Phút Lắng Đọng Lời Chúa Từ Ngày 24-29/12/2018
THỨ HAI TUẦN IV MÙA VỌNG
Lc 1,67-79
Lời Chúa:
“Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta.” (Lc 1,78)
Câu chuyện minh họa:
Có một cô bé mồ côi cha sống với mẹ tại một vùng quê hẻo lánh. Nhà rất nghèo, hai mẹ con phải làm việc quần quật cả ngày mới kiếm đủ ăn. Cô bé không có bạn bè, không có đồ chơi nhưng cô không bao giờ cảm thấy buồn và cô đơn. Gần nhà cô là một khu rừng, lúc nào cũng tràn ngập tiếng chim hót… và những bông hoa rực rỡ… Vào mùa đông năm đó, mẹ cô bé bị bệnh và không thể làm việc được, cô bé bận rộn cả ngày với việc đan len để sau đó mang ra chợ bán những đôi vớ bằng len, dù rằng ngay chính đôi chân trần của cô luôn tái xanh vì lạnh.
Gần đến ngày Giáng sinh, cô bé nói với mẹ: “Không biết năm nay ông già Noel có mang quà đến cho con không, nhưng con vẫn đặt đôi giày trong lò sưởi. Chắc ông già Noel không quên con đâu phải không mẹ?”. Bà mẹ âu yếm vỗ về: “Đừng nghĩ đến điều đó trong ngày Giáng sinh năm nay con gái ạ. Chúng ta chỉ cầu mong có đủ thực phẩm để qua mùa đông khắc nghiệt này là quý lắm rồi”. Nhưng cô bé không tin rằng ông già Noel có thể quên cô. Vào buổi tối trước ngày Giáng sinh, cô đặt đôi giày trong lò sưởi và đi ngủ với giấc mơ về ông già Noel. Người mẹ nhìn vào đôi giày của con và buồn rầu khi nghĩ đến sự thất vọng của con gái, nếu buổi sáng hôm sau cô không nhìn thấy một món quà nào trong đó. Năm nay, ngay cả một món quà Giáng sinh nhỏ cho con, bà cũng không lo được.
Buổi sáng hôm sau, cô bé thức dậy sớm và chạy đến nơi cô đặt đôi giày. Đúng như sự mơ ước của cô, đêm qua ông già Noel đã đến và mang cho cô bé một món quà. Đó là một con chim nhỏ bé nằm thiêm thiếp trong chiếc giày, có lẽ vì đói và lạnh. Nó nhìn cô bé với đôi mắt long lanh và kêu lên mừng rỡ khi cô vuốt nhẹ lên bộ lông mềm mại của nó. Cô bé nhảy múa vì vui mừng và ôm chặt con chim nhỏ bé vào ngực mình. Cô chạy đến bên giường, nơi mẹ cô đang nằm và reo lên: “Hãy nhìn con đây mẹ ơi. Ông già Noel không quên con và đã mang đến cho con món quà ý nghĩa này!”. Những ngày sau đó, cô bé săn sóc con chim, sưởi ấm và cho nó ăn. Con chim líu ríu bên cô bé và đậu lên vai cô trong khi cô làm việc. Khi mùa xuân đến, cô bé mở lồng cho con chim bay vào rừng nhưng nó không chịu bay xa, cứ loanh quanh gần nhà cô bé và mỗi buổi sáng, cô bé lại thức giấc bởi tiếng hót líu lo bên ngoài song cửa sổ…
Bà mẹ nhìn con trong niềm hạnh phúc vô bờ… Vì không muốn làm con thất vọng, bà đã vào rừng đêm hôm đó hy vọng tìm thấy một thứ gì làm quà thay ông noel tặng con, và đã gặp chú chim sắp chết vì lạnh và đói này…
Suy niệm:
Mọi người Do Thái đều hy vọng một Đấng Cứu Tinh sẽ đến, và trước khi Ngài đến sẽ có một vị tiền hô đi trước dọn đường Chúa đến. Ông Dacaria đã nhìn thấy điều đó và biết rằng con trai mình sẽ mang sứ vụ này, ông đã công khai nói lên niềm tin này sau 9 tháng bị câm. Lời cảm tạ của ông trở thành bài hát trong các giờ kinh phụng vụ sáng mỗi ngày. Bài ca mang tâm tình đón mừng Chúa Giáng sinh, tâm tình cảm tạ xuất phát từ lòng tri ân cảm tạ. Đó là một bản thánh ca của lòng tin, của niềm hy vọng, và của lòng biết ơn.
