đến.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Thánh Thần,

xin Ngài hãy đến như cơn gió mát

thổi vào đời con,

thổi vào Giáo Hội,

thổi vào thế giới,

để đem lại cho chúng con

sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát.

Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong

chảy vào đời con,

chảy vào Giáo Hội,

chảy vào thế giới,

để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi,

và làm bật dậy

những mầm xanh sự sống nơi chúng con.

Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng

chiếu sáng đời con,

chiếu sáng Giáo Hội,

chiếu sáng thế giới,

để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm,

nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng,

đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu. Amen.

 

 

TOÀN BỘ SỰ THẬT

Thứ Tư tuần 6 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 16, 12-15

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn, Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng nghe gì, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Cha có, đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.”

Suy niệm

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em,

nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.”

Ðức Giêsu khi sắp về với Cha,

đã chấp nhận giới hạn của các môn đệ.

Ngài chưa nói hết được những điều Ngài muốn nói,

nhưng Ngài không muốn ép họ phải cố hiểu.

Cần có thời gian, và nhất là cần Thánh Thần…

Ðức Giêsu chấp nhận ra đi khi việc huấn luyện còn dang dở.

Ngài chấp nhận mình không phải là vị thầy duy nhất:

Sau này, Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều (Ga 14,26).

Ngài cũng chẳng phải là Ðấng Bảo Trợ duy nhất

vì còn một Ðấng Bảo Trợ khác đến sau Ngài (x. Ga 14,16).

Ngài đã vén mở cho các môn đệ thấy sự thật,

sự thật về Cha, về bản thân mình và về con người.

Nhưng Ngài biết rằng cần có Thánh Thần từ từ dẫn dắt

các môn đệ mới hiểu thấu và đi vào toàn bộ sự thật.

Vì lợi ích của họ, Ðức Giêsu sẵn sàng ra đi (x. Ga 16,7),

để nhường chỗ cho Ðấng Cha và Ngài sai đến.

Ðức Giêsu chẳng tìm mình, và Thánh Thần cũng vậy.

Thánh Thần chỉ có sứ mạng

là đưa con người đến với Cha và Con là Ðức Giêsu.

Ngài chẳng tìm vinh quang cho mình,

nhưng chỉ tìm tôn vinh và làm chứng cho Ðức Giêsu.

Cha cũng chẳng tim mình.

Cha chẳng giữ gì làm của riêng.

“Mọi sự Cha có đều là của Thầy” (c.15)

Cha là nguồn mạch luôn trào dâng qua Con.

Con là Con vì đón nhận tất cả từ Cha.

Tình yêu liên kết Cha và Con là Thánh Thần,

Khi chiêm ngắm thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi,

chúng ta thấy đó là một cộng đoàn lý tưởng.

Mỗi ngôi vị đều sống cho hai ngôi vị kia.

Yêu thương và hiệp thông với nhau đòi từ bỏ

Nhưng từ bỏ lại làm cho mỗi ngôi vị trọn vẹn là mình,

và sống trong hạnh phúc viên mãn.

Thiên Chúa của Kitô giáo là một cộng đoàn yêu thương,

nhưng thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi lại không khép kín.

Thế giới ấy vươn ra ngoài mình,

để cho hạnh phúc tuôn đổ trên toàn bộ công trình sáng tạo.

Cha yêu loài người đến độ sai Con Một làm người.

Con yêu loài người đến độ dám sống và chết cho họ.

Thánh Thần yêu loài người đến độ luôn ở bên để ủi an nâng đỡ.

Cả Ba Ngôi cùng nhau lo cho loài người.

Ước mơ lớn nhất của Ba Ngôi là đưa cả nhân loại

đi vào thế giới thần linh của mình,

để mỗi người được hưởng hạnh phúc làm con trong Chúa Con.

Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu mở ra, chia sẻ, mời gọi.

Tình yêu đích thực bao giờ cũng khiêm hạ đợi chờ.

Chúng ta tự hỏi mình có sẵn sàng mở ra

để Chúa đi vào thế giới của mình

và để mình đi vào thế giới của Chúa không?

Cầu nguyện

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ. Amen.

 

 

NỖI BUỒN TRỞ THÀNH NIỀM VUI

Thứ Năm tuần 6 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 16, 16-20

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.” Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giêsu hỏi nhau: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’?” Vậy các ông nói: “ ‘Ít lâu nữa’ nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì!” Đức Giêsu biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”

Suy niệm

Trong bầu khí của bữa Tiệc Ly,

Thầy Giêsu nói với các môn đệ một câu đối với họ là khó hiểu:

“Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy,

rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (c. 16).

Câu này có thể dễ hiểu với chúng ta

vì chúng ta biết rõ cái chết trên thập giá đang chờ Thầy Giêsu.

Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi,

cái chết này sẽ khiến các môn đệ không còn được thấy Thầy nữa.

Chúng ta cũng biết rằng chỉ một thời gian ngắn sau,

Thầy Giêsu lại được Phục Sinh, và đã hiện ra cho các môn đệ thấy.

Mất Thầy là một thử thách lớn trong đời người môn đệ.

