Ngày 1 tháng 11:Thánh Hiêrônimô Hermosilla Liêm (Vọng), Thánh Valentinô Berrio Ochoa Vinh, Thánh Phêrô Almatô Bình

print

Ngày 1 tháng 11:

Thánh Hiêrônimô Hermosilla Liêm (Vọng),

Thánh Valentinô Berrio Ochoa Vinh,

Thánh Phêrô Almatô Bình

 

Ngày 1 tháng 11:Thánh Hiêrônimô Hermosilla Liêm (Vọng),Giám mục (1800-1861) 

Ngày 1 tháng 11:Thánh Valentinô Berrio Ochoa Vinh,Giám Mục (1827-1861) 

Ngày 1 tháng 11 :Thánh Phêrô Almatô Bình,Linh mục (1831-1861)

 

Ngày 1 tháng 11:Thánh Hiêrônimô Hermosilla Liêm (Vọng),Giám mục (1800-1861)

Thánh Hierônimô Hermosilla có tên Việt Nam là Vọng, khi được vinh thăng Giám mục thì đổi là Liêm sinh ngày 30 tháng 12 năm 1800 tại Santo Domingo de la Calzada, nước Tây Ban Nha, con của cụ ông Augutinô và cụ bà Catarina Hermôsilla, gia đình tuy nghèo về vật chất nhưng lại rất giầu có về lòng đạo đức và tình bác ái.

Ngay từ nhỏ cậu Hermôsilla đã được theo học với các cha dòng Biển Đức và đã ước mong được vào dòng Biển Đức từ lúc 15 tuổi. Nhưng khổ nỗi là vào thời điểm ấy nước Tây Ban Nha đang chịu sự thống trị của vua Napôlêon I, vua ra lệnh các dòng khổ tu không được phép nhận thêm người. Do đó cậu Hermosilla được giới thiệu qua học tại chủng viện giáo phận Valencia do các cha dòng Đa Minh điều khiển. Duyên kỳ ngộ này Chúa đã xếp đặt để đưa Hermôsilla tới dòng Đa Minh và Hermôsilla đã nhận áo Dòng Đa Minh lúc 19 tuổi.

Thời đó, đầu thế kỷ 19 tại Tây Ban Nha đang là thời kỳ Cách Mạng, một đảng nổi lên lật đổ chính quyền nhà vua và bắt bở Giáo Hội. Nhiều tu viện, thánh đường bị tàn phá, bị đóng cửa và giải tán. Tu viện dòng Đa Minh tại Valenza cũng chung một số phận. Nhà dòng bị giải tán, Hermôsilla trở về với gia đình rồi theo lệnh nhập ngũ. Hoàn cảnh đưa đẩy này làm cho Hermôsilla rất hoang mang và đau buồn khổ sở.

Tới đầu năm 1823 vua Tây Ban Nha đã khôi phục lại quyền bính, Giáo Hội trở lại cảnh bình an. Các Dòng tu lại đua nhau mở lại sinh hoạt vui vẻ. Hermôsilla vui mừng trở về Valenza rồi xin trở lại tu viện Đa Minh và ngày 29 tháng 10 năm 1823 thầy Hermôsilla được tuyên khấn  vĩnh thệ và lãnh chức Phó Tế. Vì lòng khát khao được đi truyền giáo tại Viễn Đông nên mặc dầu chưa lãnh chức linh mục thì thầy Hermôsilla đã làm đơn ghi danh vào số những người tình nguyện đi truyền giáo tại Viễn Đông. Sau hai năm, Bề trên chọn thầy Hermôsilla cùng với 11 tu sĩ khác khởi hành từ hải cảng Cadiz để đi Manila. Tât cả 12 chiến sĩ trẻ trung đầy nhiệt huyết hăng hái lên đường theo tiếng Chúa gọi như thánh Phaolô xưa trước cửa biển Macedonia: Xin Ngài sang đây cứu vớt chúng tôi (TĐCV. 16,9).

Sau hơn năm tháng trời lênh đênh trên biển cả, con tàu chở đoàn chiến sĩ của Chúa tới Manila bằng an. Sau ít tháng thầy Hermôsilla lãnh chức linh mục tại Manila, thủ đô của Phi Luật Tân rồi làm việc mục vụ tại.đây.

Ngày 23 tháng 10 năm 1828, cha Hermôsilla vui mừng nhận được lệnh của bề trên lên đương đi truyển giáo tại Viễn Đông.Ước nguyện của cha từ lúc 15 tuổi nay đã thành, cha mau mắn xuống tàu qua ngã Macao để tới Việt Nam Cùng đi với cha còn có ba nhà truyền giáo thuộc Hội Thừa Sai Paris nữa. Ngày 15 tháng 5 năm 1829 các ngài.tới Thái Bình. Sau đó cha Hermôsilla tới Trung Linh thuộc giáo phận Bùi Chu ngày nay Hai năm sau là những năm 1830-1832 đạo Chúa bị bách hại khủng khiếp, giáo dân lại quá đông đảo mà chỉ còn ba vị Tông Đồ của Chúa là Đức Cha Delgado Y, Đức Cha Hernares Minh, cha Tổng Quản Fernandez Hiền. Tất cả ba vị đều đã cao niên và chuyên môn sống trong hầm hố, hết nơi này tới khác để tránh bị nhòm ngó, rình bắt ngày đêm. Do đó chỉ còn cha Hermôsilla trẻ trung  nên các Đức Cha đặt rất nhiều hy vọng nơi vị Tông Đồ trẻ trung đầy nhiệt huyết này., Đức cha Hernares đặt tên Viêt Nam cho cha Hermôsilla là Vọng

-ngụ ý là niềm hy vọng của các ngài tại Việt Nam- trong giai đoạn này, các ngài làm việc mục vụ thật vô cùng cực nhọc vì phải lén lút, ẩn trốn ngày đêm vì vua Minh Mạng ra sắc lệnh cấm đạo rất nghiêm khắc. Tại tỉnh Nam Định, tổng đốc Trịnh Quang Khanh sau khi đã bị triệu về kinh nghe khiến trách vì đã lơ là trong việc bắt đạo nên khi trở về, ông đã ra công ra sức tìm mọi cách thi hành lệnh cấm đạo của vua. Ông đích thân đi truy nã, bắt bớ các tín hữu và các đạo trưởng trong toàn tỉnh. Chỉ trong vòng sau hai tháng, Đức Cha Delgado Y, Đức Cha Hernares Minh, cha Tổng Quản Fernandez Hiền đều bị bắt, chỉ còn lại người chiến sĩ trẻ trung là cha Hermôsilla Vọng còn đang ẩn trốn. Nhờ sức khoẻ và sự lanh lợi nên cha Hermôsilla lẩn trốn rất giỏi, lúc biến lúc hiện, tùy ở tin tức giáo dân liên lạc về, để rồi cao chạy xa bay hay nằm lì ở một xó hầm nào chờ cho tới thời cơ thuận lợi. Có lần ngài giả vờ nằm chết trong một quan tài để người ta khiêng qua trạm gác. Lần khác nhờ trời mưa như thác lũ, ngài che râu, đội nón lá, đi chân không, thắt lưng xắn quần lên cao, lấy bùn trát vào chân tay mặt mũi, và cứ thản nhiên đóng vai người hầu bám đuôi con ngựa chạy theo một ông Chánh Tổng Việt Nam đang bệ vệ ngồi trên lưng ngựa hồng. Nhờ mưu kế này mà cha.đi từ Trung Linh tới Phúc Nhạc Phát Diệm bằng an.