Vậy, tâm tình của chúng ta chuẩn bị đón mừng Chúa giáng sinh là gì? Chúng ta lo trang hoàng những cây thông, những hang đá lộng lẫy, những ánh đèn lung linh,… hay dọn tâm hồn làm hoà với Chúa, với anh chị em? Nếu tâm hồn mỗi người chúng ta chưa có niềm vui thì hãy tìm đến Chúa vì Người là nguồn vui và niềm bình an đích thực cho tâm hồn mỗi người.
Lạy Chúa, xin cho đêm nay là đêm mà tâm hồn mỗi người chúng con cảm nhận niềm vui và sự bình an sâu sắc nhất không phải vì những vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài nhưng vui vì tâm hồn chúng con có Chúa ngự trị.
25.12.2018
THỨ BA
LỄ GIÁNG SINH
Lc 2,15-20
Lời Chúa:
“Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,16)
Câu chuyện minh họa:
Ngày xưa có một cậu bé được tặng cho một chú lính chì trong dịp lễ Giáng sinh. Cậu rất sung sướng. Nhưng chẳng bao lâu sau cậu nghĩ: giá như có cách gì làm cho chú lính bằng chì này có được sự sống như mình thì hay biết mấy! Và cũng chẳng bao lâu sau cậu bé lại lưỡng lự: làm cho chú lính này có sự sống tức là biến chú từ chì thành ra xác thịt; mà như thế không biết chú có chịu hay không, bởi vì khi mang xác thịt thì có thể bị đau, bị thương và nhất là bị chết. Thế là cậu bé không nghĩ tới việc làm cho chú lính chì thành người nữa.
Suy niệm:
Câu chuyện trên đây phần nào giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể làm người. Đức Kitô không chỉ là Thiên Chúa nhưng Người đã làm người trong thân xác con người như chúng ta, mang thân phận mỏng manh, chịu đau thương, khổ cực, và nhất là cũng chết như chúng ta, nhưng Người không phạm tội. Ngài là Thiên Chúa nhưng không dành cho mình chức vị ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài đã huỷ mình ra không, trở nên giống hẳn chúng ta. Ngài cũng bước vào đời sống thể xác: ăn uống, mệt mỏi, đói khát…; đời sống tâm lý: yêu thích tâm hồn đơn sơ trong trắng của trẻ thơ, buồn, khóc khi người bạn của Ngài là Lazarô đã chết…; đời sống xã hội: Ngài cũng có một gia đình, sống với các môn đệ như trong một gia đình…
Vì thế, Chúa đến trần gian để cứu chuộc chúng ta không chỉ bằng tâm hồn nhưng Ngài sống bằng thân xác và sinh hoạt như mỗi người chúng ta, để Ngài đồng hoá chúng ta, làm cho chúng ta không còn xa Ngài nữa. Do đó, mỗi việc chúng ta làm, suy nghĩ cần quy hướng về Chúa, để Người thánh hoá chúng ta, giúp chúng ta sống mầu nhiệm giáng sinh thật ý nghĩa.
Lạy Chúa, khi mang thân phận yếu đuối như chúng con, Ngài cũng đã chấp nhận những đau thương, xin giúp chúng con biết dùng những hy sinh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đầy những cạm bẫy của tội lỗi.
26.12.2018
THỨ TƯ
NGÀY II TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Thánh Stêphanô tử đạo tiên khởi
Mt 10,17-22
Lời Chúa:
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10,22)
Câu chuyện minh họa:
Vào tháng 11.2014, đã có rất nhiều người lấy làm lạ khi thấy một người đàn ông ngồi tại tàu điện ngầm ở Bắc Kinh (Trung Quốc) mặc trên mình chiếc áo có dòng chữ: “Bao cát thịt người, giá 10 tệ 1 cú đấm” (10 tệ là gần 35.000 đồng).
Bên cạnh là một thùng giấy có dán giấy chứng nhận bệnh viện về bệnh tình của con trai.
