Ngôi Nhà Chung Của Giáo phận Thái Bình

print

Ngôi nhà chung của Giáo phận Thái Bình

Không chỉ dừng lại ở hai chữ “rộng lớn”, công trình Nhà Chung của Tòa Giám mục Thái Bình còn gây ấn tượng mạnh với khách xa gần bởi không khí sinh động của rất nhiều các chương trình, hoạt động diễn ra quanh năm. Ðúng với tên gọi Nhà Chung, nơi đây còn luôn rộng cửa dành cho mọi người tìm đến chiêm ngắm, tham gia sinh hoạt tập thể hoặc chỉ đơn giản là chơi thể thao, dạo mát…

Nhà chung (ảnh: MH)

Ngay khi Khóa Nội trú hè dành cho hơn bốn trăm em học sinh vừa kết thúc sau hơn một tháng cùng ăn, ngủ, học tập dưới sự hướng dẫn của các linh mục, chủng sinh, ngôi Nhà Chung chỉ kịp “nghỉ xả hơi” một ngày lại tiếp tục đón hơn ba trăm bạn trẻ đến học khóa giáo lý Thêm sức. Và những hoạt động như thế này đã bắt đầu tạo thành guồng quay nhịp nhàng từ ngày cụm công trình nên hình nên vóc. Có dịp đến dừng chân ở nơi đặc biệt này ít ngày, chúng tôi thêm thấu hiểu hơn tinh thần “chung” được lan tỏa tại đây. Từ những sinh hoạt đời thường, có thể nói cách vận hành cũng như hiện diện của Nhà Chung luôn tạo sự năng động và gần gũi.

Khu nhà có diện tích khá lớn nằm sát cạnh nhà thờ Chánh tòa Thái Bình nên hầu như giáo dân đến dự lễ đều thuận tiện ghé vào khi có nhu cầu. Phía trước là một khoảng sân rất rộng được trải cỏ nhân tạo hoặc được kẻ vạch, dành cho các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… Khuôn viên rộng nên cùng lúc nhiều nhóm có thể cùng chơi, từ các em thiếu nhi, người lớn trong vùng không phân biệt tôn giáo, đến các linh mục, tu sĩ, chủng sinh…

Không có quy định cứng nhắc, trừ giờ lễ, đám trẻ có thể tự do mang xe đạp rộn ràng chạy vòng vòng quanh sân. Hình ảnh vài người cao tuổi thư thả dạo bộ ở quanh sân trước mỗi ngày cũng thành quen thuộc. Bà Trần Phương Thu (46 tuổi) vừa lúi húi soạn túi cầu lông vừa khoe : “Thành thói quen rồi, hễ chiều nào rảnh rỗi tôi lại rủ mấy bà hàng xóm vào đây đi dạo, đánh cầu cho mát. Ở đây hay gặp mấy cha, mấy thầy. Các tu sĩ rất dễ mến, tôi thấy các thầy còn dạy mấy đứa bé đá banh, tập văn nghệ… rất rộn ràng”. Ở ngoài là vậy, phía sân trong và khu vực tầng trệt của Nhà Chung cũng có chỗ cho nhiều hoạt động như bàn bóng bàn, các sân cầu lông. Ông Nguyễn Tiến (60 tuổi) mướt mát mồ hôi sau vài hiệp bóng, vui vẻ chia sẻ: “Tôi đến đây luyện cùng mấy ông bạn được ít tháng. Chỗ này rất hay vì mọi người đều được chào đón lịch sự. Không theo đạo, nhưng giờ tôi thấy nhà thờ gần gũi hơn nên cũng không ngại nữa!”. Không riêng ông Tiến, hầu như “cảm giác thoải mái” đều là cảm nhận chung của những người hay qua lại chốn này.

Giáo dân các xứ đạo gió ngày công trong thời gian xây dựng – ảnh tư liệu của GP Thái Bình

Một căn tin nhỏ, một quầy sách báo, góc đọc sách cho thiếu nhi, banh bàn… luôn sẵn sàng phục vụ, làm cho không gian sinh hoạt chung ở tầng trệt Nhà Chung sinh động hơn. Ngoài ra, ngay lối vào, dọc hành lang còn có bộ sưu tập các tượng Ðức Mẹ và các thánh do chính Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ, Giám mục giáo phận Thái Bình, góp nhặt từ nhiều chuyến đi đây đó. Gần 300 bức tượng được chú thích cẩn thận cho bà con cùng chiêm ngắm.