Thầy là chỗ dựa, là lý do khiến họ chấp nhận cuộc sống bấp bênh này.

Chính Thầy đã gọi, đã kéo họ ra khỏi gia đình và nghề nghiệp ổn định

để lang thang đó đây, sống nhờ lòng tốt của những người nghe giảng.

Gần ba năm sống bên Thầy, chia sẻ ngọt bùi, thành công thất bại,

tình Thầy trò gần gũi như tình bạn hữu.

Bây giờ mất Thầy, họ sẽ đi đâu và đi với ai?

Cái chết trên thập giá của Thầy là đại tang của một người thân.

Nỗi đau này được nhân lên nhiều lần

vì họ đã không dám có mặt để lo liệu việc mai táng.

“Anh em sẽ khóc lóc và than van… Anh em sẽ buồn phiền…” (c.20).

Khi tảng đá đã khép kín ngôi mộ, chẳng còn thấy Thầy nữa,

khi thế gian và thủ lãnh của nó hả hê vui sướng vì chiến thắng,

liệu các môn đệ có vượt qua được nước mắt đau đớn này không?

“Ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… (c. 16)

và nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (c. 20).

Anh em sẽ lại thấy Thầy lúc Thầy hiện ra gặp anh em sau Phục Sinh,

lúc Thầy sai Thánh Thần đến ở với và nâng đỡ anh em,

và nhất là lúc Thầy đồng bàn với anh em trong bữa tiệc Thiên quốc.

Khi gặp lại Thầy và nhận ra Thầy đang sống,

thế nào anh em cũng hết phiền muộn đắng cay.

Nỗi buồn của anh em tan biến khi anh em biết rằng

Thầy mới là người chiến thắng.

Đời sống người Kitô hữu đan xen giữa vui với buồn.

Có lúc thấy mất Chúa và mất hướng, thấy thất vọng và buồn chán.

Chúng ta phải chia sẻ cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa mỗi ngày.

Nhưng rồi ngày nào đó, Chúa lại đến thăm, lại tỏ mình, lại vỗ về an ủi.

Niềm vui trong ta như sống lại với bao hy vọng dâng trào.

Chỉ xin đừng bỏ đi khi thấy Chúa vắng bóng và thất bại trong đời ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

có những ngày con cảm thấy

đời sống thật nặng nề;

có những lúc con muốn buông trôi,

để mặc cho dòng đời đưa đẩy;

có những khoảng thời gian dài,

con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.

Xin cho con ánh sáng của Chúa

để con biết lối mà đi.

Xin cho con tấm bánh của Chúa

để con có sức mà dấn bước.

Xin cho con Lời của Chúa

để con vững một niềm tin.

Xin cho con sự sống của Chúa

để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,

niềm vui và sáng tạo.

Lạy Chúa Giêsu,

con thấy mình cần Chúa

trong mỗi giây phút của cuộc đời.

Ước gì ai gặp con

cũng gặp được sự hiện diện của Chúa. Amen.

 

 

LÒNG ANH EM SẼ VUI

Thứ Sáu tuần 6 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 16, 20-23a

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.”

Suy niệm

Hiếm khi một đoạn Tin Mừng ngắn

mà lại có nhiều từ nói đến niềm vui, nỗi buồn như vậy.

Khi sắp bước vào cuộc Khổ nạn,

Đức Giêsu không giấu các môn đệ về những thử thách đang chờ họ.

Khóc lóc, lo buồn, than van là những điều họ sẽ phải trải qua (c. 20).

Nhưng tâm trạng đó chỉ là tạm thời.

Niềm vui khi thấy Thầy Phục Sinh mới là điều còn mãi (c. 22).

Không có một Kitô giáo buồn.

Niềm vui là một trong những nét đặc trưng của Kitô giáo,

bởi lẽ Kitô giáo phát sinh từ Tin Mừng rộn rã, từ tiếng reo Halleluia:

Đức Kitô đã sống lại rồi và đang ở giữa cộng đoàn tín hữu.

Niềm vui ấy vẫn được diễn tả qua nhiều hình thức,

qua tiếng chuông chiều cao vút của nhà thờ,

qua các bài thánh ca dìu dặt đưa hồn bay lên gặp Đấng Tuyệt đối,

qua những nụ cười tươi và tà áo muôn màu của giáo dân đi lễ mỗi Chúa nhật.

Nhưng niềm vui không chỉ có ở nơi nhà thờ, mà còn ở mọi nơi.

Niềm vui trên khuôn mặt một nữ tu cúi xuống vết thương của người phong.

Niềm vui háo hức của một thanh niên bỏ tất cả để xin vào nhà Tập.

Niềm vui bình an của những vị tử đạo Việt Nam trên đường ra pháp trường.

Không thể hình dung một Kitô giáo mà không có niềm vui.

Kitô giáo buồn thì chẳng phải là Kitô giáo nữa.

Thế giới hôm nay có quá nhiều cách để làm cho người ta vui.

Niềm vui dường như có thể mua được bằng tiền.

Người ta tưởng càng sở hữu nhiều, càng hưởng thụ nhiều thì càng vui.

Nhưng chính lúc đó người ta lại rơi vào sự buồn chán.