Thì ra, con trai anh đang mắc bệnh máu trắng hiểm nghèo. Chi phí chữa bệnh lên tới 700.000 tệ (hơn 2,5 tỉ đồng).
Đây là 1 con số rất lớn và người đàn ông tên Hạ Quân này không biết làm cách nào hết để có thêm tiền chữa bệnh cho con, thế là anh đã tình nguyện đưa thân mình ra làm bao cát.
Cảnh tượng khiến nhiều người chứng kiến không cầm được nước mắt, đặc biệt là dù nhiều lần bị bảo vệ đuổi đi, đánh đập, nhưng anh vẫn không bỏ cuộc.
Anh nói: “Tôi đã bán hết tất cả mọi thứ mình có rồi, còn đi mượn thêm 400.000 tệ nữa (hơn 1 tỉ đồng), nhưng vẫn không đủ.
Chỉ còn cách này thôi. Tôi có thể chịu được việc bị đánh, bị đấm mỗi ngày, miễn có tiền cho con tôi chữa bệnh, miễn nó có thể sống mãi với tôi”.
Suy niệm:
Vì tình thương dành cho con của mình mà người cha đã đành chịu đánh, đấm để cứu lấy con của mình, và nếu có thể hy sinh bản thân mình chắc người cha này cũng không từ chối. Thánh Stêphanô mà chúng ta mừng kính hôm nay cũng vì lòng yêu mến Chúa mà thánh nhân đã chấp nhận chịu ném đá cho đến chết mà không một lời oán trách thở than.
Là chứng nhân của Đức Kitô, chúng ta cần phải xả thân dù mất cả mạng sống. Và đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân, mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ.
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”: Ngài nhắc nhở và động viên chúng ta phải tin tưởng, chịu đựng và lấy đó làm cơ hội để “làm chứng cho Thầy”; và trong những hoàn cảnh ấy, “hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được, và một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng ta biết kiên trì và vững tin vào quyền năng của Chúa trước những biến cố, thử thách trong cuộc đời, và can đảm làm chứng cho Chúa như thánh Stêphanô đã anh dũng làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng.
27.12.2018
THỨ NĂM
NGÀY III TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Thánh Gioan tông đồ, tác giả sách Tin Mừng
Ga 20,2-8
Lời Chúa:
“Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.” (Ga 20,8)
Câu chuyện minh họa:
Thời đó, Arthur Jones được gọi nhập ngũ phục vụ trong không lực hoàng gia và sống trong một trại lính cùng với 30 binh sĩ khác. Ngay đêm đầu tiên, anh đã phải cân nhắc về một quyết định quan trọng: Trước đây anh vẫn luôn luôn quì gối đọc kinh, liệu bây giờ vào quân ngũ rồi có nên tiếp tục quì gối không?
Lúc đầu anh cảm thấy ngường ngượng nhưng rồi anh tự nhủ: “Tại sao chỉ vì sợ những kẻ khác dòm ngó mà mình lại thay đổi cách sống? Bộ mình vừa khởi đầu cuộc sống xa nhà là đã để cho thiên hạ sai bảo phải nên làm và không nên làm điều này điều nọ sao?
Nghĩ thế, anh liền quyết định cứ tiếp tục thói quen quì gối xuống đọc kinh. Khi vừa đọc kinh xong, lập tức anh nhận ra mọi người đang để ý anh, và khi làm dấu thánh giá, anh chợt nhận ra lúc ấy họ mới biết anh là một người công giáo. Và xảy ra là trong toàn tại lính chỉ có một mình anh là người Công giáo. Tuy nhiên, hằng đêm, anh vẫn quì gối cầu nguyện. Anh nói rằng mười phút cầu nguyện ấy thường dẫn đến những cuộc tranh cãi kéo dài hàng giờ.
Vào ngày cuối cùng của khóa huấn luyện, có người đến nói với anh:
– Anh là người Kitô hữu tốt nhất mà tôi gặp.
Anh liền đáp lại:
– Có thể tôi là người Kitô hữu dám công khai biểu lộ đức tin của mình, nhưng tôi không cho rằng tôi là người Kitô hữu tốt nhất đâu. Dầu vậy tôi cũng xin cám ơn bạn về điều bạn vừa nói.