Mọi thứ ở Nhà Chung bây giờ đã đi vào hoạt động quy củ, có các cha phụ trách, bởi công trình khá lớn, nhiều phòng cũng như nhiều công năng và thường xuyên đón khách liên hệ công việc nên luôn cần người coi sóc, sắp xếp, quản lý. Công trình đồ sộ này của giáo phận Thái Bình bắt đầu được xây dựng từ 2013. Sau ba năm, tháng 4.2016, Nhà Chung khánh thành và đi vào hoạt động nhân dịp mừng kỷ niệm 80 năm thành lập giáo phận. Nhà Chung đến từ ý tưởng và suy tư của Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ là mong muốn có được một nơi đa công năng cho nhiều thành phần, nhiều giới và thể hiện được tinh thần chung sức của giáo phận. Theo Ðức cha Phêrô, động lực xây dựng Nhà Chung cũng bởi tính cấp bách và thực tế. Trước đó, miền Thái Bình chưa có chỗ cho các cha trong giáo phận hằng tháng về sinh hoạt, hay phục vụ các kỳ tĩnh tâm hằng năm, nơi tổ chức sinh hoạt lớn cho giáo phận… Vì mang nhiều mong chờ nên sau khi hoàn thành, khu nhà được tổng hợp nhiều chức năng: Trung tâm Mục vụ, trung tâm hội nghị, Tiểu Chủng viện, Tòa Giám mục… Cũng bởi lý do này nên nhiều người nhận xét: “Chẳng những lớn về kích cỡ, mà còn lớn về chức năng”.

Nhiều hoạt động sinh hoạt chung được tổ chức ở Nhà Chung – ảnh: MH

Ðể có được công trình như thế, từ khi bắt tay xây dựng, vị chủ chăn đã quy tụ mọi thành phần trong giáo phận. Với sự nhiệt thành ủng hộ, đóng góp công sức, của cải với tinh thần lo cho “việc chung” của bà con giáo dân, sau ba năm, mái nhà chung đã hoàn tất mọi công đoạn xây dựng. Năm 2013, khởi sự những hạng mục đầu tiên, lời mời gọi chung tay đã được đáp lại rất sốt sắng. Ngày đó, website của giáo phận Thái Bình đã làm hẳn một chuyên mục riêng cập nhập danh sách các tổ thợ, nhân công thiện nguyện theo từng tháng và từng hạng mục xây dựng. Phần công đóng góp của con dân từ các giáo xứ được trân trọng ghi nhận và công khai như một cách vừa khích lệ, vừa để mọi người có thể hiểu hơn về tình hình đại công trình chung này. Trong suốt ba năm liên tiếp, các nhóm thiện nguyện cả nam lẫn nữ sẵn sàng xốc vác các công việc theo sức lực, khả năng của mình. Hình ảnh về sự liên đới, san sẻ, chung sức như được tô đậm thêm lên trong những ngày còn ngổn ngang đất, đá, sắt, thép… Cũng với tinh thần ấy, khi hoạt động, tòa nhà đã phục vụ cho tất cả các sinh hoạt mang tính cộng đồng của địa phận. Nhờ quy mô lớn, không gian rộng, tiện nghi đủ đáp ứng nên không chỉ có những lớp học giáo lý, khóa học đặc biệt dành cho thiếu nhi, giới trẻ… quy tụ hàng trăm người, Nhà Chung còn là nơi diễn ra những đại hội thể thao, đại hội kèn trống, các ngày hội cấp giáo phận hay gặp gỡ người khuyết tật… thu hút hàng ngàn người.

Sân chơi thể thao mở cửa cho mọi người  – ảnh: MH

Cụm công trình gồm 7 tầng với diện tích sử dụng khoảng gần 30.000m2, gồm khoảng 300 phòng lớn nhỏ, 1 nhà nguyện, 1 hội trường, 2 phòng học lớn, 2 phòng họp lớn, 2 phòng họp trung bình, 3 phòng khách lớn, 2 phòng khách nhỏ, 1 bếp ăn, 2.000m2 sân giếng trời, 4.800m2 sân cỏ nhân tạo, 4 cổng ra vào, 8 thang máy…

Tòa nhà đã được khoác lên mình hai tông màu chủ đạo. Tường bên ngoài là chất liệu gạch thẻ màu kem sáng, màu của phù sa, đất đá, gợi nhớ miền quê lúa nơi hạ lưu sông Hồng và Trà Lý; các tường bên trong có tông màu mây trời, biểu hiện đất trời hòa hợp.

Minh Hải

 cgvdt.vn