“Mắc Nợ !”

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm C 2019

“Mắc Nợ !”

Lm. Giuse Nguyễn

Khi đọc các bài đọc lời Chúa hôm nay, tôi nhớ đến hình ảnh một chàng trai khiếm thị mà báo Mực Tím đăng cách đây đã hơn 20 năm. Anh ta bị mù, nhưng anh không hề oán hận cuộc sống, ngược lại anh còn cảm thấy mình mắc nợ cuộc đời, mắc nợ những người xung quanh, và mắc nợ những thứ mà những người sáng mắt chưa từng nghĩ là mình mắc nợ. Từ tâm tình đó anh đã sáng tác một bài thơ, rồi phổ nhạc. Bài hát này đã một thời làm cho nhiều người xúc động ngay từ cái tên của nó. Đó là tác phẩm Mắc Nợ của Nguyễn Vân Thiên:

“Ta nợ mùa thu một bài thơ lá rụng sương mù

Ta mắc nợ ai bao năm rồi vẫn chưa trả nổi

Nợ quê hương một chùm khế ngọt

Nợ cuộc đời một lần đắng cay

Nợ cơn mưa một lần ướt áo

Nợ trời quê một cánh diều bay

Ta nợ lời ru mẹ ầu ơ bên cánh võng năm nào

Nợ bạn bè lần hẹn hò cuối phố

Nợ trường xưa nét chữ ban đầu

Cả cuộc đời trả mãi – chắc chi xong!

Có những món nợ chúng ta trả được, nhưng có những món nợ “Cả cuộc đời trả mãi – chắc chi xong!”. Phụng vụ lời Chúa hôm nay còn chúng ta thấy một món nợ mà dường như chúng ta chưa từng nghe bao giờ, đó là nợ Thánh Ân. Đối với món nợ này, chúng ta chỉ có thể đáp đáp trả bằng lòng biết ơn mà thôi.

I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

  1. Bài Đọc I: 2 V 5, 14-17

Đoạn sách này kể về việc tướng Naaman của nước ngoại giáo Aram được tiên tri Êlisê chữa cho khỏi bệnh cùi. Ông đã quay trở lại để cám ơn người của Thiên Chúa. Ông đòi tặng cho tiên tri Êlisê nhiều vàng bạc, châu báu, nhưng tiên tri Êlisa từ chối: “Tôi thề sẽ không nhận gì cả” (2V 5, 16).

Điều chúng ta chú ý là để tỏ lòng biết ơn bằng của cải vật chất không được, tướng chỉ huy Naaman đã xin “mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở” (2V 5, 17). Lý do mà tướng Naaman nêu ra là: “Vì tôi tớ Ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa”. (2V 5, 17).

Chúng ta phải biết rằng ông là vị tướng của nước Aram, một nhân vật có thế giá trong triều đình. Vì vậy mọi nghi lễ của đất nước ông phải tham dự. Và theo nghi thức thì đương nhiên ông cũng phải sụp lạy trước các tượng thần của đất nước ông. Nhưng từ nay nó chỉ đơn thuần là một nghi thức, chứ trong lòng ông đã có Đức Chúa của Israel, Đấng đã cứu chữa ông. Từ nay ông sẽ quỳ trên mãnh đất mà ông đã xin về từ đất nước Do Thái, đặt trang trọng trong căn phòng của ông để thờ lạy Đức Chúa. Đó là thái độ biết ơn vô cùng sâu xa, vượt sức con người. Ông biết món nợ này ông không thể trả được, chỉ có lòng biết ơn, thái độ suy phục mới có thể làm cho lương tâm ông yên ổn. Và đó là nợ Thánh Ân.

  1. Tin Mừng: Lc 17, 11-19

Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem. Hôm nay Ngài đi ngang qua biên giới của người Samaria và Galilêa. Đây là vùng đất mà nếu một người giữ đạo đàng hoàng thì tốt nhất đừng nên đi vào. Ấy vậy mà chính tại nơi đây, chính tại vùng đất bị người Do Thái khinh rẽ lại xảy ra một phép lạ, mà phép lạ chẳng những cho một người, nhưng cho mười người. Đó là cho họ được khỏi bệnh phong cùi. Người Do Thái không chấp nhận cho người cùi sống chung trong làng. Họ phải sống cô lập ngoài sa mạc, xa xôi ngoài cánh đồng. Trong đoạn Tin Mừng này thánh Luca cũng cho biết là “Họ dừng lại đằng xa” (Lc 17, 12) chứ không dám lại gần Đức Giêsu. Họ bị coi là những kẻ tội lỗi, những người bị Thiên Chúa phạt. Hiểu như thế chúng ta cảm được nỗi đau của những người cùi, đau đớn về thể xác và nhất là khổ sở về tinh thần.