Suy niệm:
Lòng tin được thể hiện nơi hành động, có khi những việc làm của chúng ta có thể làm cho chúng ta bị bắt bớ, loại trừ, nhưng đó lại là cơ hội để chúng ta làm chứng cho Chúa. Theo Chúa là phải can đảm lướt thắng bản thân để biểu lộ chính niềm tin của mình, không sợ hãi, không hổ thẹn nhưng kiên cường như các tông đồ của Chúa sau biến cố Phục sinh.
Phêrô chạy ra mồ hối hả với tất cả sự lo sợ, sợ rằng những người giết Chúa sẽ tìm giết những người có liên lụy đến Chúa nữa. Vì thế, ông khó tỉnh táo mà nhận ra Chúa đã sống lại. Nhưng đối với Gioan, ông đã có kinh nghiệm ở với Chúa dưới chân thập giá nên ông dễ dàng nhận ra Chúa đã sống lại. Do đó, chúng ta học được bài học chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta nhận ra Chúa, còn những sự sợ hãi sẽ không mang lại kết quả gì. Là môn đệ của Chúa, chúng ta ta cần sống thân mật với Chúa nhiều hơn để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, và trong mọi biến cố.
Lạy Chúa, xin biến đổi con trở nên con người mới, để con sống thật gần Chúa hơn, hiểu Chúa và yêu Chúa nhiều hơn; nhờ thế, con mới có thể nhận ra Chúa luôn đồng hành với con trên mọi nẻo đường.
28.12.2018
THỨ SÁU
NGÀY IV TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Các thánh anh hài tử đạo
Mt 2,13-18
Lời Chúa:
“Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa” (Mt 2,18)
Câu chuyện minh họa:
Một hôm, Đức Ala gọi một thiên sứ đến và truyền lệnh: “Ngươi hãy xuống trần gian để đưa về đây người đàn bà góa có bốn đứa con thơ”.
Thiên sứ ra đi. Ngài gặp người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài nhìn người đàn bà với bốn đứa con dại, rồi lại lên Đức Ala để tha thiết như xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm tách biệt người mẹ khỏi những đứa con thơ ấy? Nhưng ánh mắt van xin của sứ thần chẳng được mảy may chút nào. Cuối cùng, sứ thần đành phải vâng lệnh Đức Ala mà cướp người mẹ góa khỏi bầy con thơ và đem về trời.
Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị sứ thần lại có vẻ buồn, phải vui làm sao được trước cảnh chia ly giữa mẹ và con. Thấy sứ thần buồn, Đức Ala mới gọi đến và đưa vào giữa sa mạc. Ngài chỉ cho sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo đập nó ra.
Tảng đá vừa vỡ, sứ thần ngạc nhiên vô cùng, vì từ trong lòng tảng đá một con sâu nhỏ từ từ bò ra. Chợt hiểu được ý nghĩa của sự kiện ấy, sứ thần bỗng thốt lên:
– Ôi! Lạy Đấng tối cao, mầu nhiệm thay công cuộc sáng tạo của ngài. Với sự khôn ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, ngài đã không bỏ mặc một tạo vật bé nhỏ như con sâu kia, thì hẳn ngài cũng sẽ không quên được bốn đứa trẻ mồ côi là con cái của Ngài.
Suy niệm:
Các thánh anh hài đã dùng cái chết để đáp lại tình yêu cao cả của Đấng Tạo Dựng. Dù các ngài còn thơ bé, nhưng Chúa đã cho các ngài góp tay vào công việc cứu thế của Người. Máu của các ngài đổ ra để minh chứng cho Chúa Giêsu là Đấng hoàn toàn vô tội. Mỗi người chúng ta được dựng nên đều nằm trong chương trình yêu thương và quan phòng của Chúa. Nên mỗi người chúng ta cũng cần phải có những hy sinh để dâng cho Chúa và làm chứng cho Tin mừng của Ngài trong thế giới hôm nay.
Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nhận được rằng: Qua những đau khổ, những mất mát, Ngài đang nhào nặn nó để biến những đắng cay chua xót ấy thành ân phúc cho chúng con.
