Nhân đức trong Gia đình: Tín nhiệm
“Đừng trì hoãn lời khấn hứa với Chúa. Ngài không vui khi ngươi trì hoãn, hãy thực thi lời khấn hứa cùng Ngài. Nếu không thực thi thì đừng nên khấn hứa, nó sẽ tốt hơn cho ngươi”
Ecc 5: 34
Thế nào là sự tín nhiệm?
Một người sống tín nhiệm là người trở thành chỗ dựa cho niềm tin tưởng của người khác. Sở dĩ bạn trở thành người đáng tín nhiệm khi bạn biết giữ điều đã tuyên hứa hay tuyên khấn dù rằng cuộc sống vẫn có những khó khăn rình rập. Như một lẽ thường tình, người ta sẵn sàng đặt niềm tin tưởng nơi một người đáng tín nhiệm. Họ có thể tin cậy bạn, nếu khi hoàn cảnh cho phép, rằng bạn sẽ thực thi công việc đó. Vì họ tin tưởng bạn sẽ thực hiện điều bạn đã nói nếu không bị hoàn cảnh khách quan ngáng trở.
Người đáng tín nhiệm sẽ khởi sự và hoàn thành công việc được yêu cầu với sự cố gắng nỗ lực hết sức của mình. Họ được người khác biết đến nhờ chính sự quả quyết, tin cậy, chân thành và nhờ sự trung thành với lời hứa. Như vậy, mọi người có thể đặt niềm tin tưởng nơi họ.
2. Tại sao cần thực hành sự tín nhiệm?
Những cam kết và lời hứa sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có sự tín nhiệm trong cuộc sống này. Nếu một người sống thiếu sự tín nhiệm thì những lời hứa được đặt để nơi môi miệng họ sẽ luôn ở trong nguy cơ bị lãng quên lúc nào không hay. Chúng ta sẽ chẳng trông chờ được điều gì từ nơi những con người như thế! Một nỗi buồn chán và thất vọng bao trùm khi chúng ta nghĩ về họ. Kết cục là chẳng biết đến bao giờ người khác mới có thể an tâm về những người như thế khi có những việc liên quan tới họ.
Trái lại một người sống tín nhiệm sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc cho niềm tin của người khác vì họ trung thành với lời hứa. Nếu bạn sống được như vậy, người khác không cần phải bận tâm hay giám sát để xem bạn có thực hiện điều mình đã hứa hay không.
Nếu có sự tín nhiệm tồn tại trong các mối tương giao thì con người cảm thấy thoải mái vì biết rằng lời hứa được thực hiện. Trong các mối tương quan như thế từng thành viên trở thành những người đáng tin cậy để lắng nghe sự thật, để thi hành bổn phận, để nỗ lực hết mình. Một người tín nhiệm là một người bạn tốt nhất mà ta có.
3. Cách thực hành lòng tín nhiệm
Cách thực hành lòng tín nhiệm là bạn hãy ngưng lại và suy nghĩ trước khi đưa ra một lời hứa, để đảm bảo rằng bạn thực sự muốn thực hiện điều đó và nó nằm trong tầm tay của mình.
Sự tín nhiệm có được trong cách bạn giữ lời hứa với người khác hoặc với chính mình. Bạn quyết định giữ lời hứa chứ không phải chỉ hứa hờ. Một khi đã hứa, bạn bắt tay vào việc và tìm ra những điều cản lối mình nếu có. Những rào cản bạn có thể gặp trong khi thi hành công việc có thể là sự phân tán, sự mệt mỏi hay vì chính công việc trở nên khó khăn hơn bạn nghĩ!
Một khi đã sống tín nhiệm thì việc trung thành lời hứa trở thành phương châm sống của bạn. Bạn tiếp tục công việc không ngại những khó khăn xảy đến vì nó thực sự quan trọng với bạn. Quan trọng hơn, sự trung thành ấy chính là mực thước để đong đo mức độ tín nhiệm của bạn!
Một người tín nhiệm phản ứng thế nào khi?
- Mẹ bạn nói mang tiền đến trả cho một cửa hàng?
- Bạn được nghe kể một chuyện tế nhị và họ không muốn thêm một ai khác biết chuyện này?
- Bạn hứa làm việc nhà nhưng bị phân tán vì chương trình Truyền hình hay sách báo?
- Có người yêu cầu bạn thực hiện công việc vượt quá khả năng của mình?
- Bạn làm việc nhà nhưng không thích nó?
4. Dấu hiệu sự thành công
Chúc mừng bạn khi:
- Suy nghĩ trước khi hứa và đảm bảo là mình có thể thực hiện
- Nhớ điều bạn đã hứa
- Thực hiện những gì bạn đã hứa
- Tiếp tục thực hiện điều đã hứa dẫu cho dọc đường thấy những điều khác thú vị hơn
- Đừng để điều gì ngăn cản bạn thực hiện điều đã hứa
- Hoàn thành việc bạn đã hứa
Hãy cố gắng khi:
- Hứa mà không cần suy nghĩ
- Quên điều bạn hứa
- Hứa quá nhiều việc ngoài khả năng của bạn
- Chần chừ khi khởi sự một công việc bạn đã hứa
- Bị phân tâm
- Bỏ cuộc trước khi hoàn thành điều mình đã hứa
Khẳng định:
Tôi là người sống tín nhiệm. Tôi giữ lời hứa và những điều tôi đã nói ra. Tôi đáng để người khác tin cậy.
Trích sách: The Family Virtues Guide
Chuyển ngữ: Hướng Dương