Ngày 25 tháng 4 năm 1841 Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI vinh thăng cha làm Giám mục và được Đức Cha Retord Liêu tấn phong. Cả hai vị Giám mục này đã được Toà Thánh chỉ định để thay thế các Đức Giám mục tiền nhiệm đã bị bắt vì Đạo Chúa. Sau khi nhận chức Giám mục, Đức cha Hermôsilla Vọng đổi tên là Liêm (có khi cũng gọi là Tuấn để tránh sự theo dõi của vua quan), Đức cha xin Toà Thánh tấn phong Giám mục cho cha Romuala Jimeno Lâm làm Giám mục Phó. Về sau Đức Cha Romuala Jimeno Lâm được thuyên chuyển về làm Giám mục tại Manila.

Trong thời gian bảy năm dưới triều vua Thiệu Trị tình thế bắt đạo tạm thời lắng dịu, nhờ thế mà Đức Cha Hermôsilla Liêm cho tu sửa các nhà thờ bị tàn phá, mở lại các trường dạy giáo lý, tổ chức các tuần đại phúc cho các đoàn thể, xứ đạo, tìm lại những con chiên vì yếu đuối đã lâu ngày bỏ đạo, phát động chiến dịch lần hạt kinh Mân Côi, lập lại các Chủng viện, khôi phục lại các nhà dòng, lo đào tạo các linh mục và chính ngài đã truyền chức linh mục cho 7 tân linh mục.

Công việc đáng ghi nhớ nhất của Ngài là năm 1848 Ngài đã xin Đức Giáo Hoàng Piô IX đã chia giáo phận Đông Đàng Ngoài thành hai giáo phận Bùi Chu (Trung Đàng Ngoài) và Hải Phòng (Đông Đàng Ngoài). Từ đây mỗi giáo phận tự tổ chức lấy công việc truyền giáo và mục vụ theo những nhu cầu đòi hỏi của mỗi giáo phận.

Từ năm 1851 tới 1860 vua Tự Đức đã ra 5 sắc chỉ bắt đạo và mỗi sắc chỉ lại càng thêm gay gắt khốc liệt thêm. Vua tăng tiền thưởng từ 100 tới 300 lạng bạc cho những ai chỉ điểm bắt được các đạo trưởng. Đức Cha Hermôsilla Liêm phải ba lần đổi tên (Vọng, Liêm, Tuấn), đi đâu cũng phải lén lút, tàng hình, bôi mặt lem luốc và trú ẩn trong các hang hầm ẩm thấp. Di chuyển từ Đông Xuyên tới Kẻ Né, Đông Bài, Trại Mới, tức xứ Đông Xá v.v. đến chủng viện Kẻ Mốt tỉnh Hải Dương thật là khó khăn, vượt thoát trăm ngàn nguy hiểm. Dù khó khăn trước nhiều thách đố, Đức Cha vẫn kiên trì tìm mọi cách để lui tới những địa điểm này lo việc giảng dạy cứu giúp các linh hồn.

Sắc chỉ độc ác nhất của vua Tự Đức năm 1860 là sắc lệnh Phân Sáp. Chiếu theo đó, hết mọi người theo đạo Thiên Chúa, bất cứ nam nữ, giầu nghèo, già trẻ đều bị phân tán vào các làng lương dân. Nhận được sắc lệnh này, từ linh mục tới giáo dân đều bàng hoàng sợ hãi. Chính Đức Cha Hermôsilla Liêm cũng bàng hoàng run sợ và hình như Ngài đã linh cảm được số phận tương lai của mình.Vì sắc lệnh gay gắt khốc liệt này cho nên ngay cả các hầm trú ẩn cũng bị phát giác. Các linh mục bị bắt khắp nơi, Đức cha Hermôsilla Liêm cũng không còn nơi trú ẩn! Trước đây cả làng Nam Am số người lương rất đông. Họ đối xử rất tốt với người Công giáo, họ sẵn sàng đón nhận giáo dân, linh mục và ngay cả các linh mục ngoại quốc tới ở trong gia đình của họ, nay vì sắc lệnh Phân Sáp độc ác này nơi đây cũng đã trở nên khó khăn đầy nguy hiểm! Khi ấy thầy giảng Giuse Nguyễn Duy Khang cũng đang ấn lánh tại đây bàn cho Đức Cha về lại Hải Dương. Nơi đây trong một thời gian ngắn ngài gặp iạI Đức Cha Berrio Ochoa Vinh và cha Amato Bình, cả hai vị cùng là dòng Đa Minh cũng đang ấn lánh mong thoát cuộc bách hại. Ban ngày mỗi người đi một nơi, giả làm nghề chài lưới, đánh tôm cá, tìm cách gặp gỡ giáo dân để khuyên bảo và ban các bí tích cho họ, ban đêm trở về tập họp dâng lễ cầu nguyện chung với nhau..

Đức cha Hermôsilla Liêm và thầy giảng Giuse Nguyễn Duy Khang ẩn trú trong nhà ông trưởng Bính được một thời gian rất an toàn. Nhưng rồi một hôm cha con ông trưởng Bính không hiểu có chuyện gì bất bình, cãi nhau lớn tiếng. Người con trai tức với bố liền đi tố cáo trong nhà có đạo trưởng ẩn trú. Thế là ông Đội Bằng đang làm Chánh Tổng đem quân tới bao vây bắt luôn Đức Cha và thầy giảng. Đức Cha thì họ nhốt trong cũi còn thầy giảng Giuse Nguyễn Duy Khang thì bắt đeo gông và xiềng xích điệu về tỉnh Hải Dương, hôm đó là ngày 21 tháng 10 năm 1861.

Về tới Hải Dương, quan tổng đốc tỉnh mở cuộc thẩm vấn Đức Cha một cách khá tỉ mỉ Quan hỏi:

– Tới Việt Nam, ông đã đi qua những nơi nào:

Đức Cha trả lời:

– Tôi nay ở chỗ này mai ở chỗ khác, không có nơi nào nhất định

– Ông có biết đức Vua đã ra lệnh cấm Tây Phương đạo trưởng không được phép giảng đạo Gia Tô không?

– Tôi biết

– Thế tại sao ông không tuân lệnh vua?

– Tôi chỉ có bổn phận vâng lệnh vua khi lệnh ấy không ngược lại với giáo lý đạo Thiên Chúa mà thôi.

– Ông đem tà đạo vào mê hoặc dân chúng. Theo sắc chỉ

đức vua thì ông sẽ bị án tử, ông biết không?

– Đạo Thiên Chúa là đạo chân chính. Đạo dạy con người biết tôn thờ vị Thượng Đế là Đấng tạo thành trời đất và yêu thương nhân loại, để khi chết được lên Thiên Đàng hưởng phúc trường sinh. Như vậy, tại sao quan lại nói là tà đạo? Xin quan lớn giải thiách cho tô biếti.

Quan tổng đốc không biết giải thích ra sao nên lờ đi. Đức Cha Hermôsilla Liêm lập luận đơn sơ nhưng vững lý. Quan cho rằng khó mà thuyết phục được ông này cho nên cứ nhốt Ngài trong cũi. Đức Cha thì to con mà chiếc cũi thì thấp và nhỏ cho nên Đức Cha cứ phải khòm lưng suốt ngày, co ro trong chiếc cũi, mặc cho xương cốt co rút đau đớn, chân tay rã rời, mệt mỏi. Suốt bốn ngày liền, Đức Cha ngồi trong cũi chứng kiến người ta bắt, điệu Đức Cha Valentino Berrio Ochoa Vinh và cha Amato Bình, cả hai cũng bị nhốt trong cũi đưa về giam cùng một chỗ với Đức Cha Hermôsilla Liêm. Thật là ý Chúa tốt lành đã xui khiến cho ba vị tông đồ truyền giáo cùng quê hương gặp nhau, tâm sự với nhau, khuyến khích nhau trong những giờ phút bị giam cầm, tù đày trước giờ tử đạo.

Ngày 1 tháng 11 năm 1861, quan tổng đốc tỉnh Hai Dương cho thi hành án lệnh trảm quyết cả ba chiến sĩ Đức Tin tại pháp trường Năm Mẫu, ngoài thành tỉnh lị Hải Dương.

Dân chúng theo dõi tin tức biết được ngày các Đấng bị xử. Ngay từ sáng sớm dân chúng đã lũ lượt tuốn ra chờ đợi hai bên đường đông như họp chợ. Theo lệnh tổng đốc, các quan đã lệnh cho hai tiểu đoàn quân đội chừng 500 binh sĩ xếp thành hai hàng nghiêm chỉnh. Đi dầu là ba con voi, quan giám sát đi giữa, có hai người che lọng hai bên. Tiếp theo sau là ba tù nhân của Nhà Nước, trong đó có cả người con ông Đội Bái đã được Đức Cha Hermôsilla Liêm dạy giáo lý và rửa tội trong tù mấy ngày hôm trước.Theo sau là ba chiếc cũi nhốt cha Amato Bình, Đức Cha Valentino Berrio Ochoa Vinh và Đức Cha Hermôsilla Liêm. Cả ba vị đầu bị nhốt trong cũi nhưng các ngài tươi cười bình thản. Hai Đức Cha thì luôn luôn giơ tay làm phép lành cho giáo dân. Dân chúng theo sau ồn ào, kẻ khóc người thương. Nhiều kẻ trách móc quan quân dã tâm giết chết những người hiền lành thánh thiện này.

Tới nơi, người ta đã giải sẵn 6 mảnh chiếu, bên trên ba mảnh còn trải thêm ba miếng thảm thẳng hàng dành cho ba vị tông đồ Thừa Sai. Quan giám sát ra lệnh mở cũi để ba vị bước ra ngoài. Các ngài quay chào mọi người rồi quì gối cầu nguyện một lúc Đức Cha Hermôsilla Liêm xin quan giám sát cho xử người con ông Đội Bái trước, vì ngài muốn đích thân trông thấy anh bền đỗ chết lành. Sau đó ba vị bị trói chặt vào cột, để rồi nghe đọc bản án. Một viên chức bước ra đứng giữa đọc lớn tiếng: “Tây phương đạo trưởng trá hình giảng đạo, vì thế mà bị xử tử vì đạo Gia Tô đã bị vua cấm”. Tiếp theo, viên chức đó lại cầm loa lên giọng lớn tiếng: “Trong toàn dân ai tỏ lòng thương tiếc hoặc đên thấm máu ba Tây Phương đạo trưởng này sẽ bị bắt ngay tại chỗ và giải nộp về tỉnh cho quan tổng đốc”.

Sau cùng, chiêng trống nổi lên từng hồi. Mọi người hồi hộp nín thở. Các tên đao phủ đứng sẵn bên ba vị chiến sĩ của Chúa, tay cầm gươm bén nhọn, giơ cao đợi tiếng chiếng trống cuối cùng thì vung chém một nhát. Ba chiếc đầu rơi xuống trong vũng máu đỏ tươi chảy lai láng. Vì đã có lệnh cấm nên mọi người cả lương lẫn giáo chờ đợi cho quan quân rút hết thì mới dám  kéo tới thấm máu các ngài. Một vị quan trong nhóm đã sai một tên đầy tớ tới thấm máu các vị Tử Đạo đưa về làm thuốc chữa các thứ bệnh trong gia đình.Ba thi hài được bọc trong ba chiếc khăn và chôn tại chỗ. Thủ cấp các ngài được treo ở bến đò Hàn ba ngày, nhưng giáo dân đánh tráo bỏ vào đó ba củ chuối rồi đưa về Yên Dật, sau lai đưa về an táng tại Thọ Ninh một thời gian, cuối cùng di chcuyển về đặt tại Đền các Thánh Tử Đạo Hải Dương.

Đức thanh cha Piô X suy tôn Đức Cha Hierônimô Hermôsilla Liêm lên bậc Chân Phước ngày tháng 5 năm 1906. Đức Cha đã nằm xuống nhưng chân lý ngài đã rao truyền, phong thái và nhiệt tâm của Ngài vẫn sống mãi triển nở trong lòng giáo dân và hàng giáo sĩ của giáo phận. Tinh thần đó mãi mãi là dấu chỉ chói sáng cho mọi người Kitô hữu tiếp tục sống vững mạnh làm chứng cho Chúa Kitô. Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam..

Ngày 1 tháng 11:Thánh Valentinô Berrio Ochoa Vinh,Giám Mục (1827-1861)

Thánh Valentinô Berrio Ochoa Vinh sinh ngày 14 tháng 2 năm 1827 tại làng Biscaglia, giáo phận Vitoria, nước Tây Ban Nha,  trong một gia đình quí tộc, đạo đức nhưng lại nghèo. Con cụ ông Gioan Isidorô Berrio Ochoa và bà Maria Monica Arizti. Khi chịu phép thánh tẩy cha mẹ đặt tên là Valentinô Faustinô. Vì bận rộn lo công ăn việc làm hằng ngày nên ngay từ nhỏ cha cậu Valentinô đã gửi cậu nhờ cha Giuse Echevarria coi sóc. Năm 12 tuổi, cậu lại được cha Santiago Mendoza dòng Đa Minh dạy dỗ và cho giúp lễ. Nhờ vậy cậu có dịp được cha Mendoza hướng dẫn về đời sống  thiêng liêng, được nghe cha kể chuyện các linh mục dòng Đa Minh đi làm việc truyền giáo tại Việt Nam, về những mẩu gương dấn thân và những cuộc tử đạo anh hùng tại các nơi truyền giáo.Những mẩu chuyện hằng ngày đó đã in sâu vào tâm hồn cậu bé Valentinô. Cậu ôm ấp mộng là sẽ xin vào dòng Đa Minh để làm linh mục và xin đi truyền giáo tại Việt Nam. Nhưng chuyện đáng buồn lại tới làm ngăn trở việc học của cậu: Cha mẹ qúa nghèo không còn tiền lo cho cậu ăn học, cậu phải nghỉ học trở về giúp đỡ cha mẹ trong công việc của cha cậu nơi xưởng sản xuất đồ mộc.Phải chăng đây là việc Chúa muốn thử thách ơn gọi của cậu? Tại xưởng mộc, cậu hết sức giúp đỡ cha, đồng thời cậu cũng chú tâm trau dồi văn hoá bằng cách say mê đọc sách báo và nhất là cậu dành thời giờ để học thêm tiếng La tinh.

Năm 18 tuổi cậu xin  một linh mục giới thiệu cậu vào chủng viện Logrono tiếp tục học triết và thần học. Nhờ sự cần mẫn và chăm chỉ thầy Valentinô được tiếng là học giỏi. Đời sống nghiêm túc và lòng đạo đức sâu xa, nên thầy được ban giáo sư, các bề trên và bạn hữu thương mến,. Năm 1848, sau ba năm triết học với thành quả rất tốt, thầy trở về thăm gia đình, thấy cha già yếu mà phải làm  việc quá vất vả, thầy trở lại chủng viện xin bề trên được sống ngoại trú để vừa học, vừa có điều kiện giúp đỡ gia đình. Sồng ngoại trú hơn hai năm và tiếp tục học thần học. Đức Cha Irigoyen, giám mục giáo phận vẫn theo dõi và được các cha giáo sư báo cáo thầy Valentinô Berrio Ochoa là một chủng sinh xuất sắc cả về học vấn lẫn tính hạnh tốt nên Đức Cha đã cho thầy lãnh chức  cắt tóc và đặt thầy làm linh hướng dự khuyết cho Tiểu chủng viện, mặc dầu lúc ấy thầy mới 24 tuổi và chưa lãnh chức linh mục. Đây là một trường hợp đặc biệt nói lên uy tín của thầy cũng như lòng tin tưởng và quí trọng của Đức Giám mục giáo phận đối với thầy. Sau đó, Đức Cha lần lượt trao ban chức năm và chức Phó tế rồi tới lễ Chúa Ba Ngôi, ngày 14 tháng 6 năm 1851 thầy thụ phong linh mục qua tay Đức Cha Irigoyen, giám mục giáo phận Victoria.

Sau ngày lãnh chức linh mục, cha Valentinô Berrio Ochoa đã vui mừng biên thư cho thân mẫu bằng những lời. xúc động như sau: “Mẹ rất yêu quí của con, hôm qua ngày 14 tháng 6 năm 1851 ngày mộng ước của con, ngày con được lãnh nhận thiên chức linh mục Con của mẹ giờ đây đã được tình thương Chúa nhắc lên chức phẩm cao trọng đễn nỗi các

thiên thần cũng phải run sợ…”

Sau khi lãnh chức linh mục, Đức Giám mục bổ nhiệm cha về làm linh hướng tại đại chủng viện. Cha hết lòng lo lắng, chăm sóc về đời sống tinh thần cho các chủng sinh. Nhưng riêng với cha, cha vẫn ước mong trở thành nhà truyền giáo tại Viễn Đông. Cha bày tỏ ước mong này với cha Morrey, một linh mục đạo đức dòng Đa Minh. Cha Morey khuyên cha nên vào dòng Đa Minh để có cơ may đi làm việc truyền giáo như lòng cha mong ước. Thế là ngày 26 tháng 10 năm 1853 cha xin Đức Giám mục để gia nhập dòng Đa Minh tại Ocana. Sau một năm tập, ngày 12 tháng 11 năm 1854 cha khấn ba lời khấn dòng  trở thành linh mục dòng Đa Minh. Cha thiết tha cầu nguyện xin Chúa thương cho cha được đi truyền giáo thì ngày 17 tháng 12 năm 1856 cha được lệnh bề trên lên đường cùng với 7 linh mục trẻ trung khác xuống tàu đi Manila lo việc truyền giáo tại Viễn Đông.

Được lệnh bề trên cha vô cùng sung sướng vội biên thư về gia đình báo tin cho cha mẹ. Cha viết: :Con báo tin vui mừng cho cha mẹ biết  con sẽ lên đường đi truyền giáo như lòng con đã ao ước từ lâuCon không biết lấy gì để cảm tạ Thiên Chúa vì bao nhiêu hồng ân Chúa đã ban cho con. Xin cha mẹ hãy nơi gương Abraham hết lòng dâng con cho Chúa. Nhiều gia đình cho con sang Ấn Độ để tìm vàng bạc, nhưng người con của cha mẹ đây không đi tìm của cải trần gian, nhưng là đi tìm các linh hồn về cho Chúa”.

Đầu tháng 12 năm 1867, cha Valentinô Berrio Ochoa được lệnh xuống tàu rời Manila cùng với ba vị Thừa Sai khác đi Việt Nam qua ngả Hồng Kông và Macao. Con tàu lênh đênh trên biển gần 2 tháng thì cập bến Việt Nam. Cha Valentinô Berriô Ochoa đặt chân lên đất Việt Nam đến trình diện cha chính Hoà và Đức Cha Xuyên tại Kiên Lao. Cơn cấm đạo lúc ấy đang ở cao điểm Đức Cha Diaz Sanjurjo An mới bị tử đạo, thủ cấp của Đức Cha Garcia Sanpedro Xuyên đang được treo giá với nhiều lạng vàng nếu ai tố cáo và bắt được Ngài, nên thường xuyên Ngài phải ẩn nấp thật cơ cực. Trong hoàn cảnh ấy, cha Berrio Ochoa dừng chân tại Đông Xuyên học tiếng Việt và lấy tên là Vinh.Chỉ trong vòng sau 2 tháng, cha Vinh đã thông thạo đường đi nước bước và xử dụng ngôn ngữ tạm đủ, cha đã lăn xả vào vùng truyền giáo để thi hành mục vu, thăm viếng các gia đình. Tất cả mọi việc đều phải làm lén lút Trước tình thế bắt đạo mỗi ngày một gay gắt, kinh hoàng hơn, Đức Cha Sanpedreo Xuyên linh cảm sẽ có ngày bị bắt, nên đã khôn ngoan chuẩn bị để có người kế vị coi sóc giáo phận. Đức Cha đã dùng quyền Toà Thánh chọn Giám mục Phó với quyền kế vị. Ngài chọn cha Valentinô Berriô Ochoa Vinh. Được biết ý định của Đức Cha, cha Berriô Ochoa Vinh đã biên thư cho Đức Cha, Ngài viết: “Thư Đức Cha, Nếu được thì xin cất chén này cho con.. Con thấy lòng tràn ngập lo âu, áy náy khi nghĩ đến chức vị mà Đức Cha muốn đặt con lên. Nhưng điều mà môi miệng con nói thì con cũng xin nói cả tấm lòng, đó là xin vâng trọn ý Chúa, bây giờ và đời đời chẳng cùng”.

Được thư của cha Berriô Ochoa Vinh, Đức Cha Sampedro Xuyên thuyết phục và nói: “Đây là thánh ý Chúa” cha không thể từ chối. Phải vâng ý Chúa. Thế rồi lễ tấn phong Giám mục dự tính là ngày lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô, nhưng vì hoàn cảnh vô cùng khó khăn nên phải thực hiện vào Chúa Nhật thứ 3 sau lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là một lễ tấn phong Giám mục có lẽ đặc biệt nhất trong lịch sử Giáo hội hoàn vũ từ xưa tới nay. Thánh lễ cử hành vào lúc 2 giờ sáng giữa đêm khuya thanh vắng trên cót thóc của gia đình ông Trương Chi, giáo xứ Ninh Cường, giáo phận Bùi Chu ngày nay. Thánh lễ âm thầm diễn ra trong bầu không khí ngột nhạt sợ hãi, không tiếng đàn, tiếng hát, không có người tham dự, ngoài hai cha Riano Hoà là cha Chính giáo phận, và cha Carêra  Hiểu làm phụ phong và mấy người trong gia đình ông Trương Chi Áo lễ của vị tân Giám mục là mấy miếng vải đấu lại với nhau do chính tay Đức Cha  Sampedro Xuyên chủ phong và Đức Cha Valentinô Berrio Ochoa Vinh thụ phong tự khâu lấy ban đem dưới ánh đèn dầu leo lét. Thay vì mũ ngọc gậy vàng thì cây gậy chăn chiên chính là một cành tre non, mũ Giám mục làm bằng bìa cứng bọc giấy trang kim. Sau thánh lễ, mỗi người phải vội vàng giải tán ngay, ai nấy tìm về chỗ ẩn núp của mình.

Sau này, chính ngài đã biên thư kể lại tâm sự của Ngài cho một cha bạn ở Manila như sau: “ Con thú thậ,t con muốn chạy thoát ra khỏi vòng ràng buộc này. Nhưng biết bao lần Đức Cha Sampedro Xuyên đã bảo con, nên theo lương tâm, buộc con phải vui nhận việc tuyển chọn này. Con không dám cưỡng lại ý Chúa đã rõ rệt. Sau ngày được tuyển chọn, con chỉ còn vừa đủ thì giờ để cấm phòng. Con lắng nghe Chúa phán trong thinh lặng, không có lấy một cuốn sách nào giúp tĩnh tâm, mà có tìm cũng chẳng có. Không phải chỉ thiếu sách cấm phòng, mà chiều áp lễ tấn phong thấy rằng mới chỉ có độ một nửa khăn áo cần dùng trong nghi lễ. Đức Cha Đại Diện Tông Toà và con phải vội vàng hai tay kim chỉ, đóng vai thợ may. Tạ ơn Chúa, tới đúng giờ đã định, chúng con cũng có ít khăn áo xứng đáng”.

Sau đúng 2 tuần lễ của ngày lễ tấn phong thời danh này, Đức Cha Sampedro Xuyên bị truy nã dữ dội quá nên Ngài vội trốn sang làng Thôn Đông rồi qua Kiên Lao thì bị bắt ngày 8 tháng 7 và bị xử lăng trì tại Nam Định ngày 28 tháng 7 năm 1858. Còn Đức Cha Valentinô Berriô Ochoa Vinh thì chạy sang Trà Lũ. Từ đây Đức Cha Berriô Ochoa Vinh một mình gách trách nhiệm coi sóc giáo phận. Tình thế quá khẩn trương, Đức Cha Alcazar Hy, Giám mục Hải Phòng phải rời Việt Nam để trở về Âu Châu. Đức Cha Valentinô Berriô Ochoa Vinh nhất định ở lại Việt Nam nhưng cũng phải lén lút tại nhiều nơi, cuối cùng cũng phải trốn sang giáo phận Đông Đàng Ngoài tức Hải Phòng ngày nay. Sau nhiều ngày vượt sông băng lạch, Ngài tới Cao Xá tỉnh Hưng Yên rồi tới nơi Đức Cha Hermosilla Liêm và cha Almato Bình trú ẩn. Ngài tạm trú ẩn tại Kẻ Một rồi sau cùng tìm được nơi trú ẩn trong vườn nhà anh Thăng, làng Hương La, xứ Tử Nê, Bắc Ninh. Người nhà đã đào cho Đức Cha một cái hầm trú ẩn khá an toàn. Chính tại hầm này, Đức Giám Mục Hầm Trú đã thành lập toà Giám mục trong gần trọn đời Giám mục của Ngài (gần 3 năm). Chiếc hầm độc đáo này vừa làm nhà nguyện, vừa làm văn phòng, vừa làm chủng viện để huấn luyện và đào tạo một số linh mục do Đức Cha dẫn đi theo. Tất cả mọi công việc đều làm dưới hầm. Ban đêm Đức Cha ra khỏi hầm đi thăm bệnh nhân hay ban bí tích cho giáo dân hoặc đi tìm gặp gỡ các linh mục để khích lệ và xưng tội.