29.12.2018
THỨ BẢY
NGÀY V TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Lc 2,22-35
Lời Chúa:
“Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân…” (Lc 2,30-31)
Câu chuyện minh họa:
Chuyện xảy ra ở Belem vào lúc trời vừa rạng sáng, sao vừa biến và người khách hành hương cuối cùng vừa từ giã chuồng bò. Đức Maria xếp lại đống rơm và Hài nhi sắp ngủ… thì cánh cửa nhẹ nhàng mở ra. Một người đàn bà xuất hiện ở cửa, áo rách rưới, rất già và nhăn nheo đến độ trên khuôn mặt màu đất, người ta có cảm tưởng cái miệng của bà cũng chỉ là một vết nhăn mà thôi.
Thấy bà, Maria sợ như thể một bà tiên mang xui xẻo nào đến. Nhưng may thay Hài nhi đang ngủ. Chú lừa và chú bò nhai rơm cách yên lành, và nhìn người đàn bà lạ tiến vào mà không lấy làm ngạc nhiên y như chúng đã biết bà từ lâu. Trái lại Maria không ngừng đưa mắt dõi theo. Mỗi bước chân của bà đối với Maria hình như dài băng cả thế kỷ. Bà già tiếp tục bước và bây giờ thì bà ở cạnh bên máng cỏ. Bé Giêsu vẫn ngủ.
Bất chợt Giêsu mở đôi mắt và Mẹ Ngài ngạc nhiên khi thấy đôi mắt của con Mẹ và đôi mắt của người đàn bà hoàn toàn giống nhau và chiếu lên cùng một niềm hy vọng. Bà già cúi mình trên đống rơm trong khi bàn tay bà lục soạn trong mớ áo quần rách một vật gì mà như thể bà ta bỏ cả hàng thế kỷ để tìm. Maria luôn nhìn bà ta cách lo lắng. Các con vật cũng nhìn, nhưng chúng không có vẻ gì ngạc nhiên như thể đã biết cái gì sẽ xảy ra.
Cuối cùng bà già tìm được và kéo ra từ bộ quần áo cũ của bà một vật được giấu trong bàn tay, và bà đưa cho Hài Nhi.
Sau các kho tàng của ba vua và các lễ vật của các mục đồng, thì quà tặng này là cái gì thế? Bà này từ đâu đến, Maria không được biết. Nàng chỉ thấy cái lưng cong với số tuổi của bà còn còng hơn nữa khi cúi xuống trên nôi. Nhưng chú bò và chú lừa thấy mà vẫn không ngạc nhiên tí nào. Và như thế kéo dài khá lâu. Rồi bà già đứng thẳng người lại như được trút khỏi một vật gì nặng kéo bà xuống đất. Đôi vai của bà không còn cong, đầu bà gần như đụng mái tranh, khuôn mặt bà đã tìm lại được cách kỳ diệu vẻ trẻ đẹp. Và khi bà rời cái nôi để ra cửa và biến mất trong đêm tối từ đó bà đã đến, cuối cùng, thì Maria thấy được món quà tặng kỳ diệu của Bà.
EVA (chính là bà già) vừa trao lại cho Hài nhi một trái táo nhỏ, trái táo của tội đầu tiên (và của bao nhiêu tội tiếp theo) – và trái táo nhỏ đó rạng sáng ở đôi tay em bé sơ sinh như quả địa cầu của một thế giới mới vừa mới sinh ra với em.”
Suy niệm:
Con Thiên Chúa đã đến trong trần gian nhưng có mấy ai nhận biết. Cụ già Simêon là người công chính và sùng đạo nên đã nhận ra Ngài chính là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại là vinh quang của Israel”. Ông thật có phúc vì được tận mắt nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa trước khi lìa đời, có lẽ vì ông là người hằng khao khát gặp Chúa, ăn ở ngay lành và sống công chính thánh thiện…, có sự thân thiện với Thiên Chúa qua đời sống tâm linh.
Mỗi Kitô hữu ngày nay muốn nhận ra Chúa, chúng ta cũng cần phải biết sống cuộc đời công chính, ước ao được gặp Chúa, lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, biết mở lòng mình ra, để Người soi sáng cho chúng ta nhận ra ánh sáng của ơn cứu độ.
Lạy Chúa, Chúa hiện diện dưới muôn ngàn dáng vẻ, qua nhiều cảnh đời, nơi những người đang cần đến con… Xin cho con nhận ra Chúa đang ở rất sâu trong tâm hồn con, để trong mọi biến cố buồn vui của đời thường Chúa luôn là đấng song hành cùng con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho