Năm Căn yêu dấu – Lm Piô Ngô Phúc Hậu

print

Năm Căn yêu dấu

Mình và Mai giã từ Cần Thơ ngày 22.5.1971 để đi Cà Mau. Nhà thờ Bảo Lộc là chỗ dừng chân. Ngày 23.5.1971 hai anh em đi thăm Hòa Thành và Quản Long, vì đây là lần đầu tiên mình đến Cà Mau.

Trong bữa ăn sáng, ngày 23.5 mình tâm sự với cha Trần Hữu Phước, chánh sở Bảo Lộc, Cà Mau.

– Xin ông Tư cho chúng con đi Năm Căn càng sớm càng tốt.

– Không – Hai nhà truyền giáo cứ ở đây. Tôi sẽ cho làm nhà xứ Năm Căn. Khi nào xong sẽ có trực thăng rước hai cha đi.

– Xin ông Tư tha cho chúng con khỏi đi trực thăng. Chúng con là dân, thì chúng con đi tàu đò như mọi người.

– Đi tàu đò nguy hiểm lắm. Việt cộng có thể chặn tàu ở chỗ kinh Cái Nháp bất cứ lúc nào.

– Kệ. Không sao đâu ông Tư ạ.

– Nếu hai cha quyết tâm đi tàu đò thì tùy ý. Tôi sẽ kêu ông Ba Ninh và ông Ba Chữ hướng dẫn hai cha.

Sáng sớm ngày 24 tháng 5, chiếc xe lôi chở mình, Mai, ông Ba Ninh và ông Ba Chữ qua bến đò Kinh 16. Bốn người khom lưng chui vô tàu Hiệp Mậu đang nổ máy xình xình. 8 giờ 20 tàu rời bến, quay mũi 180o, trực chỉ hướng Nam. Chừng năm chục khách ngồi hai hàng dựa lưng vào mạn tàu, quay mặt nhìn nhau, nhưng chẳng thấy nhau, vì hàng hóa chất đầy lòng tàu, từ sàn tới mui. Người nhìn người mới thích. Nhìn bức tường hàng hóa từ giờ này qua giờ khác, chẳng có gì hứng thú cả. Mình trèo lên mui, ngồi phơi nắng để thấy người và trời mây nước.

Con nước mồng một dềnh lên đầy ắp. Mênh mông. Xuồng chèo nhiều hơn xuồng máy. Đàn bà nhiều hơn đàn ông. Người này chèo xuồng đi bán, người kia chèo xuồng đi mua. Lâu lâu lại xuất hiện một bóng đàn ông mặc quần áo màu cứt ngựa, đứng sừng sững ở đầu xuồng. Chắc là lính địa phương quân, quá giang xuồng, đi về một đồn nào gần đó.

Con tàu đang ngon trớn thì bỗng có tiếng nổ “pòm”. Người tài công sang số. Ống pô xịt khói đen. Tiếng máy rú lên rồi xìu xuống. Mũi tàu từ từ ghé bờ. Mặt tài công ỉu xìu như bánh bao thiu, thò đầu qua cửa sổ.

– Có gì không sếp?

– Ngày mai mày về thì mua giùm tao hai ký tôm khô nha. Rồi ngày mốt thì mua giùm tao một thùng dầu lửa. Nhiêu mày?

– Có nhiêu đâu mà sếp phải hỏi. Để tụi em lo.

Con tàu lại sang số de, nhả một bụm khói, rồi lao đầu vào kinh xáng Đội Cường. Anh tài công chửi thề rồi nói lầm bầm gì đó, mình nghe không rõ.

Kinh xáng Đội Cường dài 9 cây số, thẳng tắp, nối liền sông Gành Hào với sông Bảy Háp. Hai bờ rậm rịt. Vườn cây ăn trái màu xanh bát ngát lâu lâu lại thấy thấp thoáng một bóng nhà tường. Êm ả quá chừng! Cảnh sắc tuyệt vời!

Hết 9 cây số thẳng băng, con tàu cụt hứng chui vào sông Bảy Háp ngoằn ngoèo như con rắn bò. Có một ai đó nói bâng quơ: “Chỗ này dám có Việt cộng lắm đó nha”. Vài người giật mình, nhéo đùi nhau, rồi cười nhạt, gởi gắm đời mình cho Trời Phật và số mạng.

“Giô giô”. “Pin, pin”. Tiếng người hô. Tiếng còi hụ. Tàu ghé bến chợ Chà Là. Xuồng ghe như lá tre. Người lên kẻ xuống nườm nượp. Hàng hóa được cu li khuân xuống hết một phần ba tàu. Trẻ con bán cà rem, chuối chiên, mía ghim, bánh mì và xôi… rao hàng chí chóe như bầy chim vỡ tổ.

Chà Là là một thị tứ sầm uất, là giao điểm giữa Năm Căn và Cà Mau, giữa vùng giải phóng và vùng quốc gia. Tàu Năm Căn đi Cà Mau ghé Chà Là để lấy khách. Tàu Cà Mau đi Năm Căn ghé đây để xuống hàng. Mình ghi khắc hai chữ Chà Là vào trong tim. Mình quyết tâm sẽ đặt chân lên đây để xây trường học, để xây nhà thờ.