Theo cha M. Gispert kể lại thì có một lần duy nhất trong đời Giám mục, Đức Cha Berriô Ochoa Vinh về xứ Kẻ Mèn, thuộc giáo phận Trung Đàng Ngoài tức Bùi Chu. Nơi đây Đức Cha Ochoa Vinh cùng với cha Riano Hoà đã tuyên thệ sẽ xây cất một thánh đường dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm và nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm làm bổn mạng của giáo phận, nếu Chúa ban cho Giáo Hội thoát khỏi cơn bách hại này. Lời tuyên thệ ấy sau này cha Riano Hoà làm Giám mục đã thực hiện. Đó chính là thánh đường kiểu Gothique nguy nga xây đi cất lại ba lần dâng kính Mẹ Vô Nhiễm tại Phú Nhai ngày nay.

Thời gian Đức Cha Valentinô Berrio Ochoa Vinh gánh nhận trách nhiệm Giám mục giáo phận Trung Đàng Ngoài tức Bùi Chu ngày nay cũng chính là thời kỳ Sắc lệnh Phân Sápngười Công Giáo đang được thi hành ráo riệt trên toàn quốc. Thế mà trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng như vậy mà Đức Cha vẫn tích cực lo tương lai cho Giáo Hội. Trong hầm trú Ngài vẫn hăng say lo đào tạo các linh mục, lo giảng dạy và bằng mọi cách rao giảng đạo Chúa, lo rửa tội cho nhiều tân tòng, lo viết thư khuyến khích gửi đi cho các linh mục cũng như giáo dân. Có một vài lần bị báo động, Ngài phải gấp rút chạy trốn qua một hầm trú khác để ẩn nấp. Thật vô cùng cơ cực và bao nỗi khổ ngài phải chịu. Cơ cực vì hầm chật chội, ngột ngạt, thiếu ăn uống. Khổ tâm vì không thể về với giáo phận của mình, trong khi đó cơn bách hại mỗi lúc một gia tăng. Các hung tín bay về tới tấp. Nay một hai linh mục rồi mai 17, 18 linh mục bị chém, tử đạo, các Thầy Giảng và biết bao giáo dân trung thành với đạo Chúa cũng lần lượt gục ngã dưới lưỡi gươm oan nghiệt của các vua chúa cấm đạo.

Ngày 20 tháng 10 năm 1861 Đức Cha Hermôsilla Liêm cùng với thầy Giảng Giuse Nguyễn Duy Khang bị bắt trên một chiếc thuyền đang chạy trốn. Được tin nay Đức Cha Valentino Berrio Ochoa Vinh lại càng đau buồn. Thế rồi sợ Đức Cha bị lộ nên giáo dân đã đưa Đức Cha và cha Almato Bình di chuyển tới một nơi an toàn hơn. Giáo dân tín cẩn ông Phó Xã trưởng làng bên cạnh. Tuy ông là người lương nhưng từ xưa tới nay ông vốn là người rất tốt với anh em Công giáo. Ông tiếp đón Đức Cha và cha Almatô Bình rất ân cần. Nhưng sau vì ham số tiền thưởng quá lớn nên ông đã bày mưu đem nộp các Ngài cho nhà chức tránh. Thế là ngày 25 tháng 10 năm 1861 Đức Cha Valentinô Berrio Ochoa Vinh và cha Almatô Bình đã bị bắt, bị đeo gông và bị giải về tỉnh lị Hải Dương.

Về tới cổng tỉnh Hải Dương, họ đã dặt một cây Thánh Giá thật lớn ngay trên mặt đường để các Ngài bước qua. Nhưng Đức Cha và cha Almatô Bình nhất định không bước qua. Đức Cha Berrio Ochoa Vinh quì xuống thờ lạy và mạnh bạo tuyên bố: “Nếu quí vị không cất tượng này đi, nhất định chúng tôi sẽ không chịu tiến bước, dù chúng tôi có phải chết ngay tại chỗ này”. Lời tuyên bố khẳng khái ấy đã khiến họ phải nhường bước và cất cây Thánh Giá đi nơi khác.

Tuy bị bắt tại Hải Dương nhưng Đức Cha Valentinô Berrio Ochoa Vinh vẫn tự xưng mình là Giám Mục giáo phận Trung Đàng Ngoài tức Bùi Chu với hy vọng là họ sẽ đưa Ngài về Nam Định để được chết giữa đoàn chiên trong giáo phận của mình. Trong một lúc quan tổng đốc tỉnh Hải Dương bắt giữ trong tay ba vi Đạo trưởng tây phương, quả là một chiến lợi phẩm quá lớn. Vua Tự Đức nghe tin cũng đòi điệu các Ngài về kinh để chính vua ra án hành quyết. Nhưng quan thống đốc tỉnh Nam Định khi ấy là Nguyễn Đình Tân có quyền nghị quyết trên cả tổng đốc Hải Dương, sợ ba tù nhân tây phương này có thể đánh tháo, và như thế sẽ mất điểm với triều đình nên đã vội vã cho lệnh tổng đốc Hải Dương phải lập tức thi hành bản án trảm quyết cả ba vị Đạo trưởng này.

Hôm đó là ngày 1 tháng 11, năm 1861, ngày lễ Các Thánh của Giáo Hội Công Giáo, quân lính áp giải các Ngài ra pháp trường đông như đi rước. Quân lính hai thành hai hàng, cũi Đức Cha Berrio Ochoa Vinh đi giữa, cũi Đức cha Hermôsilla Liêm đi bên phải, bên trái là cũi cha Almatô Bình. Các ngài bình tĩnh ngồi trong cũi cầu nguyện như thương lệ, nét mặt tươi tỉnh hân hoan khiến mọi người đều ngạc nhiên. Tới pháp trường Năm Mẫu, họ mở cũi để các Ngài bước ra. Rất đông đảo giáo dân cũng như lương dân đi theo để chứng kiến cái chết anh hùng của các chiến sĩ Đức Tin của Chúa. Cả ba vị bước ra khỏi cũi, thản nhiên quay nhìn và cúi đầu chào mọi người, hai Đức Cha giơ tay ban phép lành lần cuối cho các tín hữu. Sau đó cả ba bình tĩnh, tươi vui quì cầu nguyện ít phút. Tiếp theo là ba hồi chiêng trống vang rền nổi lên, Lý hình vung gươm cao đợi tiếng chiêng trống cuối cùng thì mạnh tay chém đầu các Ngài. Ba chiếc đầu rơi xuống. Nhiều người đứng ngoài xa la lên:

– Lạy Chúa tôi, ba chiếc đầu đã rơi xuống đất rồi! Ghê sợ quá, Trời ơi! Xin ba Ngài cầu cho chúng con.