Thế giới hôm nay là một thế giới buồn.

Ba mươi ngàn người Nhật tự tử trong một năm.

Hiện nay ở Hàn Quốc đang lan rộng tình trạng tự tử tập thể.

Khi đời sống vật chất quá đầy đủ, thừa mứa,

người ta lại không biết mình sống để làm gì.

Kitô giáo phải có khả năng đem lại niềm vui cho thế giới,

không phải thứ niềm vui rẻ tiền, vì mua được một trận cười thâu đêm,

nhưng là thứ niềm vui của người tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Người mẹ phải chịu buồn phiền, đau đớn khi sinh con,

nhưng sinh rồi thì vui sướng, chẳng còn nhớ đến chuyện vượt cạn (c. 21).

Kitô giáo không né tránh đau khổ, cũng không tìm con đường diệt khổ,

nhưng đón lấy đau khổ và tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu.

Như người mẹ chịu đau để đứa con chào đời,

người Kitô hữu vui sướng vì thấy hoa trái của những gian truân thử thách.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,

nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười

khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.

Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.

Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau

khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.

Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.

Nụ cười ấy hòa với niềm vui

của người được lành bệnh.

Lạy Chúa Giêsu,

có những niềm vui

Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,

có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.

Xin dạy chúng con biết tươi cười,

cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.

Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,

dù không phải tất cả đều màu hồng.

Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,

nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.

Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,

vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương

và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

 

 

CHÚA CHA YÊU MẾN ANH EM

Thứ Bảy tuần 6 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 16, 23b-28

Khi ấy, Đức Giêu nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn. Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”

Suy niệm

Allah là tên của Thiên Chúa trong Hồi giáo.

Ngài được tôn kính bằng 99 danh hiệu khác nhau:

Đấng Tối cao, Đấng Nhân hậu, Đấng Toàn năng, Đấng Vĩnh cửu…

Danh hiệu thứ 100 sẽ được mặc khải ở đời sau.

Nhưng Allah không bao giờ được gọi là Cha,

vì Ngài không sinh con.

Kitô giáo yêu mến Đức Giêsu và tin Ngài là Con Thiên Chúa.

Thiên Chúa chính là Cha của Đức Giêsu.

Đức Giêsu vẫn gọi Thiên Chúa bằng tiếng Abba thân thương.

Cuộc đời Đức Giêsu nơi trần gian giống như một cuộc ra đi và trở về.

Ngài từ Thiên Chúa Cha mà đến thế gian (cc. 27-28),

rồi Ngài lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha, sau khi hoàn thành sứ vụ.

Sứ vụ của Ngài là vén mở cho môn đệ về Chúa Cha (c. 25),

và đưa họ đi vào chỗ thân tình gần gũi với Người Cha ấy.

Chúa Cha ở trong thế giới thần linh,

nhưng thế giới ấy lại có những cửa sổ mở ra với thế giới con người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu kêu mời các môn đệ

hãy mạnh dạn đến với Cha và nài xin.

Đây là điều trước đây họ chưa từng làm (c. 24a).

Đã đến lúc mạnh dạn đưa ra những thỉnh nguyện nhân danh Thầy Giêsu.

Nhân danh Thầy Giêsu mà xin cùng Chúa Cha

là điều vẫn nằm ở phần cuối của mỗi lời nguyện trong Giáo Hội.

Khi cầu xin nhân danh Thầy Giêsu, chúng ta hiệp nhất với Thầy,

nên lời xin của chúng ta dễ được Chúa Cha đoái nhận.

Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta mọi sự nhân danh Đức Giêsu (c. 23).

Hơn thế nữa, chính Chúa Cha cũng yêu mến chúng ta (c. 27),

và muốn cho chúng ta ơn lớn nhất

là đi vào tương quan với Ba Ngôi ngay từ khi còn sống ở trần gian.

“Cứ xin đi, anh em sẽ được,

để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (c. 24).

Khi sắp được về hưởng niềm vui bên Chúa Cha (Ga 14, 28),

thấy các môn đệ buồn phiền, Thầy Giêsu đã nói nhiều về niềm vui.

Thầy muốn chia sẻ cho họ niềm vui của mình,

Ba lần Ngài nói đến niềm vui trọn vẹn hứa ban cho họ (Ga 15,11; 16,24; 17,13).

Ngài còn hứa cho họ niềm vui mà không ai sẽ lấy được (Ga 16, 22).

Chuẩn bị mừng lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta xin được niềm vui đó,

niềm vui của những người đã chạm đến trời cao.

Cầu nguyện

Lạy Cha từ ái,

đây là niềm tin của con.

Con tin Cha là Tình yêu,

và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.

Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,

cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,

cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,

con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.

Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,

chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.

Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất

cũng có một đốm lửa của sự thiện,

được vùi sâu dưới những lớp tro.

Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành

cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.

Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,

thế giới vẫn tồn tại

nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.

Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.

Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.

Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ

đang chuyển mình tiến về với Cha,

qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu

và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.

Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,

vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,

mọi dị biệt, thành kiến,

để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời

mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.

Lạy Cha, đó là niềm tin của con.

Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.