Chính vì vậy khi vừa nghe tiếng họ kêu cứu: “Lạy Thầy Giêsu xin dủ lòng thương chúng tôi” (Lc 17, 13), Đức Giêsu đã dừng lại. Chỉ sự dừng lại của Chúa thôi cũng đã làm cho họ được an ủi phần nào, cũng làm họ phải “mắc nợ” suốt đời, vì những người bình thường thấy họ là lo chạy nhanh, chạy xa như tránh một thứ độc hại. Chẳng những dừng lại mà Ngài còn làm nhiều hơn sự mong chờ của họ là cho họ được sạch. “Đang khi họ đi thì họ được sạch” (Lc 17, 14).

Nghĩ cũng lạ, họ đâu xin Chúa cho được sạch đâu, chỉ “xin dủ lòng thương”. Chúa cũng đâu nói với họ đi trình diện tư tế là sẽ được sạch đâu? Vậy mà đang khi đi họ được sạch. Qua những câu ngắn ngủi của Tin Mừng, chúng ta cảm nhận dường như họ đọc được nỗi niềm của nhau, biết được suy nghĩ của nhau.

Chúng ta cần để ý đến việc chữa lành thể xác và chữa lành tâm hồn. Cả 10 người cùi đều được chữa lành thể xác, vì khi đang đi trình diện tư tế thì họ được khỏi. Nhưng chỉ duy nhất người cùi xứ Samari là được chữa lành tâm hồn, được ơn cứu độ. Tại sao vậy? Thưa bởi vì anh ta biết ơn và quay trở lại để được gặp gỡ người làm ơn cho mình.

Niềm tin đã thúc đẩy cả 10 người cùi đi trình diện các tư tế. Nhưng dấn thân để có một liên hệ mật thiết với Đức Kitô mới đem đến ơn cứu độ mà thôi, và đó là niềm tin trọn vẹn nơi anh cùi xứ Samari. Niềm tin đó khởi sự từ lòng biết ơn.

II. SUY TƯ

Từ đoạn Tin Mừng này xin chia sẻ 2 suy tư.

  1. Nợ nhau

Suy tư thứ nhất là trong đau khổ người ta sẽ dễ yêu thương nhau hơn. Đó là hình ảnh rất đẹp nơi 10 người cùi trong bài Tin Mừng hôm nay. Nếu những người Do Thái bình thường thì không bao giờ được phép gần gũi, gặp gỡ, sống chung với người ngoại giáo. Vậy mà trong nhóm người cùi này có một người ngoại giáo. Họ đi chung một con đường để tiến đến gặp gỡ Đức Kitô. Đẹp quá một hình ảnh như thế! Họ đi chung một con đường vì không còn đường nào khác. Họ đi chung một con đường vì những đường khác đã bị “kéo dây chì”. Họ đi chung một con đường vì đường khác đã dành cho những người lành lặn… Biết nương tựa vào ai đây ngoài những người cùng cảnh ngộ. Từ nay cùi đi với cùi, cùi chơi với cùi, cùi sống với cùi thôi chứ biết đi, biết chơi, biết sống với ai đây?

Thực trạng của xã hội Do Thái vẫn là thực trạng của xã hội hôm nay. Chỉ những ai cùng chung cảnh ngộ mới dễ thông cảm cho nhau. Cùng chung một nghề nghiệp, cùng chung một hoàn cảnh, cùng chung một tâm trạng, cùng chung một trình độ, thậm chí là cùng chung tội lỗi nữa…

Nhà thơ Chính Hữu đã mô tả tình đồng chí rất đẹp: “Áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá, miệng cười buốt giá chân không giày, thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Trong những lúc gian khổ, “hột muối cắn làm đôi”, người ta dễ yêu thương nhau. Nhưng biết đâu mai kia có một người làm lãnh đạo, có chức, có quyền trong xã hội, không biết có còn nhớ đến thằng đồng chí mặc quần rách không?