Nhiều người đổ xô vào thấm máu các vị Tử Đạo. Thi hài các Ngài được an táng ngay tai Năm Mẫu, tỉnh Hải Dương, sau được cải táng về Thọ Ninh rồi Kẻ Mốt. Riêng đầu Đức Cha Valentinô Berriô Ochoa Vinh phải treo ba ngày rồi đem về tôn kính ở Yên Bạt  Ngay từ sau khi tử đạo, Đức Cha Valentinô Berriô Ochoa Vinh đã làm phép lạ. Xác Ngài đã an táng trong lòng đất 4 tháng trời, thế mà khi giáo dân tới bốc xác lên thì xác Ngài vẫn còn tuyệt nhiên tươi tốt nguyên vẹn, không hư thối. Mấy năm sau, giáo dân Bùi Chu rước về an táng tại giáo phận Bùi Chu. Năm 1885, cha Cezon xin gửi hài cốt Đức Cha Berriô Ochoa Vinh về Tây Ban Nha. Họ tổ chức rước thi hài Đức Cha từ hải cảng Barcelone về Biscaglia, quê hưởng của Ngài rất trang nghiêm, vĩ đại giữa một rừng người từ khắp nơi tuốn ra cung kính chiêm ngưỡng và chào mừng Ngài.

Đức Giáo Hoàng Piô X đã suy tôn Giám mục Valentinô Berriô Ochoa Vinh lên bậc Chân Phước ngày 20 tháng 5 năm 1906 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Ngày 1 tháng 11 :Thánh Phêrô Almatô Bình,Linh mục (1831-1861)

Thánh Phêrô Almatô Bình sinh đúng ngày lễ kính Các Thánh, ngày 1 tháng 11 năm 1831 tại làng San Feliz Sarerra, thuộc giáo phận Vich, miền Cataluna nước Tây Ban Nha. Thận phụ cậu là ông Salvio Almatô làm nghề y sĩ và thân mẫu là bà Antinia. Cậu có người bác là linh mục kinh sĩ phụ trách giải tội cho khắp giáo phận và người em gái sau này cũng là một nữ tu. Cuộc đời của cậu là một chuỗi những biến cố bất thường và thật khó hiểu theo những phán đoán thông thường của con người trần gian. Về thể xác thì cậu Phêrô Almatô mảnh khảnh, yếu đuối, hay ốm đau, hầu như không đủ sức khoẻ để theo học tới nơi tới chốn, nhất là sau này cậu lại mơ ước trở nên một chiên sĩ đi truyền giáo ở nước ngoài. Bù lại, về lòng đạo đức thì cậu lại là một người con rất đáng hãnh diện. Cậu Almatô rất thích đọc tạp chí mang tên là “Kỷ Yếu Hội Truyền Bá Đức Tin”. Trong đó có tường thuật rất nhiều về đời sống, nhiều khi rất mạo hiểm của những nhà truyền giáo nơi các vùng xa xôi đầy hiểm trở. Cậu Almatô rất thích thú và quyết chí sau này sẽ dấn thân theo vết chân của các nhà truyền giáo này.

Tháng 8 năm 1847 lúc cậu vừa 17 tuổi, Almatô xin phép cha mẹ để nhập dòng Đa Minh. Cậu được bề trên nhận vào tu viện và ngày 25 tháng 9 cũng năm ấy, thầy Almatô được mặc áo dòng, bắt đầu năm tập theo luật dòng.và ngày 26 tháng 9 năm 1848 thầy chính thức khấn Dòng. Sau đó thầy học thần học để chuẩn bị lãnh chức linh mục. Đang học thần học thì bất thần lệnh bề trên gửi tới, thầy phải chuẩn bị lên đường đi Phi Luật Tân. Tháng 9 năm 1849, thầy Almatô cùng với các bạn đồng hành tới Manila, tiếp tục học thần học và trau dồi ngôn ngữ và tìm hiểu phong tục, văn hoá của các nước vùng Viễn Đông. Ngoài việc trau dồi kiến thức và trí tuệ, thầy còn dành nhiều thời giờ để suy niệm, cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng. Năm 1854 thầy được thụ phong linh mục tại Manila rồi năm sau cha được lệnh xuống tàu cùng với hai linh mục khác qua Việt Nam. Ngày 4 tháng 8 năm 1855, cha Almatô tới giáo phận Đông Đàng Ngoài tức Bùi Chu. Ở đây cha Almatô gặp Đức Cha Hermôsilla Liêm và một số đông anh em dòng Đa Minh về dự lễ tấn phong Giám mục cho Đức Cha Garcia Sampedro Xuyên. Sau đó vâng lệnh Đức Giám Mục cha Phêrô Almatô nhận tên Việt Nam là Bình và ở lại học tiếng Việt với cha Gaspar Nghĩa tại Nam Am, Đông Xuyên rồi Kẻ Mốt. Gần một năm sau, cha được cử đi lãnh nhận hạt Thiết Nham làm cơ sở mục vụ. Đức Cha Hermôsilla thấy cha Phêrô Almatô Bình còn trẻ trung , hăng say việc truyền giáo nhưng sức khỏe của cha lại quá mong manh, nhất là lại phải sống chui rúc trong hầm dưới lòng đất, trong bụi rậm bụi tre, ăn mặc thô sơ, thiếu tốn mọi sự cần thiết. Hơn nữa Việt Nam trong thời điểm mày lại đang bị cấm cách gay gắt nên sợ nguy hại đến tính mạng của cha. Do đó, Đức Cha Hermôsilla Liêm cho lệnh thay vì ở Việt Nam thì cha Almatô Bình phải sang truyền giáo ở Trung Hoa. Thật là một tiếng sét đánh bên tai, cha Almatô Bình rất buồn khi nhận được tin này. Nhưng vì đức vâng lời, cha cũng mau mắn thu xếp hành lý lên đường. Cha phải bí mật tìm đến địa điểm hẹn tại ven bờ biển. Khi tới điểm hẹn thì được biết tin con thuyền chở các ngài đi Trung Hoa bị động nên nhóm linh mục đồng hành đã quyết định vội vã nhổ neo đi gấp ngay từ đêm hôm trước. Bị lỡ một chuyến tàu, cha Almatô Bình được lệnh đi phục vụ tại một họ lẻ miền Hải Dương từ năm 1850 tới năm 1861. Từ đầu tháng 8 năm 1861 do sắc lệnh Phân Sáp nên hàng giáo sĩ hầu như không thể tìm được nơi nào an toàn để ẩn trú. Cha Almatô Bình rời Thiết Nham di chuyển sang Kẻ Né rồi tới trú ngụ ở Thọ Ninh, nay lại xuống thuyền cùng đi với Đức Cha Valentinô Berrio Ochoa Vinh xuôi theo dòng sông Thái Bình, tới Hải Dương. Các Ngài gặp Đức Cha Hermôsilla Liêm và thầy Giảng Giuse Nguyễn Duy Khang. Các Ngài trao đổi tâm sự rồi ngay sau đó mỗi người lại tìm đường trốn lánh. Ngày 20 tháng 10 năm 1961 khi Đức Cha Hermôsilla Liêm và thầy Giảng Giuse Nguyễn Duy Khang bị bắt thì Đức Cha Valentinô Berriô Ochoa Vinh và cha Phêrô Almatô Bình cũng đang ở trên một chiếc thuyền khác, nhưng may mắn đã chạy thoát được.