Tàu hụ còi, sang số de. Mình chào Chà Là, hẹn ngày tái ngộ. Vừa rời Chà Là được một quãng thì hai nòng đại bác đen ngòm xuất hiện bên tay phải. Người ta bảo đây là đồn Giá Ngựa. Có người khoe sự thông minh bảo rằng nó là Giá Ngự, vì vua Gia Long ngày xưa trên đường bôn tẩu đã ngự giá đến đây. Nghe thế thì biết thế, chứ mình chưa tin. Điều mình muốn tin đó là hai nòng 105 kia đã khạc ra biết bao nhiêu khói lửa. Nó là tên tử thần có khả năng kiểm soát sự sống trên một diện tích 380 cây số vuông. Nó đang nhỏng mỏ nhìn trời. Rất vô tư. Nó đang tham chiến một cách vô tội vạ, vì nó là công cụ vô tri của một cuộc chiến không vô thức. Buồn đến chết được!

Không thèm nhìn hai khẩu pháo 105, mình quay sang phía bờ trái. Một lát sau, lại một địa danh buồn cười: đập Bà Hính. Quán xá lưa thưa. Bóng người thấp thoáng. Dân Bà Hính chẳng quê mùa hơn ai. Nhưng hễ cứ thấy ai quê quê một tí, thì bia miệng lại thì thào “Dân Bà Hính”. Oan khiên quá chừng!

Bỏ đập Bà Hính chừng ba cây số, thì tàu đò lại hụ còi, chuẩn bị ghé bến. Chợ Cái Keo cũng rất sầm uất, chỉ thua Chà Là một bậc. Người ra đón tàu có cả lính lẫn thường dân. Khách lên ùn ùn. Hàng hóa bốc lên dập dìu. Lại om sòm tiếng rao bán bánh cam, cà rem và bánh bao. Anh tài công rên rỉ: “Tàu gãy láp rồi. Bà con vui lòng chờ”.

Mình coi đồng hồ: hai giờ chiều. Trễ quá rồi!

Hai chiếc tàu của hải quân: một Alpha; một Tango cặp sát tàu đò. Một anh trung úy hải quân nhảy sang mũi tàu đò, tiến lại sát bên mình. Anh giơ tay chào kiểu nhà binh, rồi nghiêm nghị vào đề:

– Chúng con được lệnh chờ hai cha ở đây từ 11 giờ trưa, để hộ tống hai cha về Năm Căn. Tàu cây gãy láp rồi, chưa biết bao giờ mới sửa xong. Nếu hai cha quyết định đi tàu cây, thì chúng con cũng phải chờ. Nhưng sợ trễ quá. Khúc kinh Cái Nháp nguy hiểm lắm, Việt cộng xuất hiện thường xuyên. Nếu được, xin hai cha bỏ tàu cây qua tàu sắt, để chúng con đưa hai cha về Năm Căn ngay bây giờ.

– Khó nghĩ quá. Đi tàu sắt thì sợ Việt cộng hiểu lầm. Đi tàu cây thì tội nghiệp các anh phải chờ… và có thể bị ăn B40.

Mình cúi mặt nhìn hai bàn chân vài giây, rồi vỗ vai anh trung úy: “Thôi mình qua tàu sắt, để đi ngay”. Mình ngoắc cha Mai và hai ông Ba, biểu xách đồ nhảy vội sang chiếc Alpha. Hai tàu sắt nối đuôi nhau đi vào vàm kinh Cái Nháp. Bốn khẩu đại liên 50 đua nhau sủa vào hai bên rừng đước bịt bùng. Đạn bay chéo chéo. Cành đước gãy răng rắc, lá rơi lả tả. Kinh Cái Nháp hồi ấy chỉ rộng bằng một phần ba bây giờ. Vừa ngoằn ngoèo vừa bịt bùng. Mình tưởng tượng có một cặp ống nhòm nào đó đang ghi nhận hình ảnh hai bóng áo dòng đen, đứng trên tàu sắt, bên cạnh khẩu đại liên 50. Oan khiên vô cùng!

Sau này mình mới biết là cha Phước gọi điện cho Trung tá Tuyên yêu cầu cho tàu sắt hộ tống tàu cây từ Cái Keo về Năm Căn. Không những thế Biệt động quân cũng được lệnh nằm đường để bảo vệ cả tàu sắt lẫn tàu cây. Vô tình mình bị lọt vào quỹ đạo chánh trị của cha Phước. Rõ ràng là “được” yêu thương, nhưng thực tế chỉ là “bị” yêu. Đúng là tránh vỏ dưa, đạp vỏ dừa. Mình cứ ân hận mãi về chuyến đi không ngờ này.

4g20 mình đặt chân lên đất Năm Căn, mở màn cho một đời truyền giáo bồng bềnh trôi nổi như một trái mắm. Hôm nay đầy bất trắc. Ngày mai chưa biết là gì.

Trời mưa lất phất. Mình và cha Mai xách túi đi theo ông Ba Ninh và ông Ba Chữ vào nhà anh Tư Quang, thợ may, ở ngay trước nhà lồng chợ. Anh Tư có đạo, còn vợ con thì không. Mình ở đậu nhà anh Tư một tháng, ngủ chung với cha Mai trên một bộ ván. Nằm nghiêng thì dư một tí. Nằm ngửa thì vừa đủ. Nằm co thì thiếu. Cắn răng chịu.

Cuộc đời truyền giáo của mình được khởi đầu như thế đó. Cực lắm, nhưng không thấy khổ. Chỉ thấy hôm nay. Không bao giờ thấy ngày mai. Có một bàn tay vô hình cứ dắt mình đi, y như cái GPS (định vị toàn cầu) nhắc nhở và chỉ đường cho anh tài xế lái xe đi vào một thành phố xa lạ.

Trích “Như Trái Mắm”

Lm Piô Ngô Phúc Hậu

Nguồn Báo cgvdt