Hay có những cặp vợ chồng đùm bọc nhau khi nghèo khó: “Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”; cùng đẩy chiếc xe bán hàng rong, cùng chèo chiếc ghe bán hàng bông… có gian khổ nhưng sao thấy hạnh phúc quá chừng… Bỗng dưng trúng số độc đắc nên đổi đời, và vì thế cũng đổi lòng đổi dạ, không còn yêu thương nhau, không còn những ngày xưa thân ái nữa.

Chín người cùi kia sau khi được lành sạch liệu có còn sống chung với người cùi xứ Samaria không? Chắc chắn là không!

Tình đời, tình người là thế. Vì vậy chúng ta hãy biết quý trọng tình nghĩa, dù là lúc gian khổ hay lúc sướng vui. Trong tất cả, chữ tình là trên hết. Đó là món nợ mà mỗi người chúng ta còn thiếu. Hãy thiếu hoài, thiếu mãi đừng bao giờ trả, vì nếu có trả, trả cũng không xong. Thánh Phaolô nói: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”.

  1. Nợ Thánh Ân

Thiết nghĩ 9 người cùi kia không quay trở lại là vì nghĩ rằng họ không mắc nợ, mà chuyện được chữa lành là lẽ đương nhiên khi họ tin Chúa. Họ nghĩ Chúa là Cha thì phải có trách nhiệm lo cho con cái. Cha mà không lo lắng cho con cái là một người cha không tốt. Sống đạo họ chỉ cần giữ những gì luật dạy chứ không giữ tâm tình với Chúa.

Suy nghĩ của họ hoàn toàn phàm tục. Thiên Chúa không phải là người cha theo kiểu trần gian, mà là Đấng Thánh. Trước Đấng Thánh thì thái độ của con người là suy phục, thờ lạy chứ không phải là đòi hỏi và công bằng, vì con người thì không có quyền đòi hỏi thần minh, cũng như cái bình không có quyền đòi hỏi người nắn ra nó phải làm theo hình dáng nó muốn.

Thụ tạo phải luôn luôn có tâm tình cám ơn vì mỗi một nét họa trong cuộc đời là một hồng ân của Thiên Chúa, cho dù đó là đẹp hay xấu (theo kiểu nghĩ con người); còn đối với Chúa thì luôn luôn là tốt cho chúng ta.

Vì vậy họ tưởng trong những lúc họ bị cùi là Chúa không thương họ, Chúa không đúng, giờ Chúa cho họ được sạch là chuyện đương nhiên Chúa phải làm. Họ nghĩ mình không mắc nợ.

Còn anh cùi Samari thì không thể tưởng tượng được ơn lành này. Chúa kêu anh đến trình diện tư tế, anh cũng đi. Nhưng khi anh được sạch thì anh biết các tư tế không thể làm cho mình được sạch, mà chỉ có Thiên Chúa mới cho mình được sạch thôi. Vì vậy anh đã quay trở lại để cám ơn Chúa. 9 người kia đến với các tư tế là theo luật. Còn anh trở lại với Chúa Giêsu là theo lòng biết ơn phát xuất từ con tim. Anh biết mình mắc nợ, món nợ không thể nào trả được. Món nợ Thánh Ân.

Đời sống của chúng ta quá bộn bề với những lo lắng, bon chen, khiến chúng ta đôi khi, thậm chí là thường khi ít nghĩ đến món nợ Thánh Ân. Chúng ta cứ tưởng mình hiện hữu ở trên đời này là chuyện bình thường, mình có đạo là điều tự nhiên, thậm chí có người còn cho là mình “lỡ có đạo”. Chúng ta nghĩ rằng Chúa đương nhiên phải lo liệu cho tôi theo như những gì tôi muốn. Chúa không cho thì tôi không đến với Chúa nữa là chuyện bình thường. Một lối sống đạo hết sức sai lầm. Chúng ta phải nhớ đức tin là đặt mình trước sự hướng dẫn của một vị Thiên Chúa. Vì vậy món nợ Thánh Ân không khi nào ta trả nỗi. Thái độ tốt nhất là cám ơn bằng cách gắn kết đời mình với Đức Giêsu như anh cùi Samari trong bài Tin Mừng hôm nay.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con luôn có tâm tình biết ơn, biết ơn những con người đã, đang và sẽ đi ngang qua cuộc đời chúng con. Cám ơn Chúa vì món nợ Thánh Ân mà chúng con không bao giờ trả được. Chính thái độ biết ơn sẽ làm cho chúng con gắn kết với Chúa và với anh chị em.

 

 

print