Thấy Đức Cha Hermôsilla Liêm và thầy Giảng Giuse Nguyễn Duy Khang bị bắt rồi, Đức Cha Berrio Ochoa Vinh và cha Almatô Bình nghĩ rằng trốn dưới thuyền chắc không ổn nên ông Cựu Trọng là một tín hữu rất tốt bàn với Đức Cha là ông sẽ giới thiệu với một người bạn rất tốt là ông Lang Thừa. Ông này tuy ngoại giáo nhưng rất tốt và luôn che chở cho người Công giáo. Hai vị đã tới đó và được đón tiếp rất nồng hậu, thân tình. Trú ẩn được ít ngày thì một chuyện bất hạnh xẩy ra, đó là ông Lang Thừa có một người cháu tên là Khán Cáp. Anh này biết trong nhà ông Lang Thừa chứa chấp Đạo Trường, anh vội đi báo để lấy 300 quan tiền thưởng. Nhưng để tránh tiếng xấu cho ông, anh liền bày kế là đứa Đức Cha và cha Bình đi trốn nơi khác, lấy lý do là đã có người biết Đức Cha và cha Bình đang ẩn trốn tại nhà ông lang Thừa. Anh này dẫn Đức Cha và cha Bình ra đồng mía trú ẩn rồi cấp báo cho quan huyện Thanh Hà đưa 300 quân lính về vây bắt tại chỗ trong ruộng mía. Thấy không thể lẩn tránh được nữa, Đức Cha Valentinô Berrio Ochoa Vinh đứng thẳng lên dõng dạc nói:

– Chúng tôi không cần trốn tránh nữa. Nếu các ông muốn bắt chúng tôi thì cứ bắt.

Thế là họ xông vào bắt trói hai nhà truyền giáo của Chúa, hôm đó là ngày 20 tháng 10 năm 1861. Họ bắt các Ngài đeo gông rồi giải về nộp cho quan tổng đốc Hải Dương. Tới cổng thành Hải Dương, họ đã đặt một cây Thánh Giá thật lớn ngay giữa lối đi. Họ yêu cầu các Ngài bước qua nhưng hai Ngài đã dừng lại. Đức Cha Ochoa Vinh và cha Almatô Bình tới quì gối cung kính hôn kính Thánh Giá rồi Đức Cha Valentinô Berriô Ochoa Vinh hiên ngang đứng dạy nói:

– Chúng tôi sẽ không bước qua nếu các ông không di chuyển cây Thánh Giá này đi nơi khác. Dù có phải chết, chúng tôi sẵn sàng chết ngay tại chỗ này.

Thấy thái độ khẳng khái và cương quyết như thế, họ phải chịu thua, di chuyển cây Thánh Giá đi, lúc ấy các Ngài mới tiếp tục bước vào công đường. Quan tổng đốc Hải Dương là  Nguyễn Quốc Cẩm thấy hai vị đạo trưởng tây phương dáng vẻ hiền lành nên không đành tâm đối xử tàn tệ. Ông chỉ hỏi sơ qua về danh tính, tuổi tác và việc giảng đạo như thế nào. Quan hỏi cha Almatô:

– Tên ông là gì?

Cha Bình thản nhiên trả lời:

– Tôi là linh muc Almatô Bình. Người nước Tây Ban Nha, sang An Nam giảng đạo Thiên Chúa được bảy năm tại nhiều nơi.

Sau đó ông ra lệnh giam mỗi vị ở một chiếc cũi nhưng cho lệnh viên cai ngục phải đối xử tử tế và nghiêm cấm không được nói năng  vô phép với các Ngài. Thái độ dễ dãi này đã được báo cáo tới quan tống đốc Nam Định là Nguyễn Đình Tân. Biết tin, ông này đã đích thân tới Hải Dương và dùng quyền ép quan tổng đốc Hải Dương phải lên án trảm quyết ngay.

Theo quyết định của quan tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Tân, cha Phêrô Almatô Bình bị lãnh án trảm quyết cùng với hai Đức Cha Hermôsilla Liêm và Đức Cha Valentinô Berriô Ochoa Vinh, ngày thi hành án lệnh được quyết định là ngày 1 tháng 11 năm 1861, chính là ngày lễ kính Các Thánh nam Nữ ở trên trời.

Như đã ghi lại trong chuyện thánh Giám mục Valentinô Berriô Ochoa Vinh, ngay từ sáng sớm ngày 1 tháng 11 năm 1862, đoàn quân hùng hậu nghiêm chỉnh hai hàng, Đi đầu là một con voi lớn, theo sau là ba chiếc cũi nhốt ba nhà truyền giáo tây phương. Ở giữa là chiếc cũi nhốt Đức Cha Valentinô Berriô Ochoa Vinh, bên phải là chiếc cũi nhốt Đức Cha Hermôsilla Liêm, bên trái là chiếc cũi nhốt cha Phêrô Almatô Bình. Theo sau xa xa là một số đông dân chúng cả lương lẫn giáo muốn chứng kiến cái chết anh hùng của các chiến sĩ Đức Tin Công giáo.

Tới nơi các quan ra lệnh mở các cũi để các ngài bước ra. Các Ngài vui vẻ, thản nhiên quay nhìn mọi người, cúi đầu chào và hai Đức Cha thì giơ tay ban phép lành lần cuối cho các tín hữu. Sau đó ba Ngài quì xuống đất, sốt sắng cầu nguyện mấy phút. Ba hồi chiêng trống nổi lên, các lý hình đã sẵn sàng giơ cao những lưỡi gươm sắc bén, đợi tiếng chiêng trống cuối cùng thì các lý hình chém một nhát, ba chiếc đầu rơi xuống đất. Mọi người chứng kiến ở vòng ngoài hồi hộp nín thở. Có tiếng kêu lớn từ xa vọng lại:

– Trời ơi! Đầu các Ngài rơi xuóng đất rồi! Ghê sợ quá!

Những người dân cả lương lẫn giáo xô nhau tới thấm máu các Ngài. Thi thể các Ngài được an táng ngay tại pháp trường. Một thời gian sau giáo dân cải táng rước về đặt tại Thọ Ninh. Hiện nay thủ cấp của cha thánh Phêrô Almatô Bình được chuyển về tôn kính ở Tây Ban Nha, quê hương của Ngài, còn thi hài được an táng trong thánh đường Hải Dương.

Đức Giáo Hoàng Piô X đã suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước ngày 20 tháng 5 năm 1906. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng cha Phêrô Almatô Bình lên hàng hiển thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988.